ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 16/10 - Nam Giang

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 16/10 - Nam Giang
10/16/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Pompeo: Thế giới “rất lo ngại” Mỹ đang “rời sân khấu quốc tế” do chính sách của ông Biden
image.png
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden “không hiểu được thực tế khắc nghiệt” giữa thiện và ác. Ông cảnh báo rằng nếu không tính đến “hậu quả” trong các hành động của chính quyền trên toàn cầu, “[hình ảnh] nước Mỹ sẽ bị suy giảm.”

Fox News đã nói chuyện với cựu Ngoại trưởng trước khi ông Pompeo và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của TT Trump là Robert O’Brien nhận Giải thưởng Kiến trúc sư về Hòa bình năm 2021 của Quỹ Richard Nixon vì những đóng góp của họ trong việc phát triển và thực hiện Hiệp ước Abraham 2020 và bình thường hóa kinh tế Serbia – Kosovo. Hai ông cũng được vinh danh vì đã phụ trách việc hồi hương hơn 50 con tin Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài.

Nói về sự thay đổi chính sách đối ngoại từ chính quyền Trump sang chính quyền Biden, ông Pompeo nói với Fox News rằng các đối tác và đồng minh quốc tế đang ngày càng lo ngại về vai trò của Mỹ trên thế giới.

“Tôi nghĩ thế giới đang rất lo lắng”, ông Pompeo nói. “Tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy những gì [đã diễn ra trong] chín tháng đầu tiên, và họ rất lo ngại rằng Mỹ đang rời khỏi sân khấu quốc tế.”

Ông Pompeo đã phản ánh về một số chính sách đối ngoại được thực hiện dưới sự lãnh đạo của ông Biden, bao gồm việc rút toàn bộ khí tài quân sự của Mỹ khỏi Afghanistan, dẫn đến việc Taliban tiếp quản đất nước và các cuộc đàm phán để có thể tái gia nhập Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA.

“Về cốt lõi, điều mà chính quyền Biden không hiểu là có một thực tế khắc nghiệt ngoài kia, rằng có cái ác và có cái thiện”, ông Pompeo nói. “Và nếu bạn rút khỏi Afghanistan mà không xem xét các hậu quả và xử lý chúng, và đảm bảo các điều kiện đều được đáp ứng, nước Mỹ sẽ bị suy yếu.”

“Nếu bạn không nói rõ rằng bạn sẽ là một đồng minh không thể tách rời của nhà nước Israel, thì người Iran sẽ cung cấp tên lửa cho Hamas ở Dải Gaza và họ sẽ bắn chúng vào nhà nước Israel”, ông nói tiếp. “Và nếu bạn không hiểu rằng năng lượng của Mỹ là một công cụ an ninh quốc gia cực kỳ mạnh mẽ, và thay vào đó, bạn đóng cửa nó lại và cho phép người Nga tiếp cận các thị trường châu Âu, đồng thời cầu xin Trung Đông xây dựng thêm năng lực sản xuất, bạn đã đặt Mỹ vào thế may rủi.”

Ông Pompeo nói thêm: “Đó chỉ là những sự thật không thể chối cãi. Đó là thực tế của thế giới mà chúng ta đang sống, và chính quyền Trump đã nghiêm túc về việc sử dụng sức mạnh của Mỹ như một lực lượng vì lợi ích của thế giới trong bối cảnh thực tế.”

Đối với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, ông Pompeo nói rằng “sai lầm lớn nhất” trong việc này là “sai lầm do chính Tổng tư lệnh thực hiện.”

“Để đặt ra thời hạn tùy ý, vô điều kiện”, ông Pompeo giải thích, đề cập đến cam kết công khai của TT Biden là rút tất cả khí tài trước ngày 31/8. “Và một khi đã xong, một khi bạn đặt ra ngày nhất định, thì kẻ xấu biết rằng chúng có thể thúc ép bạn – và đó đúng là những gì chúng đã làm.”

Cựu Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Taliban cũng từng “thúc ép chúng tôi.”

“Nhưng khi Taliban ép chúng tôi, chúng tôi đã cho chúng một trận”, ông Pompeo nói. 

Ông Pompeo tiếp tục mô tả về “thất bại của Mỹ trong việc đáp trả,” nói rằng điều đó “không thể chấp nhận được.” Ông chỉ trích việc Mỹ rút khỏi căn cứ Bagram một cách “kỳ lạ” trong khi vẫn còn hàng trăm người Mỹ phía sau.

Nhắc lại về tương tác của ông với các thành viên của Taliban trong chính quyền Trump, ông Pompeo nói rằng họ chỉ “hiểu một điều”: Đó là “sức mạnh. Họ hiểu sức mạnh của Mỹ,” ông nói.

Chính quyền Trump ban đầu đặt ra các điều kiện với Taliban để rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 5 năm 2021 nhưng với các điều kiện không có tài sản quân sự hoặc quân nhân nào của Mỹ bị tổn hại.

“Thế giới đang tìm kiếm sự lãnh đạo của người Mỹ,” ông tiếp tục. “Họ đang tìm kiếm một Tổng thống sẵn sàng hành động thực sự để bảo vệ những điều họ cho là quan trọng.”

“Tôi cầu nguyện cho họ khôi phục được uy tín của Mỹ”, ông Pompeo nói về chính quyền Biden. “Tôi nghĩ rằng họ có cơ hội để làm điều đó.”

Ông Pompeo đã được vinh danh tại Quỹ Nixon vì các thành tựu của ông trong chính quyền Trump.

Ông là nhân tố chính trong việc môi giới Hiệp ước Abraham, mà chính quyền Trump gọi là “thỏa thuận hòa bình lịch sử” giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vào thời điểm đó, Israel và UAE cũng cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực để “đạt được một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Israel – Palestine.”

Ông Pompeo cũng giúp môi giới thỏa thuận giữa Serbia và Kosovo, trong đó bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai nước, bao gồm cả việc Kosovo công nhận Israel và Serbia đồng ý chuyển đại sứ quán của mình đến Jerusalem.

Về kế hoạch tương lai, đã có nhiều đồn đoán về việc ông Pompeo sẽ chạy đua vào Nhà Trắng.

Về chủ đề đó, ông Pompeo nói với Fox News rằng ông đã “đấu tranh cho nền Cộng hòa của chúng ta, để bảo vệ quyền tự do ở Hoa Kỳ trong một thời gian dài.”

“Không có lý do gì để nghĩ rằng tôi sẽ làm bất cứ điều gì ngoài nỗ lực đó, để thúc đẩy những ý tưởng bảo thủ trong 20 hoặc 30 năm tới”, ông Pompeo nói.

Ông nói thêm: “Đó sẽ là vai trò gì? Chỉ có Chúa mới biết.”

 

TNS Marco Rubio kêu gọi sa thải đặc phái viên khí hậu Đảng Dân chủ vì ‘kiếm lợi từ lao động nô lệ’

 
 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio hôm thứ Sáu (ngày 15/10) đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden sa thải đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry sau khi xuất hiện báo cáo ông này có cổ phần trong một công ty Trung Quốc. Công ty này đầu tư tiền vào một doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen vì lạm dụng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ông Rubio cho biết trong bài viết của mình rằng sa thải ông Kerry không phải là một vấn đề đảng phái vì các báo cáo cho biết ông này và vợ đã đầu tư hơn 1 triệu đô-la Mỹ vào Hillhouse China Value Fund LP. Tập đoàn đầu tư Trung Quốc này lại rót tiền cho một trong những “cổ đông hàng đầu” là một công ty công nghệ Trung Quốc có tên YITU Technology. YITU đã bị chính quyền Trump liệt vào danh sách đen vào năm 2019 vì” đồng lõa trong việc giám sát, giam giữ và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm người khác”. Theo ông Rubio, điều này có nghĩa là đặc phái viên” dường như kiếm lợi từ lao động nô lệ.

Thượng nghĩ sĩ Rubio nói: “Đó phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng chính quyền Biden và một số đảng viên Đảng Dân chủ đang rất khao khát một thỏa thuận hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến mức họ sẵn sàng bỏ qua việc chế độ này sử dụng lao động nô lệ”. Ông cho rằng Đảng Dân chủ quan tâm đến thỏa thuận với ĐCSTQ về vấn đề khí hậu đến mức họ sẵn sàng bỏ qua việc ông Kerry thu lợi từ lao động nô lệ.

image.png

Thượng nghị sĩ Rubio còn cáo buộc “cách chơi” của Tổng thống Biden cũng giống như phần lớn các tập đoàn ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông để ông được bầu làm tổng thống. Ông Rubio chỉ ra “các tập đoàn vô quốc gia” như Nike, Apple và Amazon, những tập đoàn đã cống hiến nhiều nhất cho ông Biden và tất cả “được hưởng lợi từ lao động nô lệ hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp”.

 

Thống đốc DeSantis cam kết phản đối quy định tiêm vắc-xin COVID của ông Biden

image.png


Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida cam kết sẽ phản đối đến cùng quy định tiêm vắc-xin COVID-19 của Tổng thống Joe Biden áp đặt lên các công ty và nhân viên.

Tờ Politico đưa tin, hôm thứ Năm (14/10), thống đốc Đảng cộng hòa thông báo, Florida sẽ thách thức quy định tiêm chủng của Tổng thống Biden tại tòa án liên bang và thông qua luật pháp.

Trong một cuộc họp báo tại Fort Myers, Thống đốc DeSantis nhấn mạnh: “Đừng để ông Biden tước đoạt và đe dọa tước đoạt công việc của những người đã nỗ lực chăm chỉ trong suốt thời gian đại dịch này. Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi một nhân viên cảnh sát có khả năng bị mất việc.”

Phát biểu của thống đốc Florida được đưa ra ba ngày sau khi Thống đốc Greg Abbott của bang Texas, một thành viên Đảng Cộng hòa, ban hành một lệnh hành pháp cấm tất cả các quy định tiêm vắc-xin COVID-19 của bất kỳ tổ chức nào ở Texas, bao gồm các công ty tư nhân.

Hôm thứ Năm (14/10), Thống đốc DeSantis cho biết, đơn kiện của những người dân tại Florida phản đối quy định tiêm vắc-xin của liên bang sẽ được nộp lên Tòa Phúc thẩm số 11 của Hoa Kỳ.

Đầu tháng trước, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch ban hành quy định tiêm vắc-xin dành cho nhân viên liên bang và các doanh nghiệp tư nhân có hơn 100 nhân viên.

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Thống đốc DeSantis cho rằng, tiêm chủng nên là sự lựa chọn cá nhân, và những người có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 sau khi khỏi bệnh nên được miễn trừ quy định tiêm chủng.

Theo tờ Politico, Thống đốc DeSantis nhận định: “Tôi chỉ nghĩ rằng về cơ bản là sai lầm khi tước đoạt công việc của mọi người, đặc biệt trong những tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt với nền kinh tế [còn đang trì trệ].”

Thống đốc DeSantis đã trở thành một ứng cử viên tiềm năng cho đề cử tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa kể từ khi đại dịch bắt đầu do ông đã phản đối các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID, chẳng hạn như giấy thông hành vắc-xin, quy định đeo khẩu trang, và lệnh phong tỏa. 

Nhiều học khu và thành phố của bang Florida đã tuân thủ lệnh của thống đốc. Tháng trước, thành phố Gainesville đã bãi bỏ quy định tiêm vắc-xin của mình sau khi đối mặt với những lời đe dọa của Thống đốc DeSantis.

Politico đưa tin, hơn 200 nhân viên của thành phố này đã nộp đơn kiện chống lại chính quyền Gainesville tại tòa án tiểu bang. Thống đốc DeSantis tiết lộ, một số nhân viên cảnh sát của thành phố này đã sắp bị sa thải.

Thống đốc DeSantis đã ca ngợi lực lượng cảnh sát: “Họ không thể nào làm việc tại nhà, họ đã không dùng Zoom để bảo vệ chúng ta và không làm loại công việc bảo vệ công chúng trên Zoom, họ phải ở ngoài đó. Họ đã ở đó toàn bộ thời gian.”

Thống đốc Đảng Cộng hòa đã và đang chống lại các học khu trong tiểu bang không tuân thủ lệnh của ông, bao gồm việc giảm lương của các viên chức trường học áp đặt các yêu cầu đeo khẩu trang mà không đưa ra chính sách lựa chọn cho phụ huynh.

Chính quyền Biden đã cung cấp hơn 500.000 đô la hỗ trợ tài chính cho các viên chức trường học.

Bộ Y tế Florida gần đây còn áp đặt một khoản tiền phạt 3,57 triệu đô la đối với Quận Leon thuộc tiểu bang này, do đã sa thải 14 nhân viên không tiêm chủng COVID-19. Trước đó, Quận Leon đã yêu cầu hàng trăm nhân viên của mình phải tiêm vắc-xin.

 

EU và Trung Quốc đồng ý tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh

 
 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm thứ Sáu (ngày 15/10) cho biết sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ sớm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh, theo hãng tin Reuters.

Ông Michel viết trên Twitter: “Về quan hệ EU-Trung Quốc, bất chấp những khác biệt, đối thoại vẫn rất quan trọng. Hai bên nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc và củng cố đối thoại”.

Một quan chức EU cho biết: “Trong cuộc gọi, các nhà lãnh đạo đã xác nhận ý định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc tiếp theo. Họ cũng sẽ xem xét một cuộc họp với tất cả các thành viên của Hội đồng châu Âu ở giai đoạn sau”. Vị quan chức này đề cập đến một Hội nghị Thượng đỉnh riêng biệt với tất cả 27 nhà lãnh đạo quốc gia EU.

Cùng với Hoa Kỳ, Anh và Canada, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vào ngày 22/3 vì vi phạm nhân quyền. EU ngay lập tức bị Bắc Kinh trả đũa bằng cách trừng phạt các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu. Căng thẳng gia tăng, thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã bị đóng băng.

Quan chức EU nói: “EU cho rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu là phi lý và không thể chấp nhận được. EU sẽ tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn”.

EU cũng đã đề ra chiến lược riêng để tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

Một quan chức EU nói về cuộc điện đàm với ông Tập rằng: “Chủ tịch Michel nhắc lại những lo ngại của EU về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc”, đồng thời cho biết việc Trung Quốc điều máy bay quân sự tới gần Đài Loan là mối quan ngại, cũng như các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông.

 

Những ‘thành phố ma’ không thể bán được ở Trung Quốc có thể chứa được tất cả công dân Đức

 
 

Có chuyên gia ước tính rằng với lượng bất động sản chưa bán được ở Trung Quốc hiện tại là đủ sức chứa toàn bộ dân số của cộng hòa liên bang Đức…

Sự tan rã của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Hằng Đại (Evergrande) đã làm dấy lên sự chú ý trên toàn cầu, và các nhà đầu tư đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra với khoản nợ khổng lồ của tập đoàn này. Theo báo cáo của CNN, các chuyên gia đã phân tích một vấn đề tiềm ẩn sâu hơn: thị trường bất động sản Trung Quốc đã dư cung trong nhiều năm. Trước khi Hằng Đại phá sản, hàng chục triệu căn hộ bị bỏ trống trên khắp Trung Quốc. Trong những năm gần đây, vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Macro, Mark Williams, ước tính rằng vẫn còn khoảng 30 triệu bất động sản chưa bán được ở Trung Quốc với sức chứa 80 triệu người. Đây là gần như toàn bộ dân số của cộng hòa liên bang Đức.

Quan trọng nhất, theo ước tính của Capital Investment, khoảng 100 triệu bất động sản có thể đã được mua nhưng chưa được sử dụng, có thể chứa khoảng 260 triệu người. Vấn đề này đã thu hút nhiều sự chú ý trong nhiều năm và thậm chí khu vực rộng lớn của các bất động sản kiểu này còn được gọi là “thị trấn ma” của Trung Quốc.

Về nguyên nhân gây ra vấn đề này, ông Williams nói rằng ngành bất động sản luôn là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 30% GDP. Trong nhiều thập kỷ, điều này đã giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Nhưng trong nhiều năm, các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu động cơ tăng trưởng này có đang tạo ra một quả bom hẹn giờ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không. Điều này một phần là do nhiều chủ đầu tư đã vay những khoản nợ khổng lồ để tài trợ cho các dự án của họ.

Là nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất ở Trung Quốc, Tập đoàn Hằng Đại đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự tăng trưởng không bền vững với khoản nợ phải trả vượt 300 tỷ USD. Christina Zhu, nhà kinh tế tại Moody’s Analysis, cho biết: “Tuy nhiên, Hằng Đại không phải là công ty duy nhất gặp khó khăn. Trong vài ngày qua, nhiều chủ đầu tư khác đã tiết lộ các vấn đề về dòng tiền của chính họ, yêu cầu người cho vay thêm thời gian để trả nợ hoặc cảnh báo về khả năng vỡ nợ.

Bà Zhu viết trong một báo cáo gần đây rằng 12 công ty bất động sản Trung Quốc không trả được nợ trái phiếu trong nửa đầu năm nay, tổng trị giá khoảng 19,2 tỷ NDT (tương đương gần 3 tỷ USD). Bà nói thêm: “Con số này chiếm gần 20% tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay, cao nhất trong số tất cả các ngành ở Trung Quốc”.

Bà Zhu tiếp tục chỉ ra rằng trong vài tháng qua, “các biện pháp tăng giá, khởi công nhà ở và bán hàng” đã bị giảm mạnh. Bà cho biết thêm, trong tháng 8, doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Williams viết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: “Nhu cầu nhà ở của Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên giảm liên tục. Các nhà kinh tế nói rằng hầu hết các bất động sản mới ở Trung Quốc (khoảng 90%) đã được bán trước khi hoàn thành, điều đó có nghĩa là bất kỳ trở ngại nào của các nhà xây dựng nhà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người mua”.

Theo phân tích mới đây của Bank of America, Tập đoàn Hằng Đại đã bán 200.000 căn nhà chưa bàn giao cho người mua. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nhà phát triển lớn thứ hai của đất nước có thể để người mua nhà ra về tay trắng.

Trong những tuần gần đây, chính phủ đã chuyển trọng tâm sang giảm tác động của cuộc khủng hoảng và bảo vệ các công dân bình thường. Trong một tuyên bố vào cuối tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết “duy trì sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nhà ở”. Mặc dù Tập đoàn Hằng Đại không được đề cập cụ thể, nhưng ngân hàng trung ương gần đây đã bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính để giúp ổn định tình hình và xoa dịu bức xúc của xã hội.