20 năm vụ 11/9 : Người dân Afghanistan cay đắng và thất vọng về Mỹ
Vị đắng của dân Afghanistan trong ngày 11 tháng 9. Theo tiết lộ của báo New York Times, drone của Mỹ tại Afghan hôm 30/08/2021 bắn trúng thường dân. WAKIL KOHSAR AFP/File
Minh Anh
Tại Afghanistan, sự kiện 11/09/2001 không tìm được tiếng vang do Taliban trở lại cầm quyền, đất nước quay trở lại với thời kỳ 20 năm trước.
Loạt khủng bố cách nay 20 năm là nguồn cội cho cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan với gần 2.300 tỷ đô la đã được chi ra. Sự can thiệp đó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng khoét sâu thêm những cách biệt và ngăn cách về văn hóa ở phần lớn đất nước.
Theo thông tín viên đài RFI Sonia Ghezali từ Kabul, cay đắng, thất vọng, ngờ vực là những cảm xúc của người dân Kabul khi nhìn về sự kiện này.
« Người ta đang trong một tình trạng cách nay 20 năm. Vào thời kỳ đó, tôi còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ hết ». Ali thổ lộ từ một căn phòng anh ở cùng với gia đình tại nhà người thân, nơi anh đang ẩn náu ở miền nam Afghanistan. Kể từ sau chiến thắng của Taliban, người giáo viên tiếng Anh này và thông dịch viên lo sợ cho sự sống của mình. Theo anh, mối liên hệ giữa Al Qaida – tác giả của loạt tấn công 11/9, và phe Taliban quá chặt chẽ, khó thể mà cắt đứt.
Tại Kabul, Rabia cũng sống trong nỗi sợ hãi. Cô đã từ bỏ công việc nhà báo. Cô cho biết : « phần lớn thời gian, tôi sống trong lo âu, sợ hãi, gò bó ». Ngày 11/9 nguồn cội của sự can thiệp từ Mỹ, dẫn đầu một liên minh quốc tế đã thay đổi dòng đời của nhiều phụ nữ Afghanistan. Cô nói tiếp : « Hai mươi năm qua cứ như một giấc mơ dù là có rất nhiều khó khăn ».
Cô nghĩ đến cơ hội phụ nữ được đi học tại những vùng đô thị, được tiếp cận việc làm, tham gia chính phủ, và một nền công lý đương nhiên là chậm và còn nhiều chông gai, nhưng mang lại nhiều quyền hơn.
Bà Ramiha Rezae, cựu thẩm phán tòa án Hôn nhân gia đình, hiện đang tỵ nạn tại châu Âu khi chính quyền tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ, nhớ lại năm 2001, khi nhìn thấy những hình ảnh loạt tấn công 11/9, đã không nghĩ rằng đất nước của bà sẽ chuyển sang một thời kỳ mới. Hai mươi năm sau, thời kỳ đó không còn nữa để nhường chỗ cho những người từng bị đánh đuổi khỏi quyền lực ».
New York Times : Quân đội Mỹ đã giết nhầm thường dân
Liên quan đến vụ oanh kích sau cùng của Mỹ tại Afghanistan ngày 30/08/2021, New York Times hôm 10/09/2021 đã phản đối lời khẳng định của quân đội Mỹ cho là đã bắn hạ một quân thánh chiến với xe chở đầy chất nổ. Nhật báo Mỹ cho rằng các hình ảnh camera giám sát cho thấy tài xế là Ezmarai Ahmadi, một người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Hôm xảy ra vụ oanh kích là một ngày làm việc bình thường, và trên xe chở đầy các thùng chứa nước. Gia đình nạn nhân nói rõ với AFP ngay hôm sau vụ oanh kích rằng có 10 người, trong đó phần lớn là trẻ em, đã bị thiệt mạng.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio vào ngày 9/9 đã phản đối Cơ tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khi có báo cáo cho rằng cơ quan này đang xem xét hiện diện trên TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc, trang VOA Chinese cho hay.
Ông Rubio là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Thượng nghị sĩ này đã viết thư cho Giám đốc CIA William Burns, thúc giục ông này “cam kết CIA sẽ không tham gia vào TikTok hoặc bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cũng như dữ liệu và quyền riêng tư của người Mỹ”.
Chỉ một ngày trước, người phát ngôn của CIA nói với hãng tin Politico của Mỹ rằng việc tham gia vào TikTok là một khả năng vì CIA đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội. Tuy nhiên sau khi tờ Politico xuất bản bài viết, người phát ngôn CIA đã nói rằng “chúng tôi hiện không có kế hoạch tham gia”.
Đầu tháng 8, có thông tin cho rằng ĐCSTQ đã nắm cổ phần trong công ty mẹ của TikTok, Bytedance, và giữ một ghế trong hội đồng quản trị.
Ông Rubio cho biết trong lá thư rằng CIA có trách nhiệm “bảo vệ đất nước của chúng ta và bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ”. Ông nói rằng có hơn 130 đảng viên trong ĐCSTQ đang giữ các vị trí quản lý trong văn phòng “ByteDance” ở Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ này cho biết trong bức thư: “Tôi yêu cầu ông từ chối các nhận xét và báo cáo của nhóm truyền thông xã hội của CIA, đồng thời xác nhận rằng CIA sẽ không tham gia vào TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng nước ngoài có rủi ro cao nào khác”.
Ông Rubio còn lưu ý: TikTok có hàng triệu người dùng trên khắp Hoa Kỳ. Do đó, CIA nên cảnh báo về những rủi ro liên quan đến TikTok và các ứng dụng nước ngoài khác được phát triển trong các trạng thái giám sát độc đoán, chứ không phải bình thường hóa chúng. Thay vì dành các nguồn lực an ninh quốc gia quý giá cho một chương trình nghị sự sai lầm, CIA nên tập trung vào những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta, bao gồm các mối đe dọa từ ĐCSTQ, nước Nga của Putin, chế độ Iran và các mạng lưới khủng bố ngày càng nguy hiểm do Chính quyền Biden xử lý việc rút quân ở Afghanistan.
Nhật Bản tìm cách duy trì nhiệm vụ mở rộng của Lực lượng Phòng Vệ
Tokyo muốn duy trì khả năng mở rộng quyền hạn của lực lượng phòng thủ. Ảnh minh họa : thủ tướng Nhật Yoshihide Suga Behrouz MEHRI AFP
Minh Anh
Trang mạng thông tin NHK của Nhật Bản ngày 11/09/2021 cho biết chính phủ Nhật Bản thảo luận về việc tiếp tục triển khai lực lượng phòng vệ (ADF) tham gia gìn giữ hòa bình và sự ổn định của thế giới.
Trong vòng 20 năm qua, ngay sau loạt tấn công khủng bố ngày 11/9, Nhật Bản đã cho triển khai nhiều tầu chiến của ADF tại Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho hạm đội Mỹ. Nhiệm vụ của hải quân Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khía cạnh hậu cần như tiếp liệu cho tầu chiến Mỹ chẳng hạn.
Luật về an ninh quốc gia ban hành năm 2015 cho phép Tokyo thực hiện các công tác cứu hộ và bảo vệ công dân đất nước trong trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài.
Nhưng những năm gần đây, Nhật Bản cho rằng nhiều rủi ro an ninh thế giới, như khủng bố chẳng hạn mỗi lúc một gia tăng trên thế giới. Và nhiệm vụ của ADF, nhất là cuộc chiến chống hải tặc và can thiệp trong trường hợp có thảm họa rất được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh này, nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Tự do Dân chủ - chính đảng lớn chiếm đa số ở Nghị Viện muốn tạo thêm nhiều thuận lợi cho lực lượng phòng vệ. Họ lấy làm tiếc rằng chính phủ đã không có phản ứng nhanh trước những biến chuyển xấu đi đột ngột tại Afghanistan sau khi Taliban trở lại cầm quyền.
NHK nêu rõ không quân Nhật Bản đã sơ tán được một phụ nữ người Nhật và 14 người Afghanistan ra khỏi đất nước, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành khi để lại nhiều người khác nữa tại quốc gia Nam Á này.
Về phần mình, hãng tin Reuters ngày 10/09/2021 dẫn nguồn tin bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết quan chức ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có một cuộc họp tại Tokyo để thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Covid-19 : Cựu bộ trưởng Y Tế Pháp bị khởi tố vì coi nhẹ dịch
Cựu bộ trưởng Y Tế Pháp, Agnès Buzyn là quan chức đầu tiên bị khởi tố vì quản lý kém cỏi đại dịch Covid-19. Lucas BARIOULET AFP/File
Anh Vũ
Cựu bộ trưởng Y Tế Pháp, bà Agnès Buzyn, hôm 10/09/2021, đã bị Tòa Án Tư Pháp nước Cộng Hòa (CJR) ra quyết định khởi tố vì cáo buộc « gây nguy hiểm đến tính mạng người khác » liên quan đến cách xử lý đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020.
Tòa CJR đã mở điều tra về vấn đề quản lý dịch Covid-19 tại Pháp. Sau phiên điều trần ngày hôm qua, các quan tòa quyết định khởi tố cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn vì tội danh « gây nguy hiểm tính mạng người khác ».
Bà Agnès Buzyn là quan chức đầu tiên bị cáo buộc trong khuôn khổ một hồ sơ lớn liên quan đến các vấn đề xử lý đại dịch Covid-19, đến nay đã làm 115 nghìn người Pháp tử vong.
Agnès Buzyn là bộ trưởng Y Tế Pháp từ tháng 5/2017 đến tháng 2/2020. Vào thời điểm đầu năm 2020, cả thế giới bắt đầu thấy lo sợ về những thông tin báo động về trận dịch virus corona bùng lên từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên bà Agnès Buzyn, một chuyên gia về huyết học, đã phát biểu tại phủ tổng thống Pháp hôm 24/01/2020 rằng : « nguy cơ lây lan virus corona trong dân chúng là rất thấp ».
Giữa tháng 2/2020 bà rời chức bộ trưởng Y tế để ra tranh cử thị trưởng Paris. Thay bà là ông Olivier Veran. Nhưng chỉ sau khi thất bại trong bầu cử, bà lại tuyên bố trên nhật báo Le Monde : « khi tôi rời bộ, tôi phát khóc vì biết sóng thần (dịch) đang ở trước chúng ta ». Đến tháng 6/2020 trước một ủy ban điều tra của Quốc Hội về xử lý khủng hoảng dịch, bà cựu bộ trưởng cho biết đã báo động cho tổng thống và thủ tướng từ hồi tháng Giêng về mối nguy hiểm tiềm ẩn của virus corona.
Không chỉ có những phát ngôn tiền hậu bất nhất mà nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Pháp, cơ quan y tế và chính phủ đã bị động, lúng túng hoàn toàn trong xử lý dịch. Nước Pháp rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế cũng như dân chúng. Cơ quan y tế ra các khuyến cáo sai lệch về phòng dịch, như có nên hay không nên đeo khẩu trang…
Khi ý thức được mức độ nguy hiểm của virus corona, thì dịch đã lây lan không kiểm soát được. Hệ thống y tế Pháp bị quá tải vì không có sự chuẩn bị trước, đặc biệt từ tháng 4/2020. Các quyết định của chính phủ sau đó đều là chạy theo sau mức độ lây lan của dịch.
Tòa CJR, là định chế tư pháp duy nhất có thẩm quyền xét xử các bộ trưởng ở Pháp, đã nhận được rất nhiều đơn kiện chính phủ về các xử lý khủng hoảng dịch Covid-19.
Một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 9/9 cho thấy 87,5% người dân ở Đài Loan phản đối chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và 89,4% khác phản đối ĐCSTQ đàn áp ngoại giao của đối với Đài Loan.
Cuộc thăm dò này do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử, Đại học Quốc Lập Chính Trị ở Đài Loan thực hiện theo yêu cầu của Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan. Ngoài hai kết quả khảo sát trên, cuộc thăm dò cũng cho thấy 88,8% người dân Đài Loan phản đối việc chính quyền Trung Quốc liên tục gây sức ép về kinh tế và ngoại giao đối với Litva.
Trước đó, Litva đã đồng ý cho Đài Loan thành lập văn phòng đại diện dưới tên “Đài Loan”. Động thái này bị ĐCSTQ phản đối mạnh mẽ, nhưng chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ cách tiếp cận của Litva.
“Một quốc gia, hai chế độ” là chính sách mà cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, ban đầu đề xuất với Đài Loan vào những năm 1980 nhằm đạt được mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển. Tuy nhiên, người dân Đài Loan luôn giữ thái độ nghi ngờ và phản đối mạnh mẽ.
Đặc biệt, sau khi ĐCSTQ thực hiện Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, nền dân chủ và tự do ngôn luận của đặc khu này coi như bị Bắc Kinh ném xuống biển.
Ngoài ra, tình hình chính trị ở Afghanistan thay đổi đáng kể sau khi quân đội Mỹ rút quân, trong khi các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cường điệu Washington rồi cũng sẽ bỏ rơi Đài Loan.
Về vấn đề này, cuộc khảo sát cho thấy 70,4% người dân không đồng ý với phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ; 88,6% người khác ủng hộ chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn tiếp tục hợp tác với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ để bảo đảm hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Sau sự thay đổi ở Afghanistan, trước câu hỏi của người dân Đài Loan liệu an ninh của Đài Loan có phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hay không, Tổng thống Thái Anh Văn từng tuyên bố tại cuộc họp thường kỳ của Đảng Dân Tiến (DPP) rằng lựa chọn duy nhất của Đài Loan là làm cho mình mạnh hơn, đoàn kết hơn, và quyết tâm hơn để tự vệ.
Cuộc thăm dò cho thấy 83,9% người dân ủng hộ tuyên bố trên của bà Thái; 81,3% khác ủng hộ việc chính phủ tăng cường khả năng tự vệ và an ninh quốc gia; 82,8% ủng hộ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ chủ quyền quốc gia và nền dân chủ của Đài Loan.
Về quan hệ xuyên eo biển, 85,4% người dân vẫn chủ trương “giữ nguyên hiện trạng theo nghĩa rộng”; 73% người dân cho rằng ĐCSTQ không thân thiện với chính quyền Đài Loan; 57,9% người dân cho rằng ĐCSTQ không thân thiện với người dân Đài Loan; 85,1% người dân tin rằng tương lai của Đài Loan và sự phát triển của các mối quan hệ xuyên eo biển cần được quyết định bởi 23,5 triệu dân Đài Loan.
Khi công bố kết quả cuộc thăm dò này, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh nên ngừng đe dọa và đàn áp Đài Loan.
Cuộc thăm dò này được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 9. Những người được hỏi là người lớn trên 20 tuổi ở Đài Loan, họ nhận được 1.073 mẫu hợp lệ với độ tin cậy 95% và sai số lấy mẫu là cộng hoặc trừ 2.99%.