TIN THẾ GIỚI cNHẬT :25/11/2021 - Nam Giang cập nhật

TIN THẾ GIỚI cNHẬT :25/11/2021 - Nam Giang cập nhật
11/25/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UCjdy9SNLVgrpav1cC0ivuGw 

 

Covid-19 : Pháp mở rộng tiêm vac-xin liều 3 cho người trên 18 tuổi
image.png
Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran, thông báo các biện pháp bổ sung đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ 5, tại Paris, ngày 25/11/2021. © Thomas Coex via AP

Thanh Phương

Hôm nay, 25/11/2021, chính phủ Pháp đã thông báo nhiều biện pháp nhằm kềm chế đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại, trong đó việc mở rộng chích liều vac-xin thứ ba cho toàn bộ những người trên 18 tuổi ngay từ thứ Bảy tuần này.


Con số ca nhiễm mới mỗi ngày đang trên đà gia tăng tại Pháp, hôm qua đã lên đến 32.591, mức cao nhất kể từ ngày 24/04. Tuy nhiên, hiện giờ chính phủ chưa tính đến việc ban hành trở lại lệnh giới nghiêm hay lệnh phong tỏa, mà chủ yếu đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 và tăng cường việc áp dụng chứng nhận y tế.

Một trong những biện pháp mà bộ trưởng Y tế Olivier Véran thông báo trong cuộc họp báo vào trưa ngày 25/11, đó là việc chích liều vac-xin thứ ba ngay từ thứ Bảy tuần này sẽ được mở rộng ra toàn bộ những người trên 18 tuổi. Thời hạn giữa thời điểm được chích ngừa đầy đủ và thời điểm chích liều thứ ba sẽ được rút ngắn từ 6 tháng như hiện nay xuống còn 5 tháng. Ngoài ra, kể từ ngày 15/01 năm tới, đối với những người trên 18 tuổi, chứng nhận y tế sẽ chỉ có giá trị nếu đã chích liều thứ 3.

Biện pháp thứ hai là giá trị của xét nghiệm Covid-19 đối với những người không chích ngừa sẽ giảm từ 72 tiếng xuống còn 24 tiếng. Đây là một cách để gây thêm áp lực lên những người cho tới nay vẫn dứt khoát không chịu chích ngừa.

Về việc tiêm phòng cho trẻ em độ tuổi 5-11, bộ trưởng Véran cho biết chính phủ Pháp đang suy nghĩ, nhưng sẽ không tính đến việc này trước năm 2022.

Cũng theo thông báo của bộ trưởng Y Tế, việc đeo khẩu trang kể từ nay sẽ là bắt buộc tại toàn bộ những nơi tiếp đón công chúng bên trong. Khách đến các chợ Noel năm nay đều phải trình chứng nhận y tế.

Ông Véran còn cho biết từ tháng 12 tới sẽ có một thuốc mới điều trị cho những người có nguy cơ bị các dạng nặng của Covid-19.

Thật ra thì hiện giờ, tuy số ca nhiễm mới đang tăng vọt tại Pháp, số bệnh nhân nhập viện chưa tăng theo cùng nhịp độ. Theo chính phủ, đó là nhờ Pháp có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn các nước châu Âu khác.
 

Đức: Số tử vong vượt ngưỡng 100.000

Trong khi đó, tại Đức, số ca tử vong do Covid-19 nay đã vượt qua ngưỡng 100.000 người, chính xác là 100.119, theo số liệu do cơ quan y tế liên bang công bố hôm nay. Trong 24 tiếng đồng hồ, cơ quan này ghi nhận 75.961 ca nhiễm mới, vào lúc là nền kinh tế hàng đầu của châu Âu đang lo ngại tình trạng quá tải của các bệnh viện.

Theo thống kê của hãng tin AFP, từ đầu mùa dịch đến nay, đã có hơn 1,5 triệu người chết ở châu Âu.
 
 
Đức bước vào thời kỳ “hậu Merkel”
image.png
Ông Olaf Scholz ( thứ 2 bên trái) sau khi đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh sẽ do ông lãnh đạo, ngày 24/11/2021 tại Berlin, Đức © REUTERS/Fabrizio Bensch

Phan Minh

Hôm qua 24/11/2021, lãnh đạo đảng Xã Hội Dân Chủ Đức Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận liên minh cùng với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do để lập chính phủ. Ông Olaf Scholz sẽ trở thành thủ tướng thay cho bà Angela Merkel sau 16 năm nắm quyền. Theo AFP, một trong những thách thức đối với tân chính phủ là đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 4 đang hoành hành ở Đức.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :  

177 trang để khép lại thời kỳ Merkel. Hai tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, một liên minh chưa từng có ở cấp liên bang sẽ nắm quyền lãnh đạo nước Đức. Hôm qua, đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD), đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) đã công bố thỏa thuận liên minh trong nhiệm kỳ lập pháp này.

Sau khi các thành viên của đảng môi trường, đại hội của SPD và FDP thông qua thỏa thuận trên, Hạ viện Đức, theo dự kiến, vào tuần mồng 6 tháng 12 tới, sẽ bầu ông Olaf Scholz làm thủ tướng. Là lãnh đạo số hai trong chính phủ mãn nhiệm, ông Scholz sẽ là thủ tướng Đức thứ 9 kể từ năm 1949. Sau 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel sẽ rời bỏ quyền lực và một lần nữa, người đứng đầu đảng SPD sẽ lên lãnh đạo đất nước.

Liên minh mới được coi là liên minh dựa trên một dự án chung như hiện đại hóa nước Đức và đặc biệt là tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng, chứ không phải là một liên minh mang tính chiến thuật. Nhưng trước khi thỏa thuận liên minh rất chi tiết này được chuyển hóa thành hiện thực, các quan chức cấp cao mới sẽ phải nhanh chóng đối mặt giải quyết làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đang hoành hành ở Đức. Một số bình luận sáng nay nhấn mạnh rằng các dự án của liên minh mới ngay lập tức sẽ được thử thách với làn sóng dịch hiện nay. 
 
 
Biển Đông: Manila bác yêu cầu của Bắc Kinh đòi Philippines dời chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây
image.png
Con tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây, trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/03/2014. © REUTERS/Erik De Castro/File Photo

Trọng Nghĩa

Philippines sẽ không di dời một chiến hạm rỉ sét mà họ đã cố tình cho mắc cạn trước đây tại Bãi Cỏ Mây, trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tuyên bố như trên vào hôm nay 25/11/2021, mặc nhiên bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ngăn chặn một chiến dịch tiếp tế cho nhóm lính Philippines đồn trú trên con tàu.


Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã phản bác lời khẳng định của Trung Quốc vào hôm qua, 24/11, theo đó Manila đã cam kết di dời chiếc tàu BRP Sierra Madre, đã được cố ý cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên Philippines là Ayungin, tên quốc tế là Second Thomas Shoal) vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của Manila ở Trường Sa.

Chiếc tàu đổ bộ này dài khoảng 100 mét đã được Hải Quân Mỹ sử dụng trong Thế Chiến Thứ Hai, trước khi được bàn giao cho Hải Quân Philippines.

Theo ông Lorenzana: “Con tàu đó đã nằm ở đó từ năm 1999. Nếu có cam kết thì nó đã bị dỡ bỏ từ lâu rồi”. Vào hôm qua (24/11), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã khẳng định rằng Bắc Kinh “yêu cầu phía Philippines tôn trọng cam kết và di dời chiếc tàu đổ bộ trái phép của họ”.

Bãi Cỏ Mây nằm cách Palawan 105 hải lý hiện do Philippines kiểm soát thông qua một toán lính nhỏ trú ngụ trên con tàu đã rỉ sét.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines một lần nữa tố cáo việc Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn Manila tiếp tế cho đơn vị trên Bãi Cỏ Mây, một thực thể “thuộc chủ quyền” của Philippines, trái với luận điệu của Bắc Kinh theo đó thực thể này nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Đó cũng là điều mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại nêu lên hôm 19/11 vừa qua khi tố cáo tàu tiếp tế của Philippines đã “xâm phạm vùng biển” của Trung Quốc khi tiếp cận Bãi Cỏ Mây.

Hôm Thứ Hai 22/11 vừa qua, chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho biết tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng chủ trì rằng ông “phản đối” các hành động gần đây của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây. 
 
 
Mỹ đưa thêm một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào sổ đen
image.png
Ảnh minh họa: Một gian hàng giới thiệu công nghệ Mỹ tại Hội trợ Quốc tế Thương mại và Dịch vụ, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2021. AP - Mark Schiefelbein

Trọng Nghĩa

Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc không hề giảm bớt. Hôm qua, 24/11/2021, chính quyền Biden đã đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen các thực thể bị trừng phạt về mặt thương mại. Trong số này có nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc phục vụ cho quân đội Trung Quốc, gây hại cho an ninh Hoa Kỳ.


Nổi bật trong số các công ty bị Mỹ đưa vào sổ đen lần này là 8 thực thể công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc, bị tố cáo về vai trò của họ trong việc hỗ trợ các chương trình tính toán lượng tử của quân đội Trung Quốc và mua lại hoặc cố gắng “mua lại các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các ứng dụng quân sự”.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, các quan chức Mỹ từ lâu nay luôn bày tỏ thái độ lo lắng trước việc các công ty Trung Quốc là bình phong giúp quân đội Trung Quốc thu thập các thông tin nhạy cảm. Bắc Kinh dĩ nhiên là luôn luôn phủ nhận việc can dự vào các hoạt động gián điệp công nghiệp.

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một thông báo của bộ Thương Mại Mỹ nói rõ là Washington muốn ngăn không cho quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ chống tàng hình, radar tiên tiến và các ứng dụng chống tàu ngầm. Quyết định này cũng ngăn không cho tài liệu của Hoa Kỳ được sử dụng để giúp Trung Quốc phá vỡ hệ thống mã hoặc phát triển hệ thống mã không thể phá vỡ.

Bắc Kinh đã lập tức phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ “cực lực phản đối” những hành động của Washington nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc và khuyên Mỹ nên “dừng việc lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp doanh nghiệp Trung Quốc”.

Ngoài 8 thực thể tại Trung Quốc nói trên, bộ Thương Mại Mỹ hôm qua còn thêm vào danh sách trừng phạt 16 tổ chức và cá nhân đang hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan, bị cáo buộc về vai trò trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của chính quyền Islamabad.  

Tổng cộng, sổ đen thương mại Mỹ có thêm 27 tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật Bản và Singapore.
 
 
Úc dự định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022
image.png
Một khu thi đấu chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, ngày 25/11/2021. © REUTERS/Tingshu Wang/File Photo

Phan Minh

Theo Sydney Morning Herald, hôm nay 25/11/2021, Úc đang cân nhắc việc không cử bất kỳ quan chức chính phủ nào tới tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm tới trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà lập pháp Úc kêu gọi tẩy chay ngoại giao sự kiện này.

Đảng Tự do cầm quyền và Công Đảng Úc thuộc phe đối lập đều yêu cầu chính phủ liên bang tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022.

Một cuộc tẩy chay ngoại giao có nghĩa là không cử phái đoàn quan chức đến nước đăng cai tham dự các lễ hội, nhưng vẫn cho phép các vận động viên tham gia thi đấu thể thao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết Hoa Kỳ cũng đang xem xét tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nhằm phản đối các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Báo Úc Sydney Morning Herald nói thêm, chính phủ Úc đang chờ những động thái tiếp theo của chính quyền Mỹ Biden trước khi đưa ra quyết định chính thức tẩy chay Thế Vận Hội tại Bắc Kinh.