12/03/2021
Mỹ và Liên Âu quan ngại về các hành động đơn phương trên biển của Trung QuốcThứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman trong cuộc đối thoại Mỹ- Liên Âu ngày 03/12/201. Ảnh minh họa. Andrew Harnik POOL/AFP/File
Thu Hằng
Trung Quốc có « những hành động đơn phương và gây vấn đề trên biển » ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, gây bất ổn cho hòa bình và an ninh trong vùng. Trong cuộc đối thoại cấp cao lần thứ hai về Trung Quốc tại Washington ngày 02/12/2021, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đều cho rằng những hành động hung hăng của Trung Quốc tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của hai bên.
Trong thông cáo chung được công bố sau cuộc họp, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và tổng thư ký Cơ quan Hoạt động Đối ngoại Châu Âu (SEAE) Stefano Sannino « tái khẳng định tầm quan trọng duy trì và khuyến khích tự do lưu thông hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 » (UNCLOS).
Cả hai quan chức ngoại giao tuyên bố cần phải « duy trì hợp tác chặt chẽ », phối hợp quản lý chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc, được cả hai bên coi là « đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống », « trong đó có những điểm mà hai bên có cùng lợi ích và có khả năng hợp tác mang tính xây dựng ».
Ngoài ra, bà Wendy Sherman và ông Stefano Sannino cũng đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có các vụ trấn áp cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, đàn áp Tây Tạng và tình hình dân chủ xuống cấp ở Hồng Kông… Những chủ đề này nằm trong hồ sơ nghiên cứu của sáu nhóm làm việc được thành lập trong cuộc họp cấp cao đầu tiên vào tháng 05/2021 trong khuôn khổ Đối thoại Hoa Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc.
Việc tổ chức Đối thoại này được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 23/10/2020 khi thảo luận về những lợi ích chung của hai bên trong khuôn khổ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Ngày 03/12, bà Sherman và ông Sannino tiếp tục thảo luận về Trung Quốc cùng với các cuộc tham vấn cấp cao về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Máy bay do thám Mỹ hoạt động ở mức kỷ lục tại Biển Đông
Ảnh minh họa do Hải quân Mỹ cung cấp: Các chiến đấu cơ F/A-18E trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông ngày 06/07/2020. AP - Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer
Chi Phương
Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), đăng trên Vi Bác (Weibo) của tổ chức này hôm 01/12/2021, quân đội Mỹ tiến hành các chuyến bay do thám nhiều ở mức kỷ lục trong tháng 11/2021. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc về vấn đề Đài Loan.
Với khoảng 94 chuyến bay do thám trên Biển Đông, gần bờ biển Trung Quốc, quân đội Mỹ đã tăng gần 30 % số vụ do thám so với hồi tháng 2/2021. Hầu hết các chuyến bay do thám thực hiện trên vùng biển đang có tranh chấp và không quân Mỹ đã huy động nhiều loại máy bay, như máy bay tuần tra chống ngầm P-8A, máy bay do thám không người lái MQ-4C và máy bay giám sát không đối đất E-8C.
Theo Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông, một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, số vụ do thám có của Mỹ trong tháng 11/2021, có thể cao hơn vì một số máy bay dường như đã tắt tín hiệu phát đáp nhận diện.
Nhật báo The South China Morning Post giải thích rằng sự gia tăng các hoạt động của máy bay do thám Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh quân đội trung quốc tăng cường uy hiếp quân sự chống lại Đài Loan. Trung Quốc đã điều một số lượng lớn máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong thời gian gần đây. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc đã thực hiện 159 vụ xâm nhập vùng ADIZ, sau mức kỷ lục 196 lần vào tháng 10/2021.
Thêm vào đó, chuyến công tác của các nhà lập pháp Mỹ đến Đài gần đây đã làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Hai cường quốc đang thực hiện cuộc chạy đua vũ trang về các loại vũ khí siêu thanh. Theo đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc, Trung Quốc được cho là có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 3.800 đầu đạn, nhưng dự báo rằng kho dự trữ của Trung Quốc có thể tăng gấp bốn lần vào năm 2030.
Theo nhật báo Hồng Kông, sau cuộc gọi trực tuyến giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra vào tháng 11, lãnh đạo quân đội hai bên sẽ có cuộc hội đàm trực tuyến, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2022.
Khủng hoảng di dân: Liên Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với BelarusNgười nhập cư tìm cách vượt biên giới từ Belarus sang Ba Lan, gần Grodno, Belarus, ngày 08/11/2021. AP - Leonid Shcheglov
Phan Minh
Hôm qua 02/12/2021, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus trong cuộc khủng hoảng di dân mà Ba Lan, Latvia và Litva đang phải đối đầu và cáo buộc chế độ của tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là thủ phạm
Đây là những biện pháp mà Liên Âu vẫn thường ban hành như không cấp thị thực vào châu Âu và phong tỏa tài sản trong Liên Âu đối với những thực thể và cá nhân bị trừng phạt. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt tương tự cũng đã được Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc phối hợp thực hiện.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
Đây là đợt trừng phạt thứ 5 của Liên Âu - kể từ mùa hè năm 2020 bởi vì các biện pháp này nhắm vào những kẻ chủ mưu của cuộc khủng hoảng di dân hiện tại, cũng như những người phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp xã hội dân sự phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 08 năm ngoái. Trong số 17 cá nhân bị trừng phạt, đặc biệt có 7 sĩ quan của lực lượng biên phòng Belarus và 7 thẩm phán.
Tương tự, Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt 11 thực thể Belarus và 3 công ty Nhà nước bị cáo buộc hỗ trợ đàn áp. Tiếp theo là một đơn vị lính biên phòng bị cáo buộc tổ chức những cuộc vượt biên trái phép cho người di cư vào châu Âu, các cơ quan cấp visa, công ty lữ hành và các công ty du lịch đã chuyên chở người di cư từ Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, các khách sạn đã cho họ lưu trú và 2 hãng hàng không chuyên chở di dân trong đó có hãng hàng không quốc gia Belarus Belavia.
Tổng cộng, trong danh sách trừng phạt của châu Âu, hiện có 26 thực thể và 183 cá nhân, gồm cả tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và 2 con trai của ông.
Covid-19: Chuyên gia Pháp báo động biến thể Omicron sẽ chiếm đa số các ca nhiễm
Ảnh minh họa: Trên vỉa hè dọc theo một trung tâm thương mại ở Paris (Pháp) ngày 29/11/2021, khách bộ hành vẫn đeo khẩu trang phòng ngừa dịch Covid-19. AP - Rafael Yaghobzadeh
Thanh Hà I Phan Minh
Trong một vài tuần lễ nữa, có nguy cơ đa số các ca nhiễm Covid-19 tại Pháp là do biến thể Omicron gây nên. Biến thể mới này xuất phát từ Nam Phi. Đó là lời cảnh báo của giới chuyên gia Pháp.
Trả lời trên đài truyền hình tư nhân BFM sáng ngày 02/12/2021, chủ tịch Hội Đồng Khoa Học, cố vấn cho chính phủ, giáo sư y khoa Jean-François Delfraissy cảnh báo: "Omicron là biến thể mà chúng tôi đang lo ngại" và từ nay đến cuối tháng 01/2022 đa số bệnh nhân Covid-19 tại Pháp có thể do biến thể Omicron gây nên.
Tuyên bố này được đưa ra vào lúc Pháp phát hiện thêm một ca dương tính với biến thể mới của virus corona. Bệnh nhân từ Nigeria trở về. Ngoài ra có thêm 13 người đang đợi kết quả xét nghiệm xem có nhiễm Omicron hay không. Giới y khoa đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về mức độ lây lan và nguy hiểm của biến thể mới và quan trọng hơn nữa là các loại vac-xin hiện tại có đủ sức khống trị Omicron hay không.
Trong khi chờ đợi để ngăn ngừa đà lây nhiễm, nhiều nước đã gia tăng các biện pháp hạn chế nhắm vào nhiều nước châu Phi. Do vậy, sau Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đến lượt tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp Châu Phi (UA), Moussa Faki Mahamat đều lên tiếng, xem việc phong tỏa nhiều nước châu Phi là một biện pháp "bất công" và mang tính "phân biệt đối xử".
Thông tín viên đài RFI từ New York Carrie Nooten cho biết thêm :
Rốt cuộc thời sự đã chiếm vị trí then chốt trong đối thoại hàng năm giữa hai tổ chức Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Phi. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, Moussa Faki Mahamat lấy làm tiếc trước những "biện pháp trừng phạt" nhắm vào nhiều nước trong khu vực nam Phi viện lẽ biến thể Omicron. Nhất là các biện pháp phong tỏa nói trên được đưa ra vào lúc nam bán cầu đang trong giai đoạn mùa hè. Đây là mùa cao điểm của ngành du lịch và đối với nhiều lĩnh vực kinh tế.
Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh bất công lại càng lớn khi mà Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Cơ Quan Dịch Tễ Châu Phi đã làm tất cả để cộng đồng quốc tế hiểu rằng về mặt khoa học, các biện pháp phong tỏa là không có cơ sở. Ông Moussa Faki Mahamat giải thích: "Dường như biến thể mới đã được phát hiện tại một vài nước ở châu Âu trước khi xuất hiện tại Nam Phi, như vậy không thể biện minh cho các biện pháp hạn chế. Chúng tôi đã làm hết sức mình để các nước khác hiểu được sự cần thiết bãi bỏ các biện pháp hạn chế bất công này".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoàn toàn đồng ý với sự bất bình của lãnh đạo Liên Hiệp Châu Phi. Ông nói cần báo động, đây là một sự bất công thậm chí là "vô đạo đức" trong cách cộng đồng quốc tế đối xử với châu Phi.
Tình hình tại Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản
Hôm qua 01/12/2021, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron – Covid-19 ở nước này tại bang California. Bệnh nhân này trở về Mỹ từ Nam Phi hôm 22/11 và có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron 1 tuần sau đó.
Còn theo Reuters, Việt Nam sẽ tạm hủy các chuyến bay đi và đến từ 7 quốc gia châu Phi do lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron. Trong ngày hôm qua 01/12, Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm Covid.
Tại Nhật Bản, do có 2 bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, nhà chức trách đã ra quyết định cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài, gồm cả những người có visa dài hạn từ hôm nay 02/12. Với gần 80% dân số đã tiêm vac-xin chống Covid, Nhật là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.