TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :22/11/2021 - Nam Giang cập nhật

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :22/11/2021 - Nam Giang cập nhật
11/22/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw


Nhật sẽ không ngồi yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan
image.png
Ảnh do lực lượng tuần duyên Mỹ cung cấp: Tàu tuần duyên của Mỹ và Nhật Bản diễn tập trong vùng Biển Đông ngày 25/08/2021. © U.S. Coast Guard via AP

Phan Minh

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc là Tokyo sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan.

Theo một nghiên cứu đăng trên Asia-Pacific Security and Maritime Affairs, được báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 21/11/2021 trích dẫn, thì Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các kịch bản Đài Loan bị tấn công và đang lên kế hoạch ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo này.

Tác giả nghiên cứu này, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định : Nhật Bản không chỉ đưa ra các tín hiệu thông qua các cấp chính thức và cá nhân, mà còn cố gắng thực hiện các hành động đáp trả thiết thực thông qua liên minh Nhật-Mỹ.

Hiến Pháp Nhật Bản không cho phép nước này tham chiến và đa số người dân xứ hoa anh đào cũng không muốn nước họ tham gia vào một cuộc xung đột. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia năm 2015 của Nhật Bản cho phép Lực lượng phòng vệ (tức quân đội) hỗ trợ hậu cần hoặc tham gia phòng thủ tập thể trong khuôn khổ hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

Do vậy, chuyên gia Trung Quốc họ Ngô cho rằng : “Thật khó tin là trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ bất chấp tất cả tham gia vào một cuộc chiến thảm khốc, nhiều khả năng Nhật sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các đồng minh chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu. Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Nhật Bản có can thiệp vào cuộc xung đột Trung Quốc-Đài Loan hay không, mà là họ sẽ can thiệp như thế nào.”  

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo với đại lục, trong khi đó, Nhật Bản sẽ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chính bản thân mình và trật tự chính trị khu vực. 
 
 
Anh mời ASEAN tham dự G7 vào lúc liên minh Aukus gây căng thẳng trong khu vực
image.png
Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong cuộc gặp thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Bangkok, hôm 10/11/2021. © Thailand Government House via REUTERS

Chi Phương

Vương quốc Anh đã mời các quốc gia Đông Nam Á tham dự cuộc họp ngoại trưởng G7 ở Liverpool vào tháng 12-2021. Theo báo Guardian, lời mời này được đưa ra trong bối cảnh liên minh Aukus ba bên, Mỹ, Anh, Úc, đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đưa vũ trang trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Quốc Anh, bà Liz Truss, cho biết mục đích lời mời là nhằm xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm « thúc đẩy tự do, dân chủ và hoạt động kinh doanh, đồng thời khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau từ một vị trí có sức mạnh.”

Theo báo Guardian, hiện nay, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ về liên minh Aukus ba bên Anh, Mỹ và Úc. Một số quốc gia, đặc biệt là Indonesia và Malaysia, đã chỉ trích gay gắt liên minh này và việc thúc ép nhiều nước trong ASEAN phải lựa chọn đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammudin Hussain, nhận định rằng sự phát triển của liên minh Aukus có thể làm gia tăng căng thẳng và giảm đối thoại với hai siêu cường trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông, điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, nhất là tình hình trên Biển Đông.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này coi việc họp mở rộng G7 là một nỗ lực để thuyết phục ASEAN tán thành thỏa thuận Aukus và tạo dựng một cách tiếp cận quân sự « cứng rắn hơn» đối với Trung Quốc. Theo AFP, liên minh này đã khiến Trung Quốc tức giận và coi đây là mối đe dọa "cực kỳ vô trách nhiệm" đối với sự ổn định của khu vực.

 Cũng liên quan đến liên minh Aukus, hôm nay, ngày 22/11/2021, Úc đã chính thức ký thỏa thuân liên minh quốc phòng mới với Anh và Mỹ cho phép trao đổi thông tin về « phát triển tàu hải quân bằng năng lượng hạt nhân », nhằm đối phó với tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Xin nhắc lại là khi tham gia liên minh Aukus, Úc đã hủy bỏ hợp đồng khổng lồ mua 12 tàu ngầm của Pháp, châm ngòi cho thẳng giữa Pháp và Úc từ tháng 9/2021.
 
 
Ngoại trưởng Pháp : Nga là một láng giềng « phiền toái » và rất « khó chịu »
image.png
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (T) tiếp người đồng cấp Nga Serguei Lavarov tại Paris, ngày 27/11/2018. © AP Photo/Thibault Camus

Minh Anh
 
Ngày 21/11/2021, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ quan ngại về việc Nga liên tục dồn quân sát Donbass, vùng biên giới Ukraina, đồng thời cảnh báo « mọi sự xâm phạm biên giới Ukraina, mọi sự xâm nhập có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng sau đó ».

Phát biểu này được lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp đưa ra trong chương trình truyền hình « Le Grand Jury » do ba kênh truyền thông cùng thực hiện RTL, LCI và Le Figaro.

Cũng trong chương trình này, ông Jean-Yves Le Drian nhìn nhận, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với một nước Nga mà ông đánh giá là « một láng giềng phiền toái và đôi khi rất khó chịu ».  Paris cũng đã lên tiếng cảnh cáo Matxcơva về « bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».  

Những động thái điều động quân của Nga đã được Hoa Kỳ theo dõi sát từ đầu tháng 11/2021, cho thấy rõ Matxcơva đang tăng cường quân ở biên giới Ukraina. Dù vậy, ngoại trưởng Pháp nhìn nhận rằng cần « phải tìm kiếm một phương cách để có được một đồng thuận với Nga và phải giữ mọi ngả đối thoại ».

Ngoài ra, ông Le Drian cũng quan ngại về khả năng Mali cho phép lính đánh thuê Nga của hãng Wagner đến vùng Sahel, khu vực mà Pháp đang triển khai hơn 5.000 binh sĩ. Ông khẳng định « không có chuyện để Wagner đưa người đến Mali ». Đối với lãnh đạo ngoại giao Pháp, lính đánh thuê Nga là những « hung thần ».

Về phần mình, điện Kremlin hôm qua, 21/11/2021, tố cáo phương Tây, đi đầu là Mỹ, đã thổi phồng những căng thẳng với Ukraina khi đưa ra một loạt các cáo buộc mà Nga cho là « vô căn cứ ». Reuters nhắc lại, ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, hôm 20/11, bên lề chuyến thăm Senegal, bày tỏ những « quan ngại sâu sắc » về việc Matxcơva có ý đồ mở một cuộc tấn công nhắm vào Ukraina, khi « có những hoạt động quân sự bất thường » ở biên giới với Ukraina. 
 
 
Covid 19 : Pháp chính thức đối mặt với làn sóng dịch thứ năm
image.png
Làn sóng thứ 5 dịch Covid-19 đang bùng lên tại Pháp. Ảnh : Kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng trước một quán ăn tại Paris. © AP

Chi Phương

Phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, đã kéo hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch thứ năm đang bắt đầu một cách nhanh chóng tại Pháp, Số ca nhiễm tăng vọt, chính phủ Pháp sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.


Trên đài Europe 1, tối hôm qua, 21/11, người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cho biết chính phủ rất quan ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay. Trung bình, Pháp ghi nhận khoảng hơn 19 000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 80 % so với một tuần trước.

Tuy nhiên, ông Attal cũng nhấn mạnh là Pháp đã đi trước các nước láng giềng về việc chủng ngừa và ban hành lệnh áp dụng chứng nhận y tế. Paris đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.

Phát ngôn viên chính phủ Pháp cho biết, trong bốn ngày đầu tiên của tuần trước, các cơ quan chức năng đã kiểm tra giấy chứng nhận y tế của 70 000 người, và hơn 4300 cơ sở tiếp nhận công chúng.

Trên khắp châu Âu, các biện pháp hạn chế được thắt chặt để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Nước Áo, kể từ hôm nay lại áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, kéo dài trong 20 ngày.

Covid-19 : Úc mở cửa biên giới  
Hôm nay 22/11/2021, Úc thông báo sẽ đón tiếp sinh viên quốc tế, lao động tay nghề cao và những người có thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ (Working Holiday Visa) kể từ tháng 12, nới lỏng một số quy định thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới về Covid.

20 tháng sau khi Úc đóng cửa biên giới, một số người có thị thực, cũng như công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sẽ được quyền nhập cảnh trở lại từ ngày 01/12/2021. Họ sẽ chỉ cần làm xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính trước khi khởi hành tới Úc nếu họ đã tiêm vắc-xin Covid. Tuy nhiên, vẫn còn một số bang của Úc yêu cầu các hành khách phải cách ly sau khi nhập cảnh.

Cũng theo AFP, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, từ ngày 03/12/2021, đất nước của bà sẽ nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt và sẽ cho phép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại ở Auckland, thành phố lớn nhất đất nước.

Cho đến tháng 08/2021 vừa qua, một phần lớn các vùng trên quần đảo không bị tác động nặng nề của Covid-19. Tuy nhiên, biến thể Delta lây nhiễm nhanh, đã buộc chính quyền phải thắt chặt các quy định về biện pháp phòng chống dịch cho đến nay.
 
 
Covid-19: Số ca tử vong tại Mỹ trong năm 2021 đã vượt mức của năm 2020
image.png
Tại lễ hội Halloween tại New York, Mỹ, ngày 31/10/2021, một số người hóa trang thành virus corona. REUTERS - EDUARDO MUNOZ

Trọng Nghĩa

Theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins tính đến hôm qua 20/11/2021, số ca tử vong vì Covid-19 ở Hoa Kỳ trong năm 2021 đã vượt quá tổng số trong cả năm 2020. Dịch bệnh như vậy vẫn tác hại mạnh bất kể việc tiêm chủng đã được khởi động.


Một cách cụ thể, tính đến hết ngày hôm qua, tổng số ca tử vong vì Covid-19 được thông kê đã vượt qua mức 770.780, cao hơn gấp đôi so với tổng cộng 385.343 người chết liên quan đến dịch bệnh trong năm 2020 được ghi nhận dựa trên dữ liệu gần đây nhất về giấy chứng tử của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ.

Theo hãng tin Pháp AFP, năm 2020 từng được ghi nhớ như một năm đau thương nhất tại Mỹ, thời kỳ mà đại dịch đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học, biên giới và phong tỏa một bộ phận lớn dân chúng. Thế nhưng, năm 2021 đã vượt qua mức của năm 2020 để trở thành năm chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm được The Wall Street Journal trích dẫn, sự lây lan rất dễ dàng của biến thể Delta, kèm theo tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số cộng đồng là những yếu tố quan trọng gây nên thảm họa. Theo các nhà dịch tễ học, tình trạng mệt mỏi liên quan đến các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang càng tạo điều kiện cho virus corona lây lan, phần lớn nơi những người chưa được chủng ngừa.

Ngưỡng tượng trưng này được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại ở Hoa Kỳ, với trung bình 85.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày (so với khoảng 70.000 vào cuối tháng 10) và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Số người nhập viện đang gia tăng trở lại ở một số vùng.  

Virus corona : Số người chết kỷ lục ở Nga
Tình hình tử vong vì Covid-19 tại Nga cũng tiếp tục phá kỷ lục đáng buồn - hôm qua là ngày thứ hai liên tiếp với 1.254 trường hợp tử vong. Tình trạng các bệnh viện ở một số vùng đang rất căng thẳng. Tại vùng Primorsky ở Viễn Đông Nga chẳng hạn, tỷ lệ giường bệnh có bệnh nhân đang điều trị là khoảng 90%. Chương trình tiêm chủng của Nga đã bị trì hoãn, một phần do người dân không tin tưởng vào vac-xin được sản xuất trong nước.

Chính phủ Nga đang cố gắng đẩy mạnh các biện pháp hạn chế. Một dự luật được đệ trình lên Quốc Hội, yêu cầu hành khách đi máy bay và tàu hỏa, cũng như khách đến các cơ sở văn hóa, phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng kể từ tháng 02/2022.