ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 23/9 với Nam Giang

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 23/9 với Nam Giang
09/23/2021

TT  Trump kiện New York Times và cháu gái về câu chuyện hồ sơ thuế

image.png
Cựu Tổng thống Donald Trump đã khởi kiện tờ báo New York Times và 3 trong số các phóng viên của tờ báo này cùng cháu gái của mình là Mary Trump do liên quan đến một câu chuyện năm 2018 mà tờ báo đã xuất bản về hồ sơ thuế của ông.

Theo The Daily Beast, ông Trump lập luận rằng New York Times đã ấp ủ một “âm mưu thâm hiểm” để có được thông tin nhạy cảm từ cháu gái của mình, Mary Trump.

Đơn kiện cáo buộc rằng tờ báo và ba phóng viên đã tìm cách thuyết phục bà Mary Trump tuồn hồ sơ tài chính của ông Trump cho họ, mặc dù điều này vi phạm thỏa thuận bảo mật mà bà đã ký năm 2001.

Các câu chuyện mà New York Times khi đó đăng tải tiết lộ ông Trump kiếm được khoảng 413 triệu USD từ bất động sản của cha mình và né tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Ông Trump cho rằng New York Times đã biết về thỏa thuận pháp lý mà cháu gái của ông đang ký, nhưng vẫn khuyến khích bà lén đưa tài liệu ra khỏi văn phòng luật sư của mình.

Bà Mary còn bị ông Trump cáo buộc tìm cách lợi dụng tài liệu bí mật mà bà từng cam kết giữ kín để thu lợi khi xuất bản cuốn tự truyện “Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man” (tạm dịch: Quá nhiều và Chưa bao giờ Đủ: Gia đình tôi đã Tạo ra Người đàn ông Nguy hiểm nhất Thế giới Như thế nào).

Trong đơn kiện, ông Trump đang đòi các bị đơn bồi thường “không dưới một trăm triệu đô la”.

Đơn kiện được ông Trump gửi tới tòa án hạt Dutchess, bang New York hôm 21/9.

 

Căng thẳng đồng minh: Thỏa thuận thương mại EU – Úc có nguy cơ bị đình chỉ
 
image.png
Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết, một thỏa thuận thương mại giữa Úc và EU sẽ có lợi và cho phép các thành viên EU hiện diện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuyên bố được đưa ra khi Canberra cố gắng hàn gắn quan hệ với Paris sau khi hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD.

Tuần trước, cùng với tuyên bố thành lập Hiệp ước quốc phòng mới AUKUS với Mỹ và Anh, Úc đã hủy bỏ thỏa thuận với Tập đoàn Hải quân của Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường chạy bằng diesel. Thay vào đó, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc hủy bỏ đã khiến Pháp tức giận, cáo buộc cả Úc và Mỹ đã phản bội và “đâm sau lưng mình”, đồng thời triệu hồi các đại sứ của họ từ cả Canberra và Washington.

Bênh vực Pháp, các nhà lập pháp EU đã công khai đặt câu hỏi liệu một thỏa thuận thương mại với Úc có thể nên tiếp tục được thực hiện hay không.

Bộ trưởng Thương mại Úc, ông Dan Tehan hôm thứ Tư đã thúc giục EU triển khai thỏa thuận thương mại.

Ông Tehan nói trong một bài phát biểu tại Canberra: “Hiệp định FTA giữa Úc và EU là vì lợi ích tốt nhất của tất cả các bên” và EU có thể dùng nó dùng nó như một cách để tăng cường gắn kết với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo lịch trước đó, Úc và EU sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về thỏa thuận thương mại này vào ngày 12/10. Phía Úc hy vọng các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, theo Reuters.

Tuy vậy, tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hôm thứ ba, EU đã tỏ phản ứng của mình khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel bộc lộ sự không hài lòng rõ rệt trong lúc nói chuyện với Thủ tướng Úc Scott Morrison.

“Đối với chúng tôi, sự minh bạch và lòng trung thành là những nguyên tắc cơ bản để xây dựng quan hệ đối tác và liên minh bền chặt hơn”, ông Michel nói.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu hiện đang nhóm họp tại New York cũng”bày tỏ sự đoàn kết rõ ràng với Pháp”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ không có cuộc gặp riêng nào được lên lịch với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Thủ tướng Úc Morrison sẽ tiếp tục ở lại Hoa Kỳ để tham dự cuộc đối thoại an ninh Bộ Tứ gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc vào cuối tuần này.

Ông Morrison đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở New York, nhưng cho biết ông sẽ không gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
 
 
Hậu AUKUS: Công ty chế tạo tàu ngầm Pháp gửi hóa đơn đòi tiền Úc vì phá hợp đồng
 
image.png
Hôm 22/9, Tập đoàn Hải quân của Pháp (Naval Group) cho biết họ sẽ gửi một “đề xuất chi tiết và đã được tính toán” cho Úc trong những tuần tới về chi phí mà họ mong đợi Canberra phải trả khi hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm, AFP đưa tin.

Năm 2016, Úc đã đồng ý mua 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Naval Group chế tạo. Hợp đồng này khi đó được mệnh danh là “hợp đồng của thế kỷ” với trị giá 36,5 tỷ USD, và sau đó được định giá lại là 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, tuần trước, Úc đã hủy bỏ thỏa thuận này sau khi tuyên bố gia nhập liên minh quân sự mới AUKUS cùng với Anh và Mỹ, trong đó hai cường quốc này sẽ hỗ trợ Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc này đã khiến Pháp hết sức tức giận, dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các đồng minh. 

Giám đốc điều hành Naval Group là Pierre Eric Pommellet nói với tờ Le Figaro của Pháp hôm thứ Tư rằng họ sẽ gửi một hóa đơn đến Úc “trong vài tuần nữa”.

Ông nói thêm rằng quyết định [hủy hợp đồng] này đã được đột ngột thông báo mà không có bất kỳ lưu ý nào trước đó, gọi đây là “sự tàn bạo chưa từng có.” 

Ông Pommellet nói rằng đây là việc Úc đơn phương chấm dứt hợp đồng, chứ phía Pháp không có lỗi.

Ông cho biết thêm điều khoản này đã được ghi trong hợp đồng, theo đó sẽ yêu cầu thanh toán các chi phí đã bỏ ra, cũng như các chi phí sắp tới liên quan đến việc giải tán cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, và tiền trả cho nhân viên. 

Trước đó, Úc đã phàn nàn rằng thỏa thuận với Naval Group đã chậm nhiều năm và vượt quá ngân sách.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Naval Group đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tài chính với Canberra.

Bộ cho biết Naval Group đã hoàn thành 900 triệu euro (1,1 tỷ USD) trong công việc chế tạo tàu ngầm, nhưng không bị thiệt hại do khoản này đã được Úc chi trả.

Nhưng Bộ đã gọi việc hủy hợp đồng là “một sự phản bội”, Bộ cho biết các cuộc đàm phán bây giờ sẽ xác định quy mô của “mức độ bồi thường và thiệt hại” mà Úc phải gánh.

Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ: Đừng để Taliban đánh lừa bạn
image.png
Rapper kiêm nhà hoạt động người Afghanistan, cô Sonita Alizadeh 

Reuters đưa tin, Rapper kiêm nhà hoạt động người Afghanistan, cô Sonita Alizadeh, đã cùng gia đình chạy trốn khỏi quê hương khi mảnh đất này bị Taliban cai trị lần cuối cách đây hơn hai thập kỷ. Thời điểm đó phụ nữ không thể đi làm, phải che mặt và các bé gái bị cấm đến trường.

Ngày 21/9, cô thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đứng lên bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái khi Taliban đã trở lại nắm quyền.

“Người dân chúng ta còn lại điều gì? Và thành tựu đạt được trong 20 năm qua sẽ còn lại điều gì? Đừng để bị đánh lừa bởi những chiếc mặt nạ mà Taliban đang cố thể hiện trên thông tin đại chúng,” cô Alizadeh phát biểu trong một sự kiện trực tuyến bên lề cuộc họp thường niên cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi không còn thời gian nữa,” cô cầu khẩn.

Cô kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận Taliban, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo truy cập Internet cho người dân Afghanistan, bao gồm cả việc để cho các trẻ em gái có thể đi học.

“Có vẻ như tất cả chúng ta đều biết phải làm gì. Nhưng câu hỏi đặt ra là, ai sẽ hành động hôm nay?” nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nêu vấn đề.

“Phụ nữ Afghanistan đang cảm nhận một nỗi sợ hãi thực sự và rõ ràng, rằng sự đàn áp tàn bạo có hệ thống của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm 90 đang quay trở lại,” Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết trong một sự kiện trực tuyến tương tự của Liên Hợp Quốc hôm 21/9.


Taliban tuyên bố hiện tại họ đã thay đổi so với thời kỳ cầm quyền 1996-2001, thời điểm mà họ cấm phụ nữ rời khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Về điều này, cộng đồng quốc tế khẳng định sẽ theo sát theo cam kết của Taliban, mặc dù không rõ nhóm khủng bố này sẽ thực hiện như thế nào.

Đáng lưu ý, Taliban đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi cam kết của họ về quyền của phụ nữ và trẻ em gái, khi tuần trước nhóm khủng bố này thông báo mở lại trường cho nam sinh trung học nhưng không dành cho nữ sinh. Các sinh viên nữ đại học cũng được thông báo rằng các nghiên cứu giờ đây sẽ diễn ra trong tình trạng phân biệt giới tính và họ phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về trang phục của người Hồi giáo. 

Mới đây, ngày 19/9, Thị trưởng lâm thời của thủ đô Afghanistan cho hay, Taliban đã ra lệnh cho phần lớn phụ nữ làm việc trong chính quyền thành phố Kabul phải rời nhiệm sở và ở nhà, bất kể tình trạng việc làm của họ ra sao.

Trước đó, ngày 17/9, Taliban đã thay thế Bộ Các vấn đề phụ nữ của thành phố bằng một bộ mới nhằm “tuyên truyền đức hạnh tốt đẹp và ngăn chặn sai trái”, buộc thôi việc các nhân viên cũ.