Ảnh minh họa.
Dự thảo Nghị định này gồm 6 chương 44 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trục xuất, quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi hành hình thức xử phạt trục xuất. Áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính; thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính và những quy định khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính.
Dự thảo Nghị định cũng quy định đối tượng áp dụng là người có hành vi vi phạm bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính thuộc các trường hợp quy định tại Điều 15 và Điều 30 Nghị định này; người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của pháp luật; người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và các biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại điểm đ Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, quyền của người bị trục xuất là được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp; được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 14 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Chấp hành nhanh chóng, đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có); hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với công tác quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc trưởng phòng quản lý xuất, nhập cảnh Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất) đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất trong những trường hợp sau đây:
- Khi có căn cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
- Để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, không được sử dụng nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.
File đính kèm