Một tòa án Canada đã hủy bỏ thủ tục dẫn độ của Hoa Kỳ đối với giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei, dỡ bỏ các điều kiện tại ngoại và cho phép bà ấy được tự do.
Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi bà Mạnh đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tại một tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Brooklyn.
Tham gia phiên tòa tại Hoa Kỳ trực tuyến từ Vancouver, bà Mạnh không nhận tội đối với các cáo buộc liên quan đến gian lận ngân hàng và chuyển khoản, nhưng thừa nhận một loạt các cáo buộc chống lại mình theo một thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận, phía Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ các cáo buộc chống lại bà Mạnh sau ngày 1/12/2022. Trong một tuyên bố, công tố viên Hoa Kỳ Nicole Boeckmann cho biết: “Khi tham gia vào thỏa thuận hoãn truy tố, bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện một kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu”.
Công tố viên nêu rõ: “Việc bà ấy thừa nhận trong tuyên bố về sự thật xác nhận rằng, trong khi giữ vai trò là Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh đã có nhiều tuyên bố sai sự thật đối với một giám đốc điều hành cấp cao của một tổ chức tài chính về hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran, trong nỗ lực duy trì mối quan hệ ngân hàng của Huawei với tổ chức tài chính”.
Bà Mạnh bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12/2018, theo yêu cầu dẫn độ từ các quan chức Hoa Kỳ. Phía Mỹ sau đó đã buộc tội bà gian lận ngân hàng vì bị cáo buộc nói dối với một tổ chức khác về các giao dịch kinh doanh của Huawei với Iran, khiến tổ chức này vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Sau khi bà Mạnh bị bắt, Bắc Kinh đã đe dọa chính quyền Ottawa sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu bà ấy không được trả tự do. Vài ngày sau, vào ngày 10/12/2018, 2 công dân Canada Kovrig và Spavor bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ. Vào đầu năm 2019, một tòa án Trung Quốc đã thay đổi mức án 15 năm tù thành án tử hình dành cho ông Robert Schellenberg, một công dân Canada khác bị kết án vì tội danh liên quan đến ma túy. Chế độ này cũng đã chặn nhập khẩu nông sản của Canada sang Trung Quốc, gây thất thu hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất Canada.
Vào ngày 10/8, khi vụ án dẫn độ của bà Mạnh đang xôn xao ở Canada, một tòa án Trung Quốc đã bác đơn kháng cáo của ông Schellenberg về bản án tử hình mà ông phải nhận. Ngày hôm sau, một tòa án Trung Quốc khác đã kết án ông Spavor 11 năm tù về tội gián điệp. Phiên tòa xét xử ông Kovrig, người Canada còn lại cũng bị buộc tội gián điệp, đã được tổ chức vào tháng Ba nhưng ông ấy vẫn chưa bị kết án.
Kể từ khi bị bắt, bà Mạnh đã được tại ngoại tự do, được phép sống tại một trong những dinh thự của bà ở Vancouver, và được đi lại xung quanh trong khu vực rộng 62 km vuông của Vancouver. Bà cũng nhận được những chuyến thăm từ thân nhân và gia đình từ Trung Quốc.
Cuộc chiến chống dẫn độ của bà Mạnh đã đến giai đoạn cuối cùng trong năm nay. Một Thẩm phán tại Tòa án tối cao của tỉnh bang British Columbia giám sát vụ án cho biết vào ngày 18/8 rằng, bà đang bảo lưu quyết định của mình về việc liệu bà Mạnh có nên bị dẫn độ hay không, ấn định ngày cập nhật tiếp theo vào cuối tháng 10.
Luật dẫn độ của Canada cho phép Bộ trưởng Tư pháp nước này can thiệp để ngăn chặn việc dẫn độ - yêu cầu từ phía Hoa Kỳ mà cho đến nay chính phủ Canada vẫn từ chối thực hiện.
Trang The BL TV đưa tin, Bộ phận quản lý doanh nghiệp của Tập đoàn Toshiba Nhật Bản tại Đại Liên, Trung Quốc, thông báo, họ sẽ đóng cửa nhà máy vào ngày 30/9. Nhà máy tại Đại Liên của Toshiba sẽ sa thải hơn 1000 nhân viên. Thêm vào đó, nhà máy đóng tàu của Samsung ở Ninh Ba cũng sẽ đóng cửa khiến hàng nghìn nhân viên phản đối, đòi quyền lợi được bồi thường hợp lý.
Nhiều kênh truyền thông tại Trung Quốc đã dẫn lời một nhân viên làm việc gần 20 năm tại nhà máy Toshiba Đại Liên cho biết, ngày 13/9, ban lãnh đạo nhà máy đã triệu tập một hội nghị với khoảng 1000 người tham dự. Trong cuộc họp, ban lãnh đạo cho biết, nhà máy sẽ đóng cửa vào ngày 30/9 và thông báo kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc.
Trước đó, vào năm 2013, Toshiba đã từng đóng cửa nhà máy sản xuất TV ở Đại Liên.
Chi phí nhân công của doanh nghiệp tăng
Một học giả tài chính cho rằng, một yếu tố buộc Toshiba phải rút hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc, là do chi phí kinh doanh quá cao.
Ông nói: “Vấn đề là… chi phí lao động đã tăng lên một mức đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc có động thái chào mời các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu, nhưng trên thực tế, nhiều chính sách lại rất không thân thiện”.
Theo một nhân viên trong nhà máy Toshiba Đại Liên, lương tháng của công nhân vào khoảng 460 USD (khoảng hơn 10 triệu đồng).
Toshiba chi nhánh Đại Liên được thành lập vào năm 1991 và có 30 năm hoạt động tại Trung Quốc.
Các báo cáo cho biết, tập đoàn Toshiba sẽ đóng cửa 33 nhà máy và cơ sở nghiên cứu tại 24 thành phố ở Trung Quốc trước cuối tháng 12 năm nay, và chuyển hoạt động của họ sang Nhật Bản và Việt Nam.
Ngoài ra, nhà máy đóng tàu Samsung Ninh Ba thuộc Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, cũng sẽ đóng cửa. Hàng nghìn công nhân của nhà máy không đồng ý với phương án bồi thường của công ty. Ngày 9/9, họ đã giương cao biểu ngữ và xuống đường biểu tình.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do ngày 14/9, ông Quý Phong, một học giả độc lập ở Bắc Kinh cho biết, do ảnh hưởng của môi trường kinh tế và chính trị ở Trung Quốc, các công ty xuyên quốc gia đã liên tiếp quyết định rút lui khỏi nước này.
Ông Quý Phong nói: “Toshiba và Samsung có thể sẽ rút toàn bộ [hoạt động của họ] vào cuối năm. Hiện tại, điều này cần được chia nhỏ thành nhiều khía cạnh”. Một trong số những yếu tố [dẫn đến sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài] là môi trường kinh tế của Trung Quốc ngày càng xấu đi .
Ông Quý Phong cho hay, Chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc về nước, và đẩy nhanh việc rút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo một tuyên bố, ban lãnh đạo của Samsung giải thích rằng, việc đóng cửa nhà máy đóng tàu là do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến đơn đặt hàng giảm mạnh.
Các tài liệu công khai cho thấy Công ty Công nghiệp nặng Samsung Ninh Ba là nhà máy đóng tàu và xếp dỡ số 1 của Samsung tại Trung Quốc. Công ty được thành lập vào tháng 12/1995, với tổng số vốn đăng ký là 250 triệu đô-la Mỹ. Hiện có hơn 4.500 nhân viên.
Hôm thứ Năm, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã cảnh báo rằng, cần có hành động khẩn cấp để ngăn tình hình ở Myanmar leo thang thành “xung đột toàn diện”.
Cảnh báo của bà Bachelet được đưa ra trong báo cáo mới của bà, trong đó nêu chi tiết các vi phạm phổ biến về việc quân đội chống lại người dân. Một số hành vi có thể cấu thành tội ác chống lại loài người hoặc, tội ác chiến tranh.
Bà Bachelet đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn đối với tình hình ở Myanmar. Kể từ tháng 2, khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính quân sự, vòng xoáy bạo lực đã làm rung chuyển đất nước này. Và hiện giờ, tình hình ở Myanmar đang có dấu hiệu leo thang “thành một cuộc nội chiến lan rộng”.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, bà lưu ý, các cuộc đụng độ hiện nay “thường xuyên xảy ra” giữa người dân và lực lượng quân đội ở nhiều địa phương tại Myanmar.
Đất nước này cũng đang đối mặt với tình trạng “nền kinh tế rơi tự do”, và tác động tàn phá của đại dịch COVID-19. Bà nhấn mạnh “[Đây là] một thảm họa nhân quyền không có dấu hiệu giảm bớt”.
Các báo cáo gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo rằng, hàng triệu người ở Myanmar đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong bối cảnh đói nghèo, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Báo cáo cũng đề cập rằng, kể từ cuộc đảo chính, các nhà chức trách quân sự đã vi phạm phần lớn các quyền con người như vi phạm quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người; quyền được xét xử công bằng; quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình…
Kể từ cuộc đảo chính, hơn 1.100 người đã thiệt mạng. Các nhà chức trách quân sự cũng đã bắt giữ hơn 8.000 người, và ít nhất 120 người được cho là đã chết khi bị giam giữ.
Bà Bachelet nói thêm rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực của chính quyền quân sự dừng các vi phạm [nhân quyền] này, cũng như thực hiện các khuyến nghị trước đó, để giải quyết vấn đề trừng phạt và cải cách lĩnh vực an ninh”.
Bà Bachelet kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Đồng thời, bà cho rằng, điều cần thiết là phải ngăn chặn xung đột dân sự leo thang hơn nữa.
Trung Quốc hôm 24/9 tăng cường siết các hoạt động liên quan đến tiền điện tử, bao gồm ban hành lệnh cấm khai thác và giao dịch trên toàn quốc, giáng đòn mạnh vào đồng bitcoin và các đồng tiền điện tử có tiếng khác, Reuters cho hay.
Theo đó, 10 cơ quan của Trung Quốc, bao gồm cả ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối, cam kết sẽ làm việc cùng nhau để loại bỏ hoạt động của tiền mã hóa, còn gọi là tiền điện tử hay tiền ảo.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tức ngân hàng trung ương, nói rằng tiền điện tử phải bị cấm lưu hành, không thể như tiền tệ truyền thống, và các sàn giao dịch ở nước ngoài bị cấm cung cấp dịch vụ qua internet cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc.
PBOC cũng cấm các định chế tài chính, công ty thanh toán và công ty internet tạo điều kiện cho giao dịch tiền điện tử trên toàn bộ Trung Quốc.
Vì tin tức này, Bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, mất giá hơn 6%, xuống còn hơn 42.000 đô-la/1 bitcoin. Các đồng tiền ảo ít tiếng tăm hơn, vẫn thường tăng giảm cùng với bitcoin, cũng giảm giá trị. Đồng Ether giảm 10% trong khi đồng XRP giảm ở mức tương tự.
Việc “đào” tiền ảo từng là một ngành làm ăn lớn ở Trung Quốc, chiếm hơn một nửa nguồn cung tiền điện tử trên thế giới, trước khi có cuộc trấn dẹp bắt đầu hồi đầu năm nay.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc coi tiền điện tử là mối đe dọa đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà họ đang tiến hành thử nghiệm.
“Bắc Kinh thù địch với tự do kinh tế đến mức họ thậm chí không thể dung thứ cho người dân của họ tham gia vào những gì được cho là đổi mới thú vị nhất trong tài chính trong nhiều thập kỷ”, đây là bình luận của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Pat Toomey, ông đưa ra quan điểm trên Twitter sau động thái của Trung Quốc.
Sau khi đàn áp khoa học và công nghệ, giáo dục, các công ty cho vay trực tuyến, trò chơi điện tử, giáo viên tư nhân và giáo viên tiếng Anh, chính phủ Trung Quốc thậm chí còn muốn đàn áp các cựu chiến binh trong lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Truyền thông Ấn Độ “ANI News” đưa tin cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giam 137 cựu binh yêu cầu giải quyết vấn đề di dời. Những người biểu tình này đã cố gắng tụ tập trước Văn phòng Thư tín và Điện thoại của Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh vào ngày 13/9. Cảnh sát đã bắt họ với tội danh “tụ tập bất hợp pháp”. Theo báo cáo, hơn 200 cựu chiến binh đến từ khắp Trung Quốc tham gia biểu tình, tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã bị các tỉnh “chặn đầu” trước khi họ đến Bắc Kinh.
Mặc dù có những dấu hiệu bất mãn giữa các cựu chiến binh trong quân đội của ĐCSTQ, nhưng ĐCSTQ cho đến nay vẫn tránh thực hiện các hành động công khai chống lại họ.
Theo “ANI News”, kể từ năm 2012, các cuộc biểu tình của các cựu chiến binh đòi giải pháp cho vấn đề tái định cư ngày càng gia tăng, nhưng họ thường phản đối ở chính quyền tỉnh. Lần này một nhóm cựu chiến binh đã đột phá các “chốt chặn” của các tỉnh và chuyển cuộc biểu tình đến Bắc Kinh, điều này khiến ĐCSTQ cảm thấy rất bực bội. Bộ sậu Trung Nam Hải được cho sẽ gửi một thông điệp nghiêm khắc đến những cựu chiến binh này bằng cách bắt giữ và công khai đàn áp họ.
Theo báo cáo, có tổng cộng khoảng 57 triệu cựu chiến binh ở Trung Quốc. Kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, phần lớn trong số họ đã bày tỏ lo ngại về việc không thể tìm được việc làm trong các cơ quan chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước.
Tập Cận Bình lo lắng về một cuộc đảo chính
“TFI Global News” chỉ ra rằng việc chế độ Bắc Kinh đàn áp các cựu chiến binh không phải là một sự cố cá biệt, điều này cho thấy ông Tập thực sự sợ binh lính Trung Quốc. Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ năm nay, các binh sĩ Trung Quốc cũng được giáo dục về lòng trung thành với đảng và nhà lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tờ New York Times ngày 23/3 đưa tin, một thiếu tướng quân đội Trung Quốc đã nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày hôm đó rằng quân đội phải “kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của Chủ tịch Tập, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Tập và trấn an Chủ tịch Tập”. Rõ ràng, đây là những dấu hiệu cho thấy những nỗ lực lo lắng của ông Tập Cận Bình trong việc kiểm soát quân đội.
Chính quyền Bắc Kinh chọc giận binh lính quân đội
Những người lính của quân đội Trung Quốc có lý do chính đáng để tức giận với ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Trong suốt mùa đông năm 2020, binh lính Trung Quốc đã đóng quân ở khu vực Đông Ladakh ở biên giới Ấn Độ và Tây Tạng để đối đầu với quân đội Ấn Độ. Điều kiện ở đó rất khắc nghiệt và gió lạnh buốt, và những người lính này không có kinh nghiệm trong khu vực này trước đây, cũng như họ không thể thích nghi hoàn toàn. Đối với một số binh sĩ, thời tiết lạnh giá khắc nghiệt ở Đông Ladakh không thể chịu đựng được.
Bàn tay của ĐCSTQ quả thực nhuốm máu. Theo báo cáo của “Tin tức Đài Loan”, kể từ tháng 9, trung bình một binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng mỗi ngày tại biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng ở Đông Ladakh do thời tiết khắc nghiệt.
Sự đàn áp của Bắc Kinh đối với các cựu chiến binh có thể tạo ra cuộc binh biến
Theo Vision Times, việc Bắc Kinh đàn áp các cựu chiến binh hoàn toàn xuất phát từ sự hoang tưởng và sự bất an thâm căn cố đế. Ông Tập Cận Bình chỉ muốn trấn áp mọi hình thức bất đồng chính kiến, bao gồm cả các cuộc biểu tình của các cựu chiến binh. Tuy nhiên, hành động của ông ta chỉ có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Do không có lương hưu, việc làm và các phúc lợi khác, cũng như những cái chết bí ẩn của các cựu chiến binh hết lần này đến lần khác phản đối những vấn đề như vậy, các cựu chiến binh Trung Quốc đã cảm thấy phẫn nộ. “TFI Global News” cho rằng việc đàn áp công khai các cựu chiến binh biểu tình có thể trở thành đống rơm cuối cùng, gieo vào ngọn lửa của cuộc đảo chính bất ngờ trong các lực lượng vũ trang của ĐCSTQ.