Cựu tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh:
"Ngày hôm nay, ngồi đây, để nói những lời này, tôi cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương rất nhiều. Có lẽ đó là phút sai lầm của tôi. Tôi không có mong muốn gì, chỉ mong thời khắc thế này, nói ra để HĐXX xem xét, khoan hồng”.
Nếu là câu nói của một người dân bình thường, tôi bỏ qua nhưng đây là của một người đã từng có vị trí quan trọng thì đáng để bình luận.
Với một nhận thức thông thường, người ta sẽ nói là biết lỗi và xin khoan hồng, đơn giản vậy thôi.
Ở đây Nguyễn Duy Linh lại dùng đến từ “lòng tự trọng” khiến tôi thấy khó hiểu. Tôi tin là ai cũng có lòng tự trọng, kể cả một tên sát nhân, một tội phạm đáng ghê tởm nhất cũng có lòng tự trọng, chỉ nhiều hay ít và cái lòng tự trọng ấy theo hệ giá trị nào mà thôi.
Tôi cảm thấy Linh đang mơ màng quên là mình đang ở chốn công đường nên mở lời tâm sự như ở nhà. Người tỉnh táo khi nói sẽ biết mình nói để làm gì, nói với ai. Hội đồng xét xử lúc này quan tâm gì tới sự bộc bạch của tâm can và đặc biệt là “lòng tự trọng” của Linh?
Rõ ràng có lòng tự trọng và Linh cảm thấy bị tổn thương thật nhưng qua một phiên toà mà Linh không học được bài học gì, không nói lên được điều gì đáng nói mà chỉ có cái tâm sự về lòng tự trọng thì thật là dở hơi.
Linh có lòng tự trọng nhưng quan niệm của Linh về giá trị của con người sai, do vậy cái “lòng tự trọng” của Linh cũng sai.
Người có lòng tự trọng thật sự không dễ nhận một món quà của người khác. Món quà ấy là một sự tri ân đầy tình nghĩa khác với một cái giá trao đổi. Linh tất nhiên thừa biết đấy là một sự trao đổi và với đồng tiền ấy, Linh sẽ phải làm gì đấy để giúp Vũ thực hiện việc phi pháp. 5 tỉ nhưng tổn thất của tài sản công sẽ gấp nhiều lần.
Trong quan niệm về hệ giá trị của Linh và nhiều kẻ trong hệ thống thì chức vụ và đồng tiền sẽ luôn đứng hàng đầu, nhưng với chúng ta những người dân, những người lao động bình thường, nếu chúng ta đặt mấy cái ấy hàng đầu thì giá trị của chúng ta nằm ở đâu?
Để bàn sâu hơn về vấn đề này, tôi chia sẻ đây lại bài tôi viết đã lâu về Hệ Giá Trị và điều ấy liên quan tới niềm tự hào tự thân của mỗi người.
Tại sao niềm tự hào thầm kín quan trọng?
Đừng bao giờ ước ao mình sẽ có địa vị, tiền bạc như một quan chức nào đấy. Tin tôi đi, có những kẻ quyền cao chức trọng, tiền bạc đè chết người, ngày hôm qua còn vênh vang nhưng có thể hôm nay lại ước ao có được cuộc sống giản dị của một người bình thường và giật mình thon thót không biết bao giờ mình bị bắt.
Mà không phải là cái sự bắt bớ đầy kiêu hãnh của những người đấu tranh vì tiến bộ xã hội, những người lên tiếng bênh vực những người thấp cổ bé họng bị chèn ép mà sự bắt bớ đi cùng với nỗi nhục, một nỗi nhục con cháu, anh em họ hàng cùng phải mang.
Tất nhiên, vẫn có những quan chức tốt nhưng tôi hy vọng cái tốt của họ được kèm với cái dũng và khát vọng cải biến xã hội. Còn không, họ cũng chỉ là một bánh xe trong một bộ máy đang hoạt động rệu rã, kêu ken két trong mỗi vòng chuyển động.
Mỗi cá nhân, trong mỗi thời điểm cuộc đời luôn cần nhìn sâu vào nội tâm và tự hỏi điều gì là quan trọng nhất đối với mình, điều gì sẽ khiến mình cảm thấy mãn nguyện trước hơi thở cuối cùng và không nuối tiếc, không có những điều ước “giá như”, “phải chăng ngày ấy”...
Với những quan chức tham nhũng thì điều quan trọng với chúng là làm sao leo cao, làm sao đớp, nhai và nuốt thật gọn, miếng càng to càng tốt, càng ít gây tiếng động càng tốt. Những Đấy chính là “lý tưởng” của những con sâu, sâu có to đến đâu thì chúng cũng chỉ mơ và lập mưu về những miếng to tiếp theo. Làm gì có lý tưởng phục vụ đất nước, làm gì có khát vọng đưa dân tộc đi lên.
Bọn chúng không bao giờ cần biết dân đang khổ đến đâu, nếu có thể hiện thương xót thì chỉ là những hành động mị dân lừa gạt, nếu có những giọt nước mắt thì chỉ là những giọt nước mắt cá sấu được đổi bằng nỗi đau của nhân dân. Tất cả mọi vở diễn chỉ để giữ cái ghế chúng đang ngồi.
Bọn chúng quên đi một bài học cơ bản của con người là sự lương thiện, lòng tự hào thầm kín trong mỗi việc làm chứ không phải sự hào nhoáng bên ngoài. Niềm tự hào lương thiện mới là thứ để một Con Người hướng tới chứ không phải mấy miếng ăn, sự giầu sang trên mồ hôi nước mắt của dân đen.
Và tin tôi đi. Những con sâu ấy không bao giờ được sống trong sự ấm áp của tình người. Chúng sống trong sự đề phòng, âm mưu đen tối. Ai đấy đến với chúng, chúng sẽ tự hỏi kẻ này cần gì ở mình, nó sẽ mang lợi gì cho mình? Và tất nhiên, sinh ra trong sự xa hoa, bọn sâu con sẽ coi thường dân đen, coi thường những thân phận khó khăn nói chung.
Và những đứa con của một kẻ như thế, vốn tự hào về tài sản, gia thế của mình, khi một người nói lời yêu, chúng sẽ tự hỏi đấy là yêu thực hay là yêu cái địa vị và tiền bạc, nhà cửa của bố mẹ chúng?
Và chính bọn sâu ấy, bởi chúng là sâu nên chúng không bao giờ có thể mở mồm dạy được con những bài học chân thực, mang giá trị nhân bản. Nếu có giả vờ cao đạo mà dạy, con cái chúng cũng cảm nhận được ngay sự giả dối.
Còn chúng ta, những người phải đổ mồ hôi cho từng đồng lao động, chúng ta có thể dạy cho con mình những điều đẹp đẽ nhất về con người. Về bài học chân chính và giản dị của lao động, về lòng dũng cảm khi phải đối mặt với kẻ mạnh bất nhân, sự trung thực với lỗi của chính mình, sự chân thành trong tình cảm. Chúng ta gặp ai, hút một điếu thuốc, uống một li rượu, ăn một que kem, chúng ta có thể cười ngất ngây trong tình bạn bè chân thành. Đâu phải uống mà đầu óc căng ra tính toán như đi đánh trận.
Tôi nghĩ sự tiến bộ xã hội là tất yếu nhưng nó cần sự thay đổi trong quan niệm mỗi người, bắt đầu từ chúng ta rồi mới đến bọn trẻ. Chúng ta không thể ngồi chờ bọn trẻ làm điều gì đấy cao cả, nhiều ý nghĩa và vĩ đại khi trao cho chúng một xã hội mục ruỗng be bét và chúng ta sống như thể đã chết rồi.
Chúng ta là con người với những vẻ đẹp của Con Người. Chúng ta không đội lốt con người để làm những việc của những con sâu hào nhoáng bóng bẩy. Chúng ta có thể giản dị nhưng tâm hồn chúng ta cao thượng và hàng ngày chúng ta đều khát vọng vươn cao hơn tới những vẻ đẹp của con người. Vậy, ngay bây giờ, chúng ta hãy làm điều gì đấy đẹp đẽ đi!