ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/12 - Nam Giang tổng hợp

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/12 - Nam Giang tổng hợp
12/10/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc: Không thể ‘nhắm mắt làm ngơ’ trước những lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc

 
 

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã lên tiếng ủng hộ quyết định của chính phủ liên bang khi cùng các đồng minh tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Ông lập luận rằng, Úc muốn ĐCS Trung Quốc tuân thủ “các quyền cơ bản của con người”. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính trị gia cấp cao đều đồng ý với động thái này.

Ông Dutton nói với chương trình Nine’s Today vào thứ Sáu: “Tôi không nghĩ mọi người có thể nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền mà chúng ta đang thấy với người Duy Ngô Nhĩ”. 

Quyết định tẩy chay Olympics của Thủ tướng Scott Morrison được đưa ra sau khi Hoa Kỳ thông báo, họ sẽ không cử bất kỳ quan chức nào đến Bắc Kinh tham dự Thế vận hội vào tháng Hai. Canada và Anh đã tham gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội ngay sau Úc.

Trong số những mối lo ngại mà ông Dutton bày tỏ có vụ việc ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái gần như biến mất trước công chúng, kể từ khi cô cáo buộc cựu phó thủ tướng TQ Trương Cao Lệ tấn công tình dục mình. Vụ việc đã khiến thế giới chú ý về nạn lạm dụng [tình dục] trong chế độ ĐCSTQ. 

Ông Dutton cho biết, mọi người rất lo ngại về việc Bành Soái lên tiếng cáo buộc cô bị tấn công tình dục, sau đó bị xóa tài khoản mạng xã hội, cô bị quản thúc tại gia và xuất hiện trở lại với những lời thoại được dàn dựng sẵn. 

Tuần trước, Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) đã thông báo, họ sẽ không tổ chức bất kỳ giải đấu nào ở Trung Quốc vào năm tới do cách đối xử của chính quyền với Bành Soái. 

Steve Simon, Giám đốc điều hành của Hiệp hội quần vợt nữ cho biết “Tôi không biết làm thế nào có thể yêu cầu các vận động viên của chúng tôi thi đấu ở đó [Trung Quốc], trong khi Bành Soái không được phép giao tiếp tự do và dường như đã bị gây áp lực để phản bác lại cáo buộc tấn công tình dục của chính mình”. 

Thủ tướng Morrison cũng trích dẫn các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, liên quan đến lao động nô lệ, cùng những hành vi tàn bạo khác.

 

Bắt nạt nước nhỏ, Trung Quốc sẽ hứng đòn ‘sấm sét’ từ EU?

 
 

Theo SCMP đưa tin hôm 9/12 vừa qua, Liên minh châu Âu đã đe dọa sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới nếu các cáo buộc của Litva về lệnh cấm vận thương mại của Bắc Kinh lên nước này là chính xác.

Cảnh báo này của EU đến sau cáo buộc của các nhân vật trong làng kinh doanh Litva rằng các quan chức hải quan Trung Quốc đã ngăn chặn hàng hóa xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc đến Litva.

EU xác nhận đang điều tra các cáo buộc và cảnh báo rằng mối quan hệ của Litva với Trung Quốc “có tác động đến quan hệ EU-Trung Quốc nói chung”.

“Nếu thông tin trên được xác minh là đúng, EU cũng sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Trung Quốc đối với các nghĩa vụ của nước này trong Tổ chức Thương mại Thế giới”, ông Valdis Drombovskis, Giám đốc thương mại của EU, cho biết trong một tuyên bố chung với nhà ngoại giao hàng đầu của mình, Josep Borrell.

Tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm thứ Tư, Dombrovskis đã đề xuất một vũ khí thương mại mới đầy uy lực được thiết kế để đối phó với các hành vi cưỡng ép kinh tế, và cho biết tầm nhìn của họ sẽ tập trung vào Bắc Kinh nếu tình trạng cấm vận thương mại chống lại Litva vẫn tiếp diễn.

Vụ trả đũa này bắt nguồn từ nỗ lực của Litva nhằm mở rộng quan hệ với Đài Loan, đảo quốc độc lập mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là một tỉnh bất trị của họ.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố Litva đã vi phạm chính sách một Trung Quốc của EU khi đồng ý đặt “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại thủ đô của mình. Cả chính quyền Vilnius và Brussels đều phủ nhận mọi sai lệch so với chính sách.

Ông Dombrovskis cho biết: “EU đã được thông báo rằng các lô hàng của Litva không được thông quan qua hải quan Trung Quốc và các đơn đăng ký nhập khẩu từ Litva đang bị từ chối.”

“Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với chính phủ Litva và đang thu thập thông tin kịp thời thông qua phái đoàn EU tại Bắc Kinh. Chúng tôi cũng đang liên hệ với các nhà chức trách Trung Quốc để nhanh chóng làm rõ tình hình,” ông nói thêm.

Ông Dombrovskis cũng xác nhận rằng sẽ không có tiến triển nào đối với thỏa thuận đầu tư được đề xuất giữa Trung Quốc và EU, vốn gây tranh cãi giữa các nhà lập pháp EU, trong khi các lệnh trừng phạt vẫn còn bị áp đặt lên các thành viên của Nghị viện châu Âu. Đầu tuần này, EU đã gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc vì những hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Công cụ chống cưỡng chế này – theo chi tiết mà tờ Post đã báo cáo vào thứ Hai, trước khi đề xuất được công bố vào thứ Tư – sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia cố gắng “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên “bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư”.

Mặc dù đây được coi là “phương sách cuối cùng” và “có tính răn đe”, nó có thể gạt các nước bị trừng phạt ra khỏi các lĩnh vực sinh lợi của EU.

Biện pháp này đưa ra một loạt các hành động trừng phạt mà EU có thể áp dụng nếu khối này kết luận rằng hành động cưỡng chế thực sự đang diễn ra, bao gồm thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, và hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.

Theo dự thảo đề xuất, những nước bị phát hiện có liên quan đến việc cưỡng chế có thể bị chặn khỏi nguồn cung ứng hàng hóa do các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu của EU điều chỉnh, bị cắt quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc hóa chất của EU, hoặc phải đối mặt với các rào cản vệ sinh hoặc kiểm dịch thực vật trước khi khai thác thị trường thực phẩm của EU.

Ông Dombrovskis cho biết lệnh cấm vận thương mại của Trung Quốc đối với Litva “rõ ràng có thể là một lý do để đánh giá xem liệu nó có cấu thành sự cưỡng bức kinh tế hay không”.

Một số nhà xuất khẩu của Litva đã phàn nàn về việc nước này bị “xóa sổ” khỏi hệ thống hải quan Trung Quốc. Họ đã không thể chọn Lithuania làm quốc gia xuất xứ trên hệ thống hải quan Trung Quốc, có nghĩa là không thể hoàn thành chứng từ và không thể thực hiện đơn đặt hàng.

Theo ông Vidmantas Janulevicius, chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Litva, vào thứ Ba, năm chuyến tàu chở khoáng chất hữu cơ đã khởi hành từ Litva đến Trung Quốc sau khi nhà xuất khẩu có thể truy cập chính xác vào hệ thống, nhưng vào thứ Tư, sự gián đoạn lại tiếp tục.

Hiện nay, người ta lo ngại rằng các chuyến tàu đã đi qua Belarus, có thể bị từ chối khi đến, dẫn tới thiệt hại hàng triệu euro.

Ông Janulevicius cho biết 10 công ty Litva đã thanh toán trước cho hàng hóa Trung Quốc, từ hàng điện tử đến các sản phẩm thép, cuối cùng đã không thể nhập khẩu chúng, đồng thời cho biết một lệnh cấm vận thương mại đang có hiệu lực.

Hàng hóa hiện đang chờ đợi mòn mỏi tại các cảng Trung Quốc bao gồm Ninh Ba và Thượng Hải, trong khi chi phí đáng kể đang phát sinh ở Litva do các container nhập từ Trung Quốc vẫn không hoạt động.

“Kể từ tuần trước, 80% hàng hóa đã không được vận chuyển, vấn đề này đang trở nên rất nghiêm trọng,” ông nói, giải thích thêm rằng người mua Trung Quốc cho rằng có một “vấn đề kỹ thuật”.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn EU khó có thể làm được gì nhiều để cải thiện tình hình. Nếu họ quyết định khởi động một vụ kiện tại WTO, ngay cả theo lộ trình nhanh chóng, thì việc này có thể mất nhiều tháng.

Việc thiết lập một công cụ chống cưỡng chế có thể còn mất thời gian lâu hơn nữa. Giờ đây, nó phải được thương lượng và thông qua bởi Hội đồng châu Âu, bao gồm 27 quốc gia thành viên của EU và Nghị viện châu Âu.

Đối với Nghị viện châu Âu, vốn là nơi yêu cầu thiết lập công cụ trên, thì việc thông qua là không vấn đề gì.

“EU đang phải đối mặt với thực tế địa chính trị: những tháng và năm gần đây đã cho thấy cái cách mà chính sách thương mại ngày càng được sử dụng như một vũ khí chính trị. Có một lỗ hổng trong bộ công cụ của chúng ta mà những bên khác có thể khai thác,” ông Bernd Lange, thành viên thương mại hàng đầu trong nhóm Xã hội và Dân chủ của Nghị viện, cho biết.

Ông nói thêm, công cụ này “sẽ lấp đầy khoảng trống đó, bắt đầu từ hôm nay”.

Tuy nhiên, các vấn đề có thể nảy sinh giữa các quốc gia thành viên, một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về việc Ủy ban châu Âu có thể triển khai công cụ này mà không cần sự chấp thuận nhất trí của các quốc gia thành viên EU.

Thụy Điển và Cộng hòa Séc đi đầu trong việc biểu lộ sự hoài nghi, thúc giục EU đảm bảo công cụ này phải tuân theo các quy định của WTO.

“EU cần duy trì tính khả tín của mình với tư cách là người ủng hộ hàng đầu cho hệ thống thương mại đa phương và tuân thủ các quy tắc thương mại ổn định”, một lá thư chung của hai chính phủ gửi cho ủy ban, được tờ Post tiết lộ.

Trong khi đó, chính phủ Pháp lại nhiệt liệt ủng hộ công cụ này.

“Chúng ta có thể thấy rất rõ rằng ngày nay, các cường quốc ngày càng ít do dự trong việc lạm dụng sức nặng kinh tế để tìm cách gây ảnh hưởng bất hợp pháp đến các quyết định chính trị của các đối tác – bao gồm cả EU và các thành viên”, đại biểu Bộ trưởng Pháp về lĩnh vực ngoại thương – ông Franck Riester cho biết. 

“Điều này đúng với trường hợp của Trung Quốc và Lithuania.”

 

Đội bóng rổ nữ Mỹ ủng hộ Bành Soái và hành động của WTA

 
 

Đội Atlanta Dream của Hiệp hội Bóng rổ nữ Quốc gia Hoa Kỳ (WNBA), hôm thứ Tư (8/12), tuyên bố rằng họ ủng hộ vận động viên quần vợt nữ Trung Quốc Bành Soái và Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA).

Bành Soái vào ngày 2/11 đã cáo buộc rằng cô bị Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, tấn công tình dục.

Bài đăng tố cáo Trương Cao Lệ trên blog của Bành Soái đã bị xóa khoảng 20 phút sau khi nó được đăng lên, và tên của Bành đã trở thành một từ nhạy cảm, và thậm chí từ “tennis” đã bị chặn tại một số thời điểm trong mạng xã hội Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ phản ứng tích cực trước cáo buộc của Bành Soái với Trương Cao Lệ và dường như không có ý định điều tra vấn đề.

Sau khi cáo buộc Trương, cô Bành bị cho là mất tích. Lo ngại cho sự an toàn của Bành Soái, WTA đã thông báo vào tuần trước rằng họ sẽ đình chỉ tất cả các sự kiện quần vợt được tổ chức ở Trung Quốc, bao gồm cả những sự kiện ở Hồng Kông.

Đội Atlanta Dream đã viết trên Twitter: Atlanta Dream tin rằng việc bảo vệ công dân và nhân quyền là một phần cơ bản trong các giá trị cốt lõi của chúng tôi. công khai phản đối sự tàn bạo này.

Dream Team cũng tuyên bố: Đối với điều này, chúng tôi sát cánh với Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế, Bành Soái và tất cả các vận động viên nữ.

Ngay sau khi vụ Bành Soái được biết đến, ngôi sao bóng rổ người Mỹ Enes Kanter đã tweet: Vì sự cố Bành Soái, chúng ta nên dời Thế vận hội mùa đông ra khỏi Trung Quốc!

Kanter đã đính kèm với Tweet của mình các thẻ “#WhereIsPengShuai” (Peng Shuai đang ở đâu) và “# NoBeijing2022” (Từ chối Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 ) trong tweet của mình. Anh cũng nói: Tất cả các huy chương vàng trên thế giới này không đáng để bạn phản bội lại đạo đức, giá trị và nguyên tắc của mình.

Hôm thứ Hai (6/12), WTA đã công bố lịch thi đấu nửa đầu năm 2022 sau khi thông báo rằng họ sẽ tạm dừng các sự kiện của họ tại Trung Quốc.

ATP, cơ quan chủ quản của quần vợt chuyên nghiệp nam vẫn chưa đưa ra quyết định giống như WTA, chỉ cho biết rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vũ việc. Chủ tịch Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cho biết họ không có kế hoạch tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc.

 

Nữ binh sĩ Triều Tiên đào tẩu: Bị tấn công tình dục, phá thai không gây tê

image.png

Một phụ nữ đào thoát khỏi Triều Tiên đã tiết lộ rằng, không chỉ mình cô bị cấp trên tấn công tình dục mà 70% nữ binh sĩ ở Triều Tiên cũng từng bị như vậy, và thậm chí còn bị ép phá thai không gây tê. Cô chính là một nhân chứng sống.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, nữ binh sĩ Triều Tiên đào tẩu này tên là Jennifer Kim, hiện cô đang sống ở Hoa Kỳ. Gần đây, cô đã chia sẻ câu chuyện về bản thân thông qua kênh “Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên” (The Committee for Human Rights in North Korea). Cô từng là nữ binh sĩ ở Triều Tiên trong 6 năm, không may vào năm 23 tuổi, cô bị một sĩ quan cấp trên tấn công tình dục. Jennifer nói rằng trước khi tấn công tình dục, sĩ quan còn hỏi cô rằng kỳ kinh lần trước là khi nào? Jennifer nói rằng, người đó hỏi để tính toán thời kỳ rụng trứng của cô nhằm tránh mang thai và chuẩn bị cho cuộc xâm hại.

Cô Jennifer cho biết thêm, sau khi giải ngũ, sức khỏe của cô rất yếu do ăn uống thiếu chất, khiến chu kỳ kinh nguyệt của cô khá bất thường. Nhưng đến một ngày, cô phát hiện ra tình trạng sức khỏe của mình không bình thường, rồi cô nói với cấp trên. Vài ngày sau, cấp trên yêu cầu cô đến bệnh viện quân đội báo cáo lúc 10h đêm. Khi Jennifer đến bệnh viện quân y, cô thấy các bác sĩ quân y đã chuẩn bị xong và trực tiếp yêu cầu cô lên bàn mổ để thực hiện phá thai ngay tại chỗ. Tuy nhiên, điều kinh hoàng hơn cả là các bác sĩ quân y ép phá thai mà không gây tê cho cô khiến Jennifer đau đến mức sống không bằng chết.

Jennifer cho biết, việc phá thai không gây tê hồi đó khiến cô không chỉ đau đớn về thể xác, mà đau đớn về tâm lý mãi không thể xóa bỏ, đến nay cô vẫn gặp ác mộng. Hơn nữa, điều đó còn hại cô bây giờ rất khó mang thai, ngay cả tình yêu và hôn nhân bình thường cũng nằm ngoài tầm với. Jennifer tin rằng, cô không phải là người duy nhất gặp phải trải nghiệm kinh hoàng như vậy ở Triều Tiên. Cô cho rằng có khoảng 70% nữ binh sĩ phải làm nô lệ tình dục cho các sĩ quan cấp trên.

BBC đưa tin, nhà chức trách Triều Tiên tuyên bố vào năm 2015 rằng, tất cả các cô gái từ 18 tuổi trở lên phải nhập ngũ 7 năm. Đây hiện là quốc gia có quãng thời gian đi nghĩa vụ quân sự dài nhất thế giới.

Tháng 8 vừa qua, kênh YouTube "Arirang Day" đã độc quyền phát hành thước phim thực tế về cuộc sống của nữ binh sĩ Triều Tiên. Hai người dẫn chương trình, cũng là những người Triều Tiên đã trốn thoát được, cho biết nam giới và cấp trên có địa vị rất cao trong xã hội Triều Tiên, đặc biệt là địa vị của các sĩ quan nam. Có thể nói họ giống như hoàng đế, có thể gọi binh lính nữ tới bất cứ lúc nào, còn có thể ra lệnh cho nữ binh sĩ hầu hạ họ, thậm chí bao gồm cả vấn đề tình dục, và biến các nữ binh thành đồ chơi của các sĩ quan nam. 

Trước đó, BBC hay Daily NK cũng từng đưa tin về các nữ binh sĩ Triều Tiên đào tẩu là nạn nhân của bạo lực tình dục.