11/21/2021
Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép dùng khẩn cấp thuốc trị Covid-19 của Merck
Thuốc Molpuravir trị Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ Merck được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngày 19/11/2021. © AFP / Merck & Co,Inc.
Thùy Dương
Ngày 19/11/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã thông qua việc sử dụng khẩn cấp thuốc trị Covid-19 của hãng dược Mỹ Merck để điều trị cho người trưởng thành nhiễm Covid-19 chưa đến mức phải dùng oxy bổ trợ nhưng có nguy cơ bệnh trở nặng.
Theo AFP, Cơ quan Dược phẩm châu (EMA) mới chỉ cho phép sử dụng khẩn cấp chứ chưa phải là cấp phép cho sử dụng chính thức để thuốc trị Covid-19 được lưu hành trên thị trường Liên Âu. EMA tuyên bố mặc dù thuốc của Merck chưa chính thức được thông qua, nhưng Cơ quan dược phẩm châu Âu đưa ra khuyến nghị để từng nước thành viên Liên Âu có thể tự đưa ra quyết định trong trường hợp số ca nhiễm lên cao đến đỉnh. Ngoài ra, EMA cũng bắt đầu xem xét để cho phép sử dụng thuốc trị Covid của Pfizer.
Thuốc trị Covid-19 của hai tập đoàn Mỹ Merck và Pfizer đang rất được trông chờ bởi các nghiên cứu cho thấy rằng chúng cho phép giảm nguy cơ người nhiễm virus corona phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân có nhiều vấn đề về sức khỏe.
Số ca nhiễm mới tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu
Thông báo của EMA được đưa ra trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 mới đang lây lan rất mạnh ở nhiều nước, như Bulgari, Rumani, Áo… Tại Đức, tình hình ở Saxe và Bayern (Bavière) nghiêm trọng đến mức ngày 19/11, hai bang này đã quyết định thông báo thêm nhiều biện pháp hạn chế mới, trong đó có việc hủy tất cả các khu chợ Giáng Sinh khi đã sắp đến mùa lễ tết cuối năm.
Ở Pháp, trong tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng tới 38%. Ngày 19/11, Cơ quan Y tế công của Pháp thông báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong vòng 24 giờ là 21.220 ca, số ca tử vong tại bệnh viện là 54 người. Cơ quan y tế cấp cao của Pháp cũng khuyến nghị cho tất cả những người trên 40 tuổi đã tiêm xong cách nay trên 6 tháng được tiêm nhắc lại.
Nhìn sang Bulgari, nơi tỉ lệ tiêm chủng ở mức thấp nhất toàn Liên Âu, trong chuyến thăm nước này ngày 19/11, ủy viên châu Âu về thị trường nội khối, Thierry Breton, lưu ý Bulgari không phải là một hòn đảo nằm tách biệt nên việc Bulgari mới đạt tỉ lệ 24,2% dân số tiêm chủng so với tỉ lệ trung bình 68% của Liên Hiệp Châu Âu là một nguy cơ cho toàn khối, bởi Bulgari có thể trở thành ổ dịch của Liên Âu và gây nguy hiểm cho toàn châu lục. Hiện giờ, Bulgari là một trong nhưng nước có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Ba Lan báo động vẫn còn những vụ vượt biên tại vùng biên giới với Belarus
Một nhà kho được chuyển thành nơi tạm trú của người nhập cư ở biên giới Belarus-Ba Lan, tại trạm kiểm soát "Kuznitsa", gần Grodno, Belarus, ngày 19/11/2021. © Maxim Guchek/BelTA via AP
Trọng Nghĩa
Chính quyền Ba Lan vào hôm qua, 19/11 cho biết vẫn còn nhiều vụ người di dân bất hợp pháp từ Belarus vượt qua biên giới vào Ba Lan cho dù khủng hoảng đã có dấu hiệu tạm lắng.
Theo lực lượng biên phòng Ba Lan, hai vụ vượt biên mới đã xẩy ra trong 24 giờ qua, trong đó có một vụ bao gồm khoảng 500 người di cư, với một số phần tử đã ném đá và bom hơi cay.
Phương Tây cáo buộc Belarus dàn dựng cuộc khủng hoảng để trả thù các lệnh trừng phạt của châu Âu, đưa người di cư đến vùng biên giới với lời hứa sẽ dễ dàng xâm nhập vào Liên Hiệp Châu Âu. Belarus bác bỏ các cáo buộc, đồng thời chỉ trích EU không muốn tiếp nhận người di cư.
Cho dù vậy, tổng thống Belarus Alexander Loukachenko, trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Anh BBC, không ngần ngại khẳng định rằng “hoàn toàn có thể” có việc các binh sĩ Belarus đã giúp những người di cư vượt biên vào Liên Hiệp Châu Âu, nhưng ông vẫn phủ nhận việc “mời” những người này đến đất nước của ông.
Theo điện Kremlin, ông Loukachenko và đồng minh chính, tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói chuyện qua điện thoại hôm 19/11 và nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc thiết lập hợp tác giữa Minsk và EU”.
Ukraina, quốc gia có biên giới với cả Belarus và Ba Lan, cho biết đang chuẩn bị "một cách có hệ thống và kỹ lưỡng" trong trường hợp cuộc khủng hoảng di chuyển sang lãnh thổ của họ. Bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Denys Moosystemrsky cho biết : "Chúng tôi không loại trừ khả năng Nga quyết định cố tình gửi một số lượng lớn người di cư bất hợp pháp qua ngả Belarus đến lãnh thổ của chúng tôi".
Theo ông, tình hình ở biên giới Ukraina-Belarus hiện đang được kiểm soát, và những người di cư quyết định vượt biên sẽ bị đẩy lùi bằng mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả vũ khí.
Để giúp đỡ đồng minh, khối NATO cho biết sẵn sàng hỗ trợ hơn nữa các thành viên bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng người di cư ở Belarus. Theo tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 19/11, tình hình ở các vùng biên giới với Ba Lan, Litva và Latvia rất đáng lo ngại. Đối với ông, “việc chế độ Loukachenko sử dụng những người dễ bị tổn thương như một phương tiện để gây áp lực đối với các quốc gia khác là hành động vô lương tâm và vô nhân đạo. NATO luôn đoàn kết với tất cả các đồng minh bị ảnh hưởng”.
Hà Lan: Bạo loạn dữ dội ở Rotterdam chống việc tái lập các hạn chế y tế
Bạo loạn xảy ra ở Rotterdam, Hà Lan, tối 19/11/2021 sau cuộc biểu tình chống tái lập các biện pháp phòng dịch Covid-19. © Media TV Rotterdam/AP
Trọng Nghĩa
Dịch Covid bùng phát mạnh trở lại tại Hà Lan đã gây nên bạo loạn. Vào tối hôm qua, 19/11/2021, bên lề một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp y tế của chính phủ Hà Lan, bạo động đã nổ ra dữ dội, buộc cảnh sát phải nổ súng bắn cảnh cáo. Chính quyền đã xác nhận một số trường hợp bị thương.
Từ La Haye, thông tín viên RFI Antoine Mouteau tường trình:
“Những người đàn ông trùm kín mặt, trang bị gậy gộc, xe cảnh sát bị phá hủy, với một chiếc đang bốc cháy, và nhiều phương tiện khác bị thiêu rụi như xe đạp và xe tay ga: Những hình ảnh về cuộc bạo loạn ở Rotterdam - được truyền thông Hà Lan đưa tin rộng rãi - cho thấy cả một trung tâm thành phố chìm vào những vụ đụng độ giữa những kẻ bạo loạn và cảnh sát.
Ngay sau 9 giờ tối, trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết họ đã phải nổ súng bắn cảnh cáo, và sau đó cho biết là đã có bảy người bị thương, bao gồm cả cảnh sát.
Theo truyền hình địa phương, ít nhất một người đã bị trúng đạn, nhưng chưa thể xác định là liệu đó có phải là đạn của cảnh sát hay không. Chính quyền cho biết họ đã bắt giữ hàng chục người và đã phải kêu gọi tiếp ứng từ tất cả các đơn vị cảnh sát trên khắp Hà Lan.
Cuộc bạo loạn diễn ra bên lề một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp y tế của chính phủ. Trong một tuần, đối mặt với sự gia tăng dữ dội của các ca nhiễm Covid-19, khẩu trang đã xuất hiện trở lại ở hầu hết các nơi có mái che, trong khi các nhà hàng bị buộc phải đóng cửa vào lúc 8 giờ tối.”
Tháng Giêng vừa qua, Hà Lan từng bị những vụ bạo động tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ, kể cả ở Rotterdam, sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực. Theo truyền thông địa phương, hôm nay 20/11 vẫn có hàng ngàn người tham dự các cuộc biểu tình ở Amsterdam và thành phố phía nam Breda.
Biển Đông: Mỹ cảnh cáo Trung Quốc sau sự cố tại Bãi Cỏ Mây với Philippines
Người biểu tình Philippines phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở Biển Đông, trước cửa lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati, Philippines, ngày 12/07/2021. © AP / Aaron Favila
Trọng Nghĩa
Hoa Kỳ, ngày hôm qua 19/11/2021, lên tiếng tố cáo việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông là đã có những hành vi “nguy hiểm, khiêu khích và phi lý”. Washington đồng thời nhắc lại rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu Philippines có thể dẫn đến việc kích hoạt các cam kết bảo vệ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price, Hoa Kỳ sát cánh cùng đồng minh kết ước là Philippines trong bối cảnh đã xảy ra một vụ “leo thang đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Trong một thông cáo, phía Mỹ cho rằng Bắc Kinh “không có quyền can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".
Bản thông cáo tái khẳng định rằng “Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến (việc áp dụng) các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ”.
Các cam kết bảo vệ của Washington đối với Manila cũng đã được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nhắc lại trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Philippines Delfin Lorenzana vào hôm qua.
Hôm thứ Năm 18/11, Philippines đã lên án “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất” hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo là đã ngăn chặn và phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Manila trên đường đi đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), một đảo san hô do Philippines kiểm soát ở vùng Trường Sa thuộc Biển Đông, bên trên có một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Philippines đồn trú.
Theo hãng tin Anh Reuters, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ xin giấu tên, đã gọi các hành động của Hải Cảnh Trung Quốc là “nguy hiểm, khiêu khích và phi lý”, xem đó là động thái mới nhất “trong một loạt các hành động của Bắc Kinh nhằm đe dọa và khiêu khích các quốc gia khác, phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Washington đã nhiều lần lên án việc Trung Quốc hung hăng áp đặt các yêu sách lãnh thổ rộng khắp ở Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên để thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Vào tháng Hai vừa qua, bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng tỏ ý quan ngại về một bộ luật mới của Trung Quốc cho phép lực lượng Hải Cảnh của họ sử dụng vũ lực, kể cả việc dùng vũ khí để áp đặt các yêu sách của Trung Quốc.
Oanh tạc cơ Trung Quốc và Nga áp sát không phận Nhật BảnẢnh trích từ video do Cơ quan Báo chí bộ Quốc phòng Nga công bố, cho thấy một máy bay chở dầu Il-76 của Nga, phía trên, đang tiếp nhiên liệu cho một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga trong cuộc tuần tra trên không với không quân Trung Quốc trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, ngày 19/11/2021. © Russian Defense Ministry Press Service via AP
Trọng Nghĩa
Mối quan ngại của Nhật Bản trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc thường xuyên được thực tế chứng minh. Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản vừa xác nhận sự kiện bốn chiếc oanh tạc cơ Trung Quốc và Nga vào hôm qua 19/11, đã bay theo đội hình trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản, trên vùng biển giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako ở miền nam Nhật Bản, áp sát nhưng không vi phạm không phận Nhật.
Lực lượng Không Quân Nhật Bản đã phải cho chiến đấu cơ cất cánh để dự phòng bất trắc. Đây là lần thứ ba, bộ Quốc Phòng Nhật Bản tiết lộ thông tin về những phi vụ hỗn hợp của máy bay Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản. Lần gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2020.
Hôm 18/11, chiến hạm Nga và Trung Quốc cũng đã băng qua eo biển Tsushima ngoài khơi miền tây nam Nhật Bản, buộc bộ Quốc Phòng Nhật Bản phải nâng cao cảnh giác trước các động thái bị coi là bất thường này.
Không chỉ thế, theo hãng Kyodo, vào hôm qua, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng loan báo sự kiện một chiếc tàu hải quân Trung Quốc lại xâm nhập hải phận Nhật Bản, ngoài khơi tỉnh Kagoshima ở miền tây nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động như vậy kể từ tháng 7/2017.
Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về sự kiện xẩy ra trong đêm 17 và rạng sáng 18/11 với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Các hoạt động gia tăng của tàu Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm an ninh lớn đối với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực.
Hôm 19/11, bốn tàu tuần duyên của Trung Quốc cũng đi vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đánh dấu lần xâm nhập đầu tiên vào khu vực này kể từ ngày 20/10.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết đây là hành vi “vi phạm luật pháp quốc tế... không thể chấp nhận được”.
Vương quốc Anh cân nhắc tẩy chay về ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh
Tượng vận động viên trượt băng nghệ thuật với các vòng tròn Olympic tại một công viên gần trụ sở của Ban tổ chức Thế Vận Hội Olympic (BOCOG) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/11/2021. © AP / Mark Schiefelbein
Thùy Dương
Hai ngày sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden xác định « đang cân nhắc » khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh - về mặt ngoại giao - để phản đối các hành động vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, hôm nay 20/11/2021 Reuters trích dẫn The Times cho biết đến lượt thủ tướng Anh Boris Johnson làm điều tương tự.Ngoại trưởng Anh Liz Truss, người được cho là ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, cho biết là chính phủ Anh đang tiến hành « thảo luận ». Một trong những giả thuyết mạnh nhất được đưa ra là các bộ trưởng Anh sẽ không tham dự Thế Vận Hội, mà chỉ có đại sứ Anh tại Trung Quốc đến dự.Báo Anh The Times còn cho biết có 5 thành viên đảng bảo thủ đã kêu gọi thủ tướng Boris Johnson cấm mọi đại diện chính thức của ngành ngoại giao Anh hiện diện tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, dự kiến được tổ chức từ ngày 04 đến 20/02/2022.Việc tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh đã gây ra nhiều chỉ trích và những lời kêu gọi tẩy chay đã được đưa ra trên khắp thế giới, liên quan đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với người Hồi Giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.