ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 31/8 với Nam Giang

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 31/8 với Nam Giang
08/31/2021
 

Wiki Twitter Facebook Instagram Linkedln

Donald Trump: Hãy yêu cầu Taliban trả lại quân trang Mỹ hoặc đánh bom phá hủy
image.png
Cựu Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (30/8) đã nói rằng Mỹ nên yêu cầu Taliban trao trả tất cả trang thiết bị quân sự của Mỹ đã để lại Afghanistan “hoặc ít nhất phải đánh bom thật mạnh” để phá hủy số lượng quân trang này.


“Trong lịch sử, chưa từng có một cuộc rút quân khỏi chiến tranh bị xử lý cực kỳ tệ hại và bất tài như công cuộc rút quân khỏi Afghanistan mà Chính quyền Biden thực hiện”, ông Trump nói trong tuyên bố phát đi hôm 30/8 qua Ủy ban Hành động Chính trị Cứu nước Mỹ (Save America PAC).

Cựu tổng thống nói thêm: “Ngoài điều hết sức rõ ràng này, thì TẤT CẢ QUÂN TRANG nên được yêu cầu trả lại cho Mỹ ngay lập tức và gồm cả từng xu của 85 tỷ USD về chi phí [quân sự tại Afghanistan]. Nếu những thứ đó không được trả lại, chúng ta hoặc là nên dứt khoát đưa quân đội vào và lấy lại chúng, hoặc ít nhất phải đánh bom thật mạnh vào chúng”.

Theo nhóm giám sát Open the Books, quân đội Mỹ đã để lại Afghanistan 75.000 xe quân sự, 600.000 vũ khí và 208 máy bay, cũng nhiều trang thiết bị khác. Toàn bộ số khí tài này khả năng đã rơi vào tay Taliban khi nhóm này tiếp quản gần như hoàn toàn Afghanistan từ ngày 16/8/2021.

Theo Newsmax, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan đầu tháng này đã thừa nhận rằng: “Rõ ràng, chúng tôi không có được bức tranh toàn cảnh về mọi vật tư quốc phòng của Mỹ đã đi về đâu, nhưng chắc chắn một lượng khá lớn khối vật tư đó đã rơi vào tay của Taliban. Và rõ ràng, chúng tôi không thấy họ sẽ sẵn sàng trao trả chúng cho chúng ta tại sân bay [Kabul”.

Gần đây, nhóm 25 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Lầu Năm Góc giải trình về việc vũ khí của Mỹ rơi vào tay Taliban.

“Chúng tôi viết ra yêu cầu này với sự quan ngại nghiêm trọng về tình trạng các khí tài quân sự của Mỹ bị bỏ lại tại Afghanistan do việc rút quân kém hiệu quả gây ra. Khi chúng tôi xem những hình ảnh về Afghanistan khi Taliban tái chiếm đất nước, chúng tôi đã kinh hoàng khi thấy các thiết bị của Mỹ – bao gồm trực thăng UH-60 Black Hawks – nằm trong tay Taliban”, các Thượng nghị sĩ Marco Rubio ở Florida, John Cornyn ở Texas, Ben Sasse ở Nebraska và những người khác viết cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

“Thật vô lương tâm khi các thiết bị quân sự công nghệ cao do người nộp thuế Mỹ chi trả lại rơi vào tay Taliban và các đồng minh khủng bố của chúng. Việc đảm bảo tài sản của Mỹ nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ trước khi tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan”, các Thượng nghị sĩ viết thêm.

Trong khi đó, các thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện cho biết họ đang có kế hoạch đưa ra một dự luật buộc chính quyền Biden phải giải trình về số lượng thiết bị quân sự của Mỹ đã bị Taliban thu giữ.

Các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nói rằng họ sẽ giới thiệu dự luật vào tháng 9, trong quá trình đánh giá đầy đủ của ủy ban về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA).

Theo The Hill, ông Elias Yousif, phó giám đốc Giám sát Hỗ trợ An ninh của Trung tâm Chính sách Quốc tế nhận định: “Khi một nhóm vũ trang sở hữu được vũ khí do Mỹ sản xuất, điều đó mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là một chiến thắng tâm lý”.

“Rõ ràng, đây là một lý do để lên án về công tác hợp tác an ninh rộng lớn hơn của Mỹ. Thực sự nên dấy lên nhiều quan ngại về công việc hợp tác an ninh vốn đang diễn ra hàng ngày này, dù cho đó là ở Trung Đông, Châu Phi hạ Sahara hay Đông Á”, ông Elias Yousif nói thêm.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.

Chiếc máy bay cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Afghanistan, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm

image.png
 
 

Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt sự hiện diện quân sự của mình ở Afghanistan khi chuyến bay quân sự cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Kabul, kết thúc 20 năm Mỹ can dự vào nước này sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) là Tướng Frank McKenzie cho biết, chiếc máy bay quân sự C-17 cuối cùng đã quét sạch không phận Afghanistan sau khi cất cánh vào khoảng 3h29 chiều ngày 30/8, theo giờ miền Đông nước Mỹ. Động thái này diễn ra vài giờ trước thời hạn vào ngày 31/8 của Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden để ngừng hoạt động không vận cuối cùng của Mỹ.

Hôm 30/8, Tướng McKenzie khẳng định: “Tôi đến đây để thông báo việc chúng tôi đã hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc sứ mệnh quân sự sơ tán công dân Mỹ, công dân nước thứ 3 và những người Afghanistan dễ bị tổn thương”.

Vẫn còn những người Mỹ ở lại Afghanistan "với số lượng hàng trăm thấp", ông nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên. Ông đồng thời nói thêm rằng, quân đội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ làm việc để sơ tán những người này. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc trước đó vào ngày 30/8 cho biết rằng, còn khoảng 600 người Mỹ vẫn đang bị kẹt ở Afghanistan.

Vị tướng cho biết: “Chúng tôi đã không thể sơ tán tất cả những người mà chúng tôi muốn đưa đi”. Ông nói, đó là một “tình huống khó khăn”.

Tuy nhiên, bình luận của Tướng McKenzie dường như mâu thuẫn với tuyên bố của ông Biden khi ông nói với ABC News vào ngày 18/8 rằng: "Nếu còn công dân Mỹ [ở Afghanistan], chúng tôi sẽ ở lại để giải quyết tất cả".

Việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan kết thúc bằng một cuộc sơ tán gấp rút để di dời hơn 100.000 người bắt đầu từ ngày 14/8, khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul sau một cuộc tấn công quân sự bùng nổ chỉ kéo dài vài ngày. Vào ngày 26/8, những kẻ khủng bố ISIS đã thực hiện một vụ đánh bom tại sân bay Kabul, giết chết hàng loạt dân thường Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ.

Ông Biden hiện đang phải đối mặt với sự lên án trong và ngoài nước, không thật sự vì việc kết thúc chiến tranh tại đất nước Nam Á này, mà là vì cách ông xử lý cuộc di tản cuối cùng khiến nó diễn ra trong hỗn loạn. Vấn đề này làm dấy lên nghi ngờ về sự tín nhiệm của người dân Hoa Kỳ đối với vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Ông Biden đã nhiều lần bảo vệ việc chính quyền của mình xử lý việc sơ tán, mặc dù ông và các quan chức chính quyền khác đã cung cấp các chi tiết mâu thuẫn về tình hình trên thực địa ở Kabul.

Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra về các báo cáo tình báo được Lầu Năm Góc và các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu sử dụng, liên quan đến tốc độ Taliban chiếm quyền kiểm soát đất nước và sự sụp đổ của chính phủ cùng quân đội Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn. Lãnh đạo Lầu Năm Góc là ông Lloyd Austin và các tướng lĩnh khác cho biết, họ không nhận được thông tin tình báo nào cho thấy chính phủ của đất nước Trung Đông này sẽ sụp đổ chỉ trong 11 ngày trước Taliban - tổ chức mà một số cơ quan liên bang Mỹ đã xác định là một nhóm khủng bố.

Trong khi đó, chính quyền ông Biden đã phải chịu một khoản thiệt hại lên đến hàng tỷ USD khi nhóm phiến quân Taliban đã thu giữ được hàng loạt vũ khí, phương tiện, máy bay và các thiết bị khác của quân đội Mỹ.

Cuộc sơ tán cuối cùng của Hoa Kỳ bao gồm việc rút các nhà ngoại giao của họ, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã để ngỏ khả năng nối lại một số cấp độ ngoại giao với Taliban. Việc này tùy thuộc vào cách nhóm phiến quân tự thể hiện mình trong việc thành lập chính phủ và tuân thủ các lời tuyên thệ với quốc tế về bảo vệ nhân quyền.

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đàm phán với Taliban trong suốt nhiều tháng, ấn định ngày rút quân là ngày 1/5. Ông Biden đã lùi ngày rút quân trùng với ngày kỷ niệm vụ tấn công khủng bố hôm 11/9.

Một mối đe dọa mới từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quản nước này là nhóm khủng bố ISIS. Khi Taliban tiếp quản, các thành viên của nhóm này đã thả nhiều thành viên của tổ chức khủng bố ISIS khỏi các nhà tù trên khắp đất nước Afghanistan.

Tướng McKenzie lưu ý về mối đe dọa do ISIS gây ra, nói rằng Taliban - kẻ thù của ISIS - giờ sẽ phải đối phó với nhóm này.

‘Hàng trăm’ người Mỹ vẫn bị bỏ lại ở Afghanistan sau khi Hoa Kỳ chính thức rời đi

image.png
 
 

Lầu Năm Góc đã thừa nhận rằng "hàng trăm" người Mỹ tìm cách sơ tán đã bị bỏ lại Afghanistan, sau khi chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ rời Sân bay Quốc tế Hamid Karzai của Afghanistan vài giờ trước rạng sáng ngày 31/8.

Khi thông báo rằng Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt hiện diện quân sự ở Afghanistan, vài giờ trước thời hạn của Tổng thống Joe Biden vào ngày 31 tháng 8, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM), Tướng Frank McKenzie nói rằng vẫn còn khoảng “hàng trăm” người Mỹ ở lại Afghanistan.

Ông đưa ra nhận xét trên trong một bài phát biểu trên truyền hình khi trả lời câu hỏi của báo giới. Ông cũng cho biết thêm rằng quân đội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ làm việc để sơ tán những cá nhân đó.

“Có rất nhiều đau lòng liên quan đến việc rời đi này, chúng tôi đã không đưa được tất cả mọi người ra khỏi [đó]”, ông McKenzie cho biết, và nói thêm rằng đó là một “tình huống khó khăn”.

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ nói thêm rằng ông tin rằng nếu quân đội Hoa Kỳ ở lại Afghanistan thêm 10 ngày nữa, thì "chúng tôi sẽ không đưa tất cả mọi người ra khỏi đó... và vẫn sẽ có những người phải thất vọng."

Đầu tháng này, ông Biden tuyên bố sẽ giữ quân đội Hoa Kỳ ở lại đất nước này cho đến khi tất cả những người Mỹ muốn rời đi được sơ tán.

Mục tiêu quân sự của Mỹ ở Afghanistan là đưa “tất cả mọi người” ra khỏi nước này, bao gồm cả người Mỹ và các đồng minh người Afghanistan của chúng tôi và gia đình của họ”, ông Biden nói với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của kênh ABC News trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 18 tháng 8.

“Đó là những gì chúng tôi đang làm bây giờ, đó là con đường chúng tôi đang đi. Và tôi nghĩ chúng ta sẽ đến đó”, ông Biden cho biết vào thời điểm phỏng vấn. "Nếu còn công dân Mỹ, chúng tôi sẽ ở lại để đưa tất cả họ ra."

Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc trước đó vào ngày 30 tháng 8 cho biết khoảng 600 người Mỹ vẫn ở lại Afghanistan.

Cuộc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan đã kết thúc bằng một cuộc sơ tán gấp rút hơn 100.000 người bắt đầu từ ngày 14 tháng 8 khi phiến quân nhanh chóng Taliban chiếm Kabul chỉ trong 11 ngày.

Vào ngày 26 tháng 8, một vụ đánh bom tại sân bay của Kabul đã cướp đi sinh mạng của khoảng 170 dân thường Afghanistan, 13 quân nhân Hoa Kỳ và ba người Anh. ISIS-K, một chi nhánh của ISIS, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 26 tháng 8, khi khoe khoang về một kẻ đánh bom liều chết “cố gắng xâm nhập qua tất cả các điểm chốt an ninh” của quân đội Hoa Kỳ và Taliban.

Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, nói rằng họ đang tiến hành "cuộc điều tra [riêng] của Taliban" về các cuộc tấn công này. Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng kháng chiến Afghanistan Amrullah Saleh, đã tuyên bố rằng Taliban, vốn có nhiều phe phái ở Afghanistan, đứng sau các vụ nổ. Ông Amrullah Saleh trước đó tuyên bố rằng ông là quyền tổng thống hợp hiến của Afghanistan.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm 31/8 rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cố gắng sơ tán những người Mỹ còn lại bằng cách hợp tác với các nước láng giềng của Afghanistan nhằm đảm bảo việc di tản của họ bằng đường bộ hoặc bằng các chuyến bay thuê khi Sân bay Quốc tế Hamid Karzai tại Kabul mở cửa trở lại.

Ông Blinken nói: “Bảo vệ và phúc lợi của người Mỹ ở nước ngoài là sứ mệnh quan trọng và lâu dài nhất của Bộ Ngoại giao. Nếu một người Mỹ ở Afghanistan nói với chúng tôi rằng họ muốn ở lại bây giờ và sau đó một tuần hoặc một tháng hoặc một năm, họ liên hệ [lại với chúng tôi] và nói rằng, tôi đã thay đổi quyết định, thì chúng tôi vẫn sẽ giúp họ rời đi.”

Nhóm khủng bố Taliban tuyên bố rằng việc đi lại bình thường sẽ được cho phép sau khi họ nắm quyền kiểm soát sân bay sau khi Mỹ rút quân.

Chính quyền Biden thừa nhận chia sẻ với Taliban danh sách công dân Mỹ và Afghanistan

image.png
 
 

Hoa Kỳ đã chia sẻ danh sách những cái tên với Taliban, các quan chức Mỹ xác nhận vào ngày 29/8, trong lúc bác bỏ cáo buộc rằng nhóm khủng bố đã được cung cấp danh tính của nhiều người Mỹ và Afghanistan đang cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã xác nhận thông tin được chia sẻ với Taliban.

Ông Blinken cho biết, có những thời điểm nhất định Taliban được cung cấp danh sách những người trên xe buýt đang trên đường đến khu sân bay do Hoa Kỳ nắm giữ ở Kabul, vì chiếc xe cần phải đi qua các trạm kiểm soát của Taliban.

Phát biểu trên chương trình "Meet the Press" của đài NBC, ông Blinken nói: “Bạn sẽ chia sẻ tên trong danh sách những người trên xe buýt để họ có thể yên tâm rằng đó là những người mà chúng tôi đang tìm cách đưa vào trong”.

Ông khẳng định: "Và theo định nghĩa, đó chính xác là những gì đã xảy ra".

Cố vấn Sullivan thì phản bác một tin tức về việc phía Hoa Kỳ đã giao cho Taliban một danh sách tên. Tuy nhiên, ông có ẩn ý về việc một số danh tính đã được chia sẻ.

Ông nói: “Chúng tôi không đưa ra danh sách tất cả những người nắm giữ SIV của Mỹ cho Taliban hoặc bất kỳ loại danh sách lớn nào khác”. Lời này của ông Sullivan đề cập đến Thị thực nhập cư đặc biệt (Special Immigrant Visas - SIV) được cấp cho người Afghanistan.

Nhưng ông không phủ nhận có tồn tại việc các danh sách khác đã được chuyển giao. Theo hàm ý trong lời nói trên thì dường như ông đang thừa nhận có xảy ra trường hợp phía Mỹ chia sẻ một số danh sách nhất định với nhóm phiến quân Taliban.

Cố vấn Sullivan nói về các tình huống trong đó xe buýt của người Afghanistan và những người khác đang đi đến sân bay nhưng phải đi qua các trạm kiểm soát của Taliban.

Giải thích trên chương trình "State of the Union" của đài CNN, ông cho biết: “Đó là kiểu phối hợp mà chúng tôi đã thực hiện với Taliban. Điều đó đã mang đến kết quả là các nhà báo, phụ nữ và phi công cũng như [những người giữ] SIV khác có thể đi qua và lên máy bay cũng như rời khỏi đất nước” Afghanistan.

Tuần trước, Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden đã không phủ nhận việc chính quyền của ông đã chia sẻ danh sách tên người Mỹ với nhóm Taliban. Ông nói với các phóng viên rằng: "Đã có những dịp quân đội của chúng tôi liên lạc với các đối tác quân sự của họ trong nhóm Taliban và nói rằng: 'Chiếc xe buýt này đang chạy qua với số X người trên đó, được tạo thành từ nhóm người sau. Chúng tôi muốn các bạn cho xe buýt đó hoặc nhóm đó đi qua'".

Ông Biden cũng cho biết, ông không thể xác nhận liệu có danh sách tồn tại hay không.

Ông giải thích: “Có thể đã có, nhưng tôi không biết trong trường hợp nào. Điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại, rằng 'Đây là tên của 12 người; họ đang đến. Hãy để họ đi qua'. Điều đó rất có thể đã xảy ra".

Khi được hỏi về những nhận xét đó vào ngày 30/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, có thể có trường hợp các chỉ huy tại thực địa đã chia sẻ những cái tên với phiến quân Taliban.

Bà nói: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng, có sự khác biệt lớn giữa việc cung cấp danh sách những người muốn khởi hành một cách chủ động, và làm việc tại thời điểm hiện tại theo cách phối hợp chiến thuật để đưa mọi người ra ngoài, sơ tán và cứu sống họ”.

Trong chương trình "This Week" của đài ABC, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse (Nebraska) đã tố cáo việc chính quyền ông Biden chia sẻ danh tính của dân thường với Taliban.

“Họ chuyển danh sách công dân Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, những người đã chiến đấu bên cạnh chúng tôi, họ chuyển những danh sách đó cho Taliban, dựa vào [nhóm đó] và nghĩ rằng họ có thể tin tưởng vào [nhóm đó]. Việc đó thật là ngu ngốc. Bây giờ thật điên rồ. Và kế hoạch của họ dường như vẫn là ‘Hãy dựa vào Taliban'”, ông Sasse nói.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có tiếp tục phối hợp với Taliban cho mục tiêu chống lại ISIS sau khi rút quân hay không, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby từ chối trả lời vào ngày 30/8.

Ông nêu rõ: “Tôi không nghĩ rằng đó là việc hữu ích khi quan tâm đến các hoạt động giả định, hoạt động trong tương lai theo cách này hay cách khác”.

Liên minh châu Âu khuyến nghị các thành viên hạn chế khách du lịch Mỹ

This image has an empty alt attribute; its file name is OXfZZso8rrPN0vBKTZytc66TikGGudo0SlD8ui8mWlCDbjDxBVJr1ivIf4j-5WVh_IS0kixBZd2loP79g8M3vtn_YrHBtedqGQUUjS2diSjW2YN50EcXZw=s0-d-e1-ft
 
 

Liên minh Châu Âu khuyến nghị 27 quốc gia thành viên khôi phục các hạn chế đối với du khách Mỹ, một thay đổi chủ yếu ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, vì tỷ lệ nhiễm virus corona mới tăng cao đã khiến Hoa Kỳ trở thành điểm nóng của đại dịch toàn cầu, theo tờ Washington Post.

Các quan chức EU hôm thứ Hai đã quyết định loại bỏ Hoa Kỳ khỏi “danh sách an toàn” của khối các quốc gia mà cư dân của họ không phải đối mặt với các hạn chế đi lại. Nhưng động thái này đi kèm với một số lưu ý: Khuyến nghị không ràng buộc về mặt pháp lý và tùy thuộc vào từng thành viên EU để quyết định có thực hiện nó hay không.

Các quan chức khẳng định rằng nếu các nước châu Âu chấp nhận chứng nhận tiêm chủng, họ nên tiếp tục tiếp nhận những khách du lịch đã được tiêm chủng, bất kể họ đến từ đâu, miễn là họ đã nhận được đầy đủ phác đồ vắc-xin đã được phê duyệt.

Một nhà ngoại giao EU nói với điều kiện giấu tên cho biết những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn được duy trì quyền tiếp cận không bị kiểm soát đối với Liên minh châu Âu.

Đề xuất được đưa ra sau nhiều tuần cân nhắc và trong bối cảnh bùng phát ngày càng tồi tệ ở Hoa Kỳ. EU lần đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế đối với du khách Mỹ vào tháng 6, một quyết định phản ánh bức tranh dịch tễ học đang được cải thiện và mở cửa lại biên giới vào lúc cao điểm của mùa hè, khi các nền kinh tế Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu hụt thu nhập từ du lịch.

Nhưng nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Mức độ chủng ngừa ở nhiều nước châu Âu đã vượt qua mức ở Hoa Kỳ, và biến thể Delta siêu lây nhiễm đã thúc đẩy làn sóng dịch bệnh thứ tư.

Úc: Phản đối phong tỏa và tiêm vắc-xin bắt buộc, lái xe tải chặn đường cao tốc

This image has an empty alt attribute; its file name is P0y9ERbovf5rjhRJbkKRZrWN84-WqRuOCSxzd-xnu2e8nElHbtVzUL1O3i8mSnK0HiGWFZarveNqwWnIrRhm9x-fES5Z_jxLoKmxmfsfPjkSjlObK-pM27M=s0-d-e1-ft
 
 

Các tài xế xe tải đã đỗ xe trên một con đường cao tốc chính ở tiểu bang Queensland, phía đông bắc nước Úc, trong nỗ lực biểu tình phản đối các quy định về tiêm vắc-xin bắt buộc và phong tỏa, khiến cho giao thông ùn tắc kéo dài vài km, theo trang Epoch Times.

Hành động này đánh dấu một loạt các cuộc biểu tình đang diễn ra do người Úc thất vọng với các lệnh phong tỏa và các hạn chế bắt buộc để phòng ngừa COVID-19 của chính quyền tiểu bang. 

Hôm Chủ Nhật (29/8), từ 5h30 sáng, các tài xế đã đỗ xe trên các làn đường đi về phía nam của đường cao tốc M1, tại khu Reedy Creek. Mỗi sáng, có hàng chục ngàn người Queensland đi qua đoạn đường cao tốc này. 

Một tài xế tên Brock cho biết, các tài xế đang phản đối điều luật nghiêm ngặt về sức khỏe của chính quyền tiểu bang Queensland, quy định cấm mọi cá nhân vào tiểu bang, ngoại trừ những lao động thiết yếu.

Những lao động thiết yếu này cần phải là những lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp hoặc chăm sóc sức khỏe…  Hơn nữa, họ cần chứng minh rằng đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19.

Nói về việc tiêm vắc-xin, tài xế Brock cho biết: “Nhưng cuối cùng, tất cả chỉ là sự lựa chọn. Nếu bạn không muốn tiêm vắc-xin thì đừng tiêm. Nếu bạn muốn tiêm thì tiêm. Chỉ cần [chính phủ] đừng tiếp tục nhốt mọi người lại”.

Sau khi sự việc xảy ra, Quyền Giám đốc Rhys Wildman của lực lượng cảnh sát Gold Coast cho biết, những người lái xe tải này sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Ông Wildman cho biết, đường cao tốc M1 đã bị chặn trong 45 phút, và các phương tiện khẩn cấp cũng bị tắc nghẽn, điều này là “rất đáng lo ngại”. 

Trong những tuần gần đây, sự thất vọng đã bắt đầu sôi sục ở Úc, kèm theo đó là các cuộc biểu tình phản đối các lệnh phong tỏa của chính phủ gia tăng trên khắp cả nước. 

Cuối tuần trước hôm 21/8, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth… 

Bộ trưởng Bộ Việc làm Liên bang Stuart Roberts cho biết, [việc áp dụng] các sắc lệnh về y tế rất khó khăn nhưng những người lái xe tải lẽ ra không nên chặn đường cao tốc ở Gold Coast và gây bất tiện cho hàng nghìn người.

Ông nói: “Tiêm phòng dường như là cách để chúng ta có thể vượt qua điều này, thoát khỏi tình trạng bế tắc và trở lại với các quyền tự do mà chúng ta yêu thích ở nước Úc”.

Luật hàng hải mới của Trung Quốc có thể là ‘quả bom hẹn giờ’

.

Từ ngày mai, về mặt pháp lý, Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà nước này coi là lãnh hải của mình phải thông báo cho Bắc Kinh, tạo ra điều mà một số người lo ngại là “quả bom hẹn giờ” gây ra xung đột ở Biển Đông, trang Taipei Times cho hay.

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào tháng 4 đã sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc để yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Trung Quốc phải thông báo cho các cơ quan chức năng hàng hải, mang theo các giấy phép liên quan và chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung Quốc.

Nó cũng trao cho Bắc Kinh quyền ra lệnh cho các tàu nước ngoài mà họ cho là “đe dọa sự an toàn của các vùng nội hải hoặc lãnh hải của Trung Quốc” rời đi và thực hiện “quyền truy đuổi ngay lập tức”.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, lãnh hải được định nghĩa là vùng biển dài 12 hải lý (22,2km) từ lãnh thổ trên cạn, với “quyền đi lại miễn chịu hình phạt” dành cho tàu thuyền đi qua lãnh hải một cách không mang tới đe dọa an ninh cho quốc gia ven biển.

Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng yêu cầu mới sẽ áp dụng cho tất cả các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ hoặc chất độc hại, cũng như bất kỳ tàu nước ngoài nào bị coi là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc”.

Các tàu phải báo cáo tên tàu, biển hiệu, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo, hành trình và tốc độ ước tính, bản chất của hàng hóa và sức tải.

Các quốc gia khác lo ngại rằng việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp để mở rộng phạm vi xung đột “vùng xám” có thể trở thành một quả bom hẹn giờ tích cực, theo ông Tô Tử Vân, Giám đốc Phòng Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Đài Loan.

Ông Tô nói, Bắc Kinh coi quyền tài phán trên biển của mình bao gồm nhiều thứ hơn là vùng biển ven bờ.

Ông nói, điều này sẽ bao gồm 12 hải lý biển bao quanh các rạn san hô nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Biển Đông, tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận tự do hàng hải do các quốc gia khác thực hiện.

Chuyên gia Tống Thừa Ân của Tổ chức giám sát dân chủ Đài Loan nói rằng ông hy vọng tác động đến eo biển Đài Loan là nhẹ.

Theo công ước của Liên Hợp Quốc, vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc được coi là một eo biển quốc tế, qua đó bảo đảm quyền tự do hàng hải “chỉ với mục đích vận chuyển liên tục và nhanh chóng qua eo biển”.

Tuy nhiên, ông Tống đồng ý rằng việc sửa đổi có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, tùy thuộc vào cách lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lựa chọn để thực thi luật pháp.

Dơi bay kín đen trời Tứ Xuyên, dân lo dấu hiệu thiên tai sắp tới

This image has an empty alt attribute; its file name is FX5dyxx_6KDHOGpZlI-owiTzCGxLPoAB-vS-4OAYMb6Xcz-fgSlNmZ_AWnSwpi3QUTxh4iu_PkY1j5qc2SHwiN_fcyZdvBM-YsUPc5rDHk6mnPcFs4Ok_g=s0-d-e1-ft
 
 

Vào tối ngày 28/8, một số lượng lớn dơi được phát hiện trên bầu trời Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên cộng đồng mạng. Sự xuất hiện của rất nhiều dơi trên bầu trời khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng không biết có phải vì sắp xảy ra động đất hay không, theo trang Aboluowang.

Theo kinh nghiệm dân gian của người Hoa, các hiện tượng tự nhiên như thiên tai và thảm họa thường hay được dự báo trước bởi các hành vi bất thường của động vật. Lần này dơi xuất hiện theo đàn, và một số người lo lắng rằng loài dơi đã cảm nhận được động đất hoặc các thảm họa khác sắp xảy ra?

Người dùng mạng tên “Takibuchi Shinshutake” đăng tải trên mạng rằng: “Dơi thường là biểu tượng của đêm đen và điềm gở. Chúng có thể xuất hiện với số lượng lớn do quá nhiều thức ăn, hoặc có thể xảy ra động đất, sóng thần hoặc một số thảm họa khác, vì chúng có thể cảm nhận được sóng siêu âm”.