Thủ tướng: Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết tốt hay không

Thủ tướng: Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết tốt hay không
09/16/2021

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh Nhật Minh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh Nhật Minh)

 

TPO - Từ thực tế công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn cho rằng: “Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết chỗ nào tốt hay không tốt”.
 

Quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất

Kết luận hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, sáng 16/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác này, chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vẫn chưa xứng tầm với một khâu đột phá chiến lược.

Để phục vụ cho sự phát triển, Thủ tướng yêu cầu rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế.

Theo Thủ tướng, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong tổ chức thi hành pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.

Lấy ví dụ về chỉ đạo Bộ trưởng Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 tới tận xã phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, Thủ tướng cho biết, qua kiểm tra công tác phòng chống dịch vừa qua cũng cho thấy, những nơi nào mà lãnh đạo nắm chắc tình hình, quan điểm, giải pháp, thì tổ chức thực hiện tốt và ngược lại.

“Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết chỗ nào tốt hay không tốt”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Không biết mà ký thì rất dễ bị sai

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính. “Nếu không phân cấp phân quyền, không biết mà quản thì chỉ là hợp thức hóa, không biết mà ký thì rất dễ bị sai”, Thủ tướng phát biểu.

Vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, không có quy định luật pháp nào phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm ngay.

Do đó, trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết, nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý. Điều này phụ thuộc năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ các cấp.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực phòng chống COVID-19 và khắc phục hậu quả đại dịch; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu quả, hiệu lực tổ chức thi hành pháp luật…