CHƯƠNG 2: “NẾU QUÂN ĐỘI SUY YẾU, CHẾ ĐỘ SẼ TRỞ NÊN SUY YẾU”
George J. Veith
Trần Quang Nghĩa dịch
Cuộc chiến đấu giành thế thượng phong
Không lâu trước khi ký Hiệp định Geneva, vào ngày 7/7/1954, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng mới của ông. Sinh ngày 3/1/1901, Diệm về nhiều phương diện là một nhân vật của Shakespeare: một người mà những khiếm khuyết của ông – dễ tin anh em có đầu óc bè phái là một – cuối cùng che tối các phẩm chất đáng ca tụng của ông và phải trả bằng mạng sống của mình. Trong thời gian đầu khi lên nắm quyền, Diệm thể hiện tài lãnh đạo ấn tượng. Một người Công giáo (tức Thiên chúa giáo) nhiệt thành và chống cộng, ông không tham ô, cần cù, và hết lòng vì miền Nam. Trong thời kỳ phát triển của Đệ Nhất Cộng Hòa, chỉ bằng ý chí, lòng can đảm, và phong cách sống kham khổ đã khiến ông được dân chúng quý trọng, Diệm khâu vá một đám lộn xộn xào xáo thành một đất nước vững vàng.
Tầm nhìn chính trị và kinh tế của ông cho miền Nam, tuy nhiên, là một phối hợp cổ kính những mô hình phát triển mới lắp ghép vào các truyền thống văn hóa cũ Việt Nam. Việc Diệm đã sống ở phương Tây cung cấp một lớp vec-ni bóng bảy cho lý tưởng dân chủ, nhưng “xuất thân và hành xử của ông mang nặng bản chất Nho học.” Học giả về Diệm, Edward Miller, viết rằng “Lối suy nghĩ của Diệm về chính trị và xã hội được xác định trên hết bằng quyết tâm của ông nhằm hình thành một tầm nhìn mới làm sao cho Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hiện đại. Tầm nhìn này là nỗ lực đầy tham vọng nhằm tổng hợp một số những tư tưởng đương đại với những lời dạy của Công giáo, Khổng giáo, và nhân dạng dân tộc Việt.”
Ngược lại, lời kêu gọi tập kết chủ yếu của người Cộng sản là thống nhất và cải cách ruộng đất. Họ hô hào tinh thần bài ngoại để đánh đuổi mọi người nước ngoài, tô vẽ các viên chức miền Nam là “bù nhìn” của người Mỹ, và cường điệu hóa những lời ta thán chống lại biện pháp và đối sách của Saigon. Để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng chống lại Cộng sản, Diệm nhắm đến việc hoạch định một triết lý chính trị đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ông chưa bao giờ hậu thuẫn hoàn toàn những khái niệm của dân chủ, quyền tự do cá nhân, và chủ nghĩa tư bản, do đó làm yếu đi những tư tưởng nền tảng mà người Mỹ tin là cốt lõi để đánh bại chủ nghĩa Mác. Diệm cho rằng những tư tưởng ấy không thích hợp với hiện tình Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển này, nhất là khi đang đối mặt với một kẻ thù không khoan nhượng. Thay vào đó, Diệm chủ trương học thuyết Nhân vị , nhưng ít người Việt Nam hiểu được. Những kẻ phê phán ông buộc tội ông đơn giản là áp đặt một chế độ độc tài gia đình trị, một chế độ đưa miền Nam đến thảm bại. Cuối cùng, cuộc đấu tranh để xác định triết lý chính trị của miền Nam kết thúc bằng cảnh đổ máu.
ĐÁ NGƯỜI PHÁP RA
Một khi ông được bổ nhiệm làm thủ tướng, ngay lập tức Diệm nhắm đến việc loại bỏ sự can thiệp của người Pháp vào chính tình miền Nam. Trước tiên, ông cần kiểm soát quân đội, vẫn còn nằm trong tay người Pháp, một nỗ lực mà ngay lập tức trở thành có vấn đề. Năm 1954, Trung tướng Nguyễn Văn Hinh cầm đầu QĐQGVN. Hinh là người Việt quốc tịch Pháp và là sĩ quan Pháp. Vào tháng 8/3/1952, Hinh được phong làm tham mưu trưởng đầu tiên của QĐQGVN, và vào tháng 6 1953, ông được đề bạt làm trung tướng. Kế từ lúc thành lập vào năm 1948, QĐQGVN đã phát triển đáng kể. Vào tháng 6 1954 ở đỉnh điểm đã có quân số đến 219,000, gồm 175 tiểu đoàn bộ binh và 9 Nhóm Cơ động (cơ bản là một trung đoàn). Cho dù trang bị và tính thần yếu kém, quân đội vẫn là quyền lực tác động chủ yếu cho một miền Nam đang ra đời.
Là một sĩ quan Pháp, Hinh chống đối việc Diệm muốn kiểm soát quân đội. Nhiều người Việt xem hành động thách thức của ông ta như là một cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của người Pháp muốn duy trì quyền kiểm soát phần phía nam của đất nước, một nhãn hiệu sẽ ám ảnh dân chúng và các sự kiện nhiều năm liền. Vậy mà Hình không đơn giản là một công cụ của người Pháp; ông lập luận rằng miền Nam không thể sống còn nếu không có một nhà lãnh đạo mạnh. Ông coi Diệm như một người đứng bên ngoài quân đội không sở hữu các kỹ năng cần thiết để lãnh đạo đất nước. Chỉ có quân nhân, Hinh tin tưởng, mới có thể dẫn dắt miền Nam một cách thích đáng trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Theo Tôn Thất Đính, “Theo ý Hinh, chính phủ hiện thời do Thủ tướng Diệm cầm đầu không thể đáp ứng với đòi hỏi của tình thế.. . vì lý lẽ đó, ông ta cho rằng đã đến lúc quân đội phải nắm chính quyền.” Nhiều sĩ quan QĐQGVN chia sẻ quan điểm của Hinh cho rằng chỉ có quân đội mới có thể lèo lái chính quyền và đánh thắng cuộc chiến chống Cộng sản. Đồng thời, Nguyễn Văn Châu, một sĩ quan QĐQGVN tại Huế và là người hậu thuẫn nhiệt thành Diệm Nhu, đang tổ chức những chi bộ đầu tiên của Đảng Cần Lao bí mật, một tổ chức chính trị ngầm nằm bên trong quân đội chỉ trung thành với Diệm. Theo Châu, “Trong hai năm cuối của chiến tranh Pháp-Việt, nhiều tổ của Đảng Cần Lao được thành lập trong những đơn vị của Quân đội Việt Nam vừa mới thành lập và trong bộ máy chính quyền ở miền Trung, nhất là ở Huế và Nha Trang. Năm 1954, Ngô Đình Nhu thành lập Đảng Cần Lao ở Huế để thống nhất mọi đồng chí cũ và mới và những người ủng hộ Diệm.”
Một phần khác trong lập luận của Hình cho việc hạ bệ Diệm là các chi bộ Cần Lao này đặt ra một thách thức trực tiếp với quyền hành và mệnh lệnh của ông. Hinh nói đúng, và khi ông ta thách thức Diệm, nhiều chỉ huy ở miền Trung, được Cần Lao mua chuộc, quay ra ủng hộ Diệm. CIA báo cáo rằng chỉ 20 phần trăm sĩ quan QĐQGVN hậu thuẫn Hinh, 20 phần trăm chống Hinh, và còn lại là trung lập. Vì Hinh từ chối không chịu nghe lệnh Diệm, vào ngày 11/9/1954, Diệm bãi nhiệm ông và ra lệnh ông nghĩ phép 6 tháng ở Pháp. Hinh từ chối và thành lập chính đảng riêng bên trong quân đội có tên Đảng Đại bàng . Tin rằng mình được Pháp ủng hộ cùng với sự hậu thuẫn của giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, ông hăm he đảo chính Diệm. Khi người Mỹ ủng hộ Diệm, và người Pháp từ chối hỗ trợ ông, Hinh đầu hàng và rời Việt Nam vào tháng 11 đi Pháp. Diệm đã vượt qua được khủng hoảng đầu tiên với phe quân sự. Ông cũng cho rằng Hinh là một tên Pháp cưỡi ngựa kiểng để duy trì quyền lực, và ông thà liều bị lật đổ chính quyền còn hơn chấp nhận kết quả đó.
Trong suốt cuộc khủng hoảng do Hinh, Nguyễn Văn Thiệu đã ở lại Huế trong bộ tham mưu Quân đoàn 2. Trần Ngọc Châu, một sĩ quan cũng được phái đến Quân đoàn 2 và là người bạn thân của gia đình Thiệu sẽ nổi đình đám vào năm 1970, khẳng định rằng Thiệu và Trần Thiện Khiêm “cương quyết về phe với Hinh.” Một sĩ quan QĐQGVN công tác tại bộ tham mưu Quân đoàn 2 tại thời điểm đó và sau này trở thành trung tướng QLVNCH, chứng thực rằng Thiệu và Khiêm “đeo huy hiệu đại bàng của Hinh trên áo mình.” Khi toan tính đảo chính của Hinh thất bại, Thiệu thấy mình rơi vào rắc rối chính trị lớn: “Sau khi Hinh bị buộc rời khỏi Việt Nam, Thiếu tá Thiệu và nhóm của mình bị triệu về Saigon để điều tra và chất vấn. Để thoát khỏi tầm ngắm đầy ngờ vực của chế độ Diệm, Thiệu lợi dụng các mối quan hệ Công giáo bên gia đình vợ.”
Đây là cuộc chạm trán chớp nhoáng có ý nghĩa đầu tiên của Thiệu đối với chính trị, trong đó ông chọn nhầm bên. Vụ triệu tập về Saigon và cuộc điều tra về hiểu biết chính trị của ông là mối đe doạ cho bình nghiệp, và chắc chắn là lý do cho một số thận trọng sau này của ông trong vấn đề chính trị.
Góp thêm cho sự nghi ngờ của Diệm, Thiệu và ông anh Kiểu lại thuộc Đảng Đại Việt, một đảng Quốc gia đối thủ mà cả Diệm và Nhu sợ phải cạnh tranh với tổ chức Cần Lao của mình. Trong thời gian bên nhau tại bộ tham mưu Quân đoàn 2, Thiệu và Khiêm đã học đòi vào Đai Việt. Mặc dù Hà Thúc Ký, nhà lãnh đạo lão thành của Đại Việt, sau này tuyên bố rằng cả hai người đã được kết nạp vào Đảng trong một buổi lễ vào đầu tháng 2 1964, Khiêm bác bỏ tin đó. Ông nói “Hà Thúc Ký đúng là có dất tôi đến dự một số hoạt động của Đại Việt vào năm 1964, nhưng ông không đưa tôi vào. Thiệu và tôi gia nhập Đại Việt khoảng 1952,” Khiêm phát biểu. “Mặc dù tôi ở trong quân đội Pháp, đó chỉ là công việc. Tôi không tham gia Việt Minh, mà chỉ tham gia quân đội do Pháp kiểm soát. Vì thế tôi bí mật hoạt động với Đại Việt như một tổ chức có uy tín duy nhất có tính thần Quốc gia và chống Pháp nhưng không thân cộng.”
Thiệu qua khỏi vụ đụng độ đó với gia đình Ngô nhưng ông được thuyên chuyển về một vị trí không quan trọng. Vào tháng 3 1955, ông được điều về chỉ huy Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Vào tháng 10, ông được thăng chức trung tá. Bị đẩy lên Đà Lạt, Thiệu ra khỏi vùng chính trị của Saigon và không có binh lính trong tay. Ông ở lại trường trong bốn năm sau đó, xây dựng trường thành một học viện quân sự chủ lực.
Với sự thất bại của Hinh trong vụ đảo chính, người Pháp giao quyền lực lại cho Diệm. Sau khi người Pháp ra đi, để tạo một nhân dạng mới và thủ tiêu nguồn gốc Pháp, vào ngày 16/10/1955, QĐQGVN đổi tên thành Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Sau khi Diệm tổ chức trưng cầu dân ý cử ông đứng đầu quốc gia và hạ bệ Bảo Đại, Diệm nhanh chóng tuyên bố nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào ngày 26/10.
Giờ nắm toàn quyền trong tay Diệm cần những sĩ quan có năng lực mà ông có thể tin cậy để chỉ huy quân đội, và ông bắt đầu kiểm tra những người mà lòng trung thành còn nghi vấn. Gia nhập Cần Lao là một rào vượt chủ chốt để những người như Thiệu và Khiêm có thể lấy lòng Diệm.
Khiêm cũng đã từng theo phe cánh Hinh. Sau khi Hinh bỏ về Pháp,như Thiệu, Khiêm được triệu về Saigon để bị thẩm vấn trong tòa án binh. Ông thoát được tội khi Huỳnh Văn Lang, một người tổ chức Cần Lao cao cấp, và một đồng chí thân cận Nhu, can thiệp. Lang cần có sự hỗ trợ của Khiêm để xây dựng Đảng Cần Lao trong đám sĩ quan sinh quán miền nam. Khiêm đồng ý, và sau này ông thú nhận với các viên chức Mỹ rằng “ông là một trong những người được Diệm giao nhiệm vụ tổ chức chi nhánh Đảng Cần Lao trong quân đội.” Trong khi nhiều người tin rằng Khiêm đã cải sang Công giáo, thực sự thì không, nhưng ông “đã bị lôi kéo vào đạo Thiên chúa từ khi còn bé.” Khả năng đứng giạng chân qua hàng rào tôn giáo khiến ông có thể đến gần tổng thống.
Sinh ngày 15/12/1925 tại Saigon, thân sinh là điền chủ ở Long An, một tỉnh giáp ranh với Saigon. Trong khi gia đình là Phật tử, ông theo học và tốt nghiệp Lycee Petrus Ký danh giá (một ngôi trường trung học theo Thiên chúa giáo dạy theo chương trình Pháp) vào cuối Thế Chiến II. (ND: Hình như tác giả lầm về phương diện tôn giáo. Đúng là trường do người Pháp quản lý nhưng thu nhận mọi học sinh giỏi trong xứ sau một kỳ thi nhập học gắt gao, không phân biệt tôn giáo, học từ lớp 6 đến lớp 12, nay là trường chuyên Lê Hồng Phong). Đâu đó vào năm 1946, Khiêm gia nhập Quân đội Thuộc địa Pháp và tham gia lớp đào tạo sĩ quan đầu tiên và duy nhất tại Ecole Militaire d’Extrême Orient (Trường Quân sự Viễn Đông) ở Đà Lạt vào ngày 1/7/1947, sau đó ông và ba sinh viên khác nhanh chóng đào ngũ và gia nhập Việt Minh ở phía bắc đồng bằng Cửu Long. Như Thiệu, Khiêm không trụ lại lâu với du kích quân. Sau bốn tháng, ông quay về Saigon và về lại với quân đội thuộc địa. Tuy nhiên, chuyến đi ngắn ngủi theo Việt Minh tạo ra những hậu quả kéo dài.
Theo một nguồn tin miền Nam, cán bộ Việt Minh tiếp đón nhóm của Khiêm là Phạm Ngọc Thảo. Thảo khi đó là trưởng Phòng Tình báo Nam bộ của VNDCCH. Mặc dù sau này Thảo về với chính nghĩa Quốc gia vào năm 1954, ông bí mật giữ liên lạc với VNDCCH. Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt xác nhận rằng người lãnh đạo tương lai của Miền Bắc, Lê Duẩn, đã đích thân ra lệnh cho Thảo ‘nằm vùng phía sau ở Miền Nam như một đặc vụ tình báo chiến lược, không cung cấp thông tin nhưng thay vào đó luồn lách sâu vào trong hàng ngũ cao cấp của chính quyền Saigon để chuẩn bị cho việc tái thống nhất đất nước chúng ta.” Ông hoàn thành công tác này bằng cách kết thân với những người Quốc gia quan yếu như Khiêm, Nguyễn Khánh, và Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, anh của Diệm.
Dù vậy Thiệu đã không vào Cần Lao. Bà Thiệu tuyên bố rằng chồng mình đã bảo với bà rằng ông “muốn thành đạt vì chính khả năng mình, chứ không phải vì anh đã gia nhập một chính đảng.” Vậy mà khi Thiệu ngồi ở Đà Lạt, sự nghiệp ông chững lại, cách xa tầng lớp cao của giới lãnh đạo quân đội, ông chỉ có thể ngồi nhìn Khiêm vượt qua mặt mình. Chẳng hạn, Khiêm được thăng chức đại tá vào tháng 8 1957 và phục vụ trong Bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Vào ngày 17/3/1958, ông được giao quyền chỉ huy Sư đoàn Dã chiến 4, tiền thân của Sư đoàn QLVNCH
Đây có thể là một sự kiện kích hoạt cho Thiệu. Theo một nhà báo, Thiệu đã “hoãn lễ rửa tội nhiều năm liền sau khi đã cải đạo theo yêu cầu của bà xã theo đạo Thiên chúa bởi vì ông không muốn có vẻ như mình làm việc ấy chỉ để cầu cạnh tổng thống.” Vậy mà khi Diệm đã nắm vững quyền lực và khi Thiệu nhìn thấy người khác được thăng chức, ông cuối cùng xiêu lòng. Vào ngày 11/11/1958, tại Đà Lạt, Thiệu được chính thức rửa tội vào Giáo hội Thiên chúa và đồng thời gia nhập Cần Lao. Người làm lễ rửa tội cho ông và tiếp đón ông vào đảng là Cha Nguyễn Phúc Bửu Dương, một linh mục nổi tiếng và có lẽ quan trọng hơn, một trong những lý thuyết gia chính của Đảng Cần Lao. Không phải ngẫu nhiên, trong vòng bốn tháng Thiệu chuyển quyền chỉ huy học viện cho một sĩ quan có năng lực khác nhưng chống Diệm, Thiếu tướng Lê Văn Kim. Thiệu đã bị khuất phục trước nhận thức rằng để tiến thân trong binh nghiệp, ông cần chứng tỏ lòng trung thành của mình, và cách tốt nhất để đạt được điều đó là gia nhập đảng và tôn giáo của Diệm.
Trong khi đó, Diệm tiếp tục củng cố quyền lực của mình. Sau khi Hinh bỏ đi, ông thuyết phục giáo phái Cao Đài tham gia vào chính quyền của mình. Sau đó, Diệm phái vài tiểu đoàn Nhảy dù đi đánh dẹp Bình Xuyên, tập đoàn bán tội phạm kiểm soát nhiều khu vực của Saigon. Bình Xuyên nhanh chóng bị dẹp tan. Diệm sau đó quay sự chú ý sang Hoà Hảo trong vùng châu thổ. Chuẩn tướng Dương Văn Minh dẫn đầu chiến dịch, đánh bại dễ dàng lực lượng dân quân của giáo phái.
Nhờ công trạng đánh bại Hoà Hảo, Dương Văn Minh trở thành sĩ quan được sủng ái của Diệm. Được biết dưới biệt hiệu ” Minh Cồ” vì ông đứng cao hơn hầu hết người Việt Nam, Minh sẽ trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử miền Nam. Ông sinh ngày 19/2/1916 trong địa phận sau này trở thành Tỉnh Long An. Ông tốt nghiệp năm 1936 tại một trường Pháp tại Saigon và đăng ký vào quân đội thuộc địa vào tháng giêng 1940. Sau đó ông tham dự một trường quân sự và được bổ nhiệm làm thiếu úy vào tháng 10 1942. Sau khi Nhật đảo chính vào tháng 3 1945, Minh sát cánh với các lực lượng thuộc địa Pháp đánh nhau với Nhật. Ông bị bắt, ắt hẳn vào tháng 7, và ông cùng với vị thủ tướng tương lai của Diệm, Nguyễn Ngọc Thơ, ngồi tù chung với nhau trong một tháng tại Saigon. Người Nhật tra tấn Minh tàn ác, đập gãy hết cả hàm răng chỉ còn để lại một chiếc ở hàm răng trước. Hai người trở nên gắn bó trong cơn thử thách chốn ngục tù, và mối quan hệ thân thiết của họ sẽ rất quan trọng sau vụ đảo chính Diệm. Thăng chức ngay lập tức theo sau, và vào năm 1957, Minh là thiếu tướng. Tuy nhiên, ông phản kháng khi Diệm khẩn khoản ông cải sang Công giáo và gia nhập Cần Lao, thế là ông từ từ không còn được ưu ái. Vào năm 1959, ông được giao nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân, một vị trí mới tạo ra chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không có thực quyền. Bị gạt sang bên, sự nghiệp của Minh giờ đang trong giai đoạn chờ thời.
Sau Đà Lạt Thiệu giờ được giao nhiệm vụ tham mưu trưởng cho Thiếu tướng Minh. Ông được thăng chức đại tá vào ngày 26/10/1959. Theo một cố vấn Mỹ của Minh, “Thiệu rất trung thành với vị tướng, còn Minh đánh giá cao năng lực của Thiệu.” Mối quan hệ thân thiết này sẽ có tính quyết định trong việc Minh chiêu mộ Thiệu vào vụ đảo chính chống Diệm. Trong khi sự nghiệp Thiệu còn đang mắc cạn, chiến tranh bùng phát sẽ tạo cho ông cơ hội để tiến nhanh trên đường bình nghiệp.
CUỘC CHIẾN TRANH MỚI
Với hầu hết những kẻ thách đố ông hoặc được kết nạp hoặc bi đánh bại, Diệm quay chú ý sang việc xây dựng đất nước và đánh bại hạ tầng cơ sở còn lại của Cộng sản ở miền Nam. Lực lượng ông tảo thanh vùng nông thôn, tàn sát hàng ngàn cán bộ Cộng sản. Thời kỳ thập niên 1950 này trở thành một trong những thời kỳ khó khăn nhất của người Cộng sản, và họ quyết định phản công. Vào tháng giêng 1960, các lực lượng Cộng sản ở miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu vũ trang. Họ giáng trả đòn đầu tiên bằng cách đốt bùng lên cuộc nổi dậy ở Tỉnh Bến Tre (chính quyền gọi là Kiến Hòa), tràn vào một số đồn bót cảnh sât và bắn chết một số viên chức chính quyền. Cuộc nổi dậy Bến Tre thường được xem là trận mở màn cho cuộc chiến miền Nam. Cuối tháng đó, các lực lượng Cộng sản tiến hành cuộc tiến công lớn đầu tiên bằng cách tấn công căn cứ Trung đoàn 32, thuộc Sư đoàn 21 QLVNCH ở tỉnh Tây Ninh. Vào ngày 26/1/1960, lực lượng Cộng sản lợi dụng kỳ nghỉ Tết khi nhiều binh lính VNCH đang ăn mừng năm mới. Tấn công ác liệt, họ giết được 40 bình sĩ và rút lui mạng theo 600 vũ khí, một mẻ lưới trúng to. Thảm bại khiến một số chỉ huy cao cấp, như Chuẩn tướng Trần Văn Đôn, đặt câu hỏi về chính sách gieo các sĩ quan Cần Lao vào hàng ngũ quân đội, Đôn giải thích:
Sau khi duyệt lại sự cố, chúng tôi xác định rằng sự thất bại này nguyên nhân là do các sĩ chỉ huy yếu kém và sự thật là các sĩ quan yếu kém đó là do Đảng Cần Lao cài vào những vị trí chỉ huy trọng yếu trong khi họ không đủ năng lực. Những chuyện như thế này sẽ tiếp tục làm suy yếu quân đội, và nếu quân đội suy yếu, thì chế độ sẽ suy yếu, và toàn bộ đất nước sẽ suy yếu. Từ lúc đó trở đi chúng tôi bắt đầu giám sát những hoạt động của anh em Diệm.
Đánh giá của Đôn rất đúng. Những sĩ quan có chiến tích thực sự bị qua mặt trở nên nổi giận khi họ nhìn thấy những người như Trung tá Trần Thanh Chiêu, Sư đoàn trưởng 21 trong vụ thảm bại, lên chức như diều. Một kẻ trung thành với Diệm với kinh nghiệm chiến đấu hạn chế, Chiêu được giao nhiệm vụ béo bở này bởi vì y đã quen biết Diệm từ nhỏ, người miền Trung, và đã cải sang Công giáo. Đổ Mậu, được biết là người chống Công giáo, tuyên bố rằng việc thăng chức quá mức các sĩ quan Công giáo cùng với việc Cần Lao nhúng tay vào gây rối, đã đóng một vai trò chủ chốt gây ra nỗi bất mãn trong quân đội. Mậu nói rằng khi Diệm mới lên nắm chính quyền vào năm 1954, “Số sĩ quan Công giáo cấp tá rất nhỏ, ít như lá mùa thu. Diệm và anh em ông phải gấp rút thăng chức các sĩ quan Công giáo và cài họ vào các vị trí quan trọng. Chính sách ‘Công giáo hóa’ quân đội gây ra nỗi bất bình to lớn trong hàng ngũ sĩ quan, và đó là một nguyên nhân của một chuỗi bình biến và mưu toan đảo chính xảy ra giữa những năm 1960 và 1963.”
Tuy vậy, Diệm không mù quáng trước các khuyết điểm của chính sách thăng trật chỉ dựa vào tiêu chuẩn hạn chế như thế. Ông thực sự cũng nâng đỡ binh nghiệp của một số sĩ quan không tham gia Cần Lao hoặc không cải sang đạo Thiên chúa. Trần Văn Đôn là một ví dụ. Đôn là một công dân Pháp đã phục vụ trong quân đội Pháp. Ông là tham mưu trưởng của Hinh tại Tổng Tham mưu Liên quân, nơi ông công tác cho đến khi trở thành chỉ huy Quân đoàn 2 vào ngày 15/10/1957. Cũng không phải Diệm không biết đến những thất bại quân sự. Trước những càu nhàu nội bộ về chính sách thăng trật của mình, một trong những động thái của Diệm là phái Khiêm đến thay thế Chiêu làm tư lệnh Sư đoàn 21. Điều này chứng tỏ ông sáng suốt.
CÚ ĐẢO CHÍNH THÁNG 11 1960
Sự bất bình của quân đội đối với Diệm bùng nổ tại Saigon lúc 3 giờ sáng ngày 11/11/1960. Chỉ là vụ binh biến được thiết kế yếu kém hơn là một cuộc khởi nghĩa toàn quân, một vài đơn vị quân đội nổi lên chống lại ông. Việc có một số đơn vị ưu tú nhất của miền Nam cầm đầu cuộc nổi dậy cho thấy sự bất mãn trong quân đội là nghiệm trọng. Những đơn vị này bao gồm Lữ đoàn Nhảy dù, một bộ phận của Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến, và Nhóm Biệt động vừa thành lập. Có bao nhiêu bình lính tham gia hoặc thậm chí bao nhiêu sĩ quan cấp dưới hiểu được hành động của mình hoặc ủng hộ đảo chính vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng các chỉ huy đơn vị này chắc chắn là biết.
Hầu hết các tác giả đều cho rằng Đại tá Nguyễn Chánh Thi, chỉ huy Lữ đoàn Dù, cầm đầu cuộc đảo chính, nhưng điều đó không đúng. Người bày mưu chính là Trung tá Vương Văn Đông, khi đó là giám đốc Bộ phận Đào tạo Tham mưu Cao đẳng Chiến tranh. Một người khác là Thiếu tá Phạm Văn Liễu, một bạn thân của Thi. Theo một sĩ quan có tham gia bàn kế hoạch, “Nó được tổ chức tại Cao đẳng Chiến tranh bởi phần đông các sĩ quan gốc bắc, một ít như tôi thuộc Đại Việt. Vì chúng tôi đã từ chối gia nhập Cần Lao, chúng tôi đã bị thuyên chuyển khỏi quyền chỉ huy binh sĩ. Miền Nam đã trở thành nền độc tài gia đình trị, và chúng tôi chống đối sự can thiệp của Cần Lao vào quân đội. Chúng tôi sử dụng lính Dù để tiến hành đảo chính, nhưng Thi không dính líu vào việc vạch ra kế hoạch.”
“Lính Dù tấn công vào Định Độc lập sáng hôm đó, nhưng Phòng vệ Phủ Tổng thống đã đẩy lùi đợt tấn công thứ nhất. Hoả lực dữ dội tiếp tục, và cả hai bên bắt đầu thỏa thuận. Sau khi đánh chiếm dinh thất bại, Đông và Liễu mới gọi Thi tham gia đảo chính. Thuyết phục ông ta không khó. Thi, mặc dù sinh ra gần Huế, là một sĩ quan cao cấp khác đã vỡ mộng với Diệm. Mặc dù thoạt đầu ông thân cận với tổng thống, nhưng ông không ưa gì Nhu và căm ghét sự can thiệp của Cần Lao vào quân đội. Quan trọng hơn nữa, Thi xuất thân từ một gia đình Phật tử thuần thành nghèo và vì thế có ít điểm chung với gia đình Ngô, người Công giáo sùng đạo. Vào bình chủng nhảy dù trong gần suốt sự nghiệp, ông được xem như là một quân nhân gan lị, táo tợn, nhưng dễ xúc động và ngây thơ về chính trị. Giờ đây đối diện với một bên là lên án binh chủng Dù thân thương của mình, bên kia là gia nhập cuộc nổi dậy. Thi đứng về phe binh sĩ của mình. Việc Thi xuât hiện vào cuối ngày hôm đó vực dậy tinh thần binh lính mình, nhưng đã quá muộn. Chiến thuật hoãn binh cùa hai anh em Diệm khiến họ có thể điều động các lực lượng trung thành đến giải cứu. Khi cuộc tấn công bất đầu, Chuẩn tướng Nguyễn Khánh có mặt ở Saigon sau khi mới đây vừa giao lại quyền tư lệnh quân khu đồng bằng Cửu Long cho Đại tá Trần Thiện Khiêm. Khánh, thủ tướng tương lai, sinh ngày 8/11/1927, tại tỉnh Vĩnh Bình ở vùng đồng bằng Cửu Long. Òng tham gia Việt Minh khi Thế Chiến II vừa khép lại và cộng tác với họ trong khoảng một năm. Ông rời họ và gia nhập quân đội Pháp, tốt nghiệp từ trường quân sự do Pháp điều hành ở Đà Lạt vào tháng 7 1947 cùng với Khiêm. Sau đó ông theo học trường tham mưu ở Hà Nội vào năm 1952 với Thiệu. Một chỉ huy tác chiến siêu đẳng, vào tháng 12 1952 ông được giao chỉ huy Lực Lượng Cơ động 11, một nhiệm vụ danh giá. Khánh và đơn vị mình trải qua nhiều trận chiến ác liệt cho đến khi Hiệp định Geneva được ký kết. Diệm thích anh chàng miền nam chịu đánh này, nhất là sau khi Khánh gia nhập Cần Lao vào năm 1955. Diệm đề bạt ông lên đại tá và giao ông chỉ huy Sư đoàn Dã chiến 1. Vào tháng 3 1960, ông nắm quyền chỉ huy vùng đồng bằng Cửu Long và được thăng chức chuẩn tướng vào tháng 5.
Khánh leo qua hàng rào Dinh để gặp Diệm ở trong. Khánh gọi điện, liên lạc với vài tư lệnh, kể cả Khiêm. Ông này đem quân đến Saigon và “thiết lập Quân đoàn Giải phóng Thủ đô chặn đứng một cách hiệu quả âm mưu đảo chính và giải vây cho Dinh Độc Lập.”
Đông, Thi, Liễu, và một tá sĩ quan đồng mưu khác trưng dụng một chiếc C-47 của Không Lực và bay đến Nam Vang, thủ đô Cao Miên để tẩu thoát. Khiêm và Khánh được tung hô như những người hùng dân tộc.
Cũng như vụ Hinh, cuộc khởi nghĩa 1960 thất bại để lại những vết sẹo sâu lên cả Diệm lẫn giới quân sự miền Nam. Diệm nổi giận bắt giam các bà vợ những sĩ quan đã trốn thoát đến Cao Miên và hăm hành quyết nếu chồng họ không trở về trình diện trước công lý. Các ông từ chối. Vợ của một tiểu đoàn trưởng Thủy quân Lục chiến nói, “Chúng tôi bị giam riêng không được liên lạc với nhau trong sáu tháng tại cơ quan tình báo. Họ bắt chúng tôi ở trong nhà mái tôn dưới ánh nắng thiêu đốt suốt ngày, mồ hôi tuôn dầm dề. Một số phụ nữ, trong đó có bà Nguyễn Chánh Thi, ly dị chồng để thoát khỏi bị trừng phạt.”
Trưởng phòng Nông Thôn Vụ Sứ quán Mỹ Rufus Phillips khẳng định rằng cuộc nổi dậy “càng cô lập Diệm hơn nữa với một số viên chức và sĩ quan miền Nam chủ chốt đã từng hậu thuẫn ông. Nhu, với đầu óc hoang tưởng, kết luận rằng nhiều người trong số họ đã bí mật ủng hộ cuộc đảo chính.”
Lòng trung thành bây giờ là tiêu chuẩn số một. Không chắc ai mình có thể tin cậy được, Diệm cách chức vài sĩ quan cao cấp và bắt giữ một vài nhân vật chống đối. Một tính toán sai lầm chủ yếu của ông là xử lý Thiếu tướng Lê Văn Kim. Trong cuộc binh biến, Đông đã ra tuyên cáo nêu đich danh Kim là tân thủ tướng. Đông và Kim quen nhau từ khi cùng tham dự khóa học tại U.S. Command and General Staff Col (Cao đẳng Tư lệnh và Tổng Tham mưu Hoa Kỳ) vào năm 1958, nhưng Kim không liên quan. Không cần biết, Diệm ra lệnh Chuẩn tướng Tôn Thất Đính ra Đà Lạt bắt giữ Kim. Xin phép đem theo ít đồ dùng cá nhân, Kim quay về nhà và gọi cho Nhu, khởi động một chuỗi sự kiện mà cuối cùng đưa đến cái chết của hai anh em.
Những sợi dây ràng buộc về gia đình và học tập luôn quan trọng ở Việt Nam, nhất là trong số các sĩ quan. Kim đã lấy em gái của Trần Văn Đôn, và cha mẹ bà sở hữu một ngôi nhà tại Đà Lạt gần biệt thự Bảo Đại. Cha mẹ Đôn là bạn với cha mẹ của Trần Lệ Xuân, người phụ nữ đã kết hôn với Ngô Đình Nhu vào năm 1943. Mẹ của Bà Nhu là em họ của Bảo Đại, và vào mùa xuân 1947 gia đình Nhu chuyển đến Đà Lạt và ở chung với gia đình Kim, tại đó hai gia đình trở nên thân thiết. Bà Nhu từng trải nhiều thời gian với Bảo Đại, một mối quan hệ sau này giúp Cựu Hoàng chọn Diệm làm thủ tướng cho mình.
Sợ rằng Đính nóng tính có thể giết mình, Kim điện thoại cho Nhu và xin được vào Saigon khai là mình vô can. Nhu xiêu lòng và phái một phi cơ lên Đà Lạt đón ông.
Mặc dù được minh oan, cách xử sự này khiến Kim càng vào thế chống Diệm mạnh mẽ. Kim sau đó được điều về Saigon làm trợ lý đặc biệt cho Thiếu tướng Dương Văn Minh, vốn vẫn còn rảnh rỗi với chức vị đứng đầu Bộ Tư lệnh Hành Quân. Hai người và gia đình họ trở nên thân thiết, và cả hai thường có cơ hội thăm viếng anh vợ của Kim là Trần Văn Đôn, lúc đó là tư lệnh Quân đoàn 1. Khi Đôn bị cách chức khỏi Quân đoàn 1 và trở về Saigon, ba người đàn ông và gia đình họ càng trở nên gắn kết hơn. Thế là, tình bạn gia đình xưa cũ của Nhu với Kim vô hình chung mang lại những người sau này sẽ cầm đầu cuộc đảo chính giết chết các anh em.
Đôn, một nhân vật trọng yếu khác trong lịch sử miền Nam, sinh ngày 17/8/1917 tại Pháp, nơi cha ông làm bác sĩ quân y cho quân đội Pháp. Gia đình ông gắn liền mật thiết với quyền lợi của Pháp, và Đôn theo học trường Chasseloup-Laubat danh giá tại Saigon, ngôi trường trung học tốt nhất ở miền Nam (hiện nay là trường Lê Quý Đôn). Đôn đang học ở Paris khi Thế Chiến II bùng nổ, và ông gia nhập quân đội Pháp. Sau khi được Đức phóng thích sau thời gian bị bắt, ông đến Đông Dương và phục vụ cho chính quyền Vichy của Pháp cho đến khi bị Nhật lật đổ. Sau đó, ông phục vụ trong một số vai trò, và vào tháng 8 1953, ông là đại tá trong QĐQGVN và là tham mưu trưởng cho Trung tướng Hinh. Đôn vẫn giữ trung lập trong cuộc tranh chấp giữa Diệm và Hinh, và qua khỏi cơn đấu đá. Đôn cũng chỉ huy một số lực lượng đánh đuổi Binh Xuyên ra khỏi Saigon, và Diệm thăng ông đến chức chuẩn tướng vi lòng trung thành và tận tụy trong nhiệm vụ.
Ngoài việc kết nối Kim, Mình, và Đôn, một hậu quả khác của cuộc đảo chính là làm xấu thêm mối quan hệ của Diệm với người Mỹ. Vụ đảo chính do mối bất mãn gia tăng của phe quân sự với Diệm, nhưng sự hiện diện của người Mỹ ở gần phe âm mưu và sự miễn cưỡng dễ hiểu của đại sứ Mỹ trong việc hậu thuẫn Diệm làm nảy sinh mối ngờ vực điển hình là người Mỹ có dính líu. Diệm và Nhu càng trở nên dị ứng với các khuyến cáo của Hoa Kỳ, một tình thế che mờ mối quan hệ và giúp phát sinh những sự kiện khủng khiếp của năm 1963.
Cú đảo chính tháng 11 cũng anh hưởng trực tiếp tới các kế hoạch của Cộng sản. Miền Bắc nhóm họp Đại hội Đảng Lần Ba tại Hà Nội vào tháng 9 1960. Tại đại hội quan trọng này, Bộ Chính trị đã dựng lên một tổ chức mặt trận mới nhằm kết nối tất cả lực lượng chống Diệm vào Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMN). Tổ chức Mặt trận sẽ che giấu bàn tay của Hà Nội trong cuộc chiến. Vụ đảo chính thuyết phục Bộ Chính trị cần đẩy nhanh việc thành lập MTGPMN.
Chúng ta phải ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng trước công luận ngay lập tức, mà không cần đợi xác định những nhân vật thành lập nó… Sự yếu kém của phong trào chúng ta ở Miền Nam trong những năm vừa qua do chúng ta đã không thể lôi kéo sự hậu thuẫn rộng lớn của những tầng lớp trẻn, do chúng ta đã không thể thành lập một Mặt trận đoàn kết với các phần tử chống Mỹ và Diệm, và do chúng ta không có tên sử dụng trong công luận để kêu gọi tầng lớp nhân dân và để sử dụng trong chiến lược gieo mầm chia rẽ và cô lập Diệm. Đây là cơ hội thuận lợi cho chúng ta chỉnh đốn sự yếu kém trong phong trào bằng cách thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam.
Vụ đảo chính 1960 cũng tạo ra những chia rẽ sâu sắc trong số các sĩ quan miền Nam dội ngược trở lại trong các sự kiện náo động của những năm 1963 và 1964. Chẳng hạn, việc Cao Miên đối xử với Nguyễn Chánh Thi và Phạm Văn Liễu cũng sẽ vang dội nhiều năm sau. Ngay sau khi Thi và Liễu đến Nam Vang, Tình báo Căm Bốt yêu cầu họ cung cấp tin tức về việc bố trí bình sĩ QLVNCH. Cả hai đều từ chối. Họ bị ném vào nhà tù, tại đó họ sống khổ sở hơn một năm trời. Sau khi được phóng thích, họ sống trong cảnh nghèo khó. Vương Văn Đông, tuy nhiên, được hưởng nhiều tự do hơn, và sau hai năm ở Cao Miên ông đi sang Pháp. Theo Thi, “Sau khi đến Pháp, Đông làm việc cho bọn chính trị gia thân Pháp như Trần Đình Lan và Nguyễn Văn Vỹ.” Thi căm thù ôm hận để sẽ bùng phát vào tháng giêng 1964. Nhiều năm sau, Đông chối việc Pháp đình líu vào vụ đảo chính hoặc việc ông thân Pháp, nhưng cuối cùng ông gia nhập với những người Việt lưu vong khác ở Paris chủ trương trung lập hóa Việt Nam. Đông không phải là kẻ thù duy nhất mà vụ đảo chính 1960 tạo ra cho Thi.
Đàn áo vụ đảo chính tạo thù hằn giữa Thi và Khiêm. Vậy mà vụ binh biến 1960 cũng củng cố mối liên hệ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những sự kiện sau này. Mối quan hệ giữa Khánh và Khiêm, đầu tiên được hình thành vào năm 1947 khi họ cùng dự trường sĩ quan Đà Lạt, càng mạnh hơn và sẽ đem lại hoa trái trong cú đảo chính 30/1/1964. Phần thưởng của Khánh cho hành động của ông trong sự kiện 1960 là một vai trò mới, tham mưu trưởng của Tổng Tham mưu Liên quân. Khiêm cũng tiếp tục lên như diều gặp gió. Vào ngày 20/12/1962, ông được thăng thiếu tướng, thay Khánh làm tham mưu trưởng trong khi Khánh chuyển về làm tư lệnh Quân đoàn II. Cùng với Khánh và Khiêm về theo phe Diệm trong năm 1960 có Tôn Thất Đính. Sau cú 1960, Đính trở thành tư lệnh Quân đoàn III, khu quân sự gồm các tỉnh lỵ bao quanh Saigon.
Thiệu cũng tiếp tục trung thành với tổng thống. Sự hậu thuẫn này cuối cùng cũng chiếm được lòng tin của Diệm, và vào ngày 1/10/1961, Thiệu được giao quyền chỉ huy Sư đoàn 1 tại Huế. Thiệu thay thế Đại tá năng nổ Nguyễn Đức Thắng, người được thuyên chuyển để chỉ huy Sư đoàn 5, lúc đó đóng tại Biên Hòa, một thị trấn ngay hướng đông bắc Saigon. Dù xa Saigon, Sư đoàn 1 là một đội quân trọng yếu. Từ lâu được coi là những đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH chính quy, sư đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Vùng Phí Quân sự giữa Miền Nam và Miền Bắc và hai tỉnh địa đầu Quảng Trị và Thừa Thiên. Vùng này gối đầu bởi Lào và là đường xâm nhập chính vào miền Nam. Rõ ràng, thời gian Thiệu chỉ huy Sư đoàn 1 là thành công, vì vào ngày 20/12/1962, ông nắm quyền chỉ huy Sư đoàn 5.
Nếu Sư đoàn 1 là một đội quân trọng yếu, thì Sư đoàn 5 là một vị trí sinh tử có màu sắc chính trị. Vì là đơn vị chủ lực gần thủ đô nhất, chỉ sĩ quan nào được Diệm tin cẩn nhất mới được giao quyền chỉ huy Sư đoàn 5. Vậy mà trong thời gian này trỗi lên bản hợp xướng của sự bất bình trong quân đội với anh em Diệm. Những người mà trong thời kỳ đảo chính 1960 một lòng về phe Diệm – Khánh, Khiêm, và Tôn Thất Đính – thì giờ đây hòa nhập với Đôn, Minh, và Kim trong thái độ chống Diệm.
Với nỗi bức xúc âm ỉ với anh em nhà Ngõ, một mưu tính khác có thể dự đoán được. Kết quả là vào ngày 27/2/1962, hai phi công Không lực Việt Nam, Nguyễn Văn Cư và Phạm Phú Quốc, cất cánh lúc 7 giờ sáng từ Phi trường Biên Hòa bên ngoài Saigon. Cư là con một nhà lãnh đạo chính trị tiếng tăm mà Diệm mới đây đã cho ngồi tù vì tội “hoạt động chống chính quyền”, trong khi Quốc tin rằng tổng thống là một tên độc tài. Cất cánh, ngay lập tức họ lái hai chiếc phi cơ về hướng Dinh Gia Long của Diệm, rắp tâm giết cho được hai anh em. Trái bom đầu tiên đâm vào một căn phòng nơi Diệm đang đọc sách nhưng không nổ, khiến ông được dịp chạy thoát. Sau khi bỏ thêm bom và đánh sập một cánh của dinh thự, các máy bay lao đi. Cư bay đến Cao Miên và xin tị nạn chính trị, nhưng Quốc bị hoả lực phòng không từ tàu hải quân bắn trúng và rơi xuống Sông Saigon, và được cứu sống.
Phản ứng của Diệm có thể dự đoán được; ông đổ lỗi cho truyền thông Hoa Kỳ về biến cố này, nhanh chóng xiết chặt hạn chế báo chí trong xứ, và mạnh tay hơn với những kẻ bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, cho dù tình trạng bất mãn trong giới quân sự gia tăng trước sự chuyên quyền của hai anh em, nhưng do nhu cầu phối hợp kỹ thuật quân sự mới của Hoa Kỳ, việc mở rộng các cố vấn quân sự Mỹ đến các đơn vị QLVNCH, và chương trình ấp chiến lược mới, sự bất đồng đành phải tạm câm lặng, trong lúc này.
KHỦNG HOẢNG RỒI KHỦNG HOẢNG: TRẬN ẤP BẮC VÀ CÁC PHẬT TỬ
1963 bắt đầu với không khí lạc quan về cuộc chiến lên cao. Việc Hoa Kỳ chuyển giao những thiết bị mới vào năm 1962, bao gồm xe thiết giáp, khiến QLVNCH có thể lập hai đại đội bộ binh cơ động. Một đại đội được đưa về Sư đoàn 7, dùng để tuần tra vùng phía nam Saigon. Đại đội Cơ động này nhanh chóng chứng tỏ khí thế của nó trong trận đánh. Được chỉ huy bởi Đại úy Lý Tòng Bá, đơn vị mới này giáng cho MTGP vài thảm bại lớn.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp trực thăng sử dụng để chuyển quân nhanh chóng băng qua vùng đồng bằng Cửu Long địa hình đầm lầy. Hai lợi thế kỹ thuật này tạo cho các lực lượng miền Nam tính cơ động và hỏa lực vượt trội so với các đơn vị của kẻ thù.
Vì những bước lùi này, các chỉ huy của MTGP tìm cách vô hiệu hóa các vũ khí mới bằng cách thay đổi chiến thuật. Thay vì bình thường họ bỏ chạy khi lần đầu tiên tiếp xúc, họ quyết tâm chuẩn bị những vị trí phòng thủ vững chắc và dụ các lực lượng QLVNCH vào bẫy để gây thương vong nặng nề, và rồi biến nó thành một thắng lợi về mặt tuyên truyền. Một lực lượng MTGP tổng cộng chừng 350 người tụ tập tại Ấp Bắc, một ấp sát bên với Đồng bằng Lau sậy trong thượng lưu Châu thổ. Quân Giải phóng xây dựng chiến hào kiên cố và chuẩn bị các vùng sát thương tại những vị trí họ nghĩ là trực thăng sẽ đổ quân. Khi tình báo Hoa Kỳ bắt được cuộc trò chuyện từ máy truyền tin của MTGP tại địa điểm, QLVNCH được ra lệnh tiêu diệt kẻ thù.
Chuẩn tướng Huỳnh Văn Cao, người đã thay thế Khiêm làm tư lệnh Quân đoàn IV vào cuối tháng 12 1962, tập trung lực lượng tác chiến nhiều tiểu đoàn. Một người Công giáo tại Huế, Cao gia nhập Cần Lao và đã ủng hộ Diệm đấu với Hinh vào năm 1954. Ông trở thành chỉ huy đơn vị cận vệ của Diệm và rất thân với các anh em Diệm. Vào tháng giêng 1959, ông được phong tư lệnh Sư đoàn 7. Ông làm tốt, và do đó được giao quyền chỉ huy Quân đoàn IV.
Tuy nhiên, như nhiều sĩ quan miền Nam, ông không được huấn luyện để xử lý những khó khăn về tư lệnh quân đoàn. Dù trội hơn về quản số, khi hậu khắc nghiệt và chỉ huy kém cỏi đã ngăn cản Cao phối hợp những gọng kềm tấn công.
Bị bất ngờ trước thế phòng thủ không mong đợi của địch, Miền Nam để mất 80 binh sĩ tại Ấp Bắc. Ba lính Mỹ cũng thiệt mạng, và vài trực thăng bị bắn hạ. Thương vong của kẻ thù không được biết. Rủi thay, báo chí Mỹ, vốn đã quen chỉ trích chế độ Diệm, biến một bước lùi chiến thuật thành một thảm bại nặng nề bằng cách tuyên bố rằng trận đánh đã phơi bày sự bất tài thô thiển của QLVNCH. Cộng sản cũng dùng thắng lợi để hô hào là mình đánh thắng để nâng cao sĩ khí của lực lượng mình.
Ngay sau khi thất bại Ấp Bắc được đưa lên mặt báo, những căng thẳng tôn giáo từ lâu âm ĩ ở miền Nam bổng thình lình bùng nổ ra ở Huế. Căng thẳng đã khởi sự tại thành phố kinh đô cũ nơi anh của Diệm, Ngô Đình Thục, được bổ nhiệm làm tổng giám mục vào năm 1960. Một người Công giáo khắt khe, thái độ xúc xiểm không hề che đậy đối với Phật giáo tại căn cứ địa của tôn giáo này ở miền Trung chẳng khác nào một đồng cỏ khô chỉ đợi một tia lửa. Diêm quẹt đã được đốt lên vào đầu tháng 5 1963, khi các tổ chức Công giáo ở Huế treo cờ và băng-rôn chào mừng kỷ niệm năm thứ 25 Thục làm giám mục. Tìm cách tránh gây xung đột tôn giáo, vào ngày 6/5, Diệm áp đặt quy định đã có từ lâu là cấm treo cờ bên ngoài nếu không phải là cơ quan chính quyền.
Rủi thay, toan tính của ông phản pháo lại ông khi các nhà hoạt động Phật giáo, vốn đã lên kế hoạch chào mừng đại lễ Vesak (tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch), kỷ niệm ngày sinh và cuộc đời Đức Phật, thách thức lệnh cấm. Vào ngày 7/5, hàng ngàn lá cờ Phật giáo được giương cao ở Huế, để rồi bị cảnh sát giật xuống theo lệnh của Thục. Hàng trăm người phản đối tụ tập tại đài phát thanh Huế vào ngày hôm sau. Bị khích động bởi bài nói chuyện nảy lửa của một nhà sư tên Thích Trí Quang, tuyên bố rằng lệnh cấm của Diệm là một minh họa của sự ngược đãi tôn giáo, người biểu tình đòi chính quyền cho phép Quang lên đài phát biểu nổi bất bình của mình trên sóng. Giám đốc đài từ chối, thế là đám đông trở nên náo loạn. Chính quyền địa phương ra sức giải tán bằng súng phun lửa nhưng không thành công. Rồi lực lượng cảnh sát đến. Thình lình một loạt đạn từ đám đông bắn ra, giết chết vài người. Phản ứng với hỗn loạn bùng phát, binh sĩ nổ súng. Chín dân thường tử vong, và thêm 14 người khác bị thương.
Vụ tàn sát tại đài phát thanh đánh dấu bước ngoặt của Diệm. Phần đông các học giả đều cho rằng việc áp bức của người Công giáo chính là nguyên nhân cho sự vùng lên của Phật giáo, nhưng chính người Phật tử đã chỉ đến một phong trào phục hồi sớm hơn mới là động lực chính. Bắt đầu vào những năm 1930 để chống lại chủ nghĩa thực dân và văn hóa Tây phương, Tăng già Việt Nam “phát động một chiến dịch cải cách tôn giáo . . . biến thành một Phật giáo dấn thân” sử dụng hoạt động xã hội và nhận thức bất công để nghiên đấu chống bọn thực dân Pháp. Phật tử đi theo “trung đạo” giữa những triết lý xa lạ của chuyên chế Mác và chủ nghĩa tư bản dân chủ. Các chùa sớm trở thành một nơi gặp gỡ lén lút của các lực lượng chống thực dân, khiến người Pháp phải bày ra Nghị định 10, theo đó giáo hội Phật giáo được xếp loại là một “hiệp hội”. Chỉ có Giáo hội Thiên chúa mới chính thức được công nhận là tôn giáo, khiến người Phật tử kêu gọi tập hợp vi bị đối xử kỳ thị.
Những học giả khác cho rằng sự bất mãn có sự nhúng tay của MTGP, nghi ngờ Trí Quang là một đặc vụ kích động của Cộng sản. Tuy nhiên không có chứng cứ nào xuất hiện để khẳng định lời viện dẫn đó. Sau khi Saigon thất thủ Quang bị quản thúc tại chùa. Điều đó, tuy nhiên, không phải là sự xá tội; nhiều cán bộ Cộng sản nằm vùng buộc phải trải thời gian trong các trại cải tạo để thanh lọc bất kỳ thuộc tính Tây phương họ có thể bị lây nhiễm trong thời gian dài hoạt động trong lòng địch. Còn nữa, dù không phải là một đặc vụ khích động như Phạm Ngọc Thảo, các hành động của Quang cũng hoàn thành các mục tiêu như nhau: phong trào chống đối khi lên, khi xuống của ông qua bốn năm sau đó liên tiếp làm lung lay các chính quyền miền Nam.
Sau vụ xô xát tại đài phát thanh Huế, Diệm nhượng bộ đồng ý cải thiện theo những yêu sách của Phật tử, và khoảng đầu tháng 5, một thỏa thuận thăm dò sắp sửa đến gần. Rồi tai họa ụp xuống khi bà Nhu công khai lên án đám Phật tử là bọn quá khích. Những nhà lãnh đạo Phật giáo thấy mình bị phản bội và quay sang một nhà sư cao tuổi có tên Thích Quảng Đức, tình nguyện tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm. Vào buổi sáng ngày 11/6, Đức ngồi xuống vỉa hè một đường phố ở Saigon. Ai đó đổ xăng lên người ông, rồi ông đốt một que diêm. Khi ngọn lửa bùng lên bao trùm nhà sư bất động một cách thần kỳ, một phóng viên Mỹ có tên Malcolm Browne liền bấm máy ảnh. Bức ảnh lập tức đi khắp thế giới, một biểu tượng của phản kháng chống lại một chế độ áp bức. Mọi hy vọng hòa giải giữa Diệm và phe Phật tử đấu tranh chết cùng với Quảng Đức.
Trong suốt mùa hè 1963, các cuộc biểu tình của Phật tử gia tăng cường độ. Chẳng bao lâu họ được lớp sinh viên chống đối tham gia theo, đứng lên khi Đoàn Thanh niên Phật tử do một nhà sư năng nổ tên Thích Thiện Minh cầm đầu, thúc giục họ. Nếu Trí Quang là nhà phù thủy trí thức , thì Thiện Minh là tay chiến thuật khôn khéo của Quang. Khi các cuộc biểu tình Phật giáo bắt đầu vào tháng 5 1963, Thiện Minh ngay lập tức sử dụng Đoàn Thanh niên Phật tử để kích động nhiệt tình sinh viên. Sinh viên học sinh, vốn chỉ biết học hành không thiết đến chính trị, bị xúi giục hành động. Những nhóm chống đối được thành lập ở mỗi trong bốn đại học lớn của đất nước.
Khi quân đội bố ráp các chùa chiền tại Huế, Trí Quang rời thành phố trốn vào chùa Xá Lợi tại Saigon để điều phối các cuộc biểu tình, biến Xá Lợi thành trung tâm hoạt động Phật giáo. Một người hoạt động Phật giáo viết rằng lý do mà Trí Quang chuyển đến đó vì đó là nơi tất cả phóng viên và nhà ngoại giao tụ tập… Đây là một chiến thuật khôn ngoan vì nhờ truyền thông đại chúng, nỗi oan khốc của người Phật tử được đưa tin vượt quá biên giới Việt. Việc đó có hiệu quả, và vào tháng 8, sau khi có thêm một số tăng sĩ khác tự thiêu, Hoa Kỳ gia tăng sức ép lên Diệm và em trai ông buộc phải nhượng bộ với Phật tử. Trong khi Diệm thoạt đầu hy vọng điều đình được với giới tăng lữ, Nhu lại đi theo một hướng mạnh tay hơn. Ông bắt đầu diễn thuyết chủ trương hành động cứng rắn hơn để đàn áp những người chống đối. Nên biết rằng Nhu cầm đầu Ủy ban Quân sự của Cần Lao, có nghĩa là có thể truyền lệnh cho quân đội, sự răn đe của ông càng mang tính nghiêm trọng. Dù quân đội muốn tập trung vào công cuộc chiến đấu với Cộng sản, nhưng theo dõi cuộc xuống đường rầm rộ của 20,000 người tại Chùa Xá Lợi ngày 18/8, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính yêu cầu được diện kiến Diệm và Nhu. Vào ngày 20/8, họ gặp nhau để bàn về mối quan ngại của mình trước tình hình bất ổn leo thang.
Đôn trở lại theo phe anh em nhà Ngô. Chính xác lý do tại sao thật khó xác định, nhưng có vẻ Nhu muốn lợi dụng ông ta. Đôn khuyến cáo Diệm nên thiết quân luật để dập tắt những cuộc biểu tình, nhưng ông nhấn mạnh rằng những rối ren nội bộ nên được giải quyết bằng lực lượng cảnh sát chứ không sử dụng quân đội. Đôn khăng khăng cho rằng quân đội chỉ nên tập trung vào việc chiến đấu sự xâm lược Cộng sản từ bên ngoài, chứ không đánh nhau với dân chúng của mình. Diệm đồng ý với đề xuất thiết quân luật, và ông cũng bổ nhiệm Đôn làm Chỉ huy Điều hành của Tổng Tham mưu Liên quân.
Nhu quyết định sử dụng thiết quân luật để bắt giữ Trí Quang và tiêu diệt phong trào đối kháng. Ông ra lệnh cho Lực Lượng Đặc Biệt và cảnh sát bố ráp Xá Lợi và các ngôi chùa khác. Nhu bị lên án là đã sử dụng Lực Lượng Đặc Biệt tấn công, nhưng điều đó không đúng. Theo Đại úy Phạm Duy Tất, lúc đó chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt Nhóm 31, chỉ huy của anh, Đại tá Lê Quang Tung ra lệnh anh chỉ cho binh sĩ ở vòng ngoài các chùa chiền. Tung gặp giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Đại tá Nguyễn Văn Y. Họ thỏa thuận rằng người của Tung sẽ trấn giữ ngoại vi trong khi Cảnh sát Dã chiến của Y sẽ dọn sạch bên trong. Tung ra lệnh Tất “không được xông vào trong, hoặc chạm vào bất kỳ ai”. Kết quả là tôi chỉ trấn giữ bên ngoài Xá Lợi, trong khi Thiếu tá Phạm Văn Phú, người chỉ huy Nhóm 77, trấn giữ ngoại vi tại các ngôi chùa khác. Không bình sĩ nào của chúng tôi bước vào chùa.”
Không lâu sau nửa đêm ngày 21/8, cảnh sát tấn công các chùa và bắt giữ các tăng ni và phật tử hơn 1400 người. Mặc dù Đôn nhìn nhận rằng chiến dịch “thành công về khía cạnh quân sự,” ông nổi giận vì “quyết định của Nhu tấn công chùa chiền và lôi quân đội và cá nhân tôi vào làm người đứng đầu tạm thời hóa ra thành sự sụp đổ tối hậu của hai anh em.”
Trong khi những bố ráp của cảnh sát đã đập nát sự kháng cự của Phật tử, họ thất bại không tóm được Trí Quang. Khi Tất ngồi trong xe jeep đậu bên ngoài Xá Lợi, giám sát máy truyền tin, một sĩ quan QLVNCH tiến đến gần anh và yêu cầu cho phép y chở một người không rõ danh tánh ra khỏi chùa đến sứ quán Mỹ. Mặc dù Tất từ chối, sau khi viên cảnh sát đi rồi, ông nhìn thấy một ô tô mui kín mang Trí Quang rời khỏi chùa. Đại úy Tất cho ông đi qua. “Tôi đã có thể bắt giữ Quang dễ dàng,” Tất nói, “nhưng lệnh của Tung là không được chạm vào bất cứ ai.” Nhà sư đã lách qua kẽ tay của Nhu. Mặc dù cuộc đôt kích hoàn thành mục tiêu của Nhu, chiến lược của ông cũng đồng thời đẩy các vị tướng và người Mỹ vào vòng tay nhau. Chính quyền Hoa Kỳ phản ứng gay gắt với điều họ xem là thảm họa đang lù lù đến gần. Bộ Ngoại giao gửi một một thông điệp đến vị tân đại sứ Mỹ ở miền Nam, Henry Cabot Lodge, nói rằng :
Giờ rõ ràng là thiết quân luật được đề xuất hoặc Nhu lừa họ chuyện đó, Nhu đã lợi dụng sự áp đặt thiết quân luật để đè bẹp chùa chiền.. . do đó đặt trách nhiệm vào tay giới quân sự trong mắt của thế giới và nhân dân Việt Nam. Cũng vậy, rõ ràng Nhu đã dùng thủ đoạn để chiếm quyền chỉ huy. Chính quyền Hoa Kỳ không thể chịu được tình trạng trong đó quyền lực nằm trong tay Nhu. Diệm phái được ban cho cơ hội để loại bỏ Nhu và cánh của y và thay thế họ bằng những nhân vật quân sự và chính trị tốt nhất đang có. Nếu, trong trường hợp ngài đã nỗ lực hết sức mà Diệm vẫn ngoan cố và khước từ, thế thì chúng ta phải đối mặt với khả năng là chính Diệm cũng không thể được giữ lại.
Hột xúc sắc đã được gieo.