ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 28/9 với Nam Giang

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 28/9 với Nam Giang
09/28/2021

 Thống đốc Florida điều tra Facebook can thiệp bầu cử

image.png

Thống đốc Ron DeSantis, tiểu bang Florida, hôm 27/9 đã chỉ đạo các quan chức bang điều tra Facebook vì cáo buộc can thiệp bầu cử.

 

Hành động của thống đốc Florida được đưa ra sau một báo cáo rằng Facebook có thể đã gây ảnh hưởng đến nhiều cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương bằng việc ưu tiên những người dùng ưu tú trên nền tảng xã hội này.

"Không có gì là bí mật nữa khi các nhà kiểm duyệt của Big Tech từ lâu đã thực thi các quy tắc của riêng họ một cách không nhất quán", ông DeSantis cho biết trong một tuyên bố do văn phòng của ông đăng tải. "Nếu thông tin mới này là sự thật, thì Facebook đã vi phạm luật của Florida khi thò bàn tay của mình lên nhiều cuộc tranh cử cấp tiểu bang và địa phương."

 

 

Ông DeSantis đã chỉ đạo Bộ trưởng Nội vụ Laurel Lee đứng đầu cuộc điều tra của Florida.

“Người dân Floridia xứng đáng được biết công ty khổng lồ này đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng ta nhiều như thế nào”, ông nói. “Đó là lý do tại sao tôi chỉ đạo Bộ trưởng Lee sử dụng mọi biện pháp pháp lý để phát hiện ra những hành vi vi phạm luật bầu cử của Florida.

"Ý nghĩ về việc Facebook đang thao túng các cuộc bầu cử một cách bí mật là một sự sỉ nhục đối với các nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa của chúng ta. Người dân chúng ta có quyền lựa chọn đại diện của mình, cho dù Thung lũng Silicon có chấp thuận hay không."

Tờ The Wall Street Journal ngày 13/9 cho biết họ đã thu được các tài liệu nội bộ tiết lộ một tiêu chuẩn kép mà Facebook áp dụng cho người dùng của mình. Tờ này cho biết những người dùng được lựa chọn từ Facebook có quyền miễn trừ với các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này mà không bị trừng phạt.

 

Văn phòng của ông DeSantis cho biết nếu thông tin của The Wall Street Journal là chính xác, Facebook đã tạo ra một tầng lớp diễn giả đặc quyền và trao quyền cho họ "thao túng các cuộc bầu cử mà không bị trừng phạt."

"Đáng lo ngại hơn nữa, những người dùng ưu tú này trong 'danh sách trắng' của Facebook được cho là đã được lựa chọn bởi gã khổng lồ công nghệ sau những cánh cửa đóng kín", thông cáo cho biết.

"Quy trình lựa chọn, phạm vi và ảnh hưởng trong thế giới thực của [những người trong] danh sách trắng được che giấu trước công chúng và chỉ Facebook mới biết. Nếu đúng, quy trình này có thể mang lại lợi ích cho các chính trị gia đương nhiệm so với những người thách cử họ trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương."

 

Tổng chưởng lý Texas dẫn đầu liên minh 10 tiểu bang ủng hộ Florida cấm Big Tech kiểm duyệt

image.png

Tổng chưởng lý Texas dẫn đầu một liên minh gồm 10 tiểu bang đã lên tiếng ủng hộ điều luật của Florida, nhằm kiểm soát hành vi kiểm duyệt ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội của Big Tech.

Hôm 20/9, Tổng chưởng lý tiểu bang Texas là ông Ken Paxton đã thông báo, ông đang dẫn đầu một liên minh gồm 10 tiểu bang đệ trình một bản tóm tắt của thân hữu lên Tòa án phúc thẩm số 11 của Hoa Kỳ, để ủng hộ một điều luật của Florida nhằm kiểm soát hành vi kiểm duyệt ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội của Big Tech.

 

Tổng chưởng lý Paxton đã ký thay mặt cho Texas, với sự tham gia của các tiểu bang Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Kentucky, Mississippi, Missouri, Montana và South Carolina. Đây là những tiểu bang cũng đã đệ trình một bản tóm tắt dưới danh nghĩa thân hữu của pháp viện để ủng hộ điều luật của Florida.

Trong một tuyên bố, ông Paxton cho biết: "Quy định về kiểm duyệt của Big Tech chắc chắn sẽ đàn áp tư tưởng và niềm tin của hàng triệu người Mỹ. Tôi sẽ bảo vệ Tu chính án thứ nhất và đảm bảo rằng những tiếng nói cánh hữu có quyền được lắng nghe. Big Tech không có quyền giám sát phát ngôn của người dân chỉ vì họ không đồng ý với quan điểm chính trị [của những người ấy]".

Điều luật SB 7072 của Florida cho phép người dân Florida tiến hành các hành động pháp lý chống lại các nền tảng Big Tech, nếu các công ty này kiểm duyệt nội dung của người dùng mà không có tiêu chuẩn nhất quán. Dự luật mới cũng ngăn không cho Big Tech ra lệnh cấm đối với các ứng cử viên chính trị người Florida. Các công ty mạng xã hội xoá sổ các ứng cử viên tranh cử cho các vị trí trên toàn tiểu bang khỏi nền tảng của họ, sẽ bị phạt 250.000 USD mỗi ngày. Mức tiền phạt 25.000 USD mỗi ngày được áp dụng khi các nền tảng này loại bỏ các ứng cử viên tranh cử cho các vị trí khác.

Các công ty Big Tech vi phạm luật có thể bị đưa ra xét xử vì thiệt hại về tiền bạc. Tổng chưởng lý của tiểu bang Florida cũng có thể kiện các công ty này không tuân thủ luật, theo Đạo luật Hoạt động Thương mại Lừa đảo và Không lành mạnh của Florida. Thống đốc tiểu bang Florida là ông Ron DeSantis đã ký ban hành dự luật này hồi tháng Năm.

Tuy nhiên, Thẩm phán quận Robert Hinkle vào tháng Sáu đã ban hành lệnh tạm thời ngăn thống đốc áp dụng điều luật này, sau khi 2 tập đoàn thương mại internet — NetChoice và Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông — đệ đơn kiện. Các tập đoàn thương mại lập luận rằng, điều luật do ông DeSantis ban hành có thể vi phạm Tu chính án thứ nhất, bằng cách buộc các nền tảng mạng xã hội lưu trữ bài phát biểu mang tính xúc phạm mà họ không muốn, và bằng cách can thiệp vào chính sách biên tập của họ.

Trong bản tóm tắt thân hữu pháp viện của mình, liên minh 11 tiểu bang cho biết, bản phân tích Tu chính án thứ nhất của tòa án sơ thẩm "có nhiều sai sót". Họ nêu rõ: “Nó đã đi chệch hướng ngay từ đầu khi kết luận rằng điều luật S.B. 7072 giám sát phát ngôn, trong khi điều luật đó thực tế đang điều chỉnh hành vi không được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất: [đó là] các nền tảng mạng xã hội áp dụng tùy tiện các chính sách kiểm duyệt nội dung của họ”.

Đầu tháng này, Thống đốc tiểu bang Texas là ông Greg Abbott đã ký ban hành Dự luật Hạ viện 20 - tương tự như điều luật của Florida - để bảo vệ người dân Texas khỏi sự kiểm duyệt sai trái trên các nền tảng mạng xã hội. Dự luật Hạ viện 20 ngăn cấm các công ty mạng xã hội với hơn 50 triệu người dùng hàng tháng, chẳng hạn như Facebook, Twitter và YouTube, không được cấm cửa người dùng dựa trên niềm tin chính trị của họ. Tổng chưởng lý Abbott cũng sẽ có thể thực hiện hành động pháp lý như khởi kiện thay mặt cho các cư dân Texas đã bị nền tảng cấm hoặc chặn do sự phân biệt đối xử như vậy.

Ông Abbott khẳng định: “Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Texas. Các trang web mạng xã hội đã trở thành quảng trường công cộng thời hiện đại của chúng ta. Đây là nơi diễn ra các cuộc tranh luận lành mạnh của công chúng, nơi thông tin có thể được lưu chuyển tự do — nhưng có một phong trào nguy hiểm của các công ty mạng xã hội nhằm bịt miệng các quan điểm và tư tưởng cánh hữu. Điều đó là sai, và chúng tôi sẽ không cho phép nó ở Texas”. Ông tiếp tục: “Tôi cảm ơn Thượng nghị sĩ Bryan Hughes, Dân biểu Briscoe Cain, và Cơ quan Lập pháp Texas đã đảm bảo rằng Dự luật Hạ viện 20 đã đến được bàn làm việc của tôi trong phiên họp đặc biệt thứ hai”.

 

Nhật Bản lần đầu ‘chỉ mặt’ Trung – Nga – Triều là mối đe dọa không gian mạng

 
 

Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Hai (27/9) đã thông qua dự thảo chiến lược an ninh mạng trong ba năm tới, lần đầu tiên chỉ đích danh Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là các mối đe dọa về tấn công mạng.

Theo Kyodo News, bản dự thảo dự kiến sẽ sớm được Nội các thông qua. Dự thảo cho biết tình hình trên không gian mạng có “nguy cơ phát triển nhanh chóng thành một tình huống nguy cấp” và ba quốc gia Nga, Trung Quốc, Triều Tiên bị nghi ngờ có liên quan đến các hoạt động mạng thù địch.

Dự thảo cũng tuyên bố Nhật Bản sẽ thực hiện “các biện pháp đối phó cứng rắn bằng mọi phương tiện và khả năng hiệu quả hiện có”, trong đó có các biện pháp đáp trả ngoại giao và truy tố hình sự.

Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato kêu gọi các thành viên của Trụ sở Chiến lược An ninh mạng “làm việc với các chính quyền địa phương, trong khi cân nhắc đầy đủ để đạt được sự tin tưởng của công chúng, và kiên định thực hiện các biện pháp được nêu trong chiến lược”.

Dự thảo cho biết thêm, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ – Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ – cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trên quan điểm loại bỏ rủi ro đối với các hoạt động kinh tế, chiến lược nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm rằng cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp ngầm được bảo vệ tốt, và tạo ra các tiêu chuẩn an toàn và tin cậy mới cho các thiết bị công nghệ thông tin.

Với sự ra mắt của Cơ quan kỹ thuật số vào ngày 1/9 để thúc đẩy số hóa đất nước, dự thảo cũng kêu gọi thúc đẩy đồng thời an ninh mạng và cải cách kỹ thuật số.

 

Sau 100 năm, Nga và Mông Cổ vẫn không quên đề phòng Trung Quốc

 

 

Nga và Mông Cổ gần đây đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự. Hai bên đặc biệt nhấn mạnh rằng cuộc diễn tập năm nay trùng với thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kỷ niệm 100 năm cách mạng Mông Cổ. Một số nhà phân tích cho rằng hai nước không muốn thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mông Cổ quá lớn, và đặc biệt là không quên đề phòng Trung Quốc.

Cụ thể, Quân đội Mông Cổ và Nga vào ngày 24/9 đã khai màn cuộc tập trận quân sự “Sông Selenga-2021”. Cuộc tập trận được tổ chức tại sa mạc Gobi ở Mông Cổ, có sự tham gia của khoảng 1600 quân, kéo dài đến ngày 5/10.

Theo Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, các cuộc tập trận quân sự Selenga đã diễn ra trong nhiều năm, và hai bên thay phiên nhau tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ của nhau hàng năm. Một số nhà phân tích chiến lược và quân sự Nga tin rằng các nước láng giềng của Mông Cổ chỉ có Trung Quốc và Nga, và cuộc tập trận chung của Mông Cổ với một trong số họ rõ ràng là nhằm mục tiêu và ngăn chặn các nước láng giềng khác.

Mông Cổ và Trung Quốc chưa từng tổ chức cuộc tập trận chung tương tự như cuộc tập trận Selenga. Mặc dù Mông Cổ, Thái Lan và Pakistan mới tổ chức cuộc tập trận chung 4 nước tại Trung Quốc, cuộc tập trận chủ yếu nêu bật các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mông Cổ mở rộng, Nga không muốn tụt lại phía sau

Kuzmin, một học giả Nga về Đông Á, cho rằng sau khi Liên Xô tan rã, lúc đó nước Nga đang bị áp đảo, điều này khiến cho Mông Cổ, vốn đã phụ thuộc vào Liên Xô từ lâu, phải phát triển quan hệ với Trung Quốc để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Mông Cổ. Ảnh hưởng của Trung Quốc hiện đã mở rộng từ kinh tế sang chính trị và thậm chí cả tôn giáo.

Học giả này cho biết: “Ở giai đoạn này, mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Mông Cổ và Trung Quốc đã đe dọa đến chủ quyền quốc gia của Mông Cổ. Các biện pháp đã được thông qua. Quá trình giảm bớt sự phụ thuộc này cũng sẽ rất dài”.

Để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mông Cổ, Nga đã liên tục tăng cường các hoạt động của mình tại Mông Cổ trong những năm gần đây, bao gồm cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho quân đội Mông Cổ, thúc đẩy việc dạy tiếng Nga và mở nhiều trung tâm tiếng Nga. Thủ đô Ulaanbaatar đang xây dựng một trường học tiếng Nga có thể chứa hơn 600 học sinh.

 

Kẻ thù công khai số một của Trung Quốc đã trở lại

 
 
Kẻ thù công khai số một của Trung Quốc, Phong trào Hồi giáo Turkistan (ETIM), đã trở lại. Với sự rút lui của Hoa Kỳ, vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn. Điều bất ngờ là mọi thứ dường như đột nhiên vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc, và Phong trào Hồi giáo Turkistan có vẻ mạnh hơn trước.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) mô tả Phong trào Hồi giáo Turkistan là một tổ chức “sử dụng bạo lực để thúc đẩy việc thành lập một quốc gia Đông Turkistan độc lập bên trong Trung Quốc”. Kể từ khi thành lập, tổ chức này đã duy trì quan hệ chặt chẽ với các phong trào hồi giáo cực đoan khác và Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan.

Do đó, Phong trào Hồi giáo Turkistan là một tổ chức nhắm vào Tân Cương với hy vọng chia cắt tỉnh cực phía Tây này của Trung Quốc và thành lập một nhà nước Đông Turkistan độc lập. Phong trào có trụ sở chính tại Afghanistan và duy trì liên hệ chặt chẽ với Taliban.

Trung Quốc đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong những năm 1980 và hỗ trợ các chiến binh thánh chiến Hồi giáo chống lại Liên Xô. Cuộc xung đột này và việc phong trào hồi giáo cực đoan tiếp quản Afghanistan trong mười năm sau đó đã khai sinh ra Phong trào Hồi giáo Turkistan. Tổ chức này đã cố gắng khởi xướng một cuộc nổi dậy vũ trang của riêng mình ở nước láng giềng Tân Cương. Cuộc nổi dậy bắt đầu bằng một loạt vụ tấn công chết người vào những năm 1990 và bạo lực liên quan đến nguyên nhân ly khai kéo dài đến năm 2017. Mục đích là làm suy yếu quyết tâm của Trung Quốc ở Tân Cương. 

Tân Cương giáp với 8 quốc gia – Afghanistan, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Pakistan, Nga và Tajikistan – và là trung tâm dự trữ tài nguyên năng lượng tự nhiên của Trung Quốc.

Tại sao Phong trào Hồi giáo Turkistan lại xuất hiện trở lại?

Kể từ khi quân đội Mỹ rút quân, Trung Quốc luôn lo ngại về Phong trào Hồi giáo Turkistan, vì Trung Quốc nhận thấy việc rút quân của Mỹ đã tạo ra một lượng lớn khoảng trống ở Afghanistan có thể khiến Phong trào Hồi giáo Turkistan khởi sắc trở lại.

Một báo cáo mới trên Newsweek đã xác nhận mối quan tâm của Trung Quốc. Báo cáo bao gồm những nhận xét đầu tiên của Phong trào Hồi giáo Turkistan sau khi bị Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 2020.

Newsweek dẫn lời người phát ngôn của Phong trào cho biết: “Hoa Kỳ là một quốc gia hùng mạnh và nước này có chiến lược riêng. Chúng tôi tin rằng việc chính phủ Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến ở Afghanistan vốn gây ra thiệt hại kinh tế lớn hiện nay là để chống lại Trung Quốc. Và Trung Quốc là kẻ thù của tất cả loài người và các tôn giáo trên hành tinh”.

Người phát ngôn Phong trào Hồi giáo Turkistan nói: “Đông Turkistan là vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ”. Người phát ngôn cũng cho biết: “Sau khi chính phủ Trung Quốc chiếm đóng quê hương của chúng tôi bằng vũ lực, họ đã buộc chúng tôi phải rời bỏ quê hương của mình do sự áp bức của họ. Thế giới biết rằng Đông Turkistan đã luôn luôn là vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ”.

Hoa Kỳ có thể can thiệp?

Điều thú vị là Newsweek cũng dẫn lời người phát ngôn của Phong trào Hồi giáo Turkistan nói: “Chúng tôi tin rằng sự phản đối của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ không chỉ có lợi cho Phong trào Hồi giáo Turkistan và người dân Đông Turkistan, mà còn có lợi cho cả nhân loại”.

Phong trào Hồi giáo Turkistan ghét ĐCSTQ và hy vọng giải phóng Tân Cương khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ. Đây là một sự thật nổi tiếng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhóm chiến binh có trụ sở tại Afghanistan này thực sự ám chỉ rằng “sự phản đối của Mỹ đối với Trung Quốc” sẽ giúp ích cho phong trào.

Trên thực tế, những gì người phát ngôn của Phong trào nói không chỉ là những lời tuyên truyền. Hoa Kỳ đã hủy bỏ việc chỉ định Phong trào Hồi giáo Turkistan là một tổ chức khủng bố vào năm ngoái với lý do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Phong trào vẫn tồn tại.

Khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, Hoa Kỳ đã loại bỏ Phong trào Hồi giáo Turkistan khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Hoa Kỳ đã phớt lờ sự tồn tại của Phong trào, cũng như phớt lờ rằng Phong trào đã lên kế hoạch tách Tân Cương khỏi Trung Quốc.

Hoa Kỳ có lịch sử lôi kéo các chiến binh nhằm vào đối thủ của mình, đây là những gì Hoa Kỳ làm ở các nước như Libya và Syria. Nếu Hoa Kỳ thực sự không quan tâm đến phong trào, thậm chí còn ủng hộ Phong trào Hồi giáo Turkistan chống lại Tân Cương của Trung Quốc về mặt chính sách, thì khả năng này là không quá nhỏ.

Ngoài ra, các tổ chức như Tổ chức Quốc gia vì Dân chủ cũng đang thúc đẩy các hoạt động chống lại các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, và bắt đầu gọi Tân Cương là Đông Turkistan. Về vấn đề cốt lõi của Phong trào Hồi giáo Turkistan, chính sách của Hoa Kỳ đối với họ và khái niệm về Phong trào Hồi giáo Turkistan ít nhất là giống nhau về mặt ý thức hệ.

Những dấu hiệu về sự phục hồi của phong trào ở miền Đông Turkistan cho thấy Taliban cũng chẳng giúp được gì cho Trung Quốc hoặc không tuân thủ thỏa thuận hoặc cố tình không tuân thủ thỏa thuận. Nếu Trung Quốc đột nhiên trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất ở Afghanistan, đó là bởi vì có một Turkistan mạnh mẽ và sôi động đang gõ cửa ĐCSTQ.

 

WHO lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19

 
 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nối lại cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Covid-19, trong bối cảnh các quan chức cảnh báo thời gian để xác định đại dịch bắt đầu như thế nào không còn nhiều.

Tạp chí Phố Wall ngày 26/9 đưa tin, một nhóm điều tra mới gồm khoảng 20 nhà khoa học — bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật nắm rõ cách thức virus lây lan từ tự nhiên — đang được tập hợp để tìm kiếm những bằng chứng mới về COVID-19 ở Trung Quốc và các nơi khác.

Washington và các đồng minh đã thúc giục WHO thúc đẩy cuộc điều tra. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối và cho rằng bất kỳ cuộc điều tra mới nào cũng nên tập trung vào các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Theo các quan chức WHO, các nhà khoa học dự kiến sẽ điều tra liệu virus Covid-19 có xuất phát từ phòng thí nghiệm hay không.

WHO nói thêm rằng cuộc điều tra mới sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sâu xa phát sinh virus corona chủng mới. Ngoài ra, theo tổ chức này, nếu khai triển công tác nghiên cứu tương ứng muộn hơn, thì các mẫu máu của những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên có thể không sử dụng được.

Cuộc điều tra mới diễn ra vài tháng sau khi WHO cử các nhà khoa học đến thăm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 12/2019. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp trong chuyến công tác không đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng về thời gian, địa điểm và cách virus bắt đầu lây lan.

Các quan chức chính quyền Biden, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, đã thúc giục Tổng giám đốc WHO gia hạn cuộc điều tra, và cho phép ít nhất một người Mỹ sẽ tham gia cùng.

 

Na Uy: Gỡ bỏ mọi hạn chế COVID-19, người dân đổ xô ra đường gây nhiều vụ hỗn loạn

image.png

Sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch COVID-19 và mở cửa trở lại sau hơn 18 tháng, nhiều người dân Na Uy đã đổ xô ra đường tổ chức ăn mừng khiến nhiều thành phố rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Hôm 24/9 vừa qua, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bất ngờ tuyên bố gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 bắt đầu kể từ 25/9. Dẫu vậy, việc mở cửa đột ngột này đã khiến người dân đổ xô ra đường, gây ra hàng loạt các vụ ẩu đả, gây rối trật tự công cộng.

Bộ trưởng Văn hóa Abid Raja cho biết người dân đã mong ngóng được mở cửa trở lại sau 18 tháng, đồng thời khuyến khích mọi người “khôi phục lại văn hóa và cuộc sống thường ngày” và bắt đầu bằng việc đi dự một bữa tiệc khiêu vũ. Dẫu vậy, nhiều vụ hỗn loạn đã được ghi nhận trên khắp cả nước.

Từ 25-26/9, hàng trăm người đã đổ xuống đường ăn mừng. Cảnh sát Na Uy cho biết tình trạng bất ổn diễn ra ở nhiều nơi, từ thành phố Bergen đến Trondheim. Giữa những đám đông xếp hàng dài tại các hộp đêm và quán rượu ở Oslo, cảnh sát đã ghi nhận ít nhất 50 vụ ẩu đả và gây rối chỉ trong vài giờ đồng hồ. Theo đó, một người đàn ông đã phải nhập viện với vết thương nghiêm trọng ở đầu sau một vụ đánh nhau. Ngoài ra, cảnh sát đã phải xử lý một vụ đâm dao và cảnh báo một người đàn ông cầm mã tấu trên xe buýt.

Ông Johan Hoeeg Haanes, một quản lý nhà hàng tại Oslo, cho hay: “Đúng như những gì tôi dự đoán trước đó. Thành phố sẽ rơi vào tình cảnh nguy hiểm bởi chính phủ không thông báo trước việc gỡ phong tỏa một vài ngày”.

Ông Rune Hekkelstrand, phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Oslo nói với đài truyền hình quốc gia NRK cho biết rằng các đơn vị kinh doanh đã phải hoạt động với công suất tăng đáng kể vào ngày 25/9 (thậm chí đông hơn so với cả mùa hè). Nhiều người đã tràn ra đường từ buổi chiều đến tối.

Cảnh tượng hỗn loạn không chỉ xảy ra ở Oslo. Tại Tonsberg, Skien và Bergen, cảnh sát đã phải can thiệp để giải tán một số vụ ẩu đả nghiêm trọng. Kết quả là 12 người đã bị bắt tại thành phố Agder.

Thành phố Trondheim cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị ngất xỉu khi xếp hàng chờ vào quán rượu. Phát ngôn viên của sở cảnh sát cho biết do hộp đêm quá đông, mọi người chen chúc nhau đến mức một số người không thở nổi.

Việc mở cửa trở lại diễn ra rất đột ngột, chỉ trước thời điểm thông báo 1 ngày. Nhiều ý kiến cho rằng sự vội vàng và không chuẩn bị đúng cách đã góp phần gây ra những vụ hỗn loạn đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Solberg vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định của mình khi nói rằng các chuyên gia y tế cũng ủng hộ động thái trên. Theo bà, nước này sẽ không quy định các biện pháp phòng chống COVID-19 nếu không cần thiết và người dân phải được sống theo ý của họ.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Na Uy, quốc gia 5,3 triệu dân, đã ghi nhận khoảng 187.000 trường hợp mắc bệnh với 850 người tử vong. Na Uy là quốc gia thứ hai tại châu Âu gỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19, sau Đan Mạch. Tính đến nay, trên 76% dân số Na Uy đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và khoảng 67% đã tiêm đầy đủ 2 liều.