CHƯƠNG 3: “HOẶC DIỆM THAY ĐỐI CHÍNH SÁCH HOẶC CHÚNG TÔI SẼ THAY DIỆM”
George J. Veith
Trần Quang Nghĩa dịch
Cái Chết của Diệm
Diệm tìm cách củng cố nhà nước chống sự xâm lược của Cộng sản và thoát khỏi tình trạng đấu đá kinh niên của người Quốc gia bằng cách tạo ra một chế độ chuyên chế. Buồn thay, thái độ coi mình là vị cứu tinh và tính độc đoán gia trưởng, chính những phẩm chất đã giúp ông thành công trong những năm đầu, cuối cùng làm ông mù quáng và người hậu thuẫn ông xa lánh. Như mọi nhà lãnh đạo quần chúng, ông có một cái vỏ bản ngã, và các thuộc tính cá nhân đã giúp ông có thể thành công trong thời kỳ biến động lớn đã trở nên lỗi thời trong thời kỳ tương đối ổn định. Người Mỹ bất đầu chán ghẻt những bài độc thoại dài lê thê và thói không ưa bị phê phán, cũng như quan niệm cho rằng tính dân chủ không thích hợp cho một nhà nước Việt Nam mong manh, vừa mới ra đời lại đang vướng vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Vào năm 1963, nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam cũng sợ rằng ông đang lèo lái đất nước đến thảm bại. Đối mặt với mối thù nghịch dâng cao trong nội bộ, ông càng đàn áp mạnh tay hơn, buộc giới ưu tú miền Nam phải nhờ đến bạo lực để vượt qua áp bức.
Trong khi nhiều người đổ tội cho Hoa Kỳ đã xúi giục đảo chính, các tướng lĩnh có những lý do cho sự nổi dậy của họ. Một trong số đó là lo sợ rằng Diệm và Nhu bí mật bắt tay với Cộng sản để trung lập hóa đất nước. Hay biết về việc Diệm đi quá xa và sợ rằng tổng thống có thể tìm cách trung lập hoá đất nước, các tướng lĩnh quyết định loại ông. Nhưng trước tiên, họ cần được bảo đảm rằng đồng minh chủ yếu của họ sẽ không bỏ họ.
Dù không nghi ngờ gì sự tán thành của người Mỹ càng làm họ thêm quyết tâm, nhưng đó là vấn đề của người Việt Nam, không phải sáng kiến của Mỹ. Còn nữa, sự tán thành ngấm ngầm của người Mỹ gây ra những hậu quả bi thảm kéo dài cho mối quan hệ chính trị Việt-Mỹ. Nó củng cố niềm tin của người miền Nam cho rằng CIA kiểm soát hoặc đứng đằng sau mọi sự kiện và không có cuộc đảo chính nào thành công nếu không có sự hậu thuẫn của người Mỹ. Việc Mỹ chống lưng cho vụ lật đổ Diệm trở thành con dao hai lưỡi. Cho dù các tướng lĩnh thì biết ơn, nhưng mối ngờ vực bản năng của họ về các động lực che đậy của Hoa Kỳ càng tăng lên, không hề được giải tỏa.
Khi ôn lại toàn bộ những lý do đảo chinh tháng 11, 1963 của các tướng lĩnh, người ta có thể lập luận rằng các tướng lĩnh đã phán đoán sai về tình cảm của nhân dân mình đối với Diệm và các chính sách của ông ta hoặc rằng hành động của họ che giấu một luồng gió mạnh để tự cắt nhắc mình lên cấp bậc cao hơn. Mặc dù tin rằng người Mỹ sẽ hậu thuẫn đảo chính là điều sinh tử trong tính toán của họ, và các cuộc bố ráp chùa chiền là điểm tới hạn, quyết định của các tướng lĩnh nhằm hạ bệ Diệm bắt nguồn từ nhiều động cơ. Nhiều mối quan tâm này kết tinh thành một quyết định cho rằng cách duy nhất để đảo ngược tình hình là quân đội nên hành động để cứu đất nước, đúng như giới quân sự đã từng làm trong các nước khác. Cuối cùng, trong khi người Mỹ gánh lấy một phần trách nhiệm nào đó, vụ đảo chính là vấn đề của người Quốc gia do giới quân sự miền Nam tiến hành vi những lý do đặc biệt Việt Nam.
ÂM MƯU CHÍN DẦN
Đối với nhiều người ủng hộ tổng thống, việc đột kích chùa chiền là giải pháp cuối cùng. Ngoại trưởng của Diệm, một người Phật tử sùng đạo tên Vũ Văn Mẫu, lập tức từ chức và cạo đầu để chứng tỏ tình đoàn kết với các thầy tu. Một số người hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của Diệm, kể cả tư lệnh Quân đoàn III, Tôn Thất Đính, cũng bí mật gia nhập một nhóm âm mưu đảo chính tập trung vào ba tướng lĩnh cao cấp trong quân đội: Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, và Dương Văn Minh. Một sĩ quan khác vừa được chiêu mộ là Chuẩn tướng Mai Hữu Xuân, chỉ huy trung tâm huấn luyện Quang Trung ngoại ô Saigon.
Một sĩ quan mà nhóm âm mưu cần phải lôi kéo một cách khẩn thiết là Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, phụ tá chính của Đôn và tham mưu trưởng của Tổng Tham mưu Liên quân. Nhóm âm mưu không thể chuyển quân hoặc phát lệnh mà Khiêm không biết, nhưng mối quen biết thân thiết trước đây của ông với Diệm khiến họ phải dè chừng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, vào giữa tháng 9 1963 Minh được tin cẩn giao nhiệm vụ xem tâm ý Khiêm thế nào
Minh giật mình khi Khiêm thổ lộ với ông rằng mình và bạn cũ Nguyễn Khánh đang lên kế hoạch lật đổ Diệm. Khiêm đồng ý tham gia với nhóm của Minh, và ông được ghi tên vào ủy ban đảo chính. Khánh, tuy nhiên, không được tiếp cận, vì Đôn cho rằng ông ta là một người cơ hội sẽ sẵn sàng phản bội họ nếu Diệm phát hiện ra âm mưu.
Song song với những lý lẽ thông thường thường trưng ra đối với vụ đảo chính, có một nỗi lo sợ khác có ý nghĩa đóng một vai trò chủ chốt, nhưng hiếm khi được xem xét . Nhiều sĩ quan cao cấp nhìn nhận chuyện đang bắt đầu quay cuồng vào mùa hè 1963 rằng nhà Ngô đang bí mật tiến hành thương thảo với Hà Nội. Mặc dù hầu hết các học giả đều đã bác bỏ ý kiến cho rằng việc sợ bị trung lập hóa đã phát động vụ đảo chính, cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của Diệm-Nhu trong chiều hướng đó chỉ là màn dạo đầu nhỏ bé, mà tính nhạy cảm của người Việt đã phóng đại nó lên. Các ghi chép của Việt Nam trước và sau đảo chính thường đề cập đến mối quan ngại có ý nghĩa này, và trong không khí sặc mùi chính trị của Saigon, lời kết án góp thêm quyết tâm hành động. Những nỗ lực này của Diệm-Nhu, vốn đã được đồn đãi từ chuyện thăm dò nhằm mở lại những quan hệ mậu dịch với Miền Bắc đến những đề xuất hòa bình, được biến thành một âm mưu “trung lập hóa” miền Nam. Tôn Thất Đính gọi nó là “lý do sâu xa nhất” của cuộc đảo chính. Đại tá Đổ Mậu, chỉ huy đơn vị phản gián quân đội, tuyên bố rằng “kết quả quan trọng nhất của cuộc đảo chính thành công là nó ngăn cản Diệm và anh em ông thực hiện mưu toan điên rồ và ngu ngốc nhằm bán đứng miền Nam và giao nó cho Hồ Chí Minh.”
Nguyễn Khánh cũng biết về những toan tính lén lút của Diệm, và không lâu sau các vụ bố ráp chùa chiền, ông bảo với một liên lạc viên CIA rằng mình cảnh giác “chế độ có thể thỏa thuận với Miền Bắc hơn là chấp nhận sức ép của Mỹ hoà giải với Phật giáo. Khánh nói rằng ông và các bạn khi đó sẽ nổi loạn.”
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 1969, cựu phó tổng thống của Diệm, Nguyễn Ngọc Thơ, khẳng định là Diệm đang tìm cách đi đến một hòa giải với Hà Nội. Theo Thơ, “để thoát khỏi những yêu sách trái ngược nhau và quá đáng của người Mỹ rằng ông phải thắng cuộc chiến và đồng thời biến miền Nam thành một nước dân chủ kiểu Mỹ. Diệm ôm ấp ý tưởng thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến với Hà Nội, đề xuất một loại liên bang với Miền Bắc, và cuối cùng tổ chức cuộc bầu cử 1956 đã bị đình hoãn để thống nhất đất nước. Kế hoạch này phát sinh ra cuộc đảo chính 1963.”
Trần Văn Định, lúc đó là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đồng ý với nhận định của Thơ. Định nhớ rằng Diệm ra lệnh cho ông “thỏa thuận một cuộc ngừng bắn với Hà Nội và đồng ý để mọi lực lượng Hoa Kỳ ra đi và nhận các đại điện của MTGP vào chính quyền, cũng như một cuộc bầu cử…trong đó MTGP có thể tham gia.” Sĩ quan CIA Lou Conein, người liên lạc chính giữa các tướng lĩnh và sứ quán, đồng ý rằng Diệm “tính mình phải thỏa thuận với Miền bắc. Em trai ông Ngô Đình Nhu vào đầu năm 1963 bảo riêng với tôi là mình đang thỏa thuận với Miền Bắc.”
Lời dọa dẫm này, một liên minh được thỏa thuận với người Cộng sản sẽ biến miền Nam thành một nước trung lập, là một nhân tố chủ chốt trong quyết định của tướng lĩnh. Tại sao họ quá bối rối trước khả năng của việc trung lập hóa? Nhiều quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba khác đang ra sức lèo lái một hành trình độc lập giữa thế giới tự do và Cộng sản, vậy thì tại sao miền Nam lại không? Lời đáp cho câu hỏi nầm trong quá khứ đẫm máu của Việt Nam. Những người Quốc gia Việt Nam và người Mỹ, phản ánh những trải nghiệm lịch sử của riêng mình, nhìn chủ nghĩa trung lập hoàn toàn khác nhau. Trong khi người Mỹ thường nhìn sự trung lập như một người hoặc một nước không liên kết về đấu tranh quyền lực giữa hai khối trên thế giới, thì hầu hết người Quốc gia định nghĩa một người Việt Nam Trung lập là một người thân Cộng. Tiêu chuẩn Quốc gia kịch liệt cho rằng người Cộng sản xem sự trung lập hóa sẽ được tiếp nối bằng một liên minh như một bước đệm chính trị dẫn đến thắng lợi. Bất kỳ liên hiệp nào cũng là một bẫy sập chết người. Đây không phải là mối lo âu có tính chất đảng phái thường đi sau một vụ thất cử; mối sợ hãi này có nguồn gốc đích thực. Người Quốc gia đã trải qua một cuộc thanh trừng do người Cộng sản cầm đầu sau khi họ đã hợp tác trong chính phủ liên hiệp với Hồ Chí Minh vào 1945-46. Nhiều nhân vật Quốc gia hoặc tôn giáo bỗng nhiên mất tích hoặc bị Cộng sản mưu sát. Những phiên tòa trá hình và các vụ hành quyết tiếp sau trong các cuộc bức hại gọi là Cải cách Ruộng đất vào những năm 50 xảy ra ở Miền Bắc dập tắt mọi ngờ vực còn vương vít đối với số phận của mình nếu người Cộng sản lên nắm quyền.
Vào cuối cuộc chiến Đông Dương Lần Thứ Nhất, Pháp trở thành người ủng hộ dẫn đầu cho trung lập hóa để chấm dứt xung đột. Paris tin rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ để xây dựng một miền Nam chống cộng chắc chắn sẽ thảm bại. Ở ngay nền tảng, người Pháp xem Hồ Chí Minh như lãnh tụ Việt Nam hợp pháp duy nhất và tin rằng Hà Nội rồi cuối cùng cũng sẽ kiểm soát toàn bộ đất nước. Tất nhiên người Quốc gia không tin vào những ý định của Pháp, và mối hoài nghi của họ có nguồn gốc ở quá khứ. Nhiều người Quốc gia viện dẫn rằng người Pháp đã bí mật sử dụng người Cộng sản trong những năm 30 và 40, để thủ tiêu những đồng đội của họ. Họ nghi ngờ rằng quyền lợi thương mại của Pháp đứng đằng sau chính sách, hy vọng rằng giúp Hà Nội trung lập hóa miền Nam sẽ bảo đảm mối liên hệ kinh tế đặc biệt trong tương lai giữa hai quốc gia. Vì vậy Diệm bác bỏ mọi đề xuất trung lập hóa của Pháp, cho rằng chúng chỉ là những liên minh ngụy trang.
Hoa Kỳ cũng tẩy chay các đề xuất của Pháp cho một miền Nam trung lập. Đối đầu với sự ương ngạnh của Mỹ, Paris tìm cách làm dịu mối quan ngại của Washington. Người Pháp có ý kiến là cuộc chiến này không thể thắng được vì người Quốc gia không được sự ủng hộ rộng khắp, trong khi một Việt Nam thống nhất dưới sự cai trị của Hà Nội sẽ không đặt ra mối đe doạ đối với quyền lợi của phương Tây. Hơn nữa, mối thâm thù có tính lịch sử giữa Tàu và Việt sẽ giữ cho đất nước tránh khỏi sự kéo hút do ở cạnh nhau với Bắc Kinh. Trong khi các tuyên bố này còn có thể tranh luận, luận đề của người Pháp sẽ định hình cách suy nghĩ của nhiều người Mỹ chống đối những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hậu thuẫn Saigon.
Tuy nhiên sự trung lập hóa không chỉ là một kế hoạch của Pháp, cũng không chỉ dành cho Việt Nam. Khi cuộc chiến bùng nổ vào năm 1960 ở nước Lào láng giềng giữa lực lượng chính quyền, phe trung lập, và người nổi dậy Cộng sản do Hà Nội hậu thuẫn gọi là Pathet Lào, cả người Mỹ và người Nga nhảy vào can thiệp. Để chấm dứt nội chiến Lào và ngăn ngừa một đối đầu siêu cường giữa Mỹ và Liên bang Xô viết, chủ tịch nước Cao Miên, Hoàng thân Norodom Sihanouk, đề nghị vào cuối 1960 kết thúc chiến tranh qua một hội nghị giống như Hiệp định Geneva 1954. Kế hoạch tiến triển vì người Mỹ đồng ý tham dự, và một hội nghị 14 quốc gia khai mạc ở Geneva vào tháng 5 1961. Tất cả đều hiểu rằng để hội nghị thành công, một chính quyền liên hiệp trung lập phải được thành lập sẽ yêu cầu Hà Nội phải rút quân khỏi Lào và ngừng mọi cuộc xâm nhập vào miền Nam
Tuy nhiên, Diệm khăng khăng cho rằng một chính quyền liên hiệp Lào sẽ không tránh khỏi đưa đến “cộng sản hóa Lào bằng những biện pháp hợp pháp.” Ông không đơn độc trong những quan ngại của mình. Theo sử gia Mark Moyar, việc trung lập hóa “gây báo động lớn cho các điều hâu Mỹ và lãnh đạo các quốc gia không Cộng sản ở châu Á.”
Cho dù một nước Lào trung lập còn tồn tại cho đến 1975, đánh giá của mọi người về các mưu tính của Hà Nội đều đúng. Cả trung lập lẫn liên hiệp đều là chiêu bài che đậy của Công sản, một phương tiện để đạt được thắng lợi mà không cần đổ máu. Vào tháng 2 1962, Bộ Chính trị thông báo với các cán bộ của mình là đối với miền Nam, “Chúng ta vừa đánh vừa yêu cầu thành lập một chính quyền liên hiệp, yêu cầu tổng tuyển cử, yêu cầu hòa bình và trung lập. Những điều này được dự tính để tạo những bước chuyển tiếp khiến phong trào chúng ta tiến lên dễ dàng hơn, sẽ cô lập hơn nữa bọn hiếu chiến, và sẽ tranh thủ được thành phần đòi hỏi hòa bình bên trong hàng ngũ địch.”
Việc dịch chuyển thình lình trong chính sách của Hoa Kỳ từ chủ trương đánh Cộng sản ở Lào sang chấp nhận nguyên tắc trung lập hóa đất nước phát ra những đợt sóng xung kích đến chính quyền Diệm. Hội nghị Geneva phát sinh một nỗi lo sợ mới trong nhóm ưu tú miền Nam, đặc biệt trong số người bắc di cư vào miền Nam: một thỏa thuận của Hoa Kỳ với Hà Nội sẽ hy sinh Saigon. Ngờ vực những mưu tính của ngoại bang và Cộng sản, nỗi lo lắng của các viên chức chính quyền miền Nam tăng lên khi đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Lào yêu cầu đề cập luôn đến vấn đề trung lập hóa miền Nam. May thay cho Diệm, những phái đoàn khác phớt lờ quả bóng thăm dò này khi Bộ Chính trị Bắc Việt xấc xược đề nghị một điều kiện có nhiều rủi ro: Diệm phái từ chức trước khi Hà Nội chịu nói chuyện trung lập miền Nam. Nhiều năm sau này, Hà Nội cũng yêu sách Thiệu phải từ chức trước khi đối thoại hòa bình có thể bắt đầu. Đây là một đòn ngoại giao khôn khéo: loại trừ đối thủ của bạn đồng thời tạo ra mối nghi ngờ và căng thẳng trong phe địch, không kể thắng điểm tuyên truyền rằng chỉ một mình Hà Nội đang thực lòng tìm kiếm hoà bình.
Đi theo chiến lược của Bộ Chính trị, MTGP tuyên bố rằng họ ủng hộ giải pháp trung lập để ngừng chiến. Đây ắt hẳn là nỗ lực ngoại giao công khai đầu tiên của người Cộng sản để chia rẽ Saigon và Washington. Lợi dụng lễ kỷ niệm lần thứ 8 ngày ký Hiệp định Geneva, ngày 20/7/1962, Ủy ban Trung ương của MTGP phát đi một tuyên bố bốn điểm. Họ tính toán là đề nghị công khai ngừng chiến có thể thúc đẩy dân miền Nam vốn đã khổ sở nhiều vì chiến tranh sẽ đòi người Mỹ ra đi và do đó tiêu diệt chính quyền Diệm. Vì vậy MTGP đề nghị một biến thể của công thức Lào. Theo đó họ đề xuất một liên hiệp để đổi lấy việc loại bỏ chính quyền Diệm và ngừng bắn nếu mọi lực lượng Mỹ phải rút khỏi đất nước. Hơn nữa, Mặt Trận yêu sách được ban cho địa vị pháp lý như một thực thể chính trị, tiếp theo là một cuộc tuyển cử bầu ra Hội đồng Quốc gia. Sau cuộc bỏ phiếu, một chính quyền mới sẽ phối hợp với Cao Miên và Lào để tạo ra một “vùng trung lập”.
Người miền Nam ngay sau đó tịch thu được tài liệu bí mật hướng dẫn cán bộ của MTGP vạch ra mục đích thực sự đằng sau tuyên bố 20/7. Tuyên bố không phải là một đề nghị hòa bình mà thay vào đấy là một “cuộc tấn công chính trị” nhằm “cô lập đế quốc Mỹ… gây chia rẽ hàng ngũ địch” và “tập kết nhiều lực lượng hơn về phía cách mạng.” Những tài liệu được xếp loại cao cấp được soạn thảo vào thời gian đó bởi Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, bộ chỉ huy Cộng sản ở bộ phận phía nam miền Nam, và được xuất bản sau chiến tranh khẳng định rằng đề nghị trung lập là một thủ đoạn tuyên truyền: “Chúng ta phải làm mọi người hiểu rõ rằng chúng ta không thay đổi chính sách, và rằng đây chỉ là một mưu mẹo về phần chúng ta không hơn không kém.”‘ Hơn nữa, Lê Duẩn, Bí thư Thứ Nhất Đảng Cộng sản ở Hà Nội, gửi một bức thư cho Văn phòng Trung ương Cục miền Nam nói rõ rằng ông coi sự trung lập hóa là một sự đầu hàng được ngụy trang của Saigon. Vì một thắng lợi quân sự của MTGP không thể nào đạt được trong thời gian ngắn, một giải pháp thỏa thuận là cách lựa chọn tốt nhất để lật đổ Diệm. Lê Duẩn viết, “Dựa vào cán cân lực lượng giữa phe ta và phe địch… mục tiêu cách mạng của miền Nam là dần dần, từng bước một đánh đuổi đế quốc Mỹ và … lật đổ chính quyền bù nhìn và thay thế bằng một chính quyền độc lập và trung lập.” Xét mối hiềm thù của Diệm đối với một chính quyền liên hiệp, cộng thêm việc các mưu tính Cộng sản bị bại lộ qua các tài liệu bị tịch thu, ông bác bỏ đề nghị của MTGP.
Diệm cũng không tin tưởng VNDCCH sẽ tôn trọng hiệp định Lào. Mối lo sợ của ông chẳng bao lâu được xác minh. Như sử gia Pierre Asselin chỉ ra, Hà Nội “muốn không phải là nền trung lập thực sự và vĩnh viễn của Lào, mà là sự trung lập trên giấy tờ và chừng nào mà những giấy tờ này còn phục vụ cho mục đích của cách mạng….”
Mặc dù hội nghị cấm xâm nhập và ra lệnh rút quân đội khỏi Lào, Hà Nội tiếp tục xâm nhập người và vũ khí vào miền Nam và không rút bộ đội ở Lào như đã hứa. Các người Quốc gia liền lập tức mỉa mai đổi tên Đường mòn Hồ Chí Minh là “Xa lộ Tưởng niệm Harriman” theo tên Averell Harriman, trưởng nhóm điều đình Mỹ cho hiệp định. Người Pháp đáp trả rằng những thất bại này là do cuộc chiến ở miền Nam tiếp diễn và rằng dù sao hiệp định cũng loại bỏ được sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô tại đất nước nhỏ bé, nghèo khổ đó. Ý kiến người Pháp không thuyết phục được ai. Hà Nội đã đồng ý với các điều khoản của hiệp định bất chấp sự kiện tiếp diễn và rồi nhanh chóng không chấp hành những bảo đảm được ký kết. Tệ hơn, sự thất hứa của Hà Nội sẽ dự báo không tốt cho bất kỳ bảo đảm tương lai nào là nó sẽ tuân thủ những hiệp ước quốc tế.
Diệm cho rằng hiệp định cũng làm suy yếu đi đất nước mình vì khuyến khích các xứ Đông Nam Á khác tìm kiếm trung lập hoặc trao đổi ngoại giao với Hà Nội. Vào tháng 8 1962, Sihanouk đã yêu cầu hội nghị Geneva cũng nên thảo luận về việc trung lập hóa Cao Miên, nhưng không đi đến đâu. Vào cuối tháng 9 1962 Diệm yêu cầu Lào không công nhận Hà Nội, nhưng Lào từ chối, cho rằng nền trung lập của họ dựa vào hiệp định Geneva, Diệm liền triệu hồi đại sứ của mình ở Lào về nước và cắt đứt ngoại giao với Lào. Chính sách của miền Nam thật rõ ràng: nếu quốc gia nào công nhận VNDCCH hoặc MTGP, Saigon sẽ cắt đứt ngoại giao với nước đó.
Thật đáng tiếc, cho dù Hoa Kỳ có những nỗ lực đầy ý nghĩa hơn một thập niên sau đó để trấn an Saigon về sự hậu thuẫn trường kỳ của người Mỹ, nhưng người Quốc gia lúc nào cũng sợ Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi họ một ngày nào đó. Suy nghĩ này sẽ không ngừng tô màu cho việc phân tích các động lực Mỹ ở miền Nam. Tuy nhiên, người Mỹ xem tình hình ở Lào và miền Nam khác nhau sâu sắc. Đối với Hoa Kỳ, việc ký kết Hiệp định Geneva vào ngày 23/7/1962 “dựa trên giả định nền tảng rằng quân đội Lào hoàn toàn không có khả năng ngăn cản sự trân nhập ồ ạt của Cộng sản vào đất Lào chừng nào mà các đơn vị Việt Minh còn tiếp tục can thiệp. Do đó chúng ta đã tập trung nỗ lực của mình vào thỏa thuận quốc tế quy định sự rút quân của Việt Minh và việc thành lập chính quyền liên hiệp làm thời.” Người Mỹ thẳng thắn nghĩ rằng người miền Nam sẽ chiến đấu còn Lào thì không, nhưng thuyết phục người Việt vốn lúc nào cũng e sợ về sự phân biệt chính sách đó là điều thử thách.
Ngủ yên một thời gian, kế hoạch trung lập hóa của Pháp thình lình trỗi dậy lại vào cuối tháng 8 1963. Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, trong phản ứng với vụ đột kích chùa chiền, lên tiếng rằng nước Pháp sẽ hân hạnh “hợp tác với nhân dân Việt trong một nỗ lực thống nhất đất nước và trút bỏ ảnh hưởng của ngoại bang.” Thời điểm phát biểu của De Gaulle gây ngạc nhiên và sốc cho Washington, vì dường như nó được tính toán để can thiệp vào những nỗ lực của Mỹ nhằm khuyến cáo nhà Ngô thay đổi chính sách trong một số lĩnh vực. Hơn nữa, cơ quan hành pháp Mỹ hóa ra quan ngại sâu sắc rằng đề xuất của De Gaulle có thể củng cố chủ nghĩa chống Mỹ đang lớn mạnh của Nhu hoặc rằng Diệm sẽ sử dụng đề nghị của Pháp như một đối trọng chống sức ép của Mỹ trong vấn đề cải cách.
Khi các viên chức Mỹ bày tỏ sự bất mãn đối với tuyên bố của De Gaulle đến các đại diện Pháp, họ bác bỏ các phản kháng của người Mỹ, cho rằng De Gaulle chỉ đơn giản xác định lại những điều được tin tưởng từ lâu. Điều đó rõ ràng là sai lầm. Đối với De Gaulle, đề nghị trung lập hóa là một phần trong nỗ lực muốn tạo ra cho nước Pháp vai trò toàn cầu độc lập với Hoa Kỳ. Ông tin rằng khối siêu cường đang tan rã và rằng Pháp có thể phát triển những liên kết mới. Nếu nó khiến người Mỹ khó chịu về vấn đề Việt Nam, nơi niềm kiêu hãnh của Pháp còn bị nhức nhối sau khi buộc lòng phải để người Mỹ thay thế mình, thế thì càng tốt.
Nếu xét quan điểm chống đối sự trung lập và chính quyền liên hiệp đã ăn sâu đầu óc Diệm, người ta khó có thể tưởng tượng tâm trạng ông khi ông thình lình đảo ngược hướng và mở ra thảo luận bí mật với Hà Nội. Vậy mà Nhu làm chính xác những gì mà Washington lo sợ: ông ta bắt đầu các cuộc tiếp xúc thăm dò để tiến tới những đàm phán tiềm năng với người Cộng sản. Các mục tiêu chính xác của nhà Ngô vẫn còn chưa được hiểu hết, nhưng Roger Lalouette, đại sứ Pháp tại VNCH, đã bắt đầu làm việc kín đáo với Nhu một thời gian vào mùa hè 1963 để trao đổi những thông điệp qua lại giữa Hà Nội và Saigon. Miecyzslaw Maneli, đại diện Ba Lan tại Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, một bộ phận được quy định bởi Hiệp định Geneva 1954 để giảm sát việc đình chiến, cũng bắt đầu những tiếp xúc bí mật với Nhu. Maneli báo cáo với Hà Nội rằng trong cuộc đối thoại đầu tiên với Nhu vào ngày 4/9/1963, mục đích Nhu mời ông ta “là để thiết lập mối tiếp xúc mà ngay lúc này không ràng buộc ai điều gì cả. Trong việc phòng vệ chống lại Hoa Kỳ, ông ta quay sang chúng tôi tự giới thiệu mình là một chính khách có khả năng đàm phán với miền Bắc.”
Trong khi những cuộc trao đổi với Manelli không đi đến đâu, thì những tin đồn bắt đầu lan rộng ở Saigon rằng Nhu đang bí mật gặp gỡ các đại diện Cộng sản và rằng Hồ Chí Minh đang cứu xét đề xuất của De Gaulle. Các tướng lĩnh báo động trước sự hội tụ của việc tái khởi động kế hoạch trung lập hóa của Pháp và các báo cáo về khúc dạo đầu của Nhu. Như đã nói trước đây, Tôn Thất Đính và Đổ Mậu đặc biệt nêu ra những toan tính của Nhu là một lý do để họ tham gia đảo chính. Tình cảm này cũng được Trần Thiện Khiêm chia sẻ. Ông bảo với một sĩ quan CIA rằng “Các tướng lĩnh dù thế nào cũng không đồng hành cùng Nhu nếu ông ta bước về phía miền Bắc dù chỉ một bước hoặc thậm chí về hướng trung lập hóa theo kiểu Lào.”
Lê Văn Kim cũng vọng lại những tình cảm tương tự không lâu sau cuộc đảo chính, kể cho một nhà báo rằng “Chúng tôi biết rằng Nhu đã bắt liên lạc với miền Bắc – đó là một trong những lý do để chúng tôi chiến đấu.” Ngoài nỗi sợ hãi sâu xa về sự liên hiệp với Hà Nội, cũng nổi lên trong nhóm người tham gia đảo chính một niềm tin rằng Diệm đã đi lạc hướng khỏi con đường lý tưởng Quốc gia. Dương Văn Minh và những người khác dùng chữ “cách mạng” để gọi tên cuộc đảo chính, một nỗ lực để loại bỏ khỏi miền Nam cái mà họ gọi là “chế độ gia đình trị”. Cảnh sát mật, bọn chỉ điểm Cần Lao, và tình trạng thiếu quyền tự do chính trị làm day dứt những người đang tiến hành cuộc chiến chống các áp bức tương tự như ở Miền Bắc. Có thể việc gọi nó là “cách mạng” đơn giản chỉ là cái áo khoác che đậy một hành động tội ác. Thời gian đầu họ đã chào đón những hành động cứng rắn của Diệm nhằm xây dựng đất nước, nhưng theo thời gian, chính cái phẩm chất đã làm Diệm quá thu hút – sức mạnh ý chí và tầm nhìn không khoan nhượng, ý thức chủ đạo của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam – đã biến thái thành thái độ ngoan cố. Đúng hay sai, những kẻ âm mưu đảo chính phán xét Diệm và anh em ông đã không phản bội các nguyên tắc dân chủ Tây phương mà thay vào đấy phản bội những chuẩn mực của họ về chủ nghĩa quốc gia Việt Nam và quyền tự do chính trị. Bằng cách biến thành kẻ độc tài, Diệm đang đánh mất nhân dân và từ đó đánh thua cuộc chiến. Loại Diệm và anh em ông trở thành niềm khao khát chính trị để tái định hướng miền Nam trở về với nguồn cội Quốc gia của nó, vì nó có nhiệm vụ ngăn cản sự tiếp quản của Cộng sản. Trong tâm trí họ, quân đội là người bảo vệ đất nước, và bảo vệ miền Nam không chỉ là bổn phận mà còn là nhiệm vụ thiêng liêng của họ. Đối với Trần Văn Đôn, “Hoặc Diệm thay đổi chính sách của mình, hoặc chúng tôi sẽ thay Diệm.”
Một vai trò chủ chốt khác trong cuộc đảo chính, ít được xem xét đến, là sự vận động ngầm của Đảng Đại Việt. Hai đảng phái Quốc gia lâu đời, Đại Việt và VNQDĐ, vẫn còn hận thù với Diệm. Sau khi tổng thống loại bỏ họ, họ tìm cách lật đổ ông ta. Sau khi bị cho ra ngoài vòng pháp luật, họ hoạt động ngấm ngầm và tiếp tục chiêu mộ, chủ yếu trong số các sĩ quan và công chức. Họ tương đối thành công, và một số tiểu đoàn trưởng, như Thiếu tá Dương Hữu Nghĩa, người cầm đầu một đơn vị thiết giáp đóng ở Saigon, là đảng viên Đại Việt. Đại Việt nhắm vào Minh Cồ, và đảng viên tranh thủ sự tin cậy của Minh vào những người Đai Việt là Thiếu tá Huỳnh Văn Tồn. Sau này ông giúp thuyết phục Minh rằng Khiêm có thể tin tưởng được. Việc lên kế hoạch của Đại Việt đã được đền đáp, và khi Minh bắt đầu mưu tính chống Diệm, lãnh tụ Đại Việt cao cấp Nguyễn Ngọc Huy tuyên bố rằng “Minh ngay lập tức nhận được sự hậu thuẫn của mạng lưới Đại Việt trong quân đội.” Không may cho Minh, cho phép Đại Việt hỗ trợ mình sẽ dẫn đến việc hủy hoại thanh danh. Những toan tính của Đại Việt trở thành âm mưu bên trong âm mưu, và những vận động liên tục của họ sẽ khuấy đục chính tình miền Nam trong hơn một năm.
Tia lửa cho Nghĩa và đảng viên Đại Việt khác bắt đầu bí mật bày mưu chống chế độ Diệm là vụ tự tử vào ngày 7/7/1963 của một nhà văn Quốc gia rất được kính trọng có tên Nguyễn Tường Tam. Mặc dù là một thành viên của VNQDĐ, Tam, một người miền Bắc và người chống đối Diệm, là một nhà văn tiếng tăm (bút danh ông là Nhất Linh) mà các tác phẩm của ông đã tạo cảm hứng cho nhiều thanh niên gia nhập lý tưởng Quốc gia. Cùng với 20 người khác, Tam bị kết tội dính líu vào cuộc đảo chính bất thành tháng 11 1960. Không lâu trước khi bị đem ra xét xử trước tòa án quân sự, ông uống thuốc độc tự tử. Việc ông tự tử, đến ngay sau việc Quảng Đức tự thiêu, và lời trăn trối được in ra kích động nhiều sinh viên tham gia phong trào chống đối đang lớn mạnh của Phật tử. “Đời tôi,” Tam viết, “hãy để lịch sử xử… Việc bất giữ và kết án những phần tử quốc gia chống đối là một tội ác ghê tởm sẽ đẩy đất nước vào tay người Cộng sản. Tôi chống đối những hành động này và tự tử như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh tỉnh những ai chà đạp mọi quyền tự do.”
Khi xe tang của ông được đưa đến chùa Xá Lợi để làm lễ an táng, cảnh sát chận đám sinh viên không được đến gần đặt biểu ngữ lên quan tài ông. Một cuộc ẩu đả bùng nổ giữa cảnh sát và sinh viên. Đàn áp lễ tưởng niệm cái chết của Tam xúi giục các nhà vận động sinh viên tham gia các cuộc xuống đường của Phật tử trên khắp đường phố Saigon. Sau những vụ bố ráp chùa chiền tiếp theo, sự bất mãn của sinh viên học sinh lan tràn như bệnh dịch và kết quả là những cuộc xuống đường rầm rộ. Cảnh sát Diệm đáp trả bằng những cuộc bắt bớ hàng trăm sinh viên, nhưng việc đàn áp chỉ làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh, dẫn đến suy sụp xã hội thêm nữa. Đó là một lý do khác để hành động chống Diệm.
GIỜ ĐÃ ĐIỂM
Kéo Trần Thiện Khiêm vào là mảnh ghép cuối cùng cần thiết để lật đổ Diệm. Giờ thì những nhóm khác nhau đã liên kết, những người âm mưu phân bổ nhiệm vụ. Minh là chỉ huy tổng quát, và nhiệm vụ của ông là thuyết phục những sĩ quan được chọn lựa để tham gia. Kim lo thành lập chính phủ tương lai, trong khi Đính lên kế hoạch điều động quân đội. Vai trò của Đôn là giữ liên lạc với người Mỹ và làm việc với các tư lệnh quân đoàn và những chỉ huy quân sự quan trọng khác. Huỳnh Văn Cao ở Quân đoàn IV là người trung thành với Diệm, vì thế họ tránh không tiếp xúc với ông. Khánh ở Quân đoàn II tận Cao nguyên miền Trung cũng bị loại ra ngoài. Đôn, mặc dù chờ đợi để tiếp xúc với Đổ Cao Trí, tư lệnh Quân đoàn I, trong khu vực giáp với Vùng Phi Quân sự.
Trong khi Đôn tiếp cận Trí, ông không chắc ông ta sẽ phản ứng ra sao. Trí được coi là trung thành với Diệm, và cả hai có một câu chuyện dài với nhau. Vào tháng 4 1955, Trí đã chỉ huy các đơn vị Nhảy dù tiểu trừ bè lũ găng-tơ Bình Xuyên ra khỏi Saigon. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, Diệm bỗng nổi nóng với viên sĩ quan thiện chiến sau một vụ cãi lộn về việc chọn lựa người chỉ huy mới của quân đội. Diệm bổ nhiệm Nguyễn Chánh Thi giữ chức chỉ huy lực lượng Nhảy dù thay thế ông. Cuối cùng, Trí cũng phấn đấu để lấy lại sự tin cẩn của Diệm, và vào tháng 12 1962, Đổ Cao Trí thay thế Thiệu làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Khi phong trào chống đối của Phật tử bùng lên ở Huế, thoạt đầu Trí đứng bên lề, nhưng trong vòng một tháng ông đi theo đường lối cứng rắn hơn. Vào đầu tháng 6 1963, ông gửi binh lính dẹp tan các vụ chống đối ở thành phố. 80 Phật tử bị thương trong vụ lộn xộn tiếp sau, và lãnh đạo Phật giáo Trí Quang phải chạy vào Saigon vì cuộc tấn công của Trí. Diệm thăng Trí làm chuẩn tướng vào ngày 1/7. Trong một nỗ lực sau đó, phối hợp với các cuộc bố ráp chùa chiền ở Saigon vào 20/8, binh lính của Trí đột kích và càn quét vài ngôi chùa ở Huế và Đà Nẵng. Chiến tích đó giúp ông được đề bạt lên làm tư lệnh Quân đoàn I. Hành động chống Phật tử của Trí và việc thăng chức sau đó của ông khiến Đôn thận trọng, và mãi đến 29/10 ông mới tiếp xúc với Trí. Nhờ mối tâm giao lâu năm, Trí ưng thuận tham gia đảo chính. Sau này Đôn tâm sự rằng mình biết ơn là Trí đã không bắt ông vì Trí đã nhận được lệnh viết tay của Diệm hãy bắt bắt kỳ ai đến thuyết phục tham gia đảo chính.
Một sĩ quan chủ chốt khác là Nguyễn Văn Thiệu, người chỉ huy Sư đoàn 5, đơn vị lớn nhất và ở sát Saigon nhất. Dù Thiệu kính trọng tình thần chống Cộng không khoan nhượng của Diệm, ông cũng vỡ mộng trước hành động áp bức cứ tăng cao của tổng thống. Sợ rằng chế độ chuyên chế của Diệm đang hủy hoại miền Nam và phá hỏng mối quan hệ với đồng minh quan trọng nhất của mình, ông tham gia nhóm đảo chính. Kỳ lạ, không có hồi ký nào của người Việt lẫn báo cáo của Hoa Kỳ cho biết chi tiết tại sao và thế nào Thiệu tham gia đảo chính. Thông tin duy nhất đến từ Thiệu và phu nhân ông. Bà Thiệu xác định rằng Dương Văn Minh chiêu mộ chồng mình và điều kiện chủ yếu để ông tham gia cuộc đảo chính là không được làm hại Diệm. Thiệu đưa ra thông tin tương tự cho một phóng viên sau chiến tranh. Minh, Thiệu nói, đã triệu tập ông “đến Saigon và yêu cầu ông tham gia đảo chính. Lý do Minh trình bày với ông là nếu Diệm cứ tiếp tục làm tổng thống, Hoa Kỳ sẽ rút bớt viện trợ cho quân đội.” Trong cuộc bàn luận công khai duy nhất của Thiệu về cuộc đảo chính, ông nói rằng Minh tiếp xúc với mình vào đầu tháng 10 1963. Trước khi tham gia, Thiệu nêu bốn điều kiện: chính quyền mới phải theo đuổi cuộc chiến chống cộng quyết liệt hơn, nó phải được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, một chính quyền quân sự mạnh được dựng lên sau cuộc đảo chính để chỉnh đốn tình hình đang rệu rã của chế độ Saigon, và cuối cùng sinh mạng của Diệm phải được bảo đảm. Theo lời Thiệu, Minh đồng ý mọi điều kiện trừ việc hiện diện quân sự lấn át trong chính quyền mới, vì ông ta dự tính nhanh chóng vãn hồi quyền kiểm soát dân sự. Vậy mà một yếu tố chủ chốt khác trong các điều kiện Thiệu đưa ra, mà chỉ có một phóng viên chú ý, là chính quyền mới “không được đi theo chiều hướng trung lập.”
Nhiều hội thảo về các sự kiện dẫn đến hoặc xảy ra trong khi đảo chính đã tập trung vào việc Mỹ biết trước vụ đảo chính và tán thành việc thay đổi chế độ. Những hoạt động quân sự xảy ra trên thực địa không được nhiều người biết, phần lớn bởi vì Tôn Thất Đính giữ bí mật các chi tiết hành quân. Kế từ khi cái chết của ông Diệm phủ tấm áo quan lên các sự kiện, không ai muốn bàn luận về vai trò của ông trong vụ đảo chính. Kết quả là ít sĩ quan mô tả công khai vai trò của họ cho mãi đến nhiều năm sau. Kế hoạch của Đính chọn Thiệu là người chỉ huy lục quân. Đính cũng nhấn mạnh hãy khoan dung với Diệm, và ông chỉ thị Thiệu bao vây dinh nhưng tránh tấn công trực diện. Điều này sẽ cho phép Diệm cơ hội sắp xếp nơi tị nạn chính trị với người Mỹ hoặc, nếu không được, một bảo đảm của các tướng lĩnh một chuyến đi thoát an toàn. Vì Thiệu là chỉ huy chiến trường của lực lượng nổi dậy, nhiều người – vốn không biết đến chỉ thị của Đính, đã tuyên bố rằng Thiệu đã cố tình hoãn binh để xem tình hình diễn tiến thế nào trước khi hành động. Họ cho rằng mục tiêu duy nhất của ông là Dinh Gia Long, và vì ông không tiến hành tấn công quyết liệt cho mãi đến sáng sớm hôm sau, lời kết tội dường như được minh chứng. Cả hai xác quyết đều hoàn toàn sai. Sứ mạng trước tiên của ông là chiếm Doanh trại Cộng Hòa nơi lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống đóng quân. Ông chỉ được giao mục tiêu tấn công dinh cho đến đêm 31/10.
Trong một cơn lốc xoáy đáng kinh ngạc, Nhu đã vô tình tiếp tay với phe đảo chính. Ý thức về nỗi bất mãn to lớn của các tướng lĩnh cao cấp, ông chỉ thị cho Đính tổ chức một cuộc đảo chính “giả” để làm bại lộ những người đồng mưu. Để làm thuận tiện cú phản đảo chính, Nhu chuyển Sư đoàn 7, bình thường được giao cho Quân đoàn 4 của Huỳnh Văn Cao, đến Quân đoàn III của Đính. Ông cũng điều hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến cho Đính và, quan trọng hơn, hai nhóm Lực Lượng Đặc Biệt ở thủ đô trước đây trực tiếp nghe lệnh Nhu. Khi thay đổi như thế này, Nhu đã vô tình trao cho Đính quyền chỉ huy hầu như tất cả đơn vị ông cần để tiến hành cuộc nổi dậy.
Ý thức được những sai lầm trong cuộc đảo chính 1960, Đính lên kế hoạch tấn công nhanh vào thành phố nhưng hy vọng kềm chế một trận đụng độ dữ dội. Lực lượng của ông sẽ bao vây dinh và Doanh trại Phòng vệ phủ Tổng thống, chiếm các vị trí chủ chốt trong thành phố, và phong tỏa bất kỳ các tư lệnh trung thành nào đến giải cứu Diệm. Ông sẽ phái Thủy quân Lục chiến đến chiếm đài phát thanh Saigon và trụ sở Cảnh sát Quốc gia. Sau đó, một tiểu đoàn Dù và vài đơn vị thiết giáp, một trong số đó do Thiếu tá Lý Tòng Bá cầm đầu, sẽ chiếm doanh trại Phòng vệ phủ Tổng thống. Sau khi chiếm được những vị trí này, Thủy quân Lục chiến, thiết giáp, và bình sĩ Thiệu sẽ đánh chiếm dinh. Diệm và Nhu phải rời khỏi đất nước. Thương vong phải giữ ở mức tối thiểu.
Đảo chính bắt đầu lúc 1:30 chiều vào ngày thứ 6, 1 tháng 11. Phần đông công chức vào giờ đó ra ngoài văn phòng để nghỉ trưa hai giờ theo tập quán Việt Nam, nên hạn chế được thương vong cho dân thường. Để bảo đảm không có vị chỉ huy nào trung thành với tổng thống có thể can thiệp, Khiêm mời nhiều sĩ quan cao cấp đến dùng bữa ăn trưa tại bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Trong bữa ăn, cận vệ sẽ chiếm vị trí và mỗi sĩ quan sẽ buộc phải tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính hoặc bị bắt giữ nếu trung thành với Diệm. Trí và Khánh sẽ cắt đứt mọi liên lạc với Saigon và cấm mọi cuộc chuyển quân trong quân đoàn liên hệ. Đại tá Nguyễn Huy Có được điều đến Sư đoàn 7 để thay thế người thuộc phe Diệm làm sư đoàn trưởng. Nhiệm vụ của Có là ngăn cản Huỳnh Văn Cao trong Quân đoàn IV đem quân giải cứu Diệm. Cùng lúc, hai sĩ quan Không quân, các Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ và Đổ Khắc Mai, sẽ bắt giữ tư lệnh Không lực Việt Nam và nắm quyền chỉ huy Không lực.
Có một ngạn ngữ quân sự xưa nói rằng không kế hoạch nào đứng vững qua tiếp xúc đầu tiên với kẻ địch, và âm mưu được tính toán kỹ lưỡng để lật đổ Diệm cũng không ngoại lệ. Rối rắm đầu tiên vào ngày 1/11 xảy ra khi phó đề đốc Hải quân, trong khi cố gắng làm cho đề đốc bận bịu, bỗng hoảng sợ và bất ngờ giết chết ông ta ngay trước giờ ngọ. Sợ rằng Nhu đã được đánh động, lập tức Minh ra lệnh các lực lượng đảo chính lên đường. Khởi hành từ Biên Hòa, các tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến 1 và 4 tiến nhanh trên xa lộ Saigon-Biên Hoà. Tiểu đoàn 1 nhanh chóng chiếm đài phát thanh Saigon lúc 1 giờ trưa, trong khi tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến chiếm trụ sở Cảnh sát Quốc gia. Các tướng Trí và Khánh cắt đứt liên lạc giữa thủ đô và các bộ chỉ huy quân đoàn của mình. Sư đoàn 7 của Đại tá Có cho buộc khóa các phà phía bờ Cửu Long bên ông để ngăn không cho binh lính nào còn trung thành với Diệm tiến về Saigon. Kỳ và Mai bắt giữ tư lệnh Không lực và kiểm soát Phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả động thái này đều tiến hành suôn sẻ không gặp sự cố.
Cùng lúc đó, ba đội hình thiết giáp bát đầu hội tụ về Saigon. Đại úy Phan Hòa Hiệp, phó chỉ huy Trường Thiết giáp khi đó đóng gần Vũng Tàu trên bờ biển, dẫn đầu một lực lượng cơ động. Trung tá Vĩnh Lộc chỉ huy một lực lượng tác chiến thứ hai gồm Tiểu đoàn Dù 6 và bổ sung thiết giáp từ Phước Tuy, tỉnh sát Vũng Tàu. Hai đội hình này sẽ kết nối với một tiểu đoàn bộ binh từ Sư đoàn 5 của Thiệu. Một đội hình thiết giáp thứ ba do Lý Tòng Bá dẫn đầu từ Sư đoàn 7 sẽ từ đồng bằng Cửu Long tiến về.
Quyết định ra tay sớm của Minh làm xáo trộn lịch trình của Đính, tính toán rằng Thủy quân Lục chiến, các đội hình thiết giáp, và binh lính của Thiệu sẽ tiến vào thành phố cùng một lúc. Các đội hình thiết giáp phát xuất từ Vũng tàu phải vượt 60 dặm, do đó việc canh giờ có tính quyết định. Cuộc nổi dậy dựa vào hai đội hình, gồm đa phần lực lượng đảo chính, tiến vào Saigon để đánh chiếm doanh trại và dinh. Tuy nhiên, việc Thủy quân Lục chiến thình lình chuyển quân đánh động Phòng vệ phủ Tổng thống của Diệm, khiến họ nhanh chóng dựng chướng ngại vật ngang một cây cầu chính trên xa lộ Saigon-Biên dẫn vào thành phố. Các xe tăng Phòng vệ giờ án ngữ nhóm của Thiệu. Vì ông không muốn đổ máu, Thiệu ngồi đó và chờ Vĩnh Lộc lừa được viên chỉ huy Phòng vệ cho đội hình đi qua bằng cách thuyết phục y rằng họ đến để giải cứu Diệm. Đầu óc nhanh nhạy của Vĩnh Lộc đã tránh được đổ máu và có lẽ cứu được cuộc đảo chính, một điều Thiệu không bao giờ quên.
Sau khi vượt qua chốt chặn, thiết giáp và tiểu đoàn 6 Nhảy dù của Vĩnh Lộc bao vây doanh trại Cộng Hòa vào khoảng 3 giờ chiều. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 của Thiệu chiếm giữ các vị trí quanh dinh để ngăn không cho bất kỳ phần tử Phòng vệ nào yểm trợ doanh trại. Lắng nghe bài phát thanh trên đài và biết được những vụ chuyển quân, Diệm giờ biết rằng đây không phải là đảo chính giả mà là đảo chính thực. Lúc 3:30 giờ chiều, ông gọi Trần Văn Đôn đang có mặt ở bộ Tổng Tham mưu Liên quân và phản đối hành động của giới quân sự. Đôn nói rằng họ đã cảnh báo với Diệm nhiều lần kêu gọi ông cải cách chính quyền. Đôn khuyên tổng thống đầu hàng và hứa sẽ cho ông ra khỏi Việt Nam một cách bình yên. Minh cũng nói chuyện với Diệm và khuyên tương tự. Khi Diệm từ khước đầu hàng, Minh hăm dọa sẽ phá sập dinh bằng không kích và pháo. Diệm cúp máy.
Sau khi nói chuyện với hai vị tướng phản bội, Diệm cố gắng liên lạc với các sĩ quan trung thành như Huỳnh Văn Cao, người lúc đó ở tận Cà Mau đang theo dõi những nỗ lực giải cứu ba cố vấn Mỹ vừa bị du kích quân Cộng sản bắt được. Do đường truyền điện thoại kém, Cao không thể nghe được Diệm. Sau đó ông bay về bộ tư lệnh ở Cần Thơ để nối máy lại với vị tổng thống đang tơi tả, nhưng Cao không sao đến được với ông. Không lâu sau đó, Cao nhận được một cú điện thoại từ Đổ Mậu và Khiêm tại bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Mậu bảo với Cao rằng sau hơn một thập niên mình ủng hộ tổng thống, giờ ông chống đối Diệm “bởi vì tổng thống đã về phe với Cộng sản.” Sau khi nói chuyện với hai người, Cao miễn cưỡng nói mình sẽ đứng về phe đảo chính, nhưng với điều kiện Diệm và Nhu không bị hại. Khiêm đồng ý, và khả năng ngăn chặn cuộc đảo chính của Diệm đang bốc hơi nhanh chóng.
Lực lượng trung thành bảo vệ doanh trại Cộng Hòa tượng đối yếu vì phần đông binh sĩ Phòng vệ phủ Tổng thống đã di chuyển đến đài phát thanh và cây cầu trên xa lộ. Cộng Hòa là một tòa nhà hai tầng cũ kỹ có từ thời Pháp thuộc cách dinh chưa tới một dặm. Một đợt tấn công quyết tâm có thể dễ dàng chiếm được nó nhưng Thiệu chần chừ, hy vọng tránh được cảnh đổ máu. Ông kêu gọi binh lính Phòng vệ đầu hàng nhưng họ từ chối. Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, Đôn ra lệnh Nguyễn Cao Kỳ cho hai máy bay đến oanh kích dinh một đợt để thuyết phục họ đầu hàng. Ắt hẳn Đôn đang ra sức thuyết phục Diệm và Nhu rằng lời cảnh báo vừa qua của Minh là không phải đùa, nhưng các tướng lĩnh còn hy vọng rằng Diệm Nhu sẽ đầu hàng trong hòa bình và chịu ra đi khỏi xứ. Hai chiếc máy bay lao tới oanh kích vào doanh trại một đợt rồi bỏ đi. Chiêu dụ Kỳ, tuy nhiên, có những hậu quả khó lường. Bằng cách cho Kỳ là một vai trò tích cực, Đôn và những người khác đã bật nút cho chuỗi sự kiện chuyển động mà sẽ cho thấy là không thể tháo gỡ.
Sĩ quan trung thành nhất của Nhu là Đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt. Tung bị bắt tại bữa cơm trưa ở bộ Tổng Tham mưu Liên quân để ngăn cản ông không thể can thiệp vào cuộc đảo chính. Mặc dù Đính trước đây đã điều Nhóm 77 của Thiếu tá Phạm Văn Phú ra ngoài thành phố, nhưng ông còn giữ lại Nhóm 31 của Đại úy Phạm Duy Tất để Nhu không nghi ngờ. Quyết định của Đính, tuy nhiên, còn suýt nữa là phá hỏng cuộc nổi dậy. Sau khi biết tin có một cuộc đảo chính đang xảy ra, khoảng 4 giờ chiều, với sáng kiến riêng của mình, Tất dẫn 4 xe tăng và bình sĩ chạy đến bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Tại đó chỉ có một nhúm lính gác hiện diện. Theo Tất, “Không có gì giữa tôi và các vị tướng đảo chính trừ ra vài tên lính gác. Tôi đã có thể dễ dàng xông vào và bắt giữ họ.” Không có lệnh và phân vân điều gì đang diễn ra tại bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Tất không thể tấn công căn cứ, vì thế anh để binh sĩ ở lại phức hợp và đi đến trụ sở Lực Lượng Đặc Biệt. Tại đó, phó chỉ huy LLĐB ra lệnh cho Tất không được tấn công. Tất quay trở lại với binh sĩ của mình và rút khỏi bộ Tổng Tham mưu Liên quân, không biết rằng mình chỉ cách 500 mét là có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử.
Sau đó, anh biết rằng sự xuất hiện của đơn vị mình khiến Minh kinh hoảng. Minh ra lệnh dí súng ngay đầu Tung, và lúc 4:30 Tung ra lệnh các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt của mình đầu hàng. Lúc 6 giờ chiều, cận vệ của Minh, Đại úy Nguyễn Văn Nhung, xử tử Tung. Hành động của Minh đáng lẽ đã cảnh báo cho Đôn và những người khác là ông ta không chắc sẽ giữ lời hứa giữ an toàn tỉnh mạng cho Diệm Nhu.
Ngạc nhiên sao, anh em nhà Ngô vẫn còn chưa chịu đầu hàng, và vào chiều tối, Đính dưới sức ép của Minh phải đánh chiếm dinh. Đính kế:
Bộ Tổng Tham mưu Liên quân hối thúc tôi hành động nhanh chóng để tràn vào và đánh chiếm Dinh Gia Long, nói rằng nếu tôi không làm thì Không lực và pháo binh sẽ san bằng Dinh… Lúc đó tôi đang chuẩn bị liên lạc với Đại tá Thiệu qua điện đàm để thảo luận với ông về tiến độ của chiến dịch. Mọi việc đều suôn sẻ. Không có sự cố lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, việc tấn công vào Dinh Gia Long tiếp tục dây dưa. Tôi cảm thấy Thiệu còn ngần ngại trong việc giải quyết nhóm phòng thủ. Nếu tính hình này tiếp tục kéo dài, sẽ có những hậu quả không lường trước được. Nguyên nhân của việc đình hoãn này là đơn vị Phòng vệ tại doanh trại Cộng Hòa không chịu đầu hàng. Thủy quân Lục chiến đã tiến hành một cuộc tấn công chiếu lệ nhưng đã rút lui sau khi bị bắn rất rát. Trong khi Thiệu có thể đã ồ ạt tiến chiến doanh trại, nhưng làm thế sẽ chịu thương vong lớn cho cả hai bên, điều ông muốn tránh. “Thiệu và tôi có cùng quan điểm, đó là không nên đẩy đối thủ vào đường cùng,” Đính sau đó cho biết. “Do đó, thấy tôi vẫn giữ im lặng, không ra lệnh tiếp, Thiệu tiếp tục dừng tay để cho phép Minh và sứ quán Mỹ tiếp tục thương thảo với Diệm trong hy vọng có thể cho họ một con đường thoát bảo vệ danh dự cũng như tính mạng họ!”
Để thuyết phục Diệm đầu hàng, Đính phái Thiệu đến dinh và cử một sĩ quan khác, Trung tá Lâm Văn Phát, chỉ huy cuộc tấn công vào doanh trại. Khoảng 7 giờ tối, Thiệu gọi điện cho tổng thống. Một tùy viên của Diệm trả lời, và Thiệu hỏi thăm anh về sức khỏe và vị trí của Diệm, và khuyên họ ra đầu hàng. Diệm Nhu vẫn khăng khăng từ chối, nhưng không có cách nào bắt liên lạc với đơn vị trung thành nào, họ quyết định phải rời đi. Khoảng 8 giờ tối, Diệm, Nhu và một số phụ tá bước ra ngoài Dinh, trèo lên một ô tô, và hướng về định mệnh của mình.
Không biết Diệm đã thoát khỏi Dinh và bực bội vì Diệm ngoan cố không chịu đầu hàng, lúc 8:20 Minh ra lệnh cho Thiệu tấn công Dinh Gia Long. Binh lính Thiệu tiến lên sau một loạt đạn pháo ngắn ngủi, nhưng Thiệu dừng tấn công khi Phòng vệ phủ Tổng thống tiếp tục kháng cự. Chính quyết định này sau đó khiến cho Minh tuyên bố rằng Thiệu đã tạo điều kiện cho Diệm tẩu thoát. Với ít binh lính, Thiệu không muốn dồn ép quá đáng quân Phòng vệ, vì ông còn hy vọng giải quyết vụ đảo chính ít đổ màu nhất. Sau đó Đinh liền phái Thủy quân Lục chiến 4 đến Dinh để yểm trợ cho Tiểu đoàn 2 của Thiệu còn lực lượng thiết giáp và Nhảy dù 6 của Lộc sẽ giải quyết doanh trại Cộng Hòa. Để giảm thương vong, Phát mở cuộc tấn công vào ban đêm. Khoảng 9:30 tối, đội thiết giáp của Lộc xuyên qua cổng chính. Nhảy dù 6 tiến vào doanh trại và từ từ giải tỏa các phòng ốc. Vào nửa đêm, Phòng vệ Cộng Hòa cuối cùng đầu hàng.
Khi đó Thiệu bất đầu chuyển binh lính từ Cộng Hòa đến các vị trí quanh dinh Gia Long. Cũng quan trọng không kém, Lý Tòng Bá và lực lượng thiết giáp của ông cuối cùng đã đến thành phố khoảng 11 giờ tối. Theo một tùy viên quân sự của Diệm, khi lực lượng cố thủ Dinh thấy lực lượng nổi dậy gia tăng quân số và hoả lực, đến 2 giờ sáng y gọi và “báo tin cho Tướng Khiêm là Tổng thống Diệm đã rời dinh…Người tùy viên yêu cầu Khiêm phát lệnh ngưng tấn công Dinh để tránh sát hại binh lính nào của chúng ta, nói rằng Tổng thống đã trốn khỏi Dinh Gia Long. Khiêm hỏi anh ta Tổng thống rời đi lúc nào. Anh nói Tổng thống đã bỏ đi khoảng 8 giờ tối. Khiêm vội vàng nói, ‘OK’ và nói ông sẽ lo về việc đó.”
Chẳng bao lâu sau cú gọi cho Khiêm, cờ trắng xuất hiện trong một số cửa sổ Dinh. Cho rằng Phòng vệ đã đầu hàng, lực lượng đảo chính xông vào. Thình lình binh lính Phòng vệ khai hỏa và giết chết một sĩ quan thiết giáp của Lý Tòng Bá. Việc trí trá khiến Thiệu không có lựa chọn nào khác. Lúc 3 giờ sáng, ông khai hoả. Từng loạt đạn cối rót vào, và xe tăng và súng máy nổ dòn. Binh sĩ Bá tiến công, nhưng các đơn vị Phòng vệ kháng cự, bắn hạ một số xe thiết giáp. Khoảng 6 giờ sáng, Thủy quân Lục chiến bắn thủng một lỗ trong bức tường Dinh và xông vào trận địa. Theo Bá, “Tôi và một toán Thủy quân Lục chiến là những người đầu tiên nhảy qua lỗ thủng vào bên trong Dinh. Vì là người đầu tiên vào được tôi hy vọng ngăn cản được những xung đột và đổ máu không cần thiết. . . Tôi tiến lên và chiếm cầu thang dẫn lên từng trên của Dinh, hy vọng sẽ tìm thấy Tổng thống trong đó.” Thấy Diệm và Nhu đi rồi, binh sĩ đảo chính bắt đầu cướp bóc Dinh.
Không lâu sau đó, Diệm gọi Khiêm từ nơi ẩn nấp của ông trong một nhà thờ Thiên chúa ở khu vực Chợ Lớn và chịu đầu hàng để đổi lấy được an toàn ra khỏi Việt Nam. Khiêm bảo một nhà báo Mỹ rằng tổng thống đã yêu cầu mình đến bắt họ, nhưng “Minh không cho tôi đi.” Thiệu, sau khi biết Diệm đã nhượng bộ, gọi cho Minh và xin phép đi bắt hai anh em để ông có thể bảo vệ họ. Thiệu muốn chở họ trong xe jeep mui trần và đích thân chở họ đến bộ Tổng Tham mưu Liên quân, tin rằng không ai dám sát hại họ công khai. Minh thoái thác, bảo rằng mình đã cử các sĩ quan khác. Tiến độ tấn công chậm chạp cố tình, để tránh thương vong và tạo điều kiện cho Diệm trốn thoát, đã có tác dụng. Theo Đính, chỉ có 4 lính Phòng vệ bí giết và 44 bị thương, trong khi Đính có 9 người chết và 46 người bị thương.
Mọi ghi chép đều đồng ý rằng sau khi Diệm gọi, Minh tụ hop các tướng lĩnh ra ban công tại bộ Tổng Tham mưu Liên quân để xem xét việc đầu hàng. Đôn tuyên bố mình đã đề nghị cho phép anh em họ ra đi, nhưng rồi ông ra ngoài để chuẩn bị giám sát việc tiếp đón họ đến. Đổ Mậu xác nhận có một số ý kiến về việc đem Nhu ra xét xử nhưng ý kiến chung là nên giết hai anh em. Mậu nói rằng ông phản đối, nhưng không ai ủng hộ ông. Cuối cùng các tướng lĩnh quyết định phái Chuẩn tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, và Đại úy Phạm Hòa Hiệp trong một đoàn xe hộ tống gồm một trung đội thiết giáp của Hiệp và một số xe jeep để hộ tống Diệm và Nhu đến bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Vào phút cuối cùng, Minh giao cận vệ của mình, Đại úy Nguyễn Văn Nhung, người đã giết Đại tá Tung, hộ tống Diệm và Nhu.
Phần đông đều tin rằng chỉ một mình Minh ra lệnh giết Diệm và Nhu trong một cơn bốc đồng của một quyết định phút chốc. Kịch bản chắc chắn hơn là đó là một phán xét nhất trí giữa các tướng lĩnh đầu não đồng ý không công khai gán trách nhiệm. Cả Nguyễn Khánh và Lou Conein đều khẳng định rằng đó là một quyết định tập thể với lời tuyên thệ là không ai được tiết lộ người ra lệnh. Tuy nhiên, nhiều người ở Saigon, từ các nhà báo đến các nhân viên sứ quán Mỹ, ra sức vạch trần người ra lệnh họ phải chết và họ chết như thế nào. Một số kẻ tham gia cuối cùng cho xuất bản phiên bản riêng của mình về các sự kiện xảy ra, và những chi tiết khác được thêm thắt trong các báo cáo mặt của sứ quán, nhưng việc gì xảy ra vẫn còn một phần bí mật được bao phủ bởi những tố giác và chối phăng. Cái chết của Diệm ngay lập tức tạo ra mối chia rẽ sâu sắc giữa các tướng lĩnh, nó là nguyên nhân hàng đầu cho việc “chỉnh lý” của Khánh ba tháng sau đó, và nó vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam vào năm 1971. Hiểu được tình huống cho vụ sát hại thực sự cung cấp bối cảnh cho những vấn đề sau này.
Trong khi những hồi ký của Đôn cung cấp chứng cứ từ những đồng loã khác nhau về những điều xảy ra sau cuộc họp ngoài ban công, cũng như từ những người có liên quan trong cái chết của Diệm, ít ghi chép đồng ý với Đôn gần như về bất kỳ yếu tố nào. Đôn cho rằng Chuẩn tướng Mai Hữu Xuân và một phụ tá then chốt khác của Minh thông tin cho ông là Nghĩa và Nhung bắn vào xe thiết giáp, giết chết hai anh em. Người Mỹ được Phạm Ngọc Thảo cung cấp một lời kể tương tự, theo đó ông ta bảo với một nhân viên sứ quán rằng Nghĩa đã giết họ bằng súng máy và rằng Xuân “đã ra lệnh và thúc ép Nghĩa làm việc đó.” Phần đông đã chấp nhận phiên bản này, nhưng điều đó không đáng tin. Không người lính chuyên nghiệp nào đang ngồi trong xe thiết giáp mà lại khai hỏa một vũ khí tự động. Xuân dính líu đến mức độ nào vẫn còn trong vòng bí ẩn, nhưng Đôn kể rằng khi Xuân trở lại từ nhà thờ, ông ta bước vào văn phòng Minh và nói bằng tiếng Pháp, “Mission accompli,” (sứ mạng hoàn thành), chỉ ra rằng ông ta đã thi hành lệnh của Minh.
Không lâu sau vụ đảo chính, Nghĩa được nhà báo Mỹ Stanley Karnow phỏng vấn. Nghĩa khai rằng Nhung, vốn ghét Nhu và bực tức vì cái chết của một sĩ quan thiết giáp tại Dinh, bắt đầu gây gỗ với Nhu trong xe M-113. Vụ gây gỗ trở nên nóng hơn, và Nhung rút một con dao và đâm Nhu. Rồi y rút ra khẩu súng lục và bắn vào đầu Diệm trước khi quay sang bắn một viên vào đầu Nhu. Lời kể của Karnow chỉ ra rằng Nghĩa cũng ngồi bên trong xe
Theo lời kể của Nghĩa sau chiến tranh, anh một lần nữa tuyên bố rằng Nhung giết chết hai anh em. Anh xác nhận rằng trưởng phụ tá của Minh, Đại tá Dương Ngọc Lãm, bảo với anh là Minh đã dặn dò họ giết Nhu nhưng để Diệm sống. Tất nhiên, Lãm chối là mình đã ra lệnh giết. Nghĩa xác nhận rằng Nhung được giao nhiệm vụ giết Nhu. Khi Nghĩa đến nhà thờ, Diệm và Nhu được dẫn ra ngoài đến một xe thiết giáp đang đợi sẵn mà Nhung đã ra lệnh lái vào sân. Nhung bảo hai anh em bước vào xe. Tay hai người bị trói sau lưng, và Nhung ngồi với họ như một cận vệ. Không lâu sau đó, đoàn xe rời đi chạy về bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Nghĩa khai rằng anh và Hiệp lái một xe jeep chạy trước đoàn xe hộ tống. Khi xe ngừng tại một giao lộ với đường sắt, Nhung giết Diệm và Nhu. Theo Nghĩa, Nhung nói là y đã đâm Nhu trước đến chết, và khi Diệm kháng cự, Nhung đâm Diệm luôn. Sau đó y bắn hai anh em vào đầu, mỗi người một phát..
Cuộc điều tra của đài NBC News vào năm 1971 bao gồm những cuộc phỏng vấn với vài nhân vật tham gia, kể cả Khánh và Nghĩa, khẳng định rằng Nhung là tên sát nhân đơn độc, mặc dù vài chi tiết về việc sát hại thực sự xung khắc nhau. Chương trình cho rằng Minh điện cho Lãm trong lúc đoàn xe ngừng tại giao lộ với đường ray và ra lệnh sát hại, mặc dù một lần nữa Lãm chối việc đó. Một sĩ quan Việt Nam, là tùy viên quân sự của Kim trong vụ đảo chính, nói với Nhung và Nghĩa sau sự cố. Anh ta xác nhận rằng Nhung bảo mình rằng Minh đã quyết định giết cả Diệm và Nhu. Theo Nhung, Đại tá Lãm ra lệnh Nghĩa và anh cho hai anh em vào hai xe khác nhau. Nhung sẽ giết Diệm còn Nghĩa sẽ giết Nhu. Khi họ đến nhà thờ, Nhu không chịu tách riêng với Diệm. Theo tùy viên của Kim, Nghĩa nói y không muốn giết Nhu, vì thế y leo lên xe jeep của Hiệp, để Nhung một mình hoàn thành sứ mạng. Tại giao lộ đường ray, Nhung lợi dụng âm thanh của tàu hỏa chạy qua để giết họ. Đoàn hộ tống sau đó tiến vệ bộ Tổng Tham mưu Liên quân, Chính quyền Minh tuyên bố hai anh em đã tự tử, rồi lật ngược nói rằng họ đã chết vì cố tìm cách thoát thân, một tình huống mà những chế độ sau không hề sửa đổi.
Đính, Thiệu, Khiêm, và các tướng lĩnh khác khiếp đảm khi nghe tin về cái chết của hai anh em, nhưng vấn đề định tội cho vụ sát hại Diệm phai nhạt dần sau vụ đảo chính của Khánh vào ngày 30/1/1964. Tuy nhiên, câu hỏi ai là người ra lệnh giết Nhu lại nổi lên lần nữa trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống 1971. Gợi ý đầu tiên xảy ra vào năm 1970, khi Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trưởng phòng nội gián trước đây của Diệm, cho xuất bản một quyển sách có tựa đề gây sốc Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống. Để đáp lại, Thiệu đề cập đến vấn đề trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Canada, trong đó ông đổ lỗi giết chết hai anh em cho “hội đồng quân sự”, mà các quan sát viên cho là ám chỉ Minh và Đôn.
Với vấn đề giờ đây được mở lại và kết hợp với việc hâm nóng tình hoài niệm gắn đây về mối quan tâm miền Nam đối với chính quyền Diệm, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, và Tôn Thất Đính ra một loạt hồi ký vào cuối xuân và đầu hè năm 1971. Không lâu sau đó, một loạt bài báo xuất hiện bàn luận về cuộc đảo chính và cái chết của Diệm xuất hiện trên báo Lập Trường, do Nguyễn Cao Kỳ làm chủ. Các bài báo, cuối cùng dẫn đến nguồn tin của một vài tùy viên của Đôn, dựng lại hồn ma của Diệm khi họ kể lại cuộc đối thoại tưởng tượng cho rằng Thiệu đã thuyết phục Minh giết tổng thống. Vì người của Đôn đang hậu thuẫn Kỳ trong cuộc tuyển cử, họ dựng lên cuộc trao đổi này để bôi nhọ Thiệu. Liệu Đôn có tán thành hành động của các tùy viên mình hay không ta không biết được, nhưng quyển sách tiếng Anh của ông và hồi ký tiếng Việt của ông chỉ đổ lỗi cho Minh về cái chết của họ.
Minh vẫn giữ im lặng về việc sát hại Diệm cho đến giữa tháng 6 1971 khi bài nghiên cứu xếp hạng cao về chiến tranh của Hoa Kỳ được biết dưới tên Tài liệu Ngũ Giác Đài được phát hành. Bài nghiên cứu duyệt xét một cách chi tiết về sự dính líu của Mỹ trong vụ đảo chính 1963 buộc Minh phải giải thích vai trò của mình trong những ngày định mệnh đó. Trong một cuộc phỏng vấn với vài phóng viên vào giữa tháng 7, Minh đổ lỗi cho Thiệu về cái chết của Diệm khi tuyên bố rằng vì Thiệu đã chần chừ đánh chiếm Dinh, cho phép anh em Diệm trốn thoát, dẫn đến cái chết của họ. Lời kết án của Minh là một sự bôi nhọ trắng trợn.
Thiệu chỉ tham gia nhóm sau khi Minh đã hứa là không giết Diệm, đã đình hoãn tấn công vì có lệnh trực tiếp, và đã yêu cầu cho mình đi rước hai anh em để ông có thể giữ an toàn cho họ. Khi báo chí miền Nam đăng đầy những lời bình luận của Minh, Thiệu tổ chức họp báo để bác bỏ lời tuyên bố xằng bậy này. Thiệu bảo với tập thể nhà báo rằng Minh là một “kẻ hèn nhát và dối trá”, rằng mục tiêu ban đầu của ông không phải Dinh Gia Long, và rằng ông “bị sốc khi biết tin” Diệm đã bị giết chết. Đối với một nền văn hóa tránh né việc đối đầu công khai, đó là một vụ rùm beng nổi cộm. Một ngày sau, Minh lùi bước, phát biểu rằng, với tư cách người chỉ huy cuộc đảo chính, ông nhận hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của họ. Vấn đề không bao giờ nổi lên lần nữa.
Ngô Đinh Nhu và Ngô Đình Diệm
Dương Văn Minh chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm-Nhu