L Ã N H     T Ụ     P H Á T     K Ẹ O

L Ã N H     T Ụ     P H Á T     K Ẹ O
11/22/2021

 KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw

 

Trần Trung Chính

Trong bộ truyện Lục Mạch Thần Kiếm , văn hào Kim Dung có kể ra 2 nhân vật đặc biệt, đó là nhân vật Kiều Phong ở phía Bắc nước Trung Hoa và nhân vật Mộ Dung Cô Tô ở phía Nam nước Trung Hoa ( Chú thích của người viết : bộ truyện Lục Mạch Thần Kiếm có rất nhiều nhân vật chính, trong khi bộ truyện Anh Hùng Xạ Điêu chỉ có cặp Quách Tỉnh – Hoàng Dung là 2 nhân vật chính , hay như bộ truyện Thần Điêu Đại Hiệp chỉ có cặp Dương Qua – Tiểu Long Nữ là 2 nhân vật chính , như trong bộ Cô Gái Đồ Long chỉ có Trương Vô Kỵ là nhân vật chính… )

Kiều Phong được chùa Thiếu Lâm nhận làm đệ tử tục gia từ lúc còn nhỏ ( vì vợ chồng  Kiều Tam Hòe nhận nuôi Kiều Phong theo sự ủy thác của chưởng môn phái Thiếu Lâm ) và Kiều Phong được học võ thuật  dưới sự chỉ dạy của Huyền Khổ đại sư ( các nhà sư mang pháp danh có chữ Huyền đứng đầu , là sư huynh sư đệ của Huyền Từ đại sư – đương kim chưởng môn nhân của phái Thiếu Lâm ) . Vì là đệ tử tục gia, nên khi đến tuổi trưởng thành, ông rời chùa Thiếu Lâm gia nhập giang hồ. Kiều Phong có năng khiếu về võ thuật nên ông được bang chủ Cái Bang là Uông Kiếm Thông thâu nhận làm đệ tử để được trao truyền chức vụ Bang Chủ của Cái Bang khi Uông Kiếm Thông qua đời. Bang chủ Uông Kiếm Thông đã truyền dạy cho Kiều Phong 2 môn võ trấn môn của Cái Bang là Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng . Mặc dù chỉ biết có 3 môn võ, nhưng Kiều Phong chăm chỉ rèn luyện, nên khi ra đòn tấn công ông đánh rất nhanh và chính xác khiến đối phương trở tay không kịp. Vì vậy chả bao lâu sau khi gia nhập vào chốn giang hồ, Kiều Phong đã trở thành một cao thủ nổi danh khắp nước Trung Hoa thời bấy giờ .

Mộ Dung Phục (biệt hiệu là Mộ Dung Cô Tô – có lẽ sinh quán của Mộ Dung Phục ở gần vùng núi Cô Tô hay gần thị trấn Cô Tô) là con cháu của vua nước Yên  (một nước trong thời kỳ nước Trung Hoa bị chia làm 6, đó là : Tần , Tấn, Tề, Sở, Yên, Triệu. Ghi chú của người viết : thời kỳ “lục quốc” là thời kỳ trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất toàn Trung Hoa). Thân phụ của Mộ Dung Phục là Mộ Dung Bác – một cao thủ võ lâm, ông này thừa hưởng di chúc của dòng họ là phải tái lập nước Yên, nên Mô Dung Bác tung tin là một cao thủ của nước Liêu sẽ nhập trung nguyên để trấn áp quần hùng Trung Hoa, Mộ Dung Bác đã triệu tập được 18 đại cao thủ trong đó có cả Bang Chủ Cái Bang là Uông Kiếm Thông, 2 nhà sư có võ công cao nhất của chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ Đại Sư và Huyền Khổ Đại Sư, hai vợ chồng Đàm Công + Đàm Bà, Triệu Triền Tôn (sư huynh của Đàm Bà)...(- người viết không thể nhớ hết tất cả 18 đại cao thủ vì trên 30 năm rồi, tôi chưa đọc lại bộ truyện này ) ra Nhạn Môn Quan đón đánh cao thủ của nước Liêu.

( Ghi chú của người viết : thế kỷ 12, nhà Tống suy yếu nên bị 2 nước phía Bắc  là Mông Cổ và nước Kim lăm le xâm lăng, về sau Thành Cát Tư Hãn dứt điểm được nước Kim rồi tiến vàoTrung Nguyên dứt điểm nhà Tống, một nhánh khác của bộ tộc nước Kim lên nắm chính quyền đổi quốc hiệu là nước Liêu. Cả nước Kim và nước Liêu đều là tiền thân của Mãn Châu sau này ; như vậy người Mãn Châu thất bại trong việc chiếm Trung Hoa vào thế kỷ 12 vì gặp đối thủ giỏi hơn và mạnh hơn là Mông Cổ, nhưng giấc mộng của họ không chấm dứt, phải đợi đến thế kỷ thứ 16 họ mới dứt điểm được nhà Minh và lập nên triều đại nhà Thanh – họ ở vùng đất Mãn Châu nên các sử gia Việt Nam gọi họ là triều đại Mãn Thanh.)

Khi ra tới Nhạn Môn Quan, họ thấy một võ quan của nước Liêu đi cùng người vợ đang bồng một đứa trẻ, đinh ninh võ quan này là một cao thủ nước Liêu như lời loan báo của Mộ Dung Bác, 18 cao thủ của trung nguyên (kể cả Mộ Dung Bác) bao vây và tấn công viên võ quan này. Dĩ nhiên “mãnh hổ nan địch quần hổ” (tôi nói quần hổ chứ không nói quần hồ vì võ công của 18 đại cao thủ này suýt soát với võ công của viên võ quan) nên viên võ quan cứ phải lùi mãi rồi rơi xuống vực thẳm. Người vợ thấy vậy cũng tự sát chết theo chồng, còn lại đứa nhỏ thì khóc oe oe. Thấy hoàn cảnh đứa nhỏ bi thảm như thế, 2 nhà sư phái Thiếu Lâm nhận trách nhiệm nuôi dạy đứa nhỏ, khi trưởng thành thìbàn giao cho Bang Chủ Cái Bang Uông Kiếm Thông. Đứa nhỏ đó là Kiều Phong (lấy họ Kiều vì cha mẹ nuôi là vợ chồng Kiều Tam Hòe sống gần chùa Thiếu lâm, không có con).

Viên võ quan nước Liêu rơi xuống vực thẳm nhưng không chết (có tên là Tiêu Viễn Sơn) mới lẻn vào chùa Thiếu Lâm lén học võ công của phái Thiếu Lâm để báo thù , trong khi đó Mộ Dung Bác cũng lén vào Tàng Kinh Các để học lén võ công của phái Thiếu Lâm với mục đích “khuấy động quần hùng” xào xáo đánh nhau để Mộ Dung Bác có cơ hội tái lập vương triều nước Yên. Tiêu Viễn Sơn mặc áo đen khi vào Tàng Kinh Các nên tác giả Kim Dung gọi là nhà sư áo đen , còn Mộ Dung Bác thì mặc áo trắng nên Kim Dung gọi l;à nhà sư áo trắng. Cả 2 người này đều biết nhau nên sau khi học lóm võ thuật của kinh điển trong Tàng Kinh Các, cả 2 lại giao đấu với nhau để test lại khả năng của mình, cả 2 đều thấy tăng tiến võ công nhưng cũng không thể vượt xa đối thủ của mình.

Tất cả hàng lãnh đạo của chùa Thiếu Lâm từ thủ  tọa Tàng Kinh Các cho đến thủ tọa của La Hán Đường, Đạt Ma Đường, chưởng môn Huyền Từ Đại Sư…cũng không hề biết là có 2 cao thủ võ lâm giả làm nhà sư đột nhập Tàng Kinh Các học lén võ công cao cấp của môn phái Thiếu Lâm. Nhưng có một nhà sư già tiền bối của nhiều đời trước (đến nỗi chưởng môn Huyền Từ còn không nhớ pháp hiệu của nhà sư này, chỉ biết là ông ta đã sống rất lâu trong chùa, trước khi Huyền Từ xin vào làm đệ tử của chùa Thiếu Lâm). Nhà văn Kim Dung đã cởi nút thắt như sau : khi quần hùng tụ tập ở chùa Thiếu Lâm, 2 nhà sư áo đen và nhà sư áo trắng đã bạch hóa tên tuổi của họ, nhà sư già vô danh đã cho biết 2 nhà sư đã ăn trộm những quyển sách nào, đã luyện được những võ công nào, nhưng cũng bị thương ở những huyệt mạch nào…và sẽ chết vì “tẩu hỏa nhập ma”. Hai cao thủ Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác quá khiếp sợ, xin cầu cứu, nhà sư già vô danh nói hãy xả bỏ những tham vọng, hãy xả bỏ những võ công nguy hiểm để trở thành những người không có võ, chuyên đọc kinh niệm Phật để luyện lại nội công (lâu nay 2 cao thủ chỉ lo luyện ngoại công) thì sẽ sống thọ chứ không phải bị chết trong tương lai gần.

Thấy cả 2 cao thủ Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác còn đang ngần ngừ tiếc nuối, nhà sư già vô danh dùng khinh công xông tới Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đánh vào huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu của 2 người rồi 2 tay cắp 2 người bỏ chạy. Cả Kiều Phong và Mộ Dung Phục đều quan tâm đến sự an nguy của 2 thân phụ của mình nên cùng chạy theo nhưng cũng không làm sao đuổi kịp ( không phải nhà sư già vô danh đang cắp Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác bị mất hút, mà là Kiều Phong và Mộ Dung Phục không thể nào rút ngắn được khoảng cách để bắt kịp nhà sư này). Kiều Phong lúc nhảy xổ lại nhà sư già vô danh đã vung tay tung một chưởng trong Giáng Long Thập Bát Chưởng đánh trúng sau lưng nhà sư già, tuy nhiên cao thủ này không hề hấn gì vì ông ta vẫn cắp được Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác chạy như bay. Mà nhà sư già vô danh đâu có chạy đâu xa, ông cắp 2 cao thủ chạy vòng vòng khuôn viên chùa Thiếu Lâm, rồi sau đó đặt Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trong đại sảnh – nơi mọi người đang đứng chờ, nhà sư già vô danh nói ông chạy vòng vòng để giúp 2 người này đả thông kinh mạch và điều hòa hơi thở trở lại bình thường.

Nhà sư già vô danh quay qua khen ngợi Kiều Phong : “chưởng lực và khinh công của thí chủ khá lắm” (trong khi đó Mộ Dung Phục không được khen như vậy). Quan sát 2 người đang ngồi điều tức hơi thở, cả Kiều Phong lẫn Mộ Dung Phục đều thấy 2 thân phụ của mình sắc  mặt tươi tỉnh hơn, bỗng nhiên Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác mở mắt rồi cùng thi lễ kính chào nhà sư già vô danh xin xuất gia ở lại chùa Thiếu Lâm để học đạo (chớ không phải để có cơ hội học võ thuật trong thư viện Tàng Kinh Các).

Tại sao cả Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đã tự học được võ thuật cao siêu mà lại xin quy y tam bảo ở lại chùa Thiếu Lâm học đao ? Tại vì 2 ông này không học kinh Phật để xả bỏ lòng thù hận và xả bỏ tham vọng nên cái “mind” (có thể dịch là tâm trí) của 2 ông này trở nên lùng bùng , biết rằng một số huyệt đạo đang bị thương và sắp tiến tới tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” mà không làm sao để tự cứu chữa. Hành động và lời giảng của nhà sư vô danh khiến 2 ông giác ngộ : cũng giống như Đức Phật, nhà sư già đã chỉ cho 2 ông con đường cứu rỗi và phần còn lại là chính 2 ông phải tự mình bước đi trên con đường cứu rỗi đó (trong Hán tự, Đạo cũng có nghĩa là con đường).

Văn hào Kim Dung – qua lời nói của nhà sư già vô danh – cũng đã nhắn nhủ với độc giả hâm mộ và mến mộ văn tài của ông rằng : “võ thuật và võ công chỉ là phương tiện, suy nghĩ về thân phận con người để có thái độ ứng xử tốt đẹp với nhân quần xung quanh với tha nhân mới chính là CỨU CÁNH của con người.”

Bởi vậy có rất nhiều độc giả không hiểu tại sao Tiêu Phong (sau cuộc hội ngộ ở chùa Thiếu Lâm,biết được cha ruột của mình là Tiêu Viễn Sơn, Kiều Phong không còn mang họ Kiều của cha nuôi nữa mà đổi qua họ Tiêu) cũng là cao thủ võ công không thua gì Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác (được chính nhà sư già vô danh – cao thủ bậc nhất của chùa Thiếu Lâm và môn phái Thiếu Lâm – khen ngợi ) lại không bị tình trạng “nội thương “ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng ? Đó là vì Tiêu Phong là  một con người trượng phu – khoáng đạt từ lối suy nghĩ cho đến  hành động cư xử , lên làm Bang Chủ Cái Bang vì võ công giỏi và được sư phụ Uông Kiếm Thông trao truyền, nhưng đối xử với mọi người trong Cái bang như đối xử với cộng sự viên của mìnhchứ không phải là “ông chủ đối với thuộc cấp tay sai” của mình.

Khi thấy bang chúng dị nghị về thân thế của mình không phải là người Hoa thuần túy  (ông có hình xâm con chó sói trước ngực – là biểu tượng truyền thống của bộ tộc Khiết Đan -  chứng tỏ ông là người nước Liêu  và  mặc dù ông không biết gì về ngôn ngữ bộ tộc Khiết Đan và văn hóa nước Liêu , nhưng dị nghị vẫn là dị nghị ), Tiêu Phong trao gậy trúc cho Ngô Trưởng Lão (Thanh Trúc Lệnh tiêu biểu cho chức vụ Bang Chủ Cái Bang) và bỏ đi lên phía Bắc sống nghề thợ săn : Tiêu Phong không có bất cứ hành động và suy nghĩ nào để bảo vệ và duy trì ngôi vị Bang Chủ.

Về võ công, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, Tiêu Phong chỉ biết 3 môn võ : Thiếu Lâm, Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng của Cái Bang, nhưng ông đã luyện 3 môn võ này tới mức nhuần nhuyễn và chính xác, ra đòn với gia tốc thật nhanh nên đối phương không thể né tránh kịp, đồng thời với nguyên lý động lực học  “lực = tích số của khối lượng nhân với bình phương của gia tốc” nên đối phương mà trúng đòn của ông thì chỉ có chết và bị trọng thương gần chết mà thôi. (tác giả Kim Dung mô tả Tiêu Phong có ngoại hình to lớn, có sức mạnh và khinh công rất nhanh). Ông không học nhiều môn võ nên cái “mind (tâm trí)” của ông không bị “lùng bùng” như thân phụ của ông – Tiêu Viễn Sơn, như thân phụ của  Mộ Dung Phục  là Mộ Dung Bác, vì nhiều môn võ khắc chế nhau nên có nhiều đường lối và phương cách khác nhau.

Vương Ngọc Yến là một cô gái xinh đẹp, là anh em họ với Mộ Dung Phục, rất yêu Mộ Dung Phục (tôi không nói Vương Ngọc Yến là người yêu của Mộ Dung Phục vì tâm trí của anh này chỉ lo nghĩ đến việc làm thế nào để trở thành hoàng đế của nước Yên), Vương Ngọc Yến là người không biết võ công nhưng lại hay đọc sách võ thuật và nhớ thuộc hết những thế võ của tất cả các môn phái. Khi Kiều Phong (lúc chưa đổi qua họ Tiêu) đụng độ với Mô Dung Phục, dĩ nhiên Vương Ngọc Yến phải thiên vị Mộ Dung Phục nên đã nói tên các đòn thế mà Kiều Phong đã  xuất chiêu. Kiều Phong cả cười nói rằng : “ ta đánh ra những đòn tấn công, trước khi cô dứt lời thì hắn làm gì được ta “. Quả nhiên Mộ Dung Phục không thể áp dụng được món “gậy ông đập lưng ông” và đành phải bỏ chạy !!!

Chú thích của người viết : muốn sử dụng môn võ “gậy ông đập lưng ông” hữu hiệu thì Mộ Dung Phục phải có khinh công cao hơn khinh công của Kiều Phong và phải luyện môn võ mà đối phương đang sử dụng nhuần nhuyễn hơn đối phương, cả 2 điều kiện vừa kể đều kém hơn Kiều Phong nên Mộ Dung Phục thua là phải rồi. Mặt khác, chúng ta biết rằng âm thanh (lời nói) có vận tốc truyền sóng là 340 mét/giây, nên tôi không tin là  các đòn thế của Kiều Phong tung ra lại có thể “vượt bức tường âm thanh” như các máy bay phản lực của thế kỷ 20, nhưng tôi tin là Mộ Dung Phục phải trúng đòn của Kiều Phong vì khả năng “biến chiêu” của Kiều Phong (thời hiện đại, trong các võ đường Aikido – Judo , các huấn luyên viên không dùng nhóm chữ “biến chiêu” mà họ dùng nhóm từ “liên hoàn đòn“ để thay thế. Thí dụ minh họa : khi gặp một uke cao hơn mình +nặng cân hơn mình…muốn quật ngã đối phương thì không thể dùng một đòn duy nhất mà phải liên tiếp dùng đòn vai, đòn quét chân, đòn hông…để dụ uke cưỡng đòn (thứ tự có thể đảo lộn tùy người sử dụng) và sau cùng làm đối phương bị té ngã bởi  đòn mông chả hạn.

Tôi nhớ thời 1965 – 1967, trong thời Tổng Ủy Viên Giáo Dục Trần Ngọc Ninh (trong nội các chiến tranh của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ, chức Ủy Viên tương đương với Tổng Trưởng hay Bộ Trưởng  , và Tổng Ủy Viên Giáo Dục tương đương với Phó Thủ Tướng đặc trách Giáo Dục ), tôi đi học Aikido tại võ đường của Giáo sư Đặng Thông Phong trên lầu building số 94 trên đường Phan Thanh Giản gần góc đường Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy Giáo Sư Đặng Thông Phong biểu diễn đã quật ngã rất nhiều người to con, nặng cân và khỏe hơn Giáo Sư Phong rất nhiều. Tôi nghĩ là Giáo Sư Phong “trình diễn” để chiêu mộ môn sinh. Đem hỏi anh bạn cùng lớp Đệ Tam B2 CVA là Trần Doãn Huyễn, lúc đó đang đeo đai nâu tại võ đường này, không thèm giải thích, anh gọi một cô gái xinh đẹp tên Mai (bảng tên đính trên ngực áo) biểu diễn cho tôi xem, mà chính tôi làm uke cho cô.

Cô Mai nhỏ con, gầy và có vẻ yếu hơn tôi rất nhiều (năm 1965, tôi đã cân nặng 78 kilogram và cao 1,69 mét). Anh bảo tôi xuống tấn vững chắc và nắm chặt cô Mai bằng tay phải của tôi, chưa kịp thấy cô ra đòn gì thì tôi thấy mình bay ra phía trước và té sấp chúi nhủi, thiếu một chút xíu nữa là mặt đập xuống tapis, xém xịt máu mũi. Anh bạn Huyễn giải thích : trước hết cô Mai đẩy tôi (lực hướng vào), tôi dùng sức mạnh của mình đẩy ra (lực hướng ra), ngay lập tức cô Mai rút tay về và xoay người như khiêu vũ ballet, do đó tôi bị ngã chúi về phía trước do tổng lực 3 sức kéo ( sức của tôi đẩy ra + sức của cô Mai rút tay lại và moment ngẫu lực xoắn do sự xoay chuyển nhanh chóng của toàn thân cô Mai). Anh bạn Huyễn còn đùa thêm : “ ấy là mày mới có 78 kilogram, chớ 100 kilogram thì vẫn té như thường. Đó cũng là lý do trong môn phái Aikido, kể từ hàng huyền đai, dù không làm huấn luyện viên, dẫn mặc váy xòe che phủ đôi chân, mục đích là để cho đối phương không trông thấy bộ pháp di chuyển “.

Cuối truyện Lục Mạch Thần Kiếm, Mộ Dung Phục vì bất tài nen biết rằng không thể sai khiến quần hung giúp mình trong việc tái lập vương triều của nước Yên nên anh ta nẩy ra một sáng kiến tối tăm là xin làm dưỡng tử của Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh, với ý đồ là khi Đoàn Diên Khánh sẽ kế vị nhà vua Đoàn Chính Minh của nước Đại Lý, sau đó không lâu vì tuổi tác đã cao Đoàn Diên Khánh sẽ qua đời thì Mộ Dung Phục sẽ lên kế vị rồi chuyện cải đổi quốc hiệu Đại Lý qua quốc hiệu nước Yên là chuyện dễ dàng.   Đoàn Diên Khánh nguyên là Thái Tử chính thức của nước Đại Lý, nhưng khi có viên quan tạo phản giết mất cha ruột của Đoàn Diên Khánh và Đoàn Diên Khánh lại bị mất tích trong đêm biến loạn đó, nên hội đồng hoàng tộc mới chỉ định trưởng dòng thứ là hoàng tử Đoàn Chính Minh lên làm vua, hoàng tử Đoàn Chính Minh đã xuất gia vào chùa đi tu trước khi “được” chỉ định lên làm vua, cho nên tất cả mọi việc điều hành trong nước Đại Lý được giao cho người em là hoàng tử Đoàn Chính Thuần (có tước vị là Trấn Nam Vương).

Đoàn Chính Thuần là người tài hoa và luôn cả trăng hoa nữa, nên ngoài Thư Bạch Phụng (là mẹ của Đoàn Dự) ông có rất nhiều nhân tình ở nhiều nơi trong nước Tàu. Những người con của những tình nhân của Đoàn Chính Thuần đều là con gái, kể cả Vương Ngọc Yến có mẹ là Vương phu nhân, vậy Vương Ngọc Yến là con gái của Đoàn Chính Thuần. Điểm đặc biệt là tất cả những tình nhân của Đoàn Chính Thuần đều yêu ông tha thiết muốn sống chết cùng với ông, ông là người hạnh phúc trọn vẹn vì ông chết trước khi Thư Bạch Phụng hấp hối đã tiết lộ cho Đoàn Diên Khánh và Đoàn Dự biết rằng : Đoàn Diên Khánh là cha ruột của Đoàn Dự chứ không phải Đoàn Chính Thuần là cha ruột của Đoàn Dự như mọi người đã lầm tưởng bấy lâu nay.

Đoàn Diên Khánh cả đời gây tội ác cốt để tranh đoạt lại ngôi vị hoàng đế nước Đại Lý, nhưng không thành công vì ân đức và võ công của 2 anh em Đoàn Chính Minh và Đoàn Chính Thuần to lớn quá, nay qua sự tiết lộ của Thư Bạch Phụng, Đoàn Diên Khánh nghĩ rằng mình không làm vua thì con của mình làm vua cũng được. Đoàn Diên Khánh cũng biết rằng trong nhất thời, không thể bắt Đoàn Dự gọi mình là cha ruột, nhưng qua tia nhìn của Đoàn Dự, ông cũng biết rằng mình cũng có chỗ đứng trong tâm trí của Đoàn Dự. Do đó, Đoàn Diên Khánh hoàn toàn từ bỏ tham vọng trở lại chính trường và ra đi ở ẩn một nơi nào đó mà Kim Dung không nói rõ. Nói theo ngôn ngữ thời đại XHCN, Thái Tử Đoàn Diên Khánh được “hoàn toàn giải phóng” khỏi những ràng buộc của xã hội. Và nói theo kiểu Mỹ. Thái Tử Đoàn Diên Khánh đã nhắn với dưỡng tử Mộ Dung Phục rằng : “Totally, I am free”.

Khi cầu cạnh làm dưỡng tử của Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh, Mộ Dung Phục đã bị 2 nô tài của mình là Phong Ba Ác và Bao Bất Đồng phản đối kịch liệt, đến nỗi Mộ Dung Phục đã hạt sát Bao Bất Đồng rồi Phong Ba Ác phải bỏ đi trốn tránh. Nay Thái Tử Đoàn Diên Khánh lại vân du hưởng nhàn để cho Đoàn Dự lên ngôi vua nước Đại Lý, nên Mộ Dung Phục đã hóa điên : y thường ra những nghĩa địa – nơi tụ tập của những thân nhân người chết đến dự đám tang – để phát kẹo cho đám trẻ con, với điều kiện phải gọi y là “bệ hạ” hay “hoàng thượng”.

Tôi đọc bộ truyện  Lục Mạch Thần Kiếm vào khoảng năm 1964 – 1965 khi đang học lớp đệ tứ trường trung học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, những tưởng đây chỉ là truyện giả tưởng có tính hư cấu mà thôi, không ngờ 10 năm sau, nước Việt Nam ta cũng có một “hoàng thượng phát kẹo” như nhân vật Mộ Dung Phục trong truyện, đó là Tổng Thống 48 giờ đồng hồ Dương Văn Minh. Đại Tướng Dương Văn Minh được Việt Cộng cho “ăn kẹo” vì qua môi giới của Thích Trí Quang, Việt Cộng nhắn rằng “chỉ thương thuyến với Dương Văn Minh”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là ông Graham Martin muốn có một người làm Tổng Thống bù nhìn để rút chân ra khỏi Việt Nam cho khỏi mất mặt, mà ông già gân Trần Văn Hương thì cứ muốn chiến đấu tới cùng, nên đại sứ Martin cho Dương Văn Minh “ăn kẹo” bằng cách áp lực với Tổng Thống Trần Văn Hương nhường chức Tổng Thống cho Dương Văn Minh.

Trước đó,  Tổng Thống Trần Văn Hương tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn “ quyền Tổng Thống không phải là cái khăn mouchoir, muốn trao là trao” !!! Còn Đại Sứ Pháp là Francois Marie Mérillon cho Dương Văn Minh “ăn kẹo” bằng cách lăng xăng tự nguyện làm trung gian cho một chính phủ trung lập ( Ông Mérillon này ngây thơ như muôn đời người Pháp vẫn ngây thơ trong chính trị, ông cho Dương Văn Minh “ăn kẹo” nhưn g chi1nh ông bị bọn Bắc Việt qua “Sáu Búa” Lê Đức Thọ đuổi chạy không kịp mang lá cờ Tam Tài về nước, dĩ nhiên bọn Việt Cộng không tặng ông Mérillon kẹo đồng như bọn Khmer Đỏ đã hăm dọa lãnh sự Jean Dyras ở Phnom Penh hồi 17 tháng 4 năm 1975).

Tôi nói Dương Văn Minh là “Tổng Thống phát kẹo” (hay như tiêu đề của bài viết là Lãnh Tụ Phát Kẹo) vì quốc hội lưỡng viện của VNCH biểu quyết yêu cầu Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh là một hành động vi hiến (vi hiến = vi phạm hiến pháp). Quốc Hội là cơ quan làm ra luật pháp quốc gia, nhưng đa số các thành viên quốc hội VNCH đều không phải là luật sư  nên không biết luật hoặc dốt nát về luật, tuy rằng một số thành viên quốc hội có văn bằng cử nhân Luật hay có license hành nghề Luật Sư (tư pháp bao gồm cả hình luật và dân luật) ) chứ vẫn dốt về Luật Hiến Pháp.  Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu – Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế của Hạ Nghị Viện VNCH thời điểm 1975 là người duy nhất bỏ phiếu chống lại sự trao quyền Tổng Thống cho Dương Văn Minh, vì Hiến Pháp được soạn thảo bởi Quốc Hội Lập Hiến năm 1966 không có điều khoản nào buộc Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho một người bá vơ như Dương Văn Minh.

Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nói : thà rằng Dương Văn Minh đảo chánh, tự xưng mình là Tổng Thống thì tuy là không hợp pháp nhưng lại hợp lý. Trong khi Quốc Hội VNCH được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Pháp “cho kẹo” để biểu quyết ép Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho Dương Văn Minh là điều không hợp pháp và cũng chẳng có hợp lý chút nào cả !

Tới cuối năm 2011, ở kích thước nhỏ hơn, Tứ Nhân Bang của Đại Việt Cách Mạng Đảng bao gồm Nguyễn Lý Tưởng, Nguyễn Đức Cung, Lê Đình Cai và Phạm Bá Vịnh lại nhẩy ra tự thành lập cái gọi là Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời rồi mở Đại Hội bầu bán và tấn phong lẫn nhau (vào đầu năm 2012) mà không dựa theo điều lệ và nội quy của Đại Việt Quốc Dân Đảng, cho nên dưới sự đánh giá của tôi : đây là những “ LÃNH TỤ PHÁT KẸO” mới, bắt đầu đi theo con đường của “hoàng thượng Mộ Dung Phục” và “Tổng Thống 48 giờ đồng hồ Dương văn Minh” đã làm từ mấy chục năm trước !

Tại sao. thủa còn sinh tiền Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng là ông Hà Thúc Ký không đề bạt tiến cử Nguyễn Lý Tưởng – cựu dân biểu đơn vị tỉnh Quảng Trị, hoạt động gần gũi với ông nhiều hơn, mà ông Hà Thúc Ký lại đề bạt và tiến cử ông Bùi Diễm- một người gốc miền Bắc, công chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao VNCH, rất ít cơ hội hoạt động cùng ông Hà Thúc Ký và đã lớn tuổi ( trên 85 tuổi- là cái tuổi gần đất xa trời cần nghỉ ngơi an dưỡng hơn là bon chen tìm danh lợi). Theo sự hiểu biết của tôi, ông Bùi Diễm có những ưu thế và ân nghĩa đối với ông Hà Thúc Ký mà Nguyễn Lý Tưởng không thể có :

Điều thứ nhất : ông Bùi Diễm đã là Đại Sứ của VNCH trong một thời gian dài tại Washington D.C. nên ông có những mối giao hảo và liên lạc trực tiếp với chính giới Hoa Kỳ (nói thẳng là ôngt có thể lobby trực tiếp với các dân biểu, thượng nghị sĩ và các thế lực tài phiệt của Hoa Kỳ ngay tại trung tâm quyền lực Washington D.C.) trong khi đó Nguyễn Lý Tưởng mới qua Hoa Kỳ khoảng 1993, tiếng Anh qườ quạng lại cư ngụ tại miền Nam Cali, chả biết chính khách Hoa Kỳ nào (đó là chưa kể nói tiếng Anh giọng Quảng Trị,nguồi Mỹ nghe không hiểu) và với người Việt thì vùng Nam Cali quy tụ người Việt với nhau, là thủ đô của người Việt tỵ nạn Cộng Sản, nhưng với chính giới Hoa Kỳ, vùng Little Saigon là nơi “khỉ ho cò gáy”.

Điều thứ hai : ông Hà Thúc Ký chịu ân huệ với nhóm Đạii Việt Quan Lại từ trước khi ông thành lập Đại Việt Cách Mạng Đảng vào năm 1965. Năm 1963, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Hà Thúc Ký được Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí – Tư Lệnh Quân Khu 1 kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và là Đại Biểu Chính Phủ VNCH của Vùng 1 Chiến Thuật – ký giấy trả tự do giải thoát khỏi sự giam giữ của Mật Vụ chính phủ Ngô Đình Diệm, trước khi nhóm Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán…được chở về Sài Gòn từ nhà tù tại đảo Côn Sơn. Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ không ra lệnh cho Đại Biểu Chính Phủ Đỗ Cao Trí làm việc này mà Tướng Đỗ Cao Trí cũng chẳng biết ông Hà Thúc Ký là nhân vật quan trọng của Đảng Đại Việt (ông là Xứ Bộ Trưởng của Đại Việt Quốc Dân Đảng tại miền Trung Việt), ông Hà Thúc Ký bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam giữ từ năm 1955 vì nhóm Đại Việt Miền Trung (lúc đó chưa có Đại Việt Cách Mạng Đảng) lập chiến khu Ba Lòng chống lại chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên nhóm Đại Việt Quan Lại như Bác Sĩ Phan Huy Quát, Bác Sĩ Đặng Văn Sung, Đại Sứ Bùi Diễm… lần lượt chen chân được vào chính quyền VNCH. Vợ của Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí tên là Nguyễn Thị Kim Chi – là trưởng nữ của Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí (ông Nguyễn Hữu Trí là cấp lãnh đạo của nhóm Đại Việt Quan lại ở Bắc Việt, ông Nguyễn Hữu Trí chết vì chứng cao huyết áp trên chuyến bay của chính phủ VNCH chuyên chở gia đình các viên chức hành chánh cao cấp vào những tháng đầu năm 1955). Các đồng chí trong Đại Việt (không bị chính phủ Ngô Đình Diệm trù dập như ông Hà Thúc Ký) đã không quên đồng chí kém may mắn, cho nên khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, “các chú. các bác“ trong Đại Việt đã vận động bà Kim Chi nhờ Tướng Đỗ Cao Trí giải thoát cho ông Hà Thúc Ký (nếu không có sự vận động của bà Kim Chi, Tướng Đỗ Cao Trí có thể không ký giấy thả ông Hà Thúc Ký vì ông sợ bị rắc rối với chính phủ trung ương tại Sài Gòn, kẹt cho ông sau này) .

Điểm thứ ba : ngay trong tháng 3 và tháng 4/1975, khi tình hình VNCH ngày càng xâu đi, ông Bùi Diễm từ Hoa Kỳ có về VN để thu xếp đưa thân nhân gia đình rời khỏi Sài Gòn,  khi đó ông có nhắn Trung Tá Bùi Quyền – thủ khoa khóa 16 của Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, lúc đó đang chiến đấu tại Khánh Dương trong Lữ Đoàn 2 của Sư Đoàn Dù, về Sài Gòn để di tản đi Mỹ. Trung Tá Bùi Quyền trả lời là không thể rời bỏ đơn vị trong lúc này được. Dù vậy ông Bùi Diễm cũng đã giúp đưa gia đình của Trung Tá Bùi Quyền (gồm vợ và 2 con trai của Trung Tá Bùi Quyền) sang Hoa Kỳ. Trung Tá Bùi Quyền bị Việt Cộng bắt làm tù binh khi mặt trận Khánh Dương tan vỡ. Mãi đến cuối thập niên 1980, ông mới được trả tự do và ông qua Mỹ khoảng năm 1990 trong những đợt đầu của chương trình H.O. Tôi không rõ đích xác sự liên hệ họ hàng giữa ông Bùi Diễm và ông Bùi Quyền, có người nói với tôi rằng 2 ông là 2 anh em cùng cha khác mẹ, cũng có người lại nói rằng 2 ông là anh em chú bác.

Tôi suy đoán rằng 2 ông Bùi Diễm và Hà Thúc Ký đã gặp nhau tại Sài Gòn vào thời điểm này, và ông Bùi Diễm đã khuyến cáo ông Hà Thúc Ký nên rời Việt Nam càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên nhóm Tứ Nhân Bang của Đại Việt sẽ đòi hỏi tôi phải đưa ra chứng cớ, xin trả lời trước là tôi không có chứng cớ gì hết mà chỉ đưa ra những chứng lý mà thôi, tin hay không tin tùy thuộc độc giả. Tôi cũng đưa thêm những chi tiết sau đây để xác quyết cho những chứng lý của tôi thêm phần vững chắc :

A/ Ông Hà Thúc Ký và 3 phụ tá thân cận của ông là Luật Sư Phạm Nam Sách, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh và dân biểu Nguyễn Văn Kim (đơn vị Quảng Trị) đều rời Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.

B/ Nhân vật số 2 và số 3 trong Đại Việt Cách Mạng Đảng là Thượng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu và Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng đều là dân Công Giáo, cho nên ông Hà Thúc Ký khuyến cáo nên di tản trước khi quá muộn thì 2 ông này không nghe : 2 ông này tin vào trưởng khối Công Giáo trong nghị viện là Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền (sau này làm Phó Tổng Thống cho Dương Văn Minh) bảo ở lại Việt Nam vì Giáo Hội Công Giáo đã có giải pháp. Kết quả là khi Dương văn Minh đầu hàng, Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền không bị đưa đi “cải tạo”, mà 2 ông Hoàng Xuân Tửu và Nguyễn Lý Tưởng phải đi trình diện để được nhà nước “cách mạng” giáo dục cải tạo dài hạn : ông Hoàng Xuân Tửu thì chết trong trại tù, còn ông Nguyễn Lý Tưởng thì mãi đến 1993 mới “bị tống sang Hoa Kỳ”trong diện H.O. !

c/ Căn cứ vào nơi cư trú của ông Hà Thúc Ký và gia đình ở tiểu bang Virginia, lân cận với Washington D.C. (cũng là nơi cư trú của ông Bùi Diễm), tôi phỏng đoán là sau năm 1975 khi đến Hoa Kỳ định cư, ông Hà Thúc Ký gần gũi với ông Bùi Diễm hơn cả với 3 phụ tá thân cận của ông : Giáo Sư Nguyễn Văn Canh vào làm việc cho Viện Nghiện Cứu Hoover – cận kề với đại học Stanford – thành phố Palo Alto, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh cư ngụ tại thành phố Mountain View- Bắc California. Luật sư Phạm Nam Sách cư ngụ tại thành phố Chula Vista, một thành phố kề cận với San Diego - ở cực nam của tiểu bang California. Và sau cùng Dân Biểu Nguyễn Văn Kim – đơn vị Quảng Tri – cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas.

Điểm thứ tư : (đây là điểm quan trọng nhất mà tôi để dành nói sau cùng) Tháng 7 năm 1994, khi từ San José lái xe xuống thành phố Pomona thăm viếng 2 anh em Chánh Án Nguyễn Hữu Hùng và Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nhờ tôi lái xe của ông xuống  San Diego thăm Luật Sư Phạm Nam Sách. Trong lúc trò chuyện, Luật Sư Phạm Nam Sách có hỏi thăm về một số chính trị gia quen biết với ông từ hồi 1967 – 1971 lúc ông còn làm Thượng Nghị Sĩ ở Thượng Nghị Viện, cũng như hỏi thăm một số dân biểu nguồn gốc Đại Việt bị bọn Việt Cộng cầm tù trong các “Trại Cải Tạo”. Tôi nghe Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu chê bai Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng qua câu nói sau : ” thằng cha này thuộc loại già dái non hột , mới ở tù Việt Cộng có vài tháng mà đã run sợ, tháng 8/1975 ở trại Long Thành, Nguyễn Lý Tưởng tuyên bố ông ta gia nhập Đại Việt Cách Mạng Đảngvì bị Hà Thúc Ký dụ dỗ. Chả bù với ông Hà Thúc Ký rất cứng cựa trong trại tù của mật vụchế độ Ngô Đình Diệm. Biết bao lần Ngô Đình Cẩn đe dọa và dụ dỗ ông Hà Thúc Ký “trở lại Đạo Công Giáo”  để được tha và chính quyện trọng dụng, nhưng ông Hà Thúc Ký không đáp ứng. Trong khi đó, anh rể của ông là Giáo Sư Trần Điền đã “đầu hàng” Ngô Đình Cẩn, tuy không nói ra bất cứ lời chỉ trích hay chê trách nào, nhưng có lẽ ông Hà Thúc Ký không PHỤC ông Trần Điền” .

Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nói : thật khó mà dịch động từ PHỤC của Việt ngữ qua tiếng Anh hay tiếng Pháp vì “to respect” là kính trọng và “to admire” là ngưỡng mộ, không thể diễn đạt đúng nghĩa hoàn toàn của động từ PHỤC trong Việt ngữ. Và tất  cả những đảng viên của Đại Việt Cách Mạng Đảng đều PHỤC tư cách lãnh đạo của Chủ Tịch Hà Thúc Ký trong suốt 9 năm được “thử lửa” ở trại giam CHÍN HẦM tại tỉnh Thừa Thiên (dĩ nhiên về kỹ thuật lãnh đạo, ông Hà Thúc Ký vẫn chưa được toàn bích).

Đương nhiên là ông Hà Thúc Ký biết chuyện xảy ra cho Nguyễn Lý Tưởng tại trại tù Long Thành hồi tháng 8/1975 qua nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng tôi nghĩ lời kể và lời bình luận của Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu (được Luật Sư Phạm Nam Sách báo cáo lại cho ông Hà Thúc Ký), có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tương lai chính trị của Nguyễn Lý Tưởng : bởi vì Luật Sư Nguyễn Hữ u Hiệu là người ngoài Đảng Đại Việt, Luật Sư Nguyễn Hữ u Hiệu không có nhu cầu tương tranh chức vị kế thừa trong Đảng Đại Việt, ông chỉ bình luận hành vi chính trị của Nguyễn Lý Tưởng trong con mắt của một người Việt Nam hoạt động chính trị mà thôi.

Chú thích của người viết : thành ngữ “già dái, non hột” phần lớn do người miền Bắc sử dụng vì cả 3 chúng tôi đều là người gốc miền Bắc : Luật Sư Phạm Nam Sách là ngưởi tỉnh Nam Định, Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu là người tỉnh Thanh Hóa, và người viết sinh quán tại tỉnh Hải Dương.

Cỡ 3 tháng sau khi trở về từ San Diego, nhân gặp nhau trong một buổi lễ tại trường Overfelt High School do Thượng Tọa Thích Giác Lượng chủ trì, Luật Sư Nguyễn Thành – nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Thị Xã Đà Lạt, cũng thuật lại cho tôi nghe câu chuyện về Nguyễn Lý Tưởng tại trại Long Thành hồi tháng 8/1975 y hệt như Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu đã kể cho Luật Sư Phạm Nam Sách nghe ở San Diego vài tháng trước. Ghi nhận là Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu và Luật Sư Nguyễn Thành đều không phải là đảng viên của Đại Việt Cách Mạng Đảng và 2 ông không hề quen biết nhau trước 1975. Hai ông chỉ quan biết nhau khi bọn Việt Cộng nhốt tù trong Trại Cải Tạo, và khi sang Hoa Kỳ tỵ nạn chính trị, cả 2 cư ngụ tại 2 thành phố cách xa nhau hàng 500 – 600 miles nên chả bao giờ gặp nhau.

Luật Sư Phạm Nam Sách qua đời vì bệnh tim hồi năm 2000 thọ 68 tuổi, Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu qua đời vì bệnh ung thư bao tử hồi tháng 12/2008, ông Hà Thúc Ký qua đời hồi năm 2009 vì cao tuổi, nhưng Luật Sư Nguyễn Thành thì vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn linh động, ông sinh sống ngay tại thành phố San José này. Tay chân của Tứ Nhân Bang gốc Đại Việt nếu cần để kiểm chứng thì cứ hỏi thẳng Luật Sư Nguyễn Thành về sự việc này.

Tôi vượt biên đường bộ ngả Khe Sanh – Lao Bảo hồi tháng 6/1978, bị bắt giam và bị đưa lên “Trại Cải Tạo Bình Điền 1” để lao động khổ sai từ tháng 8/1978 đến tháng 6/1984 mới trở lại Sài Gòn, cho nên những chuyện “không hay”  mà anh Lê Đình Cai đã làm ở trại Ba Lạch ( trước khi bị chuyển đến trại Bình Điền ) tôi đều được nghe biết tuy không được tận mắt chứng kiến. Anh Lê Đình Cai có vẻ nghi ngờ Giáo Sư Nguyễn Châu hay Giáo Sư Hồ Đình Chữ -( là những đối thủ về nghề nghiệp  và cũng là đối thủ chính trị với anh)  kể xấu về anh để hạ uy tín của anh, nhưng tôi minh xác là tôi biết những chuyện “không hay” của anh Lê Đình Cai từ những  sinh viên trẻ của Đại Học Huế, những thanh niên sinh khoảng từ 1953  đến khoảng 1956, bị chính quyền Cộng Sản Thành Phố Huế đưa lên “Trại Cải Tạo ” Bình Điền với tội danh bâng qươ là “phản động chống phá Cách Mạng” vì những sinh viên này “phát biểu linh tinh” hay  “ đùa giỡn chọc quê các giáo sư từ miền Bắc vào dạy tại Đại Học Huế”, một số khác liều mạng hơn tự tay viết vào những tờ bướm (flyers) và tự đi rải những tờ truyền đơn  có nội dung chống Cộng tại các giảng đường của Đại Học Huế.

Chính anh Lê Đình Cai đã tự đốt cháy hào quang của mình khi anh đã ôm ảnh Hồ chí Minh mà khóc lóc làm thơ than thở cho bản thân anh. Chính những sinh viên trẻ này – không quen biết với tôi ngoài đời – đã thất vọng về tư cách của anh, đã “bất phục” ông Bí Thư Thành Ủy Đảng Đại Việt của Thành Phố Huế bằng những coup lườm nguýt, bằng những lời nói kháy…tuy rằng họ chưa đến nỗi chửi rủa và đánh đập vào thân xác anh, nhưng có phải những hành vi “bất kính” của họ xuất phát từ tư tưởng “bất phục” của học trò khi nhận ra “ông thầy không ra gì “ ?

Tôi còn nhớ em Lê Thương (trùng tên họ với nhạc sĩ Lê Thương) sinh năm 1955 cho tôi biết anh Lê Đình Cai trước khi đậu văn bằng Cao Học Sử tại Đại Học Văn Khoa – Viện Đại Học Huế,  đã tốt nghiệp ưu hạng từ Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ. Ngạc nhiên, tôi hỏi : “thật vậy sao ?”; em Lê Thương trả lời tỉnh bơ “ nếu không tốt nghiệp ưu hạng từ Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ thì ông Lê Đình Cai không thể đóng kịch ôm ảnh khóc Bác Hồ hay đến như vậy !!!

Điều tôi ngạc nhiên là phe nhóm Tứ Nhân Bang (trong đó có anh Phạm bá Vịnh) biết rõ chuyện này, nhưng lại cứ trích dẫn quyển hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” của ông Hà Thúc Ký để chứng minh rằng Nguyễn Lý Tưởng và Lê Đình Cai có công với Đại Việt Cách Mạng Đảng (trước 1975), cho nên bây giờ (2012) rất xứng đáng “kế thừa” vai trò Lãnh Đạo của Đảng Đại Việt. Đó là lối suy nghĩ chủ quan nói lấy được của các Sứ Quân thủ lãnh nhóm Đại Việt Ly Khai mà cứ lớn lối gán ghép cho nhóm hậu duệ của ông Bùi Diễm là TIẾM DANH, và tự phong cho phe nhóm của mình là CHÍNH DANH.

Tôi không tham gia đảng phái chính trị nào, cũng không phải là đảng viên của Đại Việt Cách Mạng Đảng, cũng không hề quan biết ông Bùi Diễm hay hậu duệ của ông, cho nên tôi không có nhu cầu tranh dành quyền lực với nhóm Tứ Nhân Bang mà tôi gọi là Sứ Quân của Đại Việt Ly Khai…Những điều tôi trình bày trong bài viết này chỉ cốt giúp cho những đảng viên của Đại Việt (bao gồm Đại Việt Cách Mạng Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng) cũng như quần chúng nhân dân (có để ý đến chính trị) có thêm thông tin và dữ kiện mà các Sứ Quân của nhóm Đại Việt Ly Khai cố tình dấu diếm, mục đích để những thành phần này quyết định chính xác và đúng đáng (sau khi đã lượng giá và so sánh) về chuyện ủng hộ hay tiêu trừ các nhóm hoạt động chính trị nhố nhăng đang múa may trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn.

Xin tạm dừng tại đây vì bài viết đã khá dài, nếu có thời giờ rảnh rỗi và được nhiều độc giả yêu cầu, người viết sẽ trình bày những nguyên nhân sâu xa đã thúc đẩy Tứ Nhân Bang nhẩy ra thành lập nhóm Đại Việt Ly Khai, đồng thời cũng bình luận về chuyện nhóm hậu duệ của ông Bùi Diễm bị chỉ trích là “từ bỏ nhiệm vụ Cách Mạng” để trở thành “ cơ sở bất vụ lợi “.

Trân trọng kính chào

San José ngày 03 tháng 6 năm 2012

Trần Trung Chính