ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/11 - Nam Giang tổng hợp

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/11 - Nam Giang tổng hợp
11/10/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

 

27 tiểu bang khởi kiện Chính quyền Biden vì quy định bắt buộc tiêm vaccine, kể cả bang Xanh của Đảng Dân chủ

image.png

Tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 27 tiểu bang đã kiện Chính quyền Biden vì quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với các doanh nghiệp tư nhân có 100 nhân viên trở lên.

Trước đó, Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) trực thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ đã đưa ra yêu cầu mới. Theo đó, yêu cầu người sử dụng lao động phải bảo đảm tất cả các nhân viên của mình đều phải được chủng ngừa COVID-19 trước thời hạn ngày 4/1/2022, hoặc phải cung cấp kết quả xét nghiệm hàng tuần. Nếu các doanh nghiệp không tuân theo quy định, họ có thể bị phạt tới 14.000 USD (khoảng 317 triệu VNĐ) cho mỗi trường hợp vi phạm, theo Just the News đưa tin.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 27 tiểu bang đệ đơn kiện Chính quyền Biden, trong đó có 3 tiểu bang có Thống đốc là người của Đảng Dân chủ, gồm Kansas, Kentucky và Louisiana.

Thống đốc tiểu bang Kansas – bà Laura Kelly – đã lên tiếng chỉ trích Chính quyền Biden vào tối hôm thứ Sáu tuần trước (5/11), rằng: “Mặc dù tôi đánh giá cao ý định giữ an toàn cho mọi người – vốn là một mục tiêu mà tôi chia sẻ, nhưng tôi không tin rằng chỉ thị này là giải pháp đúng đắn hoặc hiệu quả nhất cho Kansas”.

Được biết, bà Kelly đang chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử vào năm tới, và người thách thức chính của bà là Tổng chưởng lý tiểu bang – một thành viên Đảng Cộng hòa. Ông này lên án bà Kelly vì đã chần chừ chờ quy định bắt buộc của Chính quyền Biden có hiệu lực rồi mới chỉ trích.

Trong khi đó, tại tiểu bang Kentucky, Thống đốc Andy Beshear nói rằng, ông không chắc liệu các đơn kiện chống lại Chính quyền Biden về quy định bắt buộc tiêm chủng có đủ cơ sở pháp lý hay không. Ông nói: “Tôi không biết [kết quả] vụ kiện sẽ thế nào, nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải tuân theo luật với tư cách là một tiểu bang, chúng tôi sẽ sẵn sàng tuân thủ”.

Tại Louisiana, người phát ngôn của Thống đốc John Bel Edwards nói rằng, Thống đốc đang xem xét “chỉ thị” của Chính quyền Biden và “sẽ tiếp tục bảo đảm rằng, tất cả nguồn lực của tiểu bang luôn sẵn sàng để hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các quy định [do chính quyền liên bang ban hành]”.

Thống đốc tiểu bang Iowa – ông Kim Reynolds (một thành viên Đảng Cộng hòa) – đã tuyên bố trong đơn kiện Chính quyền Biden: “Tôi tin rằng, vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất để chống lại COVID-19, nhưng tôi cũng hết sức tin tưởng vào quyền của người dân Iowa – trong việc tự đưa ra các quyết định sức khỏe dựa trên những gì là tốt nhất cho bản thân họ và cho gia đình họ. Tôi sẽ tiếp tục cam kết bảo vệ cho những quyền tự do này. Tổng thống Biden cũng nên làm điều tương tự”.

Hiện tại, các tiểu bang bao gồm Louisiana, Mississippi, South Carolina, Texas và Utah đang cùng khởi kiện Chính quyền Biden tại Tòa án Phúc thẩm Khu vực số 5. Đây cũng chính là Tòa án đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với quy định bắt buộc chích vaccine ngừa COVID-19 của Chính quyền Biden, với lý do là có “các vấn đề nghiêm trọng về pháp lý và Hiến pháp” mà các nguyên đơn đã nêu ra.

Trong khi đó, các tiểu bang bao gồm Idaho, Kansas, Kentucky, Ohio, Oklahoma, Tennessee, West Virginia đã cùng nhau đệ đơn kiện lên Tòa án Phúc thẩm Khu vực số 6.

Indiana đã thông báo nộp đơn kiện lên Tòa án Phúc thẩm Khu vực số 7.

Alaska, Arizona, Arkansas, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, North Dakota, South Dakota và Wyoming nộp đơn kiện lên Tòa án Phúc thẩm Khu vực số 8.

Alabama, Florida và Georgia đang kiện Chính quyền Biden tại Tòa án Phúc thẩm Khu vực số 11.

 

Nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ thăm ngoại giao Đài Loan, Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu”

image.png


Phái đoàn bao gồm các thành viên của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống Đài Loan vào tối thứ Ba (9/11) theo giờ địa phương để bắt đầu chuyến thăm ngoại giao cấp thấp.

Vào khoảng 6:03 chiều ngày 9/11 giờ địa phương, một chếc C-40A của quân đội Hoa Kỳ cất cánh từ Manila đã hạ cánh xuống sân bay Songshan ở Đài Bắc. Máy bay này cất cánh ngay sau đó để đến Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản.

Một bản kê khai hành khách chưa được xác nhận do Mirror Media có trụ sở tại Đài Loan thực hiện cho biết đoàn có số lượng 13 người, bao gồm 4 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và 2 Dân biểu. Trong số đó có các Thượng nghị sĩ Mike Lee (bang Utah) và John Cornyn (bang Texas).

Hai sĩ quan quân đội Hoa Kỳ – một đại tá và một đại úy – cũng tham gia vào phái đoàn, theo báo cáo.

Joanne Ou, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan, cho biết bộ phận của bà đang cung cấp “hỗ trợ hành chính” cho phái đoàn. Bà Ou nói rằng thông tin chi tiết sẽ được công bố trong thời gian thích hợp.

Các nhà lập pháp Mỹ dự kiến sẽ tuân theo một lộ trình đã được sắp xếp trước để tránh sự chú ý. Đây là một phần của thỏa thuận “bong bóng ngoại giao” của Đài Loan vốn được đưa ra cho các đại biểu nước ngoài.

Do tính chất nhạy cảm của trao đổi giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, các chuyến thăm ngoại giao thường không được thông báo trước và chỉ được xác nhận vào phút cuối. 

Danh tính của các thành viên Quốc hội đến thăm dự kiến sẽ không được tiết lộ cho đến khi họ tổ chức cuộc họp báo chung vào thứ Tư theo giờ địa phương.

Trước đó, phái đoàn gần đây nhất của Mỹ được chính quyền Biden chấp thuận là chuyến thăm kéo dài ba giờ tới Đài Bắc của các Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (D-IL), Dan Sullivan (R-AK) và Chris Coons (D-DE) vào đầu tháng Sáu.

Bộ ba đã đến trên chiếc chiếc C-17 Globemaster III của Không quân Hoa Kỳ để thông báo về việc tài trợ vắc-xin cho Đài Loan. Động thái này khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội.

Trung Quốc cho tuần tra sẵn sàng chiến đấu
Quân đội Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết họ đã cho lực lượng tuần tra sẵn sàng chiến đấu theo hướng eo biển Đài Loan, sau khi Bộ Quốc phòng nước này lên án chuyến thăm Đài Loan của một phái đoàn quốc hội Mỹ đến bằng máy bay quân sự.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ việc này,” Bộ tuyên bố.

Người phát ngôn quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tuần tra nhằm vào những lời nói và hành động “sai lầm nghiêm trọng” của “các nước liên quan” về vấn đề Đài Loan và hoạt động của các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 6 máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của nước này hôm thứ Ba, bao gồm 4 máy bay chiến đấu J-16 và 2 máy bay giám sát.

Tại Washington, Lầu Năm Góc cho biết việc các phái đoàn quốc hội được vận chuyển bằng máy bay quân sự không phải là hiếm.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby không cung cấp thông tin chi tiết về những ai có mặt trên chuyến bay, nhưng cho biết đây là chuyến đi thứ hai của Quốc hội tới Đài Loan trong năm nay.

 

Gordon Chang: Hoa Kỳ đã không chú ý đến các mối đe dọa của Trung Quốc

image.png

Trung Quốc không ngừng nỗ lực xây dựng quân đội của họ để ‘tiêu diệt’ người Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Hoa Kỳ đã không chú ý đến. Những mối đe dọa ngày càng gia tăng đánh dấu sự “thất bại của giới chính trị chúng ta trong việc bảo vệ nước Mỹ”, chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang nói với Newsmax hôm 9/11.

Cụ thể, vào thời điểm này có thể thấy rõ mối đe dọa thông qua vụ thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân của Trung Quốc, ông Chang nhận định trên chương trình John Bachman Now của Newsmax.

Ông cho hay: “Điều này trước hết là vi phạm hiệp ước ngoài không gian mà Trung Quốc là một bên tham gia. Loại vũ khí này có thể rơi thoát ra ngoài không gian và thiêu rụi một thành phố của Mỹ, mà gần như rất ít dấu hiệu báo trước.”

“Chúng ta là những người đi đầu trong công nghệ thiết bị siêu thanh những năm 1960. Chúng ta đã không chọn phương án phát triển công nghệ này, bởi chúng ta không muốn bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng chúng ta lại không thể khiến cho người Trung Quốc và người Nga trầm lặng về điều này.”

Ông nói thêm, các cuộc thử nghiệm là “sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc hiểu rõ Trung Quốc”, và kết quả là Trung Quốc đã vượt lên dẫn trước.

Gần đây, nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc đang tập trung xây dựng năng lực hầm chứa hạt nhân mới, và ông Chang nhận ra Hoa Kỳ đang “đi sau một cách đáng tiếc”.

Ông Chang nhấn mạnh: “Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ràng rằng họ muốn tiêu diệt người Mỹ. Chúng tôi đã thấy điều này. Họ cố tình đưa virus corona ra ngoài biên giới của họ. Và có tới 755.000 người Mỹ đã thiệt mạng.”

“Trung Quốc đứng sau các băng đảng fentanyl. Và 53.000 người Mỹ đã bị giết thông qua loại thuốc đó. Chúng ta nên xem xét tất cả những vụ giết người tử vong này, bởi vì Trung Quốc cố ý muốn người Mỹ phải chết. Họ đang rất nỗ lực để làm điều đó, trong khi chúng ta lại không tự bảo vệ mình. Chúng ta vốn là một xã hội mạnh hơn nhiều, nhưng chúng ta có thể đánh mất đất nước vì chúng ta không tự bảo vệ mình.”

Ông kết luận, Hoa Kỳ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ mình, “bởi vì Trung Quốc có thể đánh chìm các tàu sân bay của chúng ta, và chúng ta hiện không có khả năng phòng thủ tốt.”

 

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo ‘cuộc chiến sẽ đến’ nếu Mỹ, Đài Loan không ‘ thay đổi lộ trình

 
 

Khi căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc về tương lai của Đài Loan leo thang, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo vè một “cuộc chiến sẽ đến” nếu Washington và Đài Bắc không thay đổi lộ trình.

Theo đó, tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận diều hâu của Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo trên vào cuối tuần trước sau khi các quan chức quân đội Mỹ không ngừng cảnh báo về mối đe dọa của Trung Quốc đối với quyền tự chủ của Đài Loan. 

Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nêu nhận xét của người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro – người đã bày tỏ quan ngại trong tuần trước về “sự bành trướng nhanh chóng” của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo – điều khiến Washington lẫn Đài Bắc lên án. Trong những năm gần đây, các nhà phân tích liên tục cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể tiến hành các hoạt động quân sự để giành quyền kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực.

Bài xã luận viết: “Chúng ta cần phải làm cho Mỹ nhận thức được rằng bất kể họ có đe dọa hoặc sử dụng lực lượng nào thì việc tái thống nhất của Trung Quốc sẽ xảy ra”, bài báo cũng khẳng định Bắc Kinh thừa sức chống lại Mỹ và Đài Loan. 

“Khả năng của Trung Quốc trong việc áp đảo sự can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực này được đảm bảo bởi ý chí và nguồn lực chiến lược của Trung Quốc”.

Tờ này còn cảnh báo: “Bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn sự thống nhất của Trung Quốc đều dẫn đến một cuộc chiến tranh sinh tử, mà Mỹ sẽ phải chiến đấu và hy sinh mạng sống của người Mỹ”.

Kết luận, bài xã luận khẳng định rằng, “nếu Mỹ tiếp tục khuyến khích chính quyền Đài Loan đi theo con đường riêng của họ, thì cuối cùng sẽ xảy ra một cuộc đọ sức quân sự. Khi ngày đó đến, một cuộc chiến bất phân thắng bại sẽ quyết định mọi thứ”.

Bài xã luận được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây tuyên bố, họ sẽ bắt những người ủng hộ “Đài Loan độc lập” phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời. Hình phạt đó sẽ mở rộng đối với nhiều quan chức và lãnh đạo đang quản lý Đài Loan.

 

Giá khí đốt và điện ở châu Âu tăng vọt do Nga không đảm bảo nguồn cung

 

Giá khí đốt và điện ở châu Âu đang tăng mạnh do xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Nga sẽ không tăng nguồn cung như Tổng thống Vladimir Putin đã hứa.

Giá khí đốt tương lai giao dịch tại Hà Lan tăng tới 9,7% trong bối cảnh số lượng các chuyến hàng từ Nga sẽ tiếp tục thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Nhiều hợp đồng năng lượng đã được ký kết nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng, với lo ngại sẽ không có đủ nhiên liệu để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vào mùa đông năm nay.

 

Nước Nga - nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất của châu Âu - hứa sẽ tăng cường lượng khí đốt đến các quốc gia châu Âu bắt đầu từ thứ 2 (08/11). Tổng thống Putin đã yêu cầu Gazprom PJSC - tập đoàn năng lượng đa quốc gia thuộc sở hữu của nhà nước Nga - cung cấp đủ khí đốt cho các kho chứa ở châu Âu sau khi hoàn thành chiến dịch dự trữ trong nước. 

Niek van Kouteren, một nhà kinh doanh cấp cao tại công ty năng lượng Hà Lan PZEM, nói với Bloomberg: “Nếu Nga không gia tăng dòng chảy [khí đốt] thì giá bán [ở châu Âu] có thể tăng cao hơn nữa”.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng hơn 3 lần trong năm nay do Nga hạn chế nguồn cung, và các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã được chuyển hướng sang châu Á. 

Giá điện của Đức cho quý I/2022 đã tăng thêm 6,9%, lên 166,50 EUR mỗi megawatt-giờ; trong khi giá trong hợp đồng cho tháng 12 tăng 5,8%, cũng đạt 166,50 EUR. Giá carbon tăng 2,1%, lên 60,63 EUR / tấn.

Vào hôm thứ 2 (08/11), lượng khí đốt của Đức thông qua đường ống Yamal-Europe để chuyển đến trạm máy nén Mallnow vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với mức bình thường. Tập đoàn Gazprom đã không đặt chỗ tại các điểm vào Sudzha và Sokhranovka ở biên giới giữa Nga và Ukraine cho ngày hôm nay (09/11). Chỉ một phần khí đốt được đặt chỗ trước tại biên giới Ukraine-Slovakia, và không có phần bổ sung nào được đặt cho trạm Mallnow ở Đức.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga phát biểu: Điện Kremlin không cho rằng tập đoàn Gazprom vi phạm lệnh của ông Putin về việc bổ sung khí đốt cho châu Âu từ ngày 8/11. Ông Peskov nói: “Gazprom có quyền quyết định về việc vận chuyển khí đốt hàng ngày như thế nào đến châu Âu”.

Trong khi đó, nhu cầu về điện ở châu Âu chuẩn bị tăng cao. Nhiệt độ ở vùng tây bắc Châu Âu đã giảm nhiều độ trong vài ngày qua, và dự báo cho thấy thời tiết sẽ còn lạnh hơn vào tuần tới.

 

Mùa đông khắc nghiệt đến gần buộc Bắc Kinh gia tăng áp lực giảm giá than

 

Trung Quốc đang gia tăng áp lực buộc các công ty khai thác than ở nước này giảm giá bán than để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng điện. Thời tiết giá lạnh những ngày gần đây ở Trung Quốc báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.

Một số mỏ than ở tỉnh Sơn Tây - khu vực sản xuất than hàng đầu Trung Quốc hồi năm ngoái - đã hạ mức giá trần của than 5.500 NAR xuống còn 900 NDT (tương đương 141 USD) / tấn, sau khi các mỏ than này nhận được yêu cầu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC). 

 

Mức trần mới thấp hơn 25% so với mức trần cách đó 2 tuần. Tuy nhiên, nó cao hơn đáng kể so với mức trần 528 NDT mà NDRC đã xem xét vào hồi tháng trước. 

Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để can thiệp thị trường than sau khi giá than nước này tăng lên ở mức kỷ lục, khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng gây mất điện và cắt điện luân phiên. Bắc Kinh đã thúc giục các công ty được nhà nước hậu thuẫn tăng sản lượng khai thác; tăng cường mua than từ nước ngoài; đồng thời loại bỏ các biện pháp từng được áp dụng để giữ giá điện ở mức thấp.

Các biện pháp can thiệp của Bắc Kinh đã khiến giá than giảm mạnh. Giá than trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu đã giảm 5% - mức giảm hơn một nửa so với mức giá đỉnh của tháng trước.

Mới đây, một đợt lạnh khắc nghiệt đã làm những vùng đất rộng lớn ở Trung Quốc tràn ngập tuyết rơi dày đặc, đặt ra thách thức lớn đối với nông nghiệp, giao thông vận tải, và cả khai thác than.

Thành phố Thông Liêu (Tongliao) ở Nội Mông, nơi sở hữu một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất Trung Quốc, đã bị bao vây bởi trận bão tuyết mạnh nhất từng được ghi nhận, Tân Hoa xã đưa tin. Hầu hết các trường mẫu giáo, tiểu học, và trung học cơ sở của thành phố đã tạm ngừng các lớp học kể từ thứ 2 (08/11). Cùng với đó, các đường băng của sân bay địa phương đã bị đóng cửa và các đường cao tốc đang bị hạn chế giao thông.

 

Đại dịch COVID-19 khiến gần 26.000 tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương

image.png

Một nghiên cứu mới công bố hôm 8/11 trên tạp chí PNAS cho thấy khoảng 25.900 tấn rác thải nhựa từ đại dịch COVID-19 (tương đương với hơn 2.000 chiếc xe buýt 2 tầng) đã bị đổ ra các đại dương.

Cụ thể, nghiên cứu cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu về nhựa dùng một lần tăng cao, qua đó gây thêm áp lực cho vấn đề rác thải nhựa vốn đã bị mất kiểm soát trên toàn cầu”.

Hai tác giả Yiming Peng và Peipei Wu đến từ Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) chỉ ra rằng với quy trình quản lý không phù hợp, lượng rác thải nhựa từ đồ bảo hộ y tế như khẩu trang và găng tay đã vượt quá khả năng xử lý của các quốc gia. Theo các tác giả, từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã gây ra khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa. Các nhà khoa học dự đoán rằng hầu hết rác thải nhựa từ đại dịch sẽ chìm xuống đáy đại dương hoặc xuất hiện tại các bãi biển vào cuối thế kỷ này.

“Rác thải nhựa trôi nổi trong một phạm vi rộng lớn ở các đại dương, có thể khiến cho các sinh vật biển bị thương tích, thậm chí tử vong”, nhóm nghiên cho biết thêm.

Nghiên cứu chỉ ra rằng 46% lượng rác thải nhựa xuất phát từ châu Á do hoạt động sử dụng khẩu trang của người dân, tiếp đến là châu Âu (24%), châu Mỹ (22%).

Hai tác giả Peng và Wu cho hay rằng 87,4% lượng rải thải là từ các bệnh viện, thay vì nhu cầu dùng đồ bảo hộ cá nhân (chiếm 7,6%).

Tính cho đến tháng 8, có hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ xét nghiệm đã theo dòng chảy của 369 con sông lớn đổ ra các đại dương. Trong đó, sông Shatt al-Arab mang theo 5.200 tấn rác thải từ đồ bảo hộ cá nhân, sông Indus mang theo 4.000 tấn, còn sông Trường Giang vận chuyển 3.700 tấn.