Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Tổng thống Hoa Kỳ tại Hà Nội
Tôi thoáng lúng túng… Bởi anh Bảy Phúc muốn biết thêm thông tin về GS Nguyễn Tiến Hưng.
Nghĩ thời gian trao đổi trên điện thoại ngắn nên tôi chỉ có ngỏ với anh Bảy Phúc với tư cách một bạn đọc chứ không phải với cương vị Chủ tịch nước rằng nếu anh có thời gian thì cố gắng tiếp cận với mấy tác phẩm Hồ sơ mật Dinh độc lập, Khi Đồng minh nhảy vô, khi Đồng minh tháo chạy, Tâm tư Tổng thống Thiệu của GS Nguyễn Tiến Hưng. Tác giả này đương ngỏ nhiều cánh cửa, nhiều góc độ hấp dẫn cho các chính khách, nhà văn nhà báo nhà nghiên cứu sử và bạn đọc… tiếp cận.
Và trên điện thoại, tôi cũng nhiệt thành đồng cảm với vị Chủ tịch nước khi ông ngỏ sự biết ơn những người thầy giáo như GS-TS Nguyễn Tiến Hưng đã có công đào tạo dìu dắt các thế hệ học trò trong số đó có những người như Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, như Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN Việt Nam.
Còn bao điều đương muốn ngỏ với không riêng anh Bảy mà nhiều bạn đọc khác. Như chuyện mới nhất đầu năm 2021, GS Hưng có công trình Việt Nam có là nước thao túng tiền tệ - nhận xét về báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Đó là một cú hích, một tiếng nói kịp thời để Bộ Tài chính Hoa Kỳ (từng đệ trình lên Quốc hội Mỹ xếp Việt Nam và Thụy Sỹ là hai quốc gia thao túng tiền tệ) phải rút bỏ quyết định ấy! Có thể coi đó là một điểm son cho Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 100 ngày đầu tiên của Chính phủ mới với sự kiện Hoa Kỳ chấp thuận gỡ nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ mà chính quyền của Tổng Thống Trump đã đưa ra trước đó.
GSTS Nguyễn Tiến Hưng
Một thầy Hưng luôn nghiêm cẩn, phép tắc chẳng hạn! Thời gian GS Hưng thực thi việc đào tạo cho lớp cán bộ nguồn ở Hà Nội, một buổi sáng nọ, ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới làm việc với GS Hưng. Một vị cùng dự cuộc ấy sau này đã kể lại với tôi, có một thoáng quá đỗi ngạc nhiên khi chứng kiến hai người đang chuyện trò tương đắc như thế, GS Hưng bất ngờ bật lên cụm từ Thưa Tổng thống… làm ông Sáu bật cười!
Nhầm! Tất nhiên theo một phản xạ cũ. Nhưng nó cũng phát lộ cung cách ứng xử của GS. Bất giác nhớ lại GS Hưng có chi tiết trong cuốn Khi Đồng minh tháo chạy… Rằng năm 1973, khi GS Hưng mới về giúp nước, ông Thiệu bao giờ cũng xưng ông với GS mặc dầu khi ấy GS mới ba mấy. Còn cụm từ Thưa Tổng thống thì luôn thường trực mỗi khi GS Hưng gặp. Cụm từ ấy quen và bền mãi về sau này dẫu TT Thiệu đã đổi từ lâu cách xưng hô anh, tôi. Kể cả vị thế ông Thiệu sau này đã khác.
Và bây giờ anh Sáu Dân, lúc đầu thì giáo sư sau là anh. GS Hưng cứ một hai thưa Thủ tướng như thế…
Một dịp khác có lẽ phải sẻ chia với bạn đọc cái tấm tình mến trọng tài năng của ông Sáu Dân với GS Hưng bất biết những xì xào này khác rằng GS Hưng từng là thứ… dữ của chính quyền Sài Gòn. Rồi ông Sáu nghe được, cười cười mà ổng đúng là thứ dữ thiệt đó chớ?
Không chỉ với GS-TS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy tại các trường đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan, đóng vai trò kinh tế gia tại IMF, WB mà với nhiều trí thức của chế độ cũ, ông Sáu Dân cũng lấy thái độ ấy ra mà đãi họ.
Vợ chồng Phó Tổng thống Hoa Kỳ
Duyên da màu
Trên cả cẩn trọng là tự trọng.
Lấy bằng Tiến sĩ kinh tế ở Đại học Virginia từ năm 1965 và có hơn 10 năm TS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy ở nhiều trường ĐH Hoa Kỳ. Khó biết cơ duyên nào đầu những năm 80 dẫn ông đến Đại học Howard ở thủ đô WashingtonDC, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ người Mỹ gốc Phi nhất ở Hoa Kỳ?
Có lẽ niềm tin ở những giá trị nhân văn và tự tôn phẩm giá. Trước Chúa, trước Thượng đế, mọi người đều bình đẳng mà vị TS người Công giáo Nguyễn Tiến Hưng đã tự tin đứng ở bục giảng nhiều năm ở ngôi trường danh giá mà Howord luôn được coi là Havard của người da màu.
Ngôi trường được mang tên danh tướng thời nội chiến Hoa Kỳ, Thiếu tướng Howard (sinh 1830 - mất 1909), là một người theo chủ nghĩa bãi nô. Sống đời sống dân sự hay quân sự, ông không lúc nào lơi lỏng việc khởi xướng tích cực tham gia các chương trình xã hội như giáo dục, chăm sóc y tế và phân phối thực phẩm… với mục đích thúc đẩy việc hòa nhập những người trước đây ở thân phận nô lệ vào cộng đồng.
Mới tháng trước, cuốn “The Truths We Hold” (Sự thật ta nắm giữ) tác giả là Kalama Harris, Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã được dịch ra tiếng Việt. Từ khi bà trở thành Phó Tổng thống, những cuốn bà viết đặc biệt cuốn sách trên là một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2020.
Một chút trích ngang, tóm tắt.
Có một đôi trai tài gái sắc da màu dòng dõi dân nhập cư. Chàng là nhà kinh tế gốc Jamaica, từng tốt nghiệp ĐH Standford. Mẹ là nhà nghiên cứu về ung thư, gốc Ấn Độ, tốt nghiệp ĐH California.
Mùa thu năm 1962, cô sinh viên Shyamala lần đầu gặp chàng trai Donald Harris tại một cuộc hội thảo dành cho sinh viên. Năm 1963, họ kết hôn. Năm 1964, cô con gái đầu lòng Kalama Harris ra đời.
Có lẽ cô con gái Harris có mối quan tâm và có năng khiếu về Kinh tế học là do ảnh hưởng từ cha mình, ông Donald Haris, vị Giáo sư da đen đầu tiên được chính thức biên chế tại Khoa kinh tế trường ĐH Standford danh giá (để được bổ nhiệm theo quy chế này, các ứng viên phải có thành tích khoa học dày và uy tín cao).
Năm 1958, từ Ấn Độ, bà Gopalan Shyamala, mẹ Harris, giành học bổng Chương trình Thạc sỹ về nội tiết học và dinh dưỡng tại ĐH California, Berkeley danh giá. Bà tốt nghiệp Tiến sỹ Khoa học cùng lĩnh vực vào năm 1964.
Bà là thành viên hội đồng thẩm định của Viện Y tế quốc gia, Ủy ban Cố vấn Liên bang. Bà cũng phục vụ trong Ủy ban đặc biệt của Tổng thống về Ung thư vú…
Đầu những năm 1970, họ ly hôn. Nhưng biến cố ấy không làm chệch chí hướng của vợ chồng lẫn con cái. Việc học hành vẫn tấn tới. Shyamala vẫn thường đưa các con gái về thăm ông bà ngoại tại Chennai.
Bà Shyamala mất năm 2009 vì bệnh ung thư. Cuối năm 2009, đích thân Kamala Harris đưa tro cốt của mẹ về Chennai và rải tro xuống Ấn Độ Dương.
Sau khi học tiểu học tại Berkeley, California, và trung học tại Montreal, mùa thu năm 1982, cô Harris lựa chọn ĐH Howard và mong muốn trở thành một luật sư.
“Khi đặt chân vào ngưỡng ĐH, tôi muốn bắt đầu thành công từ bước đi đúng đắn” bà viết trong cuốn sách “The Truths We Hold” (Sự thật ta nắm giữ ). “Và có nơi nào tốt hơn để làm điều đó ngoài ngôi trường mà Thurgood Marshall đã học?” (Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được bổ nhiệm làm thành viên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ).
Harris tốt nghiệp Đại học Howard năm 1986 với bằng Cử nhân Nghệ thuật trong cả khoa học chính trị và kinh tế.
Sau này bà trở thành luật sư, Thượng nghị sĩ rồi Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Rồng về Bể Đông
Hàng năm Howard, ngôi trường mà GS Hưng dạy có trên 10.000 sinh viên, bao gồm 7.000 sinh viên bậc đại học theo học. Sẽ là rất khó để một GS như Nguyễn Tiến Hưng nhớ được một học trò cụ thể nào đó? Nếu có biết, có rành thì học trò ấy phải thuộc loại đặc biệt?
Qua kênh mấy người thân quen trong đó có một học trò người Việt của GS Hưng, tôi được biết một chuyện.
Thời điểm Kalama Harris trở thành Phó Tổng thống, bạn bè người quen phát hiện ra vị ấy từng là học trò của GS-TS kinh tế Nguyễn Tiến Hưng ở Howard khóa 1982-1986.
Hỏi GS Hưng thì thầy chỉ cười cười… Không khẳng định cũng chả phản đối. Gạn mãi, trước khi lảng sang chuyện khác, thầy chỉ vắn tắt đại loại. Mình hơn 40 năm dạy học rồi. Tuổi đã cao, trí nhớ kém. Vả chăng cái nghề dạy học, như người chèo đò chở bao nhiêu các thế hệ học trò qua sông đời. Người Việt mình còn có câu, khách nhớ nhà hàng chứ chắc gì nhà hàng đã nhớ khách?
Nhưng với ông bạn của tôi, thầy bộc bạch nhưng cũng chỉ sơ sơ. Ấy là thầy chỉ nhớ mang máng (thầy Hưng còn cẩn thận dùng chữ remember vaguely) thôi! Bởi cô trò Harris - Kamala Harris khá là thông minh, thuộc vào hàng A (chứ không phải A+). Sinh viên này thích và có tài tranh luận, được chọn vào Student Council (Hội đồng sinh viên); Được bầu làm Chủ tịch Abram Harris Economic Society của Trường Howard (Abram Harris là người da mầu đầu tiên đỗ Tiến sĩ Kinh tế và là Trưởng khoa Kinh tế đầu tiên tại Howard University (1936-1945). Kamala rất năng động và có lòng từ bi, hay tham dự các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc.
Khi ngó thêm cuốn Sự thật ta nắm giữ, những chi tiết mà thầy Hưng mang máng ấy, trong cuốn sách của mình, tác giả Kalama Harris đều có viết! Cho đến thời điểm này thày Hưng chưa có cuốn ấy.
Một trong những tác phẩm của K. Harris được dịch sang tiếng Việt
Chắc thầy Hưng chưa tường hay chưa kịp ngỏ với anh bạn tôi chi tiết bà Phó Tổng thống viết trong sách, khi Thượng nghị sĩ bang California, Kamala Harris thời điểm tham dự cuộc đua vào vị trí Tổng thống, Thượng nghị sĩ Kalama Harris đã vinh dự được mời trở lại thăm Trường ĐH Howard. Phát biểu trước các sinh viên tốt nghiệp khóa 2017, Harris đã bộc bạch nhiều điều trong đó có lời tri ân các thầy giáo của mình.
“Đầu tiên, để dẫn đầu và để thành công, bạn phải từ bỏ những lựa chọn thất bại. Howard đã dạy tôi, cũng như đã dạy các bạn, rằng bạn có thể làm tất cả và có thể làm tất cả mọi điều”
Có thể làm tất cả mọi điều?
Dường như túi khôn mà ngôi trường và các thầy của Howad truyền thụ đã làm nên bản lãnh của cô học trò thuở ấy đã trở thành thứ slogan để Kalama Harris hành xử với cương vị một chính khách Hoa Kỳ sau này?
Giới ngoại giao và truyền thông nước ngoài nhận định trước sự kiện Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris thăm Việt Nam, có vẻ đang chất bao gánh nặng lên vai cô học trò năm xưa của GS-TS Nguyễn Tiến Hưng? Những là chuyến thăm này là một cuộc chơi lớn (Great Game) của chiến lược tái cân bằng. Rằng Hà Nội là trọng tâm của Great Game chứ không phải Kabul? Nào là Hà Nội là trọng điểm mà Hoa Kỳ cần phải củng cố trên cái trục Tokyo- Đài Bắc- Singapore.
Nhưng nghe vậy thì biết vậy! Gì thì gì, con Rồng ấy đã về với bể Đông! Và thời điểm này, trên truyền thông cũng đã rộng rãi, chi tiết các góc độ chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ! Như là minh chứng sinh động thêm những điều nghe vậy, biết vậy ấy!
Đã rành rẽ những điều cần bàn cần quyết với các chính khách Việt. Đã thêm một triệu liều vắc - xin. Ngôi nhà Hoa Kỳ (Đại sứ quán mới). Khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội vv… đã đang hiện diện và hình thành những việc lành trong cái khung hợp tác đối tác toàn diện chuẩn bị cho một tương lai gần của đối tác đặc biệt, chiến lược!
Trong mưa gió sấm chớp Phó Tổng thống Hoa Kỳ, tay này cầm ô tay kia ôm hoa rẽ làn mưa đến bên tấm bia tưởng niệm J. McCaine bên hồ Trúc Bạch.
Tôi chợt nhớ trong những tháng đầu nhậm chức, chuyến xuất ngoại Mehico và bây giờ Việt Nam chuyên cơ của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kalama Harris đã từng gặp trục trặc, bị chậm giờ… Nhưng slogan của bà Có thể làm tất cả mọi điều như một thứ bất biến đã ứng phó thành công với mọi vạn biến?
… Ké cái kênh liên lạc của ông bạn, tôi mừng vì được biết vị GS cao niên người làng Điền Hộ ấy vẫn khỏe mạnh minh mẫn. Hiện ông rất bận vì đang phải hoàn thành gấp một công trình nghiên cứu về châu Phi theo đơn đặt hàng của IMF.
Lịch sử có ngẫu nhiên đâu mà cũng rất tình cờ? GS-TS Nguyễn Tiến Hưng đã từng chứng kiến giây phút lịch sử năm xa để tác giả Nguyễn Tiến Hưng có cuốn Đồng minh tháo chạy. Định gạn thêm GS có cảm hứng gì để tiếp tục một tác phẩm mới khi những ngày qua lại vừa phải chứng kiến một sự kiện tháo chạy khác? Nhưng chợt nghĩ GS đang bận…
Mà cũng chưa nghe thấy tín hiệu gì việc ông sắp trở lại cố hương? Bởi còn bao điều ngổn ngang dẫu là bé mọn riêng mình muốn được giải tỏa bộc bạch, muốn được có dịp hầu chuyện ông? Một chuyến rong ruổi cùng ông về cố hương Điền Hộ nghe ông kể thêm về ông hàng xóm nhạc sĩ Anh Bằng như đương hiển hiện chập chờn…
Và cả ba cuốn sách lâu nay xếp trên giá kia hình như đang muốn đòi, muốn xin chữ ký của tác giả?
Xuân Ba