Ngày 18 tháng 6 năm 1964. Thế là đại sứ J.B. Seaborn tới Hà Nội sau biết bao nôn nóng và sau chặng dừng chân ngắn tại Phnôm Pênh và Viêng Chăn.
Chiếc ô tô màu trắng của Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Genève về Việt Nam đưa ông rời sân bay Gia Lâm. Phong cảnh ở đây khác với phong cảnh ở Canađa, thậm chí khác với phong cảnh Sài Gòn mà ông cũng mới biết lần đầu trong đời. Những thửa ruộng mới gặt kế tiếp nhau chạy vùn vụt, lửa rực cháy trên ngọn các cây phượng bên đường, một phố ngoại ô bé nhỏ và xơ xác. Tuy mới đến Hà Nội lần thứ nhất, ông nhìn phong cảnh mà không để ý lắm, vì ông đang nghĩ đến nhiệm vụ mà ông phải hoàn thành.
Tưởng cũng cần nhắc rằng sau nhiều giờ thảo luận sôi nổi, thậm chí cả những cuộc thảo luận hàn lâm về hai từ giám sát và kiểm soát, các thành viên của Hội nghị Genève về Đông Dương đã thoả thuận thành lập một Ủy ban Quốc tế có nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Genève tại mỗi nước Đông Dương. Theo sự dàn xếp được nhất trí chấp nhận, Ủy ban gồm một đại diện cho các nước xã hội chủ nghĩa là Ba Lan, một đại diện cho các nước phương Tây là Canađa và một chủ tịch là Ấn Độ, một nước lớn theo con đường hoà bình, trung lập, đại diện cho các nước đang phát triển.
Ông Seaborn đến Việt Nam lần này với tư cách đại diện cho Canađa trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam. Từ khi Hiệp nghị Genève về Việt Nam có hiệu lực và từ tháng 8 năm 1954, Uỷ ban Quốc tế bắt đầu công việc của mình, Canađa xứng đáng là đại diện cho phương Tây. Đại diện của họ ủng hộ lập trường của Chính quyền Ngô Đình Diệm. Ở miền Nam Việt Nam, họ làm ngơ trước việc nhà cầm quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ, đàn áp những người trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp và trước việc đưa trái phép vào miền Nam Việt Nam những cố vấn quân sự và vũ khí, vật tư chiến tranh của Mỹ.
Ở miền Bắc Việt Nam, họ ủng hộ việc cưỡng bức những người công giáo đi di cư vào miền Nam, cố lùng sục xem có vũ khí, đạn dược của các nước xã hội chủ nghĩa được đưa trái phép hay không. Trong các cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế họ đóng vai "người biện hộ" cho Sa tăng luôn luôn chống lại mọi quan điểm và lý lẽ của đồng sự Ba Lan, do đó gây nhiều khó khăn cho ông chủ tịch Ấn Độ.
Vốn là một tham tán của sứ quán Canađa tại Mát-xvơ-va, lần này Seaborn được giao trọng trách là trưởng đoàn Đại biểu Canađa trong Uỷ ban Quốc tế. Ông có thể hài lòng với sự bổ nhiệm đó ở một địa bàn chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ cộng sản từ vĩ tuyến 17. Nhưng suốt từ khi rời Sài Gòn cho đến lúc này, chân đã đặt trên mảnh đất Hà Nội, thủ đô Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà ông chỉ mới biết tên sau Điện Biên Phủ, ông bận tâm đến một nhiệm vụ khác mà ông có những lý lẽ riêng và lý lẽ chung để cho là quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế.
Khi ông mới được chọn vào cương vị này, ngày 1 tháng 5 năm 1964 tại Ottawa, Ngoại trưởng Mỹ D.Rusk và W.Sunivan đã cùng Thủ tướng L.Pearson và Ngoại trưởng P.Martin của Canađa bàn về nhiệm vụ đặc biệt của ông. Người ta yêu cầu ông "Lưu lại Hà Nội nhiều thời gian hơn các tiền nhiệm của ông. Ông cần tìm cách gặp được Cụ Hồ và đồng nghiệp của Cụ, báo cho họ biết một cách đầy đủ quyết tâm của Hoa Kỳ đi đến cùng trong vấn đề này". Ông biết rõ Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ chọn con đường mở rộng các hoạt động quân sự”. Trừ phi Hà Nội chấm dứt chiến tranh, nếu không Hoa Kỳ sẽ dùng không quân và hải quân đánh Bắc Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh (Xem: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tập văn kiện về thương lượng của Tài liệu Lầu Năm Góc do Gioóc-giơ. C.Hearing xuất bản, Phòng báo chí Trường Đại học Texas, Austin 1983 trang 16 và 23, sau đây gọi tắt là ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam. W.Sunivan lúc đó là Chủ tịch Liên ban công tác về Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Mỹ, sau này là Đại sứ Mỹ ở Lào và phụ tá của Kissinger).
Ngày 28 tháng 5 năm 1964, tại Niu Oóc, Tổng thống Hoa Kỳ L.B.Johnson đã gặp Thủ tướng Canađa Pearson. Nội dung cuộc trao đổi, báo chí khi đó không nói đến, nhưng chính Tổng thống Johnson sau này đã nhắc lại trong cuốn hồi ký Cuộc đời Tổng thống của tôi. Trong điện văn số 2133 gửi ngay sau đó cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết rõ ràng:
"Tổng thống đã nói với ông Pearson rằng ông muốn Hà Nội biết rằng Tổng thống, trong khi là người của hoà bình, không có ý định cho phép người Bắc Việt Nam tiếp quản Đông Nam Á. Tổng thống cần một người đối thoại tin cẩn và có trách nhiệm để chuyển cho Hà Nội một thông điệp về thái độ của Mỹ. Trong khi vạch ra những nét đại cương về lập trường của Hoa Kỳ, đã có thảo luận về củ cà rốt và cái gậy... Sau khi biểu thị lòng mong muốn đóng góp thiện chí vào cố gắng đó, ông Pearson đã bày tỏ nỗi lo ngại. về tính chất của cái gậy... Ông nói rằng ông hết sức dè dặt về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cho rằng việc tiến công trừng phạt bằng bom vào các mục tiêu có phân loại một cách rõ ràng sẽ là một việc khác... Ông nói rằng cá nhân ông muốn biết về phương sách của chúng ta để đi tới các biện pháp đó nếu thông điệp chuyển qua đường Canađa thất bại, không tạo được việc làm giảm sự xâm lược của Bắc Việt Nam, và Canađa muốn chuyển thông điệp trong bối cảnh đó" (M.M.McLear: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nhà xuất bản Thêm Me-tu-en Luân Đôn, 1982, tr.131).
Cũng trong thời gian có cuộc họp cấp cao Mỹ - Canađa tại Ottawa, W.Sunivan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Paul Martin làm việc với ông Seaborn. Ông được trao cho một đề cương những điều cần nói với Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng và được biết thêm rằng “Người Mỹ không chỉ muốn Canađa chuyển một thông điệp mà còn muốn có một sự đánh giá về mặt tình báo khả năng chiến tranh của Bắc Việt Nam" (M.M.McLear: Sđd, tr.132.).
Ông Seaborn vui lòng nhận các điều kiện làm việc và khẩn trương thu xếp công việc để đi Việt Nam. Ông cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình khi chính Tổng thống Johnson đã nói chuyện với ông trước khi ông lên đường để tỏ lòng tin cậy ông và nhấn mạnh hai nhiệm vụ chuyển thông điệp và nắm tình hình Bắc Việt Nam
Đến Sài Gòn, ông nắm thêm tình hình qua tiếp xúc với các đồng sự Ấn Độ, Ba Lan, với đại sứ Hoa Kỳ và ông phấn khởi được Hà Nội trả lời là Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ông. Ông đã được hai ngoại trưởng Dan Rusk và Martin dặn đó. Ông lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trang bị cho một bản mười ba điểm chi tiết hoá các nhiệm vụ mà ông được giao, trong đó đặc biệt có điều bốn:
"Ông Seaborn thông qua các lý lẽ, biện luận và quan sát thái độ của người Bắc Việt Nam để hình thành một sự đánh giá trạng thái tinh thần của Bắc Việt Nam. Ông cần rất nhạy bén về:
đ. Dấu hiệu về mẫu thuẫn giữa phái quân sự và phái chính trị.
Người ta còn yêu cầu ông khai thác bản chất và ưu thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam và đánh giá thực chất và ảnh hưởng của người Xô Viết. Điều mười hai còn nói: ông có thể xem lại môi tương quan về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và tài nguyên mà Trung cộng có thể sử dụng ở Đông Nam Á. (Xem G.C. Hearing: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 22.).
Seaborn cần vạch rõ qua kiểm tra xem có phải cụ Hồ Chí Minh tự đánh giá mình quá cao mà lao vào cuộc chiến hay Cụ cảm thấy rằng đồng minh Trung Quốc sẽ ủng hộ mình đến cùng. Chúng ta cần biết có phải quyết tâm hăng say hiện nay của Cụ là do áp lực của những phần tử thân Trung Quốc trong hàng ngũ Việt Nam hay do chính những tham vọng của Cụ thúc ép. Nhà báo M.Mclear gọi nhiệm vụ của ông Seaborn là một nhiệm vụ chủ yếu mang tính chất gián điệp" (M.M.Mclear: Sđd, tr. 137-138.).
Washington ngoài cái gậy còn trao cho ông một củ "cà rốt":
Nếu Hà Nội chấm dứt chiến tranh Hoà Kỳ sẽ:
Một: Hành động để nối lại buôn bán giữa Bắc và Nam Việt Nam “giúp vào việc thiếu lương thực của Bắc Việt Nam hiện nay”.
Hai: Viện trợ thực phẩm cho Bắc Việt hoặc bán cho Bắc Việt lấy tiền địa phương.
Ba: Bỏ sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với tích sản của Bắc Việt Nam và giảm kiểm soát của Hoa Kỳ trong buôn bán Hoa Kỳ - Bắc Việt Nam.
Bốn: Thừa nhận Bắc Việt Nam về ngoại giao và trao đổi đại diện ngoại giao.
Năm: Rút quân đội Hoa Kỳ xuống còn ba trăm năm mươi cố vấn, số lượng khi ký Hiệp nghị Genève và được Hiệp nghị này cho phép.
Sáu: Sẽ cho phép Hà Nội rút bất kỳ nhân viên Việt Cộng nào muốn rời khỏi Nam Việt Nam... Chính phủ Nam Việt Nam sẽ ân xá cho các phiến quân thôi không chống lại quyền lực của Chính phủ (Xem G.C.Heanng: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 23.).
Ông vững lòng lên đường ra Hà Nội và lúc này đây, khi đang leo những bậc thềm đá cao của Phủ chủ tịch, ông càng vững lòng, tuy không khỏi một chút phân vân về kết quả chuyến công cán.
Thượng tá Mai Lâm, Phó trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Uỷ ban Quốc tế, đón ông ở bậc cuối cùng với nụ cười hữu nghị. Hai người rẽ về bên phải tới phòng khách phía Tây, nơi Thủ tướng thường tiếp các đại sứ.
Ông Seaborn hơi bối rối trước sự giản dị của phòng khách và nhất là trước sự khiêm tốn niềm nở của một nhà chính trị lớn, một nhà ngoại giao có tiếng luôn luôn biểu lộ một sắc thái phương Đông.
Sau những lời chúc mừng và thăm hỏi lễ tân, ông Seaborn bày tỏ niềm vui mừng được thay mặt nước ông làm việc trong Uỷ ban Quốc tế vì hoà bình ở Đông Dương và khu vực. Ông nói những đóng góp của Canađa trong Uỷ ban Quốc tế và nếu những điều ông mới được biết về những khó khăn mà Uỷ ban Quốc tế nói chung, đoàn Canađa nói riêng, đang gặp phải trong lúc này và nói tiếp:
“Canađa luôn luôn quan tâm theo dõi sự phát triển ở vùng này và thấy rằng tình hình ngày càng nghiêm trọng. Canađa quan tâm đến hoà bình và mong muốn đóng góp cố gắng của mình theo hướng đó".
“Thưa Ngài Thủ tướng, Ngài biết quan hệ giữa Canađa và Hoa Kỳ là hữu nghị và rất chặt chẽ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu một cách sâu sắc những suy nghĩ của Hoa Kỳ, rằng Tổng thống Johnson là con người của hoà bình. Ông ta muốn tránh một sự đụng độ giữa các cường quốc lớn nhưng cũng quyết tâm không để Đông Nam Á rơi vào sự kiểm soát của cộng sản thông qua các hoạt động lật đổ và chiến tranh du kích".
Đến đây ông dừng lại - một cái dừng lại đầy kịch tính - và xin phép chuyển một thông điệp của Chính phủ Hoa Kỳ cho Chính phủ Việt Nam. Ông lại dừng lại nhìn Thủ tướng - một cái dừng của người tình báo để đó xét.
Về phía Thủ tướng; không một dấu hiệu nào phản đối hay khước từ. Ông Seaborn đọc một bản đánh máy:
Một: Hoa Kỳ biết rõ là Hà Nội nắm quyền kiểm soát đối với Việt cộng ở miền Nam Việt Nam và đó là nguyên nhân gây ra tình hình nguy hiểm hiện nay trong khu vực này;
Hai: Hoa Kỳ có lợi ích phải chống đối lại một thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam;
Ba: Hoa Kỳ quyết tâm kiềm chế Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong phạm vi lãnh thổ do Hiệp nghị Genève quy định;
Bốn: Hoa Kỳ bảo đảm với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Hoa Kỳ không tìm cách lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoặc đặt căn cứ quân sự ở Nam Việt Nam;
Năm: Tham vọng của Hoa Kỳ là có giới hạn nhưng sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã trở nên hết sức mỏng manh;
Sáu: Nhiều nước cộng sản đã được lợi về kinh tế do có quan hệ chung sống hoà bình với Hoa Kỳ như Nam Tư..."
Ông Seaborn nhấn mạnh rằng ông lo sợ một sự leo thang chiến tranh và nghĩ rằng điều đó chẳng có lợi cho ai "nếu Bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề".
Cuối cùng, ông hỏi Hà Nội có thông điệp gì muốn chuyển cho Tổng thống Johnson.
Từ đầu, Thủ tướng chăm chú nghe ông Seaborn trình bày, không một lần ngắt lời ông, cũng không lúc nào tỏ ra đồng tình hay chấp nhận những lời ông nói.
Khi nghe ông đại sứ hỏi có thông điệp gì chuyển cho Tổng thống Hoà Kỳ không, Thủ tướng liền trả lời:
- Không! Không! Lúc này không!
Và nói tiếp :
Chúng tôi vui mừng được thấy Canađa trong Uỷ ban Quốc tế. Chính phủ chúng tôi và bản thân tôi có quan hệ tốt, hợp tác với Uỷ ban Quốc tế cũng như với Canađa trong mười năm qua vì chúng tôi thi hành Hiệp nghị Genève đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Nhưng người Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, cản trở sự thống nhất đất nước Việt Nam. Họ đã thất bại trong chính sách phiêu lưu của họ nhưng hiện nay họ đang đẩy sự can thiệp đầy tội ác, vô cùng nguy hiểm lên một bước mới, gây nên tình hình rất nghiêm trọng ở Đông Nam Á.
Chúng ta phải học tập để cùng tồn tại trong hoà bình, tìm ra một giải pháp cho vấn đề đã làm tổn hại chúng ta, nhưng đó phải là một giải pháp đúng đắn! Phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp nghị Genève! Người Mỹ phải rút đi! Phải để công việc của miền Nam Việt Nam cho người Việt Nam giải quyết! Việc này cần có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, không có nhóm nào đại diện cho quyền lợi của quảng đại quần chúng miền Nam Việt Nam như Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Cần có một giải pháp đúng đắn cho vấn đề thống nhất nước Việt Nam. Chúng tôi muốn thống nhất đất nước một cách hoà bình, không có áp lực bên ngoài. Chúng tôi muốn có thương lượng quanh bàn Hội nghị một cách thành thật, thoả mãn yêu cầu của nhau với sự thu xếp thuận lợi cho cả hai bên. Chúng tôi không vội vã. Chúng tôi muốn nói chuyện nhưng chúng tôi sẽ chờ đợi cho đến khi miền Nam Việt Nam sẵn sàng. Tôi thấy đó là điều khó chấp nhận đối với Hoa Kỳ. Tôi thấy rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Chính phủ miền Nam Việt Nam. Họ có thể đưa thêm nhiều nhân viên quân sự nữa vào. Tôi rất đau lòng khi thấy chiến tranh sẽ tiếp diễn, mở rộng và tăng cường. Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu và nhất định sẽ thắng!”
Thủ tướng từ từ uống một ngụm nước chè rồi nói tiếp:
- Các ông phương Tây, các ông không thể hiểu, hoàn toàn không thể hiểu, sức mạnh của một dân tộc khi họ đã quyết tâm đứng lên kháng chiến vì độc lập và tự do của Tổ Quốc. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chúng tôi vượt xa mọi sự tưởng tượng. Họ làm cho cả chúng tôi phải ngạc nhiên.
Ông hãy nhìn lại tình hình miền Nam Việt Nam từ sau khi ám sát Diệm. Phong trào đấu tranh của nhân dân đã phát triển mạnh như một dòng thác lũ. Triển vọng cho Hoa Kỳ là không có lối ra. Tăng cường quân sự cho Nguyễn Khánh sẽ chẳng giúp được gì. Nhân dân miền Nam Việt Nam đã quá rõ bộ mặt của chúng, cần có một Chính phủ liên hợp dân tộc. Chính phủ liên hợp dân tộc ở Lào là một ví dụ. Chúng tôi không có quân ở Lào nhưng Hoa Kỳ đã can thiệp vào. Hàng ngày máy bay Mỹ từ hướng Lào sang xâm phạm vùng trời chúng tôi. Những đơn vị biệt kích đã thâm nhập lãnh thổ chúng tôi đế tiến hành phá hoại.
Thủ tướng nhấn mạnh:
- Nếu Hoa Kỳ tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì sẽ là một cuộc chiến đấu quyết liệt đến cùng, Hoa Kỳ không bao giờ giành được thắng lợi bất cứ trong tình huống nào.
Thủ tướng nhắc lời của nhà báo Mỹ Walter Lipmann: Mỹ chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Đại sứ Seaborn hứa sẽ chuyển về Washington những điều nói trên.
Thủ tướng:
- Ông có thể không tin những điều tôi nói, nhưng tôi bảo đảm với ông những gì tôi nói đều xuất phát từ lòng chân thành và thẳng thắn.
Ông Seaborn:
- Như Ngài vừa nói, có phải một điều kiện để lập lại hoà bình là trước hết miền Nam Việt Nam phải trung lập không?
- Không - Thủ tướng ngắt lời đại sử - Tôi không nói đến vấn đề trung lập như là bước đầu tiên. Miền Nam Việt Nam trung lập bao nhiêu lâu là do nhân dân miền Nam quyết định. Tôi không dự đoán!
Ông Seaborn:
- Mặt trận Dân tộc Giải phóng đại diện cho một lực lượng ở miền Nam Việt Nam nhưng không phải là tất cả và cũng không phải là đa số. Tôi hoan nghênh Mặt trận sẽ được tham gia vào một liên hiệp sẽ xuất hiện, nhưng tôi sợ rằng việc liên hiệp sẽ sớm mở đường cho Mặt trận tiếp quản Nam Việt Nam, điều đó đã xảy ra ở một vài nơi.
Thủ tướng không trả lời câu này và có ý định chuyển câu chuyện sang hướng khác. Thủ tướng nói:
- Tôi vui mừng qua thông điệp của Hoa Kỳ thấy Hoa Kỳ không có ý định đánh chúng tôi.
Ông đại sứ nói ngay:
- Hoa Kỳ không muốn đưa chiến tranh ra Bắc Việt nhưng sẽ bị buộc phải làm việc đó nếu bị đẩy quá xa. Sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ không phải là không có giới hạn.
Chậm rãi, Thủ tướng nói:
- Nếu chiến tranh bị đẩy ra miền Bắc Việt Nam, miền Bắc sẽ chiến đấu. Chúng tôi có các bạn bè của chúng tôi. Ông biết đấy, chúng tôi là một nước xã hội chủ nghĩa, là một thành viên trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân chúng tôi sẽ đứng lên tự vệ. Chúng tôi không có hành động gì đẩy Hoa Kỳ đi vào con đường đó, chúng tôi không khiêu khích Hoa Kỳ.
Đại sứ Seaborn xin cáo từ. Thủ tướng nói thêm:
- Tôi chờ đợi có cuộc nói chuyện thêm nữa với ông đại sứ. Lần sau ông sẽ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần này Người đi nghỉ. Người có gửi lời chào ông.
Chuyến công cán của ông Seaborn tại Hà Nội theo yêu cầu của Washington đã hoàn thành, ông Seaborn trở về ngay Sài Gòn. Tại đây ông đã làm báo cáo gửi đồng thời cho Ottawa và Washington. .
Cuộc nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng được tường thuật rất đầy đủ.
Khi nói về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Seaborn viết: "Ông Phạm Văn Đồng trong suốt câu chuyện đã cố gắng gây cảm giác thành thật, nhận thức tính nghiêm trọng của những điều chúng ta đã thảo luận, và không có gì tỏ ra hung hăng và hiếu chiến” .
Khi nói về ý kiến của những người ông đã gặp ở Hà Nội, ông viết: Không một người Việt Nam nào tôi đã gặp nói đến Liên Xô và Trung Quốc. Ông Đồng chỉ nói một cách gián tiếp rằng nước ông là thành viên của nhóm nước xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ khả năng Hoa Kỳ đưa chiến tranh ra miền Bắc".
Người Pháp cho tôi biết rằng Bắc Việt Nam lo ngại về một sự chia rẽ hoàn toàn giữa Liên Xô và Trung Quốc làm cho họ rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc, điều mà họ hết sức chống lại càng lâu được chừng nào càng tốt”
Về sự chia rẽ trong nội bộ Bắc Việt Nam, Seaborn nhấn mạnh tính ôn hoà trong lời nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông nói: Cụ Hồ Chí Minh có uy tín vô cùng to lớn và được sùng bái như một vị á thánh, đứng trên mọi phe phái. Các đại diện
không cộng sản ở Hà Nội chống lại ý kiến cho rằng có thể có phe có nhóm ở Hà Nội. Họ thấy lòng tự hào dân tộc rất cao trong những lời tuyên bố dứt khoát của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và trong lời kêu gọi tự lực tự cường của Hà Nội.
Về tình trạng có dấu hiệu mỏi mệt vì chiến tranh hay không, Seaborn cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu đó, và rõ ràng mọi người Việt Nam đều nhấn mạnh quyết tâm chiến đấu chừng nào còn cần thiết. Cũng không thấy người dân ở Bắc Việt buồn hay lo lắng như người Nam Việt Nam. Các sĩ quan Canađa trong tổ (của Uỷ ban Quốc tế ở địa phương) cũng không thấy một bằng chứng nào về sự bất bình trong nhân dân (M.M.Mclear: Sđd, tr 147-148.).
Chuyển được thông điệp của Nhà Trắng cho lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, biết được câu trả lời trước mắt của Hà Nội đối với thông điệp của Washington, nắm được tinh thần người dân Bắc Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh lớn có thể xảy ra, có những tin tức đầu tiên về quan hệ của Bắc Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, đó là những kết quả của chuyến công cán đầu tiên của đại sứ Seaborn tại Hà Nội. Chuyến đi này được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao, vì đây là người đầu tiên của Mỹ sau gần hai mươi năm được trực tiếp nói chuyện với những nhà lãnh đạo Hà Nội để tìm hiểu tình hình chiến lược theo yêu cầu của Mỹ.
Trong bản báo cáo gửi Ottawa và Washington sau chuyến công cán đầu tiên tại Hà Nội, ông J.B.Seaborn đã ngỏ ý muốn được tiếp tục nhiệm vụ liên lạc với Hà Nội và sẽ "hoan nghênh bình luận của Bộ Ngoại giao Canađa và của Washington về bất kỳ gợi ý nào cho cuộc nói chuyện lần sau”
Nhưng trong chuyến máy bay riêng của Uỷ ban Quốc tế ra Hà Nội ngày 10 tháng 8 năm 1964, ông suy nghĩ và thấy sự việc chuyển biến quá nhanh.
Ngày 2 tháng 8 năm 1964, tàu khu trục US Maddox của Hải quân Hoa Kỳ bắn phá hai đảo Hòn Mê, Hòn Ngư của Bắc Việt Nam.
Ngày 4 tháng 8, hai tàu khu trục US Maddox và C.TurnerJoy thuộc phân đội đặc nhiệm 72.1 bị tàu phóng ngư lôi của hải quân Bắc Việt Nam chặn đánh trong lãnh hải Việt Nam.
Ngày 5 tháng 8, máy bay Mỹ ném bom trả đũa vào các căn cứ Hải quân Bắc Việt Nam.
Ngày 7 tháng 8, Quốc hội Mỹ, với tuyệt đại đa số phiếu (chỉ có hai phiếu chống), thông qua một nghị quyết về "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" cho phép Tổng thống "thi hành mọi biện pháp cần thiết bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang" để giúp đỡ thành viên nào hoặc các nước bảo vệ của tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ bảo vệ tự do.
Theo yêu cầu gấp rút của Mỹ, Seaborn lại ra Hà Nội gặp các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam.
Hà Nội nhộn nhịp chuẩn bị đi vào chiến đấu: đường phố bắt đầu có những ụ súng phòng không, những hố cá nhân, những hầm trú ẩn công cộng, nhà ga, bến xe chật ních phụ nữ, trẻ em đi sơ tán. Một không khí nghiêm trang nhưng không hốt hoảng. Tác động trực tiếp của tình hình mới đối với ông là lần này ông không được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp ngay như lần trước, mà phải đợi đến ngày 13 tháng 8.
Khi ông tới Phủ chủ tịch, Thủ tướng đang đợi ông. Ông xin lỗi về sự chậm trễ do có báo động và đi ngay vào câu chuyện. Ông xin phép được chuyển tới Thủ tướng một thông điệp của Hoa Kỳ theo chỉ thị của Chính phủ Canađa. Thủ tướng im lặng, vẫn bình tĩnh, lịch sự.
Ông đại sứ đọc một bản viết:
"Một: Bắc Việt Nam nói tàu chiến Mỹ bắn phá đảo Hòn Ngư và đáo Hòn Mê là không đúng. Sự thật tàu US Maddox không hề tấn công hai đảo đó, vì lúc sự việc xảy ra cũng như ngày hôm sau, nó ở cách xa đấy một trăm hải lý về phía Nam, gần vĩ tuyến 17. Cuộc tấn công của Bắc Việt ngày 2 tháng 8 Chính phủ Hoa Kỳ có thể chấp nhận được là do tính toán sai.
Hai: Nhưng lý do của cuộc tấn công của Bắc Việt đêm 4 tháng 8 vào hai tàu khu trục Mỹ thì không thể hiểu được. Chỉ có thể coi đó là một cuộc tấn công có tính toán trước. Cuộc công kích xảy ra một cách vô cớ cách bờ biển sáu mươi hải lý. Chỉ có thể coi đó là một mưu toan nhằm chứng minh rằng Mỹ là con hổ giấy hoặc khiêu khích Mỹ.
Ba: Hoa Kỳ đã trả lời bằng cuộc bắn phá tàu ngư lôi cùng căn cứ và thiết bị của nó. Đó là cuộc đánh trả hạn chế và thích đáng Chính sách của Hoa Kỳ là yêu cầu Bắc Việt phải hạn chế tham vọng của mình ở Nam Việt Nam. Hoa Kỳ quyết tâm giúp Nam Việt Nam chống xâm lược và lật đổ. Hoa Kỳ không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở miền Nam hoặc lật đổ Chính phủ Hà Nội.
Bốn: Hoa Kỳ biết rõ Hà Nội đang lãnh đạo du kích ở miền Nam và phải chịu trách nhiệm về việc đó. Hà Nội cũng kiểm soát cả Pa thét Lào và can thiệp vào Lào.
Năm: Hoa Kỳ duy trì quan hệ bình thường và có nhiều kết quả với một số nước xã hội chủ nghĩa. Các nước đó được lợi về mặt kinh tế do có quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ.
Sáu: Sau những sự kiện xảy ra, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua quyết định hầu như nhất trí tán thành các biện pháp của Chính phủ Hoa Kỳ. Điều đó chứng tỏ Chính phủ và nhân dân Mỹ kiên quyết chống lại các cố gắng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm lật đổ Chính phủ Nam Việt Nam và Chính phủ Lào. Hoa Kỳ cho rằng vai trò của Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam và Lào đã làm cho tình hình trở nên nguy kịch”
Theo cách ông đọc thì hình như thông điệp đó đến đây là hết. Nhưng sau này, khi các tài liệu của Lầu Năm Góc được công bố, người ta mới biết là ông ta, không hiểu vì sao, đã không đọc một đoạn nữa như sau: “Nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp tục đường lối hiện nay thì họ có thể tiếp tục phải chịu những hậu quả.Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần biết mình phải làm gì nếu muốn hoà bình được lập lại" (Tài liệu Lầu Năm Góc, thời báo New York xuất bản, 1971, tr. 289.).
Ông Seaborn chờ đợi, mắt chợt thấy các cửa kính của phòng khách đều có dán những mảnh giấy cắt để đề phòng bom nổ gần. Thủ tướng không để ông chờ lâu:
“Tôi rất tiếc đã tiếp ông vì những lời ông nói không đáng nghe. Tôi tiếp ông là tiếp một đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế chứ không phải để nghe và trả lời những luận điệu giả dối và bịa đặt. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quan hệ hết sức tốt với Uỷ ban Quốc tế. Tình hình đang nguy kịch, đáng lẽ phải cộng tác với nhau để làm được một cái gì, Uỷ ban Quốc tế và mỗi thành viên của nó cần giúp sức vào việc thi hành Hiệp nghị Genève, duy trì hoà bình. Hoà bình đang bị đe doạ. Mỹ có hành động xâm lược đối với miền Bắc là điều nhất định sẽ xảy ra. Các chính khách Mỹ đã nhiều lần tuyên bố mở rộng chiến tranh ra miền Bắc đề gỡ thế bí ở miền Nam. Đó là nguyên nhân của cuộc tấn công ngày 5 tháng 8. Cuộc bầu cử (ở Hoa Kỳ) là lý do thứ hai, Johnson phải tỏ ra cao giọng hơn đối thủ của mình. Và lý do nữa: Hoa Kỳ muốn Quốc tế hoá chiến tranh".
Một phút dừng. Thủ tướng nói tiếp:
“Tương lai sẽ ra sao?”.
Rồi nói ngay: “Nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công ngày 5 tháng 8 vẫn còn nguyên, do đó Chính phủ Mỹ sẽ có những hành động xâm lược mới. Tình hình đã rất nguy hiểm”.
“Chủ trương của chúng tôi là làm mọi việc để cố duy trì hoà bình nhưng Hoa Kỳ đã không tán thành Hiệp nghị Genève, can thiệp và xâm lược miền Nam, đến nay sa lầy vào thế bí, không có lối thoát, lại muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc để gỡ thế bí đó. Đó là một tính toán sai lầm. Chúng tôi muốn duy trì hoà bình ở miền Bắc, bây giờ việc đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu Mỹ gây chiến tranh, chúng tôi buộc phải tự vệ. Chiến tranh có thể xảy ra. Cuộc chiến đấu của chúng tôi là yêu nước. Cả thế giới ủng hộ chúng tôi...".
Với giọng nghiêm nghị, Thủ tướng nói tiếp:
“Khác với Triều Tiên là một bán đảo khuất nẻo, nếu chiến tranh lan ra miền Bắc Việt Nam, có thể sẽ lan ra cả vùng Đông Nam Á. Nếu Mỹ gây chiến, Mỹ sẽ thất bại to lớn, không có kết quả nào khác".
“Với ông, một Đại biểu trong Ủy ban Quốc tế, yêu cầu ông tìm cách ngăn ngừa không để xảy ra những sự kiện nghiêm trọng hơn. Tình hình đã quá nghiêm trọng rồi. Uỷ ban Quốc tế có nhiệm vụ ổn định tình hình để đi đến một giải pháp, giải pháp đó là trở lại Hiệp nghị Genève. Tổng thống De Gaune cũng cho rằng giải pháp cho vấn đề Việt Nam là Hiệp nghị Genève. Ủy ban Quốc tế có vai trò quan trọng, cần chuẩn bị cho vai trò đó, không phải bằng cách đi theo lập trường của Hoa Kỳ mà theo lập trường của Hiệp nghị Genève”.
Thấy Thủ tướng dứt lời, đại sứ Seaborn nói ngay:
“Tôi xin lỗi phải làm nhiệm vụ theo chỉ thị của Chính phủ tôi. Vai trò trung gian là vai trò nhiều khi bạc bẽo vì phải nói những điều khó lọt tai người nghe, nhưng đã là người lính thì phải làm đúng chỉ thị. Thưa Thủ tướng không nên bắn vào người đưa thư."
“Trong những sự kiện đã xảy ra cũng có những chi tiết khó tin nhưng điều quan trọng là tìm ra được cách không để tình hình nguy hiểm tái diễn. Có một điều tôi tin là Hoa Kỳ không muốn đầu độc bầu không khí, không để xảy ra chiến tranh thế giới và cũng không phải là điên rồ”.
Về cuộc công cán thứ hai, đại sứ Seaborn nhận xét: "Tôi dè dặt mà nói rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước những tuyên bố công khai (của Mỹ) và các cuộc vận động bằng các công hàm mà tôi đã chuyển, đã không bị thuyết phục..." phải từ bỏ quyết tâm trong việc theo đuổi đường lối của họ.
Sau này, khi cục diện chiến tranh đã thay đổi thuận lợi rõ ràng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông còn nói:
“Sau chuyến công cán thứ hai sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ - một sự kiện lạ lùng - Hà Nội tin một cách chính đáng rằng họ không cần phải nhượng bộ. Hà Nội có lý do để tỏ ra không mềm dẻo. Họ hoàn toàn tin chắc rằng nếu họ giữ thái độ cứng rắn càng lâu bao nhiêu thì họ sẽ tạo ra được những khả năng mà họ mong muốn và lịch sử đã chứng minh rằng họ đúng" (M.MMcLear: Sđd tr.162).
Trong một bị vong lục về chuyến .công cán thứ hai của ông Seaborn tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viết: “Đây là thời cơ thứ hai bị bỏ lỡ. Nội dung thương lượng của chuyến công cán đã bị cản trớ hoàn toàn do thời điểm sắp xếp nó và do việc tập trung vào các sự kiện mới xảy ra trước đó hơn là vào các vấn đề rộng rãi đã được đề cập đến một cách xa xôi trong cuộc gặp gỡ tháng 6" (M. M. McLlear: Sđd, tr.162-16 3.Xem thêm: Gioóc-giơ C. Hearing: Sđd Công cán của Xi-bo-nơ tại Hà Nội. Từ trang 4 đến trang 44) .
Về phần mình, Tổng thống L.B.Johnson cho rằng hai chuyến công cán của đại sứ Seaborn là những gợi ý hoà bình đầu tiên của mình và ông đã yêu cầu ông Seaborn thăm đó "cơ hội hoà bình". Sau chuyến công cán thứ hai, ông viết trong hồi ký "Cuộc đời Tổng thống của tôi ":
“Hà Nội không quan tâm gì đến một giải pháp hoà bình hay một sự thoả hiệp nào. Họ đã đóng sầm cánh cửa đối với đề nghị hoà bình của Hoa Kỳ. Và sau chuyến công cán tháng 8 của ông Seaborn., họ càng đóng cánh cửa một cách gay gắt hơn" (L.B.Johnson: Cuộc đời Tổng thống của tôi, tiếng Pháp, Nhà xuất bản Buchet Chastel, Paris, 1972, tr. 91).
Bộ Ngoại giao Mỹ nói đúng khi cho rằng Washington đã bỏ lỡ một thời cơ thương lượng, nhưng đã nói không đúng khi cho rằng nguyên nhân thất bại của chuyến công cán tháng 8 của đại sứ Seaborn là thời điểm, nghĩa là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, vì đó là bằng chứng không thể chối cãi rằng sự kiện đó là nhằm chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng và tăng cường chiến tranh.
Nhận xét của Tổng thống Johnson hoàn toàn không đúng sự thật, vì cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã được xác minh là một sự kiện được dựng lên, một sự dối trá, nhiệm vụ giao cho đại sứ Seaborn tại Hà Nội sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc ném bom ngày 5 tháng 8 thực chất chỉ là sự hăm doạ tăng cường chiến tranh, không thể gọi là một gợi ý hoà bình. Chính bom Mỹ đã bịt cánh cửa thương lượng với Hà Nội.