TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :21/10/2021 - Nam Giang

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :21/10/2021 - Nam Giang
10/22/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

NATO chuẩn bị thông qua kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với đe dọa đến từ Nga
image.png
Tổng thư ký khối NATO trong cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng các nước liên minh, ngày 21/10/2021, tại Bruxelles, Bỉ. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL

Trọng Nghĩa

Nhân cuộc họp mở ra hôm nay, 21/10/2021 tại tổng hành dinh khối NATO ở Bruxelles, Bỉ, bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua một kế hoạch tổng thể mới nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận, qua đó khẳng định trở lại rằng đối tượng chủ chốt của NATO vẫn là Nga, cho dù Liên Minh đang ngày càng chú ý đến Trung Quốc.


Theo hãng tin Anh Reuters, chiến lược mới của NATO có mục tiêu dự phòng cách chống lại mọi cuộc tấn công đồng thời ở vùng Baltic và Biển Đen, những cuộc tấn công có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng và tấn công từ không gian.  

Các nhà ngoại giao thuộc khối NATO cho rằng chiến lược mới mang tên chính thức là “Khái niệm răn đe và phòng thủ ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương” và kế hoạch triển khai chiến lược này đã trở thành cần thiết trong bối cảnh Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến và triển khai quân đội cũng như thiết bị gần biên giới của các nước thuộc Liên Minh.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer thì kế hoạch tổng thể của NATO là “một cách để răn đe”. Phát biểu trên một đài phát thanh Đức, vị bộ trưởng cho biết là kế hoạch đó cũng đã được điều chỉnh để thích ứng được với các hành vi gần đây của Nga như vi phạm không phận các nước Baltic và tăng cường các hoạt động thâm nhập vào Hắc Hải.

Còn theo một quan chức Mỹ, sau khi kế hoạch tổng thể được thông qua, các kế hoạch khu vực sẽ được cụ thể hóa từ nay đến hết năm 2022, cho phép NATO quyết định bổ sung thêm loại vũ khí nào và bố trí lực lượng của mình ra sao.

Trước mắt, theo Reuters, các quan chức NATO vẫn trấn an rằng không có dấu hiệu nào cho thấy là Nga sắp sửa tấn công.

Về phần mình, Matxcơva phủ nhận mọi ý định gây hấn và ngược lại đã đổ lỗi cho NATO là phía có nguy cơ gây bất ổn định cho châu Âu khi chuẩn bị các kịch bản chiến tranh.
 
 
Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh với hồ sơ nóng Ba Lan và giá năng lượng
image.png
Ngày 20/10, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (áo sẫm), thảo luận với các lãnh đạo chủ chốt của EU trước thượng đỉnh ngày 21/10/2021. AP - Olivier Matthys

Thanh Phương

Hôm nay, 21/10/2021, các lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh hai ngày tại Bruxelles trong bối cảnh khủng hoảng với Ba Lan, nước đã quyết định đặt luật của quốc gia lên trên luật châu Âu.


Cuộc họp thượng đỉnh châu Âu lần này ban đầu dự trù sẽ bàn về một hồ sơ nóng khác, đó là tình trạng giá năng lượng tăng vọt. Ngoài ra, các lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Âu sẽ thảo luận về việc đẩy mạnh chích ngừa Covid-19, chuẩn bị cho hội nghị khí hậu COP26 và những căng thẳng với Belarus, đặc biệt trên vấn đề di dân.

Nhưng theo yêu cầu của một số nước thành viên, thượng đỉnh Bruxelles sẽ bàn về khủng hoảng giữa Liên Âu với Ba Lan. Khủng hoảng này bắt đầu từ phán quyết của Tòa Bảo Hiến Ba Lan, một định chế được xem là thân cận với đảng bảo thủ đang cầm quyền, hôm 7/10 ra phán quyết rằng một số điều khoản của các hiệp ước châu Âu là không tương hợp với Hiến Pháp Ba Lan.

Đối với Bruxelles, phán quyết này là một đòn tấn công chưa từng có vào tính tối thượng của luật châu Âu và vào thẩm quyền của Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu, những nguyên tắc căn bản của khối này.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet tường trình :

« Ngoài khu vực Trung Âu, nơi mà Ba Lan có sự ủng hộ rất mạnh, đa số các nước châu Âu đều đồng ý cho rằng Tòa Bảo Hiến Ba Lan đang phá hủy ngay chính các nền móng của Liên Hiệp Châu Âu. Ai cũng nhận thấy điều đó, thế nhưng các nước lại bất đồng với nhau về phương cách xử lý.

Một số quốc gia thành viên muốn ra ngay một quyết định về việc đình chỉ các khoản tín dụng của châu Âu cho Ba Lan. Nhưng những nước khác thì chủ trương là nên chờ phán quyết của Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu .

Bất đồng giữa các nước thành viên Liên Âu càng rõ nét hơn trên vấn đề giá năng lượng. Một số quốc gia thất vọng về các công cụ mà Ủy Ban Châu Âu đệ trình cách đây một tuần. Một lần nữa họ yêu cầu phải có biện pháp mạnh hơn. Tây Ban Nha lại đòi 27 thành viên Liên Âu ký hợp đồng mua chung, nhưng các nước tây bắc châu Âu đáp lại rằng vấn đề chính là do Liên Âu không có những hợp đồng dài hạn.

Một số quốc gia xem tình trạng giá năng lượng tăng vọt là một vấn đề nhất thời. Các nước Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg hay các nước Bắc Âu cho rằng giá năng lượng sẽ tự điều chỉnh vào mùa xuân tới. Những nước này không chấp nhận việc cải tổ thị trường năng lượng nội địa châu Âu và như vậy không tán đồng đề nghị của Pháp xóa bỏ việc điều chỉnh giá điện theo giá khí đốt. »
 
WHO: Châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới có số ca nhiễm Covid tăng cao
image.png
Bác sĩ Francesco Tursi (T) cùng với đồng nghiệp tại khoa điều trị Covid-19, bệnh viện Codogno, Ý, ngày 11/02/2021. REUTERS - Flavio Lo Scalzo

Trọng Nghĩa

Dịch Covid-19 phải chăng đang đe dọa châu Âu trở lại. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào hôm qua, 20/10/2021, vào lúc dịch bệnh có dấu hiệu lùi bước trên toàn thế giới, riêng tại châu Âu, số ca nhiễm mới trong tuần lễ từ 11 đến 17/10 đã tăng 7%, với khoảng 1,3 triệu trường hợp.  


Trong bản đánh giá hàng tuần về đại dịch Covid-19, cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 2,7 triệu ca nhiễm mới và hơn 46.000 ca tử vong vào tuần trước trên toàn thế giới, tương tự như con số được báo cáo tuần trước. Hai khu vực có tỷ lệ nhiễm virus cao nhất là châu Âu và châu Mỹ.  

Điều đáng ngại là tính theo khu vực, châu Âu đã trở thành vùng duy nhất trên thế giới mà virus vẫn lan mạnh, và đây là tuần thứ ba liên tiếp, các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng vọt ở châu Âu.

Hơn một nửa số quốc gia trong khu vực đã ghi nhận đà tăng của số người bị nhiễm virus, với kỷ lục tại Anh và Nga là số ca nhiễm mới tăng khoảng 15%.

Trong tuần qua, Nga đã nhiều lần phá kỷ lục hàng ngày mới về các ca nhiễm COVID-19 và số ca nhiễm ở Anh đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ giữa tháng Bảy.

Tinh theo quốc gia thì Hoa Kỳ vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới lớn nhất, hơn 580.000 ca. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 11% so với tuần lễ trước đó.

Số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh nhất ở châu Phi và Tây Thái Bình Dương, nơi các ca nhiễm trùng lần lượt giảm khoảng 18% và 16%. Số ca tử vong ở châu Phi cũng giảm khoảng 1/4, bất chấp tình trạng thiếu vac-xin trầm trọng trên lục địa này. 
 
 
Biển Đông: Philippines lại phản đối các hành vi “khiêu khích” của Trung Quốc
image.png
Ảnh tư liệu chụp ngày 15/07/2017: Tàu tuần duyên Trung quốc hoạt động trên Biển Đông. REUTERS - Reuters Staff

Trọng Nghĩa

Bộ Ngoại Giao Philippines ngày hôm qua, 20/10/2021 lên tiếng xác nhận đã gởi công hàm ngoại giao phản đối các hành động thách thức của tàu Trung Quốc nhắm vào tàu tuần tra của Philippines.

Trong một tin nhắn Twitter, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết là tàu Trung Quốc sử dụng một cách “phi pháp” còi hụ, loa phóng thanh và các liên lạc vô tuyến nhắm vào tàu của Philippines vốn đang tiến hành những cuộc tuần tra “chính đáng và thường kỳ” trên các vùng biển của mình.  

Bộ Ngoại Giao Philippines nói rõ: “Các hành động khiêu khích đó đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh trên Biển Đông, đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế”.

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Philippines khẳng định là đã có hơn 200 vụ sách nhiễu như vậy, nhưng không cho biết là các vụ khiêu khích đó xẩy ra vào lúc nào.  

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Manila đã liên tiếp lên tiếng báo động và phản đối Trung Quốc về việc có hàng trăm tàu của Trung Quốc tràn vào vùng Biển Đông tại những khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, mà nổi cộm nhất là vụ hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa vào tháng 3/2021.  

Manila tố cáo đó là tàu dân quân biển, trong lúc Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục cho rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố trái lại của Philippines cũng như Việt Nam, Malaysia hay Brunei.

Theo Reuters, kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016 đến nay, Philippines đã đệ trình hơn 80 công hàm ngoại giao để phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.