CHƯƠNG 3 - KẾ HOẠCH CHIẾN TRANH CỦA MỘT ỨNG CỬ VIÊN HOÀ BÌNH

CHƯƠNG 3  - KẾ HOẠCH CHIẾN TRANH CỦA MỘT ỨNG CỬ VIÊN HOÀ BÌNH
08/29/2021

Trên đường từ Dallas trở về Washington, Tổng thống mới L.B.Johnson, như ông đã viết trong hồi ký, tâm niệm một điều: Tôi nguyện dành mỗi ngày, mỗi giờ của nhiệm kỳ dở của John F. Kennedy để đạt những mục tiêu mà ông đã đề ra”

Ngày 25 tháng 11 năm 1963, trước Quốc hội và cũng như trước nhân dân Mỹ, ông đã thề: "Chúng ta sẽ giữ những cam kết của chúng ta từ Nam Việt Nam đến Tây Bá Linh". (L.B.Johnson: Sđd, tr. 39) Đây là quyết định quan trọng đầu tiên của ông về Việt Nam.

Ông Johnson lên làm Tổng thống trong những điều kiện bi thảm của nước Mỹ, sau buổi lễ tuyên thệ giản dị nhất, ngắn nhất trước vị thẩm phán của Danas, bà Sara Hugles. Sang năm 1964 là năm bầu cử Tổng thống. Với tầm vóc của nó, Hoa Kỳ có hàng loạt vấn đề ở ngay trong nước và khắp nơi trên thế giới, nhưng đối với ông Johnson, vấn đề cấp bách là trúng cử Tổng thống mà vẫn tiếp tục can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Khi đó, tình hình Nam Việt Nam đang trong một giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng: về quân sự, chiến tranh đặc biệt đã thất bại; về chính trị, chế độ Sài Gòn sau khi Ngô Đình Diệm bị sát hại đang bị các cuộc đảo chính và tranh giành quyền lực làm rung chuyển đến tận gốc có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Các nhân vật chính trị, quân sự Mỹ ở Sài Gòn đều yêu cầu gây sức ép quân sự ngay với Bắc Việt Nam, nhằm buộc Bắc Việt Nam chấm dứt viện trợ cho Việt cộng ở miền Nam Việt Nam. 

Sau cuộc viếng thăm miền Nam Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 12 năm 1963. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara báo cáo: “Xu hướng hiện nay, trừ trường hợp đảo ngược tình hình trong hai ba tháng tới, tốt nhất sẽ dẫn tới một sự trung lập hoá (miền Nam Việt Nam) và chắc chắn hơn là tới sự kiểm soát tình hình mới bởi những người cộng sản " (LB.Joknson: Sđd, tí. 86.).

Từ tháng 6 năm 1965, Uỷ ban Đối ngoại của Thượng nghị viện Mỹ bắt đầu nghe các cuộc điều trần Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ một nghị quyết đã được đa số áp đảo của Thượng, Hạ nghị viện biểu quyết và người đặt vấn đề nghi ngờ tính chân thật của bản nghị quyết đó là thượng nghị sĩ bang Arkansas Winiam Fulbright, người đã giới thiệu nghị quyết đó với Thượng nghị viện hơn mười tháng trước. Những nhân vật chủ yếu đã lần lượt ra điều trần trước Uỷ ban, kể cả Ngoại trưởng Dan Rusk và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mac Namara và được các hệ thống truyền hình đưa tin rộng rãi. Cuối cùng người ta được biết là các tàu khu trục Mỹ đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có bằng chứng nào về việc tàu chiến Bắc Việt đã bắn vào tàu chiến Mỹ và dự thảo Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ đã được chuẩn bị từ rất lâu trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Giá trị của Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ đã bị phá sản.

Nhưng vào thời điểm tháng 8 năm 1964 khi dựng lên việc các tàu khu trục Mỹ bị tàu chiến Bắc Việt tấn công trong vùng biển quốc tế ở Vịnh Bắc Bộ để có cớ đánh trả đũa các căn cứ Hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường và Bãi Cháy, Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân ông Johnson.

Chính Johnson đã nói: ra lệnh ném bom trả đũa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và tranh thủ một nghị quyết ủng hộ chính sách Đông Nam Á của Nhà Trắng là quyết định quan trọng thứ hai của ông trong vấn đề Việt Nam. Ông coi sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự thách thức đối với nước Mỹ cũng như sự thách thức ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Berlin, Triều Tiên, Liban và Cu Ba, nhưng lại hạn chế sự trả đũa bằng một cuộc ném bom. Với tất cả những ai định khuyến khích hay mở rộng sự xâm lược, ông nói: “Người ta không thể đạt tới hoà bình bằng xâm lược, sự trả đũa không có miễn dịch" để tỏ ra là con người không hiếu chiến. 

Với Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ, ông được Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh vũ trang ở Đông Nam Á. Trước đây, Tổng thống Truman khi tiến hành chiến tranh Triều Tiên (1950) đã không yêu cầu Quốc hội ủng hộ nên về sau gặp khó khăn. Rút kinh nghiệm sai lầm của Truman, Tổng thống Johnson lần này quyết tâm tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội. Với Nghị quyết của Quốc hội về Vịnh Bắc Bộ, ông ta đã giành được quyền chủ động tăng cường can thiệp vũ trang vào Việt Nam.

Tuy được quyền như thế, Johnson luôn luôn tỏ ra biết kiềm chế trong việc lựa chọn mức độ trả đũa Bắc Việt Nam.

Trong Đại hội Đảng Dân chủ ở Atlanta City, Johnson được chỉ định làm ứng cử viên Tổng thống liên danh với Hebert Humphrey. Cuộc vận động bầu cử của Johnson có thể có hai trọng tâm trúng vào lòng mong mỏi của đại đa số nhân dân Mỹ lúc bấy giờ. Về Việt Nam, ông nói rằng mục tiêu duy nhất của ông là hoà bình ở Việt Nam và tự do của nhân dân ở đó, miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị chủ nghĩa cộng sản đánh bại, nên Mỹ phải giúp đỡ đồng minh, nước Mỹ sẽ không để con em mình đi chết thay cho con em châu Á. Về các vấn đề đối nội, ông tỏ ra quan tâm hơn: chương trình xây dựng “xã hội vĩ đại" nhằm động viên cả nước vào cuộc chiến tranh chống nghèo nàn, bảo đảm điều kiện học tập cho trẻ em, thuốc men cho người già, giữ nguồn nước uống và không khí trong lành, xây dựng nhà ở. Những ý định của Johnson đã đem lại cho ông ta cái tiếng là vị Tổng thống của giáo dục và y tế. Chính Johnson đã vạch ra sự khác nhau giữa ông và Bary Goldwater, Thượng nghị sĩ bang A-ri-giông-na, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà:

“Gold Water yêu cầu cử tri uỷ nhiệm cho mình thủ tiêu bảo hiểm xã hội, tôi yêu cầu họ uỷ quyền cho tôi mở rộng bảo hiểm xã hội theo luật chăm sóc y tế. Gold Water kêu gọi trở lại chính sách “Hãy tự giúp mình thì trời sẽ giúp" đối với người nghèo, tôi kêu gọi có một chương trình của Chính phủ rộng hơn để xoá bỏ nghèo nàn. Gold Water yêu cầu tăng thêm quyền hạn cho các bang, tôi yêu cầu có sự bảo hộ lớn hơn của liên bang đối với các quyền công dân. Gold Water tán thành một nền kinh tế có thể nói không có ràng buộc, tôi chủ trương những chính sách thuế khoá và tiền tệ độc đáo có khả năng thủ tiêu tình trạng những thời kỳ bột phát và suy thoái xen kẽ nhau" (L.B.Johnson: Sđd, tr. 134.)

Cuộc vận động tranh cử đã làm nổi Johnson như là một ứng cử viên hoà bình, Bary Goldwater như là một ứng cử viên chiến tranh.

Ngày 3 tháng 11 năm 1964, liên danh Johnson – Humphrey đã giành được sáu mươi mốt phần trăm số phiếu bầu và bốn trăm tám mươi sáu phiếu đại cử tri. Đa số phiếu bầu đó không chỉ bù lại sự thất bại của Đảng Dân chủ năm 1956, mà còn là đa số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ.

Danh nghĩa ứng cử viên hoà bình cần đối với Johnson tới mức ông ta quyết định không trả đũa việc sân bay quân sự Biên Hoà bị pháo kích ngày 1 tháng 11 năm 1964. Nếu theo lập luận của ông ta thì đây cũng là một sự thách thức nước Mỹ, một sự thách thức thật sự không như sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đã làm chết bốn người Mỹ, phá huỷ sáu máy bay B.57. Nhưng ông ta đã nhắm mắt bỏ qua, vì sự kiện đó chỉ cách ngày bầu cử Tổng thống có hai ngày. 

Ngay sau khi lên thay John Kennedy và trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 1964, Johnson, với những thủ đoạn khôn khéo sở trường, vẫn không ngừng gây sức ép quân sự với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tích cực chuẩn bị kế hoạch mở rộng chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 26 tháng 11 năm 1963, nghĩa là bốn ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, Johnson họp với các cố vấn và chỉ thị rằng việc vạch kế hoạch về Việt Nam cần phải bao gồm nhiều mức độ tăng cường hoạt động và trong mỗi trường hợp cần đánh giá một số yếu tố như khả năng gây thiệt hại cho miền Bắc Việt Nam, khả năng Bắc Việt Nam trả đũa lại và các phản ứng quốc tế khác. Trong phiên họp này cũng đề ra việc vạch một kế hoạch tiến hành những hoạt động quân sự ở Lào cùng với những kế hoạch chính trị nhằm thu hẹp phản ứng quốc tế đối với một hành động như thế. 

Tháng 2 năm 1964, Johnson thông qua một kế hoạch bí mật gồm ba phần: Kế hoạch hành quân 34-A (OPLAN 34-A) nhằm do thám Việt Nam bằng máy bay U.2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để thu thập tin tức, dùng các đội nhảy dù phá hoại miền Bắc Việt Nam, tiến công Bắc Việt Nam từ biển bằng biệt kích; kế hoạch tiến công Lào bằng máy bay của hãng Hàng không Mỹ do CIA điều khiển; kế hoạch DESOTO cho tàu khu trục vào Vịnh Bắc Bộ để thu thập tin tức, yểm trợ hoạt động của hải quân Sài Gòn và phô trương lực lượng.

Tháng 3, W.Rostow trình Tổng thống một cơ cấu lý thuyết về leo thang đối với miền Bắc Việt Nam.

Tháng 6, các Cố vấn chủ chốt của Nhà Trắng họp tại Honolulu để bàn kế hoạch ba mươi ngày mới của Tổng thống, bao gồm một loạt các biện pháp quân sự, chính trị thực hiện trong vòng ba mươi ngày nhằm gây sức ép với miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc họp này, danh sách chín mươi tư mục tiêu ném bom ở Bắc Việt Nam đã được thông qua.

Cuối tháng 7, Tổng thống quyết định tăng thêm năm nghìn nhân viên quân sự cho miền Nam Việt Nam.

Ngày 7 tháng 8, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết về Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 10 tháng 9, Johnson cho phép tàu hải quân trở lại Vịnh Bắc Bộ, máy bay làm nhiệm vụ ở Lào và chỉ thị cho Sài Gòn xúc tiến các cuộc tiến công biệt kích theo kế hoạch 34-A.

Ngày 27 tháng 11, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thông qua kế hoạch hai bước: bước một tăng cường các hoạt động chiến tranh bí mật tiến công bờ biển, tiến công bằng không quân ở Lào, mở nhiều cuộc tiến công trả đũa vào Bắc Việt Nam; bước hai là bắt đầu chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 1 tháng 12, có mặt DanRusk, Macnamara, đại sứ Maxwen Taylor, Johnson đã thông qua bước một kế hoạch của Hội đồng An ninh Quốc gia, với việc ném bom ở Lào, gọi là cuộc hành quân Barrel Ron; chuẩn y trên nguyên tắc bước hai của kế hoạch của Winiam Bundy (ném bom siết dần ở “vùng cán xoong" Lào, tiến dần từng giai đoạn vào BắcViệt Nam).

Ngày 14 tháng 12, cuộc hành quân Barrel Ron bắt đầu.

Trong thông điệp đọc trước Quốc hội ngày 20 tháng 1 năm 1965, điều làm người ta ngạc nhiên là Johnson hoàn toàn làm ngơ vấn đề Việt Nam và chỉ nói một cách mơ hồ: “Chúng ta không mong cái gì thuộc về người khác. Chúng ta không tìm cách thống trị đối với con người nhưng tìm sự thống trị của con người với chuyên chế và nghèo nàn" (Giô-dép A.Am-tơ. Lời phán quyết về Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 1985, tr. 129. ).

Ai cũng hiểu tình hình Việt Nam rất khẩn trương đòi hỏi ngay một sự lựa chọn của Washington. Kế hoạch chiến tranh đã được thông qua nhưng còn phải tạo những điều kiện chính trị để thực hiện. Tổng thống Johnson làm bộ như bỏ qua vấn đề Việt Nam trong thông điệp chính sách là lúc đang phải giải quyết những vấn đề liên quan tới các điều kiện đó.

Có ba vấn đề đặt ra với Johnson:

- Phải đạt tới sự nhất trí về chính sách ngay trong đội ngũ Cố vấn thân cận của Tổng thống;

- Phải ổn định và kiểm soát được tình hình miền Nam Việt Nam;

- Phải làm yên lòng nhân dân Mỹ, đồng minh của Mỹ và nhân dân thế giới về chính sách tăng cường chiến tranh ở Việt Nam.


Bộ phận tham mưu của Johnson gồm hầu hết là những người ủng hộ chính sách của ông về Việt Nam. Phó Tổng thống H.Humphrey chấp nhận mọi quyết định của Tổng thống; W.Rostow, là người đã đề ra kế hoạch leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam và do đó trở thành con người được Tổng thống tín nhiệm. G.Bundy lúc đầu không hoàn toàn tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam là cần thiết, nhưng sau chuyến đi công cán ở miền Nam Việt Nam về ông thấy tận mắt Việt cộng bắn súng cối vào trại lính Mỹ ở Plây-cu, ông thấy cần phải gây ức ép liên tục với Hà Nội. 

Dan Rusk trước sau vẫn là con người đáng tin cậy của Tổng thống trên cương vị ngoại trưởng. Tuy vậy, có một số người khác không tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ đem lại thắng lợi và họ lần lượt rời khỏi chức vụ của mình, trong đó có Roger Hilsman, Averen Hamman, M. Forrestal v.v... Chỉ có George Bon, Thứ trưởng Ngoại giao, không tin ở thuyết Domino và chống lại việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy, ông ta vẫn còn ở lại, mặc dầu ý kiến của ông chống leo thang không được Tổng thống hay Ngoại trưởng chú ý.

Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức Tổng thống, Johnson có thể yên tâm với một đội ngũ những cộng sự tin cậy.

Vấn đề ổn định ê-kíp lãnh đạo Chính quyền Sài Gòn thì không đơn giản. Cái khó là tìm được những người có khả năng mà Mỹ tin tưởng được. Cái dễ là hầu hết những nhân vật của chế độ Sài Gòn đều do Mỹ dựng lên và sống nhờ viện trợ Mỹ. Từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1965, thời điểm chính thức đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, tình hình chính trị ở Sài Gòn trải qua nhiều biến động. 

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh làm đảo chính gạt tướng Dương Văn Minh. Trần Văn Hương được đưa lên làm Thủ tướng thay Nguyễn Khánh. Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Khánh chỉ còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh. Hương đưa bốn tướng lên để làm chỗ dựa mà không hỏi ý kiến Khánh. Khánh phản đối và cuối cùng Hương phải rời chức Thủ tướng. Khánh chọn Phan Huy Quát để thay Hương, nhưng Quát lại không được lòng Washington vì ông ta có xu hướng thương lượng để kết thúc chiến tranh. 

Ngày 19 tháng 2 năm 1965, Washington đưa hai tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên lãnh đạo Chính quyền Sài Gòn và từ đó cho đến tháng 4 năm 1975, Washington có một Chính quyền có thể kiểm soát được. Đó là sự kiện rất quan trọng để Johnson triển khai kế hoạch chiến tranh của mình.

Nhưng việc làm yên lòng nhân dân Mỹ tuỳ thuộc vào nhận thức của họ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những cuộc ném bom trả đũa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ theo một màn kịch bản lừa gạt thật sự đã không gây phản ứng đáng kể trong công chúng Mỹ. Thậm chí, trong cuộc tuyển cử năm 1964, Johnson đã giành thắng lợi vang dội. Điều đó chứng tỏ nhân dân Mỹ tin tưởng ở ứng cử viên hoà bình của mình biết bao. Ngay cả đối với các cuộc ném bom Bắc Việt Nam đầu năm 1965, cũng có ít hoặc không có sự chỉ trích nào của nhân dân Mỹ. 

Khi cuộc chiến tranh bằng không quân bắt đầu đối với Bắc Việt Nam và những đơn vị lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên miền Nam Việt Nam, vì bị lừa gạt như vậy nên nhiều người Mỹ không còn ủng hộ nữa. Một số cuộc biểu tình nhỏ ở nơi này nơi kia hồi tháng 3, tháng 4 không gây được tiếng vang lớn. Sự phản đối phát triển thành một phong trào toàn quốc là chuyện sau này. Nhưng người ta có thể coi như bước đầu phát động chiến tranh của Johnson tháng 2 năm 1965 là thuận lợi dưới con mắt của nhân dân Mỹ.

Tác động của mọi hành động chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đối với tình hình quốc tế là vấn đề mà Tổng thống L.B.Johnson và Bộ tham mưu của ông phải mất nhiều thì giờ để nghiên cứu và đối phó.

Ngay từ năm 1963, sự thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam đã làm cho giới chính trị và báo chí nghi ngờ sự cần thiết Mỹ phải can thiệp sâu vào công việc nội bộ của người Việt Nam và bình luận nhiều về giải pháp mà Nhà Trắng sẽ phải lựa chọn để thoát khỏi sự bế tắc. Mỹ sẽ dùng những phương tiện lớn để ở lại miền Nam Việt Nam với bất cứ giá nào, hoặc Mỹ sẽ rút lui? 

Những tin tức đầu tiên về việc mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã tới tai các nhà báo; từ Mỹ đến châu Âu và các nơi khác, dư luận đã tỏ ra lo ngại trước nguy cơ Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Washington tập trung biện minh cho việc ném bom Bắc Việt Nam hồi đầu tháng 8 năm 1964, nêu rõ quyết tâm của Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, giúp đồng minh Việt Nam giữ tự do của minh, để cho cộng đồng quốc tế và đồng minh của Mỹ (từ khối SEATO, khối ANZUS đến khối NATO), nếu không ủng hộ thì cũng làm ngơ trước các sáng kiến quân sự, chính trị của Mỹ.

Với những lập luận khéo léo, những chứng cứ giả tạo và sự tự kiềm chế trong ném bom, cả năm 1964 công khai chỉ có trận ném bom Bắc Việt Nam ngày 5 tháng 8 và cũng chỉ nhằm một số mục tiêu quân sự hạn chế, trong buổi đầu Johnson nhìn chung đã đạt được mục tiêu ấy. Nhưng ngay từ khi quyết định ném bom ngày 5 tháng 8, ông ta đã lo lắng đến phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc. Nếu mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ dè chừng phải đụng đầu với Trung Quốc, có khi với cả Liên Xô, hoặc ít nhất cũng sẽ làm cho Liên Xô, Trung Quốc hoà hợp với nhau. 

Trước khi xuất hiện trên Đài truyền hình để thông báo cho nhân dân Mỹ biết tin máy bay đã lên đường ném bom trả đũa Bắc Việt Nam, Johnson có hai ý nghĩ: phải chọn giờ báo tin thế nào để Bắc Việt Nam không hiểu lầm.


“Chúng ta biết rằng khi các máy bay của chúng ta còn đang bay, ra-đa của Trung cộng cũng như của Hà Nội đã phát hiện được rồi. Tôi không muốn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngộ nhận lý do tại sao máy bay của ta lại bay trên Vịnh Bắc Bộ. Cần làm cho họ hiểu rằng đây là những hành động trả đũa Bắc Việt Nam, và chỉ Bắc Việt Nam thôi, chứ không phải đối với Trung Hoa nhân dân, và mục tiêu của chúng ta là hạn chế..." (L.B.Johnson: Sđd, tr. 151.).

Sự lo sợ đụng chạm với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh trên bộ là kết luận mà tướng Mac Ác-tơ đã rút ra sau cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 50 mà cho đến nay vẫn còn ám ảnh các nhà lãnh đạo Mỹ. Trước nguy cơ hiển nhiên một sự thất bại ở miền Nam Việt Nam, các Cố vấn diều hâu cho rằng cần có hành động ngay, và có người lập luận rằng "Trung cộng chỉ nhảy vào cuộc chiến tranh nếu miền Bắc Việt Nam bị xâm lược, hay khi Chính phủ Hà Nội có nguy cơ bị lật đổ”.

Sau trận ném bom đầu tháng 8 vào một số mục tiêu của Bắc Việt Nam, Johnson vẫn còn phải cân nhắc hai ẩn số: Liên Xô và Trung Quốc, nhất là Trung Quốc trước khi có quyết định lớn.

Các nhà chiến lược Mỹ đã từng tính đến khả năng Trung Quốc đưa ba mươi mốt sư đoàn xuống Đông Nam Á và trong trường hợp đó, Mỹ sẽ dùng từ năm đến bảy sư đoàn Mỹ là đủ để đối phó với tình hình, kể cả việc chiếm đóng Bắc Việt Nam. Nhưng trước sau Mỹ vẫn không muốn có sự đụng độ như vậy với "biển người” Trung Quốc. Tổng thống Johnson muốn có một thông tin có thể tin cậy được của Bắc Kinh nếu như Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từ những ngày chưa giành được chính quyền đã có nhiều dịp gặp gỡ người Mỹ như nhà báo EdgarSnow, John Service, Cố vấn chính trị của viên tư lệnh quân đội Mỹ ở mặt trận Trung - Miến - Ấn, đồng thời là Bí thư thứ hai của đại sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh, Harison Foman... lần nào Chủ tịch Mao cũng đều nói rằng lợi ích của Trung Quốc và Mỹ giống nhau và liên quan với nhau. 

Cuối năm 1964, Edgar Snow được mời sang thăm Trung Quốc. Edgar Snow là nhà báo Mỹ đầu tiên, từ năm 1936, đã đến khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã sống tại đây nhiều tháng và khi trở về Mỹ đã viết cuốn “Sao đỏ trên đất Trung Quốc". Đặc biệt là E.Snow đã có nhiều cuộc nói chuyện với Chủ tịch Mao tại Diên An (bắc tỉnh Thiểm Tây) về nhiều đề tài, kể cả triển vọng quan hệ Trung - Mỹ. Việc mời E.Snow trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị về chính trị và quân sự) để mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, tự nó đã mang một ý nghĩa chính trị rất to lớn.

Chủ tịch Mao đã trao đổi cởi mở với Edgar Snow như với người bạn cũ. Đặc biệt, ông đã tuyên bố. "Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để chiến đấu. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng. Người Trung Quốc rất bận công việc về nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Việt Nam có thể đương đầu với tình hình" (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr. 46.).

Trong tờ New Republic tháng 2 năm 1965, Edgar Snow còn tường thuật thêm lời của Chủ tịch Mao: "Trung Quốc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc nhưng không phải bằng cách gửi quân đội. Khi có một cuộc chiến tranh giải phóng, Trung Quốc sẽ đưa ra tuyên bố và kêu gọi biểu tình ủng hộ cuộc chiến đấu đó. Chính các tuyên bố đó làm mất lòng đế quốc”.

Có thể hiểu là Mỹ làm gì thì làm, miễn là không đụng đến Trung Quốc, nếu Mỹ đụng đến Trung Quốc thì người Trung Quốc sẽ phải chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng?

Tổng thống Johnson thấy rõ mình có thể tiến hành mở rộng chiến tranh ở hai miền Việt Nam. Tuy vậy, ông ta hành động ra vẻ tự kiềm chế lắm.

Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1965, Quân giải phóng miền Nam tấn công doanh trại quân Mỹ ở Plây-cu và căn cứ trực thăng trại Holoway.

Chiến dịch ném bom trả đũa đầu tiên gọi là “Mũi tên rực cháy 1" (Flaming Dart) được thực hiện: bốn mươi chín máy bay của Hải quân Mỹ đánh Đồng Hới và Vĩnh Linh.

Ngày 10 tháng 2, quân Mỹ ở Quy Nhơn bị tấn công và ngày 11 Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom trả đũa “Mũi tên rực cháy 2" cũng các khu vực trên.

Ngày 13 tháng 2, Johnson ra lệnh chuyển máy bay chiến lược B.52 từ Gu-am về O-ki-na-oa, sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam. Ông cũng thông qua kế hoạch “Sấm Rền" (Rolling Thunder) ném bom từng bước và liên tục Bắc Việt Nam.

Ngày 2 tháng 3, chiến dịch “Sấm Rền" bắt đầu đợt một: một trăm lẻ bốn máy bay của không lực Hoa Kỳ tấn công xóm Bông, mười chín máy bay của không lực Sài Gòn ném bom căn cứ Hải quân Bắc Việt Nam ở Quảng Khê (Quảng Bình).

Ngày 6 tháng 3, máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom xuống vùng dân cư Nam Việt Nam.

Tại miền Bắc Việt Nam, các cuộc ném bom của chiến dịch “Sấm Rền" dần dần được mở rộng.

Mỗi đợt “Sấm Rền" kéo dài từ một đến bảy ngày. Những cuộc tấn công lúc đầu giới hạn vào các cầu, trạm ra-đa, kho tàng quân sự giữa vĩ tuyến 17 và vĩ tuyến 19. Sau đó các cuộc ném bom leo thang lên vĩ tuyến 20, rồi trên 20 và mở rộng ra mục tiêu dân sự, các khu dân cư.

Tuy đã được lời tuyên bố của Chủ tịch Mao với Edgar Snow trước khi bắt đầu các đợt ném bom "Sấm Rền”, Washington vẫn còn lo ngại sự hiểu lầm của Bắc Kinh. Trong cuộc hội đàm tại Vasava ngày 24 tháng 2, đại diện Mỹ là đại sứ John Gronowski đã chính thức thông báo cho đại diện Trung Quốc:

“Tôi được chỉ thị khẳng định lại chính sách của Mỹ ở Việt Nam là luôn luôn giúp đỡ miền Nam Việt Nam duy trì tự do, độc lập chống lại sự xâm lược của cộng sản được Hà Nội ủng hộ và lãnh đạo.

Chừng nào Việt cộng do Hà Nội lãnh đạo và ủng hộ với sự giúp đỡ của phía các ông tiếp tục tấn công miền Nam Việt Nam, thì Hoa Kỳ thấy cần phải giúp đỡ Chính phủ miền Nam mọi sự cần thiết.

Người Việt Nam ở miền Bắc đã gây áp lực với miền Nam qua biên giới, điều đó không thể tha thứ được. Chúng tôi cần phải và sẽ có hành động cần thiết đế chấm dứt việc đó".

Ngày 17 tháng 2, Tổng thống Johnson đã nhắc lại là:

 "Chúng tôi không có tham vọng gì ở Đông Dương, chúng tôi không muốn mở rộng chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và có hành động thích đáng và cần thiết trước sự xâm lược của kẻ khác.

Tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi không có ý định xấu đối với lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có ý định lật đổ nhà cầm quyền ở Hà Nội.

Chúng tôi hy vọng rằng Hiệp nghị Genève năm 1954 cho phép các Chính phủ ở Đông Dương tồn tại trong hoà bình, nhưng người Bắc Việt Nam đã xé bỏ Hiệp nghị Genève năm 1954 trong việc cố gắng lật đổ Chính phủ miền Nam.

Hà Nội đã cung cấp cho Việt cộng lãnh đạo, huấn luyện nhân viên và trang bị. Xin đưa một số ví dụ chính xác hơn: có chứng cớ là đa số nòng cốt sĩ quan Việt cộng, nhân viên chuyên môn như giao thông liên lạc, vũ khí hạng nặng là do miền Bắc đưa vào. Chúng tôi biết những trung tâm huấn luyện chính ở miền Bắc, con đường chính để xâm nhập vào miền Nam. Chính phủ miền Nam đã bắt được sĩ quan quân đội, công an của miền Bắc đưa vào miền Nam.

Chúng tôi sẽ sung sướng nếu tất cả các bên hữu quan đều tôn trọng Hiệp nghị Genève năm 1954 và như vậy thì sẽ có giải pháp thoả đáng về vấn đề Việt Nam. Bất cứ dấu hiệu nào của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn trở lại Hiệp nghị đó sẽ được hoan nghênh.

Xin ông chuyển phần chủ yếu trong nhận định của chúng tôi cho nhà đương cục của ông. Nếu Hà Nội có nghi ngờ gì về lập trường của Mỹ thì xin ông chuyển giúp lập trường của chúng tôi cho Hà Nội" (Một bản sao thông điệp này cũng được đại sứ Canađa, Seaborn chuyển cho Hà Nội tháng sau.).

Và cái mà Tổng thống Johnson gọi là “chính sách trả đũa" từng bước và liên tục cứ thế mà tiếp diễn với những tổn thất ngày càng lớn về máy bay và phi công Mỹ và những tàn phá nặng nề, những vụ giết hại dân thường hàng loạt đối với Bắc Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng thống Johnson quyết định tăng thêm vũ khí, máy bay, xe tăng cho Quân đội Việt Nam Cộng hoà và nhất là gửi lực lượng chiến đấu Mỹ sang Nam Việt Nam. Còn phải kể cả các lực lượng quân sự Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi-líp-pin, Australia, New Zeeland thật sự giúp quân Việt Nam Cộng hoà chống lại Việt cộng.

Tất cả bắt đầu ngày 8 tháng 3 năm 1965, một buổi sáng mưa phùn. Dưới quyền chỉ huy của tướng Federik J.Karch, sau sáu lần lênh đênh từ Nhật Bản ra đi, các tàu Mount Kinley, Henrico Union và Vancouver đã đậu trước bãi biển Đà Nẵng. Ngay người Mỹ cũng tự hỏi tại sao Bộ Tư lệnh Mỹ không cho quân Mỹ đổ bộ xuống sân bay Đà Nẵng, nhưng rồi họ cũng tìm được câu trả lời: căn cứ không quân khi đó còn quá nhỏ và Mỹ lại muốn phô trương lực lượng, không những đối với Bắc Việt Nam mà đối với cả Liên Xô, Trung Quốc để tỏ quyết tâm của Mỹ không để miền Nam lọt vào tay cộng sản. Trong hơn một giờ ba nghìn năm trăm quân của lữ đoàn viễn chinh lính thuỷ đánh bộ (MEB) đã đổ bộ xong, với những vũ khí hạng nặng như súng cối 105, xe tăng M.48, xe chiến đấu Ontas trang bị mỗi xe sáu khẩu pháo không giật 106 mm. Người ta nói rằng số quân đó được phép bắn trả khi bị tấn công, nhưng đây thật sự là lính chiến đấu của Mỹ. Cho tới lúc đó, ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã có hai mươi ba nghìn lính Mỹ đủ loại (cố vấn, lực lượng đặc biệt, nhân viên của không lực mà lý thuyết thì chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện Quân đội Sài Gòn).

Cho không quân ném bom Bắc Việt Nam, đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, dù che đậy dưới những từ “hạn chế”, “phòng thủ”, vẫn là cuộc chiến tranh mà Tổng thống Johnson đã đưa nước Mỹ vào, với những hậu quả mà mười năm sau mới được phơi bày ra ánh sáng.

(Xem tiếp Chương 4)