Tin tức thế giới ngày Thứ hai 13 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Tin tức thế giới ngày Thứ hai 13 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
09/13/2021

Anh đảo ngược dự định, sẽ không áp dụng thông hành vaccine

Ảnh minh họa: Youtube/Reuters. 

Dự kiến trong ngày 13/09, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra kế hoạch phòng chống đại dịch COVID-19 cho mùa Đông, khoảng thời gian được cho là sẽ phát sinh thêm nhiều căn bệnh khác. Ông thông báo quyết định hủy bỏ việc cấp thông hành h vắc-xin và các bước chấm dứt một số quyền hạn khẩn cấp, theo hãng tin Reuters.

Ông Johnson, bị một số người trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của mình chỉ trích vì tăng thuế để khắc phục cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe và xã hội, có vẻ sẽ cố gắng xoa dịu những người chỉ trích đó bằng cách từ bỏ kế hoạch cấp thông hành vaccine.

Phát biểu với các đài truyền hình, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết ông không mong đợi việc thêm thời gian giãn cách và việc cấp thông hành vắc-xin sẽ bị hủy bỏ ở Anh, vì chính phủ áp dụng việc tiêm vắc-xin và xét nghiệm nghiệm y tế để bảo vệ công dân.

Ông nói với BBC rằng ông không “dự đoán thêm về các đợt giãn cách xã hội nữa” và ông muốn “loại bỏ” việc xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh cho khách du lịch càng sớm càng tốt.

Anh, quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 chính thức cao nhất trên thế giới, đã chứng kiến số ca mắc bệnh tăng cao trong vài tháng qua sau khi nới lỏng các quy định vào tháng 7, khi chính phủ lần đầu tiên đặt cược vào vắc-xin để bảo vệ công chúng.

Chính phủ đã được trao quyền truy quét khẩn cấp vào tháng 3 năm 2020 với sự ra đời của Đạo luật  virus Corona, bao gồm các biện pháp đóng cửa các doanh nghiệp, đóng cửa các lĩnh vực của nền kinh tế và quyền giam giữ những người lây nhiễm.

‘Quay lưng’ với vắc-xin Trung Quốc, Brazil chuyển sang mua vắc-xin Hoa Kỳ

Vắc-xin Trung Quốc (ảnh minh họa: Shutterstock). 

Brazil lúc ban đầu phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, nước này đã ngừng đặt vắc-xin của Trung Quốc mà chuyển sang mua vắc-xin do Hoa Kỳ sản xuất. 

Brazil là khách hàng lớn mua vắc-xin Trung Quốc, đây cũng là ví dụ thành công trong quá khứ của Bắc Kinh về ngoại giao vắc-xin. Tuy nhiên, nước này đang nhanh chóng quay lưng với vắc-xin Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại về hiệu quả của nó với biến thể Delta và các loại vắc-xin khác trở nên dễ tiếp cận hơn. 

Tờ Thời Báo Phố Wall hôm thứ Bảy (ngày 11/9) đưa tin, Chính phủ Brazil và người phát ngôn của Viện Butantan cho biết, Chính phủ nước này đã ngừng đàm phán mua thêm vắc-xin Sinovac. Chính phủ Brazil cũng tuyên bố, họ sẽ không khuyến nghị sử dụng vắc-xin Sinovac để tiêm mũi nhắc lại thứ ba.

Giống như Brazil, một số quốc gia Mỹ Latinh khác và các nước Đông Nam Á đã giảm sự phụ thuộc vào các loại vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc và bắt đầu chuyển sang sử dụng vắc-xin của Hoa Kỳ. Điều này cũng liên quan đến tiến độ tiêm chủng chậm ở Mỹ, đã giải phóng nguồn cung cấp vắc xin Pfizer và Moderna ở nước ngoài.

Theo dữ liệu từ chính phủ Brazil, trong hai tháng đầu tiên bắt đầu tiêm chủng vào đầu năm nay, vắc-xin Trung Quốc chiếm 80% [số vắc-xin được sử dụng để tiêm chủng] và tỷ lệ hiện tại là chưa tới 35%. 

Cho đến nay, Brazil đã mua 100 triệu liều vắc-xin Sinovac và hầu như tất cả các liều vắc-xin đều đã được phân phối. Khoảng 2/3 người Brazil đã tiêm một mũi và hơn 1/3 đã tiêm hai mũi.

Người phát ngôn của chính phủ cho biết, chính phủ đã ngừng thảo luận về việc có nên mua thêm 30 triệu liều vắc-xin của Trung Quốc hay không. Đây là khuyến nghị của Cơ quan Y tế Brazil vào tháng trước.

Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tuần trước rằng, chính phủ không còn khuyến nghị sử dụng vắc-xin Trung Quốc để tiêm nhắc lại, thay vào đó họ khuyến nghị sử dụng vắc-xin Pfizer của Mỹ.

Viện Butantan, một nhà sản xuất vắc xin địa phương ở Brazil, cũng xác nhận rằng, các cuộc đàm phán mua vắc-xin với Trung Quốc không có tiến triển và không có thỏa thuận nào được ký kết.

Ngay cả trước khi biến thể Delta xuất hiện và lây lan nhanh chóng, các nhà dịch tễ học và một số nghiên cứu đã bày tỏ lo ngại về việc tiếp tục sử dụng vắc-xin Sinovac.

Đầu năm nay, Sinovac trở thành loại vắc-xin duy nhất được sử dụng rộng rãi ở Brazil và được ưu tiên cho các nhân viên y tế và người cao tuổi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Brazil, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất cho thấy hiệu quả chỉ khoảng 50,4% – thấp hơn nhiều so với dữ liệu công bố ban đầu. 

Năm nay, một nghiên cứu của Viện Y tế Toàn cầu Barcelona và Quỹ Oswaldo Cruz ở Brazil đã chỉ ra rằng, vắc-xin Sinovac ít hiệu quả hơn đối với người cao tuổi, chỉ có 28% hiệu quả đối với những người trên 80 tuổi. Mặc dù nghiên cứu này chưa trải qua đánh giá của người trong ngành

Đối với nhiều quốc gia không có khả năng tiếp cận ngay lập tức với vắc-xin được sản xuất ở phương Tây, việc mua vắc-xin của Trung Quốc là cần thiết trong bối cảnh không tiếp cận được các loại vắc-xin khác hiệu quả hơn. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi.

Carla Domingues, cựu giám đốc Chương trình Tiêm chủng Quốc gia của Brazil, cho biết: “Thật vô nghĩa khi mua loại vắc-xin này … nó có hiệu quả rất thấp ở người cao tuổi. Tốt hơn là bạn nên mua loại vắc-xin khác”.

Sep 11 2021

Giữa lúc Mỹ kỷ niệm 20 năm ngày 11/9, Cục Điều tra Liên bang FBI đã giải mật các tài liệu mô tả chi tiết mối liên hệ giữa một số công dân Ả Rập Saudi ở Mỹ và không tặc, trong đó phần lớn cũng là công dân Ả Rập. Văn bản chi chít vết chỉnh sửa này không cho thấy có liên hệ nào giữa các cuộc tấn công và chính phủ Ả Rập Saudi; trước đó vào đầu tuần chính phủ nước này đã hoan nghênh việc giải mật các báo cáo, và nói những cáo buộc Ả Rập Saudi có liên quan là “sai sự thật và ác ý”.

Nhật Bản tiếp tục giãn cách

Tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và phần lớn Nhật Bản đáng lẽ sẽ kết thúc hôm nay. Song chính phủ đã gia hạn nó đến 30 tháng 9. Dù số ca nhiễm mới theo ngày có giảm hơn một nửa kể từ tháng 8, chúng vẫn tăng. Các nhà hàng được khuyến khích đóng cửa sớm và ngừng bán rượu. Tụ tập đông người và đi lại giữa các tỉnh tiếp tục bị cấm cho đến tháng 11, đợi khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên. Hiện mới có một nửa dân số được tiêm đầy đủ.

Thời hạn của các hạn chế, vốn ảnh hưởng đến 4/5 người Nhật, rất có ý nghĩa chính trị. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ bản thân giảm mạnh, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do. Người thay thế ông sẽ được chọn vào tháng này, và sẽ dẫn dắt đảng vào cuộc bầu cử hạ viện tháng 11 tới. Đảng đang hy vọng có thể sớm nới lỏng các hạn chế để cử tri quên đi những khó khăn của mùa hè.

Khủng hoảng nhân đạo Afghanistan

Chiến tranh đã qua đi nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo Afghanistan vẫn ngày càng tồi tệ. Nước này đang phải đối mặt cả khủng hoảng kinh tế, covid-19 và hạn hán. Hệ thống ngân hàng bị tê liệt và dự trữ ngoại hối bị đóng băng. Viện trợ, vốn chi cho khoảng 3/4 ngân sách chính phủ, cũng không còn nữa. Hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, trong khi chỉ vài tuần nữa là có tuyết mùa đông.

Các đánh giá bi quan nhất dự đoán 97% dân số có thể xuống dưới mức nghèo khổ của Liên Hợp Quốc vào năm tới. Thực phẩm, thuốc men, nước sạch và vệ sinh đều thiếu thốn. Hôm nay Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres sẽ triệu tập một hội nghị để xin cam kết viện trợ, với mục tiêu huy động hơn 600 triệu đô la tài trợ khẩn cấp cho 11 triệu người. Song nhiều nước miễn cưỡng viện trợ cho đến khi thấy cách Taliban cai trị.

Mỹ vừa muốn xanh hóa vừa chối bỏ điện hạt nhân

Các nhà lập pháp ở Illinois, bang khai thác than lớn thứ tư nước Mỹ, đặt mục tiêu phi carbon hóa mạng lưới điện cho tới năm 2050. Mục tiêu này vô tình giúp tăng vị thế đàm phán của Exelon, một công ty năng lượng từng đe dọa đóng cửa hai cơ sở điện hạt nhân “không kinh tế” — một vào hôm nay và một vào tháng 11 — trừ khi được cứu trợ. Hai nhà máy này cung cấp tới 30% năng lượng phi carbon của bang. Do đó với mong muốn hiện thực hóa tham vọng xanh, các nhà lập pháp khó có thể để chúng đóng cửa. Họ có thể sẽ chi 694 triệu đô la trợ cấp.

Những vụ cứu trợ như Exelon không hề hiếm, nhưng Mỹ đã qua thời năng lượng hạt nhân. Dù hạt nhân tốt cho môi trường, các nhà đầu tư lại thích khí tự nhiên rẻ và dồi dào hơn. Ở Mỹ chỉ có một lò phản ứng đi vào hoạt động trong vòng 25 năm qua; với 21 lò khác đang được ngừng hoạt động. Tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân được dự báo sẽ giảm từ 20% hiện nay xuống còn 12% vào năm 2050. Có vẻ như Mỹ sẽ phải đi tìm nguồn năng lượng khác để thực hiện mục tiêu không carbon của mình.

Na Uy tổ chức bầu cử quốc hội

Erna Solberg đã giữ chức thủ tướng Na Uy tám năm, một kỷ lục đối với một lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Nhưng trừ khi các cuộc thăm dò có sai sót nghiêm trọng, cuộc bầu cử quốc hội hôm nay sẽ trao chức vụ của bà cho Jonas Gahr Store của đảng Lao động.

Chiến dịch tranh cử lần này tập trung vào chủ đề biến đổi khí hậu. Người Na Uy muốn các chính trị gia dung hòa giữa các cam kết về môi trường với các mỏ dầu và khí đốt rộng lớn ở Biển Bắc vốn mang lại cho nước này một quỹ đầu tư quốc gia 1,4 nghìn tỷ đô la và tài trợ cho nhà nước phúc lợi. Cả Đảng Bảo thủ và Lao động đều không muốn nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đảng Trung tâm có cơ sở chính là vùng nông thôn, đảng lớn nhất có khả năng tham gia liên minh do Lao động lãnh đạo, cũng cảm thấy như vậy. Nhưng các đảng Cánh tả Xã hội và Xanh nhỏ hơn lại không đồng ý. Đảng Lao động có thể cần họ – hoặc thậm chí cả đảng Đỏ cực tả – để đạt được thế đa số. Nếu đảng Xanh giành được ít nhất 4% phiếu, mức ngưỡng để vào quốc hội, thì chính phủ của ông Store có thể sẽ cả xanh lẫn đỏ hơn so với ý định của ông.

Truyền thông Mỹ: Tân Đại sứ Trung Quốc phát biểu thô lỗ và gây sốc

Tân đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương (ảnh: Youtube/东方卫视环球交叉点). 

Theo truyền thông Hoa Kỳ, tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã có những phát biểu thô lỗ khi tham dự một cuộc họp gần đây khiến những người tham gia bị sốc.

Báo The National Review đưa tin, ông Tần Cương ngày 31/8 đã tham dự một cuộc họp do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong phiên hỏi đáp, giáo sư Evan Medeiros, người từng là Giám đốc các vấn đề Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Obama, đã hỏi: Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thực hiện những biện pháp nào để cải thiện quan hệ song phương?

Ông Tần đầu tiên trả lời rằng Washington nên ngừng làm xấu tình hình để tạo điều kiện cho đối thoại; sau đó ông nói một câu rất thô lỗ rằng: “Nếu mọi người không thể giải quyết sự khác biệt của chúng tôi, thì xin hãy ngậm cái miệng lại”. Điều này đã khiến những người tham gia bị sốc. Báo cáo cũng nói rằng giọng điệu của Tần Cương yêu cầu các quan chức Hoa Kỳ im lặng là rất thiếu lịch sự, nhưng đồng thời nó cũng ám chỉ rằng ông sẽ có một đường lối cứng rắn ở vị trí này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tần đã lên án chính sách hiện tại của Washington đối với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các nhà lãnh đạo Mỹ không nên sử dụng “kịch bản Chiến tranh Lạnh” để gây ra “hậu quả thảm khốc”.

Tuần sau, ông Tần sẽ đến thăm Trường Juilliard ở Manhattan và gặp gỡ cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Ông cũng được mời tham dự các sự kiện của giới doanh nhân Mỹ do Kissinger và cựu Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew tổ chức.

Bài phát biểu của tân Đại sứ Trung Quốc tại sự kiện kinh doanh này phần lớn phù hợp với nội dung mà các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã truyền đạt cho những người đồng cấp của Mỹ trong những tháng gần đây. Báo cáo cho rằng, trên thực tế, bài phát biểu của ông Tần khiến người ta nhớ đến Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao cao nhất của ĐCSTQ.

Ông Lý Minh Giang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói với Reuters rằng Tần Cương cần một thời gian để xây dựng mối quan hệ của mình trong giới chính trị, an ninh và ngoại giao của Hoa Kỳ. Ông nhận xét rằng “Tần có thể tỏ ra cứng rắn hơn người tiền nhiệm Thôi Thiên Khải khi tiếp xúc với Hoa Kỳ”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất viện trợ và thắt chặt tình hữu nghị trong chuyến thăm Campuchia

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (hàng đầu, bên trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (hàng đầu, bên phải) thị sát sân vận động Morodok Techo ngày 12/9. Ảnh: AP. 

Chủ nhật ngày 12/9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo về sự hỗ trợ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông cho biết, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Campuchia khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,75 tỷ nhân dân tệ (270 triệu Mỹ kim). 

Nikkei Asia đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen và các quan chức khác để hội đàm song phương về chống COVID-19, các vấn đề thương mại và đầu tư, giáo dục và an ninh. Bộ ngoại giao Campuchia trước đó cho biết rằng các cuộc họp của ông Vương vào Chủ Nhật và Thứ Hai cũng sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận nhất của Campuchia và hỗ trợ phần lớn nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Ông Hun Sen không nêu chi tiết khoản viện trợ từ Bắc Kinh sẽ được sử dụng vào việc gì.

Thủ tướng Hun Sen phát biểu trên một chương trình truyền hình trực tiếp, trong đó ông ca ngợi Trung Quốc đã viện trợ tại lễ bàn giao một sân vận động mới có sức chứa 60.000 người được xây dựng ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Hãng thông tấn nhà nước Campuchia AKP đưa tin, Bộ trưởng Du lịch Thong Khon cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp 160 triệu USD (3.461 tỷ VND) tài trợ cho dự án.

“Trước đây, chúng tôi không thể tưởng tượng rằng Campuchia sẽ có một sân vận động lớn như vậy ở đây, nhưng Trung Quốc đã giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”, AKP dẫn lời ông Hun Sen phát biểu tại buổi lễ. Ông gọi sân vận động này là “thành quả của tình hữu nghị bền chặt giữa Campuchia và Trung Quốc”.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn, ông Vương Nghị cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Hãy để tình hữu nghị Trung Quốc-Campuchia bền chặt hơn sắt đá”.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh một sự hỗ trợ khác từ Trung Quốc để xây dựng hơn 2.000 km đường và bảy cây cầu lớn bắc qua sông Mekong, sông Tonle Sap và Bassac. Ông cũng lưu ý rằng vaccine do Trung Quốc bán và viện trợ đã giúp Campuchia chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen nói thêm rằng Campuchia không chỉ dựa vào Trung Quốc mà còn kết bạn với tất cả các nước trên thế giới. Ông cũng hoan nghênh viện trợ của các quốc gia trên thế giới cho sự phát triển của Campuchia. Hoa Kỳ cũng đã tài trợ vắc xin COVID-19 cho quốc gia Đông Nam Á này.

Mối quan hệ của Washington với chính phủ của ông Hun Sen đang trở nên băng giá, vì sự ủng hộ của Bắc Kinh cho phép Campuchia bỏ qua những quan ngại của phương Tây về vấn đề nhân quyền của họ. Điều này khiến Campuchia thường ủng hộ các quan điểm địa chính trị của Bắc Kinh về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về mối quan hệ của giữa Campuchia và Trung Quốc và kêu gọi các nhà lãnh đạo Campuchia duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng, vì lợi ích tốt nhất của người dân.

Các mối quan tâm tập trung một phần vào việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở mới tại Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia và khả năngtrong tương lai, quân đội Trung Quốc có quyền lập căn cứ ở đó.

Ream quay mặt ra Vịnh Thái Lan tiếp giáp với Biển Đông. Việc nắm giữ các quyền căn cứ ở Campuchia sẽ mở rộng đáng kể hồ sơ quân sự chiến lược của Bắc Kinh.

Trước đó, Theo Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 12/9. Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp gỡ và nói chuyện với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh. Kết thúc chuyến thăm đến nước láng giềng Việt Nam hôm thứ Bảy, ông Vương cho biết, Trung Quốc đã lên kế hoạch tặng 3 triệu liều vắc xin cho Việt Nam, quốc gia đang bị phong tỏa để ngăn chặn sự gia tăng của COVID-19.

Triều Tiên thử tên lửa hành trình ‘chiến lược’ đầu tiên với khả năng hạt nhân 

Reuters 

Triều Tiên tiến hành các vụ thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới. 

Hôm 13/9, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết rằng nước này đã tiến hành các vụ thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới vào cuối tuần qua, được giới phân tích coi là vũ khí có khả năng hạt nhân đầu tiên của nước này, theo Reuters.

Các tên lửa này là “một vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng” và đã bay 1.500 km trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh hải của đất nước trong các cuộc thử nghiệm hôm thứ Bảy (11/9) và Chủ nhật (12/9), Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết.

Vụ thử mới nhất cho thấy tiến bộ ổn định trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng giữa lúc bế tắc về các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để đổi lấy việc được Mỹ giảm nhẹ lệnh trừng phạt. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ năm 2019.

Tên lửa hành trình của Triều Tiên thường ít được quan tâm hơn tên lửa đạn đạo vì chúng không bị cấm theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được chỉ định một cách rõ ràng về vai trò ‘chiến lược’”, ông Ankit Panda, thành viên cấp cao của Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại Hoa Kỳ cho Reuters biết.

Quân đội Hàn Quốc không tiết lộ liệu họ có phát hiện ra các vụ thử mới nhất của Triều Tiên hay không, nhưng hôm 13/9 cho biết họ đang tiến hành phân tích chi tiết với sự hợp tác của Hoa Kỳ.

Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) của quân đội Mỹ nói rằng họ đã nhận biết về các tin tức này và đang phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình.

INDOPACOM cho biết trong một tuyên bố: “Hoạt động này nhấn mạnh việc (Triều Tiên) tiếp tục tập trung vào phát triển chương trình quân sự và các mối đe dọa gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.”

Vụ thử này có “ý nghĩa chiến lược của việc sở hữu một phương tiện răn đe hiệu quả khác để đảm bảo an ninh của quốc gia chúng ta một cách đáng tin cậy hơn và ngăn chặn mạnh mẽ các hoạt động diễn tập quân sự của các thế lực thù địch”, KCNA cho biết.

Đây được coi là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật mới vào tháng 3/2021. Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ thử tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng 1/2021.

Ông Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, cho biết tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là mối đe dọa không kém tên lửa đạn đạo và cho thấy đây là một khả năng khá cao cho Triều Tiên.

“Đây là một hệ thống khác được thiết kế để bay dưới các radar phòng thủ tên lửa hoặc xung quanh chúng”, ông Lewis viết trên Twitter.

Theo các nhà phân tích, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể được trang bị bom hạt nhân hoặc thông thường, đặc biệt chúng gây mất ổn định trong trường hợp xảy ra xung đột vì không rõ chúng đang mang loại đầu đạn nào.

Biển Đông: Bắc Kinh “hy vọng” đúc kết được COC khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) nói chuyện với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) tại buổi lễ ký kết hiệp định thương mại tự do song pương, Cung điện Hòa bình, Phnom Penh, 12/10/2020. AP – Heng Sinith 

Ngay sau khi rời Việt Nam, ngoại trưởng Trung Quốc đã qua Cam Bốt trong chuyến công du hai ngày, kết thúc hôm nay, 13/09/2021. Tại quốc gia thân cận nhất với Bắc Kinh trong khối ASEAN, từng sẵn sàng bênh vực lập trường Biển Đông của Trung Quốc bất chấp tổn hại cho toàn khối Đông Nam Á, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc “hy vọng” đúc kết được đàm phán với ASEAN về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vào năm tới, 2022, đúng vào lúc Cam Bốt làm chủ tịch luân phiên khối ASEAN.  

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngoại trưởng Trung Quốc đã cho biết hy vọng kể trên của Bắc Kinh trong cuộc hội đàm với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen vào hôm qua, 12/09 tại Phnom Penh.

Sau một thời gian dài bị đình hoãn vì Covid-19, đàm phán ASEAN-Trung Quốc về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) đã được khởi động trở lại, với việc Bắc Kinh đã nhiều lần cho thấy ý muốn đẩy nhanh tốc độ thương thuyết.

Theo SCMP, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào tháng 8 vừa qua đã cho rằng sở dĩ Bắc Kinh muốn gấp rút đúc kết COC, đó là vì họ xem bộ quy tắc này là “một cách để phá hoại phán quyết năm 2016” của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, vốn đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Theo giới phân tích, trong số các trở ngại làm trì hoãn cuộc đàm phán, có những đòi hỏi của Trung Quốc muốn đưa vào COC những quy định cấm các nước ngoài khu vực can dự vào Biển Đông, điều không được các nước bị Bắc Kinh chèn ép trên Biển Đông như Việt Nam hay Philippines đồng ý.

Với Cam Bốt lên làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Bắc Kinh được cho là sẽ có thể thông qua Phnom Penh tác động lên vấn đề Biển Đông, như đã từng thành công trước đây. Mọi người vẫn nhớ là vào năm 2012, khi Cam Bốt “lãnh đạo” khối Đông Nam Á, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN đã không ra được Thông Cáo Chung chỉ vì Cam Bốt kiên quyết không chấp nhận đưa vào văn kiện những lời lẽ quá cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Báo Hồng Kông SCMP còn nhắc lại rằng sau đó, chính Cam Bốt là nước đã ngăn cản không cho ASEAN đưa ra một tuyên bố chung phản bác Trung Quốc về phán quyết La Haye năm 2016.

Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phát biểu hôm qua trong cuộc họp với ông Vương Nghị, thủ tướng Hun Sen đã cam kết là Phnom Penh sẽ cùng với Bắc Kinh “ngăn chặn, không cho các thế lực bên ngoài làm gián đoạn công việc nội bộ của khu vực”, và Cam Bốt sẽ tiếp tục “kiên định ủng hộ lập trường chính đáng của Trung Quốc” trên những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Nhân chuyến công du Cam Bốt, dĩ nhiên là ngoại trưởng Trung Quốc đã loan báo những khoản viện trợ cho Phnom Penh, từ cam kết viện trợ 270 triệu đô la và thêm ba triệu liều vắc xin Covid-19, cho đến việc bàn giao cho đồng minh thân cận một sân vận động quốc gia mới, được xây dựng ở vùng ngoại ô Phnom Penh bằng tiền của Trung Quốc, mà theo bộ trưởng Du Lịch Cam Bốt lên đến 160 triệu đô la.