Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 23 tháng 10 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 23 tháng 10 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
10/24/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Ngũ Giác Đài cho biết, Hoa Kỳ cần thêm mỏ để thúc đẩy chuỗi cung ứng đất hiếm

https://img.etviet.com/2021/10/9.jpeg

Máy xúc lật đổ đầy quặng vào xe tải tại mỏ đất hiếm MP Materials ở Mountain Pass, California, hôm 30/01/2020. (Ảnh: Steve Marcus/Reuters)

Hôm thứ Ba (19/10), một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh nên khai thác và chế biến nhiều đất hiếm hơn để đảm bảo cung cấp đầy đủ các khoáng sản chiến lược cho mục đích quân sự và thương mại trên toàn cầu.

Các nhận xét nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của Ngũ Giác Đài đối với các quan hệ đối tác khai thác công tư nhằm chống lại vị thế của Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, 17 loại khoáng chất được sử dụng để chế tạo nam châm chuyên dụng cho vũ khí và xe điện (EV).

Ông Danielle Miller thuộc Văn phòng Chính sách Công nghiệp của Ngũ Giác Đài nói với Hội nghị Khoáng sản trọng yếu của Bắc Mỹ của tổ chức thông tin Adamas (Adamas Intelligence North American Critical Minerals Days), “Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể giải quyết nguy cơ chung của chúng ta với rủi ro chuỗi cung ứng nếu không có quan hệ đối tác chặt chẽ với ngành công nghiệp.”

“Sản xuất sơ cấp các khoáng sản chiến lược và quan trọng mới — nói một cách dễ hiểu, là khai thác — là nhu cầu cần thiết để tăng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Ông Miller viện dẫn các khoản đầu tư gần đây vào các dự án đất hiếm của Hoa Kỳ đang được phát triển bởi MP Materials Corp, Urban Mining Co, và liên doanh của Lynas Rare Earths Ltd của Úc và Blue Line Corp là bằng chứng cho thấy Ngũ Giác Đài muốn trở thành một “nhà đầu tư chiến lược, kiên nhẫn” trong ngành công nghiệp tư nhân.

Ông Miller cho biết: “Sản xuất trong nước các vật liệu chiến lược và quan trọng là hàng rào cuối cùng chống lại nguy cơ cố ý can thiệp phi thị trường vào các chuỗi cung ứng mở rộng ở ngoại quốc,” có là đề cập đến những gợi ý của Trung Quốc về việc nước này có thể hạn chế xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ.

“Chúng tôi không ảo tưởng về những áp lực cạnh tranh mà ngành khai thác mỏ của Hoa Kỳ phải đối mặt.”

Ông Miller cũng cho biết Ngũ Giác Đài muốn giúp các công ty khai thác ở các quốc gia đồng minh “tạo ra sự hiểu biết chung về tính bền vững.” Các tiêu chuẩn môi trường của Hoa Kỳ đối với khai thác mỏ là một trong những tiêu chuẩn chặt chẽ nhất trên thế giới.

Ông Miller nói: “Chúng tôi muốn làm việc với (những người khai thác) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nguồn cung ứng có chi phí thấp nhất, chấp nhận được về mặt kỹ thuật, sang một nguồn cung cấp phản ánh các giá trị của chúng ta.”

Ernest Scheyder
Lưu Đức biên dịch

Đừng vội cập nhật Windows 11 lúc này vì có thể làm chậm hoặc hư máy tính

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Screen-Shot-2021-10-10-at-15.31.32-1280x822.png

Windows 11 đã chính thức được phát hành đến tay người dùng phổ thông vào ngày 5 Tháng Mười vừa rồi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Windows 11 đang xuất hiện nhiều lỗi liên quan đến việc nâng cấp và trường hợp xấu nhất có thể dẫn tới việc máy tính của người dùng bị hỏng.

Các vi xử lý AMD chưa tương thích tốt

Đầu tiên đó chính là vấn đề về mặt tương thích giữa Windows 11 với các máy tính sử dụng vi xử lý của AMD. Hiện tại, AMD đã chính thức xác nhận rằng một số con chip của hãng sẽ bị giảm hiệu năng khi chạy trên Windows 11. Hãng này cũng đã kết hợp với Microsoft để cùng tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Cho tới thời điểm này, đã có hai nguyên nhân được tìm ra. Đầu tiên đó chính là Windows 11 có thể khiến độ trễ của bộ nhớ cache L3 tích hợp trong con chip của AMD tăng lên đáng kể. Điều này có thể khiến cho hiệu năng tổng quát của hệ thống máy tính bị giảm đi từ 3% cho tới 5%. Trong một số trường hợp như chơi game, hiệu năng máy có thể giảm từ 10 cho tới 15%, khiến người dùng có thể cảm nhận được rõ rệt sự khác biệt.

Bên cạnh đó, Windows 11 cũng gặp một số vấn đề với công nghệ “lõi ưu tiên” (Preferred core) trong con chip của AMD. Nó khiến các luồng xử lý của lõi không được sắp xếp một cách tối ưu, khiến cho những tác vụ phụ thuộc vào sức mạnh xử lý của CPU bị ảnh hưởng. AMD cho biết lỗi này thường gặp nhất trên các mẫu chip tám nhân và có TDP từ 65W trở lên.

Biến máy tính thành cục gạch

Tệ hơn, với một số máy tính xách tay đến từ hãng Dell hay HP, việc cài Windows 11 có thể khiến chúng bị hỏng BIOS và biến thành “cục gạch” theo đúng nghĩa đen. Đã có rất nhiều người dùng trên các diễn đàn công nghệ báo cáo về hiện tượng này, tuy nhiên Microsoft vẫn chưa đưa ra xác nhận cụ thể.

Lý do ban đầu có thể là do hệ điều hành Windows 11 đã can thiệp quá sâu vào BIOS – Một chương trình quan trọng trong hệ thống máy tính được nhúng vào phần cứng, khiến BIOS bị lỗi và thậm chí là hỏng hoàn toàn. Mặc dù một số người may mắn có thể sẽ tự sửa được lỗi ngày trong khoảng 15 đến 20 phút. Tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là một lỗi rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Do đó, nếu bạn không quá rành về máy tính và muốn hạn chế tối đa việc gặp lỗi, bạn đừng nên vội cập nhật Windows 11 sớm. Hãy chờ thêm một thời gian ngắn để Microsoft có thể thu thập lỗi trên mỗi diện lớn người dùng và tung ra các bản cập nhật ổn định hơn.

Còn nếu vẫn muốn nâng cấp, hiện Windows 11 đã được phát hành chính thức trên toàn thế giới và bạn sẽ nhận được thông báo cài đặt tự động khi tới lượt.

 

Singapore: Phủ sóng tiêm chủng nhưng lây nhiễm và tử vong COVID vẫn tăng 

Reuters 

Người dân xếp hàng xét nghệm COVID-19 tại Singapore, ngày 21/9/2021.

Người dân xếp hàng xét nghệm COVID-19 tại Singapore, ngày 21/9/2021. 

Tại đất nước Singapore thịnh vượng, hiện chỉ còn một ít người chưa tiêm chủng sau khi một chiến dịch triệt để hoàn thành được độ phủ sóng tiêm chủng mà nhiều nước phải ganh tị, nhưng mức tăng kỷ lục về tử vong và lây nhiễm cho thấy rủi ro vẫn còn phía trước.

Dù bắt buộc mang khẩu trang, hạn chế xã hội nghiêm ngặt và các mũi tiêm tăng cường dồi dào nhưng đợt dịch mới nhất ở Singapore do biến thể Delta gây ra đã nâng số tử vong lên thành 280 ca, từ con số 55 ca hồi đầu tháng 9.

“Singapore có thể đang bị từ hai tới ba đợt dịch trong lúc các biện pháp ngày càng được nới lỏng,” ông Alex Cook, một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.

“Số người chết có lẽ vẫn tiếp tục tăng, trừ phi những cư dân lớn tuổi chưa tiêm chủng có thể được chích ngừa hay có thêm nhiều người nữa được tiêm tăng cường.”

Ông Cook hy vọng đợt lây nhiễm hiện nay sẽ dịu xuống khi dân số ngày càng có miễn dịch và hầu hết các ca nhiễm chỉ nhẹ đủ để bình phục tại gia.

Singapore là một trong số vài nước theo chính sách ‘Zero COVID’ áp dụng một số biện pháp gắt gao nhất để kiềm chế lây nhiễm và tử vong.

Singapore có sách lược chờ tới khi đại đa số trong 5,5 triệu dân của họ được tiêm chủng mới dần nới lỏng những hạn chế và tái tục thêm những hoạt động kinh tế.

Hiện nay Singapore đang từ từ mở lại biên giới, mở rộng du hành không cách ly cho gần một chục nước. Úc và New Zealand đã bắt đầu có những chuyển hướng tương tự, trong khi Trung Quốc chưa tiến tới.

Tuy nhiên vấn đề nhà cầm quyền đối mặt là làm sao tránh được lây nhiễm gia tăng nơi những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt sau khi xuất hiện biến thể Delta trong năm nay.

Dù 84% cư dân Singapore đã tiêm chủng đầy đủ chủ yếu là với vaccine Pfizer hay Moderna, nhưng vaccine có thể không thể bảo vệ cho một số người dễ tổn thương nhất.

Những người chích ngừa đầy đủ chiếm khoảng 30% số người chết trong tháng qua, hầu hết là những người trên 60 tuổi với bệnh nền, đúng như những gì các cuộc nghiên cứu cho thấy là vaccine ít bảo vệ cho những người lớn tuổi và bệnh nặng.

Tuy nhiên con số người chết mỗi ngày, tính trung bình trong bảy ngày, hiện là 1,77 trên 1 triệu, tức vượt quá các nước trong vùng như Nhật (0,15), Hàn Quốc (0,28) và Úc (0, 58), theo trang Our World in Data.

Singapore đứng sau Mỹ (4,96) và Anh (1,92).

Tuy nhiên số người chết tính trên tổng dân số của Singapore vẫn nằm ở mức thấp của thế giới, ở mức 47,5/một triệu. Tỷ lệ này của Brazil là 2.825,7 và của Mỹ là 2.202,4.

Biến thể Delta thay đổi mọi chuyện

Tiếp theo việc nới lỏng những hạn chế vào tháng 8, đợt dịch mới nhất tại Singapore đã đẩy số ca nhiễm tuần này lên gần 4.000 ca, cao hơn gần ba lần so với cao điểm năm ngoái.

Trong hầu hết đại dịch, những hạn chế gắt gao có làm số ca nhiễm giảm, nhưng hiệu quả trước Delta dường như phai nhạt, dù tỉ lệ tiêm chủng cao có nghĩa là gần như tất cả các ca nhiễm đều không có triệu chứng hay nhẹ.

“Hầu hết các ca tử vong là từ một tỉ lệ rất nhỏ những người chưa tiêm chủng,” ông Dale Fisher, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viên Đại học Quốc gia nói.

Singapore sẽ gia hạn những biện pháp giãn cách xã hội trong khoảng một tháng để giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhà cầm quyền loan báo trong tuần này.

Hiện nay, hầu như tất cả những người trên 12 tuổi tại Singapore đã tiêm chủng. Singapore đang chú trọng đến các mũi tiêm tăng cường. Hơn 600.000 người đã nhận được liều tăng cường trong lúc nhà cầm quyền nhắm vào những người trên 30 tuổi, bên cạnh những người lớn tuổi và nhân viên y tế.

Các biện pháp chưa đến mức bắt buộc chích ngừa, chẳng hạn như cấm ăn uống ở nhà hàng và chỉ những ai đã chích ngừa mới được vào các thương xá đã giúp đẩy mạnh số người tiêm chủng lên 17.000 trong tuần qua, tăng 54% so với tuần trước đó.

“Tôi không nghĩ nới lỏng những hạn chế sẽ có ảnh hưởng đến số ca nhiễm,” ông Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội châu Á Thái Bình Dương về Vi sinh học và Truyền nhiễm, nói.

“Điều quan trọng vẫn là vươn tới những người lớn tuổi chưa tiêm chủng và bảo vệ những người dễ tổn thương.”

 

Điện đàm Macron-Biden thứ hai nhằm làm dịu quan hệ Pháp Mỹ

Tổng thống Joe Biden (trái) và Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm 22/10/2021. © AFP 

Hôm 22/10/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Joe Biden lại trao đổi qua điện thoại để tiếp tục nỗ lực của hai lãnh đạo nhằm giải tỏa những bất đồng giữa Paris và Washington sau vụ khủng hoảng tàu ngầm Úc. 

Theo thông báo của Tòa bạch ốc, hai vị tổng thống « đã thảo luận về các nỗ lực cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ chung của châu Âu, nhưng vẫn bảo đảm tính chất bổ sung cho khối NATO ».

Đây là một vấn đề mà Paris rất chú trọng bởi vì tổng thống Macron xem việc xây dựng một lực lượng phòng thủ chung của châu Âu là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ.

Cũng theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Pháp và tổng thống Hoa Kỳ cũng đã bàn về tình hình tại vùng Sahel, châu Phi, nơi mà Paris cần sự yểm trợ của Mỹ cho các chiến dịch chống khủng bố, và thảo luận hợp tác giữa hai nước tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Sau cuộc điện đàm hôm qua, hai ông Macron và Biden sẽ gặp nhau trực tiếp tại thượng đỉnh nhóm G20 ở Roma cuối tháng 10. Tiếp đến, theo xác nhận của Nhà Trắng cũng như của điện Elysée, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ viếng thăm nước Pháp trong hai ngày 11 và 12/11 nhân Diễn đàn Paris về hòa bình và Hội nghị quốc tế về Libya. Bà Harris sẽ được tổng thống Macron tiếp kiến.

Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc gặp đó, bà Harris và ông Macron « sẽ thảo luận về tầm quan trọng của quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đối với hòa bình và an ninh trên thế giới, cũng như tầm quan trọng của đối tác Pháp-Mỹ đối với những thách thức toàn cầu, như đại dịch Covid-19 và khủng hoảng khí hậu ».

Cuộc điện đàm hôm qua giữa hai tổng thống Macron và Biden, cũng như chuyến đi tháng 11 của phó tổng thống Harris là nhằm sưởi ấm trở lại quan hệ giữa Paris và Washigton sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm Úc, xuất phát từ thông báo thành lập liên minh mang tên AUKUS  giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ vào giữa tháng 9/2021. Liên minh này đã khiến Paris phẫn nộ, vì nước Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để quay sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Một tuần sau đó, cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai tổng thống Macron và Biden đã giúp làm dịu phần nào căng thẳng giữa hai nước.

 

Trung Quốc bị « luận tội » tại Tổ chức Thương mại Thế giới 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEgRo9v3943fsMmoQuS8CYoPE79qfz6xKbPQhH97GOCxiwtP0jtbuCogbZhm5RMbLqTBiXT_hKRhf6MPmbfcDi1_vR3ApeYgJA0ICCkIcl2hDjKchZuWx03ywcF_PYJtuxhQjaF5_TEL_up5XhcAX7-yzt_LKhc27uJ0QQO9rZbLGVzAEcEFOICEVL0SBA=w400-h261

Les Echos ghi nhận « Trung Quốc trên ghế bị cáo tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ». Bắc Kinh đối mặt với vô số cáo buộc từ các quốc gia thành viên : phân biệt đối xử, không minh bạch, cưỡng bức, những cách thức không hề phù hợp với quy định quốc tế.

Nhật báo kinh tế Pháp ví von, bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) phải chịu đựng cả một bản luận tội. Bắc Kinh nhận được trên 1.600 câu hỏi từ khoảng 40 nước thành viên WTO, và làn sóng giận dữ không chỉ từ các quốc gia phát triển. Ông Vương không thuyết phục được ai khi khẳng định luôn tôn trọng các cam kết lúc gia nhập, không làm hại đến lợi ích của nước khác.

Bắt chẹt, trợ giá ngầm, lấy cớ virus để chận hàng nhập…

Nước láng giềng Úc tố cáo trong 18 tháng qua, Trung Quốc liên tục phá rối thương mại với các xét nghiệm bắt buộc, thanh tra tùy tiện tại biên giới, cố ý trì hoãn thủ tục, chậm cấp giấy phép nhập khẩu và áp đặt thuế chống phá giá phi lý. Đại sứ Úc tại Tổ chức Thương mại Thế giới khẳng định có trong tay các báo cáo khả tín cho thấy chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu không mua một số mặt hàng của Úc.

Hoa Kỳ tất nhiên là đả kích phương pháp của Trung Quốc. Đại diện Mỹ David Bisbee cáo buộc Bắc Kinh đã trở thành « sức mạnh lớn nhất ở WTO, nhưng vẫn áp dụng cách thức quốc doanh trong thương mại ». Đối với Washington, khi Trung Quốc được gia nhập WTO cách đây 20 năm, các quốc gia thành viên chờ đợi có Bắc Kinh những thay đổi căn cơ để thích ứng với cơ chế thị trường, nhưng rốt cuộc đã hoài công.

Bắc Kinh hạn chế các nước ngoài xâm nhập thị trường Hoa lục và tài trợ ồ ạt cho doanh nghiệp Trung Quốc, dẫn đến nạn sản xuất thừa kéo dài. Bên cạnh đó là việc ưu tiên cho khối quốc doanh, đặt ra những quy định mang tính phân biệt, hạn chế chuyển giao dữ liệu, không áp dụng đúng đắn quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể đến nạn cưỡng ép, dùng sức mạnh kinh tế để gây áp lực buộc một nước khác phải sửa đổi chính sách, mà Úc là ví dụ cụ thể.

Về phía Ấn Độ tố cáo những đòi hỏi về thủ tục nghiêm ngặt và thường là không rõ ràng. Phái đoàn Ấn lo ngại về việc vận dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc « tăng lên với nhịp độ đáng báo động không mang tính khoa học về việc nhiễm Covid-19, như một cái cớ để phong tỏa nhiều chuyến hàng xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt là hải sản ».

Vẫn xưng là quốc gia đang phát triển để được hưởng ưu đãi

Liên hiệp Châu Âu (EU) thì nhận định mức độ cải cách và mở cửa của Trung Quốc không phù hợp với trọng lượng của nước này trong nền kinh tế thế giới, và không tương ứng với việc Trung Quốc được thoải mái vào thị trường các quốc gia thành viên khác của WTO. Nói đơn giản là không « có đi có lại ». Đối với châu Âu, Bắc Kinh nếu muốn chứng tỏ vị trí lãnh đạo, thì không nên kêu đòi những ưu tiên chỉ dành cho các nước đang phát triển, trong những cuộc đàm phán hiện nay.

Tại Tổ chức Thương mại Thế giới, các thành viên tự mình loan báo là quốc gia « phát triển » hay « đang phát triển » – như Trung Quốc đang tự nhận – để có những đối xử đặc biệt. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc chỉ nói là Bắc Kinh « sẵn sàng đề cập đến » các đối xử đặc biệt này với sự thực dụng.

Một quan ngại khác của nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc cạnh tranh không lành mạnh của các công ty quốc doanh, vốn được kín đáo tài trợ, được Nhà nước ưu ái, và thường là nguyên nhân gây ra sản xuất thừa, giá thấp một cách giả tạo. Anh quốc phát hiện Trung Quốc có 325.000 công ty vừa và nhỏ quốc doanh. Les Echos kết luận, trước bản luận tội này, Bắc Kinh sẽ phải cố gắng nhiều nếu muốn thuyết phục cộng đồng quốc tế, mà trước tiên là trong cuộc họp các bộ trưởng thương mại tại Genève cuối tháng 11.

 

Mỹ tìm cách tránh leo thang với Trung Quốc về Đài Loan

Jennifer Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 22/10/2021 khẳng định : Hoa Kỳ giữ nguyên trạng chính sách Đài Loan. © REUTERS/Tom Brenner 

Có lẽ muốn tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc, Hoa Kỳ hôm 22/10/2021 khẳng định chính sách của Mỹ về Đài Loan không thay đổi. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Joe Biden tuyên bố sẵn sàng bảo vệ hòn đảo nếu Trung Quốc tấn công. 

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, tổng thống Mỹ « không loan báo thay đổi chính sách ». Bà nói : « Chúng tôi tôn trọng những cam kết giúp Đài Loan tự vệ và tiếp tục phản đối mọi thay đổi nguyên trạng ».

Bà Psaki cũng nhắc lại phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tại trụ sở NATO ở Bruxelles đã nhấn mạnh : « Như nhiều chính quyền trước đã từng làm trong quá khứ, chúng tôi tiếp tục trợ giúp Đài Loan với đủ loại khả năng quân sự cần thiết để tự vệ và chúng tôi vẫn tập trung vào các biện pháp này ».

Hôm 21/10/2021 được hỏi về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công, ông Joe Biden trả lời : « Vâng, chúng tôi có cam kết theo hướng này ». Tuyên bố của tổng thống Mỹ chừng như ngược với chiến lược nhập nhằng lâu nay : Washington giúp Đài Loan tăng cường quốc phòng, nhưng không hứa sẽ can thiệp nếu bị xâm lăng.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về các lợi ích căn bản như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kêu gọi phía Mỹ « thận trọng về vấn đề Đài Loan, không gởi những tín hiệu xấu đến những người đấu tranh đòi độc lập Đài Loan để không ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ Mỹ-Trung ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price không trả lời Bắc Kinh.

Hồi mùa hè, ông Joe Biden đã từng nói về những « cam kết long trọng » sẽ bảo vệ các đồng minh NATO, Canada, châu Âu, cũng như với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2001, tổng thống George W. Bush cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan « bằng mọi giá ».

Trao đổi với AFP, nhà nghiên cứu Richard McGregor của Lowy Institute không tin rằng Joe Biden muốn thay đổi chính sách: ” Có thể ông Biden không để ý tới những gì mình nói, hoặc ông cố ý dùng giọng điệu cứng rắn hơn, do Bắc Kinh liên tục quấy nhiễu Đài Loan thời gian gần đây – với 149 vụ xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan trong bốn ngày liên tiếp”.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu trong nhiều lãnh vực, nhưng Đài Loan được coi là vấn đề duy nhất có thể gây ra xung đột vũ trang. Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1979 khiến Đài Loan mất đi chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc, nhưng song song đó Quốc Hội Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho hòn đảo để tự vệ.

Miến Điện : Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự tập trung quân ở miền bắc

Tom Andrews, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện. © ONU 

Hôm 22/10/2021, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện tố cáo tập đoàn quân sự đang « tập trung hàng chục ngàn quân và các vũ khí hạng nặng » ở miền bắc nước này và lo ngại quân đội Miến Điện sẽ lại có những hành động « tàn ác ». 

Theo hãng tin AFP, ông Tom Andrews đã đưa ra lời tố cáo như trên khi trình bày báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền ở Miến Điện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, việc tập trung quân đông đảo này khiến người ta nhớ đến chiến thuật của quân đội Miến Điện trước khi mở các cuộc tấn công diệt chủng nhắm vào cộng đồng người Rohingya Hồi Giáo ở bang Rakhine năm 2016 và 2017.

Ông Tom Andrews, nguyên là một nghị sĩ Quốc Hội Mỹ, tuyên bố : « Tất cả chúng ta, cũng như như những người dân trong vùng, phải  chuẩn bị cho khả năng quân đội Miến Điện sẽ có những hành động tàn ác nhiều hơn nữa ». Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi quốc tế hãy có hành động cụ thể để ngăn chận « thảm họa » này.

Theo một thông cáo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, kể từ cuộc đảo chính đầu tháng 2, tập đoàn quân sự Miến Điện có thể đã tiếp tục phạm « những tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh » đối với người dân nước này.

Cũng hôm qua, một tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện cho biết hơn 100 nhà đối lập trong số những người vừa được phóng thích đã bị bắt trở lại. Thứ ba vừa qua, chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho khoảng 5.600 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình rầm rộ chống cuộc đảo chính quân sự tháng 2.

 

Chuyển hướng dư luận! Hàng trăm tài khoản Twitter thân Trung Quốc ‘vu oan giá họa’ cho tôm hùm Mỹ

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/10/pjimage-86-700x366.jpg

Tôm hùm Mỹ (ảnh: Youtube/Food Exports).

NBC News đưa tin, một mạng lưới gồm hàng trăm tài khoản Twitter đã bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch, đổ lỗi cho một lô hàng tôm hùm có xuất xứ từ tiểu bang Maine, Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. 

Vào tháng 9, Marcel Schliebs, một nhà nghiên cứu thông tin sai lệch tại Đại học Oxford lần đầu tiên phát hiện ra mạng lưới hơn 550 tài khoản ủng hộ Trung Quốc. Ông Marcel sau đó đã chia sẻ nghiên cứu của mình với NBC News. 

Ông tiết lộ rằng, các tài khoản twitter “thân Trung Quốc” này đã chia sẻ trên twitter các thông điệp gần như giống nhau bằng nhiều loại ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan, tiếng Hàn và tiếng Latinh.

Các tweet từ các tài khoản này đã đổ lỗi cho lô hàng tôm hùm cuối cùng được bán tại chợ hải sản trong thành phố Vũ Hán vào năm 2019 là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan của COVID ở thành phố này. Ông thêm thông tin, hầu như các tài khoản “thân Trung” này có rất ít người theo dõi, một số tài khoản có vẻ đã bị đánh cắp từ người dùng thật.  

Lý thuyết “Tôm Hùm Mỹ là nguồn gốc COVID” này được đưa ra sau khi các nhà tuyên truyền Trung Quốc cố gắng đổ lỗi cho vụ bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán là do quân đội Mỹ.

Bret Schafer, người đứng đầu nhóm thao túng thông tin tại Liên minh Bảo đảm Dân chủ, nói với NBC: “Đây là lần chuyển hướng lớn thứ ba hoặc thứ tư khác mà các quan chức Trung Quốc đã thử và bằng cách nào đó, gắn sự bùng phát COVID là [do lỗi của] Mỹ. Nó có vẻ thô thiển và không phức tạp nếu bạn nhìn vào các tài khoản cá nhân. Nhưng những loại mạng lưới này được thiết kế để cố gắng đưa các chủ đề [mà nó thảo luận] trở thành xu hướng trên mạng xã hội”.

Ông nói thêm: “Cho dù là [đổ lỗi] việc ai đó mua tôm hùm hay Fort Detrick [thuộc quân đội Mỹ] là nguồn gốc COVID, thì ít nhất nó cũng có tác dụng làm xáo trộn sự thật và khiến mọi người hoang mang”.

Trung Quốc đã mạnh tay đẩy lùi nỗ lực điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc của COVID-19 ở Vũ Hán. Các chuyên gia đã chỉ trích chuyến đi vào tháng 1 năm nay của Tổ chức Y tế Thế giới là không đầy đủ. Những người trong chuyến đi này không được phép thực hiện bất kỳ nghiên cứu độc lập nào. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu phải dựa vào dữ liệu do những nhà khoa học Trung Quốc cung cấp.  

Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu đã kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc đại dịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tiến hành một cuộc đánh giá kéo dài 90 ngày vào tháng 5, nhằm xác định khả năng COVID-19 xuất hiện từ phòng nghiên cứu virus ở Vũ Hán. Báo cáo cuối cùng vẫn chưa được kết luận và chưa được phân loại cho công chúng.