FDA Mỹ chấp thuận liều vaccine tăng cường của Moderna và J&J
Reuters
Trụ sở Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA ở White Oak, Maryland.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA ngày 20/10 chấp thuận cho mũi tiêm tăng cường đối với vaccine Moderna và Johnson & Johnson.
FDA cũng loan báo dân Mỹ có thể chọn mũi tiêm tăng cường là một vaccine khác so với vaccine đã tiêm ban đầu.
Quyết định này mở đường cho thêm hàng triệu người tại Mỹ được tăng cường bảo vệ chống biến thể Delta.
Trước đó, FDA cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba của Pfizer ít nhất 6 tháng sau vòng đầu tiên để tăng cường bảo vệ cho những người trên 65 tuổi, những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng và những người phơi nhiễm virus vì công việc.
Tuần trước, một ủy ban cố vấn của FDA biểu quyết khuyến nghị cho tiêm mũi thứ vaccine Moderna thứ ba cho các nhóm đối tượng tương tự.
Ủy ban cũng khuyến nghị tiêm thêm liều vaccine thứ nhì của J&J cho những ai đã tiêm mũi đầu cách đó ít nhất hai tháng.
FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phong ngừa Dịch bệnh (CDC) chịu áp lực trong việc chấp thuận cho tiêm tăng cường sau khi Tòa Bạch Ốc loan báo kế hoạch vào tháng 8 về chiến dịch tiêm chủng tăng cường rộng rãi.
Cuộc họp của ủy ban cố vấn FDA bao gồm việc trình bày dữ liệu về pha trộn vaccine theo cuộc nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia mà trong đó 475 người tham dự được chích cộng gộp giữa vaccine Pfizer, Moderna và J&J.
Dữ liệu cho thấy những người tiêm mũi đầu là vaccine J&J có đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ khi được tiêm tăng cường bằng vaccine Pfizer hay Moderna, và các mũi tiêm tăng cường giữa các vaccine khác loại hoàn toàn an toàn đối với người trưởng thành.
Nhiều nước, trong đó có Anh, ủng hộ chiến lược tiêm chủng hỗn hợp đối với vaccine AstraZeneca. Vaccine AstraZeneca được sử dụng rộng rãi ở các nước nhưng chưa được phép sử dụng tại Mỹ. Vaccine này được bào chế dựa trên công nghệ virus véc-tơ giống như vaccine J&J.
Một ủy ban cố vấn CDC vào ngày 21/10 sẽ đưa ra khuyến nghị về nhóm người nào sẽ được tiêm tăng cường vaccine Moderna và J&J.
Hoa Kỳ : Southwest Airlines bỏ kế hoạch bắt nhân viên chưa tiêm vaccine nghỉ không lương
Minh họa: Miguel Ángel Sanz/Unsplash
Southwest Airlines đã loại bỏ kế hoạch đưa những nhân viên chưa tiêm chủng, những người đã nộp đơn xin nhưng không được miễn trừ vì lý do tôn giáo hoặc y tế, vào danh sách nghỉ không lương, kể từ thời hạn của liên bang vào Tháng Mười Hai.
CNBC cho biết, trong một bức thư gửi cho nhân viên, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động và khách sạn của Southwest là Steve Goldberg và Phó chủ tịch kiêm Giám đốc nhân sự Julie Weber cho biết, những nhân viên không được miễn trừ y tế hoặc tôn giáo trước thời hạn ngày 8 Tháng Mười Hai sẽ không bị nghỉ không lương. Để tiếp tục làm việc, những nhân viên này phải đồng ý tuân theo các chính sách về khẩu trang và giãn cách xã hội cho đến khi yêu cầu miễn trừ của họ được xem xét.
Southwest không phải là hãng hàng không duy nhất nới lỏng các yêu cầu về vaccine với nhân viên của mình. Hiệp hội Tiếp viên Hàng không của American Airlines, Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp, đã tuyên bố với các thành viên của mình vào hôm Thứ Hai rằng, những người không chích vaccine COVID-19 hoặc được miễn trừ sẽ không tự động bị tách khỏi công ty sau thời hạn bắt buộc tiêm chủng, điều này đối với nhân viên American Airlines là 24 Tháng Mười Một.
Vào ngày 1 Tháng Mười, American Airlines cho biết những nhân viên không tiêm phòng sẽ không thể làm việc tại American sau thời hạn ngày 24 Tháng Mười Một của công ty. Tuy nhiên, American Airlines vẫn đang tìm hiểu quy trình miễn trừ, mặc dù nhân viên vẫn được yêu cầu xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng theo thời hạn.
Hãng hàng không United Airlines đã cương quyết thực hiện quy định yêu cầu tất cả nhân viên phải tiêm chủng nếu không được chấp thuận miễn trừ, hoặc sẽ bị sa thải. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang Texas gần đây đã buộc United Airlines tạm dừng kế hoạch này. Phán quyết được đưa ra sau khi sáu nhân viên đệ đơn kiện tuyên bố quy định nghiêm ngặt về vaccine của United Airlines là phân biệt đối xử và không hợp lý.
(Theo CNBC)
Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: Không nên phóng đại sức mạnh của Bắc Kinh, họ hầu như không có đồng minh
Phụng Minh
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Nicholas Burns (ảnh: Youtube/Foreign Policy Association).
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và cùng là ứng cử viên được ông Biden đề xuất cho vị trí đại sức tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns hôm thứ Tư (ngày 20/10) tại phiên điều trần của Thượng viện đã khẳng định rằng ông sẽ cứng rắn trong các giao dịch với Bắc Kinh và chỉ ra rằng các hoạt động diệt chủng và bắt nạt của chính quyền Bắc Kinh ở Tây Tạng và Đài Loan phải dừng lại.
Ông Nicholas Burns, 65 tuổi, gia nhập giới ngoại giao Mỹ vào những năm 1980. Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, ông từng là Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị; ông từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, Đại sứ tại Hy Lạp, giáo sư về ngoại giao và chính trị quốc tế tại Trường John F. Kennedy. Ông hiện là giáo sư tại Đại học Harvard.
Ông Burns nói tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng: “Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với an ninh của đất nước chúng ta và toàn bộ thế giới dân chủ”.
Tại cuộc họp, ông Burns đã thảo luận về quan điểm rằng Trung Quốc tương đối bị cô lập trên trường quốc tế, và nói rằng bây giờ không giống như Chiến tranh Lạnh, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xoay quanh sức mạnh kinh tế và công nghệ, và Washington nên “bắt đầu từ quan điểm mạnh mẽ về việc ngoại giao sâu rộng với các đồng minh và đối tác trong khu vực, phản công thương mại, và hỗ trợ các công ty Mỹ”.
“Ngày nay Trung Quốc có rất ít bạn bè và hầu như không có đồng minh thực sự. Ngược lại, chúng ta có nhiều liên minh với các nước khác. Đây là lợi thế rất lớn của chúng ta”, ông Burns nói. “Trung Quốc quá khiêu khích và gây ra rất nhiều sự phẫn nộ của người dân đối với họ. Và tôi nghĩ chúng ta không nên phóng đại sức mạnh của ĐCSTQ hoặc đánh giá thấp sức mạnh của Hoa Kỳ”.
Ông nói rằng Hoa Kỳ đúng khi yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại “Giai đoạn 1” và nên thúc giục Quốc hội thông qua các vấn đề khác liên quan đến việc đối đầu với Trung Quốc và nhằm tài trợ cho sự cạnh tranh trong nước của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực chính (chẳng hạn như chip, chất bán dẫn). Ông Burns nói, “Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để đầu tư vào tương lai công nghệ của mình. Cũng giống như Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ được Thượng viện thông qua, chính phủ ủng hộ mạnh mẽ dự luật này. Tôi cũng vậy”.
Ông Burns nói rằng biện pháp răn đe quan trọng nhất đối với ĐCSTQ hiện nay là Hoa Kỳ duy trì vị trí quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ông Burns được kỳ vọng sẽ dễ dàng giành được xác nhận, và các thành viên Thượng viện của cả hai đảng đều lạc quan về việc Burns sẽ đảm nhận vị trí đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters rằng: “Tôi nghĩ việc bổ nhiệm Đại sứ Burns làm người kế nhiệm là điều phù hợp”.
Hàn Quốc sắp phóng hỏa tiễn tự chế đầu tiên
Nếu thời tiết cho phép, thứ Năm này Hàn Quốc sẽ phóng tên lửa hoàn toàn tự chế đầu tiên của họ lên không gian, mang tên Nuri. Nó sẽ đưa một vệ tinh giả vào quỹ đạo, bước thử nghiệm đầu tiên cho một hệ thống sẽ thực hiện những nhiệm vụ chính thức, chẳng hạn như phóng vệ tinh do thám và vệ tinh liên lạc cho mạng điện thoại di động.
Vụ phóng là một bước tiến quan trọng của Hàn Quốc. Cho đến nay, nước này phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ để thu thập thông tin tình báo không gian. Ở bên kia biên giới, Triều Tiên có thể sẽ coi vụ phóng là một hành động khiêu khích. Hiện Hàn Quốc đã công bố kế hoạch về một mạng lưới “không chớp mắt” để theo dõi vị láng giềng phía bắc của mình. Và mặc dù Hàn Quốc sử dụng công nghệ khác cho tên lửa của mình, bất kỳ bước phát triển nào có liên quan đến tên lửa cũng là đáng lo ngại khi chạy đua vũ trang leo thang trên bán đảo. Sau một loạt các vụ thử vào tháng 9, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào hôm thứ Ba, ngay sau khi Hàn Quốc thử một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào tháng trước. Vì thế dù tên lửa mới nhất của Hàn Quốc có cất cánh thành công hay không thì bán đảo vẫn sẽ căng thẳng.
Navalny thắng giải Sakharov của châu Âu
Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập Nga đang bị bỏ tủ, đã thắng Giải thưởng Sakharov của Nghị viện Châu Âu về Tự do Tư tưởng vào hôm thứ Tư. Hồi năm 1975, nhà khoa học hạt nhân và nhân văn người Nga Andrei Sakharov giành giải Nobel Hòa bình vì đã xây dựng và bảo vệ một trong những nguyên tắc chính của an ninh sau chiến tranh ở châu Âu: một quốc gia vi phạm nhân quyền sẽ luôn là mối đe dọa cho thế giới bên ngoài. Đáp lại, người đứng đầu KGB đã gọi Sakharov là “kẻ thù trong nước số một.”
Ông Navalny thừa hưởng phần nào lòng dũng cảm của Sakharov —cũng như vị thế kẻ thù số một của ông. Ông đã rút ra mối liên hệ giữa tham nhũng, an ninh và nhân quyền, với lập luận từ nhà tù rằng “tham nhũng phát triển mạnh khi nhân quyền không được coi trọng” và “bất kỳ hành động nào … không thực sự cải thiện” nhân quyền “đều là vô ích”. Sakharov có thể đồng ý.
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình LHQ
Liên Hợp Quốc, thường bị chia rẽ, hoạt động khá trơn tru trong các vấn đề gìn giữ hòa bình. Họ đang tiến hành 12 nhiệm vụ với khoảng 95.000 lính gìn giữ hòa bình. Thứ Năm này Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành đánh giá hàng năm về đóng góp của phụ nữ trong nhũng nỗ lực ấy.
Vào năm 1993, chỉ có 1% quân nhân được triển khai của Liên Hợp Quốc là phụ nữ. Đến năm 2020, con số này ở lực lượng quân đội tăng lên 5% và cảnh sát là 11%. Và sẽ còn cần nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu tương ứng 15% và 20% vào năm 2028, vốn do cơ quan điều hành của LHQ đặt ra.
Nó không chỉ là một cuộc đua chỉ tiêu. Vào tháng 5, giải thưởng thường niên của Liên Hợp Quốc dành cho nữ trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã thuộc về Thiếu tá Steplyne Nyaboga của Kenya. Trong khi phục vụ sứ mệnh ở Darfur, Sudan, cô đã tổ chức các cuộc tuần tra để giúp phụ nữ có thể làm ruộng mà không phải sợ hãi, tập huấn về bạo lực tình dục và giới tính, cũng như tăng cường liên kết với các cộng đồng địa phương. Lực lượng gìn giữ hòa bình cần thêm nhiều người nữa như cô.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn loay hoay với lạm phát
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sa thải ba thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, với lý do họ không thể kiểm soát lạm phát. Do đó đừng ngạc nhiên nếu ủy ban giảm lãi suất chuẩn thêm một điểm phần trăm nữa trong cuộc họp vào thứ Năm, xuống 17%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 19,6%. Ông Erdogan luôn khẳng định quan điểm của ông rằng hạ lãi suất sẽ giúp giải quyết lạm phát, dù không nhà kinh tế nào đồng ý với ông. Các báo cáo cho thấy ông Erdogan đã phê bình thống đốc ngân hàng trung ương Sahap Kavcioglu vì không làm như vậy. Cho đến hiện tại thì thống đốc vẫn chưa bị sờ gáy.
Tất cả những tin này đều không tốt cho đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi mất giá khoảng 20% so với đồng đô la trong năm nay, đồng tiền này tiếp tục trượt dài ngay trước thềm cuộc họp.
Quan chức Mỹ nói kinh tế Myanmar gặp khó khăn vì ‘quản lý yếu kém’ hậu đảo chính
Người dân xếp hàng rút tiền mặt tại Yangon, Myanmar, vào ngày 13/5/2021, vài tháng sau khi xảy ra đảo chính.
Kinh tế Myanmar gặp khủng hoảng là do bất ổn chính trị và quản lý yếu kém sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai, Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ nhận định hôm 20/10, sau khi một bộ trưởng quân đội Myanmar đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng một phần là do các đối thủ được nước ngoài hậu thuẫn.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters hôm 19/10, Bộ trưởng đầu tư của chính phủ quân sự Myanmar cho rằng những khó khăn về kinh tế của nước này là do những người chống đối chính quyền và những người ủng hộ họ ở nước ngoài phá hoại.
Khi được hỏi về những bình luận đó trong một cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 20/10, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Theo những gì chúng tôi thấy và chúng tôi được những người trên thực tế cho biết thì đó chỉ là do quản lý kinh tế yếu kém”.
“Chúng ta phải thấy rằng tình hình kinh tế tồi tệ là do sự thiếu ổn định về chính trị và tình trạng bất ổn”.
Quan chức này nói thêm rằng Hoa Kỳ đã bị chỉ trích vì các lệnh trừng phạt chống lại quân đội Myanmar, và Mỹ đang tập trung thực hiện các bước không gây tổn hại cho nền kinh tế hoặc người dân Myanmar.
Phát biểu này được đưa ra vài ngày sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên quyết định mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar đến tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26-28/10, khiến người đứng đầu quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, không hài lòng.
Một phát ngôn viên của chính phủ quân sự Myanmar đã đổ lỗi cho “sự can thiệp của nước ngoài” về quyết định này.
Quan chức Mỹ nói quyết định này là phù hợp và dựa trên sự đồng thuận của chính ASEAN, nhưng nói thêm rằng nước này sẽ làm việc với các đối tác của mình để cố gắng và tác động đến chính quyền quân sự nhằm giảm bạo lực và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.
USAID và các đối tác khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống ven biển ĐBSCL
Đồng bằng Sông Cửu Long. AFP
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày 21/10 khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là dự án được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam hồi tháng 8 vừa qua.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí như vừa nêu cùng ngày, cho biết thêm dự án vừa nêu sẽ được thực hiện trong ba năm với sự viện trợ 2,9 triệu đô la từ USAID.
Mục tiêu của dự án được nói nhằm bảo tồn môi trường sống ven biển ĐBSCL để nâng cao tính bền vững ngành thủy sản, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự án được nói sẽ tập trung triển khai tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của đồng bằng dọc theo Biển Đông, Biển Tây, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, cũng như tại ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây là Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du.
ĐBSCL và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam, là môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nơi đây hiện đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng như mực nước biển dâng, hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng, nhu cầu khai thác nước ngầm cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ đã làm cạn kiệt trữ lượng cá, gây ra các thiệt hại về sinh thái.
Dự kiến kết quả của dự án sẽ góp phần giải quyết các mối đe dọa hệ thống ở ĐBSCL, hỗ trợ các biện pháp đang được Chính phủ Hà Nội thực hiện như Luật Thủy sản sửa đổi, Nghị quyết 36 năm 2018, Nghị quyết 120 và Luật Quy hoạch năm 2019.