Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam (Phần 5)

Gươm đã tuốt ra nơi miền đất xa xôi- Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam (Phần 5)
12/15/2021

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về  https://youtube.com/channel/UCv9DjIrfwPI2NL1FzGTlwfA/
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)

 

CHƯƠNG 5: “TRÁI ĐẤT TRÒN CHÚNG TA SẼ GẶP LẠI NHAU MỘT NGÀY NÀO ĐÓ”

aaa

George J. Veith 

Trần Quang Nghĩa dịch

Nguyễn Khánh phản đảo chính

Có 4 nhân tố cấp bách thúc đẩy Chuẩn tướng Nguyễn Khánh phản đảo chính chống lại Minh vào ngày 30/1/1964. Thứ nhất là việc giết chết Diệm. Trong khi có nhiều người chào mừng đảo chính, lại có ít người hân hoan vì cái chết của ông. Việc sát hại ông ngay lập tức gây căng thẳng trong HĐQNCM, vì phần đông các tướng lĩnh tham gia nổi dậy chỉ sau khi Mình bảo đảm rõ ràng là không làm hại tổng thống. Thứ hai là sự bất mãn của Khánh và Khiêm khi bị các tướng lĩnh cao cấp gạt qua một bên sau cuộc đảo chính. Thứ ba là sự chậm trễ hành động của chế độ. Quan trọng nhất, dù vậy, là vụ ồn ào nổi lên về mưu toan được cho là nhằm trung lập hóa miền Nam của Lê Văn Kim và Trần Văn Đôn. Lợi dụng những nguyên cớ này, nhánh Đại Việt miền nam bí mật mưu tính chiếm lấy quyền lực.  “Cuộc chỉnh lý” này, như Khánh gọi nó, sẽ cởi trói cho cuộc đấu tranh nội bộ khốc hại giữa những người Quốc gia với nhau.

HẬN THÙ NUNG NẤU

Thái độ của Trần Văn Đôn đối với Khánh và Khiêm thì rõ ràng. Chấp bút sau chiến tranh, Đôn bôi nhọ cả hai đồng thời nhận mình thân thiết với họ. Trong khi các sự kiện 1964 chắc chắn tô vẽ cho những ghi chép hậu chiến của ông, Đôn cho rằng các tướng lĩnh cao cấp không tin cậy cả hai. Đôn viết rằng “chúng tôi đã đúng khi tiếp cận Khiêm một cách thận trọng và có lẽ không nên cho ông giữ chức vụ cao trong chính quyền.” Khiêm ngay lập tức nhận ra sự ghẻ lạnh này từ bộ sậu tướng lĩnh cao cấp. Ông bảo với một người bạn sau khi Minh và các tướng khác đã mưu sát Diệm, “thành công của cuộc đảo chính khiến tôi gặp rắc rối. Ngay khi nó kết thúc, Minh, Đôn, Kim, muốn loại bỏ tôi ngay lập tức.”

Về phần Khánh, Đôn và Minh nghi ngờ là ông ta bắt cá hai tay. Đôn lưu ý Khánh là một “tên cơ hội hoàn toàn”, vì thế họ “báo tin cho ông chỉ trước đảo chính một ngày và không cho biết chi tiết của âm mưu,” một sự cẩn trọng cho thấy là đúng đắn. Mặc dù trước đó đã vào âm mưu chống Diệm, Khánh thú nhận trong một số cuộc phỏng vấn hậu chiến rằng ông đã xem xét việc hậu thuẫn tổng thống khi đảo chính xảy ra. Huỳnh Văn Cao tuyên bố rằng vào buổi chiều ngày 1/11, Khánh gọi và thúc giục mình đem quân giải cứu Diệm. Khi Cao hỏi Khánh có đem quân đi không, thì Khánh nói ông ở xa quá. Khánh xác nhận Diệm đã gọi mình, yêu cầu ông đến giải cứu hai anh em. Khánh lại làm ngơ, bảo rằng Pleiku quá xa Saigon, nhưng nếu Diệm có thể sống sót đến 4 ngày, ông sẽ đổi phe. Sau khi thấy đảo chính thành công, sáng sớm ngày 2/11, Khánh ra thông báo ủng hộ HĐQNCM.

Trong khi việc sát hại Diệm khiến Khánh bức xúc sâu xa, việc ông bị đối xử xa cách và không được thăng chức sau đảo chính làm dài thêm  danh sách những bất bình tưởng tượng của ông. Nhận biết Khánh không yên tâm, ngày 12/12, Minh phái viên sĩ quan tham vọng quá trớn đến Huế chỉ huy Quân đoàn I thay Đổ Cao Trí. Bằng cách đẩy Khánh xa Saigon như có thể, Minh hy vọng vừa loại bỏ được nguồn gốc  bất mãn lớn vừa giải quyết được một vấn đề khác: các lãnh đạo Phật giáo đang kích động yêu cầu chuyển Trí đi nơi khác bởi hành động đàn áp dữ dội của ông trong những tháng cuối cùng của Diệm.

Việc người Mỹ mong muốn gia tăng cường độ tác chiến cũng vô tình khởi phải cú đảo chính thứ hai.

Tôn Thất Đính hiện giờ đang nắm giữ hai vai trò: tư lệnh Quân đoàn III và bộ trưởng nội vụ. Người Mỹ cho rằng ông quá tải, nên ép buộc Minh bổ nhiệm một tư lệnh mới. Minh ngần ngại, nhưng sau khi nhận được một bức thư từ Tổng thống Lyndon Johnson trong đó có đề cập đến việc này, ông đồng ý. Vào ngày 5/1, Minh chuyển Khiêm từ chỉ huy Tổng Tham mưu Liên quân sang thay thế Đính giữ chức tư lệnh Quân đoàn III, và thay thế Khiêm với Lê Văn Kim. Như nhiều ý kiến có thiện ý của người Mỹ, việc chuyển đổi này lập tức phản pháo. Khiêm xem sự thay đổi như một sự xuống chức, và với nỗi chua chát hiện giờ, nỗi bất bình của ông kết tinh thành một khao khát muốn trả thù.

Mặc dù quan tâm chính của Minh là đảo ngược thế trận chống MTGP ở nông thôn, sau khi ông trì hoãn việc thông báo chính sách bình định mới, Hoa Kỳ thúc ép ông nhanh chóng hoàn tất dự án. Thủ tướng Thơ cuối cùng ký sắc lệnh bình định hoá vào ngày 23/1. Luật quy định rằng chính quyền sẽ cung cấp vật tư để hỗ trợ nông dân, bầu cử địa phương sẽ được tổ chức, và người làm ruộng sẽ không bị cưỡng bách lao động. Kết quả, Minh tin tưởng, sẽ là những thôn ấp trù phú chiến đấu chống MTGP. Chương trình của ông bắt đầu bằng việc kêu gọi dân chúng phát huy một “đặc điểm tinh thần” , về bản chất là một phiên bản hóa trang của chủ nghĩa chống cộng.

Khá kỳ lạ, việc trì hoãn phát động chương trình bình định mới, biểu tượng tình trạng uể oải của chế độ, bị đổ lỗi cho Thơ thay vì Minh. Đôn nói rằng mình và Tôn Thất Đính bực tức vì tính lề mề quan liêu của Thơ đến nỗi cả hai đều quyết định từ chức. Minh thuyết phục họ ở lại, nhưng Đôn kể lại rằng vào cuối tháng giêng “đa số các tướng lĩnh đều phản đối việc giữ lại Thơ ở chức Thủ tướng, nhưng vì họ hiểu rõ mối quan hệ thân thiết giữa Minh và Thơ nên họ không dám công khai điều ấy. Vào 23/1, các tướng lĩnh mang vấn đề của Thơ ra bàn ở Hội đồng. Khi tôi đưa ra vấn đề thay thế Thơ, Thiệu nói, “quân đội thi hành cuộc đảo chính, thế thì quân đội nên lãnh trách vụ này.” Minh không tán thành đề xuất của Thiệu, nhưng yêu cầu của Thiệu rõ ràng phản ánh tâm trạng chung của hội đồng, một tâm trạng khiến nhớ lại 1954 và Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, cho rằng quân đội nên điều hành chính quyền để gia tăng hiệu quả.

Thay thế Thơ là một biện minh khác cho vụ đảo chính của Khánh. Một đối thủ được xem xét là Nguyễn Tôn Hoàn, thủ lĩnh Đại Việt đang sống lưu vong tại Paris. Tuy nhiên, trong nhà máy sản xuất tin đồn Saigon đang quay cuồng, Hoàn không phải là người thông đồng chính chống lại Thơ – mà là Lê Văn Kim. Nguyễn Ngọc Huy cho rằng Kim “nhắm thay thế Thơ làm thủ tướng. Ông ta liên lạc với các chính trị gia và khuyến khích họ chỉ trích chính quyền của Thơ.” Phạm Văn Liễu, một thành viên Đại Việt lâu năm và là người báo cáo hăng say về tình hình Saigon, cũng viện dẫn rằng Kim đang thông đồng với phe phía bắc của Đại Việt “để nâng Kim lên chức vị thủ tướng.” Tin đồn rằng Kim đang mưu tìm chức vị thủ tướng là giọt nước làm tràn ly đối với nhiều sĩ quan. Nhận thức về Kim là như thế này: tuy ông là bộ óc đằng sau Minh, nhưng trước đây ông đã phục vụ trong quân đội Pháp và trước đây có quốc tịch Pháp có nghĩa là Kim thân Pháp và tán thành kế hoạch của De Gaulle cho việc trung lập hóa miền Nam. Vì vậy, nhiều tướng lĩnh và các sĩ quan cấp thấp sẵn sàng tin tưởng những luận điệu cho rằng Kim và những tướng lĩnh thân Pháp như Đôn đang âm mưu trung lập hóa đất nước. Lời cáo buộc, đúng ra lời cáo buộc tội phản quốc, quá nghiêm trọng đến nổi sau vụ đảo chính, Khánh ra lệnh một số sĩ quan tình báo lục lọi hồ sơ để tìm chứng cứ chống lại Kim. Họ không tìm thấy gì bởi vì lời cáo buộc là lố bịch.  Minh bác bỏ thẳng thừng lời tố cáo. Trong một buổi trò chuyện với một sĩ quan Mỹ, “Minh nói rằng mình tuyệt đối tin tưởng lời cáo buộc cho sự trung lập và thông đồng với người Pháp là hoàn toàn sai lầm… Kim lúc nào cũng là người tố cáo cực lực nhất các quan điểm của De Gaulle đến độ Minh phải chỉnh đốn lại phản ứng quá gay gắt của Kim.” Bạn thân nhất và thành viên Đại Việt Bùi Diễm cũng bác bỏ việc Kim muốn làm thủ tướng, như các con của Kim và tùy viên quân sự sau đảo chính của Kim cũng vậy. Bùi Diễm lưu ý rằng trong khi Kim “lúc nào cũng trong trạng thái bực tức vì sự bất tài và rề rà của hội đồng quân sự nhưng một số lý giải việc Kim chuyển đến nhiệm vụ mới làm Chỉ huy bộ Tổng Tham mưu Liên quân như là toan tính cũng cố quyền lực của Kim.”

Phần đông đều kết luận rằng vụ Khánh đảo chính thuần túy chỉ vì tham vọng cá nhân, khoác cái cớ các sĩ quan được Pháp đào tạo sẽ trung lập hóa đất nước, hoặc tin tưởng nó đơn giản chỉ là cuộc đấu đá nội bộ giữa các tướng lĩnh cao cấp. Nhiều nguồn tin miền Nam lại mô tả cuộc đảo chính là một âm mưu bên trong một âm mưu. Mặc dù Khánh trở thành gương mặt của cuộc đảo chính , nhưng người chủ mưu thực sự là các đảng viên Đại Việt nổi loạn và bạn cũ của Khánh, Trần Thiện Khiêm. Những ám chỉ về việc dính líu của Đại Việt vào vụ đảo chính đã nổi lên nhiều năm rồi, nhưng như hầu hết tin ngồi lê đôi mách ở Saigon, không có chứng cứ vững chắc hình thành một bức tranh sáng rõ cho các điều tra viên Mỹ. Sự nhúng tay của Đại Việt được các người chủ mưu che giấu kín đáo. Quyển lịch sử Đại Việt thời hậu chiến, do em trai của người sáng lập Đại Việt Trương Tử Anh, xác nhận rằng “các tướng lĩnh không có chân trong vụ chỉnh lý không biết chuyện gì đang xảy ra, và điều này cũng đúng đối với các cố vấn Mỹ, dù quân sự hay chính trị.”

Theo cuốn sử đảng hậu chiến này, “Kim và Thơ đang dựa vào nhau cùng hướng tới việc theo đuổi chính sách trung lập hóa được De Gaulle đề xướng, và họ chứa chấp và hậu thuẫn cho nhóm Vương Văn Đông. Đối mặt với tình thế này, nhánh miền Trung của Đảng Đại Việt quyết định chỉ đạo cho Ủy ban Quân sự Đảng tiến hành chiến dịch  chỉnh lý để lật ngược cục diện này. Trung tá Huỳnh Văn Tồn được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.” Tồn là một tay chơi trọng yếu. Ông là người sĩ quan  đã giới thiệu cương lĩnh Đại Việt cho Minh, và ông là anh em họ với Khánh. Sau vụ đảo chính Diệm, Minh đã bổ nhiệm Tồn làm Tỉnh trưởng Gia Định, khu vực bao quanh Saigon.Tuy nhiên, mưu tính của Đại Việt không chỉ là cướp lấy quyền lực. Rất giống động lực của các tướng lĩnh trong việc hạ bệ Diệm, nhóm lãnh đạo Đại Việt đặt tên cho vụ phản đảo chính là cuộc chỉnh lý, một sự trở lại con đường mà nhà sáng lập Trương Tử Anh đã hình dung vào năm 1939. Cương lĩnh chính trị của ông ta – Dân Tộc Sinh Tồn – là quyết tâm chống thực dân, chống cộng sản. Anh hình dung một hệ thống quản lý hoạt động chính trị và kinh tế được trao cho các nhân tài, bao gồm nhiều biện pháp kiến tạo xã hội và hạn chế chủ nghĩa tư bản. Gọi đó là một “nền kinh tế chỉ huy”, ông nhắm đến một chế độ trung ương tập quyền với những quyền lực vươn xa mạnh mẽ như tổng thống chế của Hoa Kỳ,” dù là cách hiểu sai về chính thể Mỹ nhưng phản ánh chính xác triết lý của Anh. Như đã nói trước đây, một rạn nứt về đường lối  chia rẽ hai lãnh tụ chính của Đại Việt, Hà Thúc Ký và Nguyễn Tôn Hoàn. Ký muốn thiết lập một chế độ độc đoán theo đúng thiết kế gốc của Anh, còn Nguyễn Tôn Hoàn và Nguyễn Ngọc Huy “chủ trương xây dựng một chính quyền dân chủ và hợp tác thẳng thắn với các đảng phái chính trị khác.” Sự căng thẳng giữa hai tầm nhìn chính trị tranh chấp nhau sẽ cuối cùng sâu xé người Đại Việt. Như Đại Việt, vai trò thực sự của Khiêm trong vụ đảo chính cũng được làm giảm thiểu. Phó của Khánh ở Quân đoàn I, Nguyễn Chánh Thi, bị sốc khi biết được nhân dạng của vai chính đằng sau vụ nổi dậy. Theo Thi, “Chỉ sau khi mặt trời mọc (ngày 30/1), lúc tôi gặp các lãnh đạo đảo chính, tôi mới cuối cùng nhận ra rằng người phát động chính đằng sau âm mưu này không phải là Nguyễn Khánh – mà chính Khiêm mới thực sự là người đồng vai chính. Khánh chỉ là tấm bình phong, và có vẻ như là Khánh rất thích đóng vai trò này. Hơn nữa, cùng với Khiêm là vài quân nhân thành viên của một chính đảng.” Chính đảng đó là Đại Việt, và sứ quán Pháp ở Saigon cũng báo cáo cùng những sự kiện như vậy. Họ nhanh chóng thông tin cho Paris vào ngày 31/1 rằng vụ đảo chính “thực sự do Tướng Khiêm cầm đầu, được  sự hỗ trợ của (Thiệu và Tồn). Đảng Đại Việt… đặt tất cả lực lượng chính trị của mình sau lưng Tướng Khánh.”

Nếu Khiêm là người tổ chức, làm sao Khánh lại cần dự vào? Phạm Văn Liễu xác nhận rằng khi Hoàn và Kỳ biết được tin Kim tính thay thế Thơ, họ “tìm cách phản đối động thái này và liên lạc với Khiêm nhằm loại bỏ phe Đôn-Kim. Cả phe miền trung và nam của Đại Việt đều không ưa Kim , và họ tìm cách cản trở toan tính của Kim.” Cả hai người đều có quan hệ lâu năm và tốt đẹp với Khánh, Khiêm và Thiệu. Theo Huy, “Khiêm và Thiệu khi ấy đều tin chắc là Kim đang tiến hành công việc trung lập hóa miền Nam theo đường lối của Pháp.” Hoàn sau đó báo cho một nguồn tin sứ quán biết rằng “Khiêm và Thiệu là người lãnh đạo thực sự của vụ đảo chính tháng giêng, được sự tiếp tay của Đại Việt và vào phút cuối cùng quyết định đẩy Khánh ra trước làm người lãnh đạo.

Khánh thậm chí không tham gia vào việc lên kế hoạch ban đầu. Trần Văn Đôn viết rằng trong khi bị quản thúc tại gia ở Đà Lạt, vào ngày 17/5/1964, Khiêm và Khánh đến gặp ông để thảo luận về việc trả tự do cho mình. Trong buổi trao đổi, Khiêm sơ lược bối cảnh của cuộc đảo chính. Khi Khánh cho biết mình mù tịt về những nguyên do thực sự đằng sau cuộc đảo chính, Khiêm đồng ý, phát biểu rằng Khánh chỉ “tham gia kế hoạch chỉnh lý vào phút cuối cùng.” Khiêm sau đó trình bày diễn tiến của cuộc đảo chính. Sứ mạng của các sĩ quan trong Đại Việt như các Thiếu tá Huỳnh Văn Tồn và Dương Hiếu Nghĩa không “thay đổi sau vụ đảo chính 1/11 1963. Họ sử dụng những vị trí của mình để mở rộng quyền lực của đảng mình… Mục tiêu của họ là … dựng Hoàn làm Thủ tướng, và đó là lý do tại sao chúng tôi tiến hành việc chỉnh lý. Chúng tôi không muốn Hoàn làm Thủ tướng thay vào đấy chúng tôi cài vào Khánh.”

Tóm lại, các phe trung và nam của Đại Việt đều tìm cách phá hỏng trò chơi quyền lực mà họ cho là Kim đang chơi để hạ bệ Thủ tướng Thơ và biến miền Nam thành nước trung lập. Đảng Đại Việt lợi dụng không khí sôi sục chống Pháp và chống trung lập để thuyết phục Khiêm ra tay trước tiên và thay thế Thơ bằng Hoàn. Toan tính của họ bị phản pháo khi Khiêm lôi kéo Khánh vào thay thế vì các tướng lĩnh muốn giới quân sự, chứ không phải giới dân sự, cầm đầu chính quyền.

Khiêm vạch ra kế hoạch này khi nào? Trong khi hầu hết các nguồn tư liệu Việt Nam chỉ ra rằng Khiêm bất đầu bày  mưu lập kế vào đầu tháng giêng, nhưng không nói ai là người xúi giục Khiêm và Thiệu. Sứ quán Pháp ở Saigon cho rằng người đầu trò là Dương Văn Đức, bạn cùng lớp với Khiêm. Trong một bức điện mô tả chi tiết nguồn gốc của vụ đảo chính, sứ quán Pháp thông tin với Paris rằng Đức nổi nóng với Đôn vì đã cho phép những sĩ quan Việt Nam thân Pháp trở về xứ. Đức và một nhóm “sĩ quan cao cấp” vô danh khác bày mưu ngay những ngày đầu năm, để loại Kim và Đôn.” Khung thời gian này khớp chính xác với thời điểm Vương Văn Đông và Trần Đình Lan trở về Saigon. Vì Khiêm “bất mãn trước ảnh hưởng lấn át của Kim và Đôn,” nên Đức thuyết phục Khiêm loại những tướng thân Pháp ra khỏi quyền lực trước khi họ có thể trung lập hóa miền Nam. Nhóm này sau đó thuyết phục Khiêm và Thiệu rằng Kim sẽ bắt giữ bốn tự lệnh quân đoàn vào ngày 31/1, cùng ngày De Gaulle mở cuộc họp báo. Trong khi đúng là vào ngày đó De Gaulle ra tuyên bố quan trọng, nhưng mục đích là thảo luận tuyên bố gần đây về việc mở lại quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa và Pháp.

Thi làm chứng cho việc dính líu sâu của Đức vào vụ đảo chính. Theo lệnh của Khánh, Thi bay về Saigon để gặp Đức vào ngày 20/1. Đức gầm thét với Thi về những điều ông cho là  thất bại của HĐQNCM. Sau khi được Thi đồng lòng tham gia đảo chính, Đức bảo với Thi rằng y sẽ “bay lên Đà Nẵng khi mọi sự đã sẵn sàng” để thông báo với Khánh. Đức làm đúng y như lời. Đã hoàn tất việc chuẩn bị, vào ngày 28/1, Khiêm phái Đức đến Đà Nẵng để báo tin cho Khánh mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Khánh quyết định trước tiên phải kiểm tra với người Mỹ. Ông phái cố vấn của mình, Đại tá Jasper Wilson, đến Saigon để xác định xem liệu sứ quán và Tướng Harkins, đứng đầu Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Quân sự tại Việt Nam (MACV) có hậu thuẫn cuộc đảo chính hay không.

Những gì xảy ra sau đó là một minh họa về sự gián đoạn văn hóa. Khánh cho rằng Hoa Kỳ không đưa ra chống đối nào đối với cuộc đảo chính, điều chỉ đúng một phần. Sau khi Tướng Paul Harkins được Wilson truyền đạt câu hỏi chủ yếu của Khánh – Hoa Kỳ có ủng hộ cho một cuộc phản đảo chính chống đối sự trung lập hóa hay không? – Harkins trả lời rằng ông thấy lời cáo buộc trung lập “là khó tin” xét vì “mọi phát biểu của HĐQNCM đều chống lại nó. Wilson truyền đạt ý Khánh đang gợi lại bóng ma của 1954 bằng cách tuyên bố Đôn và Kim đang thông đồng với Tướng Hinh để trung lập hóa miền Nam.

Tuy nhiên, sau khi nhận báo cáo của Wilson rằng Harkins và Lodge không người nào vạch trần vụ đảo chính, Khánh xem sự không chống đối trực tiếp của người Mỹ là một tiếng vâng, nhưng không phải vậy. Vì Harkins và Lodge biết một phần về cuộc đảo chính sắp xảy ra khoảng 36 giờ trước, và vì không ai báo tin cho Minh, việc thiếu hành động của họ mở cửa cho thuyết âm mưu rằng vụ đảo chính có sự hậu thuẫn của người Mỹ. Phần đông người Việt, thừa nhận việc thông đồng của người Mỹ vào những âm mưu chính trị, sớm gọi nó là “cú đảo chính của Ngũ Giác Đài”, một biệt hiệu sau đó được George Kahin loan truyền. Một phụ tá cao cấp của Minh bảo với Georges Perruche, tùy viên đại sứ Pháp tại Saigon, rằng vụ đảo chính “được tổ chức bởi một nhóm CIA có liên lạc với Tướng Harkins” và rằng Hoàn chính là “hàng nhập khẩu của Mỹ.”

Trong khi Harkins và Lodge tin Khánh sẽ lãnh đạo tốt hơn Minh hoặc Đôn, không có người Mỹ nào đề xướng vụ đảo chính. Dù cho bức xúc vì HĐQNCM quá chậm chạp trong việc khởi động các chương trình của họ, cả hai người đều tỏ ra bất đắc dĩ phải dính líu với một cơn co giật chính trị khác của miền Nam.

Rủi thay, không người nào biết chính xác điều gì đang xảy ra. Cuộc đấu tranh quyền lực  vụn vặt của Lodge nhằm hạn chế MACV và CIA tiếp cận giới lãnh đạo cao cấp miền Nam rốt cục khiến ông phạm sai lầm. Cả CIA và sứ quán chỉ báo cáo việc lùm xùm chính trị của Khánh sau khi Harkins báo động cho họ về báo cáo của Wilson. Tài liệu Ngũ Giác Đài khẳng định rằng “vụ đảo chính của Khánh vào ngày 30/1/1964 xảy đến hoàn toàn bất ngờ với sứ quán lẫn Washington.”

Sau khi Wilson trở lại Đà Nẵng và báo cáo với Khánh, ba tướng _ Đức, Khánh, Thi – liền bay tới Saigon. Thi lập tức bắt đầu điều nghiên các đơn vị tính nhuệ để cân nhắc sự hậu thuẫn của họ. Ông khám phá ra rằng phần đông sĩ quan đều bức xúc vì tin đồn trung lập hóa. Ông  phát biểu, “Có một điều rõ ràng hơn bất kỳ điều gì khác – mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện về trung lập hoá mà báo chí đã loan tin trong vài tuần vừa qua.” Cũng giống như tin đồn về Nhu ve vãn với Cộng sản đã góp phần bật tia lửa cho cuộc đảo chính đó, việc đùa cợt với nỗi sợ hãi bị trung lập hóa đã bắt rễ của người Quốc gia là cái cớ hoàn hảo để phát động vụ nổi dậy thứ hai.

Trong một chốn ẩn nấp kín đáo hơn từ cuộc đảo chính Diệm, Khiêm được sự hỗ trợ của Đại tá Cao Văn Viên, chỉ huy Lữ đoàn Nhảy Dù. Viên đã bị bắt giữ vào ngày 1/11/1963, và điệu đến văn phòng Minh. Minh cho Viên cơ hội tham gia lực lượng đảo chính. Viên từ khước. Ông rất thân với Diệm, và ông cho rằng phe quân sự không nên dính líu đến chính trị. Viên tưởng Minh sẽ xử mình tội chết, nhưng ông được tha sau khi Khiêm khẩn nài Mình nên dung thứ. Viên được phóng thích nhưng bị quản thúc tại nhà. Vợ Viên sau đó liên lạc với vợ Khiêm (hai người rất thân nhau) và năn nỉ bà nói giúp với chồng cho ông trở lại chức vụ cũ. Khiêm lặng lẽ truyền lệnh mà không cho Minh biết. Từ đó, Viên cảm kích trước ơn nghĩa nhận được từ Khiêm, nên khi Khiêm bí mật liên lạc với Viên một vài ngày trước vụ đảo chính tháng giêng , Viên xác nhận, “Đó là một dịp để tôi có thể giúp Khiêm trả món nợ ân nghĩa… Tôi không quan tâm đến việc Minh, Đôn, Đính và Kim có thực sự tán thành trung lập hay không.”

Chuyển quân cấp tốc, lúc 4 giờ sáng, ngày 30/1, binh sĩ Dù cộng với các đơn vị tỉnh lỵ Gia Định dưới quyền chỉ huy của Trung tá Tồn  đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Liên quân và bao vây tư gia của một vài tướng lĩnh. Xét vị thế quyền lực của mình, Đính cũng bị bắt giữ. Để ngăn ngừa hành động phản xung, Khánh khiển trách Đính về lỗi “tác phong không thích hợp”, vốn là một lời lên án dễ dàng vì ai cũng biết ông là người hay lui tới hộp đêm. Các tướng lĩnh khác bị tình nghi hợp tác với Pháp, Mai Hữu Xuân và Nguyễn Văn Vỹ, cũng bị câu lưu.

Vụ đảo chính được hoàn thành một cách yên ả và không có đổ máu, trừ một thương vong. Đại úy Nhung, phụ tá của Minh người đã sát hại Diệm và Nhu bị bắt giam tại bộ chỉ huy Lữ đoàn Nhảy Dù. Y bị buộc phải viết lời thú tội. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy y treo cổ bằng dây giày bốt, một vụ tự tử thấy rõ.

Theo nhà báo Arthur Dommen, nó được dàn dựng. Khánh, vẫn còn băn khoăn về cái chết của Diệm, ra lệnh “bắt giữ và hành hình Nhung. Phải sắp xếp như Nhung tự tử trong phòng giam.” Các tướng Xuân, Kim, Đôn, Vỹ, và Đính bị bắt giữ và mang đến Bộ Tổng Tham mưu Liên quân. Vỹ bị giam ở Saigon còn Đôn, Xuân, Kim, và Đính được đưa về Phi trường Tân Sơn Nhất, tại đó Thi sẽ hộ tống họ đến Đà Nẵng. Ngay trước khi lên máy bay, Đính quay sang Thi và gằn giọng, “Trái đất tròn. Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó.” Bốn tướng lĩnh cuối cùng được đưa về thành phố nghỉ mát Đà Lạt và đặt dưới sự quản thúc tại gia. Nỗi sợ bị trung lập trong giới quân sự sâu sắc đến nỗi không có đến một đơn vị phản ứng chống lại việc loại ra nhiều tướng lĩnh cao cấp . Thủ tướng Thơ cũng bị giữ nhưng phóng thích ngay sau đó. Vương Văn Đông xoay sở trốn tránh ở Saigon trong ba tháng trước khi MTGP lén lút đưa y ra nước ngoài. Trần Đình Lan thì bị bắt và nhanh chóng bị lưu đày sang Pháp.

Có hai chỉ dấu hùng hồn khác cho chúng ta biết có sự dính líu của Đại Việt. Thứ nhất, trong khi Đại úy Nhung chết vì “tự tử”, tên hạ thủ Diệm Nhu khác, một thành viên Đại Việt nổi tiếng Dương Hiếu Nghĩa không bị sờ gáy. Thứ hai, được biết một số tướng lĩnh bất bình với Minh về việc sát hại Diệm và việc được cho là chếnh mảng trong việc lãnh đạo đất nước, tại sao Minh không bị hạ bệ? Câu trả lời thật đơn giản: Đại Việt còn coi trọng Minh, cái chết của Diệm không ảnh hưởng đến điều đó, và họ muốn giữ Minh ở lại cương vị quốc trưởng  để họ có thể thao túng ông. Nguyễn Ngọc Huy khẳng định rằng “Khiêm và Thiệu không dự tính tống khứ Minh khỏi vai trò chủ tịch HĐQNCM. Họ chỉ muốn thay thế Thơ bằng Tướng Nguyễn Khánh, vốn là bạn thân của Khiêm và Thiệu.

Khánh ngay lập tức yêu cầu Minh ở lại chính quyền. Ông đồng ý, chủ yếu là để tránh cho quân đội không bị chia rẽ. Trong cuộc phỏng vấn 1968, ông nói rằng “Lực lượng của Khánh không đáng kể. Nó có thể bị đập tan bất cứ lúc nào.” Tuy nhiên, “một số các tướng bị giữ làm con tin. Vì sợ cho sự an nguy của họ, tôi phải nén lòng không hành động,” Hơn nữa, có những “cân nhắc chính trị và cá nhân khác,” mà ông không gọi tên.

Nếu Khiêm là bộ óc của vụ đảo chính, tại sao ông đặt để Khánh vào vai trò thống lĩnh? Khiêm nghĩ rằng việc mình vốn trung thành với Diệm trước đây sẽ là điều dị ứng đối với Thích Trí Quang và  Phật tử. Việc trong quá khứ về phe với Diệm cũng bôi xấu Khánh, nhưng ông là một Phật tử, và vợ ông cùng em rể nghe nói cũng quen thân với Trí Quang. Phản ứng của Phật giáo là quan trọng, nhưng của Hoa Kỳ cũng không kém. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Khiêm nhấn mạnh rằng lý do Khánh được kéo vào là vì có nhiều bài báo Việt viết rằng Khiêm là con nuôi của Diệm (nghĩa là Diệm đã có mặt trong lễ cải sang đạo Thiên chúa của Khiêm). .. Xét sự kiện Viên cũng có tham gia, và vì Viên đã không tham dự cuộc đảo chính Diệm, kết hợp với những chuyện về Khiêm, họ không muốn dân chúng miền Nam xem cuộc đảo chính là mang Diệm trở về. Hơn nữa, vì người Mỹ đã chống đối Diệm, nên những kết nối với Diệm không thể cho phép nổi lên theo cách khiến người Mỹ ngỡ rằng đây là sự trở về  chính sách Diệm, vì thế chúng tôi mới kéo Khánh vào làm bình phong.

Như Thi, người Mỹ cũng biết được nhiều chi tiết sâu xa hơn về buổi sáng ngày 30/1. Theo lời yêu cầu của Khánh, Đại tá Wilson ở bên ông tại bộ chỉ huy đảo chính. Tuy nhiên, khi các sĩ quan Việt trong thấy Wilson, họ lại liên tưởng đến sự có mặt của người Mỹ gần nhóm cầm đầu cuộc đảo chính 1960 và của nhân viên CIA Lou Conein theo sát Minh trong cuộc đảo chính 1963. Sự hiện diện của Wilson phát sinh hội chứng hoang tưởng của người Việt là ắt hẳn có “bàn tay lông lá” (một tục  danh người Việt gọi người Mỹ) một lần nữa nhúng vào các vấn đề của họ. Dù vậy nhờ được theo dõi Wilson có thể biết được từ Khánh rằng “việc lên kế hoạch hành động bắt đầu cách đây 5 ngày. . . Việc tin rằng các tư lệnh quân đoàn sẽ bị tóm gọn tại một cuộc họp dự trù vào hôm nay đã thúc đẩy phải ra tay .. . Khánh chỉ rõ rằng phần nhiều tin tình báo nhóm dựa vào đó để hành động đến từ một người Việt ở Pháp muốn về quê hương sau vụ đảo chính tháng 11 nhưng đã được người Pháp khuyên rằng những diễn tiến tiếp theo sẽ dẫn đến một Việt Nam Trung lập.” Không nghi ngờ gì nữa, người Việt Nam ở Pháp chính là Nguyễn Tôn Hoàn.

Sau khi đảo chính thành công, Hoàn được mời về Saigon. Khánh tiếp đón ông về vào ngày 5/2, nhưng Hoàn không nhận phần thưởng mà ông chờ đợi. Hoàn nghĩ mình sẽ trở thành thủ tướng, nhưng trong một cuộc họp để thảo luận về vai trò của mình trong chính quyền mới, vợ Hoàn tuyên bố rằng Khánh bắt đầu rút lại vì tình hình Phật giáo rất nhạy cảm. “Vì Hoàn là người theo Công giáo, nên nếu Hoàn được chỉ định làm Thủ tướng các Phật tử sẽ nổi dậy chống đối, tạo ra tình hình rối ren như thời Điểm làm tổng thống. Vì lý do đó, Khánh đề nghị Hoàn giữ chức Phó Thủ tướng và hứa bất cứ việc gì liên quan đến chính trị đều sẽ tham vấn ông và chỉ thực hiện nếu được ông tán thành.”

Cuốn sử đảng Đại Việt khẳng định điều bà Hoàn nhớ là đúng. Phật tử sẽ không hoan nghênh một nhà lãnh đạo đất nước theo Công giáo, vì thế “Hoàn được giao chức Phó Thủ tướng Thứ Nhất về Bình Định, với bảy bộ dưới quyền, trong khi Khánh, vốn không theo Công giáo, sẽ nhận chức Thủ tướng.” Đổi lại, Khánh “long trọng hứa rằng ông sẽ không can thiệp vào việc lãnh đạo chính trị của quốc gia và chỉ nắm quyền quân sự để chiến đấu chống Cộng.” Hoàn miễn cưỡng đồng ý, và Khánh được chỉ định đứng đầu HĐQNCM kiêm thủ tướng. Khiêm trở thành phó chủ tịch thứ nhất của HĐQNCM kiêm bộ trưởng quốc phòng, và chỉ huy quân đội. Thiệu được phong tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Liên quân dưới quyền Khiêm. Minh chỉ có vai trò bù nhìn.

Đại Việt đã kết được một phi vụ trong bóng tối, một phi vụ sẽ khuấy đục đất nước cả một năm ròng và khiến nó gần như quỵ xuống. Nếu vụ đảo chính Diệm đã được đón nhận với niềm vui, cùng với nỗi buồn cho cái chết của ông, thì vụ đảo chính của Khánh được đón nhận bằng sự ác cảm. Tuy nhiên, Đại Việt vẫn chưa kết thúc những toan tính chính trị của mình.

HÀ NỘI PHẢN ỨNG

Đối với Bộ Chính trị ở Hà Nội, vụ đảo chính Diệm cho họ một cơ hội lớn. Để báo cáo về tình hình miền Nam và bàn về các vấn đề khác , vào tháng 11 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên toàn thể Lần 9, một trong những đại hội quan trọng nhất trong thời chiến. Hai lộ trình – hòa bình hay chiến tranh – được đặt ra trước Bô Chính trị. Mặc dù có sự chống đối gắt gao từ các cấp lãnh đạo Bắc Việt cao cấp, phe kiên quyết do Lê Duẩn cầm đầu giành thắng lợi. Trong khi những mệnh lệnh mới chứa trong Nghị quyết 9 giờ đã nổi tiếng kêu gọi gia tăng chiến đấu vũ trang ở miền Nam là kết quả của một cuộc đấu tranh nội bộ phức tạp, vụ đảo chính Diệm tạo cho phe chủ chiến một cơ hội họ cần. Gói gọn các thông điệp trong Nghị quyết 9, Bộ Chính trị ra lệnh cho toàn quốc bước vào vị thế chiến tranh toàn diện. Bộ Chính trị cũng vui mừng chào đón cuộc nổi dậy chớp nhoáng của Khánh như một cơ hội tốt được người Mỹ xúi giục cho cách mạng có dịp ghi được “nhiều thắng lợi mới quan trọng trên khắp các mặt trận.” Bộ Chính trị dự đoán chính xác vụ đảo chính sẽ gây chia rẽ sâu sắc hơn trong nội bộ miền Nam và sẽ khiến tinh thần chiến đấu của miền Nam “suy sụp và hoảng sợ hơn và hoang mang hơn nữa..” Hà Nội ngay lập tức đánh điện gửi những chỉ thị cho Trung ương Cục Miền Nam, tuyên bố rằng “Đánh giá của Bộ Chính trị… là rằng Mỹ giật dây từ phía sau trong vụ đảo chính của Khánh… để cố gắng chấm dứt cuộc khủng hoảng và hoang mang trong nội bộ chính quyền tay sai.”

Trung ương Cục Miền Nam sau đó được hướng dẫn “tăng cường đấu tranh vũ trang để tiêu diệt quân địch và hủy diệt những đơn vị quân chủ lực lớn của địch.” Cuối cùng, trong khi MTGP sẽ mở rộng trận chiến, nó cũng sẽ tiếp tục sử dụng mồi nhử là một giải pháp ngoại giao vốn chỉ hơn việc đầu hàng được nguy trang một chút. “Mở rộng mặt trận của chúng ta … và tiến hành đấu tranh đòi hỏi hòa bình và trung lập để cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động của chúng.”

Theo lệnh, MTGP ngay lập tức kêu gọi đàm phán và đưa ra đề nghị ngừng bắn trong dịp Tết cổ truyền. Bù đầu vì lo thành lập chính phủ mới, Khánh phớt lờ họ. Vì Khánh đã giao cho Hoàn toàn quyền về các vấn đề chính trị, nhà lãnh tụ Đại Việt tự chọn các thành viên nội các. Nhất quán với niềm tin vào việc hợp tác với các đảng phái khác, Hoàn không tìm kiếm một độc quyền quyền lực dành cho Đại Việt. Không giống Diệm chủ trương đàn áp các đối thủ của mình, mục tiêu chính của Hoàn là liên minh các đảng khác nhau thành “Mặt trận Quốc gia Đoàn kết” nhằm chống lại người Cộng sản. Bước đầu tiên của ông là thành lập một nội các cân bằng nhất trong lịch sử miền Nam, với đại diện từ các mỗi đảng chính trị lớn, tôn giáo và vùng miền.

Được thông báo vào ngày 8/2, ba phó thủ tướng, mỗi người từ một vùng miền, kiểm soát cả khối bộ. Hoàn, người nam, giám sát việc bình định và những bộ trọng yếu là Quốc phòng, Nội vụ, và Nông thôn, trước đây là tiêu điểm cho chương trình Ấp Chiến lược. Một người bắc điều hành bộ Kinh tế và Tài chính còn một người sinh quán miền trung điều hành bộ Xã hội. Hoàn cũng bổ nhiệm anh trai Thiệu là Kiểu, một đảng viên Đại Việt lâu năm, làm bộ trưởng Thanh niên và Thể thao. Chỉ có bộ Tư pháp và Ngoại giao là báo cáo trực tiếp với Khánh. Ba đảng viên Đại Việt nắm giữ những chức vụ có ý nghĩa trong chinh quyền, và mỗi người đại diện cho một phe phái chính của đảng: Hoàn người miền nam đặc trách binh định, Hà Thúc Ký người trung làm bộ trưởng nội vụ, và Phan Huy Quát người bắc làm bộ trưởng ngoại giao. Phần lớn thành viên nội các là Phật tử, và hai người thuộc phe phái Phật giáo đấu tranh của Trí Quang.

Hoàn nhanh chóng ban hành các chính sách mới. Theo đuổi mục tiêu tạo ra một mặt trận đoàn kết, vào ngày 19/2 ông tuyên bố chính quyền sẽ công nhận việc thành lập một đảng đối lập và khuyến khích những đảng nhỏ hơn xáp nhập và lập ra một thực thể chính trị như thế. Hoàn hy vọng Đại Việt sẽ trở thành đảng cầm quyền, trong khi những đảng khác liên minh thành phe đối lập yêu nước. Theo đó, ông bắt đầu nhanh chóng cắm vào chính quyền những đảng viên Đại Việt với hy vọng sẽ mở rộng đảng mình xuống quần chúng nông thôn chưa được tổ chức. Mô hình thành lập “một đảng cầm quyền” này cùng với một đảng đối lập nhỏ hơn sẽ tiếp tục là một điệp khúc lặp đi lặp lại trong nền chính trị miền Nam, với những thành quả hạn chế đáng tiếc.

Biết rõ nhiều dân quê không đứng về phe Saigon, Hoàn lên kế hoạch gửi các đoàn cán bộ từ những đảng khác nhau để vận động dân quê chống Cộng. Bằng cách chọn người từ mỗi đảng, Hoàn hy vọng việc tham gia và hy sinh được chia sẻ trong các thôn ấp sẽ góp phần rèn đúc mặt trận đoàn kết của mình. Để xúc tiến chính quyền mới của mình, Khánh cũng bắt đầu kinh lý vùng nông thôn. Ông đi thăm các giáo phái, thanh sát các đơn vị quân đội, và khảo sát các ấp chiến lược còn sót lại. Việc ông đi xuống thường xuyên và thái độ thẳng thừng xông xáo của mình khiến người Mỹ như thấy ở tướng lĩnh Việt béo lùn này hình ảnh của chính mình trong gương.

Mặc dù những nỗ lực vươn xa, công luận Việt vẫn phản ứng dè dặt. Vị tướng có râu dê được xem là một người cơ hội đầy tham vọng đã loại ra một nhân vật tỏ ra là được yêu mến nhất quốc gia. Để góp sức củng cố thế đứng lừng lẫy của Khánh, vào cuối tháng 2, Harkins sử dụng chuyến đi sắp tới của mình đến Saigon cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara để thúc đẩy Khánh đưa ra một chương trình hiệu quả đánh thắng được cuộc chiến. Thủ đoạn của Harkins có hiệu quả. Sau khi nhận được đề nghị của Harkins, Khánh giới thiệu chương trình bình định hoá của mình vào ngày 22/2 bằng cách đơn giản là đổi tên chính sách quân sự và bình định của Minh từ Diên Hồng sang Chiến Thắng. Ông cũng tuyên bố giống như Minh là sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chương trình trong vòng một năm để có thể tổ chức bầu cử tiến tới  thành lập chính quyền dân sự.

Đối với việc bình định, ông cũng dự định đẩy mạnh công tác tâm lý chiến, tăng cường lực lượng địa phương quân để góp phần bảo vệ thôn ấp, và phi tập trung quyền lực chính quyền. Khánh cũng giữ lại chiến lược vết dầu loang của Minh, được người Mỹ đặt tên lại là “quét và giữ”. Như Minh, ông cũng đòi hỏi “chất lượng hơn là số lượng”. Trong thực tế, trừ  quyết định phái các cán bộ chính trị xuống làng xã, bạn tâm giao trước đây của Diệm  Dr. Wesley Fishel nhận xét rằng “những hoạt động ban đầu của chính quyền mới bao gồm một số việc đã được Minh hoạch định, nhưng chính quyền Tướng Khánh giờ hưởng công trạng.”

Gặp McNamara, Khánh trình bày sơ lược chương trình Chiến Thắng của mình. Biết rõ tình hình tồi tệ của 8 tỉnh quanh Saigon, chương trình bình định của Khánh tập trung trước tiên vào vùng đó.

Vì vậy ông ra lệnh Sư đoàn 25 chuyển từ căn cứ gốc ở Quảng Ngãi tại Quân đoàn I đến Củ Chi phía tây Saigon tại Quân đoàn III. Với việc chuyển Sư đoàn 9 và giờ Sư đoàn 25, chỉ còn 2 sư đoàn ở lại che chở vùng miền trung rộng lớn của miền Nam. Di dời hai đơn vị này làm què quặt việc kiểm soát của chính quyền ở Quân đoàn II và cuối cùng phải nhờ đến các lực lượng Đại Hàn và Hoa Kỳ thay thế chúng.

Đối với người Mỹ, sự ổn định chính trị của miền Nam vẫn là quan trọng bậc nhất. Theo lệnh từ Nhà Trắng, McNamara tìm cách bày tỏ sự hậu thuẫn vô điều kiện của Hoa Kỳ cho Khánh, dẫn đến sự kiện buồn cười khi McNamara vung hay tay lên cao cùng với Khánh và hô to một khẩu hiệu bằng tiếng Việt phát âm sai (Ông hô “Việt Nam Muôn Năm” nghe như “Vịt Non Muốn Nằm”). Dù vậy, ai cũng hiểu ra Mỹ rõ ràng đang chống lưng tướng lĩnh, nhưng nỗ lực của McNamara biểu lộ sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ bị dội ngược. Thay vì dùng sự ủng hộ này để trấn an dân chúng, Khánh lợi dụng nó để loại trừ những người Đại Việt yểm trợ mình. Khánh ký một sắc lệnh thành lập Ủy ban Bình Định Trung ương mới để giám sát công tác bình định, nhưng ông tự phong mình là chủ tịch thay vì Hoàn. Hoàn cảm thấy hoàn toàn bị tướng lĩnh phản bội vì ông ta đã hứa sẽ giao trọng trách bình định cho mình. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Hoàn chỉ là biểu lộ gần đây nhất của mối hiềm khích đang gia tăng giữa Khánh và Đại Việt. Như các sĩ quan cao cấp đồng sự, Khánh không giấu được sự khinh thị đối với các viên chức dân sự, mà ông thường gọi là “chính trị gia sa-long.” Mối quan hệ giữa Khánh và các chính trị gia dân sự trong nội các của ông đã xấu đi nhiều khi Hà Thúc Ký  có một vài quyết định đơn phương mà không hỏi ý kiến ông. Khi Ký sau đó phóng thích một số tù nhân quan trọng, được cho đã lót tay một số tiền hối lộ lớn, Khánh kịch liệt phê phán ông trong một cuộc họp nội các. Ký bất bình bắt đầu khẩn khoản các đảng viên Đại Việt khác tổng khứ Khánh. Hoàn và Huy, dù càng ngày càng cảnh giác đối với Khánh, bác bỏ mưu toan này vì ông biết Khánh nói đúng về Ký, và họ sợ một cuộc đảo chính nữa sẽ tác hại đến miền Nam ra sao.

Vào cuối tháng 2, CIA phát hiện được các chỉ dấu về âm mưu của Ký, Khánh cũng thế và thấy như vậy là quá đủ. Trong khi Huy nhận xét một cách đúng đắn rằng “các viên chức Mỹ làm việc tại Việt Nam vào thời gian đó biết rất ít về Đảng Đại Việt,” Hoa Kỳ không buồn quan tâm đến ai đang cố hất ghế Khánh, mà chỉ muốn các mưu tính phải dừng lại. Khánh có những động thái nhằm hàn gắn sự hậu thuẫn của quân đội, bao gồm tăng lương và thăng chức một vài đại tá lên tường để đổi lấy sự ủng hộ của họ. Các nỗ lực của ông được đền đáp, và vào ngày 22/3, HĐQNCM bỏ phiếu nhất trí tín nhiệm ông. Có được nền tảng chính trị vững chắc hơn, vào đầu tháng 4, Khánh “triệu tập một cuộc họp riêng với ba phó thủ tướng và bảo họ về những kế hoạch của Ký. Khánh bảo trực tiếp với Hoàn rằng “Ký nhận lời mời của tôi về làm Bộ trưởng Nội vụ. Ông ta đã dính líu vào một số xì-căng-đan và sự cố liên quan đến tiền bạc. Ông ta lại đang âm mưu lật đổ tôi. Nếu tôi không quý trọng ông và Đảng Đại Việt đến thế, thì tôi đã cho bắt giữ Ký rồi.”

Vào ngày 4/4, Ký bị buộc phải từ chức. Vào ngày 12/4, báo hiệu một sự đứt đoạn chính thức giữa ông và Đại Việt, Khánh công khai tố các “trí thức phòng trà” của Saigon chuyên ngồi ở thủ đô phê phán chính quyền mà không làm gì trong cuộc đấu tranh chống cộng. Khánh sau đó không lâu giải tán Hội đồng Nhân sĩ của Minh nhưng hứa sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trong vòng 6 tháng để soạn ra một hiến pháp mới.

Cho Hoàn ra rìa, Khánh nắm quyền kiểm soát công tác bình định. Trước tiên, ông bãi chức Lê Minh Đảo tỉnh trưởng Long An vì Đảo là đàn em của Minh. Động thái này phá hủy một trong những thế tiến công liên minh quan trọng nhất ngay khi bước đầu giành được thắng lợi. Khánh cũng gọi Trần Ngọc Châu về lại chức vụ trước đây ở Tỉnh Kiến Hòa. Châu nhân thấy rằng tình hình đã tồi tệ rất nhiều trong thời gian 8 tháng ông rời nhiệm sở. Mặc dù ông cũng tái lập lại các đội điều tra dân tình như trước đây, giành lại những vùng đất lấn chiếm của MTGP nhưng lần này khó khăn hơn nhiều. Cuộc chiến, và MTGP, đã bành trướng đầy kịch tính trong thời gian Châu vắng mặt ở Kiến Hòa.

Khiêm vạch ra kế hoạch quân sự dựa trên giả định rằng các trận tấn công của MTGP đã lên đến cực điểm và các đơn vị du kích nhỏ sẽ tháo chạy một khi binh sĩ QLVNCH bước vào trận địa. Tuy nhiên, vào cuối năm 1963, MTGP đã lớn mạnh từ những băng du kích nhỏ thành các đơn vị chủ lực trang bị hùng hậu và có quân số lớn. Sự tin tưởng của Minh và Thơ là MTGP sẽ tan rã với sự ra đi của Diệm đã chứng tỏ là sai lầm khủng khiếp. Trong khi các đơn vị MTGP trong năm 1963 thường không thể chống cự lại với lực lượng chính quy của QLVNCH, MTGP đang lặng lẽ trải qua một sự chuyển mình đầy ấn tượng. Tuyển quân vào năm 1963 đã tăng trưởng vượt trội, với hơn 24,000 tân binh được tuyển mộ vào hàng ngũ. Vào cuối năm 1963, quân số Mặt trận lên đến 70 ngàn. Quan trọng hơn, những vũ khí hạng nặng và các sĩ quan ưu tú – hầu hết là những cán bộ sinh quán miền nam được tập kết ra Bắc và nay trở về Nam – hợp quân với các đơn vị MTGP trang bị nhẹ, nhỏ gọn thành những đạo quân cỡ tiểu đoàn thiện chiến. Cuối cùng, trong khi các đồng minh biết lờ mờ về hoả lực Cộng sản đã được tăng cường, nhiều thông tín viên Tây phương lầm lẫn nghĩ rằng phần nhiều vũ khí của MTGP là do tịch thu được của miền Nam, nhưng điều đó không đúng. Từ giữa năm 1963 trở đi, những vũ khí tịch thu được chỉ là một phần nhỏ trong kho vũ khí Mặt Trận.

Những cán bộ và vũ khí mới này được lén lút chuyên chở về nam bởi các chuyến tàu miền Bắc được đóng rất giống các thuyền  máy đánh cá miền Nam. Đường Mòn Hồ Chí Minh vẫn còn trong trứng nước,  chỉ mới đến được đầu mút phía bắc của Cao nguyên Trung phần. Các chuyến tàu đi biển là giải pháp duy nhất để tiếp viện cho phân nửa phía nam của miền Nam, và con tàu đầu tiên trong những con tàu mới này bí mật cặp bến ở Châu thổ Cửu Long vào tháng 3 1963. Vào cuối năm 1963, hơn 20 chuyến đi đã vận chuyển lén lút 1,300 tấn khí tài quân sự. Được trang bị những vũ khí mới này,  với sự hỗ trợ của hàng ngàn tân binh, được các sĩ quan tài giỏi tôi luyện thêm rắn rỏi, MTGP đã sẵn sàng thay đổi chiến thuật khi những chỉ thị mới trong Nghị quyết 9 vừa từ Hà Nội đến. Trung ương Cục Miền Nam ngay lập tức truyền lệnh khắp nơi leo thang các cuộc tấn công quân sự và “tạo ra một sự chuyển biến nền tảng trong cán cân lực lượng ở miền Nam giữa phe ta và địch.. . Những trận đánh quân số đông bằng các đơn vị quân chủ lực sẽ đóng vai trò quyết định trên chiến trường.”

Do đó, khi Khánh sẵn sàng để phát động Chiến Thắng, những vụ đụng độ ác liệt bùng nổ giữa QLVNCH và lực lượng MTGP. Một trong những trận giao tranh lớn đầu tiên này chờ đón Trần Ngọc Châu. Vào giữa tháng 3, Tiểu đoàn 263 của MTGP vừa mới thành lập ở Kiến Hòa phục kích và đánh tan tác một tiểu đoàn VNCH thuộc Sư đoàn 7. Vào cuối tháng 4, MTGP đã thành lập một tiểu đoàn khác ở Kiến Hòa – một tiểu đoàn với 1500 quân xấp xỉ quân số một trung đoàn nhỏ. Châu không còn đối mặt với những đơn vị du kích nhỏ. Giờ ông đang chiến đấu với các bộ đội quân chủ lực có khả năng cầm cự với quân chính quy của QLVNCH.

Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, năm trận giao tranh ác liệt  cỡ tiểu đoàn nổ ra ở miền Nam. Tổn thất hai bên đều tăng vọt, kể cả số thương vong của Hoa Kỳ. QĐVNCH, tuy nhiên, không ẩn núp trong các doanh trại. Được sự cổ vũ của Khánh nhằm gia tăng nhịp độ tác chiến và mang chiến tranh về phía địch, vào đầu tháng 4  các đơn vị quân đội đã tiêu diệt hai căn cứ địch và gây cho chúng thương vong nặng nề. Trong khi các đồng minh đang cố xác định nguyên nhân có sự gia tăng đột biến của trận chiến, trận đụng độ dữ dội nhất bùng nổ ở Tỉnh Chương Thiện, tọa lạc ngay trung tâm Châu thổ. Vào lúc hai giờ sáng ngày 12/4, một tiểu đoàn MTGP tràn vào tiểu khu Kiên Long, trắng trợn mổ bụng quận trưởng, và bắn chết vợ và con trai cùng với các phụ tá khác.

Sau khi quân tiếp viện QĐVNCH bay đến và chiếm lại thị trấn, MTGP bố trí một tiểu đoàn thứ hai phản công, nhưng QĐVNCH thả một tiểu đoàn Nhảy Dù lên đầu địch. Lực lượng Mũ Nồi Đỏ tinh nhuệ đánh bạt quân địch, nhưng MTGP tung vào một tiểu đoàn thứ ba và chuẩn bị tấn công lần nữa. Đến lượt QĐVNCH cho một trung đoàn của Sư đoàn 21 đến tiếp viện. Trận đánh diễn ra ác liệt suốt bốn ngày và trở thành tiêu biểu cho cuộc giao tranh cấp trung đoàn đầu tiên của cuộc chiến. Khi trận đánh kết thúc, cả hai bên đều chịu tổn thất tổng cộng đến hơn 400 người chết và bị thương. Số thương vong bên MTGP trong tháng 4 là 4,687, trong đó có 2,310 người chết, số tổn thất hàng tháng cao nhất đến lúc đó. QLVNCH tổn thất 610 chết, trong khi có 6 người Mỹ bị giết trong trận đánh. Chiến Thắng đã kết thúc trước khi nó bắt đầu.

Với việc Cộng sản thay đổi trong chiến lược và tăng cường hoả lực và cấp độ quân số, thật khó đánh giá liệu QLVNCH thời Diệm có đánh đấm giỏi hơn thời Minh hoặc Khánh không. Quyết tâm của Hà Nội mở rộng nỗ lực xâm nhập tạo điều kiện cho việc thành lập các đơn vị cấp tiểu đoàn ngay sau khi hai vụ đảo chính làm rúng động tính thần đấu tranh và sự ổn định về mặt tổ chức của miền Nam. Trong những tình huống này, Bộ Chính trị và lãnh đạo MTGP phía nam xem cái chết của Diệm như một cơ hội để đạt đến thắng lợi hoàn toàn, không phải là một cơ hội để tiến tới hòa bình.

LÀO VÀ CAO MIÊN

Trong khi lặng lẽ vận động phía sau hậu trường để lật đổ quyền lực chính trị của Hoàn và Đại Việt, Khánh vẫn duy trì gắn bó với chính sách của Minh nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao. Ưu tiên cho chính sách ngoại giao hàng đầu là bảo đảm một mặt trận đoàn kết với Cao Miên và Lào để loại bỏ vùng căn cứ của MTGP đóng ở Cao Miên và ngăn chặn sự xâm nhập từ VNDCCH qua ngõ Lào. Ông tin tưởng rằng chìa khóa mở đến thắng lợi là các lực lượng chống cộng phải chiếm đóng nam Lào và phong tỏa các đường tiếp tế của địch. Động thái chính trị ngoại giao đầu tiên của Khánh, cũng không khác Minh trước ông, là nỗ lực loại bỏ các căn cứ hậu cần của Cộng sản ở Cao Miên.

Vài ngày sau vụ đảo chính của Khánh, Sihanouk tiếp tục yêu cầu mở hội nghị kiểu Geneva cho Cao Miên. Được De Gaulle hoàn toàn ủng hộ, ông hoàng phấn khích yêu cầu Hoa Kỳ thảo luận về vấn đề biên giới, trung lập, và những vấn đề cấp bách khác. Khánh chỉ thị cho Ngoại trường Phan Huy Quát báo tin cho Hoa Kỳ rằng Saigon không thể chấp nhận tính trung lập của Cao Miên.

Thảm họa Lào còn lù lù trong thế giới quan của miền Nam. Với tính không khoan nhượng của Khánh và việc người Mỹ chống đối những nỗ lực của Pháp nhằm trung lập hóa Đông Dương, Hoa Kỳ không chấp nhận các yêu sách của Sihanouk.  Bộ trưởng Quốc phòng Dean Rusk báo tin cho đại sứ Hoa Kỳ tại Cao Miên rằng

sự cam kết của chúng ta tại Việt Nam quá lớn lao nên chúng ta phải xem xét những hành động khác của chúng ta ở Đông Nam Á dưới ánh sáng tác động của chúng đối với việc đạt được các mục tiêu của chúng ta ở Việt Nam… Một hội nghị nhằm quốc tế hóa sự trung lập của Cao Miên trong đôi mắt người miền Nam sẽ là bước hai (bước một là Lào) để cuối cùng trung lập hóa hoàn toàn Đông Dương. Nếu Hoa Kỳ ủng hộ điều này, thế thì ý chí chiến đấu của người miền Nam sẽ sút giảm. Chúng ta sẽ đối mặt ở Việt Nam giải pháp rút quân thay vì đổ quân ồ ạt, hoặc chính chúng ta đồng ý với một hình thức trung lập hóa nào đó.

 Khi các đồng minh bác bỏ điều kiện của Sihanouk cho cuộc hội nghị, ông hoàng phản ứng với chiến thuật vườn không nhà trống điển hình của mình. Vào ngày 9/3, ông công khai đổ lỗi cho họ gây ra sự bế tắc. Thật đáng ca ngợi, Khánh không phản ứng tiêu cực mà thay vào đấy thông báo mình vẫn mong muốn gửi một phái đoàn đến Nam Vang. Sihanouk đồng ý tiếp nhận. Vào ngày 18/3, một phái đoàn chính phủ miền Nam do Chuẩn tướng Huỳnh Văn Cao dẫn đầu đáp xuống Nam Vang bắt đầu thương thảo những vấn đề khác nhau giữa hai xứ.

Dường như số phận đã an bài, ngày hôm sau một đơn vị miền Nam khi đang truy kích ráo riết các du kích quân Mặt trận đã vượt biên giới Cao Miên và xông vào một ngôi làng. Binh lính rút lui ngay sau đó, nhưng các máy bay miền Nam đã xuất hiện và ném bom ngôi làng, giết chết 17 người. Khánh gửi lời xin lỗi, và Cao đến thăm ngôi làng và trao tiền bồi thường, nhưng có những thiệt hại không thể cứu vãn được. Phái đoàn Cao bỏ ra 5 ngày để xoa dịu những đầu óc  khích động thay vì giải quyết những vấn đề biên giới gây tranh cãi. Sihanouk, như thường lệ, đổ thêm dầu vào lửa kêu gọi Pháp chủ trì ngay hội nghị kiểu Geneva khác. Lời yêu cầu của ông khéo léo buộc Washington lẫn Saigon phải hành động.

Khánh vẫn bình tĩnh và đáp ứng bằng cách mời một phái đoàn Cao Miên đến Saigon. Rồi vào ngày 6/4 ông đưa ra đề nghị là hai xứ tổ chức hội nghị để tháo luận về các giải pháp. Sihanouk không nhận lời mời chào lặp đi lặp lại.

Trong khi đó, Khánh cũng bí mật ve vãn các tướng Lào hữu khuynh, và ở đây ông đạt được một số tiến bộ. Nền chính trị Lào là một thế cân bằng giữa Pathet Lào Cộng sản, những người trung lập, và cánh hữu do Tướng Phoumi Nosavan cầm đầu. Vào ngày 14/3, Khánh bí mật gặp Phoumi ở Đà Lạt. Theo CIA, Phoumi đồng ý cho phép các phi cơ của Không lực Việt Nam đánh bom các căn cứ Cộng sản dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh và cho phép các lực lượng QLVNCH truy kích xuyên qua biên giới. Đổi lại, Khánh sẽ tái lập quan hệ ngoại giao với Lào và bổ nhiệm một đại sứ mới.

Vào ngày 18/3, không lâu sau khi phái đoàn của ông đã khởi hành đến Nam Vang, Khánh tuyên bố về sáng kiến ba quốc gia. Vì Diệm đã phá vỡ mối quan hệ qua việc Lào công nhận VNDCCH, Khánh đưa ra đề nghị tái lập quan hệ ngoại giao với Lào. Đây là việc rời khỏi chủ yếu chính sách từ lâu của Chính quyền miền Nam. Saigon trước đây đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với bất kỳ xứ sở nào công nhận VNDCCH. Dù vậy, Lào quá quan trọng, và Khánh tạo một ngoại lệ vì muốn ngăn dòng chảy người và vật tư dọc theo đường mòn.

Lào chấp nhận nhánh ô-liu của Khánh, và vào cuối tháng 3 mối quan hệ ngoại giao giữa hai xứ được phục hồi. Chẳng bao lâu, các sĩ quan QLVNCH bí mật hợp tác với các đơn vị Lào bắt đầu tấn công các phần tử Cộng sản vận chuyển quân dụng vào miền Nam. Tuy nhiên, vào đầu tháng 4 khi báo chí tiết lộ ra việc dàn xếp dấu giếm này, Phoumi buộc phải từ chối lời mời làm đồng minh quân sự do tính trung lập được quy định bởi hiệp ước Geneva 1962. Phoumi đã hành động tùy tiện theo ý mình mà không nhận được phép từ chính quyền mình.

Vậy mà dù khước từ công khai, vào ngày 8/4, các phụ tá của Phoumi vào Saigon yêu cầu được Saigon tăng cường yểm trợ. Lý do thực sự thì đáng ngại hơn việc loại bỏ Đường Mòn Hồ Chí Minh. Phoumi muốn noi gương Khánh đảo chính. tướng lĩnh Lào tìm cách đoàn kết phe Lào chống cộng chống lại Pathet Lào không khác kiểu Khánh được cho là đã đoàn kết người Quốc gia miền Nam. Khánh nhìn nhận trong một buổi phỏng vấn hậu chiến là mình đã lén lút hậu thuẫn kế hoạch đảo chính của Phoumi, một hành động bị ngờ vực lúc đó nhưng chưa hề được khẳng định. Ông xác nhận rằng “chúng tôi có thể lật đổ (các nhà lãnh đạo Lào) Souvanna Phouma và Kong Le để thay thế họ bằng Tướng Phoumi… Khi Phoumi xuống viếng thăm Saigon, ông ký với tôi một hiệp ước – tại thời điểm ấy, tôi là Thủ tướng –  một hiệp ước ngoại giao với chúng tôi cho phép và yêu cầu sự yểm trợ của QLVNCH giúp họ phòng thủ Cao nguyên Bolovens. Đây là một hành động ngoại giao, không chỉ là việc gọi quân đến. Đây là yêu cầu của Lào.”

Vào ngày 20/4, binh sĩ Phoumi tiến hành cuộc đảo chính. Hoa Kỳ ngay lập tức lên án hành động đó và yêu cầu Souvanna Phouma trở lại chức vụ. Trong vòng hai ngày, cú đảo chính sụp đổ, Phoumi bị thất thế, và Lào lại duy trì tính trung lập. Khi Sihanouk cũng quay lưng lại Saigon, thì kế hoạch chủ chốt của Khánh nhằm tạo ra một mặt trận chống cộng cũng thành gạch vụn. Không thể loại trừ sự hậu thuẫn MTGP từ bên ngoài và với sự leo thang các trận tấn công cấp tiểu đoàn, Khánh đề xuất một cách tuyệt vọng việc tấn công ra Miền Bắc coi như là phương cách duy nhất để đánh bại cuộc nổi dậy đang lên cao. Ông cũng tìm cách đoàn kết với Phật tử góp sức ngăn chận lại làn sóng Cộng sản. Khi những nỗ lực đó thất bại, và với thế giới chính trị của mình đang tan rã, Khánh làm chính xác những gì mình đã tố cáo Kim và những người khác đã làm: ông tìm kiếm hoà bình với MTGP.

https://www.kbchntv.com/47733/guom-da-tuot-ra-noi-mien-dat-xa-xoi-nhung-uoc-mo-tan-vo-cua-mien-nam-phan-4/index.html (Phần 4)

https://www.kbchntv.com/47863/guom-da-tuot-ra-noi-mien-dat-xa-xoi-nhung-uoc-mo-tan-vo-cua-mien-nam-phan-6/index.html (Phần 6)