Mưa lớn, gió giật mạnh đã làm 50 ngôi nhà ven biển xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), bị ảnh hưởng, một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ. Mưa lớn từ đêm qua cũng khiến nhiều nơi ở Đà Nẵng, Quảng Nam ngập cục bộ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong 6h qua, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Côn Sơn ít di chuyển. Lúc 10h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi; sức gió mạnh nhất cấp 6 (40 – 50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong hai ngày 12 và 13/9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Từ đêm nay đến ngày 14/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.
Trên báo Dân Trí, ngày 12/9, ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa to trong đêm 11/9 khiến một số thôn xã miền núi các huyện Hướng Hoá, Đăkrông bị cô lập; cầu tràn nối trung tâm xã Hướng Lập (huyện Hướng Hoá) vào các thôn Cù Bai, Sê Pu, Cuôi và Tri bị cuốn trôi.
Tại huyện Hải Lăng, bão Côn Sơn khiến 50 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây bóng mát dọc các tuyến đường đổ gãy, tường rào nhà máy nước Hải Lăng bị sập.
Ông Cáp Xuân Tá, Phó chủ tịch huyện Hải Lăng, cho hay đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân có nhà bị tốc mái để sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ở huyện Vĩnh Linh, 500 ha lúa bị gãy đổ, 8 ha tôm bị chết.
Theo VnExpress, tại Đà Nẵng, sáng sớm nay ngớt mưa nhưng đến khoảng 9h mưa lớn trở lại trên diện rộng. Nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập cục bộ; khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, ngập sâu từ chiều qua đến sáng nay (12/9).
Ông Huỳnh Tấn Đức, 64 tuổi, tổ trưởng Tổ 26 (phường Thanh Khê Tây) cho biết, khu vực ngập sâu nhất lên đến 1,5 m, nước tràn vào nhà kèm theo rác rưởi. Người dân phải kê cao đồ đạc ngay trong đêm.
Quảng Nam, lượng mưa từ 19h ngày 11 đến 7h sáng 12/9 phổ biến 80mm đến 150mm có nơi trên 200mm. Một số nơi mưa lớn như Tam Trà 268mm, Xuân Bình 242 và Tam Kỳ hơn 140mm.
Một số khu dân cư trên địa bàn TP. Tam Kỳ ở vùng thấp trũng, thoát nước chậm, bị ngập từ 30 cm đến 50 cm. Tuyến đường qua khu dân cư Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, ngập nửa mét, nước bắt đầu tràn vào nhà trong sáng nay. Người dân thu dọn tài sản lên cao, sau đó được di dời đến Trung tâm giáo dục thường xuyên trú tránh.
Tuyến đường qua khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh, với gần 50 hộ dân, ngập khoảng 30 cm; người dân dùng xà beng cạy các nắp cống để thoát nước, tránh gây ngập nhà.
Nhiều nơi trên các tuyến đường Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… ngập sâu từ 20 đến 40 cm; nhà chức trách đặt biển cảnh báo để người dân lưu ý khi đi qua khu vực này.
Ở huyện miền núi Phước Sơn, Chủ tịch huyện Lê Quang Trung cho biết trời vẫn mưa lớn; ba ngôi nhà ở xã Phước Thành bị sạt lở đất uy hiếp an toàn, địa phương đã sơ tán người dân. “Các khu vực cầu, cống, ngầm có nước chảy băng qua không thể lưu thông, chúng tôi bố trí chốt chặn”, ông nói.