Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam

Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam
12/14/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

https://youtu.be/obDJdTRGuks

 


aaa

George J. Veith 

Trần Quang Nghĩa dịch

 GIỚI THIỆU 

Sáng sớm ngày 2 tháng 11 năm 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu hốt hoảng nhảy xuống xe jeep và vội vã chạy đến một xe thiết giáp đang đỗ bên ngoài bộ chỉ huy quân sự Miền Nam tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Trong suốt 18 tiếng đồng hồ vừa qua, ông đã chỉ huy lực lượng quân sự ở Saigon lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong xe thiết giáp là hai thi thể xé toạc của Diệm và bào đệ của tổng thống, Ngô Đình Nhu. Thiệu chỉ tham gia đảo chính sau khi được bảo đảm là Diệm và gia đình ông ta sẽ không bị sát hại. Giờ ông cần phải xác nhận cái tin choáng váng này, để chắc chắn là những lời hứa hẹn với mình và các bạn đồng mưu đã thực sự bị bội ước. Đại tá Thiệu ra lệnh cho người lái mở cánh cửa sau. Những năm sau đó, ông nhớ lại chứng kiến thi thể của hai anh em nằm trong vũng máu làm ông buồn nôn. Ông chào họ, rồi dỡ mũ sắt và cúi đầu thật thấp về hướng họ. Giây phút khủng khiếp này, dù chỉ là một giọt nước trong dòng sông bát ngát của lịch sử Việt Nam hiện đại, đánh dấu sự chuyển giao biểu tượng từ Đệ Nhất Cộng Hòa của Diệm sang Đệ Nhị Cộng Hòa và Tổng thống Thiệu bốn năm sau đó. Trong thời khắc đau khổ đó, lịch sử chính trị của Miền Nam mãi mãi thay đổi.

Thiên sử đấu tranh của người Việt phi-Cộng sản nhằm xây dựng một quốc gia có chủ quyền có tên gọi Việt Nam Cộng Hòa, được biết nhiều hơn dưới tên Nam Việt Nam, có thể được xem như một vở kịch bốn màn: Nhà nước Việt Nam của Bảo Đại, Đệ Nhất Cộng Hòa của Diệm, thời gián đoạn bốn năm kế tiếp, và, cuối cùng, Đệ Nhị Cộng Hòa của Thiệu. Sử gia Brett Reilly đã duyệt lại những nỗ lực thường bị bóp nghẹt của cựu hoàng Bảo Đại nhằm tạo ra một nhà nước phi-Cộng sản. Những sử gia khác như Mark Moyar, Edward Miller, Geoffrey Shaw, và Jessica Chapman đã khảo sát việc trị nước của Diệm một cách chi tiết. Những gì còn lại gần như không được xem xét là bốn năm gián đoạn theo sau việc ám sát Diệm, cuộc bầu cử tiếp theo của Nguyễn Văn Thiệu, và cuộc đời ngắn ngủi của Đệ Nhị Cộng Hòa.

Mục đích của tôi là đánh giá và bổ sung một tái thẩm định sâu xa hai thời kỳ cuối cùng cho các khảo cứu đã tồn tại. Quyển sách này xem xét những nỗ lực bị hành hạ rồi thất bại  của người Nam Việt Nam nhằm đạt tới một nhà nước độc lập. Nó tập trung vào cuộc đấu tranh giữ gìn vùng nông thôn, những lươn lẹo và mưu mô của các tiến trình chính trị, những toan tính hàn gắn sự đoàn kết dân tộc, và quá trình tiến hóa của các mối quan hệ phức tạp về xã hội, sắc tộc, và tôn giáo của Nam Việt Nam. Kinh tế cũng được xem xét cẩn thận vì nó có ảnh hưởng lớn hơn người ta thường biết. Các học giả cũng thường lướt qua việc Thiệu nhấn mạnh giải pháp hòa bình và thắng trong kỳ tuyển cử để chống lại người Cộng sản.

Vì nhu cầu, tôi tập trung về các vấn đề ở Saigon hơn là ở các tỉnh. Các lĩnh vực quân sự và các quyết định chính trị được quyết ở Hà Nội và Washington chỉ được đề cập khi cần nhấn mạnh những điểm nổi bật hoặc mình họa bằng cách nào những đánh giá của họ tác động đến tiến triển của nền cộng hoà. Nhiều nước đi của Hà Nội và Washington là phản ứng lại với các sự kiện xảy ra ở Saigon, một quan hệ nhân quả đã thường bị quên đi một cách đáng ngạc nhiên. Nam Việt Nam luôn là trung tâm của cuộc chiến, và quyển sách này sẽ giải thích tại sao.

Mặc dù mục đích của tôi là khảo sát  trải nghiệm của Nam Việt Nam, tôi không đào sâu vào những câu hỏi như chủ nghĩa chống thực dân, sinh thái học, hoặc chỗ đứng của xứ sở này trong cuộc xung đột địa chính trị Chiến tranh Lạnh. Những sử gia khác đã viết hoặc đang trong tiến trình xem xét các chủ đề quan trọng này. Tôi cũng gác qua một bên câu hỏi liệu chính quyền Hoa Kỳ có đáng phải tham gia vào cuộc chiến nơi miền đất xa xôi đó. Cuối cùng, vì không có những nhãn hiệu được công nhận chung cho hai bên đối địch, và vì người Nam Việt Nam tự xưng mình là người Quốc gia, tôi sẽ sử dụng từ đó cho những ai chống cộng, còn sẽ dùng người Cộng sản cho ai đi theo Hồ Chí Minh.

Trong khi sự đối đầu giữa hai kình địch này có tính đa tầng, chủ yếu nó là cuộc xô xát giữa hai quan điểm chống đối nhau khốc liệt về cách thức hiện đại hóa và kiến tạo đất nước Việt Nam. Cũng có một cuộc tranh luận giằng co về cùng chủ đề này trong phe Quốc gia, sẽ cho thấy đó là yếu tố chính trong câu chuyện này. Người Quốc gia cãi cọ nhau gồm hai phe, phe này muốn cai trị thông qua một mô hình chính quyền  trung ương tập quyền, con phe kia chủ trương nhắm đến một hình thức dân chủ kiểu Việt Nam cho địa phương nhiều quyền hành hơn. Vấn đề của người Quốc gia là làm sao để loại bỏ những đường lối cũ và những định chế đã thất bại và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới và những thiết chế hiện đại để phát triển một nhân dạng cộng hòa bao hàm cho một đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo. Cuộc chiến giữa người Cộng sản và Quốc gia, và giữa người Quốc gia với nhau, là làm sao để đạt được tầm nhìn chính trị đó.

Trong cuộc chiến, và trong nhiều năm sau đó, Nam Việt Nam được phán xử như một chính quyền tham nhũng. Thể văn thì đơn giản: Hà Nội là con chiên được xức dầu thánh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam còn Saigon tất định là phải sụp đổ.

 Với sự thất thủ bi thảm của đất nước vào tháng 4 1975, những phán xử này dường như được chứng minh và do đó không cần phải xét lại. Người Nam Việt Nam, tuy nhiên, có câu chuyện riêng của mình, một câu chuyện đã bị người nước ngoài đa phần phớt lờ. Như một người người bạn Việt đã bảo tôi, “Chúng tôi có nhiều ước mơ: ước mơ được tự do, ước mơ được độc lập, và ước mơ đưa nhân dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Người Cộng sản chỉ có một ước mơ: thắng cuộc chiến bằng mọi giá.”

Lập luận chủ yếu được trình bày ở đây là Nam Việt Nam không phải là sản phẩm giả tạo của người Mỹ, và Đệ Nhị Cộng Hòa cũng không phải là chế độ độc tài như Đệ Nhất Cộng Hòa của Diệm. Như chúng ta sẽ thấy, Thiệu và chính quyền của mình đã có những nỗ lực có ý nghĩa để xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại làm vơi đi cái nghèo đói luôn đeo đẳng dân tộc mình, một quá trình mà họ chưa hề nhận được  công trạng. Để hoàn thành nhiệm vụ to tát này, họ phải vượt qua di sản còm cõi mà chế độ thuộc địa Pháp để lại song hành với những vấn đề điển hình gắn liền với công cuộc kiến thiết quốc gia: thiếu sự đoàn kết dân tộc, sự hiềm khích giữa phe quân sự và dân sự, các định chế chính trị lỗi thời, và nhiều nhiều nữa. Tệ hơn, họ phải vượt qua những khiếm khuyết này với một kẻ thù dai dẳng kề dao sát cổ. Vì tính hợp pháp bị tranh cãi là quy luật, chứ không là ngoại lệ, trong những nhà nước mới ra đời, người Quốc gia đối diện với một câu hỏi sống còn: làm sao một nền dân chủ non trẻ và một xã hội mở có thể đánh bại một kẻ thù chuyên chế, một kẻ thù giỏi xâm nhập, giỏi vận dụng tâm lý và chính trị, và giỏi xâm nhập tình báo? Cũng quan trọng không kém, làm sao Nam Việt Nam có thể tự mình sống sót được với mối đe đọa Cộng sản? Câu trả lời đòi hỏi một sự thấu hiểu sâu xa hơn về thử nghiệm của người Quốc gia nhằm tạo ra một nhà nước như mong muốn. Như sử gia quân sự nổi tiếng Michael Howard lập luận, “tách việc tiến hành chiến tranh ra khỏi môi trường trong đó nó xảy ra – về mặt xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế – là bỏ qua, những chiều kích tối thiết để thấu hiểu nó.” Quyển sách này bàn về những chiều kích đó. Việc người Nam Việt Nam bị đánh bại không có nghĩa họ không đạt được tính hợp pháp chính trị. Luận điểm của tôi là họ đã đạt được, nhưng Nam Việt Nam chịu đựng những cơn đau quặn thắt tương tự như nhiều xứ sở mới ra đời, đặc biệt những xứ sở trải qua nhiều năm dài trong một cuộc chiến chết chóc. Suy cho cùng, Nam Việt Nam không thể vừa xây dựng vừa chiến đấu cùng một lúc.

Cần nhớ rằng dân chủ luôn luôn là một tiến trình, nhất là đối với một đất nước mới cố sức tìm một chỗ đứng trong một cuộc chiến khó khăn. Hoa Kỳ cũng từng có những khiếm khuyết về luật pháp giữa các giá trị đặt ra và thực tế thi hành trong thời kỳ khủng hoảng.

Đạo luật Ngoại Kiều Và Chống Nổi Loạn năm 1798, thời Tổng Thống John Adams, cho phép trục xuất, phạt tiền hoặc bỏ tù bất kỳ ai bị coi là mối đe dọa hoặc những ai xuất bản “những bài viết sai sự thật, gây tai tiếng hoặc có ác ý” nhằm chống lại Hoa Kỳ. Trong cuộc Nội Chiến, Tổng Thống Abraham Lincoln đã đình chỉ một số điều trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền, bao gồm quyền tự do ngôn luận và luật phải có trát tòa khi bắt giữ. Ngoài ra, sau vụ khủng bố 11 Tháng 9, các nước đã có nền dân chủ hoàn chỉnh vẫn thông qua một số luật lệ khiến nhiều người theo chủ nghĩa tự do dân sự phải nhíu mày.

Vì ngay cả những quốc gia trưởng thành cũng phải hiệu chỉnh lại trong những thời kỳ khó khăn, nên Nam Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi người Pháp từ chối đưa các thể chế dân chủ vào những thuộc địa Đông Dương, các khái niệm như “tự do ngôn luận” và “đối lập trung thành” chỉ có một chỗ đứng nhỏ ở Miền Nam, một nơi có những trải nghiệm lịch sử rất khác với chúng ta.

Giống như các quốc gia non trẻ khác ra đời  từ chế độ thực dân, trước tiên, Việt Nam Cộng Hòa phải soạn thảo hiến pháp để thể hiện ý định chính trị của mình. Hiến pháp xác định bộ máy nhà nước – cơ quan lập pháp, tòa án và hệ thống an ninh quốc gia – và bộ máy ấy được tạo ra giữa bối cảnh các lợi ích xã hội và tôn giáo đang cạnh tranh gay gắt.

Điều này đưa chúng ta đến với người đàn ông bí ẩn sẽ có mặt trong những trang sách này – cựu Tổng Thống Miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu.

Vì sự nghiệp của ông trải dài cùng với tuổi thọ của đất nước nên qua đó ta có được phương tiện rất tốt để xem xét sự thăng trầm của Miền Nam Việt Nam.

 Cuốn sách này không là tiểu sử Nguyễn Văn Thiệu mà chỉ xác định rằng Thiệu đã đóng vai trò trung tâm trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Mặc dù ông có lẽ là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong thế kỷ hai mươi nhưng lại ít được phân tích nhất.

Trong hầu hết các ấn phẩm của Hoa Kỳ, Thiệu xuất hiện như một tay chơi cò con trong toàn bộ canh bạc lớn của Mỹ, hoặc phổ biến hơn là một nhà độc tài quân phiệt có các chính sách đàn áp người dân nên đã trực tiếp dẫn đến đất nước sụp đổ. Hơn nữa, những phân tích hạn hẹp về Thiệu thường bị giới hạn trong các sự kiện như các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp Định Hòa Bình Paris. 

Đối với người đàn ông đã ở ngay trong tâm bão Việt Nam từ khi bắt đầu thực hiện vai trò chiến đấu của Hoa Kỳ cho đến chung cuộc của Miền Nam, việc bỏ qua quá trình làm tổng thống của ông Thiệu đã để lại một lỗ hổng trong lịch sử chiến tranh.

Như chúng ta sẽ thấy, Thiệu là người chơi trọng yếu trong việc chuyển Miền Nam từ một chế độ quân sự sang một nền cộng hòa lập pháp. Nhưng làm sao ông đối phó lại với các phe nhóm nội bộ, và làm sao ông giải quyết những thách thức của họ? Ông khác với Tổng thống Diệm ra sao? Phong cách trị nước của ông là gì, làm sao ông quản lý được những đối sách, và lịch trình nghị sự quốc nội của ông là gì? Có thể nào ông tạo ra và rồi quản lý một chiến lược quân sự và kinh tế để đánh bại một đối thủ không khoan nhượng? Đa phần, những câu hỏi này cho đến giờ vẫn chưa được trả lời.

Tại sao các sử gia đã không xăm soi các chính sách của Thiệu hoặc đánh giá những phản ứng của ông đối với các sự kiện nội ngoại? Câu trả lời nằm trong những phán xét đưa ra trong thời chiến. Trong hơn một thập niên, Việt Nam thường là trung tâm của cuộc xung đột Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Các nhà phê bình Tây phương thường tô vẽ Thiệu bằng cùng một bảng màu ý thức hệ phản ánh quan điểm chính trị của mình, và cách ăn nói nóng nảy của họ về ông phản ánh tính độc đoán của kỷ nguyên. Bọn ‘học giả’ phản chiến luôn phân vai ông là một nhà độc tài thối nát, áp bức. Người Cộng sản đồng thời lăng mạ ông là tên phản bội và cánh tay dài cho Đế quốc Mỹ. Ngoài quốc tế, tiếng tăm ông cũng không khá hơn gì.

Tuy nhiên, công luận Miền Nam giữ những quan điểm có nhiều sắc thái hơn. Như những tổng thống khác, điểm đánh giá tán thành ông cũng trồi sụt theo những đề mục thường lệ: an ninh, phồn thịnh kinh tế, hoặc xì căng đan chính trị mới nhất. Những lời kết án như thế thường đông kết dọc theo những đường đứt gãy truyền thống của Miền Nam: người đô thị đấu với nông dân, giáo phái, hoặc thiên kiến tôn giáo. Ông ta có một số người hậu thuẫn, một phân khúc người trung lập, và một bộ phận nhìn ông với vẻ khinh thị. Phần trăm của mỗi nhóm dao động theo thời gian, tùy thuộc tình hình chiến sự hoặc giá lương thực.

Thậm chí với việc Saigon sụp đổ, cũng cần phải xét lại vai trò lịch sử của Tổng thống Thiệu. Ông ta không phải là nhà độc tài đê tiện và thối nát mà phe tả khuynh phản chiến mô tả, cũng không phải là “bù nhìn” của Hoa Kỳ. Trong khi ông có những nét đặc trưng chính trị và quân sự điển hình còn thấy trong một số nhà lãnh đạo chống cộng lão thành ở các nước Á châu khác như Đài Loan và Nam Hàn, vốn xem sự lãnh đạo mạnh mẽ là đối trọng tốt nhất đối với chủ nghĩa Cộng sản, Thiệu cũng quyết tâm tạo ra một xã hội dân chủ, dựa trên quyền sở hữu. Hai thái độ tương phản này luôn lôi kéo ông gay gắt, không bao giờ chịu thỏa hiệp. Đặc biệt, những giá trị dân chủ của ông dường như bị moi móc khi ông là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971.

Về cơ bản, Thiệu nhắm đến hai mục tiêu bao quát. Thứ nhất, ông quyết tâm tuyệt đối đánh bại các đối thủ của mình. Quan điểm ông cho rằng bất kỳ thương lượng nào với người Cộng sản đều là con đường trượt dài đến thảm bại là dựa vào kinh nghiệm trực tiếp, chứ không phải là bất kỳ ý thức hệ cứng nhắc và không thực tế nào. Thứ hai, ông muốn xây dựng đất nước mình thành một nhà nước hiện đại, đưa đồng bào mình thoát khỏi cảnh nghèo khổ cùng cực, và cuối cùng dẫn dắt họ vào một điều gì đó giống như nền dân chủ. Tạo một nhà nước hoạt động được có thể nâng cao mức sống vật chất trong khi gắn kết tinh hoa dân chủ vào chất DNA của quốc gia – không chỉ là hình thức – là những mục tiêu cấp bách của ông. Để đạt được điều đó, chính sách của ông vừa tiến bộ vừa cách mạng. Ông duy trì các chính sách của Chính quyền Việt Nam có từ lâu trong một số vùng như những thỏa thuận hòa bình. Ngược lại, ông ra khỏi căn cơ các chính sách của những người tiền nhiệm, đặc biệt trong việc cải cách ruộng đất và tái thiết nền kinh tế. Hơn nữa, ông ra sức làm lại Miền Nam theo mô hình Mỹ bằng cách củng cố quyền tự trị địa phương và làm mới nền hành chính lề mề. Cũng quan trọng không kém, ông làm việc chăm chỉ để cải thiện an ninh nông thôn bằng cách vũ trang cho dân chúng nhằm bảo vệ xóm làng, một sự liều lĩnh căn cơ trong một đất nước mà lòng trung thành của nông dân đối với chính phủ có nhiều nghi vấn. Tóm lại, Thiệu muốn tạo ra sự thịnh vượng cho người nông dân bằng cách cung cấp nhân dân Miền Nam một môi trường tư bản ban cho họ vốn liếng để tự phát triển qua chế độ tự quản.

Điều này không ám chỉ Thiệu là nhà cải cách tự do. Một số cách xử lý cai trị của ông lấy từ các chế độ Á châu tự trị chống cộng khác. Ông có nhiều điểm chung với Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Park Chung-hee ở Nam Hàn. Cũng như họ, ông theo đuổi các mục tiêu đối nội trong khi kềm chế sự chống đối chính trị, cho rằng nó sẽ bị Cộng sản giật dây. Mặc dù ông điều tiết những tiếng nói phi-cộng sản khác, và tuy ông công nhận rằng sự đốp chát qua lại quyết liệt trong một xã hội dân chủ là điều thiết yếu để nó tồn tại, ông lại cho rằng sự bất đồng thái quá là một căn bệnh ung thư sẽ làm yếu đi bộ phận chống cộng trong cuộc đấu tranh chống lại một địch thủ không kém ngoan cường. Đối với ông, sự đoàn kết quốc gia là sức mạnh dân tộc, một nhân tố cốt lõi có thể thuyết phục Hà Nội là họ không thể đánh thắng. Một khi Hà Nội nhận ra điều đó, thế thì các thương thảo hòa bình thực sự mới có thể bắt đầu. Bằng không,  sự bất đồng chính kiến công khai thể hiện sự yếu đuối, chỉ cổ vũ cho Hà Nội đẩy mạnh chiến tranh.

Như các nhà chính trị khác, bản thân Thiệu có những điểm yếu và cung cách điều hành kỳ cục ảnh hưởng đến chính sách của mình. Tuy quá nhiều động thái của Thiệu làm giới phê bình phương Tây khiếp đảm thi chúng lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác trong cảnh ngộ Việt Nam. Đối với Thiệu, phản ứng của đám cử tọa trong nước quan trọng hơn phản ứng của bọn gièm pha quốc tế. Thêm nữa, ông tiếp cận những trách nhiệm của mình với sự tỉnh táo sắt đá, khiến những ai nhắm đến những đàm phán chính trị với kẻ thù phải tức giận. Tuy ông có những khiếm khuyết trong tư cách nhà lãnh đạo, nhiều viên chức Mỹ cho rằng không có một chính khách Miền Nam nào khác sở hữu một sự kết hợp giữa tính chín chắn, gan lì, và trí thức như ông. Theo ý họ, ông là nhà lãnh đạo tốt nhất ở Miền Nam.

Bất kỳ ai đã vươn đến đỉnh cao chính trị trong xã hội mình đều là hỗn hợp đầy mê hoặc của tham vọng, thông minh, và động lực luôn thúc bách. Đảm trách việc phân tích các chính sách của một nhà lãnh đạo cùng với việc xem xét pháp y cá tính của họ đòi hỏi phải được truy cập vào những tài liệu của chính quyền và những chi tiết mà những bạn tâm giao muốn thổ lộ về các tính toán riêng tư và các động lực của người lãnh đạo họ. Trong trường hợp Thiệu, hồ sơ chính thức của các cố vấn quân sự Mỹ từ những năm đầu khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào VN đã bị tiêu hủy, để lại một khoảng trống cho những tác động qua lại buổi đầu giữa ông với người Mỹ. Các báo cáo của người Pháp về ông cũng cực kỳ hạn chế. Các văn kiện Chính quyền Miền Nam giờ nằm trong tay người Cộng sản, và việc truy cập, mặc dù rộng cửa hơn trong quá khứ, vẫn còn nhiều hạn chế số với các văn kiện do Mỹ lưu trữ. Các học giả đã tra cứu tài liệu lưu trữ tìm thấy ít báo cáo về các đánh giá chính sách và chương trình khác nhau của Thiệu. Mặc dù có những trở ngại này, ta còn có thể phân tích nghị trình của ông khi làm tổng thống. Các đại sứ Mỹ báo cáo tỉ mỉ về những lời bình luận của ông. Tuy nhiên, những viên chức sứ quán Mỹ  khác thường thấy ông khó dò nên thường đưa ra ý kiến của mình dựa trên những thông tin thu thập được từ các đại diện chính trị hoặc quan chức Miền Nam. Phần đông các báo cáo Hoa Kỳ này, tuy thường sâu sắc, cũng phải được sử dụng cẩn thận. Thiệu là một người vô cùng khép kín, hiếm khi bày tỏ ý kiến của mình. Với nhóm ra quyết định nội bộ của mình, ông giới hạn số người cực kỳ nhỏ, và những người Việt Nam không thuộc tầng lớp cao chỉ có thể đưa ra những  ức đoán về các lý do trong các quyết định của ông. Hoặc tệ hơn, họ gán những động lực có tính âm mưu cho các hành động của ông mà không có kiến thức nào về cách thức một chính sách được thiết kế.

Do đó, một kết hợp giữa các bài diễn văn của Thiệu, các văn kiện Chính quyền Miền Nam, hồ sơ Hoa Kỳ, và các cuộc phỏng vấn với một số bạn tâm giao  của ông sẽ khiến cho ta hiểu được động lực đằng sau các chính sách đối ngoại và đối nội của ông. Những hồi ký Miền Nam cũng giúp ta hiểu rõ, nhưng cũng giống như trường hợp chỉ dựa thuần túy vào các hồ sơ Hoa Kỳ, nó chẳng khác nào khiêu vũ trên một bãi mìn. Dù là một nguồn tư liệu tuyệt vời, cũng cần phải thận trọng. Không những ký ức rất mong manh, mà nhiều tác giả còn có thiên kiến dễ hiểu và không ngần ngại phơi bày nó.

May thay, tôi được phỏng vấn nhiều bộ trưởng lão thành trong nội các Miền Nam và những viên chức khác có trách nhiệm thiết kế và cài đặt những chính sách của chính phủ. Những bàn luận này phát lộ những thông tin lịch sử mới bất ngờ, kể cả cú đảo chính Diệm gần như bị chặn lại ra sao, những chi tiết chưa hề được biết trước đây về cú phản đảo chính tháng giêng 1964, Hiệp ước Faustian bật đèn xanh cho Thiệu chứ không phải Kỳ làm tổng thống, bối cảnh thực sự về Vụ Chennault trong kỳ tuyển cử 1968, và những chi tiết bùng nổ có thể là bí ẩn lớn và cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam xảy ra vào những ngày cuối cùng.

Trong khi tôi tin tưởng có sự khác biệt lớn lao giữa tầm nhìn của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng thống Thiệu về việc hiện đại hóa nền công hòa, cũng quan trọng khi nhớ rằng Thiệu hoạt động trong một môi trường chính trị và kỷ nguyên hoàn toàn khác với Diệm. Bốn năm sau vụ đảo chính, Miền Nam trải qua những biến động lớn lao về quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế đánh dấu bởi cuộc leo thang của cuộc chiến và mức can thiệp của Mỹ. Dù những hỗn loạn này, nhờ phần lớn vào tài chăn dắt của Kỳ và Thiệu, Miền Nam đã ban hành được một hiến pháp và thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Rồi những biến cố lớn như cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng sản, việc thi hành cải cách ruộng đất, và vũ trang địa phương quân để tăng cường an ninh đã xoay chuyển một số nông dân trước đây trung lập hoặc có cảm tình với địch về phía mình. Cuộc tiến công 1972 của Hà Nội, tuy nhiên, đã phá hỏng nhiều thành quả kinh tế và sự phát triển của chính quyền địa phương mà Thiệu đã đạt được. Hiệp định Hòa Bình Paris và sự rút quân của Mỹ sau đó đã để lại phía sau một Miền Nam đầy thương tích, trở thành miếng mồi ngon cho cuộc tấn công cuối cùng của Bắc Việt Nam vào năm 1975.

May thay, kiến thức uyên bác hiện thời về cuộc xung đột, nhiều như nền văn hóa luôn thay đổi của chúng ta, đã tiến hóa để ôm lấy những viễn cảnh mới về Miền Nam. Một cách thật hy vọng, vực thẳm ý thức hệ vốn  chia cắt chúng ta trước đây giờ sẽ không còn trói chặt các độc giả nữa. Chuyện thường tình là những tình huống phí thường buộc những con người bất toàn đưa ra những quyết định trọng đại dựa vào thông tin sai lầm. Thiệu không khác được. Khi đọc bản thảo này, bạn hãy xem ông ấy, giống hầu hết những người đứng đầu chính quyền có trách nhiệm, như một nhà chính trị cố gắng làm hết sức mình cho xứ sở hơn là một kẻ độc tài chỉ biết tham quyền cố vị. Với quan niệm đó trong trí, trích Hợp Xướng của Shakespeare trong Henry V, giờ đây chính ”những suy nghĩ của bạn sẽ tô điểm cho các vì vua của chúng ta” và điều gì nên phán xét  Nguyễn Văn Thiệu và Miền Nam Việt Nam.

https://www.kbchntv.com/47609/guom-da-tuot-ra-noi-mien-dat-xa-xoi-nhung-uoc-mo-tan-vo-cua-mien-nam-phan-2/index.html (Phần 2)

https://youtu.be/T2vkoyCKkD4