TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT 15/12/2021 - Nam Giang cập nhật

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT 15/12/2021 - Nam Giang cập nhật
12/15/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)


WHO lo ngại chính sách đối phó với Omicron tác hại đến tình đoàn kết quốc tế
image.png
Nhân viên y tế tiêm vac-xin Pfizer cho người dân vào lúc biến thể Omicron đang lây lan mạnh, tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 09/12/2021. REUTERS - SUMAYA HISHAM

Phan Minh

Biến thể Omicron của Covid-19 đang lan truyền với tốc độ chưa từng thấy, đây là mối lo ngại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 77 quốc gia và có thể trở thành biến thể chiếm đa số các ca nhiễm mới tại châu Âu trong vài tuần, hoặc thậm chí trong vài ngày tới như ở Anh và Đan Mạch.

Để đối phó, nhiều nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm vac-xin nhắc lại, hoặc tiêm liều thứ 3. Do vậy, WHO lo ngại chính sách tiêm chủng này lại một lần nữa gây tổn hại cho tình liên đới giữa các nước, đặc biệt là các quốc gia nghèo, phụ thuộc vào vac-xin của bên ngoài.

Từ Geneve, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :

Đây là điều lan truyền nhanh như Omicron. Đó là biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với biến thể Delta. Và theo giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan, thì đó là một sự nguy hiểm, bởi vì các nghiên cứu vẫn còn tản mạn để có thể khẳng định được như vậy. Và bởi vì nếu Omicron lây nhiễm mạnh hơn, thì điều đó cũng đủ để làm tăng thêm nhiều bệnh nhân phải nhập viện, vào khoa chăm sóc tích cực:

Ông nói : "Chúng tôi sẽ là những người hạnh phúc nhất thế giới nếu như hai tuần sau, chúng tôi có thể quay lại và nói rằng, thực ra Omicron ít nguy hiểm hơn những gì chúng ta tưởng. Mọi thứ đều ổn cả". Vấn đề là cho đến nay, virus Covid không hoạt động như vậy.

Mối nguy hiểm khác là có thể Omicron, cũng chỉ là có thể thôi, vượt qua được khả năng phòng vệ miễn dịch của những người đã được tiêm 2 mũi vac-xin. Và rủi ro là việc đổ ra đi tiêm liều thứ 3 gây xáo trộn cơ chế viện trợ, chia sẻ vac-xin Covax hiện đang hoạt động ở mức cao nhất.

Vẫn theo chuyên gia này, “tiêm vắc xin cho những người có sức khỏe yếu kém do bệnh tật sẽ hiệu quả hơn việc chạy theo những người 16-17 tuổi để tiêm mũi tăng cường cho họ. Tôi không muốn mọi người cảm thấy khó xử vì được đề nghị tiêm và họ đã tiêm mũi thứ 3. Nhưng đang có hàng triệu người trên khắp thế giới chưa được tiêm mũi nào. Và chúng ta phải ưu tiên cho họ ”

Ưu tiên đặc biệt là châu Phi. Với tốc độ  hiện tại, có lẽ phải đến mùa hè năm 2024 thì mới có thể tiêm chủng được cho 70% dân số châu lục này.
 

Úc và Hàn Quốc: Ổn định ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế
image.png
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (T), và thủ tướng Úc Scott Morrison chứng kiến buổi lễ ký kết văn kiện hợp tác tại Nghị Viện Úc ở Canberra (Úc), ngày 13/12/2021. AP - Lukas Coch

Thu Hằng

Ngày 15/12/2021, tổng thống Moon Jae In trở về Hàn Quốc sau chuyến công du Úc 4 ngày. Ngoài mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, tình hình ổn định và tự do lưu thông hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, là trọng tâm trong buổi làm việc hôm 13/12 với thủ tướng Scott Morrison.

Trong thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định « với tư cách là những quốc gia thương mại hàng hải lớn, Hàn Quốc và Úc xác nhận sự ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc tôn trọng luật biển quốc tế, trong đó có Biển Đông ».

Do đó, hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực, cũng như phải tăng cường phối hợp để các nguyên tắc quốc tế được tôn trọng trong bối cảnh lĩnh vực hàng hải ngày càng có nhiều nguy cơ gây bất ổn.

Theo trang Korea Herald ngày 14/12, tổng thống Moon Jae In và thủ tướng Scott Morrison cũng nhấn mạnh đến việc mọi mâu thuẫn cần được giải quyết một cách hòa bình, chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông và liên tục gia tăng hoạt động quân sự, bồi đắp đảo để khống chế vùng biển này. Úc là đồng minh của Mỹ tham gia nhiều liên minh như AUKUS, QUAD và Five Eyes nhằm theo dõi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Trong cuộc họp báo chung hôm 13/12 với tổng thống Hàn Quốc, thủ tướng Úc cho rằng các nước ASEAN cần đưa ra những quyết định riêng về kinh tế để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác lớn nhất của hiệp hội.

Úc hiện bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế sau khi yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Vũ Hán. Chính quyền Canberra đang tìm cách thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác thương mại với nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc.

 
 
Putin muốn đàm phán « ngay lập tức » với NATO về an ninh của Nga
image.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp tại Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 14/12/2021. AP - Mikhail Metzel

Phan Minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 14/12/2021 cho biết muốn đàm phán "ngay lập tức" Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hoa Kỳ về những bảo đảm an ninh đối với Nga, trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraina.

Hôm qua, nguyên thủ Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với  tổng thống Sauli Niinistö của Phần Lan, quốc gia có truyền thống đóng vai trò làm trung gian giữa Nga và các nước phương Tây.  
Sau cuộc trao đổi, trong thông cáo được AFP trích dẫn, điện Kremlin cho biết, tổng thống Putin nhấn mạnh cần phải khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và NATO để xác định các bảo đảm pháp lý cho an ninh đối với Nga.

Đối với Vladimir Putin, cuộc đàm phán này sẽ cho phép gạt bỏ khả năng trong tương lai, khối NATO mở rộng sang phía đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí ở Ukraina và các quốc gia láng giềng khác, đe dọa an ninh Nga.

Cũng trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/12, ông Putin đã đưa ra những yêu cầu tương tự và kêu gọi Pháp « hiểu và xử lý những quan ngại » của Nga.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, Matxcơva có thể cho triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung nếu các cuộc đàm phán mà Nga yêu cầu không được tiến hành.

Trong khi đó, theo Reuters, tân ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua cũng cảnh báo là Nga sẽ phải đối mặt với "hậu quả lớn" nếu xâm lược Ukraina, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Berlin và Matxcơva kể từ khi chính phủ liên minh của thủ tướng Olaf Scholz nhậm chức vào tuần trước.

"Chúng tôi muốn đối thoại trung thực và cởi mở", bà Baerbock viết trên Twitter sau cuộc điện đàm. "Toàn bộ lãnh thổ của Ukraina không được xâm phạm."
 
 
Thượng đỉnh trực tuyến: Putin-Tập Cận Bình ca tụng quan hệ "kiểu mẫu" Nga-Trung
image.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tư dinh ở vùng ngoại ô Matxcơva (Nga) ngày 15/12/2021. via REUTERS - SPUTNIK

Anh Vũ

Theo AFP, hôm nay, 15/12/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm qua video, giữa lúc cả hai nước đều có những căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.


Cuộc hội đàm được truyền một phần qua truyền hình Nga, cho thấy nguyên thủ hai nước đều tỏ ra thân thiện, hiểu biết nhau và đoàn kết với nhau trước những chỉ trích của phương Tây đối với Matxcơva trên hồ sơ Ukraina và với Bắc Kinh trong hồ sơ Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đó là những màn tán tụng nhau. Ông Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ giữa hai cường quốc dựa trên cơ sở « không can thiệp » và « tôn trọng lợi ích của nhau » và quyết tâm biến đường biên giới chung thành vành đai hòa bình vĩnh cửu và láng giềng tốt. Tổng thống Nga khẳng định mối quan hệ hai nước là hình mẫu của quan hệ giữa các quốc gia trong thế kỷ 21.

Rõ ràng cuộc nói chuyện giữa nguyên thủ hai nước Nga –Trung thân thiện hơn rất nhiều so với các cuộc đối thoại gần đây của hai ông với tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bắc Kinh và Matxcova đều đánh giá hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vì dân chủ mà tổng thống Mỹ chủ trì tuần trước như là một hoạt động thù địch với Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Putin khẳng định lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh vào tháng Hai năm tới, nhân sự kiện Thế Vận Hội mùa đông khai mạc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án quyết định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 của các nước Hoa Kỳ, Anh, Canada và Úc vì những lý do vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Nhận thấy Nga cũng từng bị phương Tây bài xích trong lĩnh vực thể thao, ông Putin lên án và phản đối « mọi ý đồ chính trị hóa thể thao và phong trào Olympic ». 
 
 
Hàng chục nghìn người Hồng Kông đã xin visa định cư ở Anh Quốc
image.png
Một người ủng hộ dân chủ cầm cờ Anh Quốc ở bên ngoài một tòa án tại Hồng Kông, ngày 17/11/2021. AP - Vincent Yu

Anh Vũ

AFP dẫn một báo cáo công bố hôm 14/12/2021 của chính quyền Luân Đôn lên án chính sách trấn áp ly khai của Bắc Kinh tại Hồng Kông, trong đó ghi nhận đã có khoảng 88 nghìn người dân đặc khu hành chính này xin visa theo diện định cư tại Anh Quốc.


Sau khi TC áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông hồi tháng 06/2020.  Bộ luật này ngay lập tức đã bị quốc tế lên án là nhằm bóp nghẹt các quyền tự do tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh Quốc, được trao trả cho TC năm 1997.

Luân Đôn cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết duy trì quy chế tự trị của Hồng Kông khi nhận lại vùng lãnh thổ này. Để đáp trả, từ tháng Giêng năm nay Luân Đôn cho phép mở thủ tục cấp visa đặc biệt cho người dân Hồng Kông, mở đường cho họ có thể định cư dài hạn và xin quốc tịch Anh.

Trong bản báo cáo định kỳ về Hồng Kông, ngoại trưởng Anh Liz Truss ghi nhận « đến cuối tháng 9, đã có 88 nghìn người nộp đơn xin visa theo chủ trương trên. Thay mặt chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng họ đến với Vương Quốc Anh ».

Luân Đôn dự trù trong năm đầu sẽ có 154 nghìn người được cấp visa đặc biệt trên và trong 5 năm sẽ có khoảng 322 nghìn người được cấp.

Đối tượng được cấp visa trên là những người Hồng Kong có visa Anh ở hải ngoại (BNO –British National Overseas). Những người Hồng Kông sinh trước năm 1997 và con cái chưa đến tuổi thành niên của họ đều có thể được cấp visa hải ngoại Anh. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt quyết định của Luân Đôn, đồng thời khẳng định không công nhận visa BNO.

Quan hệ giữa Anh và TC đã trở nên xấu đi nhiều từ sau vụ trấn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ tại Hồng Kông hồi năm 2019 và những phát giác vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bản báo cáo công bố ngày hôm qua đánh giá TC « luôn trong tình trạng không tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của họ ».  Báo cáo cũng đề nghị với thủ tướng Boris Johnson cho mở rộng chương trình cấp visa cho giới trẻ ở Hồng Kông không có visa hải ngoại, bởi phần đông giới thanh niên tham gia biểu tình đòi dân chủ hồi năm 2019 là những người sinh sau năm 1997.

Theo một điều tra mới đây về di dân của Đại học Oxford, có khoảng 1/3 người Hồng Kông mang visa BNO dự tính sẽ định cư ở Anh.