09/25/2021
Nhật Bản và Ấn Độ phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (P), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và đồng nhiệm Úc Scott Morrison trong cuộc họp Bộ Tứ (QUAD) trực tuyến với Nhà Trắng hồi tháng 3/2021. AFP - OLIVIER DOULIERY
Trọng Nghĩa
Trước thềm thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ QUAD tại Washington, hai thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ấn Độ Narendra Modi, hôm qua 23/09/2021, đã có cuộc gặp song phương. Hai bên đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, ám chỉ đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Hãng tin Nhật Kyodo trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết trong cuộc hội đàm kéo dài 45 phút, hai ông Suga và Modi đã khẳng định Ấn Độ và Nhật Bản “có chung quan điểm phản đối mạnh mẽ các hành vi cưỡng ép kinh tế và các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện thực hóa một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác song phương, cũng như hợp tác với các thành viên trong nhóm Bộ Tứ QUAD để xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Dù không nêu tên, nhưng đối tượng mà hai thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ nhắm tới chính là Trung Quốc, với những hành vị hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý, cũng như vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng, bất chấp phán quyết quốc tế năm 2016, bác bỏ các đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.
Ngoài vấn đề kể trên, hai thủ tướng Suga và Modi cũng đề cập đến các hồ sơ như Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, hay hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19.
Vấn đề an ninh ở vùng Ấn Độ Thái-Bình Dương chắc chắn sẽ được hai thủ tướng Ấn và Nhật đề cập thêm nhân cuộc họp hôm nay (24/09) với đồng nhiệm Úc Scott Morrison và tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ tại Washington.
Mỹ và Nhật thảo luận về hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm ở thủ đô Hoa Kỳ với đồng nhiệm Nhật Bản Toshimitsu Motegi để thảo luận về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề hợp tác an ninh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hai bên đã nhất trí củng cố hơn nữa liên minh hướng tới một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua hợp tác với các đồng minh và các nước cùng chí hướng.
Trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ cho biết là ông đã có một “cuộc trò chuyện tuyệt vời” với đồng nhiệm Motegi. Hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản đang "làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên toàn cầu.”
Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, ngoại trưởng Nhật Bản có yêu cầu Hoa Kỳ quay trở lại Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương TPP, nay là CP-TPP, sau khi Hoa Kỳ rút ra vào năm 2017 dưới thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Trung Quốc, trọng tâm của thượng đỉnh QUAD
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Úc Scott Morrison bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2021. AP - Evan Vucci
Thanh Hà
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong khuôn khổ thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD tại Washington ngày 24/09/2021. Trung Quốc là một mối quan ngại chung của các bên, nhưng vế an ninh không nằm trong chương trình nghị sự, theo tiết lộ của một quan chức trong chính quyền Biden.
Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết, các bên sẽ đề cập đến « vấn đề an ninh khu vực », tuy nhiên đây « không phải là tâm điểm » của thượng đỉnh tại Washington. Các lãnh đạo Joe Biden, Yoshihide Suga, Narendra Modi và Scott Morrison sẽ tập trung vào những lĩnh vực « y tế, an ninh mạng và phát triển cơ sở hạ tầng ». Quan chức này nói thêm « QUAD không liên quan gì đến hiệp định AUKUS » mà Anh, Mỹ và Úc vừa thông báo thành lập hôm 15/09/2021.
Hãng tin Anh lưu ý, QUAD được thành lập với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng trong cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên hôm nay, sau cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3/2021, lãnh đạo bốn nước trong nhóm này lại dành ưu tiên cho chính sách triển khai vac-xin ngừa Covid-19. Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin tại Washington giải thích :
“Lãnh đạo bốn bên đối thoại lần thứ hai trong năm và lần này là một cuộc đối thoại trực tiếp tại Nhà Trắng trong lúc đại dịch vẫn hoành hành và điều đó lại càng cho thấy tầm mức quan trọng của thượng đỉnh. Dịch Covid-19 là một trong số rất nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự, bao gồm từ các khâu sản xuất, phân phối vac-xin mà hiện cần được cải thiện. Ngoài ra, nhóm QUAD thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mạng 5G, về an ninh mạng và về việc tổ chức các cuộc thao dượt quân sự chung trên biển”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là mối bận tâm của các bên, Guillaume Naudin cho biết tiếp:
“Mỗi bên tham gia, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đều có những quan tâm riêng và những bất đồng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã không ngần ngại chỉ trích nhóm QUAD được hình thành để chống lại Trung Quốc. Quả thật là cả bốn thành viên nhóm Bộ Tứ này đều lo ngại trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông, đe dọa tự do lưu thông hàng hải và đây là một vấn đề hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, QUAD không phải là một liên minh quân sự, khác với hiệp ước an ninh ba bên AUKUS vừa được hình thành và đã khiến Pháp phẫn nộ. Ấn Độ, với truyền thống giữ thế trung lập, đã mạnh mẽ khẳng định quyết tâm đối thoại với Pháp. Paris muốn khẳng định vai trò của mình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh tại Washignton lần này là cơ hội để tổng thống Biden chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác, cho dù tất cả những đối tác đó không phải là những đồng minh thân thiết”.
Mỹ sắp công bố kế hoạch mới về Ấn Độ -Thái Bình Dương
Vẫn liên quan đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/09/2021 thông báo Washington chuẩn bị công bố chiến lược mới về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Reuters nhắc lại thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ với các đồng nhiệm khối ASEAN bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Ngoại trưởng Blinken nói thêm : Chiến lược mới của Mỹ về Ấn Độ- Thái Bình Dương dự trù được công bố vào “mùa thu này” và Washington dựa trên cơ sở “một tầm nhìn chung về một thế giới tự do, rộng mở và kết nối, về một khu vực an toàn”. Theo ông, ASEAN đóng một vai trò “then chốt” đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai.
Pháp-Mỹ: Paris duy trì áp lực, Washington hứa sẽ có hành động
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc họp báo sau các cuộc gặp bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 23/09/2021. REUTERS - EDUARDO MUNOZ
Trọng Nghĩa
Một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ, Paris hôm qua, 23/09/2021 vẫn duy trì sức ép lên Washington, cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và Washington cần phải có những hành động cụ thể để khôi phục lòng tin.
Trong cuộc hội đàm tay đôi kéo dài khoảng một giờ đồng hồ với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken bên lề khóa họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã khẳng định rằng: Dù tổng thống hai nước đã có bước đi đầu tiên với cuộc điện đàm, nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng song phương, “cần có thời gian và hành động” cụ thể.
Nếu ngoại trưởng Pháp có lời lẽ được cho là cứng rắn, đồng nhiệm Mỹ của ông lại có tuyên bố hòa dịu. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Antony Blinken công nhận rằng việc hòa giải “sẽ mất nhiều thời gian và rất nhiều công sức”, nhưng phía Mỹ sẽ chuyển từ “các tuyên bố” sang “hành động” để vượt qua cuộc khủng hoảng với Pháp.
Thái độ cứng rắn của Paris được duy trì trong bối cảnh kể từ đầu tuần, ngoại trưởng Pháp thường xuyên có những lời lẽ rất gay gắt với Mỹ và từ chối bất kỳ cuộc nói chuyện nào với đồng nhiệm Hoa Kỳ.
Pháp đã nổi giận từ ngày 15/09 sau khi Mỹ, Úc và Anh bất ngờ loan báo thành lập liên minh AUKUS, với hậu quả là Canberra đơn phương hủy bỏ hoàn toàn một hợp đồng lớn mua tàu ngầm của Pháp, để quay sang nhờ Mỹ hỗ trợ.
EU duy trì đàm phán về thương mại và công nghệ với Mỹ
Bất chấp thái độ còn tức giận của Pháp, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 23/09/2021, đã xác nhận sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ, dự kiến vào tuần tới, bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt nguồn từ việc Úc đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.
Trong những ngày qua, chính Paris làm dấy lên khả năng sự kiện Hội Đồng Công Nghệ và Thương Mại Pittsburg, dự trù ngày 29/09 sắp tới, có thể bị hoãn lại để trả đũa vụ tàu ngầm.
Đức : Bảy chính đảng tranh luận lần cuối trước ngày bầu cử Quốc Hội
Cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình giữa 7 ứng cử viên cho cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, Berlin , ngày 23/09/2021. AP - Tobias Schwarz
Thu Hằng
Tối 23/09/2021, lãnh đạo của 7 đảng trong Quốc Hội Đức đã tranh luận lần cuối trên truyền hình trước ngày bầu cử Quốc Hội 26/09. Theo kết quả thăm dò mới nhất, đảng Dân Chủ Xã Hội SPD do bộ trưởng Tài Chính Olaf Scholz dẫn đầu vẫn thu được nhiều ý định bỏ phiếu nhất, theo sát là Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, với ứng cử viên Armin Laschet.
Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin tóm tắt nội dung buổi tranh luận :
« Sau ba cuộc tranh luận giữa ba ứng cử viên thủ tướng, phạm vi đã được mở rộng và đề cập đến nhiều chủ đề mới, như vấn đề nhà ở và những căng thẳng trên thị trường bất động sản, một vấn đề được rất nhiều người dân Đức quan tâm. Và không có gì ngạc nhiên, tất các các chính trị gia đều muốn xây thêm nữa.
Chính sách đối ngoại, chủ đề vắng bóng trong các cuộc tranh luận khác, cuối cùng cũng được đề cập. Hai ứng viên sáng giá nhất cho chức thủ tướng, Armin Laschet và Olaf Scholz, có lập trường rất giống nhau về châu Âu. Những lời chỉ trích từ đảng cánh tả Die Linke nhắm vào NATO và các chiến dịch can thiệp bên ngoài lại cho thấy những khó khăn về khả năng liên kết giữa ba đảng cánh tả. Và điểm này đã được ứng viên đảng bảo thủ Laschet nêu lên.
Về phần đối thủ của ông Laschet, chính trị gia Olaf Scholz thuộc đảng SPD vẫn mập mờ về những khả năng liên minh sắp tới và kêu gọi : « Những ai muốn tôi điều hành chính phủ tới nên bỏ phiếu cho đảng SPD ».
Bà Annalena Baerbok, ứng viên đảng Xanh, dĩ nhiên là nhấn mạnh đến sự đoạn tuyệt mà bà vẫn cố thể hiện khi cho mình là người muốn có thay đổi sâu sắc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nói : « Thêm 17 năm hoạt động nhiệt điện sẽ không giúp Đức thực hiện được cam kết trung hòa cacbon và bảo đảm tương lai cho con cháu chúng ta ».
Việc hai ứng viên bảo thủ và xã hội dân chủ đang theo sát nhau trong các cuộc thăm dò dư luận lại giúp đảng tự do FDP có thêm trọng lượng và có thể chiếm ưu thế. Chủ tịch đảng Christian Lindner đã nhắc lại ưu tiên liên minh với đảng CDU và đảng Xanh. Ông nói : « Sự hội tụ quan trọng nhất nằm trong liên minh Jamaica » (mầu cờ của Jamaica trùng với mầu cờ của ba đảng FDP, CDU, đảng Xanh). Nhưng đảng tự do FDP cũng có thể đóng vai trò lực lượng hỗ trợ cho đảng SPD và đảng Xanh. Kỳ bỏ phiếu chưa bao giờ lại để ngỏ đến như vậy ».
Ukraina : Quốc Hội thông qua luật chống tài phiệt
Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong một buổi họp báo tại Kiev, Ukraina, ngày 14/06/2021. AFP - SERGEI SUPINSKY
Trọng Nghĩa
Ngày 23/09/2021, Quốc Hội Ukraina thông qua một văn bản được đánh giá là mang tính cách mạng, có tên gọi là “luật chống tài phiệt”. Dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Volodymyr Zelensky, lần đầu tiên sau 25 năm, Ukraina cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng của giới tài phiệt rất có thế lực chính trị trong xã hội nước này.Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Siohan, dù xuất phát từ một ý tưởng tốt, như thông lệ tại một quốc gia Đông Âu này, vấn đề là làm sao áp dụng được luật trong thực tế :« Chỉ 24 giờ sau vụ mưu sát Sergiy Chéfir, cố vấn hàng đầu của tổng thống Zelensky, nhân vật liên lạc giữa ông với giới tài phiệt, Quốc Hội Ukraina đã bỏ phiếu tán đồng vào hôm qua một văn bản lịch sử, được gọi là “luật chống tài phiệt”.
Lần đầu tiên, nhà nước Ukraina, bị lớp doanh nhân mafia cướp bóc trong 30 năm, sẽ đưa ra một định nghĩa pháp lý về thế nào là một nhà tài phiệt.
Bị xếp vào diện này là các doanh nhân đáp ứng ba trong bốn tiêu chí sau: Có tài sản vượt quá 80 triệu đô la, nắm tư thế độc quyền, gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, hoặc tài trợ cho các chính đảng.
Một quyển “sổ đăng ký các nhà tài phiệt” sẽ được lập ra, và các thành viên của chính phủ sẽ bị cấm tiếp xúc với hàng chục nhân vật này.
Ý tưởng ngăn chặn quan hệ giữa các chính trị gia và giới doanh nhân đã khiến người Ukraina rất buồn cười, vì họ biết rất rõ phần lớn nghị sĩ của họ đều đã nhận hối lộ từ chính những nhà tài phiệt này.
Mọi người đang tự hỏi là tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ xoay sở như thế nào để thoát khỏi các nhà tài phiệt này, khi mà chính Ihor Kolomoisky, người giàu thứ ba tại Ukraina, là nhân vật đã thúc đẩy sự nghiệp chính trị của đương kim tổng thống ».