CHƯƠNG 4 - VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ TRƯỚC VIỆC MỸ GÂY CHIẾN TRANH LỚN Ở CẢ HAI MIỀN

CHƯƠNG 4 - VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ TRƯỚC VIỆC MỸ GÂY CHIẾN TRANH LỚN Ở CẢ HAI MIỀN
09/01/2021

Toàn bộ chính sách chuẩn bị chiến tranh của Mỹ ở cả miền Nam Việt Nam và ở Lào nhất là cuộc chiến tranh đặc biệt ở cả miền Nam Việt Nam và Lào đã báo động thế giới vì những phát triển nguy hiểm tiếp theo. Nhân dân Việt Nam, mục tiêu trực tiếp của chính sách đó, càng không thể làm ngơ trước những gì Mỹ đang làm và dự định làm ở miền Nam Việt Nam.

Hội nghị toàn thể lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963:

“Ta đã mạnh hơn địch về chính trị nhưng còn yếu hơn địch về quân sự".

Hội nghị dự kiến có hai khả năng phát triển tình hình miền Nam:

Một: Có thể Mỹ tham gia đến mức như hiện nay hay hơn một chút nghĩa là vẫn giữ chiến tranh đặc biệt.

Hai: Mỹ đưa quân Mỹ và quân của Đông Nam Á vào miền Nam, biến chiến tranh ở miền Nam thành chiến tranh cục bộ (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội, 1980, tr. 168- 178.).

Trước âm mưu của Mỹ, tình hình các nước lớn muốn duy trì nguyên trạng ở Việt Nam, diễn biến phức tạp của phong trào cộng sản thế giới, đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Đảng Lao động Việt Nam cũng đã dự tính cách mạng miền Nam có thể phải qua những bước quá độ với những hình thức và phương pháp đấu tranh phức tạp mới đi đến thắng lợi hoàn toàn

Cuối năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị giết hại, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đề nghị:

“Các phái hữu quan ở miền Nam cùng nhau thương lượng để đến ngừng bắn và giải quyết vấn đề trọng đại của đất nước" (Những sự kiện lịch sử Đảng, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, tr. 277-293)

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tình hình miền Nam Việt Nam vẫn trong khủng hoảng chính trị, quân sự trầm trọng. Ngày 8 tháng 2 năm 1964, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi:

“Các phe phái, các lực lượng miền Nam cùng nhau đàm phán để tìm một giải pháp hợp lý cho đất nước trên cơ sở thực hiện hoà bình, độc lập, dân chủ và trung lập ở miền Nam Việt Nam" (Những sự kiện lịch sử Đảng, Nhà xuất bản Thông tin Lý luận Hà Nội.).

Trước khi Johnson quyết định đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cho rằng;

“Đối với chúng ta, vấn đề đặt ra là ta phải đánh thế nào cho Mỹ ngụy phải thua, đồng thời hạn chế ở mức thấp nhất, đi đến loại trừ khả năng địch thay đổi chiến lược, chuyển “chiến tranh đặc biệt" thành “chiến tranh cục bộ".

Ngay đầu năm 1965, trong bức thư gửi các đồng chí lãnh đạo ở miền Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho rằng tình hình có khả năng chuyển biến mau lẹ; có thể xuất hiện một mặt trận trung lập và dưới ngọn cờ mặt trận trung lập đó, nhân dân sẽ nổi lên, thành lập một Chính quyền trung lập:

“Chính quyền mới sẽ đề ra các yêu cầu:

- Đình chỉ chiến sự. Đặt vấn đề giao thiệp công khai với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để bàn việc chấm dứt chiến tranh.

- Thực hiện chính sách trung lập. Giao thiệp với Pháp, Mỹ và đặt vấn đề yêu cầu Quân đội Mỹ rút.

Yêu cầu hai Chủ tịch Hội nghị Genève năm 1954 triệu tập ngay Hội nghị để bàn vấn đề bảo đảm trung lập cho miền Nam và đình chỉ chiến sự" (Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 88.).

Qua kịch bản này người ta có thể thấy kịch bản giải quyết vấn đề Lào năm 1962. Điều này phù hợp với chủ trương đưa Nam vào con đường hoà bình trung lập mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đề ra khi mới thành lập và lời kêu gọi của Mặt trận sau cuộc đảo chính giết hại Ngô Đình Diệm. Đó là cơ hội có thể mang lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam, ngăn ngừa chiến tranh lớn xảy ra. Rất tiếc rằng Chính quyền Johnson quá lo sợ về bóng ma "Domino" đã không đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tiếp tục ủng hộ các tướng lĩnh thân Mỹ, kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự ở miền Nam.

Tình hình miền Nam ngày càng căng thẳng. Ngày 7 tháng 2 năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, ngày 8 tháng 3 năm 1965 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng.

Cuối tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị toàn thể để đánh giá tình hình mới và ra nghị quyết:

“Tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền" và hiện nay "miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn”, “phải tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong chiến tranh cục bộ cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam, ra sức giúp đỡ cách mạng Lào”. 

Trung ương Đảng cũng quyết định chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình cả nước có chiến tranh, tăng cường và mở rộng lực lượng vũ trang (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Sđd, tr. 212-214.).


Trong cuộc Hội nghị cán bộ từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965, đồng chí Lê Duẩn lại tuyên bố.

“Đảng ta là một đảng đã trưởng thành, biết đánh giá đúng đắn sự giúp đỡ của các nước anh em, biết giữ vững quyền độc lập tự chủ của mình, mọi hành động của chúng ta đều là vì lợi ích của cách mạng nước ta cũng như của cách mạng thế giới. Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn chủ động lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chúng ta biết khởi sự chiến tranh cách mạng thì biết kết thúc chiến tranh đó vào lúc nào có lợi cho cách mạng nước ta và cách mạng thế giới" (Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cán bộ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965.).

Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:

“Dù phải chiến đấu năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985 tập II, tr. 364.).

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã khẳng định rõ ràng lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

“Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp nghị Genève, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam để thực hiện Hiệp nghị Genève năm 1954, để bảo vệ hoà bình của các nước Đông Dương và Đông Nam Á, không có cách nào khác. Đó là trả lời của nhân dân và Chính phủ ta cho đế quốc Mỹ" (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1980 tập II, tr. 364.).

Cùng dịp này, trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc lại lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam và đề ra bốn điểm làm cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Việt Nam:

Lập trường trước sau như một của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam, thi hành đúng đắn những điều khoản cơ bản của Hiệp nghị ấy thể hiện cụ thể ở mấy điểm sau đây:

"Một: Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hoà bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp nghị Genève, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, triệt phá những căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, xoá bỏ “liên minh quân sự" với miền Nam. Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam. Theo đúng Hiệp nghị Genève, Chính phủ Mỹ phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hoạt động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Hai: Trong lúc chờ đợi thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời bị chia làm hai miền, thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam như: hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.

Ba: Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Bốn: Việc thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài".

Lập trường đó chắc chắn được mọi Chính phủ và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới đồng tình và ủng hộ.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho rằng lập trường trình bày trên đây là cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn về vấn đề Việt Nam sẽ có điều kiện tiến hành thuận lợi và mới có thể tính đến việc họp lại một cuộc Hội nghị quốc tế theo kiểu Hội nghị Genève năm 1954 về Việt Nam.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố rằng mọi giải pháp trái với lập trường trình bày trên đây đều không thích hợp; mọi giải pháp muốn dùng Liên Hợp Quốc để can thiệp vào tình hình nước Việt Nam cũng đều không thích hợp, bởi vì những giải pháp như vậy về cơ bản trái với Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam.

Lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đưa ra ngay sau tuyên bố Baltimore của Tổng thống Johnson. Đúng thế, tối ngày 7 tháng 4 năm 1965, tại Trường Đại học Johnson Hopskin, Johnson đã đọc một bài diễn văn quan trọng về tình hình Việt Nam. Khi đó, các máy bay Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam và đã leo tháng đến vĩ tuyến 20, ngoài lữ đoàn viễn chinh, lính thuỷ đánh bộ đã đổ bộ lên Đà Nẵng. Lữ đoàn không vận 173, lực lượng can thiệp nhanh đã đến bảo vệ căn cứ không quân Biên Hoà, lữ đoàn không vận 101 đã đến tăng cường cho vùng Sài Gòn. 

Để làm dịu dư luận đang kịch liệt phản đối Mỹ ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đưa quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, Johnson đã bào chữa những hành động chiến tranh của Mỹ, và đưa ra đề nghị: “sẵn sàng thương lượng không điều kiện " và cử Eugene Black đại diện nước Mỹ để thương lượng ngay với miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Để thêm sức thuyết phục dư luận, Johnson hứa sẽ viện trợ một tỷ đô-la để xây dựng Đông Nam Á, trong đó có Bắc Việt Nam.

Dư luận có người tin thiện chí của Johnson, có người không tin, nhưng dư luận chung thấy một bên đã nói “sẵn sàng thương lượng không điều kiện”, một bên lại đưa ra nội dung giải pháp. Bất kể thế nào, sự trùng hợp đó là điều thuận lợi để cứu vãn hoà bình ở Việt Nam.

Lập trường bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một giải pháp dựa trên Hiệp nghị Genève năm 1954 và Thủ tướng đã nói rõ đây là “cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam". Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ và các nhà báo lại phân biệt chi li từ "reonnize" (thừa nhận) với từ “accept" (chấp nhận). Nghe nói có nhà ngoại giao giở đủ thứ từ điển để tra cứu bốn điểm của ông Phạm Văn Đồng và điều đó cũng là tất nhiên vì họ phải hiểu ý đồ của Hà Nội về chủ trương, phương pháp. Họ không những chỉ thị cho các sứ quán tìm hiểu mà còn tìm người trung gian trực tiếp hỏi các nhà ngoại giao Hà Nội.

Mỹ vui mừng có một thuận lợi là có sẵn mối quan hệ với J.B.Seaborn đại sứ Canađa trong Uỷ ban Quốc tế đã hai lần ra Hà Nội thăm dò tình hình và quan điểm. Theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Seaborn tới Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1965.

Lần này ông không được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng như hai lần trước. Ông được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tiếp .

Sau mấy câu lễ tân, Seaborn đi ngay vào vấn đề:

“Chính phủ Canađa tỏ ra lo ngại đến tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam có liên quan trực tiếp đến tình hình thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ có gửi một bức công hàm mật cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến nay, Chính phủ Canađa chưa được biết phản ứng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Chúng tôi rất mong muốn được nói chuyện với Ngài về vấn đề đàm phán thương lượng tìm cơ sở cho một giải pháp hoà bình ở Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng làm người trung gian, tuy nhiệm vụ trung gian nhiều lúc rất bạc bẽo.
Trước khi tôi ở Sài Gòn ra đây, tôi được chỉ thị chuyển một thông điệp miệng của Chính phủ Hoa Kỳ nếu ngài đồng ý, tôi xin đọc...”.

Đến đây, đại sứ dừng lại


Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh cảm ơn ông đã tỏ sự quan tâm đến tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam và nêu rõ nguyên nhân của tình hình là việc Mỹ mở rộng chiến tranh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Mỹ đang theo đuổi chính sách “cái gậy và củ cà rốt" và nói tiếp:

“Chắc đại sứ đã rõ nhân dân Việt Nam ở miền Nam và miền Bắc đã trả lời như thế nào đối với chính sách của Mỹ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rõ lập trường của chúng tôi! Chúng tôi nghĩ rằng với Canađa là một thành viên trong Uỷ ban Quốc tế, chúng tôi mong rằng Ngài làm tròn nhiệm vụ trong Uỷ ban Quốc tế với hết khả năng của mình".

Seaborn:

“Trong việc đánh giá tình hình giữa Chính phủ chúng tôi và Chính phủ Ngài có những điều không giống nhau, nhưng Chính phủ chúng tôi luôn thành thật trong khi làm nhiệm vụ Uỷ ban Quốc tế...Tôi đã đọc, đã nghiên cứu và tìm hiểu bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì đấy là sự mở đầu quan trọng. Tôi nghĩ, với ý kiến cá nhân, trong bốn điểm đó có những điểm đáng chú ý. Tôi thấy có nhiều điểm đối phương có thể chấp nhận được nhưng cũng có điểm mà hiện nay Chính phủ Mỹ không sẵn sàng chấp nhận.

Chúng tôi thấy có điều cần được rõ thêm là có phải việc chấp nhận bốn điểm đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán hay bốn điểm đó là những vấn đề sẽ đưa ra bàn để giải quyết dần trong quá trình đàm phán?”

Nguyễn Duy Trinh:

“Báo cáo của Chính phủ chúng tôi đã nêu rõ đó là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, nghĩa là vấn đề Việt Nam phải giải quyết bằng cách như vậy.

Nhân dân chúng tôi đang phải chiến đấu để giành các quyền dân tộc cơ bản của mình như Hiệp nghị Genève đã quy định. Bản báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: Thi hành bốn điểm đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. 

Diễn văn của Tổng thống Johnson ở Baltimore tuy nói thương lượng không điều kiện nhưng thực ra đã đưa ra những điều kiện: Mỹ không từ bỏ xâm lược miền Nam Việt Nam, không thừa nhận nước Việt Nam thống nhất, không thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đối chiếu với Hiệp nghị Genève, rõ ràng Hiệp nghị Genève đã không được Mỹ để ý đến…

Bốn điểm của chúng tôi là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, thực hiện bốn điểm đó mới trở lại Hiệp nghị Genève”.

Seaborn:

“Trong bốn điểm có điểm nói Mỹ phải rút quân khỏi Nam Việt Nam. Như vậy là Mỹ phải rút trước khi đàm phán hay là việc Mỹ rút sẽ được thu xếp trong khi đàm phán?”.

Nguyễn Duy Trinh:

“Vấn đề là thái độ của Mỹ đối với tất cả bốn điểm đó như thế nào Đáng tiếc thực tế không phải là Mỹ rút mà Mỹ còn đang tăng số quân ở miền Nam, tăng cường chiến tranh. Nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu và đòi Mỹ cút".


Bộ trưởng dừng lại. 

Seaborn ngập ngừng:

 "Tôi có đem theo đây thông điệp miệng của Chính phủ Hoa Kỳ. Nếu ngài thấy quan điểm của Mỹ đã rõ ràng thì không nhất thiết phải đọc ra đây, nhưng nếu ngài cho phép, tôi xin đọc".

Nguyễn Duy Trinh:,

“Tôi không phản đối, nếu ngài muốn đọc”.

Seaborn:

“Chính phủ tôi chỉ thị cho tôi chuyển thông điệp này của Chính phủ Hoa Kỳ tới Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quan điểm của Mỹ trong thông điệp cũng đã được nói với đại diện của Bắc Kinh và Mát-xcơ- va.


Một: Chính phủ Hoa Kỳ biểu lộ quyết tâm trong việc bảo vệ tự do của Việt Nam Cộng hoà. Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp cần thiết như Hoa Kỳ đã giải thích, nếu sự xâm lược của người khác vẫn tiếp tục.

Hai: Diễn văn ngày 7 tháng 4 năm 1965 của Tổng thống Johnson và trả lời của Chính phủ Hoa Kỳ đối với lời kêu gọi của mười bảy nước không liên kết xác định một lần nữa là Hoa Kỳ sẵn sàng thương lượng không điều kiện cũng như nói rõ mục đích và hành động tiếp theo của Mỹ để giải quyết hoà bình ở Việt Nam.

 Ba: Chính phủ Hoa Kỳ thất vọng thấy những hoạt động ở miền Nam Việt Nam được Hà Nội ủng hộ và điều khiển vẫn tiếp tục không thay đổi mà lại tăng cường. Chính phủ Hoa Kỳ thấy Hà Nội không biểu lộ sự sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của mười bảy nước không liên kết, trả lời tiêu cực với đề nghị mới đây của Ấn Độ, ngay cả việc coi đó làm cơ sở để đàm phán.

Bốn: Chính phủ Hoa Kỳ đã báo cho Hà Nội ngày 12 tháng 5 năm 1965 là Hoa Kỳ tạm ngừng oanh tạc trong một thời gian nhiều ngày. Tiếc rằng Hà Nội không hưởng ứng dưới bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải cùng với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà tiếp tục oanh tạc lại và tiếp tục xét khả năng tìm một giải pháp mà cả hai bên cùng thực hiện được.

Năm: Chính phủ Hoa Kỳ cần phải nói rõ rằng nếu không có những hoạt động, những cuộc đàm phán dẫn tới giải pháp chính trị, Mỹ sẽ có bất cứ biện pháp nào thấy cần thiết để chống lại những hoạt động tấn công được miền Bắc ủng hộ và điều khiển nhằm chống lại Việt Nam Cộng hoà và chống lại những hoạt động của Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam Cộng hoà".

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh tỏ ra kiên nhẫn nghe đại sứ trình bày, rồi thong thả nói:

"Nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh trả lại bọn xâm lược Mỹ. Các vấn đề miền Nam Việt Nam phải do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giải quyết. Còn đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...Chúng tôi kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi không thể nào nhận được những điều kiện của bọn xâm lược. Ngài cũng vui lòng làm người trung gian truyền đạt tới họ quyết tâm của nhân dân Việt Nam đánh bại sự xâm lược của Mỹ trên đất nước chúng tôi”.

Seaborn:

“Cám ơn Ngài đã kiên nhẫn vui lòng cho tôi thực hiện chỉ thị của Chính phủ chúng tôi, tuy trong thông điệp đó tôi cũng thấy có điểm không được dễ nghe lắm. Tôi hứa sẽ truyền đạt trung thành những ý kiến của Ngài về Chính phủ tôi để Chính phủ tôi chuyển cho Chính phủ Hoà Kỳ”.