Pháp kêu gọi láng giềng hỗ trợ sau vụ 27 di dân thiệt mạng ở biển MancheMột nhóm thuyền nhân vượt biển Manche từ miền bắc nước Pháp để sang Anh Quốc. Ảnh ngày 24/11/2021. REUTERS - GONZALO FUENTES
Phan Minh
Hôm qua 25/11/2021 Pháp thông báo huy động lực lượng cứu hộ dự bị nhằm ngăn chặn những thảm kịch khác ở biển Manche, nơi 27 người đã chết hôm 24/11/2021 khi tìm cách vượt biển từ Pháp sang Anh. Chính quyền Pháp cũng kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, bắt đầu từ Vương quốc Anh, trong cuộc chiến chống lại nhập cư bất hợp pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Bỉ, Hà Lan, Vương Quốc Anh và Ủy ban Châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân này.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo tổ chức một cuộc họp vào Chủ Nhật 28/11/2021. Ông sẽ mời các bộ trưởng phụ trách di trú của Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh và Ủy Ban Châu Âu đến dự để củng cố hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, tư pháp cũng như tìm các phương án triệt phá mạng lưới của những kẻ đưa người vượt biên.
Ngoài ra, Pháp mong muốn khối Schengen chống lại nạn di dân bất hợp pháp một cách có "hiệu quả hơn", thông qua việc tăng cường kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên trong khối.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
Việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới là một trong những hướng đề xuất sắp tới nhằm cải cách bộ luật biên giới Schengen. Pháp là một trong những nước nhiệt tình ủng hộ đề xuất này vốn đã được nhiều quốc gia đề cập đến.
Cùng với 5 quốc gia khác trong đó có Đức và Áo, nước Pháp nằm trong số các quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát ở biên giới từ năm 2015 vào thời điểm xẩy ra cuộc khủng hoảng di cư, và biện pháp này chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt. Các biện pháp kiểm soát biên giới chỉ có thể được áp dụng trong vòng sáu tháng và mỗi lần muốn kéo dài thì đều phải có lý do.
Lập luận chủ yếu của các nước ủng hộ việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới một cách dễ dàng là để bảo đảm an ninh lãnh thổ, lập luận này dường như đã được Liên Hiệp Châu Âu lắng nghe.
Trên thực tế, sự vận hành của cơ chế Schengen một mặt dựa vào mức độ an ninh cao của Liên Âu và mặt khác, trong đề xuất của Ủy Ban Châu Âu cũng có một chương quan trọng về hợp tác cảnh sát.
Ngoài ra, cũng còn có quan điểm pháp lý của công tố viên độc lập thuộc Tòa Án Công Lý Liên Âu, cho rằng việc áp đặt thời hạn cho việc kiểm soát biên giới dường như không phù hợp với việc bảo đảm an ninh.
Covid-19: Liên Âu cho phép sử dụng vac-xin Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi
Ảnh minh họa: Ống chích vac-xin Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19. Ảnh chụp tại Jackson (Mississipi, Hoa Kỳ), ngày 21/09/2021. AP - Rogelio V. Solis
Minh Anh
Cơ Quan An Toàn Dược Phẩm Liên Hiệp Châu Âu EMA ngày 25/11/2021 thông báo: Vac-xin Pfizer được phép dùng để tiêm ngừa cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Trong một thông cáo, cơ quan EMA giải thích quyết định này được đưa ra theo khuyến nghị của một nhóm chuyên gia yêu cầu « cho phép mở rộng phạm vi áp dụng của vac-xin ngừa Covid-19 Comirnaty (tên thương mại của vac-xin Pfizer) cho cả trẻ nhỏ từ 5-11 tuổi ».
AFP nhắc lại, loại vac-xin này hiện đã được phép dùng cho trẻ em trên 12 tuổi tại 27 nước thành viên. Ngoài châu Âu, vac-xin của Pfizer cũng đã được phép dùng cho trẻ từ 5-11 tuổi tại một số ít các nước, trong đó có Hoa Kỳ, Canada và Israel.
Cơ quan này nói rõ lượng thuốc tiêm cho trẻ chỉ bằng 1/3 so với liều thuốc dùng cho người cao tuổi, được tiêm hai lần với thời gian giãn cách là 3 tuần.
Một cuộc thử nghiệm được thực hiện ở 2.000 trẻ trong độ tuổi này cho thấy tính hiệu quả của vac-xin Pfizer đạt đến hơn 90%. Phản ứng phụ của thuốc được cho là « nhẹ hay vừa phải », và chúng có thể kéo dài nhiều ngày, biểu hiện dưới dạng đau tại vết tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hay cảm nhẹ.
Cơ Quan An Toàn Dược Phẩm kết luận « lợi ích của Comirnaty ở trẻ em từ 5-11 tuổi cao hơn các rủi ro, đặc biệt là ở những người có nhiều bệnh nền, có nhiều rủi ro nhiễm Covid-19 ở thể nặng ».
EMA cho biết thêm là đang nghiên cứu khả năng cho phép sử dụng vac-xin của Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Quyết định dự trù sẽ được đưa ra vào tháng Giêng năm 2022.
Thông báo này của EMA mở đường cho Pháp xem xét mở rộng đối tượng tiêm ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 khẳng định, một khi đã được Ủy Ban Tham Vấn Đạo Đức Quốc Gia và Cơ Quan Y Tế Cao Cấp thông qua, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ sẽ được bắt đầu ngay từ đầu năm 2022.
Trong khi chờ đợi, bộ trưởng Giáo Dục Pháp, Jean-Michel Blanquer thông báo học sinh lớp 6, kể từ thứ Hai, 29/11/2021, sẽ phải làm xét nghiệm tự túc hai lần trong tuần. Lãnh đạo ngành Giáo Dục Pháp giải thích, đối tượng học sinh này chưa tới 12 tuổi và vẫn chưa được tiêm ngừa.
Trung Quốc : Mỹ “không nên có bất kỳ ảo tưởng” nào về Đài LoanẢnh tư liệu: Bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar (T) phát biểu trong cuộc gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Đài Bắc, ngày 10/08/2020. POOL/AFP
Chi Phương
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp và Hoa Kỳ không nên có “bất cứ ảo tưởng nào” đối với Đài Loan. Đây là phản ứng mới nhất về vấn đề Đài Loan mà Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình.
Trả lời về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề về Đài Loan, trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, 25/11/2021, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc, ông Ngô Cường, nhấn mạnh rằng cả hai bên đều có lợi nếu duy trì quan hệ lành mạnh và ổn định. Tuy nhiên, theo Aljazeera, ông Ngô Cường cho biết thêm, “trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã có những tuyên bố vô trách nhiệm và có hành động khiêu khích ở Đài Loan, trên Biển Đông, và thậm chí còn thực hiện do thám bằng tàu chiến trong khu vực”.
Đại diện bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc không thể bị xâm phạm. “Đặc biệt là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp, và Hoa Kỳ không nên có bất cứ ảo tưởng nào”.
Cũng trong ngày 25/11, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến Đài Loan. Theo AFP, đây là phái đoàn thứ hai đến Hoa Kỳ trong tháng 11. Chuyến thăm lần này kéo dài hai ngày, đề cập đến quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm. Đây là một dấu hiệu mới về sự ủng hộ của Mỹ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden mời Đài Bắc tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ.
Aljazeera nhận định rằng Mỹ duy trì chính sách chiến lược “mơ hồ” đối với Đài Loan, cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự và “thường xuyên ca ngợi Đài Bắc là ngọn hải đăng của nền dân chủ”. Washington vẫn là đồng minh quan trọng và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Bắc, mặc dù chỉ công nhận một nước Trung Hoa duy nhất từ năm 1979.
Canberra tố cáo tàu dọ thám Trung Quốc lai vãng vùng đặc quyền kinh tế ÚcBộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton (T) và ngoại trưởng Úc Marise Payne trong cuộc họp báo chung với các đồng nhiệm Mỹ tại trụ sở bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington DC, ngày 16/09/2021. © ap
Thanh Hà
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton, ngày 26/11/2021, lên án Trung Quốc có những hành vi “đáng báo động” trái ngược với cam kết vì hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực. Canberra đồng thời tố cáo tàu dọ thám Trung Quốc liên tục lai vãng vùng đặc quyền kinh tế Úc trong ba tuần trong tháng 8/2021.
Tham dự hội thảo do Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia tổ chức, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Peter Dutton, đưa ra một danh sách dài những hành vi đáng báo động của Trung Quốc, từ các hoạt động quân sự hóa Biển Đông đến những hành vi uy hiếp Đài Loan trong thời gian gần đây, hay việc áp đặt luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính Hồng Kông. Canberra xem những hành vi đó đi ngược lại với những “cam kết của chính quyền Trung Quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển”. Úc chỉ trích Trung Quốc “lời nói không đi đôi với việc làm” và lối hành xử của Bắc Kinh ngày càng “đáng báo động”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi thủ tướng Scott Morisson xác nhận Canberra theo dõi các hoạt động của tàu dọ thám Trung Quốc hồi tháng 8/2021 đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Úc. Báo chí Úc hôm 25/11/2021 tiết lộ tàu dọ thám Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Darwin, miền bắc nước Úc. Tàu hoạt động trong ba tuần và đi qua những khu vực có các căn cứ quân sự của Úc. Hình ảnh được bộ Quốc Phòng công bố cho thấy tàu Trung Quốc mang số hiệu 798 của Hải Quân Trung Quốc thuộc lớp 815 và giới quan sát cho biết đó là tàu trinh sát có nhiệm vụ thu thập dữ liệu điện tử và tín hiệu của các mục tiêu. Tuy nhiên bộ trưởng Quốc Phòng Peter Dutton lưu ý tàu Trung Quốc không thâm nhập vùng lãnh hải của Úc. Trong khi đó, thủ tướng Morisson nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc cho thấy “tình hình tại Ấn Độ-Thái Bình Dương rất nghiêm trọng”.
Reuters cho biết Bắc Kinh chưa bình luận về tin tàu dọ thám Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Úc nhưng mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc của Canberra. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 26/11/2021 chỉ trích bộ trưởng Peter Dutton bóp méo sự thật về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh nhằm đánh lạc hướng công luận Úc , “đổ thêm dầu vào lửa gây nên xung khắc và chia rẽ giữa hai dân tộc và hai quốc gia”.
Quần đảo Salomon lún sâu vào bạo động
Cũng về thời sự trong khu vực, bạo động tại quần đảo Salomon bước sang ngày thứ ba. Trong đêm 25 rạng sáng 26/11/2021, nhiều tòa nhà và cửa hàng tại Honiara, thủ phủ quần đảo này bị đốt cháy và hôi của. Nhiều cơ sở của Trung Quốc là mục tiêu tấn công. Làn sóng phẫn nộ dấy lên từ hôm 24/11/2021 đòi thủ tướng Mahassah Sogavare từ chức. Ông này bị chỉ trích thân Bắc Kinh, năm 2019 dưới sức ép của Trung Quốc, chính quyền đã cắt đứt bang giao với Đài Loan.
Do có quan hệ chặt chẽ giữa quần đảo này, Canberra đã điều hàng chục cảnh sát Úc đến hiện trường để bảo đảm an ninh, vãn hồi trật tự công cộng.
Pháp – Ý ký kết hiệp ước tăng cường hợp tác song phương
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Ý Mario Draghi trước cuộc họp báo chung tại Villa Madama, Roma, Ý, ngày 26/11/2021 sau khi hai nước ký Hiệp ước Quirinale. © ASSOCIATED PRESS
Minh Anh
Pháp và Ý quyết định khép lại những mối bất hòa. Ngày 26/11/2021, đến thăm Roma, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý, Mario Draghi ký hiệp ước tăng cường hợp tác song phương.
Hiệp ước Quirinale, tên của dinh thự thủ tướng Ý, nhằm củng cố các mối hợp tác giữa Pháp và Ý trong nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hóa cho đến cả vấn đề di dân.
Reuters nhắc lại, ý định hợp tác này đã có từ năm 2017, nhưng các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ vào năm 2018 do việc nước Ý có một chính phủ liên minh theo chủ nghĩa dân túy được thành lập từ Phong Trào Năm Sao và Liên đoàn cực hữu lên cầm quyền. Mối quan hệ giữa Roma và Paris còn xuống cấp nghiêm trọng vào năm 2019 đến mức tổng thống Pháp đã triệu hồi đại sứ về nước.
Đặc phái viên đài RFI, Valerie Gas từ Roma, lưu ý, hiệp ước lần này được ký kết, trong bối cảnh Pháp chuẩn bị làm chủ tịch luân phiên của khối Liên Hiệp Châu Âu và Ý là một đồng minh mà Paris có thể trông cậy.
« Chuyến thăm Roma của Emmanuel Macron phải cho thấy rõ là giữa Pháp và Ý kể từ giờ, mọi chuyện đều êm thắm, và thậm chí còn hơn thế nữa.
Một cố vấn của tổng thống Pháp phấn khởi cho biết : "Chúng ta đã tìm lại được một mối quan hệ đặc biệt giữa Pháp và Ý", đồng thời nhấn mạnh nhiều đến mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Emmanuel Macron và Mario Draghi, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Ý : Đó là "một mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau".
Những bất hòa giữa hai nước khi Matteo Salvini ủng hộ phong trào Áo Vàng bên Pháp, giờ đã sang trang. Và việc ký Hiệp ước Quirinale diễn ra đúng lúc để thúc đẩy sự hợp tác giữa Pháp và Ý khi Pháp chuẩn bị làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và nước Đức đang trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị với việc bà Angela Merkel rời ghế thủ tướng.
Tại điện Elysée, ai cũng biết một điều là nguyên thủ Pháp muốn dựa "nhiều" vào Ý trong "những tháng sắp tới". Nhưng việc này cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ thân cận với Đức, theo như lời của một cố vấn tổng thống. Quan chức này cho biết : "Chúng ta chưa bao giờ chơi trò quan hệ cạnh tranh tay ba với các đối tác". Gần gũi hơn một chút với Ý không đồng nghĩa là xa hơn một chút với Đức. »