Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller cho biết, ông chưa từng thông qua cuộc điện đàm được cho là giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley và người đồng cấp thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Miller từng lãnh đạo Lầu Năm Góc một thời gian ngắn, từ cuối năm 2020 đến tháng 1/2021.
Trong một tuyên bố gửi tới Fox News, cựu quyền Bộ trưởng Miller nói rằng: “Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là sĩ quan quân đội cấp cao nhất có vai trò duy nhất là cung cấp lời khuyên cụ thể về quân sự cho tổng thống, và theo luật bị cấm thực hiện quyền hành pháp để chỉ huy các lực lượng”. Tuyên bố của ông đề cập đến các cáo buộc trong một cuốn sách sắp xuất bản của tác giả Bob Woodward rằng, ông Milley đã thực hiện 2 cuộc điện thoại bí mật cho Tướng Li Zuocheng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, một lần vào cuối tháng 10/2020 và lần thứ hai là 2 ngày sau vụ vi phạm Điện Capitol hôm 6/1.
Ông Miller nêu rõ: “Nếu báo cáo trong cuốn sách của ông Woodward là chính xác, nó thể hiện một hành động bất tuân đáng xấu hổ và chưa từng có tiền lệ của sĩ quan quân đội hàng đầu của Quốc gia”. Tuyên bố của ông Miller cho biết thêm rằng, nếu cáo buộc về hành động của Tướng Milley là “sự bùng phát lịch sử và sự tham gia trái Hiến pháp vào chính sách đối ngoại [mà] đúng, ông ta phải từ chức ngay lập tức hoặc bị Bộ trưởng Quốc phòng sa thải để đảm bảo tính tôn nghiêm của quân đoàn sĩ quan”. Nhắc đến thời gian còn lãnh đạo Lầu Năm Góc, ông Miller khẳng định rằng, bản thân ông đã và sẽ không bao giờ “cho phép những hành vi như vậy”.
Cuốn sách của ông Woodward, cùng với ông Robert Costa là đồng tác giả, khẳng định Tướng Milley đã trở nên lo ngại rằng, cựu Tổng thống Donald Trump khi ấy có trạng thái tâm lý không ổn định và sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Cuốn sách cho biết, điều đó đã thúc đẩy ông ta sắp xếp 2 cuộc điện thoại bí mật với Tướng Li. Trong những cuộc gọi này, ông Milley nói với người đồng cấp thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của mình rằng, Hoa Kỳ sẽ không tấn công và khẳng định ông ta sẽ thông báo cho người đồng cấp của mình nếu ông Trump ra lệnh tấn công.
Sau khi có những thông tin công khai về cuộc gọi điện thoại bị cáo buộc, phát ngôn viên của ông Milley là Đại tá Dave Butler nói với các hãng tin tức rằng, việc liên lạc với Tường Li của ĐCSTQ là một phần trách nhiệm và nghĩa vụ bình thường của ông Milley, và vị tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ này đã không vi phạm quy định trong cách ông ấy nói chuyện với ông Li.
Đại tá Butler nói: “Tất cả các cuộc gọi từ Chủ tịch [hội đồng] đến những người đồng cấp của ông ấy, bao gồm cả những cuộc gọi được báo cáo, đều được biên chế, phối hợp và liên lạc với Bộ Quốc phòng".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki và các quan chức khác thuộc chính quyền ông Biden đã lên tiếng bảo vệ Tướng Milley. Họ bày tỏ niềm tin rằng, ông này vẫn phù hợp để trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Bà Psaki khẳng định, Tướng Milley “là người trung thành với Hiến pháp”, đồng thời nói thêm rằng ông Biden “tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông [Milley] và vai trò của ông ấy trong trải nghiệm của mình với ông ấy”. Sau đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, ông không thể xác minh những tuyên bố trong cuốn sách của ông Woodward nhưng nói thêm rằng, ông “không thấy gì trong những gì mình đã đọc có thể gây ra bất kỳ mối lo ngại nào”.
Tuy nhiên, cựu quyền Bộ trưởng Miller khẳng định, nếu các cáo buộc là đúng, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành, bởi vì "một sĩ quan cấp thấp hơn bị buộc tội về hành vi như vậy sẽ ngay lập tức bị bãi nhiệm".
Cũng trong tuyên bố của mình, ông cho biết: “Mọi cáo buộc rằng Tổng thống Trump có ý định gây chiến với Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ. Tổng thống Trump hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ một cách tiếp cận tích cực hơn đối với Trung Quốc, nhưng ông ấy đã được bầu để kết thúc các cuộc chiến tranh của Tổ quốc, chứ không phải bắt đầu những cuộc chiến mới. Tôi thấy tự hào vì đã đóng một vai trò nhỏ trong việc đạt được những mục tiêu đó”.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận kể từ khi bài báo này xuất bản.
Hôm 14/9, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Rand Paul đã công khai yêu cầu cách chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley, họ cáo buộc rằng ông Milley đã làm rò rỉ bí mật quân sự Mỹ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lên kế hoạch phản quốc và nên bị tòa án quân sự xét xử.
Trong bức thư có tiêu đề “Rubio gửi Biden: Sa thải Tướng Milley ngay bây giờ” gửi Tổng thống Joe Biden hôm 14/9, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã kêu gọi ông Biden sa thải Tướng Milley. Ông Rubio cáo buộc ông Milley có kế hoạch phản quốc, làm suy yếu vai trò của cựu Tổng thống Donald Trump với tư cách là Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ. Ông Rubio viết trong thư rằng:
“Tôi cực kỳ quan ngại về thông tin gần đây cho thấy Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã chủ động làm việc gây tổn hại đến Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ đương quyền và đã có ý định phản quốc rò rỉ tin mật cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trước một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Những hành động này của Tướng Milley cho thấy rõ ràng là sự thiếu khả năng suy xét phù hợp, và tôi thúc giục [Tổng thống] hãy sa thải ông [Milley] ngay lập tức”.
Theo cuốn sách “Peril” (Tạm dịch: “Hiểm họa”) sắp xuất bản của phóng viên báo chí Washington Post, ông Bob Woodward và phóng viên chính trị quốc gia Robert Costa, Tướng Milley lo lắng rằng Tổng thống Trump sẽ "ngạo mạn", vì vậy ông ta đã thực hiện hai cuộc điện đàm bí mật với vị tướng cao nhất của quân đội ĐCSTQ và hứa nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công vào quốc gia cộng sản này, ông sẽ thông báo trước cho họ.
Ông Milley nói với ông Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương ĐCSTQ rằng: "Tôi và anh quen nhau đã 5 năm. Nếu chúng tôi muốn tấn công, tôi sẽ gọi điện báo trước cho anh”.
Cuối ngày 14/9, Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul viết trên Twitter rằng:
“Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về Tổng thống Trump. Chủ tịch JCOS (Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ) đang làm việc để lật đổ chuỗi chỉ huy quân sự và cấu kết với Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây chính xác là nhà lãnh đạo quân sự mà đất nước chúng ta không chấp nhận. Nếu đúng, ông ta nên bị toà án quân sự xét xử”.
"Cùng với việc ông ấy không có khả năng xử lý hoạt động rút quân khỏi Afghanistan, rõ ràng Tướng Milley không còn phù hợp với chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và nên bị cách chức ngay lập tức”.
Một số thành viên của Quốc hội Mỹ cũng kêu gọi cách chức ông Milley.
Dân biểu Chris Stewart viết trên Twiiter rằng:
"Nếu báo cáo về Tướng Milley là thật, ông ta cần phải bị sa thải. Không có lời biện minh nào để liên lạc bí mật với đối thủ lớn nhất của chúng ta. Không có lời biện minh nào cho việc phản quốc”.
"Tổng thống Hoa Kỳ: Nếu điều này được xác nhận, ông cần phải sa thải Tướng Milley ngay lập tức”.
Dân biểu Justin Amash viết trên Twitter rằng ông Milley đã phản bội lời thề của ông ta và không nên tiếp tục ở vị trí đó:
“Chúng ta phải duy trì kiểm soát dân sự đối với lực lượng vũ trang thông qua tổng thống, như Hiến pháp của chúng ta yêu cầu. Bất kỳ quan chức nào lật đổ hệ thống này đều không được tại vị. Bất kỳ ai lo ngại về một tổng thống không phù hợp có thể tìm kiếm một biện pháp khắc phục theo Hiến pháp; [nếu không], bất kỳ điều gì khác đều là phản bội lời thề của họ”.
Dân biểu Doug Lamborn đã tweet rằng:
“Tôi vô cùng kinh ngạc trước sự thiếu phán đoán cực kỳ của Tướng Milley. Ông ấy sẵn sàng làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta và khiến cuộc sống của người Mỹ gặp nguy hiểm. Nếu Milley thực sự cấu kết với những người đồng cấp của ĐCSTQ (#CCP) sau lưng tổng thống, ông ấy nên bị cách chức”.
Cựu Tổng thống Trump cũng đã đưa ra một tuyên bố vào cuối ngày 14/9 rằng:
"Nếu vị tướng 'ngu ngốc' Mark Milley - nhà lãnh đạo thất bại này đã lên kế hoạch cho cuộc rút quân tồi tệ nhất khỏi Afghanistan trong lịch sử Hoa Kỳ, để lại rất nhiều binh lính chết và bị thương, nhiều công dân Mỹ và những thiết bị quân sự mới nhất và tiên tiên nhất trên thế giới với trị giá 85 tỷ USD, và danh dự của đất nước chúng ta - [Nếu câu chuyện của Tướng Milley] là thật, tôi nghĩ rằng ông ta sẽ bị xét xử vì tội phản quốc, bởi vì ông đã liên hệ với người đồng cấp của Trung Quốc sau lưng tổng thống và nói với Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng sẽ thông báo về một 'cuộc tấn công' cho họ. Không thể làm như vậy".
Đài Loan đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự thường niên vào hôm thứ Hai nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc, bao gồm ứng phó với chiến tranh sinh học và hóa học, trang Nikkei cho hay.
Phần bắn đạn thật kéo dài 5 ngày của cuộc tập trận Hán Quang bắt đầu vào sáng sớm thứ Hai ở phía đông Đài Loan, một khu vực mà Trung Quốc coi là một mắt xích yếu. Các máy bay chiến đấu F-16V và tiêm kích đa nhiệm Mirage 2000 đã được điều động để mô phỏng phản ứng với một cuộc xâm lược vũ trang.
Các cuộc tập trận diễn ra trong cùng tháng 19 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và theo sau cuộc tập trận của Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng nhằm mô phỏng một cuộc xâm lược qua eo biển Đài Loan. Đài Bắc đang đáp trả bằng cách đổ tiền vào tên lửa và các khoản đầu tư khác mà họ hy vọng sẽ giúp san bằng một sân chơi không bình đẳng.
Cuộc tập trận Hán Quang được tổ chức hàng năm kể từ năm 1984, trải dài trên đảo chính của Đài Loan cũng như các đảo xa xôi, với sự tham gia của các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không. Cuộc tập trận được hình dung là một loạt các phương thức tấn công tiềm năng, không chỉ tên lửa mà còn cả các hoạt động đổ bộ, tác chiến điện tử, tấn công không gian mạng.
Đài Loan vốn yếu hơn về mặt quân sự so với Trung Quốc. Đài Loan áp dụng chiến lược phòng thủ phi đối xứng tập trung vào đảo chính nhằm mục đích giữ cho các lực lượng của Bắc Kinh ở khoảng cách xa nhất có thể, trì hoãn thời gian để Hoa Kỳ và các cường quốc khác can thiệp nếu có một cuộc xâm lược xảy ra.
Tổng thống Thái Anh Văn đã đặc biệt chú trọng đến phát triển tên lửa tầm xa. Su Tzu-yun tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan cho biết: “Tên lửa tầm xa là phần quan trọng nhất của chiến tranh phi đối xứng. Sản xuất chúng rẻ hơn so với máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến, nhưng có khả năng tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả”.
Thứ Hai ngày 13/9, lần đầu tiên kể từ năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
Tại buổi gặp mặt, ông Putin đã chỉ trích các lực lượng nước ngoài đang ở Syria mà không có sự cho phép hoặc ủy quyền của Liên hợp quốc. Đây là một lời quở trách dành cho Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Putin là đồng minh mạnh mẽ nhất của ông Assad trong cuộc xung đột Syria kéo dài hàng thập kỷ; Việc ông Putin triển khai lực lượng không quân của Nga vào năm 2015 đã giúp lật ngược tình thế có lợi cho ông Assad, cho phép ông Assad phục hồi phần lớn lãnh thổ bị quân nổi dậy chiếm đóng.
Tuy nhiên, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã hiện diện ở phần lớn phía Bắc và Tây Bắc của Syria, giúp củng cố pháo đài lớn cuối cùng của phiến quân chống lại Tổng thống Assad. Các lực lượng Hoa Kỳ đang hỗ trợ lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo, những người kiểm soát các phần phía Đông và Đông Bắc Syria.
Tổng thống Assad, người cũng được Iran hỗ trợ trong cuộc xung đột, đã rất ít thực hiện các chuyến công du nước ngoài kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2011.
Theo Điện Kremlin đưa tin hôm thứ Ba ngày 14/9, ông Putin nói với ông Assad rằng, vấn đề chính ở Syria là sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài mà không có sự cho phép hoặc ủy quyền của Liên Hợp Quốc. Điều này "rõ ràng là đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm suy yếu khả năng của ông Assad trong việc sử dụng những nỗ lực cao nhất của mình để củng cố đất nước và thúc đẩy phục hồi đất nước với tốc độ một chính phủ hợp pháp kiểm soát toàn bộ đất nước có thể thực hiện được".
Nhà nước Syria coi các lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là quân chiếm đóng, trong khi các lực lượng của Nga và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở quốc gia này là theo lời mời của chính phủ.
Ông Putin nói tiếp: "Những kẻ khủng bố chịu thiệt hại rất nghiêm trọng và chính phủ Syria, do bạn đứng đầu, đã kiểm soát 90% lãnh thổ".
Nhưng, theo các đánh giá khác, ông Assad nắm giữ quyền kiểm soát ít hơn 90%. Theo báo cáo mới nhất về Syria hôm thứ Ba ngày 14/9 của Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc, ông Assad chỉ kiểm soát khoảng 70% lãnh thổ.
Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc ghi nhận tình trạng bạo lực, đánh nhau và vi phạm nhân quyền gia tăng trong năm tính đến cuối tháng 6, bao gồm cả việc bắt giữ tùy tiện của lực lượng chính phủ. Nó nói rằng, Syria là nơi không an toàn cho những người tị nạn quay trở về.
Cuộc gặp với ông Assad hôm thứ Hai ngày 13/9 diễn ra trước khi ông Putin tuyên bố sẽ tự cách ly từ ngày thứ Ba ngày 14/9 do một số thành viên trong đoàn tùy tùng của ông bị nhiễm COVID-19.
Đầu năm 2021, Tổng thống Assad và vợ đều nhiễm COVID-19.
Điện Kremlin cho biết, ông Assad đã cảm ơn ông Putin vì đã viện trợ nhân đạo cho Syria và giúp ngăn chặn "sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố".
Ông Assad ca ngợi điều mà ông gọi là thành công của quân đội Nga và Syria trong việc "giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".
Tổng thống của Syria cũng nói, các biện pháp trừng phạt mà một số quốc gia áp đặt đối với Syria là "vô nhân đạo" và bất hợp pháp.
Năm 2020, Hoa Kỳ đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Syria, nói rằng họ muốn buộc ông Assad ngừng chiến tranh và đồng ý với một giải pháp chính trị.
Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự hợp tác giữa quân đội Syria và Nga để "chống khủng bố và hoàn thành việc giải phóng vùng đất vẫn nằm trong sự kiểm soát của các tổ chức khủng bố".