Mạnh Kiên
Trong phản ứng đầy giận dữ của mình, Pháp gọi thỏa thuận giữa Mỹ và Úc là một pha "đâm sau lưng". Paris cho rằng đó là hành động phản bội giữa các đồng minh truyền thống.
Điều thú vị là trong quá khứ, Pháp cũng từng có hành động "đứng mỗi bên một chân" trong Chiến tranh Falklands năm 1982 giữa Anh và Argentina, khiến nước này từng bị mang tiếng là không đáng tin cậy.
Một trong những sự việc khác làm hoen ố danh tiếng của Pháp là vụ rò rỉ dữ liệu Scorpene năm 2016, gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia đang vận hành loại tàu ngầm có xuất xứ từ Pháp này.
Đặc biệt hơn cả, nhiều người sẽ không quên việc Pháp từng đơn phương hủy bán 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral dành cho Nga vào năm 2015. Hai tàu gần như sẵn sàng được giao nhưng sau đó đã được chuyển đến Ai Cập khi các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga trong bối cảnh sáp nhập Crimea.
Nga về sau đã nhận lại toàn bộ tiền đặt cọc nhưng không rõ nhận được tiền bồi thường bao nhiêu.
Nhìn vào khía cạnh khác, theo giới phân tích, sự không hài lòng của Pháp đối với hiệp ước ba bên AUKUS không phải chỉ vì lý do dự án tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD bị hủy bỏ.
Thay vào đó, thỏa thuận AUKUS thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc chống lại Bắc Kinh, điều này đã tác động không tốt đến các nỗ lực của Pháp và châu Âu nhằm duy trì "quyền tự chủ chiến lược".
"Người Pháp rất tức giận, không chỉ về tàu ngầm. Họ đã cố gắng tránh lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Họ muốn có quyền tự chủ chiến lược của riêng mình", Joseph Siracusa, học giả tại Đại học Curtin, nói với Sky News Australia.
"Châu Âu nghĩ rằng họ có thể đóng vai người môi giới đáng tin giữa Washington và Bắc Kinh, và sau một buổi sáng thức đây, họ phát hiện ra rằng Mỹ, Anh và Úc đã ràng buộc với nhau bằng thỏa thuận hạt nhân này. Tất nhiên, điều đó buộc Châu Âu phải đưa ra quyết định mà bản thân họ không hề muốn".
Siracusa lưu ý rằng việc mất hợp đồng tàu ngầm chỉ là "giọt nước tràn ly" chứ không phải nguồn gốc thực sự của cơn phẫn nộ.
Australia đã tin tưởng vào Pháp để sửa đổi và trang bị lại tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda thành một mẫu chạy bằng điện-diesel. Tuy nhiên, chương trình chậm trễ liên tục và bị đội chi phí.
"Đó là lựa chọn duy nhất đối với Australia vì người Pháp sẽ không muốn đả động hoặc chọc tức Bắc Kinh một cách không cần thiết. Họ muốn có các mối quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư", ông nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tuân theo chính sách "tự chủ chiến lược" trong những năm gần đây, tập trung vào các lợi ích chính sách đối ngoại của riêng mình và các mối đe dọa trong khu vực.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Hiệp định Toàn diện về Đầu tư là một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng giữa hai khối nhưng đã bị Mỹ phản đối gay gắt.
Trong khi đó, các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đối mặt với ma trận đe dọa đến từ Trung Quốc. Họ muốn áp dụng một lập trường cứng rắn và công khai hơn chống lại sự khiêu khích của Bắc Kinh.
"Giờ đây, Australia có khả năng nhấn chìm hải quân Trung Quốc trong 72 giờ; đó chính là cốt lõi của vấn đề", ông nói.Học giả Siracusa lưu ý rằng biện pháp răn đe thực sự hiệu quả duy nhất đối với hải quân Trung Quốc là tàu ngầm tấn công.
"Người Trung Quốc biết rằng họ đã bị vượt mặt nên rất tức giận", ông nói thêm. "Trong một khoảng thời gian rất ngắn, Úc từ một hình hài nhỏ bé trở thành thứ gì đó rất mạnh mẽ - đó là một bước tiến phi thường."
Động thái này sẽ khiến Úc trở thành một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới – bên cạnh Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ - vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mặc dù là một cường quốc phi hạt nhân.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng lưu ý rằng việc chia sẻ công nghệ hạt nhân của Mỹ với một quốc gia khác ở cấp độ này là "hiếm có".