ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 20/10 - Nam Giang tổng hợp

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 20/10 - Nam Giang tổng hợp
10/20/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Florida không bắt buộc tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang, số ca nhiễm đang giảm dần 
image.png
Trong hai tuần qua, ở Florida với rất ít quy định bắt buộc như tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang, số ca mắc trung bình đã giảm 33%. 

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, bang Florida của Hoa Kỳ không phong tỏa thành phố, không đóng cửa các cơ sở kinh doanh, không bắt người dân tự tránh dịch ở nhà, không bắt buộc tiêm phòng, không bắt đeo khẩu trang. Kết quả là họ đã liên tục bị chỉ trích bởi những người cánh tả, nhưng xét về số ca nhiễm bình quân đầu người, tình hình ở Florida tốt hơn hầu hết các bang khác ở Hoa Kỳ.

Theo bản đồ COVID-19 và số ca nhiễm được công bố bởi New York Times, số ca nhiễm bình quân tính trên 100.000 người ở Florida là 14 ca, đứng thứ ba ở Hoa Kỳ. Chỉ có hai bang có tỷ lệ này tốt hơn Florida, đó là Louisiana với 13 ca và Hawaii là 9 ca.

Phần giải thích của New York Times viết: “Bảng này được sắp xếp theo thứ tự từ nhiều ca nhất đến ít ca nhất tính trên 100.000 dân trong 7 ngày qua. Biểu đồ hiển thị mức thay đổi trung bình hàng ngày và mỗi biểu đồ có tỷ lệ riêng.”

California và Florida ngang hàng nhau, với tỷ lệ trung bình là 14 ca trên 100.000 dân. Nhiều bang thuộc đảng Dân chủ có con số cao hơn nhiều so với California. Ví dụ, tỷ lệ này ở Michigan có 43 ca, Pennsylvania là 35 ca và New York là 23 ca.

Trong hai tuần qua, Florida đã giảm 33% số ca nhiễm, vượt trội so với California (giảm 16%) và bang New York (giảm 8%). Điều đáng chú ý là trong 14 ngày qua, Washington DC đã tái triển khai lệnh đeo khẩu trang, kết quả là số lượng các ca nhiễm đã tăng 2%. Bang Michigan cũng đã tăng 8% trong cùng kỳ.

Nhìn chung, tính đến ngày 18/10, số ca trung bình hàng ngày ở Florida là 3.042 ca. Trong 14 ngày qua, số người nhập viện giảm 40% và số người tử vong giảm 5%.

Vào thời điểm công bố những dữ liệu này, Thống đốc đảng Dân chủ của Illinois, ông JBPritzker, cũng đã tái thực hiện quy định đeo khẩu trang vì lo ngại về sự lây lan của virus. Theo New York Times, tỷ lệ ca nhiễm ở bang này là 24 ca tính trên 100.000 dân, mặc dù có quy định đeo khẩu trang nhưng số ca nhiễm đã tăng 11% trong 14 ngày qua.

Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida chưa từng yêu cầu thực hiện quy định đeo khẩu trang trên toàn bang trong thời gian xảy ra đại dịch, sau này cũng không có yêu cầu tiêm chủng bắt buộc nào. Vì vậy, ông đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ cựu Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và các thống đốc đảng Dân chủ khác. Tuy nhiên, có một thực tế là tình hình tại các bang thuộc đảng Dân chủ này còn tệ hơn nhiều về số ca tử vong lẫn ảnh hưởng đến kinh tế.

Hiện nay, khi chứng kiến một số liệu thống kê tốt như vậy ở Florida, hơn nữa tình hình ngày càng tốt hơn, những người từng chỉ trích Florida không thực hiện các biện pháp bắt buộc trong đại dịch cũng không có lời nào để nói. Kênh Yahoo News thậm chí còn đăng một bài báo vào hôm thứ Ba (ngày 19/10) với tiêu đề “Các nhà phê bình DeSantis đã im lặng khi số ca nhiễm COVID-19 ở Florida giảm“
 
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ nhiễm COVID-19 dù đã chủng ngừa đầy đủ
image.png
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas hôm thứ Ba (19/10, giờ địa phương) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 mặc dù ông đã chủng ngừa đầy đủ.

Phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Marsha Espinosa nói rằng ông Mayorkas “đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào sáng nay [19/10] sau khi thực hiện xét nghiệm thường lệ theo quy định trước khi công du”.

Bà Espinosa cho biết thêm: “[Ông] Mayorkas chỉ đang biểu hiện triệu chứng nhẹ; ông đã tiêm chủng đầy đủ và sẽ cách ly, làm việc tại nhà theo các quy định và khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch [CDC]. Giới chức đang truy dấu những người tiếp xúc với ông Mayorkas”.

Bộ trưởng An ninh Nội địa dương tính với COVID-19 sau khi ông tham dự một buổi lễ cùng Tổng thống Joe Biden vào Chủ Nhật (17/10). Hiện chưa rõ ông Mayorkas có tiếp xúc gần với ông Biden hay không.

Trong sự kiện hôm 17/10, ông Biden có nói: “Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng An ninh Nội địa vì ông đang có mặt ở đây và vì công việc tuyệt vời mà ông đang làm cho chúng ta. Cảm ơn ông rất, rất nhiều. Đó là một công việc khó khăn”.

Các bức ảnh về buổi lễ hôm 17/10 do Bộ An ninh Nội địa đăng công khai trên mạng internet cho thấy ông Mayorkas đứng ngay sát Đệ nhất phu nhân Jill Biden và bà Jill đứng cạnh Tổng thống Biden. Theo các bức ảnh, ông Mayorkas cũng đứng cạnh Giám đốc FBI Christopher Wray.

Tổng thống Biden đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Cách đây vài tuần, tổng thống 78 tuổi cũng đã tiêm liều vắc-xin thứ ba.

Bộ trưởng Mayorkas, 61 tuổi, dự kiến sẽ cùng Ngoại trưởng Antony Blinken công du Colombia, nhưng sau khi nhiễm COVID-19, ông đã hoãn chuyến đi này và tự cách ly tại nhà.

Ông Mayorkas không phải là trường hợp quan chức cấp cao Mỹ duy nhất bị nhiễm COVID-19 sau khi đã chủng ngừa đầy đủ. CDC gọi các ca dương tính với COVID-19 khi đã chủng ngừa là các ca dương tính “đột phá”.

Đầu tuần này, cựu Ngoại trưởng, Đại tướng về hưu Colin Powell, 84 tuổi, đã qua đời do các biến chứng sau khi bị bệnh COVID-19, theo gia đình của ông Powell. Ông đã chủng ngừa vắc-xin COVID-19 đầy đủ, nhưng cũng bị bệnh nền ung thư máu.

Nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đã dương tính với COVID-19 sau khi chủng ngừa đầy đủ, trong đó có phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Đảng Cộng hòa, bang Nam Carolina). Ông Graham nhiễm COVID-19 vào đầu tháng Tám và trở thành nghị sĩ liên bang đầu tiên có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi đã chủng ngừa đầy đủ.

Hai dân biểu Joseph Morelle (Đảng Dân chủ, bang New York) và Darren Soto (Đảng Dân chủ, bang Florida) vài ngày gần đây cũng đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 dù đã chủng ngừa đầy đủ.
 
 

Chính phủ Ý không cấp Thẻ xanh cho người tiêm vắc-xin Trung Quốc

 
 

Theo hãng tin Reuters, một trong những cộng đồng người Hoa lớn nhất ở Ý cho biết họ đang bị trừng phạt không công bằng bởi thẻ xanh COVID-19 bắt buộc của chính phủ và đã yêu cầu chính quyền giải thích các quy tắc một cách linh hoạt.

Cộng đồng 25.000 người Hoa ở thành phố Prato của Tuscan, sinh sống dựa vào ngành công nghiệp dệt may địa phương. Chính phủ Ý bắt buộc áp dụng thẻ xanh ở nơi làm việc từ ngày 15/10. Nhiều người đã được tiêm vắc-xin Trung Quốc Sinovac, tuy nhiên loại vắc-xin này không đủ tiêu chuẩn để cấp cho Thẻ xanh.

Người đứng đầu cộng đồng người Hoa của Prato, Luca Zhou Long, đã viết thư cho Chủ tịch Eugenio Giani của Tuscany yêu cầu ông giải quyết “rào cản” ngăn cản nhiều người Trung Quốc đi làm.

Ông Long viết trong bức thư được công bố hôm thứ Ba rằng: “Rõ ràng là tình trạng này gây ra những khó khăn đáng kể cho sản xuất, không phải do thiếu vắc-xin mà do không thể có được giấy chứng nhận”.

Các loại vắc-xin duy nhất được Ý công nhận cho Thẻ xanh là Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca. Thủ tướng Mario Draghi đã bày tỏ sự hoài nghi cá nhân đối với vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ông nói vào tháng Sáu rằng: “Vắc-xin của Trung Quốc… đã cho thấy bản thân nó không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu”.

 

Gordon Chang: Nếu TQ tấn công bằng tên lửa siêu thanh, sẽ không có cảnh báo
image.png
Trung Quốc có thể sẽ không thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân vào Hoa Kỳ, nhưng nếu có, cuộc tấn công đó sẽ xảy ra mà không có bất kỳ cảnh báo nào do bản chất của công nghệ này, chuyên gia Trung Quốc Gordon Chang cảnh báo trên Newsmax hôm thứ Hai.

“Chúng ta không có gì có thể so sánh được, điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc muốn, họ có thể tấn công Mỹ và chúng ta sẽ không có cảnh báo nào cả”, ông Chang nói trên chương trình “Wake Up America” của Newsmax khi bình luận về các báo cáo rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một trong những tên lửa siêu thanh hồi tháng 7. Ông cho biết: “Với tên lửa đạn đạo, chúng ta còn có thể có 25 phút, nửa giờ cảnh báo.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào đầu ngày thứ Hai đã bác bỏ các cáo buộc về tên lửa siêu thanh, nói rằng họ chỉ thử nghiệm một tàu vũ trụ.

Tờ Financial Times trước đó trích dẫn độc quyền năm nguồn tin hôm Thứ Bảy (ngày 16/10), cho biết vào tháng Tám năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh để đưa một phương tiện siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân lướt vào quỹ đạo không gian Trái Đất ở quỹ đạo thấp. 

Mặc dù đã đi chệch hướng 32 km nhưng cuộc thử nghiệm này vẫn xác minh “tiến bộ đáng kinh ngạc” của ĐCSTQ về vũ khí siêu thanh, vượt quá dự liệu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Mặc dù ĐCSTQ thường thông báo về các vụ phóng tên lửa, nhưng cuộc thử nghiệm này đã được giữ kín.

Theo Financial Times, tình báo Hoa Kỳ “không biết Trung Quốc đã làm điều này như thế nào”.

Ông Chang cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang nhắm vào Hoa Kỳ với một cuộc tấn công tuyên truyền “ác ý” và đang “tạo lý do cho một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ”.

Trong khi Chang nói ông không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phóng một trong những tên lửa siêu thanh vào Hoa Kỳ, nhưng ông cho rằng có những lo ngại rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ bất ngờ thực hiện một hành động chính trị nào đó đối với Washington một cách bất ngờ.

Hoa Kỳ có “quan niệm rằng chúng ta vượt trội về mặt quân sự so với người khác”, nhưng các báo cáo về vụ phóng tên lửa siêu thanh [của Trung Quốc] đã khiến nhiều người trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phải đặt câu hỏi về điều đó, ông tiếp tục.

Ông Chang nói: “Về vấn đề chuyển giao vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đang đi trước chúng ta rất xa.” “Chúng ta không có cách nào để bắn hạ thứ này. Chúng ta có 44 tên lửa đánh chặn ở Alaska và California. Không cách nào chúng có thể làm được điều này.”

Ngay cả khi tên lửa bắn trượt mục tiêu, độ chính xác của nó sẽ được cải thiện với nhiều cuộc thử nghiệm hơn, ông Chang nhấn mạnh.

Ông Chang cũng thảo luận về Thế vận hội Bắc Kinh sắp tới, kêu gọi Hoa Kỳ tẩy chay vì các hành động của Trung Quốc với đại dịch COVID-19 và đối với người dân nước này.

Ông Chang nói: “Theo công ước diệt chủng năm 1948, chúng ta có nghĩa vụ ngăn chặn và trừng phạt các hành vi diệt chủng mà Trung Quốc đang thực hiện,” đề cập đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. “Thậm chí ngay cả Bộ Ngoại giao của ông Blinken cũng nói rằng Trung Quốc phạm tội [diệt chủng].”

 

Nhân quyền Cuba: Người biểu tình bị đàn áp và bắt giữ tùy tiện trong tháng 7
image.png
Ngày 19/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay, chính phủ Cuba đã tùy tiện bắt giữ, đánh đập và ngược đãi những người tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng 7 năm nay, nhằm gây ra nỗi sợ hãi cho dân chúng và kiềm chế những người bất đồng chính kiến.

Một người đàn ông bị bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối chế độ cầm quyền Cuba tại Arroyo Naranjo Municipality, Havana ngày 12/7/2021 (Ảnh: Getty Images)

Hàng nghìn người Cuba đã tuần hành trong cuộc biểu tình lớn nhất vào ngày 11/7, làm rung chuyển đất nước do chế độ cộng sản điều hành kể từ cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959. Lực lượng an ninh đã dập tắt các cuộc biểu tình trong bối cảnh hàng loạt vụ bắt giữ và một số người bị ghi nhận là đã tử vong. Đường phố của quốc đảo này kể từ đó hầu như không còn yên tĩnh.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, họ đã xác nhận ít nhất 130 trường hợp lực lượng an ninh vi phạm quy trình tố tụng, đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc cưỡng bức các công dân Cuba tham gia cuộc biểu tình mà tổ chức này mô tả là “các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quá đỗi ôn hòa”.

Cuba đã bác bỏ các báo cáo về các vụ đàn áp hoặc tra tấn có hệ thống. Chính phủ đổ lỗi cho các cuộc biểu tình là do Hoa Kỳ can thiệp, khẳng định Hoa Kỳ đã công khai tìm cách ép buộc quốc đảo láng giềng phải cải cách thông qua các biện pháp trừng phạt và tài trợ cho các chương trình dân chủ trong nhiều thập kỷ qua.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát và quân đội Cuba từ các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các nhà hoạt động, nạn nhân, người thân, nhà báo và luật sư của họ, cũng như từ các hồ sơ vụ án, báo chí và hình ảnh và video.

Nhà nghiên cứu Juan Pappier của HRW nhấn mạnh: “Khi hàng nghìn người Cuba xuống đường biểu tình vào tháng 7, chính phủ Cuba đã đáp trả bằng một chiến lược đàn áp tàn bạo nhằm gây ra nỗi sợ hãi và trấn áp những người bất đồng chính kiến.”

Theo nhóm nhân quyền Cuba Cubalex, hơn 1.000 người đã bị bắt giữ, và hiện ít nhất 500 người vẫn đang bị giam giữ hoặc quản thúc tại gia.

Người dân Cuba đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong vài năm qua, cũng như tình trạng mất điện trên diện rộng kể từ tháng 6. Các vấn đề này thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch kéo dài suốt hai năm đã đóng cửa ngành du lịch toàn cầu, trong khi đây là một trong những lĩnh vực chính giúp kinh tế Cuba phát triển.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Jose Miguel Vivanco cũng trao đổi với các phóng viên ở Miami: “Họ xuống đường vì họ không còn gì để mất. Và, chính phủ lại trực tiếp cho họ thấy rằng họ còn rất nhiều thứ để mất.”

Các cáo buộc lạm dụng được đưa ra chỉ vài tuần trước một cuộc tuần hành khác của những người bất đồng chính kiến, dự kiến diễn ra vào ngày 15/11 sắp tới. Đây cũng sẽ là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ ngày 11/7. Chính phủ Cuba đã tuyên bố cuộc tuần hành được lên lịch cùng ngày quốc đảo Caribe có kế hoạch mở cửa trở lại du lịch quốc tế này là bất hợp pháp.

Ông Vivanco nhận định, có khả năng chính phủ sẽ chuẩn bị kỹ hơn nhiều trong khoảng thời gian này liên quan đến cuộc biểu tình sắp tới. “Chúng tôi sẽ xem liệu, vào ngày 15/11, người dân Cuba… có được phép thực hiện quyền biểu tình ôn hòa của họ không, hay liệu họ có chùn bước vì sợ hãi hay không.”
 
 

Vì sao Trung Quốc lại sợ thuế quan và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ?

image.png

Các lệnh trừng phạt và thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Chính quyền mới cũng đang thực thi các mức thuế và hạn chế này.

Tiếp tục áp dụng hạn chế thương mại với Trung Quốc như thời chính quyền Trump, trong 10 tháng đầu cầm quyền, chính quyền Biden đã cấm nhập khẩu một số nguyên liệu từ Tân Cương và trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền tại khu vực này, hỗ trợ NATO chuyển trọng tâm sang Trung Quốc, tuyên bố chính quyền Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu. 

Trước đó, chính quyền Trump cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc, chặn 59 công ty Trung Quốc vì có quan hệ quốc phòng với chính quyền Bắc Kinh, chống lại các công ty viễn thông Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia và có vẻ như nhiều quốc gia khác cũng đang đi theo lộ trình tương tự.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết thuế quan thời Trump vẫn tồn tại cho đến nay; trong khi đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai có thể sẽ khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 đối với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến nhiều mức thuế quan hơn.

Khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan ban đầu, họ đã nhắm rõ mục đích đẩy các nhà sản xuất Hoa Kỳ và nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người hy vọng rằng điều này sẽ đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán để Tai và các quan chức khác có thể đàm phán các điều khoản thương mại công bằng hơn với Trung Quốc, hoặc sự ra đi của các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài sẽ chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc với tư cách là “công xưởng của thế giới”.

Thuế quan đã trở thành một chủ đề phân cực chính trị ở Hoa Kỳ. Nhiều chính trị gia và phương tiện truyền thông nổi tiếng đã cố gắng lên án thuế quan, nói rằng chúng không có tác dụng. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng là bất chấp chi phí tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng cao, thuế quan vẫn là đòn đánh hiệu quả lên nền kinh tế Trung Quốc.

Một bài báo của Washington Post cho thấy các mức thuế quan mới của Hoa Kỳ trong năm 2018 và 2019 đã khiến hơn 1.800 công ty con do Hoa Kỳ tài trợ phải dừng tất cả các hoạt động tại Trung Quốc, tăng 46% so với năm trước. Và con số này chỉ bao gồm các công ty Hoa Kỳ. Các công ty nước ngoài cũng đang học theo Hoa Kỳ – chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bao gồm Samsung Electronics của Hàn Quốc và LG Electronics, cũng như các nhà sản xuất giày Puma và Adidas của Đức,….

Thuế quan của Hoa Kỳ đã tạo ra một lỗ hổng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Khi Bắc Kinh vật lộn với một nền kinh tế đại dịch, các vấn đề vận chuyển, khủng hoảng tín dụng, thiếu điện, vỡ nợ bất động sản và đàn áp của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lên mọi thứ, thuế quan thành công ngăn cản Trung Quốc dựa vào xuất khẩu để kéo nó ra khỏi vũng lầy kinh tế.

Thuế quan là một trong nhiều công cụ trong kho vũ khí của Hoa Kỳ để bảo vệ thương mại Mỹ, nền kinh tế Mỹ và cuối cùng là người lao động Mỹ. Nhiều tổng thống Hoa Kỳ đã phớt lờ những lời khiển trách từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc các tổ chức quốc tế về việc áp đặt thuế quan thương mại, coi việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ là việc trong nước. Các chính quyền trước đây đều tin rằng Hoa Kỳ có quyền tự vệ, và có vẻ như Yellen và Tai đều duy trì niềm tin tương tự.

Khi WTO ra phán quyết rằng Hoa Kỳ không có quyền áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc vì chuyển giao công nghệ bắt buộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã rất vui mừng. WTO đã đi đến quyết định này, mặc cho thực tế là luật đầu tư nước ngoài của Trung Quốc quy định rõ ràng rằng các thực thể nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Sau đó, Đại diện Thương mại  Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã lên tiếng phản đối rằng Hoa Kỳ có quyền bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Trong khi đó, ĐCSTQ đã nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên đưa những bất bình của mình lên WTO, thay vì tự giải quyết vấn đề.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, Hoa Kỳ đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại: 60.000 nhà máy đóng cửa, mất 4 triệu việc làm. Năm 2001, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa trị giá 102 tỷ đô la từ Trung Quốc. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 435 tỷ USD.

Ngoài việc mất việc làm, còn có những tác động đến an ninh quốc gia khi phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Đại dịch đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc xây dựng lại cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ, thay vì dựa vào quốc gia khác. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, khuyến khích người Mỹ mua hàng nội địa. Người Mỹ càng mua nhiều sản phẩm trong nước, thì càng có nhiều nhà máy và việc làm được tạo ra, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Thực tế là thuế quan đã bảo vệ lợi ích của người Mỹ trong các chính quyền trước đây. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra WTO số vụ kiện Trung Quốc nhiều gấp đôi so với chính quyền tiền nhiệm. Cùng với chính sách Sản xuất tại Mỹ, ông đã áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc, điều này làm tăng sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ. Các mức thuế nhôm thời Trump đã cứu ngành công nghiệp nhôm của Hoa Kỳ, hồi sinh ngành sản xuất, tạo việc làm và thu hút đầu tư. Thuế quan cũng có thể gửi một tín hiệu đến các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép của Hàn Quốc khiến Hàn Quốc tự nguyện giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Thương mại với Trung Quốc không phải là miễn phí. Ngay cả trước chiến tranh thương mại, mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vẫn là 8%, cao hơn gấp đôi so với 3,1% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Thương mại với Trung Quốc cũng không công bằng. Các công ty Hoa Kỳ buộc phải cạnh tranh trong thị trường trợ cấp của nhà nước và mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, trung bình khoảng 20%. Các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn bởi các hạn chế tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Thuế quan và các hạn chế khác đối với Trung Quốc sẽ khiến ĐCSTQ không có tiền để hiện đại hóa quân đội, đồng thời bảo vệ việc làm và đảm bảo quốc phòng của Hoa Kỳ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.