Năm 2010 Nguyễn Đức Hiển từng bị kỷ luật

Năm 2010 Nguyễn Đức Hiển từng bị kỷ luật
12/02/2021

 KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 
Báo Pháp Luật TP.HCM đề nghị báo Đời Sống & Pháp Luật cải chính
 
 
Ngày 30-6, báo Pháp Luật TP.HCM đã có công văn gửi tổng biên tập báo Đời Sống & Pháp Luật đề nghị cải chính và xin lỗi báo Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và công luận về những thông tin liên quan đến vụ nghi vấn tống tiền cảnh sát giao thông tại miền Trung.
 

Báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng bài báo Sự thật vụ “nhà báo tống tiền cảnh sát”: vu khống đồng nghiệp để “bảo kê” - đớn đau “đạo đức nghề nghiệp” trên báo Đời Sống & Pháp Luật ngày 29-6 có đến năm nội dung xúc phạm nghiêm trọng không chỉ danh dự nhà báo Nguyễn Đức Hiển, phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, mà còn xúc phạm đến uy tín, danh dự của báo Pháp Luật TP.HCM.

Trong đó công văn của báo Pháp Luật TP.HCM viết: “Báo Đời Sống & Pháp Luật đã đăng bài viết trên với hình minh họa lớn ở hai trang là một tranh biếm họa mang tính nhục mạ là một nhà báo đứng sau dùng bút đâm vào lưng đồng nghiệp, túi quần giắt đầy phong bì. Đây là điều không thể chấp nhận được”.

N.TRIỀU - Tuổi trẻ

Dưới đây là nội dung bài báo của Báo Pháp luật & Đời sống:

 SỰ THẬT VỤ NHÀ BÁO “TỐNG TIỀN CẢNH SÁT”: Vu khống đồng nghiệp để “bảo kê”- Đớn đau “đạo đức nghề nghiệp”

Một P.V của báo Pháp Luật (TP Hồ Chí Minh) – người đã từng bị tước thẻ nhà báo vì những sai phạm trong tác nghiệp báo chí - đã viết bài chỉ “theo lời kể của người trong cuộc” cáo buộc một đồng nghiệp ở báo Đời sống & Pháp luật câu kết cùng một giảng viên ĐHSP Huế tống tiền cảnh sát giao thông (CSGT).

 

 

Trớ trêu thay, sau khi báo Đời sống & Pháp luật kiểm tra sự việc thì hoá ra “ người trong cuộc” (Thiếu tá Nguyễn Văn Khải - Đội trưởng Đội TTKS, Phòng PC 16, Công an tỉnh Khánh Hoà) hoàn toàn không cáo buộc P.V báo Đời sống & Pháp luật, còn vị giảng viên ĐHSP Huế khi làm việc với vị CSGT này lại xưng danh là trưởng Văn phòng Đại diện báo Pháp Luật tại Huế (trong số các báo hiện nay, chỉ có tờ báo của P.V viết bài báo nói trên đang công tác mang tên báo Pháp Luật) chứ không phải là mạo xưng trưởng Văn phòng Đại diện báo Đời sống & Pháp Luật tại Huế như bài báo viết “theo lời kể của người trong cuộc” nêu trên. Vì sao Nguyễn Đức Hiển -một P.V đã từng có rất nhiều sai phạm của báo Pháp Luật (TP Hồ Chí Minh) nhưng vẫn được đề bạt làm Phó Tổng thư ký Toà soạn - lại có thể “đổi trắng thay đen” sự việc như vậy? Điều này rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ.


Thông tin “giật gân”...


Theo 2 bài báo được đăng trên báo Pháp luật (TP HCM) thì sự việc được Nguyễn Đức Hiển “tường thuật” như chính Hiển được chứng kiến, đại thể như sau: Vừa qua, P.V Hồ Anh Thắng  của báo ĐS&PL cùng Đậu Minh Long - giảng viên trường ĐHSP Huế đã đi một loạt tỉnh ở nam miền Trung để điều tra về tình trạng “mãi lộ” của  CSGT, sau đó dùng những bằng chứng này để “tống tiền”. Bài báo viết: “Cả hai đi xe hơi bốn chỗ hiệu Mazda, biển số 75L-5136. Họ xưng tên là Thắng và Minh Long. Thắng xưng là trưởng văn phòng báo Đời Sống và Pháp Luật tại Huế và huênh hoang rằng đang nhận lệnh của tổng biên tập đi kiểm tra dọc tuyến. Tại các đơn vị CSGT ở Bình Định, Phú Yên, những nhà báo này ghé vào và thông báo: “Chúng tôi đang đi kiểm tra. Thấy anh em báo chí đi làm vất vả, nhiều đơn vị còn mời cơm. Tuy nhiên, điều khả nghi là hai người này luôn úp mở về việc đang theo dõi tình trạng mãi lộ, tiêu cực của CSGT, đại để vừa đánh trạm này hoặc vừa tha trạm khác”. Đặc biệt, cũng theo bài báo của Hiển đăng trên báo Pháp luật (TP HCM) thì tại trạm kiểm sát Cam Ranh (Khánh Hoà), người có tên Đậu Minh Long đã yêu cầu CSGT chi tiền để bỏ qua hành vi nhận hối lộ của cảnh sát giao thông trạm này và trong quá trình trao đổi với “một chỉ huy CSGT ” của đơn vị này, Đậu Minh Long đã gọi điện cho phóng viên Hồ Anh Thắng của báo Đời sống & Pháp Luật  xin “ý kiến chỉ đạo” và yêu cầu “chung chi 200 triệu đồng” như “ Trạm CSGT Kim Liên ở Đà Nẵng”. Trong bài viết, Hiển đã không ngần ngại gọi P.V Hồ Anh Thắng của báo Đời sống & Pháp luật là “kẻ tống tiền”, thậm chí còn “giật tít”: “hai kẻ tống tiền là ai?”. Trong kỳ 2 của bài viết, Hiển nêu: “Thắng cho biết chỉ quá giang ôtô của Đậu Minh Long đi Khánh Hòa. Việc Long làm tiền, Thắng không liên quan. Nhưng theo thông tin chúng tôi có được, Hồ Anh Thắng và Đậu Minh Long có sự bàn bạc thống nhất việc đòi tiền”. Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác trong bài viết được Nguyễn Đức Hiển tường thuật  “khơi khơi” và khẳng định  như chính Hiển được chứng kiến sự việc, để rồi đến cuối bài viết, Hiển thản nhiên “buông” một câu: “Những thông tin trên chúng tôi ghi nhận được từ lời kể của người trong cuộc và chắc chắn sẽ được cơ quan công an làm rõ”.

Vu cáo cho đồng nghiệp vì động cơ cá nhân - Đớn đau “đạo đức nghề nghiệp”.

Sau khi báo Pháp luật (TP Hồ Chí Minh) đăng tải bài viết trên, để xác minh và kiểm tra thông tin, báo Đời sống &Pháp luật đã yêu cầu Văn phòng Đại diện Bắc Trung bộ  tạm đình chỉ  công tác của P.V Hồ Anh Thắng để giải trình sự việc, đồng thời Toà soạn cũng yêu cầu phụ trách Văn phòng Đại diện Bắc Trung bộ đi xác minh tại các đơn vị CSGT đã nêu trong bài báo. Theo những thông tin ban đầu xác minh được, sự thật hoàn toàn khác xa với những gì Nguyễn Đức Hiển viết.


Việc Hiển nêu Trạm CSGT Kim Liên TP Đà Nẵng “chung chi 200 triệu đồng” là hoàn toàn vu khống và bịa đặt. Trung tá Phạm Ngọc Dinh, Trạm trưởng Trạm CSGT Kim Liên (phụ trách tuyến QL1A) Công an Đà Nẵng phản ứng: “Đây là sự bịa đặt, làm gì có chuyện đó. Chúng tôi không biết anh Long, anh Thắng là ai cả. Cũng chẳng có ai tự nhận là phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật liên hệ làm việc với chúng tôi. Mà số tiền 200 triệu đâu phải là nhỏ mà chúng tôi có thể đưa cho họ một cách đơn giản, dễ dàng như vậy”. Còn ông Minh, Trạm phó thì khẳng định: “Tôi nghĩ  họ (Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Minh - người đứng tên chung kỳ 1 của bài viết với Hiển) có ý đồ gì đó thôi. Đọc được thông tin này, chúng tôi bất ngờ quá. Việc này chúng tôi sẽ phải báo cáo với cấp trên”.

Trên thực tế, Toà soạn báo Đời sống & Pháp luật và Văn phòng Đại diện Bắc Trung bộ  không hề cử và không cấp bất cứ một thứ giấy tờ  nào cho P.V  Hồ Anh Thắng đi công tác tại Khánh Hoà. Vào ngày 24/6/2010, P.V Hồ Anh Thắng xin phép phụ trách Văn phòng Bắc miền trung vào Khánh Hoà về việc riêng (thăm anh trai). P.V Hồ Anh Thắng  khẳng định: “Vì đi việc riêng nên trên đường đi, tôi không bao giờ xưng danh P.V báo Đời sống & Pháp luật  ở bất kỳ đâu. Việc ông Nguyễn Đức Hiển viết: “Thắng xưng là trưởng văn phòng báo Đời Sống và Pháp Luật tại Huế và huênh hoang rằng đang nhận lệnh của tổng biên tập đi kiểm tra dọc tuyến” là hoàn toàn bịa đặt và vu cáo. Cũng  phải nói thêm rằng, trước và sau khi báo Pháp luật (TP Hồ Chí Minh) đăng tải bài viết trên, ông Hiển không hề liên lạc với tôi” .


Trong bài viết, Nguyễn Đức Hiển khẳng định những thông tin của Hiển được “ghi nhận được từ lời kể của người trong cuộc”. Nếu việc cáo buộc một đồng nghiệp chỉ dựa vào “lời kể của người trong cuộc” mà không hề đưa ra một căn cứ nào, cũng không hề xác minh thông tin đối với người bị cáo buộc là một sự vô trách nhiệm trong tác nghiệp báo chí thì việc bóp méo  và xuyên tạc lời kể của “người trong cuộc” để vu cáo đồng nghiệp vì  mục đích cá nhân là một sự vi phạm trắng trợn đạo đức nghề nghiệp và lương tâm của người cầm bút. Theo báo cáo chính thức của “ người trong cuộc” (Thiếu tá Nguyễn Văn Khải - Đội trưởng Đội TTKS, Phòng PC 16, Công an tỉnh Khánh Hoà -P.V) gửi lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hoà thì không ai xưng danh là phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật. Nhân vật Đậu Minh Long chỉ xưng là Trưởng đại diện báo Pháp luật tại Huế phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên (hiện nay chỉ duy nhất có tờ báo Nguyễn Đức Hiển đang công tác có tên là “báo Pháp luật” –PV). Không hiểu phóng viên Nguyễn Đức Hiển lấy thông tin từ đâu khẳng định Đậu Minh Long là phóng viên của báo Đời sống & Pháp luật khi giật tít: “Một nhà báo tống tiền…cảnh sát”? Hơn nữa, trong báo cáo này cũng không hề nói đến việc P.V Hồ Anh Thắng của báo Đời sống & Pháp luật có mặt tại hiện trường cũng như tham gia vào “vụ tống tiền” này.

Khi Đại diện báo Đời sống & Pháp luật tại Bắc Trung bộ xác minh thông tin, nhân vật Đậu Minh Long – giảng viên ĐHSP Huế nói: “ngày 24/6/2010, tôi có việc riêng đi Ninh Thuận. Biết tôi có xe ô tô đi nên anh Hồ Anh Thắng, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật tại Huế xin đi nhờ vào Nha Trang (Khánh Hòa). Đến sáng ngày 26/6, Thắng có việc phải quay lại Huế nên tôi chở Thắng ra bến xe để bắt xe về vì tôi vào Ninh Thuận. Trên đường ra bến xe thì bị Đội CSGT phía Nam (Khánh Hòa) dừng xe kiểm tra, Thắng phải xuống làm “luật” cho một người không rõ tên và người ngồi bên cạnh là Nguyễn Quốc Thắng (100 ngàn đồng). Sau đó các anh ở đội này biết người làm luật là phóng viên, nhà báo, sợ bị liên lụy nên có anh xưng là Khải đã điện thoại xin gặp tôi. Tôi hoãn đi Ninh Thuận, quay lại gặp anh Khải, anh này đặt vấn đề xin nhà báo bỏ qua hành vi mãi lộ vừa rồi. Trong cuộc nói chuyện với anh Khải CSGT tôi có kể về một nội dung trong quá khứ (nội dung này tôi nghe mọi người kể với nhau 1 lần đi uống cà phê): “Trước đây mấy ông báo chí chộp được hình ảnh mãi lộ ở Đà Nẵng mà mang cả trăm triệu đồng cho phóng viên, BBT một tờ báo mà họ không nhận đấy. Thế mới đau khổ”. Sau đó, tôi có gọi điện cho Thắng nói đại ý: “Thôi, các anh công an Khánh Hòa họ biết sai rồi, em nên tha cho họ”. Thắng trả lời rằng: “Bọn ni cũng tệ, lấy tiền trắng trợn quá. Thôi, chuyện đó tùy anh”. Sau đó, linh tính cho tôi thấy có sự bất thường nên tôi đi về Huế ngay, trên đường về, anh Khải liên tục hẹn tôi đến địa điểm để “bồi dưỡng” nhưng tôi từ chối, rồi tắt máy. Đến chiều hôm đó, có người gọi điện tự xưng là phóng viên Báo Pháp luật TP HCM nói: “Anh là giảng viên, thạc sỹ sao ấu trĩ vậy? Việc anh tiếp xúc, nói gì với các anh công an đều đã bị ghi âm rồi”. Tôi trả lời rằng: “Việc đó tôi không biết, không liên quan”. Tiếp đó, anh này có nhắn một số tin nhắn vào máy tôi đại ý trách tôi không biết điều, không chịu gặp họ”.

Sự việc thực hư thế nào, Đậu Minh Long có mạo danh báo chí để tống tiền hay không sẽ  được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, sau khi ra Toà soạn để tường trình sự việc, P.V Hồ Anh Thắng đã chính thức gửi đơn khiếu nại và tố cáo Nguyễn Đức Hiển vu khống đồng nghiệp đến các cơ quan quản lý báo chí, Ban Biên tập báo Pháp Luật (TP Hồ Chí Minh) và cơ quan chủ quản của tờ báo này. Phóng viên Hồ Anh Thắng cũng cho biết, điều khiến người làm báo đau buồn nhất là bị chính những đồng nghiệp vu cáo một cách trắng trợn.


Phóng viên Hồ Anh Thắng khẳng định: “ Đối với một người làm báo thì nhiệm vụ, trách nhiệm của họ là phải đưa thông tin chính xác, đầy đủ đến với bạn đọc, tránh đưa thông tin một phía, gây hiểu lầm cho bạn đọc, ảnh hưởng đến danh dự, lợi ích của các cá nhân, tập thể. Trong khi đó, các tác giả bài báo đăng trên báo Pháp luật TP HCM chưa hề trao đổi với tôi để xác minh sự việc đã đưa danh tính của tôi lên báo và đặc biệt nguy hiểm hơn, các tác giả bài báo khẳng định tôi tham gia hành vi tống tiền CSGT.


Ngay sau khi báo Pháp luật TP HCM kết tội tôi trên báo của họ, bản thân tôi,  gia đình tôi cũng như cơ quan của tôi đã thực sự bị sốc vì bị vu cáo, bôi nhọ danh dự một cách thậm tệ. Nếu như tác giả bài báo là một phóng viên trẻ tôi có thể cho rằng do sơ sót về nghiệp vụ, nhưng tôi được biết, người trực tiếp viết bài báo này - Nguyễn Đức Hiển là Phó Tổng thư ký toà soạn của báo Pháp luật TP HCM. Điều này tôi rất băn khoăn tự hỏi: Vì nguyên nhân gì, mục đích gì mà một người là công tác tổ chức bài vở, biên tập cho một toà soạn báo lại trực tiếp đi viết bài về một vụ việc? Động cơ gì mà một Phó tổng Thư ký toà soạn lại đi vu cáo, một đồng nghiệp, viết bài dựa trên lời kể  (nếu có) của một người mà không hề hỏi thông tin nhiều phía?


Sau khi báo Pháp luật (TP HCM) đăng bài vu cáo, bôi nhọ tôi, tôi đã nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau lý giải động cơ của tác giả những bài báo này. Nhưng với hiểu biết và lương tâm của một người làm báo tôi không cho phép mình viết những thông tin một chiều như vậy lên báo hay gửi đến các cơ quan chức năng vì tôi chưa thể kiểm chứng đầy đủ. Những thông tin đó đại ý là: Nguyễn Đức Hiển - hiện làm Phó Tổng Thư ký Toà soạn của Báo Pháp luật TP HCM là người có mối quan hệ khăng khít với một số đơn vị cảnh sát giao thông ở Miền Trung vì anh này đã từng đi có một loạt bài điều tra về chủ đề “mãi lộ” ở khu vực này, từ chỗ “đánh nhau” thành ra “quen biết”. Hơn nữa, việc một Phó Tổng thư ký Toà soạn “nhảy bổ” đi tác nghiệp, lại viết một cách coi thường sự thật, vu cáo cho người khác như vậy chỉ có thể lý giải theo một cách là vì động cơ cá nhân. Tuy nhiên, tôi xin được nhắc lại: Đây là những thông tin những nguồn tin của tôi cho biết, tôi chưa có điều kiện kiểm chứng nên tôi không khẳng định”.

Hiện nay, báo Đời sống & Pháp luật  đã cử một nhóm công tác vào các tỉnh miền Trung để xác minh sự việc. Quan điểm của báo Đời sống & Pháp luật là, nếu phóng viên Hồ Anh Thắng có sai phạm sẽ toà soạn sẽ xử lý nghiêm minh và cương quyết, còn nếu phóng viên Hồ Anh Thắng bị vu cáo vì những động cơ cá nhân nào đó của người viết bài thì sự việc cần được Ban Biên tập tờ báo đăng bài và các cơ quan chức năng làm rõ để xử lý khách quan, công bằng và nghiêm túc.

Sau khi kiểm tra một cách đầy đủ sự việc, chính xác sự việc, Đời sống & Pháp luật  sẽ thông tin đến quý vị bạn đọc. 

 

                                                                                                                Nhóm P.V

Người trong cuộc nói gì?


Trong các bài báo đăng trên Pháp luật TP HCM, các tác giả đã sử dụng nguồn tin từ nhân vật Đậu Minh Long và “một sĩ quan cảnh sát giao thông trạm Cam Ranh” (trích dẫn theo báo Pháp luật TP HCM). Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị cảnh sát được cho là bị tống tiền không hề nhắc đến phóng viên của Báo ĐS &PL.


Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải đầy đủ bản báo cáo của Thiếu tá Nguyễn Văn Khải. Dưới đây là toàn văn bản báo cáo được viết vào ngày 26/6/2010:

          
“Bản báo cáo sự việc. Kính gửi“: - Ban Giám đốc Công an tỉnh -Lãnh đạo phòng PC67. Tôi tên: Nguyễn Văn Khải. Cấp bậc: Thiếu tá. Chức vụ: Đội trưởng. Hiện công tác tại Đội TTKS phòng PC67.

 

Lúc 09h ngày 25/6/2010, tôi có nhận điện thoại của đ/c Dụ, trưởng trạm giao thông Phú Yên nói là có anh Long, trưởng đại diện báo Pháp luật đóng tại Thừa Thiên Huế đang ngồi với tôi và sau đó anh Dụ đưa máy điện thoại cho anh Long nói chuyện với tôi. Anh Long tự xưng là trưởng đại diện báo Pháp luật tại Huế phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đi cùng là Thắng, phóng viên báo Pháp luật.

Sau đó anh Long nói với tôi là có kế hoạch của Tổng biên tập đi kiểm tra trên tuyến. Anh Long có nói: Tôi đang đi vào, sẽ ghé Trạm Cam Ranh thăm anh. Nhưng sau đó anh Long và tới Ninh Hoà vào ăn cơm trưa với anh Tâm trạm Ninh Hoà. Khi ăn cơm xong, anh Long tới Nha Trang lúc 12h50. Anh Long gọi điện thoại cho tôi nói đã tới đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang rồi. Sau đó tôi nói với anh Long là tôi ốm, không tiếp được anh. Tôi có nói với anh Đều, Đội phó, tiếp nước anh ở quán Bốn mùa, đường Trần Phú. Sau khi tiếp nước xong, anh Long nói với anh Đều là vào TP Hồ Chí Minh, lúc đó là 14h20.

Vào 07h20 sáng ngày 26/6/2010 (hôm sau), lúc đó anh Long điện thoại cho tôi khoảng 10 cuộc, nhưng tôi mệt, không nghe máy. Sau đó khoảng 09h tôi điện thoại cho anh Long thì Long nói với tôi là anh coi thường tôi quá, ngày hôm qua tôi đã nói với anh tôi đang kiểm tra trên tuyến này mà anh vẫn coi thường tôi, sáng nay lính anh làm trên đường nhận tiền của phóng viên tôi 100.000 đồng, tôi cho anh biết vậy. Tôi nói: anh phải cung cấp hình ảnh, tôi sẽ báo cáo lên cấp trên nếu đúng vậy, thì anh Long hẹn tôi ở quán cà phê Thảo Ly đường Trần Phú, lúc đó khoảng 10h20.

 

Sau đó tôi tới quán Thảo Ly gặp anh Long đang ăn sáng tại đây, rồi nói chuyện qua lại. Tôi nói với Long là cho tôi xem hình ảnh. Anh Long nói: nhất quyết là lính anh phải đưa lại tờ tiền 100.000 đồng cho tôi, tôi mới tính tiếp. Lúc này tôi nói: anh nói ngang như vậy, tôi không đồng ý vì trên tuyến cả trăm km, nhiều lực lượng làm tôi biết ai, nếu anh cung cấp hình ảnh cho tôi, tôi không bao che cho lính, nếu đúng, tôi cho viết tường trình, báo cáo lãnh đạo xử lý ngay. Lúc này anh Long thấy tôi cương quyết, anh Long nói: Thôi, anh đi theo tôi ra xe nói chuyện. Anh Long chạy xe ô tô BS: 75L – 5136 tới quảng trường 2/4, ngay tháp Trầm Hương, đường Trần Phú. Anh Long gọi tôi vào xe nói chuyện, thì lúc này anh Long gạ gẫm tôi, rồi anh Long gọi điện thoại cho phóng viên tác nghiệp trên đường hỏi ý kiến, sau đó anh Long ra giá với tôi là 200 triệu đồng là bỏ qua hết. Lúc này, tôi kéo dài thời gian đưa tiền, bằng phương pháp nghiệp vụ, tôi thấy việc làm của  Long là hoàn toàn bịa đặt và tống tiền. Nên tôi hẹn Long khoảng 11h15, tôi sẽ quay lại giao tiền cho anh. Anh Long hỏi tôi trên xe có bao nhiêu tiền, tôi nói là không có tiền, nếu anh đồng ý tôi chạy đi mượn tiền rồi sẽ quay lại, thì anh Long đồng ý. Nhưng trước 11h, lúc này Long đổi ý nói là chuyển qua tài khoản cho Long. Tôi không đồng ý và nói lý do là thứ bảy ngân hàng không làm việc, thì anh Long đồng ý đưa tiền mặt. Tôi bước ra xe đi lấy tiền. Lúc này tôi chuẩn bị báo cáo cho lãnh đạo và Ban giám đốc để chỉ đạo bắt tên Long này, nhưng anh Long gọi điện thoại cho tôi sau đó 01 phút, nói là: không chờ được, anh chuyển khoản cho tôi qua ngân hàng, số tài khoản tôi nhắn vào máy anh rồi. Tôi không đồng ý và nói anh chờ tôi một chút thôi, nhưng Long bỏ đi, tôi quay lại không thấy Long đâu cả. Và tôi điện thoại cho Long, Long nói đi rồi, thứ hai anh chuyển cho tôi 200 triệu đồng qua số tài khoản tôi nhắn trong máy anh.

Vì sự việc tôi nhận thấy ban đầu là Long dạng lừa đảo, hù doạ cảnh sát giao thông lấy tiền. Bản thân tôi muốn gặp trực tiếp Long để tìm hiểu sự việc, nếu đúng, tôi báo cáo Lãnh đạo và Ban Giám đốc chỉ đạo nhưng chưa kịp báo thì Long bỏ đi. Sự việc này Long chưa bại lộ, bản thân tôi sau đó tôi báo cho trưởng phòng và sau đó báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có điện thoại cho đ/c Dũng, Phó giám đốc. Đ/c Dũng có điện cho tôi hỏi sự việc, lúc này tôi có nói với đ/c Dũng là em chuẩn bị báo Ban Giám đốc nhưng anh điện hỏi, em báo anh luôn. Tôi đã báo cho đ/c Dũng sự việc xảy ra nhưng bây giờ Long đã đi rồi thì mình đâu có làm được gì anh ơi. Anh Dũng có chỉ đạo cho tôi là tiếp tục theo dõi, nếu nó quay lại thì báo ngay cho Ban Giám đốc. Sau đó, tôi có điện thoại cho Long thì không bắt máy.

Trên đây là toàn bộ sự việc xảy ra, tôi tường trình sự việc xảy ra là đúng sự thực, không thêm bớt gì.

Kính báo Ban Giám đốc, lãnh đạo Phòng biết, chỉ đạo. Người viết: Nguyễn Văn Khải”.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của sự việc này. 

                                                                                                                        Nhóm PV

Nguyễn Đức Hiển là ai?

Trong hai bài báo đăng trên báo Pháp luật TP HCM đều ký tên tác giả là Nguyễn Đức Hiển (Trong bài báo thứ nhất, có tựa đề: “Một nhà báo tống tiền…cảnh sát” - tác giả ký tên là Nguyễn Đức Hiển –Hoàng Minh. Trong bài báo thứ hai, tiếp theo vấn đề này, có tên: “ Vụ Một nhà báo tống tiền cảnh sát: Đậu Minh Long: Nhiều CSGT đã chi tiền?” chỉ ký tên là Nguyễn Đức Hiển.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, tác giả Nguyễn Đức Hiển hiện đang công tác tại báo Pháp Luật TP HCM. Nguyễn Đức Hiển đã từng bị bị kỷ luật, bị cơ quan quản lý báo chí thu hồi thẻ nhà báo vì những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tác nghiệp. Không hiểu sao, một phóng viên có nhiều sai phạm như vậy lại được bổ nhiệm Phó Tổng thư ký Toà soạn - một vị trí quan trọng trong một cơ quan báo chí. Với vị trí công tác đó, việc xử lý thông tin của họ nếu không khách quan và thiếu  trách nhiệm có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. 

 Báo Đời sống & Pháp luật