TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :15/09/2021 với Nam Giang

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :15/09/2021 với Nam Giang
09/16/2021

 

Bruxelles : Mối nguy hiểm của Liên Hiệp Châu Âu đến từ Trung Âu
image.png
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tại trụ sở Nghị Viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 15/09/2021. YVES HERMAN POOL/AFP

Thu Hằng

Theo thông lệ thường niên từ năm 2010, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đọc bài diễn văn về tình trạng Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 15/09/2021, tại Nghị Viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), bà Ursula von der Leyen tóm tắt tình hình trong năm 2020 và thông báo một số biện pháp đối với một số thách thức trong khối cũng như trên thế giới.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nói đến việc hỗ trợ 200 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, viện trợ 100 triệu euro cho Afghanistan, cấp thêm ngân sách cho khí hậu và tổ chức thượng đỉnh quốc phòng châu Âu vào quý I năm 2022.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ Trung Âu, đặc biệt là Ba Lan, tiếp tục khiến Bruxelles bận tâm, mà sự kiện gần đây nhất là chính quyền Vacxava vi phạm tự do báo chí khi cấm truyền thông đến đưa tin về nhập cư dọc biên giới giữa Ba Lan và Belarus.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles tường trình :

« Chính phủ Ba Lan tấn công tự do báo chí nhưng đó chỉ là sự vi phạm mới nhất về Nhà nước pháp quyền. Trong những hồ sơ cấp bách khác còn có vấn đề liên quan đến giới LGBT (biện pháp được khuyến khích để chống lại giới đồng tính, chuyển giới) và nhất là "Phòng Kỷ luật" thẩm phán (cơ quan thuộc Tòa án Tối cao có trách nhiệm giám sát, thi hành kỷ luật các thẩm).

Từ nhiều năm nay, Ủy Ban Châu Âu phải đấu tranh với Hungari và Ba Lan về việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền và những giá trị của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, một số người cho rằng đã đến lúc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phải « tuýt còi chấm dứt » tình trạng này vì lập trường của Ba Lan đe dọa đến chính những nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu khi dùng Tòa Bảo hiến quốc gia thách thức quyền tối cao của luật pháp châu Âu.

Ngoài ra, mọi người cũng trông chờ một quyết định mới sẽ được ban hành vào ngày 22/09 và ở đây người ta nói là phải nhanh chóng khép lại cánh cửa mà Ba Lan đã đặt chân vào trước khi vấn đề lây lan rộng. Điều này ám chỉ trực tiếp đến việc dựa vào những đề xuất của ông Michel Barnier để lách các quy định của châu Âu về nhập cư.

Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu có nhiều biện pháp trừng phạt tài chính nhưng hiện đang chờ xem Ủy Ban Châu Âu tính sử dụng công cụ được gọi là « mang tính điều kiện » này như thế nào. Công cụ này cho phép Ủy Ban Châu Âu đình chỉ các khoản hỗ trợ của Bruxelles trong trường hợp có sự vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền ».

 
Mỹ quyết định tổ chức kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham »
 
image.png
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Israel, Yair Lapid, và đông nhiệm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Abdallah ben Zayed Al Nahyane, ngày 29/06/2021, tại Abou Dhabi. AP - Shlomi Amsalem

Trọng Thành

Chính quyền Joe Biden quyết định kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham », cho phép thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel với ba quốc gia Ả Rập. « Các Thỏa thuận Abraham », được ký kết dưới thời tổng thống Donald Trump năm 2020, vốn gây nhiều tranh cãi. Phe Dân Chủ cho đến gần đây vẫn không muốn công nhận các thỏa thuận này.

Một ngày trước dịp tròn một năm các Thỏa thuận Abraham, ngày hôm qua, 14/09/2021, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tổ chức kỷ niệm trực tuyến sự kiện này cùng với Israel và ba quốc gia Ả Rập đã tham gia thỏa thuận, gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein vả Maroc. Việc chính thức dùng tên gọi « các Thỏa thuận Abraham » là một dấu hiệu rõ ràng, từ phía chính quyền Biden, khẳng định thành quả ngoại giao dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

Theo AFP, dường như đây là lần đầu tiên chính quyền Biden khẳng định việc ủng hộ « các Thỏa thuận Abraham » sẽ góp phần giải quyết các xung đột giữa Israel và Palestine. Trong một đoạn video được đưa lên Twitter nhân dịp này, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố: « Chúng tôi hy vọng rằng khi Israel và nhiều quốc gia trong khu vực cùng trong các nỗ lực chung để thiết lập nên những cây cầu, tạo ra các điều kiện mới cho đối thoại và trao đổi, chúng ta có thể đạt được các tiến bộ cụ thể, hướng đến mục tiêu cổ vũ cho một nền hòa bình giữa Israel và Palestine thông qua thương lượng ».

Việc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập quan hệ chính thức với Israel ngày 15/09/2020 bị Palestine lên án mạnh mẽ, coi như một hành động « phản bội » lại lập trường chung của khối Ả Rập từ nhiều thập niên, theo đó khối Ả Rập chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel chừng nào chính quyền Israel giải quyết vấn đề « chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Palestine ». Cho đến nay, Ả Rập Xê Út, nền kinh tế lớn nhất của khối, không chấp nhận tham gia thỏa thuận Abraham.

Đầu tư kinh tế : Kết quả không như mong đợi
Tiếp theo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, dưới sự thúc đẩy của chính quyền Trump, đến lượt Maroc và Sudan lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Israel. Mục tiêu chính của các nước Ả Rập tham gia thỏa thuận Abraham với Israel trước hết là nhằm thu được các lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, một năm sau loạt thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử » này, thực tế không được như mong đợi.

Thông tín viên Sami Boukhelifa tường trình từ Jérusalem :

« Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các doanh nghiệp Israel chuyên về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tài chính, hay y tế, đã tìm cách chinh phục thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhà nước Do Thái, thường được mệnh danh là « Quốc gia khởi nghiệp » (Nation Start-up), có chung nhiều tham vọng với quốc gia giàu có vùng Vịnh trong các lĩnh vực này.

Trong vòng một năm, khoảng 200.000 người Israel đã đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chủ yếu là Dubai, tiểu vương quốc được coi là hấp dẫn nhất trong số 7 tiểu vương quốc. Mùa hè này, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã mở sứ quán tại Abou Dhabi và Tel Aviv. Đại diện ngoại giao của Bahrein cũng vừa trình thư ủy nhiệm lên tổng thống Israel thứ Ba 14/09.

Nhưng nếu như Israel tỏ ra thèm khát thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thì đối tác mới của chính quyền Israel dường như lưỡng lự hơn nhiều. Đúng là Abou Dhani thông báo muốn đầu tư 10 tỉ đô la vào Israel, tuy nhiên trong hiện tại, chưa có gì được cụ thể hóa ».
 
Afghanistan : Nội bộ Taliban lục đục ?
image.png
(Ảnh minh họa) - Giáo sĩ Baradar, người đồng sáng lập Taliban, tại Doha, Quatar, tháng 07/2021. Việc không xuất hiện trước công chúng lâu ngày làm dấy lên tin đồn ông đã chết. KARIM JAAFAR AFP/File

Thu Hằng

Abdul Ghani Baradar, một trong những nhà đồng sáng lập Taliban và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Afghanistan, không xuất hiện trước công chúng từ nhiều ngày nay. Trước nhiều tin đồn trên mạng xã hội, Taliban ngày 14/09/2021 lên tiếng bác tin giáo sĩ Baradar đã chết trong một vụ xả súng vì cạnh tranh giữa các đối thủ.

Tân phó thủ tướng Baradar đã không xuất hiện trong phái đoàn chính phủ Afghanistan gặp ngoại trưởng Qatar Mohamed Ben Abdoulrahman al-Thani ngày 12/09. Ngay cả khi Taliban bác thông tin ông bị bắn chết hay bị thương, phó thủ tướng Baradar cũng không xuất hiện mà chỉ có một đoạn băng thu âm được Taliban công bố. Taliban giải thích ông « đang đi công tác trong những ngày gần đây », đồng thời « xác nhận 100% là chúng tôi không có bất đồng, cũng chẳng có vấn đề gì ».

Theo những đoạn video được Taliban công chiếu, giáo sĩ Baradar được cho là đang tham gia họp ở Kandahar (phía nam Afghanistan). Hãng tin Anh Reuters không kiểm chứng được tính xác thực của những tài liệu này.

Taliban phải lên tiếng trong bối cảnh có nhiều tin đồn về bất đồng giữa phe quân sự, đại diện là Sirajuddin Haqqani và phe chính trị, như giáo sĩ Baradar. Nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, giáo sĩ Haibatullah Akhundzada, cũng không xuất hiện trước công chúng từ khi Taliban chiếm được Kabul ngày 15/08 và chỉ ra thông cáo khi thành lập chính phủ. Theo tin đồn ở Pakistan và Afghanistan, ông được cho là đã chết vì Covid-19 hoặc trong một trận oanh kích. Taliban từng giấu tin giáo sĩ Omar, nhà sáng lập Taliban, đã chết trong suốt 2 năm, đến tận năm 2015 mới xác nhận.

Talban bị tố cáo dùng vũ lực trấn áp biểu tình

Về tình hình nhân quyền, từ khi lên nắm quyền, Taliban liên tục bị tố cáo có những vi phạm, trong đó có vi phạm các quyền của phụ nữ, và tiếp tục sát hại thường dân. Theo BBC ngày 13/09, ít nhất 20 người ở Panshir đã bị Taliban hành quyết. Trong khi đó, tại Kandahar, hôm qua hàng nghìn người Afghanistan biểu tình phản đối việc Taliban ra lệnh trục xuất khoảng 3.000 người khỏi một khu dân cư của lực lượng an ninh trước đây. Họ chỉ có 3 ngày để rời khỏi khu vực mà nhiều người đã sống đến 30 năm.

Cựu đại sứ Afghanistan ở Liên Hiệp Quốc Nasir Ahmad Andisha đã yêu cầu mở lại điều tra về các vụ Taliban vi phạm nhân quyền trong bối cảnh Cao Ủy Nhân Quyền cũng cáo buộc tân chính quyền Kabul ngày càng sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình.
 
Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Mỹ - Nhật lên án

image.png
Một người dân Hàn Quốc xem tivi chiếu cảnh Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa, tại một ga tàu ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/09/2021. AFP - JUNG YEON-JE

Trọng Thành

Tiếp theo các vụ bắn thử tên lửa hành trình, Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo vào hôm nay, 15/09/2021. Quân đội Hoa Kỳ lên án vụ bắn thử « bất hợp pháp », vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Nhật Bản tố cáo vụ bắn thử đe dọa « hòa bình và an ninh khu vực ».

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, dẫn thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), theo đó các tên lửa được phóng lên từ Yangdok, một địa điểm ở miền trung Bắc Triều Tiên, vào lúc 12 giờ 34 và 12 giờ 39. Quân đội Hàn Quốc khẳng định theo dõi sát diễn biến này và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình từ Seoul :

« Đây là các hỏa tiễn đạn đạo tầm gần. Các hỏa tiễn này đã rớt xuống vùng biển Nhật Bản, nhưng nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Các hỏa tiễn, được bắn đi hôm nay từ một khu vực thuộc vùng miền trung của Bắc Triều Tiên, vượt qua 800 km, và đạt đến độ cao tối đa 60 km. Các thông số này không tương ứng với một loại tên lửa nào đã biết.

Khác với các tên lửa hành trình đã được Bắc Triều Tiên bắn thử trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, các hỏa tiễn đạn đạo vốn bị cấm theo quyết định của Liên Hiệp Quốc. Quân đội Hoa Kỳ đã ra một thông cáo, nhấn mạnh đến « hậu quả gây bất ổn định của chương trình vũ khí bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên ».


Các vụ bắn thử hỏa tiễn diễn ra trong tình hình nội bộ chế độ Bắc Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Bắc Triều Tiên bị cô lập từ đầu đại dịch đến nay, quốc gia này lâm vào tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng. Các vụ thử này có mục tiêu củng cố đoàn kết trong nội bộ chế độ, bên cạnh đó nhằm trắc nghiệm phản ứng quốc tế. Các vụ thử diễn ra sau ít nhất hai sự kiện quan trọng với Bình Nhưỡng : việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung từ tháng 8 và vụ thử tên lửa đạn đạo Hàn Quốc từ tầu ngầm hồi tuần trước.

Căng thẳng gia tăng thêm một nấc trên bán đảo Triều Tiên, đúng vào lúc ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang trong chuyến công du Seoul, trong khi chờ đợi những tín hiệu cho việc nối lại đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa các bên liên quan, đối thoại bị đình chỉ từ 2019 ».

 « Tín hiệu gián tiếp » gửi đến Bắc Kinh
Trả lời báo giới trước vụ bắn thử hỏa tiễn hôm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), đang công du Hàn Quốc, kêu gọi các bên nỗ lực cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực để « tạo điều kiện cho việc nối lại đối thoại ». Theo ông Vương Nghị, « không chỉ có Bắc Triều Tiên, mà một số nước khác cũng tiến hành các hoạt động quân sự ».

Theo giáo sư Yang Moo Jin, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc, các vụ bắn thử hỏa tiễn hôm nay có thể là « một tín hiệu gián tiếp của Bắc Triều Tiên » gửi đến Trung Quốc để Bắc Kinh coi vấn đề bán đảo Triều Tiên là « hồ sơ ưu tiên ».

Hàn Quốc chính thức tuyên bố « thử thành công » tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm
Theo Yonhap, vài giờ sau vụ Bắc Triều Tiên thử hỏa tiễn đạn đạo, quân đội Hàn Quốc hôm nay, 15/09/2021, thông báo « thực hiện thành công » một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo (MSBS) từ tầu ngầm. Với vụ thử nói trên, Hàn Quốc được coi là « quốc gia thứ bảy » trên thế giới phát triển thành công loại tên lửa này (sáu nước khác là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc).

Vụ thử hỏa tiễn được tiến hành từ tàu ngầm Ahn Chang-ho, 3.000 tấn, chạy bằng diesel. Đích thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chứng kiến vụ bắn thử. Theo phủ tổng thống Hàn Quốc, vụ thử hỏa tiễn này đóng một vai trò quan trọng giúp Seoul « tăng cường độc lập về quốc phòng » và « bảo vệ hòa bình tại bán đảo Triều Tiên trong tương lai ».

Tổng thống Moon Jae-in hôm nay tuyên bố việc Seoul thử nghiệm thành công MSBS và một số tên lửa khác cho thấy Hàn Quốc có « đủ khả năng răn đe » trước mọi hành động khiêu khích từ phía Bắc Triều Tiên.

Trước đó, ngày 07/09, một số nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo hải đối địa chiến lược (MSBS) tự chế, cũng bắn từ tầu ngầm Ahn Chang-ho. Vào thời điểm đó, theo Yonhap, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc « từ chối chính thức xác nhận » vụ bắn thử này.
 
Covid-19 : Chính phủ Anh chuẩn bị kế hoạch chống dịch mùa đông

image.png
(Ảnh minh họa chụp ngày 21/08/2021) - Biển chỉ dẫn lối đến một trung tâm tiêm ngừa Covid-19 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Chính phủ Anh khuyến cáo người trên 50 tuổi tiêm mũi thứ 3. Tolga Akmen AFP/Archivos

Thu Hằng

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rút ra bài học từ công cuộc chống dịch Covid-19 hồi mùa thu năm 2020. Được dỡ bỏ từ cuối tháng 07/2021, các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, chứng nhận y tế … có thể được áp dụng trở lại nếu dịch vượt ngoài tầm kiểm soát vào mùa đông.


Ngày 14/09, thủ tướng Anh công bố hai « kế hoạch » chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Anh vẫn ở mức cao, khoảng 30.000 ca mỗi ngày.

Thông tín viên Claire Digiacomi tại Luân Đôn giải thích :

« Để ngăn nguy cơ bệnh viện lại quá tải vào mùa đông này, thủ tướng Boris Johnson muốn đặt cược vào vac-xin. Đây là « kế hoạch A », theo như phát biểu của ông. Ngay từ tuần tới, Anh sẽ tiêm nhắc lại liều 3 cho người trên 50 tuổi, người có sức khỏe yếu và bắt đầu tiêm chủng cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, đến giờ vẫn nằm ngoài chiến dịch tiêm phòng.

Nhưng chính phủ Anh cũng chuẩn bị « kế hoạch B », gồm nhiều biện pháp « dự phòng » trong trường hợp tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, ví dụ sử dụng chứng nhận y tế để vào sàn nhảy hoặc phòng hòa nhạc. Đây là biện pháp mà hiện thủ tướng vẫn từ chối áp dụng.

Ông Boris Johnson nói : « Có lẽ sẽ bất hợp lý nếu loại hoàn toàn khả năng này ngay từ giờ trong khi biện pháp này cho phép nhiều địa điểm được mở cửa hết công suất. Chúng tôi cũng giữ khả năng bắt buộc đeo khẩu trang hoặc khuyến cáo làm việc từ xa ».

Với loạt thông báo mới này, chính phủ muốn nhắc lại với người dân Anh rằng virus corona vẫn lan rộng, dù vac-xin giảm được nguy cơ bệnh trở nặng. Số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và chết vì Covid-19 hiện nay còn cao hơn cả số liệu cùng kỳ năm ngoái, khi bắt đầu vào mùa thu ».
 
Việt Nam : Hơn 30 triệu dân được chích ngừa Covid-19 ít nhất một liều
 
image.png
Ảnh minh họa: Chuyến hàng đầu tiên chở vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình quốc tế COVAX đến sân bay Nội Bài (Hà Nội - Việt Nam) ngày 01/04/2021. AFP - NHAC NGUYEN
 
Trọng Thành

Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia Việt Nam, tính đến ngày hôm nay 15/09/2021, đã có hơn 31 triệu liều vac-xin Covid-19 được chích cho người dân, có nghĩa là gần 1/3 ba dân số Việt Nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Trong 6 ngày liên tiếp (từ ngày 09 đến 14/09), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.

Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 7,4 triệu liều vac-xin, tương đương 100% dân số trong độ tuổi được tiêm chủng của thành phố (trên 18 tuổi), trong đó khoảng 900.000 người đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Khoảng 4,4 triệu liều vac-xin đã được tiêm tại Hà Nội (chiếm 77% dân số thành phố), trong đó có hơn 550 nghìn người hoàn tất mũi tiêm thứ hai.

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng gần 37 triệu liều vac-xin Covid-19, với gần 12 triệu liều thông qua chương trình COVAX, theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam hôm 14/09. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ nhận được thêm hơn 103 triệu liều vac-xin vào cuối năm nay (22,8 triệu liều đến vào tháng 9 ; 31,2 triệu vào tháng 10, 23,9 triệu vào tháng 11 và 25,5 triệu vào tháng 12).

Hôm qua, đại diện chính phủ Pháp và Ý tổ chức lễ bàn giao tổng cộng 1,47 triệu liều vac-xin Covid-19 cho Việt Nam tại trụ sở bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Pháp tặng Việt Nam 670.000 liều vac-xin AstraZeneca và Ý 800.000 triệu liều vac-xin cùng loại. Cả hai đều thông qua chương trình chia sẻ vac-xin toàn cầu COVAX của Liên Hiệp Quốc. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và Ý là hai trong số các nhà tài trợ lớn nhất cho sáng kiến COVAX.