Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do xác định việc bố trí nhân sự cho bốn vị trí của đảng cầm quyền, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân vật được coi là “diều hâu” đối với vấn đề Trung Quốc để thay thế quan chức ôn hòa. Dự kiến, ông Kishida Fumio sẽ công bố danh sách nội các vào thứ Hai tuần sau (ngày 4/10).
Đảng Dân chủ Tự do đã bầu ông Kishida Fumio làm chủ tịch đảng thứ 27 vào thứ Tư (ngày 29/9). Do Đảng Dân chủ Tự do chiếm đa số ghế tại Thượng viện và Hạ viện, ông Kishida Fumio sẽ được xướng tên là Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Theo Kyodo News, cuộc họp Hội đồng các vấn đề lâm thời của Đảng Dân chủ Tự do đã thông qua các thỏa thuận cho bốn vị trí chủ chốt của Đảng này.
Việc bổ nhiệm nhân sự mới dẫn đến việc ông Toshihiro Nikai, 82 tuổi, một cựu chiến binh chim bồ câu trong quan hệ với Trung Quốc, từ chức. Ông luôn được biết đến là người duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, và là nhân vật số 2 trong đảng trong hơn 5 năm. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Amari Akira, 72 tuổi, sẽ kế nhiệm ông Toshihiro Nikai trong vai trò Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do.
Ông Amari Akira, người gần đây từng là người đứng đầu bộ phận thuế của Đảng Dân chủ Tự do, đã lo ngại về an ninh kinh tế của Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác của Nhật Bản với TSMC để củng cố ngành công nghiệp chip của nước này. Ông cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật của các ứng dụng Trung Quốc như TikTok.
Theo truyền thông Nhật, ông Kishida Fumio đã chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Takaichi Sanae làm chủ nhiệm cuộc điều tra các vấn đề của chính phủ. Bà Takaichi Sanae là đối thủ của ông Kishida Fumio trong cuộc bầu cử tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do vào ngày 29/9. Ông Takaichi Sanae từng kêu gọi Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Cả hai hành động này đều khiến ĐCSTQ tức giận. Khi tranh cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, bà nói rằng nếu đắc cử, bà sẽ đưa ra các chính sách để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật của ĐCSTQ và giúp củng cố nền kinh tế.
Bà cũng tuyên bố trong một tuyên bố bằng văn bản với The Wall Street Journal rằng Nhật Bản nên đầu tư vào công nghệ máy bay không người lái tiên tiến và tên lửa chính xác để đối phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ và Triều Tiên.
Cả ông Amari Akira và Takaichi Sanae đều có mối quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Trang Bloomberg cho rằng hai vị trí quan trọng này trong đảng có thể cho thấy tầm ảnh hưởng của Abe Shinzo trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao của đảng.
Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch đảng, ông Fumio Kishida tuyên bố rằng ông sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và cáo buộc ĐCSTQ muốn phổ biến “hệ thống độc tài” của mình trên toàn thế giới.
Hãng tin Reuters cho hay, Mỹ vẫn cam kết mở rộng không gian cho Đài Loan tham gia các sự kiện quốc tế, một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ tuyên bố tại một sự kiện với Ngoại trưởng Đài Loan có sự tham dự của Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc.
Phát biểu trước một uỷ ban trực tuyến về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc hôm 29/9, ông Jeremy Cornforth, phó giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, tức tòa đại sứ Mỹ trên thực tế tại Đài Loan, khẳng định một Đài Loan chú trọng về công nghệ dốc lòng dùng kỹ năng công nghệ của mình “vì lợi ích chung”.
Ông Cornforth lưu ý Đài Loan bị chặn không cho tham dự các tổ chức như Hội đồng Y tế Thế giới nhưng sự kiện này sẽ cho thấy Đài Loan sử dụng kỹ năng công nghệ của họ giúp cộng đồng quốc tế giải quyết những thách thức chung như thế nào.
“Mỹ vẫn cam kết mở rộng không gian quốc tế cho Đài Loan”, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan ngày 30/9 dẫn phát biểu của ông Cornforth cho biết.
Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là một ủng hộ viên mạnh mẽ nhất của Đài Loan và thường xuyên lên án áp lực của Trung Quốc đối với đảo này.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tuyên bố tại sự kiện vừa kể rằng Đài Loan là một thành viên “không thể thiếu” của cộng đồng quốc tế.
“Đây là lúc Liên hiệp quốc phải hành động để giải quyết việc loại trừ Đài Loan ra khỏi hệ thống Liên hiệp quốc một cách không thoả đáng”, Bộ Ngoại giao Đài Loan dẫn lời Ngoại trưởng Ngô.
Năm nay đánh dấu 50 năm Trung Hoa Dân quốc (tên gọi chính thức của Đài Loan) bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thay thế ở Liên hiệp quốc. Bắc Kinh vẫn cho rằng họ có quyền đại diện cho Đài Loan trên toàn thế giới; trong khi chính phủ dân cử Đài Loan nói chỉ có người dân Đài Loan mới có quyền lên tiếng cho Đài Loan trên sân khấu thế giới.
Ngày 28/9, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành sách trắng về “Sự giàu có toàn diện của Trung Quốc”.
Tài liệu này ca ngợi những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhấn mạnh tuyên bố “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, Sách Trắng nhấn mạnh một số thành tựu của chính phủ như đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài…
Trước những tuyên truyền rầm rộ, cựu giáo sư Đại học Bắc Kinh hiện sống ở Hoa Kỳ Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang) đã phân tích rằng, cái gọi là xã hội Thịnh vượng Hài hòa chỉ là một lời nói dối của ĐCSTQ. Chỉ cần phân tích một chút thì lời nói dối này sẽ bị bộc lộ ngay, không đánh cũng tự đổ.
Chia sẻ với tờ Sound of Hope, Giáo sư Hạ nói rằng, mọi người không nên chỉ nhìn vào lời lẽ chính thức của ĐCSTQ rằng Trung Quốc từ đói nghèo tiến vào “xã hội thịnh vượng hài hòa”. Trong cuộc sống thực tế, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những ví dụ ngược lại. Ví dụ, trẻ em Trung Quốc buộc phải nghỉ học vì gia đình nghèo, trường tiểu học có phòng học dột nát, bữa ăn trưa không đảm bảo. Làm sao một hiện tượng như vậy lại có thể diễn ra phổ biến ở một đất nước đã bước vào thời kỳ “xã hội thịnh vượng hài hòa”?
Ông cũng đề cập rằng, ở ngoại ô của một số thành phố lớn, người ta có thể bắt gặp một lượng lớn người di cư ngoại tỉnh sống dưới gầm cầu vượt. Ban quản lý thành phố đôi khi đuổi họ đi, nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi, những người vô gia cư này lại quay sống ở gầm cầu vì họ không còn nơi nào để đi.
Ông Hạ đặt câu hỏi, làm sao ĐCSTQ có thể nói 1,4 tỷ người Trung Quốc đã bước vào thời kỳ xã hội thịnh vượng? Có thể tìm thấy những người nghèo ở mọi ngôi làng, mọi thành phố ở Trung Quốc. Nếu cộng dồn lại toàn bộ Trung Quốc thì số người nghèo là bao nhiêu? Vì vậy, trong trường hợp này, lời nói dối của ĐCSTQ rằng, 1,4 tỷ người Trung Quốc đã bước vào xã hội khá giả đã không đánh mà tự đổ.
Ngoài ra, ông Hạ tin rằng, đối với cộng đồng quốc tế thì chỉ số “khá giả” không chỉ là người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn phải có phẩm giá và quyền cơ bản nhất của con người. Đây là sự cần thiết của luật pháp ở tất cả các quốc gia. Trung Quốc đã ký “Công ước Nhân quyền Quốc tế” từ rất sớm và hứa sẽ đạt được mục tiêu này, nhưng trong nhiều năm, ĐCSTQ luôn trốn tránh trách nhiệm. Bất cứ khi nào các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng quốc tế chỉ trích các cách làm của ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền, Bắc Kinh luôn viện nhiều lý do để ngụy biện.
Ông Hạ nói, khi các quốc gia khác chỉ trích tình hình nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, ĐCSTQ luôn nói rằng Hoa Kỳ cũng có những tình huống nhân quyền tồi tệ và tự bảo vệ mình bằng những lập luận lố bịch. Đôi khi, Bắc Kinh còn lớn giọng tuyên bố “mỗi quốc gia có tiêu chuẩn nhân quyền của mình”.
Ngoài ra, ĐCSTQ tự mình tuyên bố tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Nhưng không có chứng nhận của bên thứ ba và chứng nhận từ cơ quan quốc tế. Ông đặt câu hỏi, có biết bao nhiêu tổ chức nhân quyền trên thế giới, có bao nhiêu tổ chức “Phóng viên không biên giới”, tại sao [ĐCSTQ tuyên bố cải thiện nhân quyền nhưng] không để họ đánh giá [tình hình thực tế]?
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã đàn áp, tước quyền tự do và quyền của người dân Hồng Kông, và cuộc đàn áp điên cuồng đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhiều dân tộc thiểu số. Do vậy, làm sao có thể nói Trung Quốc bước vào thời kỳ “thịnh vượng hài hòa”? Điều này cho thấy, khẩu hiệu của TQ chỉ là sự giả dối.