Nhiều vấn đề nảy sinh khi nghệ sĩ kêu gọi tiền từ thiện
Không ai sinh ra để đi làm từ thiện, cũng không có cơ sở nào đào tạo ngành nghề làm từ thiện, nhưng đây lại là một phần không thể thiếu trong đời sống, một giá trị văn hóa, nhân văn mà mọi quốc gia đều tôn vinh và khuyến khích.
Ở nước ta, hoạt động từ thiện nở rộ trong những năm gần đây, đặc biệt những nghệ sĩ, người nổi tiếng đã kêu gọi được số tiền ủng hộ rất lớn. Đó là điều rất đáng mừng.
Nhưng bên cạnh đó, nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, phân phối, thông tin trong quá trình từ thiện, điển hình như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh, Thủy Tiên hay Trấn Thành thời gian gần đây.
NSƯT Hoài Linh chậm trễ trong việc giải ngân hơn 15 tỷ tiền quyên góp cứu trợ bà con vùng lũ
Mới đây, NSƯT Hoài Linh chính thức đưa ra lời xin lỗi khán giả và người dân miền Trung, sau khi giải ngân hơn 15 tỷ tiền quyên góp cứu trợ bà con vùng lũ. Lẽ ra số tiền này đã phải được chuyển đến miền Trung cách đây 6 tháng theo đúng tinh thần cứu trợ.
Người nghệ sĩ này đưa ra nhiều lời giải thích cho sự chậm trễ của mình, thậm chí sau khi bị chỉ trích, trong vòng chưa đầy 1 tuần đã giải ngân xong toàn bộ số tiền nợ đọng. Nhưng sự mất mát về lòng tin của người hâm mộ dành cho ông là không thể tránh khỏi.
Hoàn toàn ngược lại, năm ngoái ca sĩ Thủy Tiên kịp thời xông pha vào vùng lũ khó khăn nguy hiểm, kêu gọi được con số kỷ lục gần 180 tỷ tiền cứu trợ. Sự nỗ lực của cô được cộng đồng rất trân trọng.
Nhiều người đến nay vẫn kiên trì yêu cầu Thủy Tiên giải trình về những bất hợp lý trong kê khai hóa đơn chứng từ
Tuy nhiên, sự minh bạch cụ thể trong chi tiêu, phân phối tiền quyên góp của cô đến giờ này vẫn là một câu hỏi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Những người phản đối còn thành lập một group antifan hơn 90.000 thành viên, đến nay vẫn kiên trì yêu cầu Thủy Tiên giải trình về những bất hợp lý trong kê khai hóa đơn chứng từ.
Cũng trong thời gian qua, diễn viên Trấn Thành phải xin lỗi các mạnh thường quân mà mình đã kêu gọi quyên góp trong đợt lũ lụt miền Trung năm ngoái. Lý do là các khoản tiền được chuyển đến địa chỉ khác với kế hoạch ban đầu, nhưng anh đã không kịp thời thông báo cho họ.
Cá nhân vận động từ thiện có trách nhiệm báo cáo, công khai
Trước thực tế các hoạt động từ thiện hiện nay, mới đây, Dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Rất nhiều quy định mới được đưa ra so với Nghị định 64 ban hành cách đây 12 năm về lĩnh vực này.
Những điểm mới cơ bản như sau:
- Đối tượng được phép tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện: Ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng thì còn có các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Các tổ chức tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình và Các cá nhân.
- Tổ chức huy động từ thiện phải công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hàng đóng góp tự nguyện trước từ 1 - 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện; công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ.
- Cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận.
- Đồng thời, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tài trợ để đảm bảo phân phối kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng.
- Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Điểm mới của dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố...
Nhìn ở góc độ khác, cũng có cả trách nhiệm của người đóng góp từ thiện. Rất nhiều người khi nhìn những mái nhà chìm trong nước lũ, những cảnh đời khốn khó vì bệnh tật đã không ngần ngại chuyển khoản ngay cho người này, người kia đang kêu gọi thống thiết, mà không quan tâm tiền ấy sẽ được sử dụng thế nào.
Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ lừa đảo đã xuất hiện. Lừa đảo từ thiện trở thành một loại tội phạm mới có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tất cả tạo ra những hệ quả xã hội không nhỏ, cần những giải pháp cả về nhận thức và pháp lý.
Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng "hệ sinh thái" cho các hoạt động thiện nguyện. Một hệ sinh thái mà ở đó người cho người nhận đều cảm thấy ấm áp, ân tình, chung quy cũng không ngoài mấy chữ: kịp thời, minh bạch, đúng nơi đúng lúc.
Dịch COVID-19 vẫn sẽ còn kéo dài và chẳng bao lâu nữa mùa lũ sẽ lại đến. Mong sao Nghị định mới sớm được Chính phủ xem xét ban hành, để hoạt động thiện nguyện được trở lại đúng vị trí đẹp đẽ của nó. Để yêu thương nối dài thêm yêu thương, chứ không phải những ồn ào, những tiếng thở than trách móc, hay những thị phi không đáng có.
Cùng trao đổi về vấn đề từ thiện trong chương trình Vấn đề hôm nay là bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Nghệ sĩ Hoài Linh cúi đầu xin lỗi bà con miền Trung, khán giả và các mạnh thường quân vì chậm trễ tiền từ thiện