Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đang đến gần. Tuy nhiên con số nước phản đối sự kiện này đang tăng lên từng ngày, theo Epoch Times.
|
Vào ngày 2/12, “Nghị quyết đình chiến tại Thế vận hội Mùa đông” do Bắc Kinh và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cùng soạn thảo đã được đệ trình lên Liên hợp quốc và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày hôm đó. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia gác lại xung đột trong 7 ngày trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và 7 ngày sau khi bế mạc Paralympic vào ngày 13/3/2022.
Tuy nhiên, theo báo Sydney Morning Herald của Úc, 20 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, đã từ chối ký vào nghị quyết đình chiến nhằm thể hiện sự bất mãn đối với hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương, vấn đề Hồng Kông và sự cố vận động viên quần vợt Bành Soái.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ký để bày tỏ sự không hài lòng với việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Nhà bình luận chính trị Lam Thuật phân tích trên tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ đệ trình thỏa thuận đình chiến Thế vận hội Mùa đông chủ yếu vì sợ các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích mình vi phạm nhân quyền và phản dân chủ trước và trong trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Lam Thuật nói: “Các nước phương Tây hiện đã thấy rõ rằng Thế vận hội Mùa đông là dịp để ĐCSTQ thiết lập hình ảnh của mình như một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, có đến 20 quốc gia từ chối ký hiệp định này, điều đó cho thấy rằng ngày càng có nhiều nước nhận ra ĐCSTQ chính là mối đe dọa cho hòa bình thế giới”.
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến khai mạc vào ngày 4/2/2022. Kể từ năm 2020, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các tầng lớp nhân dân đã kêu gọi tẩy chay. Với cách tiếp cận của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với Thế vận hội Mùa đông ngày càng lớn hơn.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Kiện nói rằng vào năm 2008, Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Mùa hè, và có nhiều lời kêu gọi quốc tế tẩy chay. Tuy nhiên, những người ủng hộ tin rằng sự kiện thể thao nổi tiếng thế giới này sẽ khiến ĐCSTQ phải lo lắng.
Tờ Sydney Morning Herald dẫn các nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ và Úc xác nhận rằng chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Biden có thể tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dưới một số hình thức vào đầu tuần tới. Thủ tướng Úc Morrison cũng đang cân nhắc các biện pháp tương tự.
Vào ngày 2/12, Chủ tịch Uỷ ban hướng về Trung Quốc thuộc Quốc hội và Cơ cấu phụ trách hành chính của Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley và đồng chủ tịch James McGovern đã tuyên bố khởi động dự án “Tù nhân Olympic” và chỉ trích ĐCSTQ đã làm ô uế Thế vận hội.
Hai người cũng tuyên bố rằng họ sẽ tập trung vào những người bị ĐCSTQ bỏ tù bất công và khuyến khích mọi người cùng tham gia kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế và các đối tác của nó sử dụng ảnh hưởng của họ để gây áp lực với ĐCSTQ và yêu cầu ĐCSTQ thả họ để giảm bớt sự ô nhiễm của tinh thần Olympic.
Trương Kiện nói rằng như mọi người đều biết, tinh thần của Thế vận hội là đoàn kết, hữu nghị và hòa bình. ĐCSTQ chưa bao giờ có tinh thần của Thế vận hội kể từ khi thành lập, vì vậy việc đăng cai Thế vận hội ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ là một sự xúc phạm và thiếu tôn trọng đối với nền văn minh, hòa bình và tự do của con người.
Nhật Bản và Malaysia đã đồng ý tăng cường bang giao song phương và thúc đẩy “hợp tác cụ thể” giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc có những hoạt động quyết đoán ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo The Epoch Times.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, hôm 2/12, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã trao đổi quan điểm về các vấn đề trong khu vực trong một cuộc điện đàm kéo dài khoảng 25 phút.
Ông Kishida đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ bất kỳ “nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, lặp lại lập trường về các vùng biển trong khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang hôm 23/11.
Ông Kishida nói với Thủ tướng Malaysia rằng ông dự định thúc đẩy “hợp tác cụ thể” trong một số lĩnh vực nhất định để hiện thực hóa một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” đồng thời tăng cường bang giao song phương hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này (vào năm 2022).
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản này cũng bày tỏ sự sẵn sàng trong việc tăng cường hợp tác với Malaysia trong nhiều vấn đề, bao gồm cả an ninh và an toàn hàng hải, cùng những vấn đề khác.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố, “Đáp lại, Thủ tướng Ismail Sabri bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Nhật Bản, bao gồm cả việc tài trợ vaccine và tuyên bố rằng ông muốn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương hướng tới kỷ niệm 40 năm Chính sách Hướng Đông vào năm tới.”
Ông Ismail Sabri đã dùng trang Facebook của mình để bày tỏ lập trường cứng rắn của ông về Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tránh các hành động khiêu khích mà có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực. Ông nhấn mạnh sự cần thiết trong việc gìn giữ [hiện trạng] của Biển Đông là “một khu vực thương mại hòa bình và ổn định”.
Ông Ismail Sabri viết: “Chúng tôi cũng thảo luận về các vấn đề lợi ích chung, đặc biệt là về nỗ lực mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, thương mại, quốc phòng và phát triển nguồn nhân lực.”
Hai nhà lãnh đạo này cũng trao đổi về vấn đề Bắc Hàn đang tăng cường xây dựng quân đội và vũ khí; cũng như tình hình ở Myanmar. Ông Kishida cho biết ông sẽ ủng hộ các sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về Myanmar.
Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông, vùng biển mà nước này tuyên bố các quyền đối với gần như toàn bộ diện tích khu vực, mặc dù Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đang tranh chấp với Trung Quốc.
Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye đã bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh đối với đại bộ phận của Biển Đông vào năm 2016, ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực. Tòa phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, phán quyết này có rất ít tác động đến hành vi của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh từ chối tuân theo phán quyết. Kết quả là các tranh chấp lãnh thổ vẫn tiếp diễn, bằng việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi yêu sách của mình đối với các vùng biển rộng lớn dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, kể cả đảo đá ngầm.