Cựu Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm bất ngờ đối với lực lượng cứu hỏa và cảnh sát của Thành phố New York nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11/9.
Sở Cứu hỏa Thành phố New York (New York City Fire Department - FDNY) và Sở Cảnh sát Thành phố New York (New York City Police Department - NYPD) là 2 lực lượng chính tham gia cứu hộ cứu nạn sau sự kiện khủng bố tại tòa tháp đôi của New York vào ngày 11/9/2001.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Trump nói: “Đó là một ngày buồn, đó là một ngày rất buồn vì nhiều lý do”.
Ông tiếp tục chỉ trích cách thức Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden cho rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan. Cựu tổng tư lệnh Mỹ đánh giá, truyền thông đã không đưa tin chân thực về vấn đề này, và ông cảm thấy điều đó rất đáng thất vọng.
Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden cùng với các cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton đã có mặt tại chính nơi xảy ra sự việc trong cùng ngày, để tưởng niệm vụ khủng bố ngày 11/9.
Gửi lời tới đội ngũ lính cứu hỏa và các sĩ quan cảnh sát của Thành phố New York, cựu Tổng thống Trump nói: “Tôi đã lớn lên cùng các bạn. Các bạn là những người tốt nhất của New York. Các bạn là những người đáng kinh ngạc”.
Sau đó, ông bày tỏ sự trân trọng đối với việc các cảnh sát thành phố New York đã công khai ủng hộ ông trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020. Tổng thống Trump cho biết: “Lần đầu tiên họ tán thành một ứng cử viên, họ đã nói với tôi, đối với cương vị tổng thống”.
Sau đó, một quan chức NYPD hỏi rằng liệu ông có dự định tranh cử tổng thống vào năm 2024 hay không. Giữa những tiếng cười, ông Trump đáp: “Ồ, đó là một câu hỏi khó”.
Ông tiếp tục: “Thực ra đối với tôi đó là một câu hỏi dễ. Tôi biết mình sẽ làm gì, nhưng chúng ta không nên nói về điều đó, từ quan điểm của luật tài chính chiến dịch, mà nói thẳng ra [luật đó thật] nực cười. Nhưng tôi nghĩ rằng các bạn sẽ vui mừng, hãy để tôi nói theo cách đó”.
Tổng thống Trump rời Khu vực 17 của NYPD vào đầu giờ chiều, trong tiếng hoan hô và vỗ tay. Ông đã ký tên lên ảnh cho một số người và vẫy tay chào công chúng.
Trước khi rời đi, ông khẳng định: “Chúng tôi yêu màu xanh lam. Tôi sẽ nói to. Chúng tôi không cần phải nói ra điều đó, chúng tôi yêu màu xanh lam!”. Trong lúc đó, có một số giọng nói đáp lại rằng: "Chúng tôi yêu ông!".
Tuân lệnh TT Biden, FBI công bố tài liệu điều tra vụ khủng bố 11/9
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm thứ Bảy (11/9) đã lần đầu công bố tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của họ về vụ khủng bố 11/9/2001 và các cáo buộc chính phủ Ả Rập Saudi ủng hộ những kẻ không tặc. FBI công bố tài liệu này sau khi có lệnh hành pháp yêu cầu giải mật của Tổng thống Joe Biden.
Người thân của các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đã kêu gọi ông Biden không được đến tham dự các sự kiện tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố đẫm máu nếu ông không cho phép giải mật các tài liệu mà họ cho rằng sẽ phơi bày việc các nhà chức trách Ả Rập Saudi đã ủng hộ âm mưu khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Tài liệu dày 16 trang đã bị che một phần do FBI công bố có ghi thông tin liên lạc giữa những kẻ không tặc vụ 11/9 với những người Ả Rập Saudi khác. Tuy nhiên, tài liệu này không nêu ra bằng chứng cho thấy chính phủ Ả Rập Saudi có dính líu đến các vụ tấn công vào nước Mỹ 20 năm trước khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Các nhà chức trách Ả Rập Saudi từ lâu đã tuyên bố rằng họ không có vai trò gì trong các vụ tấn công ngày 11/9. Reuters cho biết họ đã liên lạc với Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Washington D.C để yêu cầu bình luận về tài liệu FBI mới công bố, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, trong tuyên bố hôm 8/9, Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Washington D.C nói rằng nước này đã luôn ủng hộ việc minh bạch thông tin xung quanh các sự kiện xảy ra hôm 11/9/2001 và hoan nghênh Mỹ công bố các tài liệu mật liên quan đến các vụ tấn công đó.
“Như các cuộc điều tra trước đây đã tiết lộ, gồm cả điều tra của Ủy ban 11/9 và cái được gọi là tài liệu ‘28 Trang’, không có bằng chứng nào từng nổi lên cho thấy rằng chính phủ Ả Rập Saudi hoặc các quan chức của nước này đã biết trước về các cuộc tấn công khủng bố [11/9] hoặc có liên quan đến những cuộc tấn công đó theo bất kỳ cách thức nào”, tuyên bố của Đại sứ quán Ả Rập Saudi cho hay.
Trong số 19 không tặc vụ 11/9 được xác nhận danh tính, có 15 người đến từ Ả Rập Saudi. Một ủy ban của chính phủ Mỹ đã không tìm thấy bằng chứng về việc Ả Rập Saudi trực tiếp tài trợ cho al-Qaeda. Nhưng ủy ban này để ngỏ khả năng cá nhân các quan chức Ả Rập Saudi có thể có liên quan đến al-Qaeda. Nhóm khủng bố này khi đó được Taliban tại Afghanistan cho phép trú ngụ an toàn.
Các gia đình của gần 2.500 nạn nhân thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương vụ 11/9, cùng các doanh nghiệp và các công ty bảo hiểm đã khởi kiện chính phủ Ả Rập Saudi để đòi bồi thường hàng tỷ USD.
Trong tuyên bố thay mặt cho tổ chức Liên minh Gia đình 11/9, bà Terry Strada có chồng thiệt mạng trong vụ khủng bố 20 năm trước, đã nói rằng tài liệu mà FBI vừa công bố hôm thứ Bảy (11/9) hoàn tất bước đầu mọi nghi vấn về tội đồng lõa của Ả Rập Saudi trong vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ 20 năm trước.
“Bây giờ những bí mật của Ả Rập Saudi đã được phơi bày và đây là thời điểm phù hợp để Vương quốc này thú tội về vai trò của các quan chức nước này trong vụ giết hại hàng nghìn người trên đất Mỹ”, tuyên bố của bà Terry Strada nhấn mạnh.
Ngày 9/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp yêu cầu tất cả nhân viên hành pháp và các nhà thầu liên bang phải tiêm chủng bắt buộc. Cho đến nay, ít nhất 14 thống đốc các tiểu bang đã tuyên bố, họ sẽ không khoan nhượng với kế hoạch tiêm chủng bắt buộc của chính phủ, trang Aboluowang cho hay.
Ngoài lệnh bắt buộc nhân viên liên bang tiêm vaccine, ông Biden cũng thông báo kế hoạch buộc công ty tư nhân có hơn 100 nhân viên phải bảo đảm toàn bộ nhân sự được tiêm vaccine Covid-19 hoặc được xét nghiệm hàng tuần.
Theo ước tính, lệnh tiêm chủng bắt buộc của ông Biden sẽ ảnh hưởng đến 100 triệu công dân Mỹ, bao gồm 80 triệu nhân viên khu vực tư nhân.
Ông Biden gửi thông điệp đến những người Mỹ chưa tiêm chủng rằng, “Chúng tôi đã kiên nhẫn, nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi ngày càng ít dần, trong khi sự từ chối [tiêm chủng] của các bạn khiến chúng ta phải trả giá”.
Sau khi bài phát biểu của ông Biden kết thúc, cho đến nay, 14 thống đốc đã liên tiếp đưa ra các phản ứng trước sự mở rộng quá mức về quyền lực của chính phủ liên bang và sự đe dọa của tổng thống.
Các thống đốc tại bang Nam Dakota và bang Georgia cho biết, họ cân nhắc các lựa chọn pháp lý để chống lại sắc lệnh bắt buộc tiêm chủng của tổng thống Biden.
Thống đốc Oklahoma Kevin Stitt cho biết trong một tuyên bố, “Miễn tôi còn là thống đốc, sẽ không có việc tiêm chủng bắt buộc của chính phủ trong tiểu bang này”.
Thống đốc bang Nebraska Pete Ricketts cũng tuyên bố bang này phản đối việc mở rộng quá mức quyền lực của chính phủ liên bang.
Ông Pete Ricketts viết: “Tổng thống Biden quên rằng chúng ta đang sống ở Mỹ – ông ấy nghĩ rằng chúng ta đang sống ở Liên Xô. Nebraska sẽ chống lại hành động thái quá của Tổng thống Biden và chúng tôi sẽ làm việc với Bộ trưởng Tư pháp để tìm ra tất cả các lựa chọn của chúng tôi”.
Thống đốc Missouri Mike Parson viết: “Tiêm phòng có thể bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh hiểm nghèo, nhưng quyết định tiêm chủng là quyết định chăm sóc sức khỏe cá nhân. Quyền này cần được bảo tồn. Chính quyền của tôi sẽ luôn đấu tranh chống lại sự thâu tóm quyền lực của liên bang và hành động quá mức của chính phủ, [những điều này] có nguy cơ hạn chế các quyền tự do của chúng ta”.
Ngoại trưởng Pháp: Taliban đang nói dối; Pháp không quan hệ với chính phủ này
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vào cuối ngày thứ Bảy (11/9, giờ địa phương) đã nói rằng Taliban đang nói dối và Pháp sẽ không thiết lập bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ Taliban vừa mới thành lập tại Afghanistan.
Trao đổi trên Kênh truyền hình France 5, Ngoại trưởng Le Drian cho hay: “[Taliban] đã nói họ sẽ cho phép người nước ngoài và người Afghanistan tự do rời đi và cũng đã nói về chính phủ hòa hợp và có đại diện của nhiều tầng lớp, nhưng họ đang nói dối”.
“Pháp từ chối công nhận hoặc thiết lập bất kỳ loại quan hệ nào với chính phủ này. Chúng tôi muốn thấy Taliban hành động và bản thân họ cũng sẽ cần không gian kinh tế và các mối quan hệ quốc tế. Điều đó tùy thuộc vào họ”, ông Le Drian nói thêm.
Theo Reuters, Pháp đã sơ tán được khoảng 3.000 người khỏi Afghanistan từ sau khi Taliban tiếp quản nước này hôm 15/8. Paris cũng đã thực hiện các cuộc đàm phán kỹ thuật với Taliban để tạo điều kiện cho việc di tản.
Ngoại trưởng Le Drian sẽ tới Doha, Qatar vào Chủ Nhật (12/9) để thảo luận về các cuộc sở tán khỏi Afghanistan trong tương lai. Ông tiết lộ vẫn còn một số công dân Pháp và những người Afghanistan có mối quan hệ với nước Pháp đang ở Afghanistan.
Tờ Financial Times đưa tin hôm 10/9 rằng, nguồn tin cho biết Nhà Trắng đang xem xét nghiêm túc đề xuất của Đài Loan về việc đổi tên "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc" thành "Văn phòng Đại diện Đài Loan" cho văn phòng đại diện của nước này ở Washington.
Bài báo nói rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hành động để cho phép văn phòng đại diện của Đài Bắc ở Washington có thêm từ "Đài Loan". Nếu được thông qua, động thái này có thể khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội.
Hai người thạo tin nói rằng, ông Kurt Campbell, Cố vấn cấp cao về Châu Á của Nhà Trắng, ủng hộ việc đổi tên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc. Một nguồn tin nói rằng yêu cầu này đã nhận được sự ủng hộ đông đảo trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.
Nguồn tin cho hay, hiện Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, và Tổng thống Biden cần phải ký một lệnh hành pháp để hoàn thành nó.
Chính phủ Mỹ và Đài Loan không đưa ra bình luận về yêu cầu của Đài Loan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố rằng, họ "kiên quyết phản đối" bất kỳ hành động tương tác chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan.
Nếu Mỹ đồng ý đổi tên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, đó sẽ là một bước đột phá trong nỗ lực của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhằm đảo ngược áp lực trên trường quốc tế của Bắc Kinh đối với nước này kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016. Từ năm 2017 đến năm 2019, 7 quốc gia không ngoại giao với Đài Loan như Nigeria, Jordan, Ecuador, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã buộc xóa các từ "Đài Loan" hoặc "Trung Hoa Dân Quốc" khỏi tên gọi văn phòng đại diện của Đài Loan ở những nước này.
Vào tháng 7, Đài Loan đã mở một văn phòng có tên là “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva” (Lithuania). Động thái này đã khiến Bắc Kinh rất tức giận. ĐCSTQ đã triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius và yêu cầu Litva triệu hồi đại sứ của nước này ở Bắc Kinh.
Hôm 9/9, Tổng thống Biden đã tiến hành cuộc điện đàm thứ hai với Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức, nhằm nỗ lực phá vỡ bế tắc trong quan hệ Trung - Mỹ. Cuộc gặp cấp cao trước đó không đạt được tiến triển nào.
Trong tuyên bố của Nhà Trắng không đề cập đến Đài Loan, nhưng nói rằng ông Biden nhấn mạnh lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới.
Kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã lại đưa tin rằng, ông Biden nói Mỹ chưa bao giờ có ý định thay đổi “Chính sách Một Trung Quốc” và Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc... để thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ đi đúng hướng.
Đài Loan luôn là nguồn gây căng thẳng giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Một người thạo tin tham gia việc yêu cầu đổi tên văn phòng đại diện Đài Loan tại Washington cho biết, Đài Bắc đã thảo luận vấn đề này với Mỹ vào cuối thời chính quyền Tổng thống Trump và đưa ra yêu cầu chính thức với chính quyền Tổng thống Biden vào tháng 3/2021.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan cũng xác nhận rằng, việc Đài Bắc thúc giục đổi tên đã có từ trước đó.
Washington không coi Văn phòng Kinh tế và Văn Hoá Đài Bắc như đại sứ quán. Từ năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục, công nhận địa vị ngoại giao của Bắc Kinh. ĐCSTQ phản đối Đài Loan sử dụng tên chính thức "Trung Hoa Dân Quốc" hoặc các tên địa lý khác làm tên văn phòng đại diện quốc tế của họ, cho rằng điều này ủng hộ chủ trương Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Ông Randy Schriver, một quan chức về vấn đề Châu Á trong chính quyền Tổng thống Bush và Tổng thống Trump, nói với Financial Times rằng, Hoa Kỳ nên xem xét yêu cầu này của Đài Loan.
"Đối với Bắc Kinh, không có vấn đề nào là nhỏ, nhưng chúng ta cũng nên dành cho người bạn Đài Loan của chúng ta sự tôn trọng nhất định ở nơi mà họ muốn được đại diện", ông Schriver nói.
Ông Bill Hayton là một học giả người Anh và từng là nhà báo. Trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, ông đã tìm thấy một bức thư do Tổng lý Nha môn nhà Thanh viết vào ngày 8/8/1899 cho Quân đoàn Anh ở Bắc Kinh. Bức thư đề cập rõ ràng rằng, Hoàng Sa là “những đảo hoang” (abandoned islands) và không thuộc về Trung Quốc.
Sau khi tài liệu lịch sử bán chính thức được tiết lộ đã thu hút sự chú ý của quốc tế, vì Trung Quốc luôn đòi chủ quyền các đảo ở Biển Đông, thậm chí còn tích cực bành trướng quân sự.
Theo tài liệu ông Bill Hayton gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) và đăng hôm 7/9, bức thư bản phiên dịch được tìm thấy trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh (British National Archives) có thể cung cấp một bằng chứng khác để chứng minh rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông là không đáng tin.
Ông Bill Hayton là tác giả cuốn “The Invention of China” (Tạm dịch: Phát minh của Trung Quốc) năm 2020 và cuốn "The South China Sea" (tạm dịch: Biển Đông) năm 2014.
Ông đã tìm thấy bức thư này khi đọc về “Vụ tàu chở đồng Bellona” (Bellona Copper Case) trong kho lưu trữ. Khi đó, con tàu "Bellona" của Đức bị đắm gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng hàng hóa đồng mà nó vận chuyển đã bị ngư dân Trung Quốc đánh cắp. Anh Quốc đã thay mặt Đức yêu cầu triều đình nhà Thanh bồi thường, nhưng Tổng lý Nha môn (tương đương với Bộ Ngoại giao) của nhà Thanh tuyên bố rằng quần đảo này thuộc “biển cả" (high seas) và không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, vì vậy chính phủ Trung Quốc từ chối bồi thường.
Ngoài bức thư này, ông Hayton cho biết, ông còn tìm thấy bản sao lục một bức thư khác do Tổng đốc Lưỡng Quảng (tức Quảng Đông và Quảng Tây) khi đó viết cho Lãnh sự Anh Byron Brenan tại Quảng Châu vào ngày 14/4/1898, trong đó cũng đề cập “Vụ tàu chở đồng Bellona”. Vào thời điểm đó, Tổng đốc Đàm Trung Lân (Tan Zhonglin) đã viết rằng chính phủ Trung Quốc không thể bảo vệ những con tàu bị chìm vì chúng ở nơi “biển xanh sâu thẳm” (the deep blue sea), cho nên triều đình nhà Thanh không thể chấp nhận yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, trong một bức thư gửi Bộ trưởng phụ trách thuộc địa Pháp năm 1930, Toàn quyền Đông Dương cũng đề cập đến “Vụ tàu chở đồng Bellona”, bức thư dẫn lời Tổng đốc Quảng Châu Trung Quốc nói rằng, quần đảo Hoàng Sa là “những đảo hoang”, “không thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam”, và “không có cơ quan đặc biệt nào chịu trách nhiệm kiểm soát chúng” (no special authority was responsible for policing them).
Ông Hayton nói rằng, bức thư này chỉ là bản dịch tiếng Anh, tài liệu tiếng Trung chưa được tìm thấy, rất có thể nó đã bị thất lạc hoặc hư hỏng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam, cho rằng bức thư mới được phát hiện này có thể lại là một bằng chứng có giá trị nữa cho thấy Trung Quốc không nắm giữ quyền sở hữu Hoàng Sa từ thời xưa - điều mà họ vẫn luôn khẳng định.
Ông Stein Tonnesson, một nhà sử học Na Uy và nhà nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng bức thư có thể giúp xác thực các nguồn thông tin khác rằng khi đó nhà Thanh không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo Australian Financial Review, mặc dù Tòa án Quốc tế đã căn cứ theo “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” năm 2016 và phán quyết rằng, Trung Quốc không sở hữu các nguồn tài nguyên của Biển Đông; tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh lại từ chối chấp nhận phán quyết trên và khẳng định, Biển Đông nằm trong phạm vi "đường chín đoạn" và thuộc lãnh hải của Trung Quốc.