Thêm một tiếng nói khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Thêm một tiếng nói khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam
10/13/2021

KBCHNTV thông báo khẩn: Kênh youtube của KBCHNTV được "di tản chiến thuật" về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Nêu ý kiến trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cùng với đó cần xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của nước ta trên Biển Đông.

Bìa cuốn sách 45 năm hải chiến Hoàng Sa của Nhà Xuất bản Đà Nẵng
Bìa cuốn sách 45 năm hải chiến Hoàng Sa của Nhà Xuất bản Đà Nẵng

Trả lời ý kiến của cử tri một địa phương đang thay mặt cả nước và cùng cả nước quản lý huyện đảo Hoàng Sa về quốc gia đại sự này, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước”(1); đồng thời Bộ Quốc phòng cũng cho rằng “cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp” - cũng là cách để đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa bằng giải pháp hòa bình(2).

Trong bối cảnh Biển Đông đang phức tạp hiện nay, cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa của nhiều tác giả, do Nhà Xuất bản Đà Nẵng tổ chức biên soạn và xuất bản vào trung tuần tháng 5 này, có thể được xem là thêm một tiếng nói khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, không chỉ nhằm thực hiện Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020” mà còn góp phần vào việc “thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế” vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông - trong đó có chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa - như đề xuất đầy trách nhiệm của Bộ Quốc phòng khi trả lời ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng. 

Bìa 1 và trang 16 cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa có in bản đồ chỉ ranh giới xã Định Hải/quần đảo Hoàng Sa sáp nhập vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng - đính kèm Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.

Tấm bản đồ có kẻ một hình chữ nhật màu mực đỏ nối xã Định Hải/ quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông với xã Hòa Long trong đất liền này, tôi từng thay mặt giới sử học Đà Nẵng giới thiệu trước nhiều học giả trong nước và nước ngoài khi tham luận tại hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử do Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào hai ngày 20 và 21-6-2014, có thể là một tiền lệ đáng tham khảo trong việc tính toán phương án “kéo Hoàng Sa vào đất liền”, điều chỉnh địa giới Hoàng Sa để huyện đảo này có dân, có cử tri, có đầy đủ hệ thống chính trị nhằm tăng cường sức mạnh của UBND huyện đảo trong công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình.

Bìa 4 và trang 154 cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa có in đoạn “Ngày nay, cuộc chiến của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến về ý chí và trí tuệ. Mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay Trung Quốc”. Đoạn văn đanh thép như một tuyên ngôn này là đoạn cuối bài Nuôi chí giành lại Hoàng Sa của Phạm Thanh Vân - một trong những tác giả của cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa - từng chạm đến trái tim nhiều người Việt Nam yêu nước khi bài Nuôi chí giành lại Hoàng Sa lần đầu tiên được đăng trên Báo Thanh Niên ngày mồng 6-1-2014.

Cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa được cấu trúc thành hai phần. Phần thứ nhất có nhan đề Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời kỳ 1954-1975 và Hải chiến Hoàng Sa 1974, với bảy bài viết đề cập trực tiếp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt theo Hiệp định Genève năm 1954, nhất là về các thông tin liên quan trong khoảng thời gian trước, trong và sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1-1974. Trong các tác giả tham gia phần này, có ba người là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng: Ngô Văn Minh, Võ Hà và Bùi Văn Tiếng. Đáng chú ý là nhiều trích dẫn trong một số bài viết ở phần này xuất phát từ kết quả nghiên cứu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng về đề tài “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 -1975)”.

Phần thứ hai có nhan đề Hướng về Hoàng Sa thân yêu với tám bài viết thể hiện “ý chí và trí tuệ” - như cách nói trong đoạn văn trích ở bìa 4 - của các tác giả cũng như các nhân vật và nhân chứng trong bài như Cựu Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ, như “chàng Việt kiều dành cả thanh xuân cho đất nước” Trần Thắng... Đặc biệt đậm nét trong  phần thứ hai của cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa là hình ảnh Nhà Trưng bày Hoàng Sa nằm trên địa bàn quận Sơn Trà. Đọc cuốn sách này, độc giả cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa hoàn toàn đồng cảm và tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại lễ khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa vào cuối tháng 3 năm 2018:

“Được tận mắt chứng kiến Nhà Trưng bày Hoàng Sa bấy lâu mong đợi sắp bước vào hoạt động phục vụ người dân Đà Nẵng và du khách thập phương ngay trong những ngày cuối tháng ba lịch sử này, chắc hẳn lòng chúng ta đang trào lên nhiều cảm xúc. Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà Trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Nhưng có thể nói rằng không có nơi nào trên đất nước này phù hợp hơn thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa, bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua thì xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ Biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý.

Khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa, thực ra chúng ta cũng chỉ mới đi một nửa đoạn đường. Nửa đoạn đường còn lại là làm sao để nhà trưng bày này hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, xem đây là một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật để đòi lại Hoàng Sa” (trang 173).

Cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa được khép lại bằng bài viết Cưỡng chiếm không đem lại chủ quyền của PGS.TS. Ngô Văn Minh từng công bố trên Tạp chí Lịch sử quân sự số 269 ra tháng 5-2014, trong đó có trích dẫn nhận định đầy ấn tượng của bà Monique Chemillier Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu ở trang 230 và trang 231: “Sự chinh phục bằng vũ lực kéo theo một tình trạng chiếm đóng quân sự luôn luôn là trái phép và sự chiếm đóng quân sự này, trừ khi có một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, không thể tự chuyển thành quyền, dù có thời gian dài”. Chân lý này tạo cho chúng ta niềm tin rằng dẫu trầm luân đến mấy nhưng nhất định sẽ có ngày Việt Nam đòi được Hoàng Sa và một phần Trường Sa từ tay Trung Quốc.

BÙI VĂN TIẾNG

 (1) Xem Hoàng Đan, Bộ Quốc phòng thông tin về giải pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Báo điện tử Tổ Quốc ngày 18-5-2020.

 (2) Bài đã dẫn.