Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu nghệ sĩ minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật

Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu nghệ sĩ minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật
09/04/2021
 
 
 
VOV.VN - Nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.

Bộ VHTT&DL đang tổ chức soạn thảo Dự thảo bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ đã được đề nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo. Dự thảo đang hoàn thiện và chưa chính thức ban hành.

Theo đó, mục đích của bộ quy tắc là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Đáng chú ý, bộ quy tắc này sẽ áp dụng cho cả các nghệ sĩ tự do, không thuộc các nhà hát của nhà nước. Mục đích của bộ quy tắc để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ với hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động cộng đồng khác.

Về quy tắc ứng xử, dự thảo quy định nghệ sĩ phải tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Hành vi ứng xử (lời nói, hình ảnh, trang phục, lối sống,…) phù hợp với các giá trị đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đề cao trách nhiệm cá nhân, cẩn trọng, bình tĩnh tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả.

Đối với khán giả, công chúng, nghệ sĩ phải tôn trọng công chúng, khán giả, tận tâm lao động, sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân, đất nước. Lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả, công chúng nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân. Ứng xử đúng mực, lịch sự, thân thiện với khán giả, công chúng.

Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, theo đó, nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội.

Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hoá trong xã hội đến cộng đồng. Không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm... Không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, vi phạm trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng phải có trách nhiệm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Không đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Dự thảo cũng nêu rõ mục đích của Quy tắc là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ đối với hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động cộng đồng khác. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo kế hoạch, tất cả các góp ý được gửi về Bộ trong tháng 7/2021. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, lấy ý kiến rộng rãi tiến tới hoàn chỉnh bộ quy tắc và ra quyết định ban hành.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, bộ quy tắc là khung ứng xử, không phải quy phạm pháp luật. Trong đó, không có điều khoản cấm sóng. Tuy nhiên đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc riêng cũng như ban hành các định chế riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.

"Dựa trên bộ quy tắc này, các bộ, ban, ngành sẽ có các quy tắc riêng, ban hành các định chế riêng của từng hội. Lúc đó, nghệ sĩ ở trong hội mới áp dụng. Đây là quy tắc ứng xử chung, không có phần xử phạt", Thứ trưởng nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong thời gian vừa qua, công chúng chứng kiến khá nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp của các nghệ sĩ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Vì vậy, việc Bộ VHTT&DL đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là cần thiết.

"Nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người. Nghệ sĩ gắn với nghệ thuật, nghệ thuật luôn gắn với chân – thiện – mỹ, những giá trị định hướng sự phát triển văn hóa cho xã hội. Nghệ thuật hay nghệ sĩ không đơn thuần hướng đến các hoạt động giải trí, mà hướng con người ta đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì thế chúng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí và ý nghĩa của văn nghệ sĩ cũng như nghệ thuật trong sự phát triển chung của xã hội. 

Để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chắc chắn chúng ta phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng Hội Nghệ sĩ Sân khấu chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói./.