Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - tấm lòng tri ân của Nhân dân

Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - tấm lòng tri ân của Nhân dân
10/16/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

IMG_20180318_084600.jpgIMG_20180318_092231.jpgIMG_20180318_085230.jpg
Ảnh: 7 Hiền
 

(10:53 | 12/10/2020)

 

Hàng năm, cứ vào ngày 26, 27 và 28/8 âm lịch, Nhân dân khắp nơi hội tụ về đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá để thành kính dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đức tài, chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

 

Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống, ngày càng được nâng lên về quy mô và có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Vào những ngày này, khu vực xung quanh Di tích lịch sử - văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Khách thập phương nối gót nhau đến đình và Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực thắp hương, tưởng nhớ, tri ân cụ Nguyễn. Điều đó cho thấy rằng, công chức của cụ Nguyễn luôn được mọi người nhớ đến và tri ân.

Lễ Dâng hương kỷ niệm 151 năm AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2019) tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực - Ảnh: Thế Hạnh

Từ bao đời nay, Nhân dân Việt Nam luôn thể hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao của những vị anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh vì đất nước, có công gây dựng một vùng đất cho hậu thế và đó là một nét đẹp trong văn hóa Việt. Một trong những hình thức phổ biến để nhớ đến công lao của người đã khuất đó là tổ chức những lễ hội nhân ngày đặc biệt, tạo nên sự kiện tôn vinh người có công. Trong lễ hội, phần lễ là nghi thức tế bái mang tính tâm linh, tỏ lòng thành kính đến các bậc thánh thần, tiền nhân. Phần hội được tổ chức để góp phần thu hút mọi người đến và tham gia lễ hội, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Mặc dù dưới thời thuộc Pháp, việc cúng viếng AHDT Nguyễn Trung Trực bị cấm đoán gắt gao, nhưng Nhân dân các tỉnh Long An, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… vẫn bí mật thờ và tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn. Càng về sau, việc kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trung Trực trở thành một hoạt động văn hóa có tính truyền thống và có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút hàng triệu lượt người dân khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác về tham dự.  

Nét độc đáo mỗi khi nói đến Lễ hội Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá hàng năm, Ban Tổ chức nhận được sự chia sẻ, đồng hành của bà con khắp nơi từ vật chất đến công sức và tất cả vì thành công của Lễ hội, với một lòng hướng về vị anh hùng của dân tộc. Lễ hội Nguyễn Trung Trực thường kéo dài trong 03 ngày, từ ngày 26 đến 28/8 âm lịch, thế nhưng, nhiều người đã đến đình trước đó hơn tuần lễ. Ai cũng mong muốn hòa vào không khí trang trọng, thiêng liêng của phần lễ; sự náo nhiệt, vui tươi của phần hội bằng tất cả lòng biết ơn, sự tôn kính đối với vị anh hùng đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá - Ảnh: Quỳnh Như

Bằng nhiều hình thức khác nhau, người đi hội từ khắp nơi mang về cúng đình những gì họ có thể để thể hiện tấm lòng của mình đối với cụ Nguyễn như: tài vật, rau củ, quả, gạo, đường… Và đến ngày giỗ cả ngày lẫn đêm gần 4.000 người từ các địa phương tình nguyện, thay nhau dọn dẹp, chế biến, tiếp đãi miễn phí cơm chay, nước uống mỗi ngày cho hàng trăm ngàn du khách đến viếng đình. Họ làm nhiệt tình có trách nhiệm, tự giác, tự nguyện hăng hái chỉ để tỏ chút lòng thành với ông bà.

Kinh phí tổ chức chủ yếu do người dân và các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. Đây là một mô hình Lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rất cao, người đi hội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong Lễ hội, tạo nên sự cố kết chặt chẽ tất cả những thành phần tham gia Lễ hội. Người dân đến chiêm bái bằng cái tâm, tự hào về truyền thống của một vị anh hùng.

Đến với Lễ hội Nguyễn Trung Trực, chúng ta được dịp hoài niệm về quá khứ bởi những hoạt động của lễ hội. Phần lễ luôn được tổ chức trang trọng, thành kính trên cơ sở những nghi lễ truyền thống, vừa mang được ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm một cách thiết thực; là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi ơn; luôn tự hào với gương hy sinh oanh liệt của AHDT Nguyễn Trung Trực.

Lễ hội được xem là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc, mang giá trị thời đại to lớn. Ngoài ý nghĩa tôn vinh vị anh hùng của dân tộc, tỉnh còn muốn qua hình ảnh của Cụ Nguyễn để giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của Nhân dân Kiên Giang và giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam chung thủy sắt son, đoàn kết một lòng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, Lễ hội Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá là một lễ hội cộng đồng đặc biệt, có sức sống mãnh liệt trong đời sống Nhân dân mà rất ít lễ hội nào ở Việt Nam có được. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Lễ hội truyền thống AHDT Nguyễn Trung Trực đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội kỷ niệm 152 năm AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh, diễn ra từ ngày 12 đến 14/10/2020 (nhằm 26 đến 28/8) trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan nên Ban Tổ chức Lễ hội không tổ chức quy mô như hàng năm để tránh tập trung đông người, chỉ tổ chức phần lễ đảm bảo trang trọng và ý nghĩa. Người dân vẫn có thể đến viếng, dâng hương để bày tỏ tấm lòng của mình đối với AHDT Nguyễn Trung Trực nhưng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.