TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :09/10/2021 với Nam Giang

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :09/10/2021 với Nam Giang
10/09/2021

KBCHNTV thông báo khẩn: Kênh youtube của KBCHNTV được "di tản chiến thuật" về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Đài Loan chuẩn bị lễ Quốc khánh lớn nhất lịch sử trước mối đe dọa của Trung Quốc

 
 

Đài Loan đang tất bật chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh lớn nhất trong lịch sử trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường đưa chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của quốc đảo.

Trên trang Facebook cá nhân hôm 8/10, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết Đài Loan đang chuẩn bị lễ Quốc khánh lớn nhất trong lịch sử. Bà cho biết: “Khung cảnh thực sự rất ấn tượng. Vào đúng ngày Quốc khánh, trực thăng vận tải CH-47SD của Cục Hàng không Lục quân sẽ treo cờ Tổ quốc và bay qua phủ tổng thống”.

“Đối với các cuộc diễn tập chào mừng Quốc khánh, Quân đội Quốc gia đã thực hiện rất nhiều công tác chuẩn bị và diễn tập”. Quốc khánh Đài Loan năm nay rơi vào Chủ Nhật (ngày 10/10).

Hôm qua, bà Thái cũng thông báo tin quan trọng trước kỳ nghỉ lễ, lương cơ bản đã được tăng trong 6 năm liên tiếp!

Theo Tổng tư lệnh của Đài Loan, đối mặt với thách thức của đại dịch, nền kinh tế nước này vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng là nhờ sự chung sức của mỗi người dân. Và chính phủ cũng nên trả lại thành quả của tăng trưởng kinh tế cho những người lao động chăm chỉ và quan tâm đến từng người lao động. 

Bà cho biết sau sáu lần điều chỉnh, mức lương cơ bản Đài Loan đã được tăng từ 20.008 Đài tệ lên 25.250 Đài tệ (khoảng hơn 20 triệu VND), theo đó lương theo giờ cũng được tăng từ 120 Đài tệ lên 168 Đài tệ. Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định: “Tôi tin rằng nhiều người lao động nhập cư sẽ rất ấn tượng”.

Trước bối cảnh liên tục bị chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát trong thời gian gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn trong một diễn đàn đăng trên tờ Foreign Affairs cảnh báo: Nếu hòn đảo rơi vào tay Trung Quốc, điều đó sẽ mang lại hậu quả “thảm khốc” cho châu Á.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không dấu giếm ý định dùng vũ lực để thống nhất. Trong khi bà Thái tuyên bố Đài Loan đã là quốc gia độc lập với quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc và cảnh báo Bắc Kinh sẽ trả giá đắt nếu cố gắng xâm lược.

 

Viên Cung Di: Thế lực ngầm đang nổi dậy chống ông Tập Cận Bình

 
 

Nhà tài phiệt Hồng Kông Viên Cung Di gần đây đã tuyên bố trong một chương trình video rằng cuộc đấu tranh trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên gay gắt và sẽ tăng cường từ Hội nghị toàn thể lần thứ sáu đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Vào ngày khi có tin tức về sự sụp đổ của Phó Chính Hoa, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, Hồ Thư Lập – người đứng đầu của kênh truyền thông “Caixin.com”, đã bất ngờ đăng bức ảnh Đầu heo lên Weibo kèm đôi lời. Một số nhà phân tích cho rằng bà đang ám chỉ Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Hồ Thụy vốn có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng hiện đang có sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông Vương Kỳ Sơn và Tập Cận Bình.

Ông Viên Cung Di cho rằng ông Tập Cận Bình hy vọng sau khi nhậm chức, ông Vương Kỳ Sơn sẽ giúp ông chiến đấu chống lại các đối thủ chính trị tham nhũng, nhưng ở mặt khác vẫn kiểm soát và kiểm tra tập đoàn HNA do Vương Kỳ Sơn hậu thuẫn, “không cho ông ta phát triển quyền lực”. Ông Viên Cung Di nói rằng mối quan hệ giữa Vương Kỳ Sơn và Tập Cận Bình khá tế nhị, “nó có những điểm tương đồng với mối quan hệ giữa Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông”.

Ông Viên cũng tuyên bố rằng Vương Kỳ Sơn có quan hệ mật thiết với Phố Wall của Hoa Kỳ, và chính quyền Phố Wall và ông Biden đã xúi giục các đảng viên lật đổ ông Tập Cận Bình. Người liên hệ là John Kerry, đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ.

Vào ngày 28/1 năm nay, Ban trị sự Đại Tây Dương đã đưa ra một báo cáo mang tên “Bức điện chi tiết hơn hướng tới một chiến lược Trung Quốc mới của Mỹ”. Báo cáo cho rằng mục tiêu của chiến lược Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không nên là lật đổ ĐCSTQ mà là thay thế các nhà lãnh đạo hiện tại. Báo cáo cũng nói rằng việc thay đổi các mục tiêu chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là khả thi bởi vì sự bất mãn với sự lãnh đạo và tham vọng của ông Tập Cận Bình đã khiến ĐCSTQ bị chia rẽ nghiêm trọng.

Nhà tài phiệt Hồng Kông nói rằng một số phân tích chỉ ra rằng toàn thế giới có một thế lực ngầm, đó là các nhóm lợi ích được hưởng lợi từ toàn cầu hóa kinh tế, chẳng hạn như Phố Wall và phe Giang Trạch Dân của ĐCSTQ. Các phân tích cho rằng thế lực thâm độc này không có đạo đức, chỉ lấy lợi ích làm mục đích cơ bản.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã thành lập rất nhiều đội ngũ, đích thân chỉ đạo và triển khai nhưng đều dẫn đến tình trạng đen đủi ở Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và sinh kế của người dân.

Ông Viên nhìn nhận rằng những sự kiện gần đây như thiếu than và mất điện ở Trung Quốc là một phần trong kế hoạch thâm độc của thế lực ngầm nhằm xúi giục các đảng viên lật đổ Tập Cận Bình. Bởi vì Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương sắp được tổ chức, “chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi cho Tập Cận Bình tại sao Trung Quốc lại bị làm ra như vậy”.

Ông Viên nói rằng các cuộc đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực bên trong ĐCSTQ vẫn sẽ tiếp tục. 

 

Trung Quốc hối thúc Hoa Kỳ hủy bỏ các trừng phạt thuế quan
image.png
Ảnh minh họa: Một gian hàng giới thiệu công nghệ Mỹ tại Hội trợ Quốc tế Thương mại và Dịch vụ, Bắc Kinh ngày 03/09/2021. AP - Mark Schiefelbein

Minh Anh

Ngày 09/10/2021, Trung Quốc cho biết đã đề nghị Hoa Kỳ hủy bỏ các quy định áp thuế nhập khẩu cao trong cuộc thảo luận giữa đại diện thương mại của hai nước.

Theo Tân Hoa Xã, « Trung Quốc đã thương thảo về việc hủy các quy định áp thuế và các biện pháp trừng phạt, đồng thời nêu rõ quan điểm về mô hình phát triển kinh tế cũng như là chính sách công nghiệp của mình ».

Về phía Hoa Kỳ, đại diện Thương Mại, bà Katherine Tai, trình bày chi tiết những lo ngại từ Washington về cách « hành xử phi thị trường của Nhà nước Trung Quốc cũng như là các chính sách của Bắc Kinh gây tổn hại cho người lao động, các nhà nông và doanh nhân Mỹ », thông cáo của đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) cho biết.

Cuộc đàm phán, được tổ chức trực tuyến, bắt đầu từ hôm qua, giữa đại diện Thương Mại Mỹ bà Katherine Tai và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), còn là một « cơ hội để Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết xây dựng một mối quan hệ thương mại được quản lý có trách nhiệm hơn vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến người dân Mỹ mà cho cả toàn thế giới », theo như lời giải thích của vị quan chức USTR xin ẩn danh.

Hãng tin Anh Reuters lưu ý, đây là cuộc đàm phán thương mại thứ hai giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, nhằm tìm kiếm một giải pháp hồi phục quan hệ song phương đã bị sứt mẻ nghiêm trọng từ dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.

Chính quyền Biden, cũng như người tiền nhiệm, chỉ trích chính sách trợ giá ồ ạt của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng cưỡng ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để có thể hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hay như không tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Cách hành xử này của Bắc Kinh đã khoét sâu thêm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
 
 
Taliban và Mỹ đàm phán tiếp tục di tản kiều dân nước ngoài khỏi Afghanistan

image.png
Ảnh tư liệu: Máy bay vân tải quân sự Mỹ chuyên chở người di tản khỏi Afghanistan tại phi trường Kabul ngày 22/08/2021, . AP - MSgt. Donald R. Allen

Thanh Hà
 
Đại diện của hai phía Taliban và Hoa Kỳ cùng cho biết đôi bên trực tiếp thảo luận về các chương trình tiếp tục di tản người nước ngoài khỏi Afghanistan. Cuộc gặp diễn ra trong hai ngày 9 và 10/10/2021 tại thủ đô Doha- Qatar nơi Taliban có văn phòng đại diện. Đối thoại diễn ra một ngày sau vụ tấn công vào một đền thờ Hồi Giáo tại Kunduz, miền bắc Afghanistan, hàng chục người chết.  

Hãng tin AP nhắc lại đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa đại diện Hoa Kỳ và Taliban kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 31/08/2021. Washington kết thúc chiến dịch quân sự đã kéo dài 20 năm, Taliban chiếm lại quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.  

Reuters cho biết, về phía Mỹ, tham dự cuộc họp hôm nay gồm có các quan chức trong bộ Ngoại Giao, đại diện USAID –Cơ quan Phát triển Quốc tế  của Mỹ và một số nhân viên tình báo Hoa Kỳ. Washington đòi phía Taliban bảo đảm an ninh cho các công dân Mỹ và các kiều dân nước ngoài và nhất là bảo đảm rằng Afghanistan không trở thành sào huyệt mới của các nhóm khủng bố.  

Cuộc họp tại Doha khai mạc hôm nay vào lúc tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả vụ tấn chiều 08/10/2021 nhắm vào một đền thờ tại Kunduz, miền bắc Afghanistan, làm ít nhất 55 người thiệt mạng. Taliban giờ đây cũng phải đương đầu với đe dọa khủng bố.

Thông tín viên của đài RFI trong khu vực, Sonia Ghezali trở lại với vụ tấn công ở Kunduz :  

« Một kẻ tấn công tự sát đã kích nổ bom mang theo trên người ngay tại một buổi cầu nguyện vào ngày thứ Sáu. Thông cáo của chi nhánh Daech tại Afghanistan cho biết như trên. Vụ nổ đã xảy ra chiều qua, tại một ngôi đền Hồi Giáo của người theo hệ phái Shia trong khu vực Khan Abad Bandar tại thành phố Kunduz.

Trong một vài đoạn video được cho là do dân cư tại đây ghi lại, được phổ biến trên các mạng xã hội, người ta trông thấy những tấm thảm để tín đồ cầu nguyện đẫm máu, những thi thể bị xé nát, cháy đen.

Vào đầu giờ chiều, đền thờ đông kín người cầu nguyện vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Trước đó 5 hôm đã xảy ra một vụ khủng bố khác nhắm vào một đền thờ tại thủ đô Kaboul, nơi một đám tang đang được cử hành, làm ít nhất 5 người tử vong.  

Chi nhánh của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan nhận là tác giả hai vụ đánh bom nói trên. Các vụ tấn công đó thường nhắm vào thiểu số người Hồi Giáo theo hệ phái Shia hay vào các quan chức Afghanistan.

Tại thủ đô Kabul trong những ngày gần đây, Taliban tăng cường các chốt kiểm soát an ninh trong thành phố, kiểm soát giao thông. Chính phía Taliban cũng lo sợ nguy cơ Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo lại tiến hành những vụ tấn công khác. Tổ chức này đã chứng minh về khả năng tiến hành những vụ khủng bố đẫm máu. »
 
 
 
Pháp kỷ niệm 40 năm xóa án tử hình
image.png
Cựu bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter, người đấu tranh tích cực để xóa án tử hình tại Pháp, trong cuộc triển lãm "Tội ác và trừng phạt" tại Paris ngày 12/03/2010. AFP - OLIVIER LABAN-MATTEI

Anh Vũ
 
Cách đây đúng 40 năm, luật hủy án tử hình có hiệu lực ở Pháp từ ngày 09/10/1981. Lời hứa trong chiến dịch tranh cử của tổng thống François Mitterrand đã được thực hiện cùng với sự đấu tranh tích cực của bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter.  

Hôm nay, 09/10/2021, tại điện Panthéon ở thủ đô Paris, chính phủ Pháp long trọng kỷ niệm 40 năm nước Pháp xóa án tử hình với sự tham dự của tổng thống Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter và nhiều quan chức chính phủ Pháp.

Đây là thành quả của « lịch sử đấu tranh chính trị để xóa án tử hình ở Pháp từ thế kỷ thứ 18 đến ngày nay », thông cáo của phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Dự luật xóa án tử hình đã được Hạ Viện Pháp thông qua ngày 18/09/1981, sau đó được Thượng Viện, phê chuẩn lần cuối ngày 30/09/1981 và được ban hành ngày 09/10 cùng năm, tức 5 tháng sau khi ông François Mitterrand đắc cử tổng thống Pháp.

Khi đó Pháp là quốc gia thứ 35 trên thế giới và là nước cuối cùng trong cộng đồng Châu Âu xóa án tử hình. Cho đến tận năm 1977, hai án tử hình cuối cùng tại Pháp vẫn được thi hành bằng bằng máy chém. Năm 2007, xóa án tử hình đã chính thức được đưa vào Hiến pháp, bộ luật cơ bản của nước Pháp.

Năm 2021 này đã có ¾ các quốc gia trên thế giới xóa hoặc ngừng áp dụng án tử hình. Vẫn còn khoảng năm chục nước tiếp tục áp dụng án tử hình bằng các hình thức thi hành án như treo cổ, chém đầu, chích điện hoặc thuốc độc, theo một báo cáo về án tử hình trên thế giới năm 2020 của tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International).

Tại Mỹ, mới có 23 bang đã xóa án tử hình và 3 bang Califorrnia, Oregon, Pelsylvania tạm ngừng thi hành án tử.  Trong năm 2020, ít nhất có 483 tử tù bị hành hình ở 18 nước trên thế giới, giảm 26% so với năm 2019, theo báo cáo của Amnesty International.

Bốn quốc gia thi hành nhiều án tử hình nhất trong năm 2020 gồm :  Iran ( 246), Ai Cập(107), Irak (45) và Ả Rập Xê Út (27). Tuy nhiên, con số thống kê trên không tính đến Trung Quốc, nước vẫn bị Ân Xá Quốc Tế xác định là thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới nhưng các số liệu không được công khai để có thể kiểm chứng được.

Sau nhiêu năm ngừng thi hành án tử hình, Ấn Độ, Oman và Qatar đã trở lại thi hành án tử hình.

Vẫn theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, số lượng bản án tử hình được tuyên trên thế giới nhìn chung có xu hướng giảm. Khoảng 1477 bản án tử hình được tuyên ở 54 nước trong năm 2020. Nước mới nhất vừa thông qua xóa án tử hình hôm 08/10/2021 là Sierra Leone, một quốc gia nhỏ ở tây Phi.

 
 
Nga: Tự do ngôn luận bị siết thêm sau giải Nobel Hòa bình cho nhà báo
image.png
Biểu tình chống chính quyền Nga quy kết nhiều cơ quan truyền thông là " tác nhân nước ngoài" với khẩu hiệu " Các người không thể bịt miệng hết tất cả!" tại Matxcơva ngày 04/09/2021. AFP - NATALIA KOLESNIKOVA

Minh Anh

Vài giờ sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho tổng biên tập một một trong số tòa báo độc lập cuối cùng ở Nga, chính quyền Matcơva thông báo quyết định xếp 9 cá nhân và tổ chức vào diện « tác nhân nước ngoài ». Đó là những gì diễn ra tại Nga trong ngày  08/10/2021.

Một lần nữa, trong số này, có các cơ quan truyền thông như BBC, các nhà báo và nhiều tổ chức phi chính phủ như OVD-Info, một trong số những nguồn thông tin tốt nhất tại Nga để thống kê số vụ bắt giữ trong những cuộc biểu tình.

Không chỉ thế, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri tại Matxcơva, trong tầm ngắm của chính phủ Nga lần này, những tiếng nói xã hội dân sự bắt đầu cũng bị kiểm duyệt:

« Không còn đơn giản chỉ là một nguồn tài trợ từ nước ngoài như chính quyền thường hay sử dụng như trước đây, mà kể từ giờ còn là những gì có thể được nói ra. Điều này đã được thấy trong vòng chưa tới một tuần. Bởi vì, cơ quan an ninh FSB của Nga vừa cho công bố một danh sách 60 chủ đề không được đề cập đến, bằng không sẽ bị xếp vào diện tác nhân nước ngoài.

Hai lĩnh vực có liên quan là quân đội và không gian. Chẳng hạn, kể từ giờ việc đề cập đến một vấn đề kỹ thuật hay kinh tế có liên quan đến không gian là bị cấm. Cung cấp các thông tin về không khí tinh thần và tâm lý quân đội Nga cũng bị cấm. Thông điệp này đã được Ủy Ban Các Bà Mẹ Binh Sĩ tiếp nhận. Tổ chức nổi tiếng bảo vệ quyền của người lính từ 30 năm qua này đã tự giải thể tuần.

Bà chủ tịch Ủy ban bầu cử hôm thứ Hai, 04/10/2021, còn đưa ra một lời đe dọa rất rõ ràng đối với những chỉ trích về bầu cử : "Chúng tôi sẽ khiếu nại trước công lý tất cả những ai phổ biến lời dối trá và vu khống về cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua ».

Các nhà phân tích, nhân chứng hay những công dân bình thường, nhiều người trong số họ giờ có thể gặp rủi ro. »
 
Singapore báo động số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục
image.png
Nhân viên đứng điều tiết lượng người vào cửa hàng để bảo đảm phòng dịch Covid-19 tại Singapore ngày 09/10/2021. AFP - ROSLAN RAHMAN

Thanh Hà

Ngày 08/10/2021 Singapore ghi nhận thêm hơn 3.000 bệnh nhân Covid-19 trong một ngày. Đây đỉnh điểm đảo quốc này chưa bao giờ đụng ngưỡng. Dù vậy chính phủ thông báo nới lỏng các biện pháp cách ly với người nhập cảnh vào Singapore.  

Thủ tướng Lý Hiển Long hôm nay 09/10/2021 cảnh báo phải mất từ ba đến sáu tháng, mới hy vọng tìm lại được cuộc sống « bình thường », Singapore sẽ phải sống chung với dịch. Theo quy định mới của chính phủ, từ ngày 19/10/2021, những ai đã tiêm đủ hai liều vac-xin chống Covid-19 tại 8 quốc gia –trong đó có Anh, Pháp, Mỹ - sẽ không còn bị cách ly. Đến giữa tháng 11, hành khách từ Hàn Quốc đến Singapore không bắt buộc phải tuân thủ quy định cách ly trong vòng 7 ngày như hiện tại. Ngược lại kể từ thứ Tư tuần sau (13/10/2021) chính quyền sẽ « nghiêm ngặt hơn » với những người chưa chích ngừa virus corona.  

Hiện tại 83 % dân số trên 18 tuổi Singapore đã được tiêm chủng. Dù vậy hôm qua bộ Y Tế báo động có thêm hơn 3.590 ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày và đây là con số cao chưa từng thấy từ đầu mùa dịch tới nay tại một quốc gia với chưa đầy 5,5 triệu dân.

Thông tín của RFI trong khu vực Gabrielle Maréchaux cho biết thêm thông tin:  


« Nếu như vac-xin không đem lại được phép lạ để ngăn chận mọi nguy cơ lây nhiễm, thì đối với giáo sự Dale Fisher, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại đại học quốc gia Singapore không thể phủ nhận về những kết quả từ việc tiêm chủng mang lại, khi nhìn vào số bệnh nhân phải nhập viện hay các ca tử vong vì Covid-19 tại Singapore.

Ông nói : "với những người đã chích ngừa, nguy cơ bị lây nhiêm chỉ bằng 1 phần 10 so với thành phần không được tiêm chủng. Vì không chích, những ca này chiếm đa số trong các phòng hồi sức đặc biệt, họ cần oxy và để rồi nhận lấy cái chết".

Liên quan đến làn sóng lây nhiễm mới chưa từng thấy lần này, giới chuyên gia nêu bật những yếu tố như là mức độ lây nhiễm cao của biến thể Delta, việc một số biện pháp chống dịch đã được nới lỏng tại một quốc gia với mật độ dân số rất cao và sau cùng như giáo sư Fischer đã nhắc lại, đó là do những người có bệnh nền hay sức khỏe không tốt từ chối chích ngừa.  

Giáo sư Dale Fisher giải thích : "nhìn vào mức độ tuổi tác, những người cao niên bướng bỉnh nhất. Không hẳn do họ chống vac-xin nhưng số này quan niệm là đã già rồi, hay đã có nhiều bệnh trong người, như bệnh tim chẳng hạn, vậy thì đi chích để làm gì ?’"

Để xua tan quan niệm đó bộ Y Tế phổ biến video để thuyết phục các vị cao niên đi chích ngừa.  

Đôi khi người ta phải trả giá đắt cho những thành kiến : trong tuần một bà cụ già đã phải nhập viện sau khi uống thuốc ivermectin, một một loại thuốc chống virus, chỉ vì nghe theo lời xúi bẩy của những phụ nữ cùng đi lễ nhà thờ với bà. Người ta đồn thổi rằng thuốc đó hiệu nghiệm lắm và đã giúp bệnh nhân thoát khỏi nanh vuốt tử thần ».