Miến Điện lún sâu vào ngõ cụt nội chiến
Tập đoàn quân sự chuẩn bị phản công ở mặt trận tây bắc tại Chin, và vùng Sagaing, Magway, nhân mùa mưa sắp kết thúc ; để tránh hình thành một vòng cung kháng chiến từ Rakhine đến Vân Nam. Chính quyền cần có được chiến thắng để lên dây cót tinh thần cho quân đội trong lúc tình hình kinh tế u ám.
Năng lực phe đối lập còn kém, nhưng họ không còn ngần ngại trực tiếp đối đầu với quân đội. Bên cạnh đó là các vụ tấn công bằng chất nổ, ám sát các quân nhân viên chức, thậm chí vào tổng hành dinh cảnh sát thủ đô hoặc nhắm đến các ăng-ten của công ty viễn thông Mytel. Theo phía đối lập, các vụ tấn công này đã làm trên 1.500 quân nhân bị thiệt mạng từ tháng Sáu đến tháng Bảy, và quân đội cũng giết chết số người chống đối tương tự và bỏ tù 7.000 người từ sau đảo chính.
Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài khiến việc hòa giải của tân đặc sứ Liên Hiệp Quốc người Singapore, Noeleen Heyzer, khó thể thành công. Báo cáo mới đây của tổ chức ICG nhận định, Miến Điện đang lún sâu vào « ngõ cụt nguy hiểm ». Mỗi bên đều quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá, nhưng không bên nào có khả năng tung ra cú đấm quyết định.
Chín nước phương Tây hợp sức tấn công dark web
Le Figaro nói về « Chiến dịch ngoạn mục đánh vào trung tâm dark web : 150 tin tặc bị bắt ». Hiến binh và cảnh sát Pháp dưới sự chỉ huy của Europol đã tham gia chiến dịch với kết quả là tịch thu được trên 26,7 triệu euro bằng tiền mặt và tiền ảo, 45 khẩu súng, 234 ký ma túy.
Sau nhiều tháng theo dõi hết sức bí mật trên toàn cầu, cảnh sát và hiến binh của 9 quốc gia đã thu được một mẻ lưới lớn ngay trong trái tim dark web, vực sâu của mạng internet, nơi bọn buôn lậu ngỡ rằng có thể ẩn danh để làm giàu.
Chiến dịch được đặt tên « Dark HunTOR » có sự tham dự của FBI, cơ quan chống tội phạm Anh, Ý, Đức, Pháp…diễn ra sau đợt tấn công đầu tiên vào tin tặc, dẫn đến việc phá vỡ « DarkMarket » hồi tháng Giêng. Đây là thị trường đen lớn nhất trong góc tối của thế giới mạng, chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng. Nền tảng dùng để mua bán ma túy, giấy tờ giả, tiền giả có khoảng 2.400 người bán và 500.000 người sử dụng, với khoảng 20 máy chủ hầu hết đặt tại Moldavia.
Với sự hỗ trợ của Europol, Đức bắt được nghi can được cho là điều hành nền tảng này tại biên giới Đức-Đan Mạch, một người Úc 34 tuổi. Hàng loạt chỉ dấu và hướng khai thác mở ra cho các nhà điều tra khắp thế giới. Từ tổng hành dinh cảnh sát châu Âu ở La Haye, trung tâm chống tội phạm mạng (EC3) hoạt động tối đa. Đơn vị này có khoảng 100 nhân viên, trong đó có những chuyên gia giải mật hoặc tiền ảo thuộc loại giỏi nhất thế giới.
« Dark web » ngày càng bớt « dark »
Tướng Jean-Philippe Lecouffe, phó giám đốc điều hành Europol cho biết đã gởi đến lực lượng an ninh từng nước liên quan ít nhất 380 « gói » thông tin quan trọng. Cứ mỗi vụ bắt giữ, cảnh sát lại khám nhà, tịch thu máy móc và có được những dữ liệu làm phong phú thêm lượng thông tin.
Các tay buôn lậu lần lượt rụng như sung. Đã có 65 người bán và khách hàng của dark web bị bắt tại Mỹ, 47 ở Đức, 24 ở Anh…Tất cả đều được Europol coi là « mục tiêu có giá trị gia tăng cao » về lượng hàng, vị trí trong mạng lưới tội phạm. Những ai mua một lô súng tự động Glock hoặc nhiều ký lô cocain đều trở thành mục tiêu ưu tiên. Riêng cảnh sát Ý phá vỡ được hai nền tảng chợ đen, trong đó có mạng « DeepSea and Berlusconi » từng khoe đã đăng trên 100.000 lời rao.
Tướng Jean-Philippe Lecouffe khẳng định, « dark web ngày càng bớt âm u ». Nhờ những cuộc tuần tra trên mạng, các nhân viên trà trộn, giải mã hoặc tập hợp thông tin, nhà chức trách có thể tóm được những tên tội phạm ẩn trốn ở những góc tối tăm nhất. Về phía tư pháp cũng phải tăng tốc : tham gia thị trường chợ đen dark web dẫn đến tù tội tại đa số nước phương Tây.
Facebook vượt khỏi tầm kiểm soát các nhà quản lý
Cũng về thế giới mạng, bài xã luận của Le Monde nói về việc tái lập kiểm soát Facebook. Tạo vật đã thoát khỏi tầm tay người sáng tạo ? Đọc xong nhiều trăm trang tài liệu nội bộ Facebook, có thể nghĩ rằng mạng xã hội này không thể đấu tranh một cách hiệu quả để chống lại nạn bóp méo thông tin và bạo lực trên internet.
« Facebook Files », được một nguồn từ Quốc Hội Mỹ chuyển cho nhóm truyền thông điều tra trong đó có Le Monde, đã kéo lên tấm màn che khía cạnh tối tăm của công ty được Mark Zuckerberg lập ra, bị cáo buộc là ưu tiên cho lợi nhuận thay vì trách nhiệm xã hội và dân chủ. Các tài liệu này mang lại những thông tin mới về vai trò Facebook trong vụ tấn công điện Capitol hôm 06/01/2020, và sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát những lời kêu gọi bạo lực, biểu tình tại những nước có nguy cơ cao như Ấn Độ, Afghanistan hay Miến Điện.
Facebook bị tố cáo thiếu minh bạch, và cơ chế quá phức tạp để tăng cao tương tác giữa những người sử dụng nhằm kéo được tối đa quảng cáo. Khi trộn lẫn việc cá nhân hóa nội dung và tầm vóc mở rộng của thuật toán, Facebook tạo ra hậu quả trái với mong muốn, mà ngay những người hoạch định cũng không kiểm soát được. Cố gắng giải quyết vấn đề này lại nảy sinh ra các vấn đề khác.
Với 3 tỷ người sử dụng thường xuyên, rõ ràng Facebook không còn có thể đối mặt với trách nhiệm vốn đã cao hơn so với một nền tảng đơn thuần cho các nội dung. Theo Le Monde, mạng xã hội này cần phải xem lại hoạt động của các thuật toán, để cho người dùng chọn lựa những ưu tiên của mình thay vì giao phó cho trí tuệ nhân tạo.