TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/10/2021 - Nam Giang tổng hợp

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :23/10/2021 - Nam Giang tổng hợp
10/23/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Tokyo muốn nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật, tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương
image.png
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida muốn nâng cấp liên minh với Mỹ. REUTERS - POOL

Thụy My

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh ý định « thúc đẩy chiến lược hiện thực một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở » với sự hợp tác của tổng thống Mỹ Joe Biden, trong thông điệp video nhân một sự kiện ở Tokyo hôm 23/10/2021.


Hãng tin Nikkei dẫn lời ông Kishida tại Đối thoại thường niên Phú Sĩ Sơn, thế giới đang đối mặt với « nhiều thách thức, nhất là môi trường an ninh khu vực ngày càng khắc nghiệt, những sự kiện đang đe dọa các giá trị phố quát như tự do dân chủ và nhân quyền, những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và virus corona ».

Thủ tướng Nhật Bản nói thêm, liên minh với Hoa Kỳ là nền tảng cho chính sách đối ngoại và an ninh để phát triển « ngoại giao kiên quyết » và khẳng định « sẽ đưa liên minh Nhật-Mỹ lên một tầm cao mới ».

Tân chính phủ Kishida mới nhận nhiệm vụ từ đầu tháng, có một chức bộ trưởng an ninh kinh tế - lần đầu tiên tại Nhật Bản. Bộ trưởng sẽ trình dự luật xúc tiến an ninh kinh tế trong kỳ họp Quốc Hội năm tới, vì vấn đề kinh tế và chuỗi cung ứng ngày càng được coi là an ninh quốc gia.

Tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ cầm quyền, Akira Amari, cũng phát biểu trong sự kiện trên, cho rằng Nhật Bản cần giảm thiểu rủi ro, kiểm tra lại những vấn đề dễ tổn thương như năng lượng, viễn thông. Ông nêu ví dụ ngay cả những sản phẩm công nghệ thấp như khẩu trang, găng tay nếu thiếu trong đại dịch cũng dẫn đến sụp đổ đất nước. Akira Amari nhấn mạnh vì Nhật Bản là nước không giàu tài nguyên, nên « chỉ có nghiên cứu và phát triển », cần được sử dụng như « vũ khí kinh tế ».

Một trong những sáng kiến là cải cách đại học thông qua một quỹ 10.000 tỉ yen, dành cho nghiên cứu cơ bản và hỗ trợ người làm luận án tiến sĩ. Ông Amari cũng kêu gọi các công ty nên phân công một người trong hội đồng quản trị phụ trách an ninh kinh tế.

Diễn đàn Phú Sĩ Sơn là sự kiện được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Viện Đối ngoại Nhật Bản tổ chức hàng năm.
 
Điện đàm Macron-Biden thứ hai nhằm làm dịu quan hệ Pháp Mỹ
image.png
Tổng thống Joe Biden (trái) và Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm 22/10/2021. © AFP

Thanh Phương

Hôm 22/10/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Joe Biden lại trao đổi qua điện thoại để tiếp tục nỗ lực của hai lãnh đạo nhằm giải tỏa những bất đồng giữa Paris và Washington sau vụ khủng hoảng tàu ngầm Úc.

Theo thông báo của Nhà Trắng, hai vị tổng thống « đã thảo luận về các nỗ lực cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ chung của châu Âu, nhưng vẫn bảo đảm tính chất bổ sung cho khối NATO ».

Đây là một vấn đề mà Paris rất chú trọng bởi vì tổng thống Macron xem việc xây dựng một lực lượng phòng thủ chung của châu Âu là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông.

Cũng theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Pháp và tổng thống Hoa Kỳ cũng đã bàn về tình hình tại vùng Sahel, châu Phi, nơi mà Paris cần sự yểm trợ của Mỹ cho các chiến dịch chống khủng bố, và thảo luận hợp tác giữa hai nước tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Sau cuộc điện đàm hôm qua, hai ông Macron và Biden sẽ gặp nhau trực tiếp tại thượng đỉnh nhóm G20 ở Roma cuối tháng 10. Tiếp đến, theo xác nhận của Nhà Trắng cũng như của điện Elysée, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ viếng thăm nước Pháp trong hai ngày 11 và 12/11 nhân Diễn đàn Paris về hòa bình và Hội nghị quốc tế về Libya. Bà Harris sẽ được tổng thống Macron tiếp kiến.

Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc gặp đó, bà Harris và ông Macron « sẽ thảo luận về tầm quan trọng của quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đối với hòa bình và an ninh trên thế giới, cũng như tầm quan trọng của đối tác Pháp-Mỹ đối với những thách thức toàn cầu, như đại dịch Covid-19 và khủng hoảng khí hậu ».

Cuộc điện đàm hôm qua giữa hai tổng thống Macron và Biden, cũng như chuyến đi tháng 11 của phó tổng thống Harris là nhằm sưởi ấm trở lại quan hệ giữa Paris và Washigton sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm Úc, xuất phát từ thông báo thành lập liên minh mang tên AUKUS  giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ vào giữa tháng 9/2021. Liên minh này đã khiến Paris phẫn nộ, vì nước Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để quay sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Một tuần sau đó, cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai tổng thống Macron và Biden đã giúp làm dịu phần nào căng thẳng giữa hai nước.
 
 
Mỹ tìm cách tránh leo thang với Trung Quốc về Đài Loan

Jennifer Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 22/10/2021 khẳng định : Hoa Kỳ giữ nguyên trạng chính sách Đài Loan. © REUTERS/Tom Brenner

Thụy My
Có lẽ muốn tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc, Hoa Kỳ hôm 22/10/2021 khẳng định chính sách của Mỹ về Đài Loan không thay đổi. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Joe Biden tuyên bố sẵn sàng bảo vệ hòn đảo nếu Trung Quốc tấn công.


Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, tổng thống Mỹ « không loan báo thay đổi chính sách ». Bà nói : « Chúng tôi tôn trọng những cam kết giúp Đài Loan tự vệ và tiếp tục phản đối mọi thay đổi nguyên trạng ».

Bà Psaki cũng nhắc lại phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tại trụ sở NATO ở Bruxelles đã nhấn mạnh : « Như nhiều chính quyền trước đã từng làm trong quá khứ, chúng tôi tiếp tục trợ giúp Đài Loan với đủ loại khả năng quân sự cần thiết để tự vệ và chúng tôi vẫn tập trung vào các biện pháp này ».

Hôm 21/10/2021 được hỏi về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công, ông Joe Biden trả lời : « Vâng, chúng tôi có cam kết theo hướng này ». Tuyên bố của tổng thống Mỹ chừng như ngược với chiến lược nhập nhằng lâu nay : Washington giúp Đài Loan tăng cường quốc phòng, nhưng không hứa sẽ can thiệp nếu bị xâm lăng.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về các lợi ích căn bản như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kêu gọi phía Mỹ « thận trọng về vấn đề Đài Loan, không gởi những tín hiệu xấu đến những người đấu tranh đòi độc lập Đài Loan để không ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ Mỹ-Trung ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price không trả lời Bắc Kinh.

Hồi mùa hè, ông Joe Biden đã từng nói về những « cam kết long trọng » sẽ bảo vệ các đồng minh NATO, Canada, châu Âu, cũng như với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2001, tổng thống George W. Bush cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan « bằng mọi giá ».

Trao đổi với AFP, nhà nghiên cứu Richard McGregor của Lowy Institute không tin rằng Joe Biden muốn thay đổi chính sách: " Có thể ông Biden không để ý tới những gì mình nói, hoặc ông cố ý dùng giọng điệu cứng rắn hơn, do Bắc Kinh liên tục quấy nhiễu Đài Loan thời gian gần đây – với 149 vụ xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan trong bốn ngày liên tiếp".

Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu trong nhiều lãnh vực, nhưng Đài Loan được coi là vấn đề duy nhất có thể gây ra xung đột vũ trang. Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1979 khiến Đài Loan mất đi chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc, nhưng song song đó Quốc Hội Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho hòn đảo để tự vệ.
 
 
Covid-19 : Chính phủ Nga quy trách nhiệm cho dân
image.png
Covid-19 : Trung tâm vac-xin Gostiny Dvor, thủ đô Matxcơva, nhưng hiện mới có 1/3 dân Nga được tiêm chủng. AP - Alexander Zemlianichenko

Thanh Hà

Nước Nga chuẩn bị bước vào giao đoạn phong tỏa nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Ngày 22/10/2021, một lần nữa, bộ Y Tế thông báo có hơn 1.000 bệnh nhân qua đời vì Covid-19 và số ca nhiễm vượt ngoài tầm kiểm soát. Lần đầu tiên chính quyền nhìn nhận chậm trễ trong việc tiêm chủng, đồng thời đổ lỗi cho người dân « vô ý thức » trước mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới.  

Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva tường thuật :  

« Tình thế đã đảo ngược hoàn toàn trong sáu tháng. Hồi mùa đông và mùa xuân vừa qua, Kremlin hả hê trước cảnh tượng các đối thủ Tây phương, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu, đang lao đao. Vac-xin chỉ được cung cấp một cách nhỏ giọt, nhiều quốc gia phải kéo dài các biện pháp phong tỏa, Liên Âu bị chia rẽ, Slovakia hay Áo lớn tiếng cưỡng lại đường lối y tế chung của Ủy Ban Châu Âu và tự ý đặt mua vac-xin Sputnik V của Nga.

Nửa năm sau, vac-xin Nga vẫn chưa được Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu công nhận và cũng không chinh phục được lòng tin của ngay chính người dân Nga. Phát ngôn viên điện Kremlin hôm qua phải nhìn nhận là ‘tình hình hiện tại tệ hơn nhiều so với ở nhiều nước châu Âu’. Đây là những lời lẽ thành thật hiếm thấy. Dù vậy, không có chuyện chính quyền Nga nhận lấy trách nhiệm. Theo lời ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga, lỗi không do nơi Nhà Nước, mà ‘vấn đề là do ý thức của các công dân’.

Các giới chức ở thủ đô Matxcơva vừa mới bắt đầu siết chặt các biện pháp chống dịch. Từ mùa hè đến nay chỉ có rất ít người dân tại đây đeo khẩu trang tại những khu vực khép kín. Hiện tại chưa đến 1/3 dân Nga đã được tiêm chủng ». 

 
Angela Merkel nói lời từ biệt, cảnh báo châu Âu về những thách thức
image.png
Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel từ biệt Liên Âu tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 22/10/2021. JOHN THYS AFP

Thụy My

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua 22/10/2021bày tỏ lo ngại về khả năng châu Âu có thể vượt qua những thách thức xã hội, di dân và kinh tế ; trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 107 và là lần cuối của bà tại Bruxelles sau 16 năm cầm quyền.


Bà Merkel cảnh báo, các nước châu Âu đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn còn một loạt các vấn đề chưa được giải quyết. Về vấn đề Nhà nước pháp quyền mà Ba Lan đang bị Liên Hiệp Châu Âu (EU) chỉ trích, thủ tướng Đức mong muốn một cuộc tranh luật bớt gay gắt, kêu gọi đối thoại và thông cảm với lịch sử nước cộng sản cũ này.

Về di dân, EU vẫn luôn dễ bị tổn thương, trong lúc Belarus được cho là thả lỏng để người nhập cư lậu qua biên giới nhằm trả đũa trừng phạt của châu Âu. Angela Merkel cũng lo ngại về tính cạnh tranh của EU, đặc biệt trong công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Chào từ biệt chính trường châu Âu ở tuổi 67, nữ thủ tướng đã nhận được cơn mưa khen ngợi. Sự ra đi của bà để lại một khoảng trống cho EU, đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính quyết định : tái thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu, vai trò địa chính trị trước Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong một video nói rằng người dân Đức và thế giới hàm ơn về tầm nhìn của bà trong những năm qua. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố hội nghị thượng đỉnh 27 nước « không có Angela cũng giống như Roma không có Vatican, Paris không có tháp Eiffel ». Trong bài diễn văn được toàn thể các nhà lãnh đạo đứng dậy vỗ tay kéo dài, ông Michel nói châu Âu sẽ thiếu vắng « sự minh triết » của nữ thủ tướng, « đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn ».

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel ví bà Merkel như một cỗ máy giúp đạt được thỏa hiệp khi mọi việc không tiến triển. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh đến tinh thần phân tích của nữ tiến sĩ hóa để giải tỏa những bế tắc trong các cuộc đàm phán kéo dài.

Những tháng gần đây các nhà lãnh đạo EU đã liên tiếp vinh danh và cảm ơn nữ thủ tướng đã lãnh đạo nước Đức từ năm 2005 đến nay. Bà Angela Merkel từng bị chỉ trích trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, nhưng sau đó được hoan nghênh về giải pháp di dân năm 2015.