Thủ Tướng Phạm Minh Chính (phải) và ông Nobel Kinder bên lề Hội nghị COP26. (Hình: VGP/VNExpress)
Theo báo Người Lao Động, dù không sở hữu nhà máy ở Việt Nam, nhưng Nike đang làm việc với rất nhiều nhà máy của 200 nhà cung cấp tại Việt Nam.
Hồi đầu Tháng Mười vừa qua, thông tin về việc Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia, khi chính phủ CSVN phong tỏa “ngăn sông cấm chợ” nhiều tháng liền, khiến mọi hoạt động tê liệt đã xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông.
Tuy nhiên Hiệp Hội Da Giày và Túi Xách Việt Nam (LEFASO), và Cục Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương CSVN đều đã bác bỏ thông tin này. Cục Công Nghiệp khẳng định “đây là thông tin không chính xác và chính Nike đã xác nhận không chuyển chuỗi sản xuất khỏi Việt Nam.”
Trong khi đó theo LEFASO, tại Việt Nam có gần 100 nhà máy của Nike đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, nên khi khu vực này bị giãn cách xã hội dài ngày vì COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động, giao đơn hàng của họ. Vì thế, trong giai đoạn giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam, một số đơn hàng của Nike đã được chuyển sang nhà máy ở một số quốc gia khác thực hiện.
Trước đó hôm 30 Tháng Chín, tại cuộc họp trực tuyến với ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội CSVN, nhằm trấn an doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) tiếp tục ở lại Việt Nam khi bị thiệt hại do lệnh phong tỏa liên miên ở nhiều tỉnh, thành, các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu chính phủ CSVN “duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế, không phong tỏa trở lại khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng.”
“Không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại sâu rộng và bền vững,” Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn dẫn yêu cầu của các doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, gần 80% các nhà sản xuất giày dép của Nike và một nửa số nhà cung cấp hàng may mặc của họ tại Việt Nam đã buộc phải ngừng sản xuất vào giữa Tháng Bảy, sau khi các nhà chức trách áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh lây lan.
Gần một nửa số giày dép của “người khổng lồ” về hàng may mặc thể thao Mỹ được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, và các đại diện doanh nghiệp Mỹ trong cuộc họp trực tuyến hồi Tháng Chín. (Hình: Trang web Quốc Hội)
Ông Huệ sau đó được ghi nhận đã hứa hẹn rằng Quốc Hội Việt Nam “luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.”
Theo một cuộc khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham (Hiệp Hội Thương Mại Mỹ tại Việt Nam), EuroCham (Hiệp Hội Doanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam), KoCham (Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nam Hàn tại Việt Nam) và US-ASEAN (Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ), đến nay có ít nhất 20% thành viên sản xuất của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. (Tr.N)