Ngày 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đánh giá cao công tác phòng chống tội phạm
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), năm 2021, dưới sự tác động của dịch COVID-19, tội phạm có loại tăng, loại giảm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành Tư pháp phối hợp với hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước.
“Đặc biệt các ngành chủ động, kết hợp với ngành Công an điều tra, làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận, công tâm, khách quan, không bỏ sót tội phạm. Chất lượng điều tra phá án ngày được nâng lên, chuyên nghiệp hơn, tỉ lệ điều tra phá án cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.” – đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cũng đồng quan điểm trên, phát biểu cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 có một số loại tội phạm lợi dụng sự sơ hở trong công tác chống dịch để chống phá Nhà nước, tung tin thất thiệt chống đối Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận. Các tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch…Trong bối cảnh đất nước ta vừa trải qua một thời gian dài dồn sức cho phòng chống dịch nhưng vẫn quyết liệt, quyết tâm, có biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn và đẩy lùi nhiều loại tội phạm.
Sớm điều tra “lùm xùm” liên quan đến từ thiện
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây xảy ra trong mua sắm thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của nhân dân trong công tác từ thiện.
Cũng quan tâm đến vấn đề tội phạm trong phòng chống dịch COVID, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị làm rõ 2 loại tội phạm gia tăng đó là tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ; kiến nghị đánh giá xem 2 loại tội phạm này gia tăng do nguyên nhân gì, có bao nhiêu phần trăm là do tác động dịch bệnh.
“Trong phòng ngừa tội phạm do dịch bệnh, tôi đề nghị cần nhanh chóng điều tra, xác minh hoạt động kêu gọi từ thiện. Thời gian vừa qua, việc vận động từ thiện đã gây ra tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT, thuần phong mỹ tục, văn hoá. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm điều tra, xác minh, làm rõ để trả lời cho dư luận biết, đồng thời xử lý người vi phạm” – đại biểu đề nghị.
Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giam giữ
Góp ý về công tác thi hành án, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, trong công tác thi hành án tử hình còn 1 số khó khăn, vướng mắc cần xem xét. Trong đó, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã có hiệu lực nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành án tử hình đối với người nước ngoài. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành liên quan có tham mưu, hướng dẫn kịp thời
“Một số trại tạm giam có trách nhiệm giam giữ, quản lý những người bị Toà án kết án tử hình, tuy nhiên, cơ sở vật chất của nhiều Trại Tạm giam còn rất nhiều khó khăn, như ở Sơn La, quy mô phòng giam giữ bị án tử hình chỉ đáp ứng 35% số bị án hiện có. Như vậy, cơ sở vật chất phục vụ việc quản lý bị án tử hình chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí cơ sở vật chất cho các Trại tạm giam để đáp ứng tốt hơn trong thực thi nhiệm vụ” – đại biểu kiến nghị.
Thống kê lại số người nghiện ma tuý để phòng ngừa phù hợp
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng, tội phạm ma tuý là nhóm tội phạm có xu hướng phát triển nhanh ở nước ta gần đây. Hiện nay, theo số lượng báo cáo khoảng gần 250 nghìn người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, còn một số lớn các đối tượng nghiện ngoài xã hội. Những đối tượng này là nguồn gây ra các tội phạm khác như trộm cắp, cướp, thậm chí giết người gây hoang mang trong xã, mất ANTT. Nhóm đối tượng này phát triển nhanh, huỷ hoại giới trẻ, gây bất an cho nhiều gia đình, xã hội, gây bất an cho xã hội.
Đề nghị lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp chặt chẽ ngăn chặn nguồn cung ma tuý từ biên giới, cảng biển, cảng hàng không. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ma tuý đối với giới trẻ; có biện pháp cai nghiện tại cộng đồng; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tạo việc làm cho người nghiện ma tuý, người thi hành xong án phạt tù.
Cũng lo lắng về tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma tuý, đại biểu Trần Đình Văn, Lâm Đồng cho biết, con số người nghiện ma tuý được thống kê trong báo cáo chưa đúng với thực tế vì số người nghiện bên ngoài xã hội rất nhiều. Những người nghiện này gây khó khăn cho cho công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, mặc dù nhiều địa phương thực hiện chỉ thị 15, 16, 19 nhưng vẫn có nhiều quán karaoke, nhà nghỉ… tổ chức cho các đối tượng sử dụng ma tuý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất ANTT.
“Đề nghị “sớm khảo sát, thống kê cụ thể số người nghiện ma tuý, có hành lang pháp lý để xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi này, đảm bảo tính răn đe tội phạm, phòng ngừa các nguy cơ do ma tuý gây ra” – đại biểu nhấn mạnh.
Đấu tranh với tội phạm tín dụng đen
Lo lắng về tình trạng tín dụng đen, đặc biệt là khó khăn kinh tế do dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dịch COVID -19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, cũng là cơ hội để tín dụng đen mở rộng địa bàn. Vừa qua, có khoảng 1 đến 3 triệu người lao động về quê tránh dịch. Đây là số lượng rất lớn, nếu không tạo điều kiện về công ăn việc làm sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tội phạm cao, vay mượn tín dụng. Chính vì vậy, đề Chính phủ có chính sách căn cơ tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn vốn. Lực lượng Công an và các ngành, các cấp cần tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) bày tỏ tâm đắc với những giải pháp nêu trong các báo cáo, đại biểu nhận định tình hình sắp tới sẽ “sống chung an toàn” với dịch COVID-19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực, vì vậy cần có sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm. Tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn phổ biến. Để việc phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng; đấu tranh hiệu quả với tội phạm tín dụng đen, nhất là trong tình hình khó khăn do COVID hiện nay.
Phương Thuỷ