Dược phẩm trị Covid-19: Liên Âu thúc đẩy đánh giá khẩn cấp Molnupiravir
Thuốc Molnupiravir của hãng Merck. © MERCK & CO,INC. / AFP
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang thúc đẩy quá trình đánh giá để cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir trị Covid-19 của công ty Mỹ Merck. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch với tốc độ lây nhiễm « rất đáng quan ngại », theo cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO / OMS).
Trong buổi họp báo ngày 04/11/2021, ông Marco Cavaleri, phụ trách về dược phẩm của EMA cho biết cơ quan này cũng « sẵn sàng cố vấn cho các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để có được loại thuốc uống kháng virus trong trường hợp khẩn cấp, trước khi thuốc được cấp phép ».
Pháp đã đặt mua 50.000 liều Molnupiravir ngay từ cuối tháng 10. Theo bộ trưởng Y Tế Olivier Veran, được AFP trích dẫn, số thuốc này « sẽ được giao cho Pháp vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, có nghĩa là ngay khi thuốc vừa được sản xuất ». Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang nghiên cứu phê chuẩn thuốc Molnupiravir để sử dụng khẩn cấp. Ngày 04/11, Anh Quốc là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng thuốc Molnupiravir, sau khi đánh giá thuốc « chắc chắn và hiệu quả » để ngăn bệnh chuyển thể nặng.
Thông tín viên RFI Claire Digiacomi tại Luân Đôn tường trình :
« Đây là thuốc dạng viên dùng tại nhà, mỗi ngày hai lần, sớm nhất có thể, ngay khi phát hiện nhiễm Covid-19. Theo cơ quan Dược phẩm Anh, thuốc giúp giảm khả năng virus nhân bản nhờ đó mà giảm được nguy cơ bệnh chuyển nặng. Một nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy rằng thuốc giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện.
Trong một đoạn video, bộ trưởng Y Tế Anh Sajid Javid hoan nghênh quyết định đầu tiên trên thế giới : « Tôi rất mừng khẳng định với các bạn rằng chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc Molnupiravir chống Covid-19 có thể dùng tại nhà ». Chính phủ không nêu chính xác khi nào thuốc Molnupiravir sẽ đến tay người bệnh, nhưng 480.000 liều đã được đặt mua.
Cùng với liều vac-xin thứ ba, loại thuốc trị Covid-19 này là một vũ khí khác, được chính phủ Anh gọi là « bức tường phòng thủ » chống virus corona. Thuốc được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt sức ép cho các bệnh viện và tránh phải tái lập các biện pháp hạn chế phòng dịch, vì với số ca nhiễm ngày càng gia tăng, thêm hơn 37.000 ca trong vòng 24 giờ qua, Anh Quốc chuẩn bị đối mặt với một mùa đông khó khăn ».
(AFP) – Anh trở thành nước đầu tiên cho phép dùng thuốc uống chống Covid
Anh quốc hôm nay 04/11/2021 loan báo cho sử dụng thuốc viên Molnupiravir trị Covid-19 của hãng Mỹ Merck. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuyên bố đây là một ngày lịch sử của Anh, việc cho dùng thuốc chống virus tại nhà sẽ làm thay đổi hẳn tình trạng đối với những người dễ tổn thương và bị suy giảm miễn dịch.
Molnupiravir được phép dùng cho những người bị Covid thể nhẹ và trung bình, có ít nhất một yếu tố rủi ro (béo phì, trên 60 tuổi, tiểu đường, bệnh tim). Thuốc này làm giảm khả năng sinh sôi của virus, tránh chuyển sang thể nặng, và giúp những ca tiếp xúc gần không bị lây nhiễm.
IAG sắp công bố kết quả quý
Khi các hạn chế đi lại do covid-19 được nới lỏng, các hãng hàng không lại phải đối mặt với những thách thức mới. Giá nhiên liệu máy bay tăng gần gấp đôi trong năm nay. Trong khi đó nhu cầu vẫn ì ạch. Các hãng hàng không Mỹ, chẳng hạn như Delta Air Lines, đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận trong quãng thời gian còn lại của năm 2021. Vào thứ Sáu sẽ đến lượt International Airlines Group, chủ sở hữu Aer Lingus, British Airways và Iberia, cập nhật tình hình châu Âu khi hãng công bố kết quả kinh doanh.
Ngay cả khi các hạn chế đi lại khắc nghiệt nhất được dỡ bỏ vào đầu năm nay, IAG vẫn không khá hơn. Doanh thu hành khách trong sáu tháng đầu năm giảm 72% so với cùng kỳ 2020. Tập đoàn đang hy vọng việc Mỹ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế có tiêm chủng đầy đủ từ thứ Hai sẽ giúp thúc đẩy doanh số.
Biểu tình trở thành tâm điểm ở COP26
Vào thứ Sáu, COP26, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc, sẽ tập trung cho chủ đề “trao quyền cho thanh niên và công chúng.” Nhưng người trẻ nhiều khả năng sẽ đi biểu tình thay vì tham dự. Greta Thunberg, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển, sẽ tham gia cuộc đình công “Những ngày thứ Sáu cho Tương lai” — một phong trào do thiếu niên tạo ra, trong đó học sinh nghỉ học để biểu tình. Ngoài ra còn có một cuộc tuần hành khác, lớn hơn, được lên kế hoạch vào thứ Bảy.
Tuần đầu tiên của COP26 tràn ngập biểu tình. Các nhà hoạt động bản địa bày tỏ tức giận trước việc sử dụng rừng để bù đắp carbon — mà nhiều người cho rằng bất hợp pháp trên đất của họ và không thể thay thế cho việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Mọi người cũng hóa trang thành “Pikachu” để phản đối ngành công nghiệp than của Nhật Bản. Trong khi đó những người biểu tình chống “rửa xanh” (greenwashing) — tức việc các tổ chức cố tình phóng đại hoạt động bảo vệ môi trường của mình —đụng độ với cảnh sát. Bên dưới sự tức giận là một lời phàn nàn phổ biến: các chính trị gia và doanh nghiệp đang quá chậm chạp trước biến đổi khí hậu.
(AFP) – Một cựu phó thủ tướng Trung Quốc bị cáo giác quấy nhiễu tình dục
Nữ vô địch quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) tố cáo cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) ép buộc cô quan hệ tình dục và trở thành người tình của ông ta. Lời cáo buộc này hôm nay 04/11/2021 đã bị kiểm duyệt trên mạng Vi Bác (Weibo) và công cụ tìm kiếm Bách Độ (Baidu).
Theo nữ vận động viên 35 tuổi từng đoạt giải Roland-Garros, vụ cưỡng bức xảy ra tại tư gia ông Trương cách đây ba năm, vợ ông Trương có biết thậm chí còn đứng canh bên ngoài. Trương Cao Lệ, 75 tuổi, con rể Đặng Tiểu Bình, được cho là thân cận với Lý Khắc Cường. Ông Trương ừng là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, một trong bảy nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc.
Chính trị Mỹ 1 năm sau bầu cử
Chính trường Mỹ luôn có những thay đổi bất ngờ. Đại dịch Covid-19 càng làm cho các diễn biến chính trị thay đổi nhanh, mạnh và bất ngờ hơn.
Muốn hiểu rõ chính sách đối ngoại của Mỹ, các cam kết của Mỹ đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như kế hoạch giảm khí phát thải... thì bắt buộc phải hiểu chính trị nội bộ Mỹ và trả lời được các câu hỏi nóng hiện nay như:
- Tại sao lãnh đạo Đảng Dân chủ rất quyết tâm thông qua gói đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội thể hiện qua Dự luật xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn (Build Back Better), với số tiền dự định chi ban đầu là 3,5 nghìn tỷ USD.
- Tại sao tới gần 10 tháng kể từ sau khi Tổng thống Biden lên cầm quyền mà Đảng Dân chủ vẫn chưa thể thông qua Đạo luật này dù đã nắm quyền hành pháp và chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện?
- Tại sao chỉ một mình Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Đảng DC, Bang West Virginia) lại có thể cản trở không cho các đồng nghiệp Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện thông qua gói chi tiêu trị giá 3,5 nghìn tỷ USD. Thậm chí TNS Manchin cũng vẫn chưa đồng ý ngay cả khi Hạ viện do Đảng DC kiểm soát đồng ý cắt giảm gói chi tiêu này đi một nửa còn 1,75 nghìn tỷ USD.
- Tại sao 1 nhân vật Cộng hòa "vô danh" như Glenn Yongkin lại hạ đo ván một cách thuyết phục đương kim Thống Đốc của Đảng DC Terry McAuliff để giành ghế Thống đốc bang Virginia, nơi đúng cách đây 1 năm ƯCV Tổng thống DC Joe Biden đã dẫn trước ƯCV CH Donald Trump tới trên 10%.
‘Chúng tôi đến đây để học hỏi từ quý vị’: Phái đoàn Nghị viện Âu Châu đầu tiên đến thăm Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) và thành viên Nghị viện Âu Châu (MEP) Raphael Glucksmann tại Văn phòng Tổng thống Đài Loan hôm 04/11/2021. (Ảnh: CNA/AFP/Getty Images)
Sự thành công và năng lực đương đầu với các mối đe dọa và thông tin sai lệch từ chính quyền Trung Quốc của Đài Loan là một “mỏ vàng” đối với Âu Châu, ông Raphael Glucksmann, người đứng đầu phái đoàn đến thăm Đài Loan của Liên minh Âu Châu, cho biết trong một cuộc họp báo chung tại Đài Bắc với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 04/11.
Ông Glucksmann, một thành viên người Pháp của EP cho biết, “Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một phái đoàn Nghị viện Âu Châu [EP] tới Đài Loan. Điều này là để bảo đảm nền dân chủ của Đài Loan quan trọng như thế nào đối với các công dân Âu Châu mà chúng tôi đang đại diện.”
Sau cuộc họp báo, bà Thái và các quan chức Đài Loan khác đã tổ chức một cuộc họp kín với các đại biểu.
Phái đoàn 13 người này đã đến Đài Loan cho chuyến công du ba ngày vào hôm 03/11 bao gồm cả bảy thành viên của Ủy ban Đặc biệt của EP về Can thiệp Ngoại quốc trong tất cả các Tiến trình Dân chủ ở Liên minh Âu Châu, trong đó có Thông tin sai lệch. Những thành viên này đến từ Pháp, Lithuania, Cộng hòa Séc, Áo, Hy Lạp, và Ý.
“Chúng tôi đến đây với một thông điệp rất đơn giản, rất rõ ràng: Quý vị không đơn độc. Âu Châu đang đứng về phía quý vị, kề bên quý vị, để bảo vệ tự do, pháp quyền, và phẩm giá con người,” ông Glucksmann nói.
“Nhưng chúng tôi cũng đến đây vì những lý do rất ích kỷ,” ông cho biết. “Chúng tôi đến đây để học hỏi từ quý vị, để học hỏi từ năng lực của quý vị trong việc xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ như vậy trong khi phải đối mặt với một mức độ đe dọa và can thiệp như thế.”
Thành viên EP người Pháp này cho biết Liên minh Âu Châu đang phải đối mặt với sự can thiệp có quy mô lớn từ các chế độ độc tài, trong khi ám chỉ đến Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo, bà Thái nói rằng chính phủ của bà sẽ chia sẻ các kinh nghiệm trực tiếp trong việc ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc, chẳng hạn như thông tin sai lệch, các cuộc tấn công mạng, và xâm nhập từ hải ngoại.
“Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập một liên minh dân chủ chống lại thông tin sai lệch”, bà nói. “Những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt có bản chất toàn cầu.”
Singapore: Công chức sẽ nghỉ không lương nếu từ chối tiêm vắc-xin COVID-19
Các công chức ở Singapore từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (dù đủ điều kiện tiêm chủng) có thể sẽ bị cho nghỉ việc không lương hoặc không được gia hạn khi kết thúc hợp đồng lao động, theo tờ Channel News Asia đưa tin.
Tình hình dịch bệnh ở “đảo quốc sư tử” đang diễn biến hết sức phức tạp, có thời điểm Singapore chỉ còn 60 giường ICU (chăm sóc đặc biệt) và ghi nhận 2.000 ca mắc mới trong ngày. Theo Bộ trưởng cấp cao Janil Puthucheary, quốc gia này có thể chứng kiến khoảng 2.000 người tử vong mỗi năm do COVID-19. Hiện Singapore, quốc gia với gần 6 triệu dân, đã tiêm chủng đầy đủ cho 84% dân số và 14% đã tiêm liều bổ sung.
Office workers at Raffles Place on Jul 22, 2021. (File photo: Marcus Mark Ramos)
Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore cho biết đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Hiện tại, PSD sẽ “cố gắng hết sức” để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm chủng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép. Những người chưa tiêm vắc-xin cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà. Dẫu vậy, PSD nhấn mạnh rằng nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và sẽ bị buộc phải nghỉ việc không lương.
Ngành dịch vụ công của Singapore hiện có khoảng 153.000 công chức làm việc tại 16 bộ và hơn 50 cơ quan, ban ngành khác nhau. Khoảng 98% số này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. PSD đang khuyến khích 2% số công chức còn lại (khoảng 3.000 người) sớm đi tiêm chủng.
Theo quy định của Bộ Y tế Singapore đưa ra hôm 23/10, chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, hoặc những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 270 ngày trước đó, mới được phép trở lại nơi làm việc từ đầu năm 2022.
Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Nhân lực Singapore đã ban hành hướng dẫn, trong đó cho phép các công ty được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng có thông báo trước với các nhân viên từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện tiêm chủng.
Hải quân Mỹ sa thải 3 chỉ huy sau vụ tàu ngầm đâm vào núi ngầm ở Biển Đông
Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut (SSN 22) rời Xưởng hải quân Puget Sound để thử nghiệm trên biển sau khi được bảo trì vào ngày 15 tháng 12 năm 2016. (Ảnh Hải quân Hoa Kỳ)
Hải quân Hoa Kỳ đã sa thải ba chỉ huy trên tàu ngầm tấn công USS Connecticut khi nó va phải một ngọn núi ngầm ở Biển Đông vào hồi đầu tháng 10, theo thông tin từ ABC News.
Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã cho nghỉ việc sỹ quan chỉ huy tàu ngầm, Cameron Aljilani, sỹ quan điều hành kiêm phó chỉ huy Patrick Cashin, và thủy thủ kỹ thuật viên trưởng Sonar Cory Rodgers, “do mất lòng tin”, theo một tuyên bố của Hải quân.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu ngầm này đang di chuyển qua một khu vực trên Biển Đông, theo một quan chức Mỹ. Tuy con tàu va phải một ngọn núi ngầm, nhưng Phó đô đốc Karl Thomas, chỉ huy của Hạm đội 7, xác định rằng sự cố này lẽ ra có thể đã được ngăn chặn.
Quan chức trên cho biết tàu ngầm này đã bất cẩn và di chuyển nhanh hơn mức cần thiết trong một khu vực mà bản đồ gầm không được rõ ràng như những khu vực khác.
“Phán đoán hợp lý, ra quyết định thận trọng và tuân thủ các quy trình bắt buộc trong lập kế hoạch điều khiển, theo dõi việc thực hiện của thủy thủ đoàn và quản lý rủi ro hẳn có thể đã ngăn chặn được sự cố”, theo tuyên bố.
Ba người đã bị sa thải sẽ được thay thế bởi một đội ngũ lãnh đạo mới trong khi tàu ngầm vẫn ở Guam trước khi nó lên đường đến Bremerton, Washington, để sửa chữa thân và nội thất.
Vào ngày 2/10, tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf đã va phải một vật thể không xác định khi ở dưới nước, nhưng Hải quân không công khai sự việc cho đến khi tàu gần đến căn cứ hải quân ở Guam để đánh giá thiệt hại.
Một quan chức Hải quân cho biết vào thời điểm tai nạn, hai thủy thủ bị thương ở mức độ nhẹ và đã được điều trị trên tàu. Các thủy thủ khác bị va đập, bầm tím. Không có thiệt hại nào đối với lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm.
Tuần trước, một cuộc điều tra của Hải quân Hoa Kỳ về vụ việc đã xác định rằng chiếc tàu ngầm đã va phải một ngọn núi ngầm và chỉ huy Hạm đội 7 sẽ xác định xem liệu các hành động giải trình có phù hợp hay không.
Trung Quốc: Những người ủng hộ Đài Loan độc lập phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời
Phát ngôn viên Chu Phụng Liên của Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ khiến những người ủng hộ Đài Loan độc lập phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời, một phát ngôn viên của Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc tuyên bố hôm 5/11, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề cập đến hình phạt cụ thể dành cho những người được coi là ủng hộ Đài Loan độc lập, giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa đại lục và hòn đảo tự trị mà Trung Quốc luôn tuyên bố là của mình.
Văn phòng của Trung Quốc cũng nêu tên Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương, Chủ tịch Nghị viện Du Tích Khôn và Ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp là những người “ngoan cố ủng hộ Đài Loan độc lập”, và lần đầu tiên công khai danh sách những người bị xếp vào thành phần này.
Trong một tuyên bố hôm 5/11, Phát ngôn viên Chu Phụng Liên nói Trung Quốc sẽ thực hiện trừng phạt những người trong danh sách bằng cách không cho họ vào đại lục và các đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hong Kong và Macau.
Những người nằm trong danh sách đen sẽ không được phép hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân từ đại lục, cũng như các công ty hoặc tổ chức tài trợ cho họ sẽ không được phép thu lợi từ đại lục, nữ phát ngôn viên này nói thêm.
Theo Reuters, các chính trị gia Đài Loan một phần dựa vào tiền quyên góp từ các công ty để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ. Nhiều công ty Đài Loan thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh với đại lục. Hàng chục nghìn người Đài Loan hiện đang làm việc tại đại lục.
Theo lời bà Chu, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện “bất kỳ biện pháp cần thiết nào khác”để chống lại những người này.
Bà cho biết thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến những người ủng hộ Đài Loan độc lập là: “Những kẻ quên tổ tiên, phản bội quê hương và chia cắt đất nước sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp và sẽ bị người đời hắt hủi và bị lịch sử phán xét”.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Liên Hiệp Quốc báo động nạn buôn phụ nữ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út
Ảnh minh họa : Nạn nhân buôn người thường là thiếu nữ hoặc phụ nữ trẻ. Ảnh : AFP
Liên Hiệp Quốc ngày 03/11/2021 báo động về nạn phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam nghèo đói trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người sang Ả Rập Xê Út thông qua hình thức xuất khẩu lao động.
Tuyên bố của nhóm chuyên gia đăng trên website của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 04/11/2021 báo động: “Chúng tôi đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ đã lâm cảnh dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội. Những kẻ buôn người hoạt động mà không bị trừng phạt”.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số thiếu nữ và phụ nữ bị chủ lao động lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn nhẫn khi đến Ả Rập Xê Út. Thường thì họ không được cung cấp thực phẩm, không được điều trị y tế, không được trả lương, hoặc chỉ được hưởng lương thấp hơn mức lương ghi trong hợp đồng.
Liên Hiệp Quốc báo động có một số công ty khai khống tuổi của trẻ em gái để đưa các em sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình, che giấu sự thật là các em vẫn còn nhỏ tuổi. Các chuyên gia nêu trường hợp một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập, không cho ăn uống và chữa bệnh. Nạn nhân được cho về nước, nhưng chưa kịp lên máy bay thì đã qua đời. Do giấy tờ của cô bị làm giả nên gia đình hiện vẫn chưa nhận được thi thể nạn nhân.
Liên Hiệp Quốc thúc giục chính quyền Việt Nam và Ả Rập Xê Út có thêm nhiều hành động để chống nạn buôn người và bảo vệ những người lao động Việt Nam, trên cơ sở các nguyên tắc về nhân quyền và bảo đảm thực thi trách nhiệm. Liên Hiệp Quốc khuyến nghị Ả Rập Xê Út có luật lao động bảo vệ người nước ngoài nhập cư làm lao động giúp việc gia đình, mở rộng cải cách luật lao động cho nhóm đối tượng này. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục chính phủ hai nước tiến hành một cuộc điều tra công bằng và độc lập, thậm chí cả về những cáo buộc liên quan đến sự tiếp tay của các cơ quan công quyền.
Liên Hiệp Quốc cho biết thêm trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 03/09 đến 28/10/2021, có khoảng 205 phụ nữ Việt Nam, trong đó có nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương. Các chuyên gia kêu gọi Việt Nam tăng cường hỗ trợ những người phụ nữ này, kể cả về pháp lý, chăm sóc y tế và tâm lý xã hội.
Liên Hiệp Quốc nhắc nhở Việt Nam và Ả Rập Xê Út về “các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong việc hợp tác chống nạn buôn người”, bao gồm cả trong điều tra tư pháp hình sự, có các biện pháp khắc phục hiệu quả tệ nạn này và hỗ trợ nạn nhân.